Cuộc chiến cờ vây trên biển Hoa Đông

16 Tháng Mười Hai 201412:00 SA(Xem: 11820)
“NHẬT BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ TƯ 17 DEC 2014


RFI 14-12-2014 17:41

Cuộc chiến cờ vây trên biển Hoa Đông

Trọng Thành

 4

Ishagaki, đảo Nhật Bản nằm sát nhất vùng biển tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông..Ảnh : Wikipedia

Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên Biển Hoa Đông tiếp diễn bất chấp một cử chỉ xuống thang giữa Chủ tịch Trung Quốc và Thủ tướng Nhật hồi đầu tháng 11/2014. Phóng viên Le Figaro có mặt trực tiếp trên một tàu tuần duyên mà Nhật Bản vừa hạ thủy đầu tháng 12, chuyển đến công chúng nhiều chi tiết sống động về không khí tại chỗ.

« Kabira », chiếc tàu lớn của lực lượng tuần duyên Nhật Bản vừa hạ thủy ngày 03/12. Dài hơn 96 mét, với trọng tải 1.500 tấn, tàu có trang bị súng máy và một sân bay trực thăng. Kabira là chiếc tàu thứ tư loại này được bổ sung cho đội tàu tuần tiễu xung quanh quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, nhằm ngăn chặn sự lấn lướt của các tàu Trung Quốc. Từ đây đến năm 2016, lực lượng Nhật tại khu vực này có kế hoạch nhận thêm 10 tàu nữa. Mục tiêu của Nhật là thường xuyên triển khai một số lượng tàu đông hơn phía Trung Quốc để không bị mất quyền kiểm soát khu vực.

Theo người phát ngôn của tuần duyên Nhật, chiến thuật của phía Nhật là ngăn chặn đường đi của tàu Trung Quốc, buộc tàu Trung Quốc phải bật ra khỏi khu vực này, nhưng đồng thời để tránh mọi va chạm trực tiếp, tàu Nhật luôn giữ khoảng cách khoảng 10 mét. Bằng loa và đài, tuần duyên Nhật liên tục đưa ra các cảnh cáo, nhưng phía Trung Quốc không bao giờ trả lời.

Tuần duyên Nhật Bản rất thận trọng trước Trung Quốc. Nếu như hồi năm ngoái, Nhật đã dùng vòi rồng hay dùng tàu kẹp tàu, để chống lại những người đòi chủ quyền đến từ Đài Loan, thì đối với Trung Quốc, Nhật lại hết sức dè dặt, để tránh Bắc Kinh lấy cớ leo thang. Thuyền trưởng tàu Kabira khẳng định : « Chúng tôi không biết họ nghĩ gì ». Năm 2010, đụng độ với một tàu cá Trung Quốc và việc viên thuyền trưởng bị bắt giữ đã làm bùng lên một cuộc « khủng hoảng ngoại giao » giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Thái độ thận trọng của tuần duyên Nhật không nhận được sự đồng thuận từ phía 48.000 cư dân đảo Ishigaki, những người « đứng ở tuyến đầu chống lại sức mạnh gia tăng của Trung Quốc ». Ngư dân Ishigaki đánh bắt hải sản xung quanh Senkaku thường xuyên bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu. Thị trưởng Ishagaki kêu gọi phát triển cảng biển và các cơ sở hạ tầng, và nhờ thế khẳng định chủ quyền của Nhật. Tuy nhiên, đây là điều đi ngược lại chính sách của Nhật cho đến nay. Lãnh đạo đảo Ishigaki khẳng định « điều sai lầm là chờ Trung Quốc, và mang lại cho Bắc Kinh một cái cớ để triển khai hạm đội tại khu vực này ».

Về triển vọng xuống thang căng thẳng Nhật – Trung, sau « cái bắt tay cho dù vẫn còn lạnh giá » của Tập Cận Bình với Shinzo Abe, các thành viên tuần duyên Nhật Bản nhận thấy trên thực tế không có gì thay đổi trên mặt biển. Đọ sức hàng ngày vẫn tiếp diễn cách xa các ống kính camera.