Canh bạc Biển Đông: "Chiến lược diệu pháp" của Mỹ, "Chiến thuật dọa nạt" của Tầu; VN đứng ở đâu?

05 Tháng Tám 20209:05 SA(Xem: 3716)

VĂN HÓA ONLINE - ĐIỂM NÓNG A - THỨ TƯ 05 AUG 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Hậu ASEAN-36


Canh bạc Biển Đông: "Chiến lược diệu pháp" của Mỹ, "Chiến thuật dọa nạt" của Tầu; VN đứng ở đâu?


image002

Lý Kiến Trúc

VĂN HÓA ONLINE

CALIFORNIA

05/8/2020

Kỳ 1


Long vỹ Xà đầu khởi chiến tranh.

Xuất Chiêu Chiến Hạm Nộ Kình Ngư,

Thủy Chiến Phong Ba Mãn Đình Hồng.


image003

Ảnh có tính minh họa. (Getty Images)


Trong luồng thông tin Việt ngữ và Anh ngữ cuối tháng Bẩy vừa qua, theo nhận xét thiển ý của chúng tôi, có bốn nhận định của các học giả, nhà báo, tập chú vào vấn đề biển Nam Trung Hoa (South China Sea - VN gọi là Biển Đông).


Bài trả lời phỏng vấn của cựu Tướng 3 sao CSVN Võ Tiến Trung trên Dân Việt (1), nhà báo/nhà nghiên cứu Koh Swee Lean Collin trên RFI, Pháp Luật và The Diplomat Magazine (2), bài bình luận của nhà báo Ngô Nhân Dụng trên VOA (3), bài nói chuyện của nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa trên Youtube mục Giải Ảo Thời Sự (4); lần lượt chúng tôi xin đề cập về các nhận định liên quan đến bài viết này.


image004

Ảnh từ trái: Collin Koh, Võ Tiến Trung, Ngô Nhân Dụng, Nguyễn Xuân Nghĩa / Getty Images.


Tướng 3 sao CSVN Võ Tiến Trung trên Dân Việt


Trả lởi phỏng vấn của báo DÂN VIỆT ngày 08/07/2020, ông Trung nói: 


- Mỹ đến khu vực Biển Đông trước hết họ muốn khẳng định vị trí siêu cường số 1 về quân sự, kinh tế, không để cho Trung Quốc trỗi dậy, đe dọa đến vai trò của Mỹ.


- Hành động của Mỹ nhằm "dằn mặt" Trung Quốc, khẳng định tầm ảnh hưởng của Mỹ với thế giới nhưng nó cũng trùng với việc chúng ta đang phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền của nước ta.


- Mỹ đến Biển Đông và có hành động với Trung Quốc là vì mục đích của họ, không phải đơn thuần để giúp đỡ Việt Nam hay các nước ASEAN trong việc bảo vệ chủ quyền. Hành động của Mỹ và Trung Quốc chỉ mang tính "diễu võ giương oai", bởi họ là hai nước lớn, nếu xảy ra xung đột thì trước hết là thảm họa cho hai dân tộc, thảm họa cho toàn khu vực và thế giới. Cả Mỹ và Trung Quốc đều rất rõ điều này, chính vì thế trong các hành động họ đều có tính toán kỹ lưỡng, việc tập trận vừa qua và các tuyên bố của quan chức hai bên để "dằn mặt" lẫn nhau.


- Các nước bị xâm phạm chủ quyền, muốn phản đối bên nào cũng khó. Có thể thấy đây là vấn đề khó xử trong mối quan hệ quốc tế khi lợi ích và các vấn đề có tính đan xen.


- Vấn đề thứ hai, nói hành động của hai "ông lớn" là "diễu võ giương oai" nhưng không biết rủi ro của hành động này sẽ thế nào, chỉ cần sơ suất một chút là dẫn tới đụng độ.


Nội hàm nhận định của ông tướng Trung là hành động của Mỹ và Trung cộng chỉ là "diễu võ giương oai""dằn mặt" lẫn nhau, có nghĩa là Mỹ và Tầu sẽ không đánh nhau đâu, nhưng không biết rủi ro của hành động này sẽ thế nào, chỉ cần sơ suất một chút là dẫn tới đụng độ.


Sẽ có đụng độ  hay không đụng độ? Đụng độ ở đây được hiểu là nổ súng, chìm tàu, lính chết, bùng nổ chiến tranh? Nhưng lính phe nào (có thể do buồn ngủ, thần kinh căng thẳng, hay vì sự cố nào đó, vụ này người viết xin bàn sau).


Nhận định về thái độ của Việt Nam khó xử trong mối quan hệ quốc tế , ý họ Võ muốn nói về quan hệ, quan điểm của Việt Nam đối với hai cường quốc Mỹ - Tầu. Dẫn lại hai điểm tuyên bố của ông Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc tại ASEAN-36: một, ASEAN khẳng định cần nối lại đàm phán COC trên Biển Đông, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố DOC và đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Luật biển UNCLOS 1982, hai, chắc chắn không muốn phải chọn bên nào.


Rõ ràng, một, ông Trung diễn giải thêm lời của ông thủ tướng Phúc việc muốn phản đối bên nào cũng khó, hàm ý rằng Việt Nam không phản đối ai cả (Mỹ và Tầu), nhưng ông Trung đồng thuận với  Bộ chính trị CS VN theo đuổi tiến trình đàm phán COC với Bắc Kinh, hai, chắc chắn không muốn phải chọn bên nào, ẩn ngữ của không muốn phải chọn có nghĩa là Việt Nam sẽ tự nguyện chọn Bắc Kinh để có lợi về địa chính trị, có lợi về sự nghiệp chuyên chế của đảng cộng sản anh em, và sẽ tự nguyện chọn Hoa Thịnh Đốn để có lợi về giao lưu thương mại, giáo dục, đầu tư hai chiều, viện trợ đa diện, bồi thường hậu chiến tranh, nói trắng ra là có lợi "moi" được đôla càng nhiều càng tốt; tuy nhiên, vẫn dựa vào khả năng vượt trội vể hải không quân của Mỹ hiện diện với tư cách là một lực lượng cân bằng ngoài khơi Biển Đông.


Tựu chung, phát biểu của ông Võ Tiến Trung làm sáng tỏ thêm lập trường và quan điểm của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Nhưng ông Trung xúi quẩy, không chọn giờ hoàng đạo để phát biểu, ông bị phản biện "dũa" tơi bời, dân Nam bộ nói là ông bị "bề hội đồng". Xui tận mạng.


image001

Koh Swee Lean Collin trên BBC, RFI, Pháp Luật và The Diplomate


Trả lời phỏng vấn của Mỹ Hằng/BBC ngày 10/7/2020, Tiến sĩ Collin Koh nói: BBC: Trong bài viết gần đây trên SCMP, ông đề xuất rằng ASEAN nên xem xét lại phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016 [trong vụ Philippines kiện TQ về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông) thay vì nhấn mạnh quá mức vào Công ước Luật Biển Quốc tế (UNCLOS). Tuy nhiên, phán quyết 2016 lại không ràng buộc về mặt pháp lý. Vậy thì ông có nghĩ rằng TQ sẽ bận tâm hoặc sẽ cải thiện hành vi của họ nếu các nước ASEAN làm theo đề xuất của ông?


Collin Koh: "Phán quyết này có giá trị ràng buộc đối với các bên liên quan. Mặc dù tất nhiên cũng như nhiều công cụ [phân xử] quốc tế, có rất ít biện pháp để thực thi mà chủ yếu phụ thuộc vào các bên liên quan nhấn mạnh và chứng thực nó như thế nào.


"Lý do tại sao tôi đặc biệt nêu ra phán quyết năm 2016 là vì điều này: Bản thân UNCLOS là một công cụ mơ hồ. Bởi lẽ nó là sản phẩm của một thời kỳ đàm phán gian khổ giữa rất nhiều chính phủ trong Chiến tranh Lạnh, và nó phải đạt được cân bằng về lợi ích giữa các quốc gia có bờ biển và hoạt động hàng hải.


"Do đó, việc đề cập chung chung về UNCLOS trong các tuyên bố của ASEAN gần như không mang lại hiệu quả gì để giải quyết tranh chấp. Sự mơ hồ của UNCLOS mở ra cánh cửa cho những cách hiểu khác nhau - và đôi khi là sự xung đột - giữa các nước, liên quan đến các quy định trong công ước."


VHO THÊM: Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), gồm các điều lệ thỏa thuận về luật hàng hải trong đó có chữ ký của Trung cộng ký vào năm 1982,  có hiệu lực vào tháng 11 năm 1994, tạo thành cơ sở hiện hành trong các tranh chấp ở Biển Đông (UNCLOS, 2016). Rất lâu trước khi Luật Pháp Hàng Hải Quốc Tế được công nhận và trong suốt phần lớn lịch sử tiền hiện đại, biển nam Trung Hoa (tên ghi trên Google map, nhiều nghiên cứu cho danh xưng này sai lầm), vùng biển này đã đóng một vai trò quan trọng như một giao điểm của lịch sử là một tuyến đường chính cho kết nối thương mại quan trọng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, châu Âu, và Trung Đông (Swanson, 1982).


image005

Ảnh minh họa: Yêu sách lưỡi bò 9 đoạn của Trung cộng tự vẽ. Nguồn: Journal of Law and International Affairs.


"Quan trọng hơn là, phán quyết năm 2016 đã làm rõ tính hợp lệ hay không của yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc, và đáng chú ý là tình trạng pháp lý và các quyền lợi hàng hải liên quan đến các thực thể trên đất liền.


"Do đó, phán quyết năm 2016 nên được ASEAN nhấn mạnh như là một hành động pháp lý và là cơ sở hữu ích để giải quyết tranh chấp. Cố tình không đề cập đến phán quyết này, trong khi không nói quá về tầm quan trọng của nó, giống như làm suy yếu chính UNCLOS và mở ra cánh cửa cho Trung Quốc tiếp tục bỏ qua các quy tắc đó và tiếp tục những gì mà họ đang theo đuổi theo chính sách của riêng họ.


"Thay vì vô tình hỗ trợ cho các yêu sách chủ quyền mơ hồ của Trung Quốc và các cơ sở pháp lý mà họ muốn dùng để giải quyết các tranh chấp, một sự ủng hộ toàn diện của cả ASEAN cho phán quyết năm 2016 sẽ đặt dấu chấm hết cho sự mơ hồ này, và giúp các quốc gia ASEAN có vị thế vững vàng hơn trước Trung Quốc."


Báo đài RFI trích phát biểu của Tiến sĩ Collin Koh ngày 27/07/2020, nói:  "Đã đến lúc ASEAN phải tự mình đứng lên bảo vệ̣i ích của chính mình, kể cả khi các thành viên chọn đứng xa cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung. Để tiến bước, ASEAN cần có một lập trường thuần nhất hơn về Bộ Quy Tắc Ứng xử ở Biển Đông. Một ASEAN chủ động và năng nổ hơn sẽ đứng ra gánh vác trách nhiệm giải quyết chứ không đi theo sự lãnh đạo của những tác nhân lớn ở Biển Đông, dù đó là Trung Quốc hay Hoa Kỳ."


Tựu chung, chuyên gia Collin Koh nhấn mạnh đến Phán quyết ngày 13/7/2016 của tòa trọng tài thườg trực PCA La Haye phải được ASEAN, đặc biệt là Việt Nam không nên cố tình lờ đi phán quyết PCA mà nên theo gương Indonesia, Philippine, Malaysia và Brunei.


Báo Pháp Luật/ bài viết của Đỗ Thiện ngày 02/8/2020 có tít lớn: Biển Đông: Cần sớm gỡ 'quả bom' nào của Trung Quốc?


"Dẫn lời ông Bill Hayton nói với The Diplomat. (PLO)- Trên thực địa, Trung Quốc đưa máy bay ném bom tập trận, nhưng nguy hiểm nhất là “quả bom” mà Bắc Kinh đang cài ở UNCLOS nhằm phá hủy trật tự luật pháp quốc tế.


"TQ đặt ra chính là quả bom được cài đặt ở hệ thống luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Trong bài phỏng vấn trả lời Tạp chí The Diplomat hôm 1-8, chuyên gia Biển Đông Bill Hayton nhận định TQ đang cố gắng tuyên bố rằng ngư dân và các đơn vị thăm dò dầu mỏ của họ được hưởng quyền hạn vượt quá những gì UNCLOS quy định. Nói cách khác, theo Bill Hayton, phía TQ chỉ dựa vào cách diễn dịch cái gọi là “quyền lịch sử” vốn chỉ đề cao dân tộc tính TQ mà không hề có bằng chứng.


"Nếu để tình trạng này thắng thế, nó sẽ tạo cơ hội cho TQ (và có thể các quốc gia khác dựa vào tiền lệ của TQ) thoải mái khai thác các nguồn tài nguyên nằm bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ. Điều đó giống như việc đặt một quả bom vào UNCLOS, phá vỡ một phần then chốt của trật tự hàng hải quốc tế. Nói một cách dễ hiểu, dựa vào tuyên bố “quyền lịch sử”, Bắc Kinh sẽ tiếp tục đòi hỏi việc chia sẻ các nguồn tài nguyên trên biển vốn theo quy định của UNCLOS thì thuộc về đặc quyền của (các nước ven biển – PV) Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam” – Ông Bill Hayton nói với The Diplomat.


"Vị chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông cũng khẳng định đã nghiên cứu kỹ về cái gọi là “quyền lịch sử” mà TQ tuyên bố. Ông phát hiện ra rằng không có bất kỳ điều gì “thuộc về lịch sử” khi nói về “quyền lịch sử” trong tuyên bố chủ quyền của TQ đã đưa ra và cố gắng theo đuổi lâu nay. Tiếc thay, dù không có cơ sở và đã bị Tòa Trọng tài 2016 bác bỏ, “quyền lịch sử” vẫn tiếp tục được TQ sử dụng làm động lực và cơ sở để thực hiện các hành vi phi pháp ở Biển Đông.


"Nhận định về khả năng đụng độ vũ trang, Tiến sĩ Collin Koh cho rằng: cho đến hiện nay vẫn chưa cho các chỉ dấu cho thấy TQ sẵn sàng “nổ súng trước” cho một cuộc đụng độ vũ trang, dù là với Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào trong khu vực."


Phát biểu này khiến chúng tôi trích lại đoạn viết ở trên - Sẽ có đụng độ  hay không đụng độ? Đụng độ ở đây được hiểu là nổ súng, chìm tàu, lính chết, bùng nổ chiến tranh? Nhưng lính phe nào (có thể do buồn ngủ, thần kinh căng thẳng hay vì sự cố nào đó, vụ này người viết xin bàn sau). Ông Collin Koh cho rằng chưa thấy có các chỉ dấu cho thấy TQ sẵn sàng “nổ súng trước”. Yên tâm.


Cốt lõi quan trọng nhất của Tiến sĩ Collin Koh đề cập đến việc Trung cộng đã tận dụng kẽ hở của Công ước UNCLOS Liên Hiệp Quốc phê chuẩn năm 1982, từ năm 2002, Bắc Kinh đẻ ra DOC, tiếp nối là COC, tự vẽ đường chữ U tức đường lưỡi bò 9 đoạn gẫy khúc liếm 80% diện tích Biển Đông, dựng lên cái gọi là "quyền lịch sử" tác yêu tác quái đủ trò ở vùng biển Quốc tế Đông Nam Á. Đó chính là"quả bom" Bắc Kinh đang cài ở UNCLOS nhằm phá hủy trật tự luật pháp quốc tế.


Để gỡ ngòi "quả bom cài đặt" này, trên PLO/ Đỗ Thuận viết:


"Philippines, Malaysia, Indonesia, Việt Nam đồng loạt gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách TQ đã đánh động được dư luận quốc tế. Mỹ, sau đó đến Úc lần lượt đệ trình công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối yêu sách của TQ ở Biển Đông là một tiền lệ rất đáng thúc đẩy.


"Điều cần làm chính là một liên minh pháp lý nhằm bày tỏ lập trường của các nước ven biển trong bối cảnh đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) đang gặp nhiều khó khăn. Liên minh pháp lý có vai trò chia sẻ thông tin, kinh nghiệm áp dụng các biện pháp pháp lý (ví dụ khiếu kiện); thảo luận và thống nhất các quan điểm, nguyên tắc, biện pháp, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nội bộ khối các nước ven biển và giữa khối với TQ."


Dòng chữ gạch đít ở đoạn trên cho thấy PLO/ Đỗ Thuận đều có ý tiếp tục duy trì tiến trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung cộng, trong lúc ý kiến của chuyên gia Collin Koh cho rằng:


"Một hệ quả được chuyên gia Collin Koh nêu bật là chuyển biến lập trường của Mỹ và tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông có thể thúc đẩy (KHIẾN) ASEAN đúc kết nhanh chóng cuộc thảo luận về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC).


Vấn đề, theo chuyên gia Singapore, là việc vội vã đúc kết ̣ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông có thể dẫn đến một thỏa thuận không phải là tốt nhất, và đấy có thể là một lý do để quan ngại. (PLO).


Câu "vội vã đúc kết Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC)" xem ra vẫn là lập luận của nhiều ý kiến muốn duy trì nghị trình COC. Trong bài viết của bổn báo trên Văn Hóa Online: Ván bài lật ngửa: COC sẽ phá sản? The Hague 2016 đảo lộn COC và UNCLOS 1982? Trung lập hóa Đông Dương. Bổn báo đưa ra cái nhìn khác.Theo chúng tôi, COC phải phá sản. Nếu tiếp tục theo đuổi COC, ASEAN sẽ từ chết tới thương tật suốt đời.


(Ví von: Trong quá khứ các cuộc họp mặt bàn về COC thường diễn ra lúc thì ở giữa rừng rậm Xiêm Riệp, lúc thì ở trong phòng kín mít, với không gian bí mật lạnh lùng thể nào cũng có vị chính khách officer ướt quần!).


Dẫn lời Tiến sĩ Termsak Chalermpalanupap, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore nói: "Dù có COC hay không, Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục làm mọi cách để củng cố vị thế chiến lược của họ ở Biển Đông đối với Hoa Kỳ. Khi nào Trung Quốc đạt được thỏa thuận với Mỹ để trở thành đối tác hữu hảo, họ sẽ chẳng cần đến COC, lẫn tình hữu nghị với ASEAN".


image006

Mẫu hạm USS Ronald Reagan cùng các chiến hạm Nhật Bản và Úc cùng diễn tập trên biển tây Philippines ngày 21/07/2020. © Commander, Task Force 70 / Carri - Petty Officer 2nd Class Codie So


Đã đến lúc không chỉ kêu gọi Việt Nam gói gọn trong hai chữ 'THOÁT TRUNG". Như bài viết trước trên VHO người viết đã đề cập, theo thiển ý của chúng tôi, một trong các cách "THOÁT" toàn diện là Trung lập hóa Đông Dương. Thể chế Trung lập hóa sẽ mang lại ánh sáng cho dân tộc thoát được cái gông ý thức hệ Marxism-Leninism-Stalin bám rễ 90 năm nay, thoát được cái gông chính trị - kinh tế và cái vòng kim cô của đảng cộng sản chuyên chế Trung cộng, thoát được cái gông thực dân trang bị đến tận răng hòn tên mũi đạn phủ trùm lên mảnh đất chữ S trót nằm ở ngã tư trọng yếu. 


Trên trang The Diplomat May 12,2020, một nhận xét của Ts Collin Koh gây chú ý về chủ đề: ánh giá tính toán chiến lược của Singapore trong việc cân bằng sự gia tăng của sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc".


Còn ở Việt Nam, Ai làm nổi chuyện này? Hy vọng sẽ có một Gorbachev, một Boris Yelsin sẽ đứng thẳng lên. (5)


Lý Kiến Trúc


California 05/8/2020


(Xem tiếp: Kỳ 2)


(1) báo Dân Việt 08/7/2020.


(2) RFI 27/7/2020, PLO 17/7/2020, 02/8/2020, The Diplomat Magazine May 12, 2020.


(3) VOA 04/8/2020.


(4) Giải Ảo Thời Sự/Youtube 31/7/2020.


(5) thơ Lý Kiến Trúc.


Tuyên ngôn bốn


Về đâu? Lữ khách đường xa lắm


Một lần về. Một mình xông vô. Trong ta là núi là rừng, là âm khí tuôn ra từ hang bí mật. Như bọn ma trơi quỷ ám thức dậy xúi dục. Như bức màn tre phủ kín ngôi làng âm u mải ngủ, (nơi tôi sinh ra). Thật quái dị! Quái dị!


Ở đó, người ta không nói với nhau những lời chân chất ngụ trong tim.


Ở đó, người ta tranh nhau cái đầu, đấu nhau cái lưỡi, hiện thực duy vật để tồn tại người.


Người ta quên biến: Thật thà là cha quỷ quái. Hiền lương khắc tinh ma quỷ.


Người ta chờ đợi: Lỗi lạc trong đảng sẽ tái hiện một Gorbachev, Boris Yelsin. Bất khuất trong tù tái hiện một Mandela.


Người ta nhìn thấy: Âu Lạc minh triết rỉ máu huyết hoa. Tây phương rợp bóng di cư chim Lạc.


Và khi thống kê không ràng buộc được con người thì bùng nổ.


(trích từ tập thơ chưa xuất bản: Zen. Dừng lại đâu đó một lúc ... rồi đi)
30 Tháng Giêng 2021(Xem: 2475)
01 Tháng Sáu 2020(Xem: 4345)
Quanh lời trực tuyến của bà Bonnie Glaser
06 Tháng Năm 2020(Xem: 5685)
Mưu sâu của "Chiến khu miền Nam" (Kỳ 4)
30 Tháng Tư 2020(Xem: 5319)
04 Tháng Sáu 2017(Xem: 7213)
Mỹ đã lật bài ngửa về Biển Đông tại Đối thoại An ninh Shangri-la
09 Tháng Ba 2017(Xem: 6177)
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển United Nations Convention on Law of the Sea - UNCLOS), quy định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước nằm trong phạm vi 200 hải lý, tính từ đường cơ sở lãnh hải cho quốc gia sở hữu quyền chủ quyền, quyền tài phán,và khai thác tài nguyên.