Nhật sẽ 'ủng hộ tối đa' cho Đông Nam Á

01 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 15023)

Nhật sẽ 'ủng hộ tối đa' cho Đông Nam Á

BBC - thứ sáu, 30 tháng 5, 2014

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Shinzo Abe nói Tokyo sẽ “ủng hộ tối đa” cho các nước Đông Nam Á, trong đó có một số nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

“Tất cả các nước cần tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhật sẽ ủng hộ tối đa cho nỗ lực của các nước ASEAN trong việc đảm bảo an ninh vùng biển và bầu trời, và triệt để duy trì tự do hàng hải và tự do hàng không.

"Nhật có kế hoạch đóng một vai trò lớn hơn và chủ động hơn so với thời điểm hiện nay để đảm bảo cho châu Á và thế giới được hòa bình hơn”, ông Abe nói tại diễn đàn an ninh cấp khu vực ở Singapore.

Trong bài diễn văn vào tối hôm 30/05, ông Abe nhấn mạnh về nhu cầu cần phải tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế.

'Ba nguyên tắc'

june_01_2014

"Chúng tôi cũng ủng hộ Việt Nam trong nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại"

"Khi chúng ta nói về luật lệ trên biển thì điều đó có nghĩa gì. Nếu chúng ta lấy tinh thần cơ bản mà chúng ta đã đưa vào luật quốc tế qua năm tháng thì có thể thấy có ba nguyên tắc, và luật lệ trên biển là điều đơn giản và dễ hiểu.

"Nguyên tắc thứ nhất các các nước tuyên bố và làm rõ chủ quyền dựa vào luật lệ quốc tế.

"Nguyên tắc thứ hai là các nước không dùng vũ lực hay hăm dọa nhằm để khẳng định chủ quyền.

"Và nguyên tắc thứ ba là các nước sẽ tìm cách giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

"Tôi thúc giục tất cả các nước chúng ta tại châu Á và Thái Bình Dương, mỗi nước hãy tuân thủ triệt để ba nguyên tắc này.

"Chẳng hạn như Indonesia và Philipppines, họ đã ký Hiệp định về phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và tôi hoan nghênh bước đi này, đây là một ví dụ tuyệt vời về việc tôn trọng luật lệ trên biển.

"Chính phủ Nhật ủng hộ mạnh nỗ lực của Philippines kêu gọi cho một nghị quyết đối với tranh chấp tại Biển Đông sao cho tuân thủ ba nguyên tắc này.

"Chúng tôi cũng ủng hộ Việt Nam trong nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng đã kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông.

'Phòng vệ tập thể'

june_01_2014-2

Tàu Việt Nam và TQ tập trung tại khu vực TQ hạ đặt giàn khoan 981.

"Các động thái nhằm củng cố việc thay đổi hiện trạng bằng cách tạo ra sự việc đã rồi cần bị lên án mạnh mẽ vì đó là điều đi ngược lại với tinh thần của các nguyên tắc trên.

"Liệu quý vị có đồng ý rằng giờ là lúc phải cam kết chắc chắn với tinh thần và các điều khoản của Tuyên bố các Quy tắc ứng xử trên Biển Đông năm 2002 (DOC), mà toàn bộ các quốc gia có liên quan trên biển cùng đồng thuận tuân theo và không thực hiện các hành động đơn phương làm thay đổi thực trạng một cách lâu dài.

"Thời điểm để cống hiến trí tuệ của chúng ta nhằm khôi phục hòa bình trên biển là lúc này.

"Điều mà cả thế giới đang nóng lòng chờ đợi là biển và trời của chúng ta được quán xuyến bằng luật, luật lệ và qui trình giải quyết tranh chấp sẵn có.

"Điều chúng ta ít mong đợi nhất là sợ rằng luật pháp bị thay thế bằng các mối đe dọa, sự hăm dọa chen chân vào luật lệ"

Shinzo Abe, Thủ tướng Nhật Bản

"Điều chúng ta ít mong đợi nhất là sợ rằng luật pháp bị thay thế bằng các mối đe dọa, sự hăm dọa chen chân vào luật lệ và rằng các tình huống bất ngờ sẽ xảy vào thời điểm và địa điểm bất định.

"Tôi hy vọng mạnh mẽ rằng một bộ quy tắc ứng xử (COC) thật sự có hiệu quả có thể được thiết lập trên Biển Đông giữa ASEAN với Trung Quốc, và điều này có thể nhanh chóng đạt tới", ông Abe phát biểu.

Jonathan Marcus, phóng viên ngoại giao BBC nhận định rằng ông Abe muốn tăng cường ủng hộ cho các nước đang có tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh.

"Ông Abe lên án những ai muốn “thay đổi hiện trạng” bằng cách áp đặt và đây là một đòn nữa giáng vào Trung Quốc.

"Ông Abe muốn thay đổi đồng thuận cho Nhật Bản thời hậu chiến nhằm tạo điều kiện để Tokyo có vai trò chủ động hơn trong phòng vệ tập thể. Không phải là ông Abe nói cái gì mà nói điều đó ở đâu.

"Không có tổ chức an ninh tập thể nào như Nato tại châu Á và vì vậy diễn đàn được biết tới với tên gọi Đối thoại Shangri-La trở thành “sự kiện” an ninh thường niên chính trong vùng.

"Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo của Nhật đọc diễn văn của diễn giả chính tại đây, một chỉ dấu rõ ràng rằng ông Abe muốn Nhật đóng vai trò sâu rộng hơn nữa trong cuộc tranh luận an ninh có qui mô", phóng viên Marcus nhận định./