Kinh tế VN: "một đất nước quản lý bởi một hệ thống suy tư của một chủ nghĩa Marxism-Leninism" (*)

13 Tháng Bảy 20209:11 SA(Xem: 6431)

VĂN HÓA ONLINE - VIỆT NAM - THỨ HAI 13 JULY 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Kinh tế VN: "một đất nước quản lý bởi một hệ thống suy tư của một chủ nghĩa Marxism-Leninism" (*)


Kinh tế VN: 'Hậu Covid-19 chỉ là triệu chứng, phải đổi mới về nền tảng'


Quốc Phương BBC 11/7/2020

image011

Bản quyền hình ảnh NHAC NGUYEN/Getty Images Image caption Ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc đang là các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam


Thị trường Việt Nam trên thế giới bắt đầu hẹp lại và có rất nhiều việc mà đất nước với khoảng 97 triệu dân cần phải làm để đương đầu với những khó khăn trong giai đoạn hậu Covid-2019, theo một chuyên gia kinh tế từ trong nước.


Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 10/7/2020, kinh tế gia Bùi Kiến Thành, cựu cố vấn của lãnh đạo chính phủ Việt Nam qua nhiều giai đoạn, nói:


"Có thể thấy là thị trường của Việt Nam trên thế giới đang teo hẹp lại, do những ảnh hưởng tai hại kinh khủng của Covid-19, các hoạt động trong nền kinh tế chậm lại, mặc dù Việt Nam đối mặt với đại dịch bệnh này khá tốt và tinh thần khá vững và kinh tế tăng trưởng vẫn tương đối tốt, dù năm nay không bằng những năm trước.


"Song rõ ràng là đã có những ảnh hưởng đáng kể trong lĩnh vực việc làm và trong trước mắt, những hoạt động liên hệ tới du lịch, thì bị ảnh hưởng khá nặng, vấn đề nghỉ dưỡng (holiday) cũng gặp nhiều khó khăn, về mảng đó Việt Nam cần có thời gian mới phục hồi lại được.


"Còn về vấn đề sản xuất, kinh doanh, mặt khác, tương đối còn cũng khá về tiềm năng, các tập đoàn kinh tế lớn mà muốn rút ra khỏi Trung Quốc cũng đang lựa nơi để phát triển sản xuất ngoài Trung Quốc, tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng có thể đón được một phần khá tốt những khả năng đầu tư ấy.


"Nhưng miễn là Việt Nam phải tổ chức làm sao mà về vấn đề cơ chế, về vấn đề lao động, đáp ứng được nhu cầu, thì có lẽ là trong những năm tới này, nhìn ra dài hạn, Việt Nam có thể phát triển khá về vấn đề đầu tư nước ngoài trong những công nghệ tương đối cao để đáp ứng chuỗi công ứng của thế giới, thay thế một phần nào những sản phẩm từ Trung Quốc, cũng như chủ động, hiệu quả hơn trong một số lĩnh vực kinh tế, thương mại mà một số nước ở quốc tế, khu vực đang làm, đang tái cấu trúc mà được coi như là giảm tải sự lệ thuộc chưa hợp lý lâu nay nào đó vào kinh tế, công xưởng, thị trường Trung Quốc…"


Bắt mạch thấy gì?


image012


Bản quyền hình ảnh Reuters Image caption Việt Nam được khen vì thành công chống Covid-19


Trước câu hỏi, tại thời điểm này, nếu 'chụp X-quang', 'bắt mạch' nền kinh tế của Việt Nam, thì có thể nhận ra được vấn đề, điểm mạnh, yếu quan trọng hay then chốt nhất là gì, ngoài những yếu tố thể hiện ra bên ngoài có tính triệu chứng, hay hiện tượng, kinh tế gia Bùi Kiến Thành nói:


"Điểm mạnh thì phải nói là Việt Nam có một dân số năng động mà có thể nói là có khả năng tiếp thu các công nghệ, kỹ thuật mới trên thế giới một cách nhanh chóng, thì đấy là một điểm mạnh nằm ở nơi mà toàn dân Việt Nam có được sức mạnh đấy, một tiềm năng có thể phát triển được.


"Nhưng cái yếu là quản lý nhà nước, tôi sẽ nói rõ thêm, vẫn còn ở trong một khung cảnh của lý luận Marxism, mà chưa ra khỏi được và hiện nay vẫn còn rất khó khăn, vì trong tất cả những trường Đảng, trong tất cả những hội thảo trong nước, cả trong những vấn đề quản lý cán bộ, vẫn nhắc đi nhắc lại là Việt Nam là một đất nước quản lý bởi một hệ thống suy tư của một chủ nghĩa Marxism-Leninism. Cái đấy là cái mà làm cho Việt Nam bị chùn chân rất là nhiều.


"Còn ngoài ra nữa, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có được một hệ thống ngân hàng, một hệ thống tín dụng lành mạnh, phù hợp, tôi vẫn luôn nhắc là Việt Nam vẫn chưa có được một Ngân hàng Trung ương đúng theo trách nhiệm và quyền hạn của một Ngân hàng Trung ương.


"Việt Nam chưa thực sự có được một đội ngũ chuyên gia mạnh về Ngân hàng Trung ương mà mới chỉ học nơi này, nơi nọ một chút ít năng lực về ngân hàng thương mại, thì cái đấy là cái rất là nguy hiểm cho và khi một đất nước đang phát triển, cố cất cánh mà không có một Ngân hàng Trung ương phù hợp.


"Đó là điều mà Việt Nam cần đặc biệt lưu ý, nhưng ngoài ra, trên tất cả những chuyện ấy, một vấn đề mà nhà nước cũng đã nêu nhiều lần, Tổng Bí thư đảng cộng sản cũng nêu ra nhiều lần, là Việt Nam phải giải quyết cho xong vấn đề làm sao diệt trừ được hối lộ, tiêu cực, cái ấy Việt Nam còn đang đắm vào trong vấn đề tiêu cực, hối lộ, tham nhũng đó, những cái làm yếu sức mạnh kinh tế, quốc dân, và chưa vượt ra khỏi được


"Ngày nào mà không vượt ra được, thì ngày ấy Việt Nam vẫn còn phải giẫm chân đắm ở dưới bùn và con Rồng Việt Nam không thể bay lên được, bởi vì nó bị trói chân, bó cánh trĩu nặng bởi những gánh nặng về vấn đề chi phí và không phù hợp, do những tổn hại về tiêu cực, lãng phí gây ra."


Nút thắt chính là gì?


Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, đó là một điểm tiềm năng tốt, nhưng còn có điều kiện nữa mà nước này cần đáp ứng, ông nói:


"Việt Nam cần phải làm được việc là tự mình chủ động phát triển, đồng thời phải thay đổi, kiện toàn cơ chế quản lý nhà nước cho phù hợp, cái đó theo tôi là điểm khó khăn nhất của Việt Nam, khó nhất là tự hoàn thiện mình, tự thay đổi.


"Đó là điểm mà xuất phát từ một nước xã hội chủ nghĩa, xuất phát từ một nền kinh tế tập trung, từ một nguồn nhân lực không được đào tạo trong nôi của nền kinh tế thị trường, thì 30 năm nay vẫn tồn đọng lại khó khăn về chuyển đổi, cải cách thể chế kinh tế, xã hội, thị trường, ngoài ra tồn đọng khó khăn trong vấn đề đào tạo lại nhân lực.


"Như thế và cho nên là cái quan trọng đối với Việt Nam là hướng về nền kinh tế thị trường như thế nào, hướng về quản lý nhà nước minh bạch như thế nào, thì cái đó là Việt Nam còn đang và sẽ phải cố gắng rất là nhiều."


Về khía cạnh đổi mới thể chế và tư duy, làm sao cởi được những 'nút thắt' nếu có, ông Bùi Kiến Thành nói:


"Đây là vấn đề hết sức quan trọng, về mặt tư duy, Việt Nam chưa hoàn toàn hoạt động trong kinh tế thị trường, mà mới chỉ vận hành theo kinh tế thị trường thì vậy là chưa đủ, bằng chứng và cho nên là Việt Nam vẫn đi ra nước ngoài yêu cầu các nước, các cường quốc hãy công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.


image013


Bản quyền hình ảnh Reuters Image caption Việt Nam hưởng một số lợi ích vì thương chiến Mỹ - Trung


"Nhưng tự Việt Nam cũng chưa đã thực sự là một nền kinh tế thị trường, mà mới bập bẹ đi học theo cách vận hành theo kinh tế thị trường, thì đấy là điều đáng quan tâm về mặt cơ chế, thể chế mà Việt Nam cần phải có những tư duy mạnh mẽ hơn.


"Các vị quản lý nhà nước phải giải tỏa ám ảnh của những học thuyết cũ kỹ và phải ra khỏi những cái đấy hầu đi vào trong nền kinh tế thị trường một cách mạnh dạn hơn, thì đó là điều Việt Nam hiện còn chưa làm được, vẫn còn rất là chậm tiến về việc ấy.


"Cho nên khó khăn chính yếu là ở trong chỗ tư duy vấn đề một nền kinh tế thị trường chưa thực sự phát triển, từ đó đưa tới chỗ là cơ chế tổ chức vẫn còn luộm thuộm trong hệ thống quản lý nhà nước cũ còn tồn đọng lại.


"Vì vậy hệ thống quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay chưa phải là một hệ thống của một nền kinh tế thị trường mà vẫn còn dư âm, dư vang lại cách thức làm việc cũ rất là khó cho doanh nghiệp hoạt động, đấy là một điểm mà doanh nghiệp đã nhiều lần họp với chính phủ và nói mà Thủ tướng đã nhiều lần phát biểu rằng sắp tới Việt Nam sẽ cố gắng nhiều hơn nữa.


"Nhưng cố gắng như đã thấy là chưa đủ mà phải làm sao đưa Việt Nam từ một nền kinh tế tập trung qua hẳn nền kinh tế thị trường cùng với hệ thống quản lý nhà nước phù hợp, là cái mà Việt Nam tôi nghĩ còn phải cố gắng phấn đấu rất nhiều," ông Bùi Kiến Thành nói với BBC News Tiếng Việt hôm 10/7 từ Hội An.


Mời quý vị đón theo dõi tới đây một chia sẻ đặc biệt của Kinh tế gia Bùi Kiến Thành, người từng có những hoạt động cố vấn chiến lược và đổi mới cho chính phủ và nhà nước Việt Nam trên các lĩnh vực từ kinh tế, tài chính, ngân hàng cho tới tái thiết bang giao với Hoa Kỳ, nhân dịp đánh dấu và nhìn lại 25 năm thiết lập quan hệ bang giao Việt - Mỹ thời kỳ hậu chiến.