VĂN HÓA ONLINE – ĐIỂM NÓNG A - THỨ SÁU 13 AUGUST 2021
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Bắc Kinh sẽ “phục kích” đường về nhà của HMS Queen Elizabeth nếu …
HMS Queen Elizabeth tỏ ra rất Ăng Lê lịch sự, không áp sát 12 hải lý các đảo nhân tạo, (dại gì dây với phường thảo khấu du côn cướp biển, ta có nhiệm vụ to lớn hơn!)
Lý Kiến Trúc
Văn Hóa Online
13/8/2021
(bổ túc)
Trên bản đồ trận liệt chiến thuật hành quân, bộ tham mưu đều dự trù phương án bảo vệ các đơn vị đang chiến đấu, hay đang án binh phòng ngự, hay đã hoàn thành chiến dịch, hoặc thất bại trên chiến trường, buộc phải lui binh. Trên đường triệt thoái, biện pháp an toàn bảo tồn lực lượng phải là nhiệm vụ hàng đầu.
Các cuộc lui binh của các đơn vị lớn trong chiến sử vốn là bài học nằm lòng cho các nhà quân sự.
Không ít danh tướng đã bỏ mạng sa trường trên đường triệt thoái lui binh.
Một trong các kế hoặch triệt thoái là bảo mật an ninh lộ trình và thời điểm lui binh.
Thông thường, đối thủ luôn rình rập cuộc lui binh để tổ chức “phục kích”. Mãnh lực của phục kích làm tổ thương nặng nề cuộc triệt thoái. Để giữ an toàn và bảo tồn cho đơn vị, đơn vị trưởng phải dự trù kế hoạch “phản phục kích”, lấy độc trị độc. Biện pháp này tuy hay nhưng ít nhiều cũng mang thương tích.
“Phục kích” có khả năng làm tan vỡ kế hoặch hành quân, thậm chí phá hủy ý đồ chiến lược chính trị.
Trong chiến cuộc Việt Nam, cuộc lui binh khổng lồ (báo chí Sàigon thời đó gọi là di tản chiến thuật) của Quân Đoàn II vào cuối tháng 3/1975, theo Tỉnh lộ 7 từ Pleiku về Phú Bổn, Phú Yên là cuộc lui binh bi thảm chưa từng có trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.
Cộng quân Bắc Việt đã tổ chức nhiều cuộc phục kích trên đoạn đường này. Họ đã thành công nhưng cũng không kém phần tàn ác, dội pháo vào đoàn quân lẫn lộn đoàn dân lành vô tội. Cuộc triệt thoái biến thành biển máu kinh hoàng, tan vỡ như tổ ong.
Nhiều sử gia đánh giá cuộc lui binh này đã khởi đầu cho việc Sàigon thất thủ ngày 30/4/1975.
Bản đồ tài liệu chiến sự đường lui binh (di tản chiến thuật) ở Cao Nguyên Trung phần VN tháng 3/1975. (1)
Hai chữ “Lui binh” trong trường hợp của HMS Queen Elizabeth có thể bị loại bỏ. Ngay từ đầu, đó là chuyến viễn du bao hàm chiến thuật hành quân hỗn hợp liên quân Anh Mỹ ở đại dương, bước vào thời kỳ phát triển nghệ thuật chiến tranh tranh đầu thế kỷ 21.
Văn Hóa Online gọi cuộc chiến thế kỷ 21 là cuộc chiến của những Thủy sư Đô đốc, Tư lệnh đại dương.
Hải đồ minh họa A và B: dự đoán đường về nhà của HMS Queen Elizabeth nếu quay trở lại Biển Đông hoặc không.
Để giữ an ninh hải lộ triệt thoái cho HMS Queen Elizabeth trên phạm vi vùng biển rộng lớn từ tây Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương; có hai hải lộ: 1- băng qua eo biển Đài Loan tiến xuống vùng biển South China Sea (bắc Biển Đông); 2- từ Okinawa men theo mạn đông Taiwan vượt qua eo Ba Sĩ Cao Hùng vào vùng Biển Tây Luzon Philippines.
Hải lộ thứ ba: 1- từ Nam Hàn tiến thẳng xuống nam Thái Bình Dương, dừng chân tại căn cứ Darwin (2) châu Úc, tiến vào cửa eo Malacca-Singapore, vào Ấn Độ Dương, tiếp tục gióng buồm về nhà (cảng Portsmouth, quận Hampshire miền đông nam Anh Quốc); 2- từ Tokyo hoặc từ Nam Hàn tiến thẳng xuống nam Thái Bình Dương (có thể ghé thăm một số đảo quốc, ví dụ như New Zealand …), dừng chân ở thành phố lớn nhất châu Úc là Sydney, thành phố của Nữ Vương Elizabeth, rồi từ Sydney vượt biển cực nam Thái Bình Dương về nhà.
Để về nhà an toàn trong vinh quang, bộ tham mưu hỗn hợp Anh- Mỹ trên soái hạm HMS Queen Elizabeth
không thể không vắt óc về an ninh lộ trình triệt thoái.
Nhiều nhà phân tích dự đoán, HMS Queen Elizabeth sẽ quay lại Biển Đông. Điều này chưa hẳn Biển Đông là lộ trình duy nhất để về nhà.
Bắc Kinh biết rõ điều này nếu họ tổ chức “phục kích” HMS Queen Elizabeth ở Biển Đông. Tuy nhiên trong trường hợp nếu HMS quay về Biển Đông mà không vi phạm các “nguyên tắc luật pháp quốc tế” thì sao?
Có lẽ đây là câu hỏi thú vị.
Hai chữ “Về nhà” sau khi hoàn thành chuyến chu du lịch sử, trong tiếng trống quân nhạc đón quân rộn rã, Vương Quốc Anh tiếp tục giương cao ngọn cờ huy hoàng của Hải quân Hoàng gia Anh Quốc từ trong quá khứ cho đến ngày nay.
Ngược lại, bất kỳ một sự cố nào xẩy ra trên đường “Về nhà” cũng có thể gây ra biến động quân sự.
Bộ tham mưu hành quân HMS Queen Elizabeth không thể không loại trừ kế hoặch “phục kích” của Bắc Kinh ở South China Sea.
Song, khó mà nghĩ ra vị trí của trận “phục kích” sẽ diễn ra ở khu vực nào, hình thái của nó ra sao?
Đối với Vương quốc và Dân tộc Ăng Lê, Nữ Hoàng là hiện thân Mẫu hậu truyền thống lịch sử, Mẫu hạm HMS Queen Elizabeth trị giá 3,2 tỉ bảng Anh là niềm hãnh diện của Hải quân Hoàng gia Anh.
Có nhiều hình thái chiến tranh phục kích. Một điểm rất ngoạn mục trong nghệ thuật phục kích là “phục kích nghi binh”. Nghi binh mà không nghi binh. Nghi binh có thể là động binh.
Song, “phản phục kích” bằng cách nào?
(Xin chú ý về hai chữ “phục kích” theo tác giả trên chiến trường Biển Đông hiện nay. Phục kích ở đây không mang tính chất sát thủ sinh lực đối thủ bằng hỏa lực. Có nhiều hình thức phục kích khác nhau trên mặt biển, dưới biển, chẳng hạn như dàn trận diễu võ giương oai trên mặt biển, nhưng tàu ngầm sẵn sàng nhả đạn dưới lòng biển; động binh, tập trận bắn đạn thật, tạo áp lực tâm lý gây căng thẳng thần kinh cho đối thủ, hoặc phong tỏa kín một vùng biển, buộc đối thủ phải di chuyển qua hải lộ khác, v,v…)
Nhắc lại, trước khi HMS Queen Elizabeth ở Changi tiến vào Biển Đông, các cuộc tập trận quy mô bắn đạn thật của hải quân Trung cộng ở Hoàng Sa, ít ra đã khiến Liên quân Anh-Mỹ tiến thoái lưỡng nan về cuộc tập trận chung ở Biển Đông. Và nó đã không diễn ra.
Trong cuộc “so găng” hiện nay giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn, Liên quân phương Tây chưa muốn (hoặc không muốn?) có cuộc va chạm nảy lửa với hải quân Bắc Kinh, nhưng nên nhớ rằng, đội quân cộng sản Trung Nam Hải hung hãn sẵn sàng lao đầu vào kẻ thù bất kể sống chết để bảo vệ cái “ao nhà”.
I. Viễn du - Viễn ảnh
Chuyến viễn du của Hàng không Mẫu hạm HMS Queen Elizabeth vào vùng biển South China Sea (Biển Đông) đã trở thành tâm điểm cho các hoạt động hải quân từ Tây sang Đông.
Ngày 22/5/2021, theo lịch trình, Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị, 92 tuổi, đã đến lên thăm Hàng không Mẫu hạm HMS Queen Elizabeth. Nữ Hoàng đã vào tận boong tàu chúc lành các thủy thủ, sĩ quan chỉ huy con tàu.
Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị đến thăm Mẫu hạm HMS Queen Elizabeth chúc lành Thủy thủ sĩ quan chỉ huy hôm 22/5/202 tại cảng Portsmouth, quận Hampshire miền đông nam Vương Quốc Anh. Hành trình chu du của HMS vượt qua các đại dương dài khoảng 26.000 hải lý (khoảng 48.000 km), Đích cuối là Viễn Đông Châu Á tây Thái Bình Dương. Theo lịch trình, Mẫu hạm sẽ thăm các hải cảng quan trọng, liên hợp tập trận với các quốc gia đồng minh như ở Biển Đỏ, vịnh Bengal Ấn Độ, vịnh Singapore, và có thể tập trận ở biển South China Sea.
HMS Queen Elizabeth dài 280 mét, rộng 70 mét, nặng 65,000 tấn, tốc độ tối đa 25 knots/h, trị giá 3,2 tỉ bảng Anh, đi vào hoạt động từ năm 2020. Để phục vụ đời sống hàng ngày cho thủy thủ và sĩ quan làm việc 24/24, HMS Queen Elizabeth tích trữ lượng thực phẩm trong 45 ngày. Khoảng 700 thủy thủ được phục vụ bữa ăn trong vòng 90 phút - 45 phút khi Mẫu hạm đang trên đường hành quân.
Thủy thủ đoàn thường trực khoảng 700 người, nhưng Mẫu hạm có thể chứa thêm lên 1.600 binh sĩ khi được tăng cường thêm số lượng phản lực cơ F-35B, F-35Bs, trực thăng Crowsnes và các khí tài khác.
Dàn hỏa lực không quân trên HMS Queen Elizabeth có thể mang theo 72 phi cơ các loại, với sức chứa tối đa 36 chiến đấu cơ F-35B, tuy nhiên, khả năng trên boong đường băng của HMS Queen Elizabeth có thể chứa tới 24 phản lực cơ hoạt động thường trực.
Các chiến đấu cơ phản lực F-35Bs của Hải quân Hoàng gia Anh và Hải quân Hoa Kỳ trên boong đường băng HMS Queen Elizabeth. Photo: MOD/ Crown Copyright NAVAL Technology.
Ngày 05/7/2021, trên lý thuyết, cuộc hành trình dự trù dài khoảng 26.000 hải lý (khoảng 48.000 km) kéo dài 28 tuần. Xuất phát từ cảng Portsmouth, cuộc “hành quân chu du”, đồng thời cũng mang nội dung sự phối hợp triển khai quân sự hải quân Anh-Mỹ hiện đại.
HMS Queen Elizabeth và các chiến hạm Mỹ vượt ngàn trùng qua các đại dương trên thế giới, đích đến là Đông Nam Á, Đông Bắc Á và tây Thái Bình Dương, nhưng cái đích hung hiểm bậc nhất thế giới đại dương hôm nay là South China Sea (Biển Đông), nút thắt của chiến lược Indo-Pacific.
Ngày 21-22/7/2021, HMS Queen Elizabeth đã hiện diện ở Ấn Độ Dương, tập trận với hải quân Ấn Độ ở vịnh Bengal trước khi nó tiến vào eo Malacca.
HMS Queen Elizabeth tập trận cùng với Hải quân Ấn Độ ở vịnh Bengal hôm 21-22/2021. Royal Navy Photo. Source USNI News.
HMS Queen Elizabeth đến thành phố New York, gần nơi HMS neo đậu là khu tượng đài nổi tiếng Nữ Thần Tự Do. Ảnh: royalnavy.mod.uk
Ngày 26/7/2021, HMS Queen Elizabeth tiến vào eo biển Malacca nghỉ ngơi ngắn ở Changi và tập trận với hải quân Singapore.
Ngày 28/7/2021, Khoảng cách từ mũi Singapore tới mũi Cao Hùng khoảng 3200km. Với vận tốc tối đa 25 knots/h, HMS Elizabeth sẽ mất khoảng 65 tiếng (trong sự êm ả), để từ Biển Tây Philippines sẵn sàng vượt qua eo biển Ba Sĩ Cao Hùng-Luzon (bắc Biển Đông) tiến vào tây Thái Bình Dương.
Một nhà báo trên tờ The News gọi HMS Queen Elizabeth “mạo hiểm” băng qua biển South China Sea (Biển Đông), nhưng không tin nào cho biết có cuộc tập trận ở vùng biển này.
Thực tế, HMS Queen Elizabeth “không màng bén mảng” sâu vào 12 hải lý 7 đảo nhân tạo Trung cộng bồi đắp ở giữa vùng biển đảo Trường Sa, một trong 7 đảo đó là đảo Vành Khăn gần Palawan, nơi có đường băng lớn, tên lửa, và hệ thống vũ khí Trung cộng xây dựng từ bẩy năm qua, nơi mà năm 2015 hải quân Hoa Kỳ đã “mạo hiểm” cho khu trục hạm USS Lassen đi thuyền sâu vào 12 hải lý đảo Vành Khăn và SuBi.
USS Lassen "áp sát" viền 12 hải lý Su Bi, Vành Khăn; Lan Châu 170, Đài Châu 533 "bám sát" Lassen
Trong cuộc hành quân triển khai quân sự lần này của Liên quân Anh-Mỹ ở biển South China Sea, kế hoặch áp sát 12 hải lý các đảo nhân tạo tiền đồn của Trung cộng dường như không nằm trong chương trình của HMS Queen Elizabeth.
Nhiệm vụ của một hàng không mẫu hạm khổng lồ không sử dụng ở chiến trường đặc tính chiến thuật.
Trước hết, về địa hình và vị trí các đảo nhân tạo, nó đặt dưới kỹ năng tác chiến như đổ bộ chiếm đảo, hỏa lực không kích hủy diệt, hoặc tổ chức cho các khu trục hạm, khinh hạm, tiểu đỉnh tác chiến ven bờ thi hành chiến dịch.
Có tin HMS Queen Elizabeth hiện diện ở Biển Tây Philippines, nhưng không có tin nào thông báo HMS ghé thăm hải cảng Subic ở Manila. Trên đường hành quân và ghé thăm cảng là hai vấn đề khác nhau về quân sự và chính trị.
Tàu dầu RFA Tideforce tiếp liệu cho HMS Queen Elizabeth, phía sau là hộ vệ hạm Hà Lan HNLMS Evertsen. Ảnh: Twitter/HMSQNLZ.
Khi Ngoại trưởng Ăng Lê Dominic Raab và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace bay đến Hà Nội, giới quan sát cho rằng HMS Queen Elizabeth trên đường đi hành quân sẽ ghé thăm một cảng ở Việt Nam.
Nhưng cũng có dư luận cho rằng sự kiện chính trị này sinh ra lắm phiền phức; nào là nó sẽ va chạm “bốn không”, nào là chẳng may xui xẻo “lây lan hỗn loạn” với “đồ mắc dịch”. (Theo Vietnamnet, đài BBC (Anh) cho biết đã ghi nhận 100 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth 14/7/2021).
Vả lại, các thành phố ở Việt Nam đang bày biện ra vĩ cảnh tiêu điều hoang vắng lạ thường. Sàigon, Hà Nội, cảng Đà Năng chẳng khác gì thành phố chết, giá mà HMS Queen Elizabeth có muốn gởi thông điệp “nồng ấm tình bang giao quốc tế” chẳng qua cũng không khác gì người khách không mời, đến rồi đi sẽ bị nhận chìm trong tẻ nhạt.
Còn Philippines thì đang gay cấn đổi chác quyền lợi với Bắc Kinh và so đo với Hoa Thịnh Đốn. Điện Malacanang Palace Manila chờ đại diện cao nhất của tòa Bạch Ốc về quốc phòng đến trao đổi về các điều kiện lưu giữ quân Mỹ và căn cứ Mỹ ở Philippines.
Nội dung thỏa hiệp quân sự giữa Manila và Washington D.C. mang tính chiến lược ở Biển Tây cũng như Biển Đông đảo quốc Philippines.
Trong thế chiến II, trận hải chiến lừng danh ở vịnh Leyte tháng 10/1944 ở phía Biển Đông Philippines đã đi vào quân sử chiến tranh thế giới.
Manila: Austin-Duterte duy trì quân sự
Từ trái trên xuống dưới: Ngoại trưởng Ăng Lê Dominic Raab đến Hà Nội hôm 21/6/2021 gặp Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Quốc phòng Ăng Lê Ben Wallace hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng VN Phan Văn Giang tại Bộ Quốc phòng Hà Nội hôm 22/7/2021; Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từ Singapore bay qua Hà Nội ngày 28 – 29/7/2021; Hàng không Mẫu hạm HMS Queen Elizabeth đang trên đường chu du Viễn đông.
Cho đến cuối tháng Bẩy thì hy vọng về chuyến ghé thăm hải cảng nào đó ở Việt Nam hay ở Philippines của HMS Queen Elizabeth tan theo bọt biển.
II. Vì sao Bắc Kinh liên tục tập trận lớn ở Hoàng Sa?
Theo các hãng truyền thông nhà nước Trung cộng, Chiến khu miền Nam đã tăng cường sức mạnh quân sự của họ ở khu vực Hoàng Sa với nhiều cuộc tập trận lớn.
Hai khu vực phía bắc của Biển Đông đã bị hạn chế tiếp cận trong tuần này để tập trận, theo một bài báo trên tờ Global Times (truyền thông nhà nước Trung cộng) cho biết: “Mặc dù các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc không có khả năng liên quan trực tiếp đến các chiến hạm của Anh, nhưng chúng cho thấy PLA đang ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao”. (theo The News).
Về chính trị và quân sự đối với quần đảo Hoàng Sa:
Quần đảo Hoàng Sa nằm ở tọa độ 160 30’B 1120 00Đ. Vĩ tuyến HS nằm dưới vĩ tuyến 17 theo hiệp định Geneve 1954, kinh tuyến HS nằm ngay kinh tuyến đông 112, nếu vạch một đường thẳng từ kinh tuyến đông 112 xuống nam, quần đảo HS được chia làm 2 nhóm đảo.
Đứng ở vịnh Đà Nẵng, duyên hải Quảng Ngãi nhìn ra khơi xa, trước đây trên Văn Hóa Online, phía bên Đài Loan chúng tôi gọi là Hoàng Sa Đông, bên này nước Việt gọi là Hoàng Sa Tây.
Ngày 19/1/1974, ở nhóm HS Tây đã diễn ra trận hải chiến giữa hải quân VNCH và hải quân Trung cộng. Sau nửa giờ tác chiến, hải quân Trung cộng đã chiếm hoàn toàn HS Tây.
Ngày 30/4/1975, Saigon thất thủ, VNCH kể như bị xóa tên trên bản đồ và mất quốc hiệu ở Liên hiệp Quốc.
Hoàng Sa và Sàigon gần như là một kết thúc cuộc chiến Vietnam War.
Các cuộc di tản khổng lồ diễn ra. Rất tiếc và đau lòng, khi Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, cựu Phó TT Nguyễn Cao Kỳ, nội các thủ tướng Trần Thiện Khiêm, quan chức lập pháp, tư pháp cao cấp, và tướng lĩnh vội vã “di tản chiến thuật” ra hải ngoại, đã không lập “Chính phủ lưu vong” đòi lại VNCH, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hầu như suốt gần 50 năm qua, không có một tổ chức hải ngoại nào có tư cách pháp nhân “đại diện” cho VNCH đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa.
Yếu tố này đóng góp đáng kể cho việc sau năm 1975, Trung cộng sát nhập Hoàng Sa vào bản đồ Trung Hoa lục địa và xua hải quân đi xâm lược chiếm đoạt một số đảo đá ở Trường Sa.
Biện minh cho hành động này đối với giai đoạn Việt Nam thống nhất, Bắc Kinh cho rằng họ chiếm đoạt Hoàng Sa từ tay VNCH chứ không chiếm từ tay chính phủ Hà Nội (VNDCCH). Chứng minh về tình đồng chí cộng sản, ngày 16/1/1957, Bắc Kinh đã trao trả đảo Bạch Long Vỹ cho Hà Nội. (đảo BLV cách Hải Phòng 110km).
Vị trí quần đảo Hoàng Sa ờ vùng biển Bắc Biển Đông. Hải đồ Văn Hóa Online.
Nhưng vì sao Hoàng Sa quan trọng đến như vậy?
Vị trí và khoảng cách quần đảo Hoàng Sa đối với bờ biển Việt Nam và bờ biển đảo Hải Nam gần như tương đương. Hoàng Sa nằm giữa ranh giới EEZ của Đà Nẵng và Hải Nam.
Quần đảo Hoàng Sa là một liên hợp các hòn đảo lớn nhỏ có khoảng cách rất gần nhau, đầy dẫy đá ngầm và bão biển hung dữ.
Đảo lớn quan trọng nhất ở Hoàng Sa là đảo Phú Lâm. Các nhà chiến lược quân sự Bắc Kinh đã thiết lập chuỗi đảo Hoàng Sa thành một tổ hợp tác chiến trợ thủ và tấn công. Bộ tư lệnh tiền phương ở Biển Đông của Trung cộng là Chiến khu miền Nam đóng đô tại đảo Phú Lâm.
Chiến khu miền Nam – Phú Lâm là đầu não bày binh bố trận cho hải quân Trung cộng tập trận lớn nhỏ (chủ yếu ở khu vực nam Hải Nam, Quảng Đông và bắc Biển Đông, lan tỏa tới ranh giới quần đảo Đông Sa (Pratas islands) của Taiwan, và bãi cạn Scarborough shoal của Philippines.
Bố trí tập trận ở Hoàng Sa, hải quân Trung cộng vừa bảo vệ được căn cứ tàu ngầm nguyên tử Hải Nam, vừa bảo vệ được vùng biển đảo Hoàng Sa, khống chế hải lộ trọng yếu tiến ra eo Ba Sĩ, làm chủ hải lộ huyết mạch tàu bè thương thuyền, tung ra mạng lưới dân quân bao vây các khu vực cấm đánh cá, cản mũi tàu chiến từ eo biển Đài Loan tiến xuống Biển Đông, là đuôi cầu trấn giữ chiến hạm từ mũi Malacca tiến lên.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa Đông, nơi đặt Bộ chỉ huy Chiến khu miền Nam và cũng là trung tâm hành chính. Trung Quốc đã gấp rút cho tiến hành xây dựng các hạ tầng cơ sở bao gồm hải đăng trên đảo Đá Bắc, Đá Hải Sâm, Cồn cát Nam, Duy Mộng và Hòn Tháp. Đến tháng 10, đường băng quân sự dài 2 km trên đảo Phú Lâm đã hoàn tất. Ảnh: AFP
TQ biến Phú Lâm thuộc Hoàng Sa tây thành cứ điểm quân sự hải-không lớn sau Hải Nam
Ảnh vệ tinh: TQ triển khai thêm vũ khí ở đảo Phú Lâm Hoàng Sa
So với tham vọng của Trung cộng ở Trường Sa, Hoàng Sa có tính chiến lược cả về chính trị lẫn quân sự cực kỳ quan trọng hơn.
7 đảo nhân tạo ở Trường Sa dù có được trang bị vũ khí hạng nặng cách mấy cũng chỉ là các tiền đồn rời rạc “chết đứng” giữa đại dương.
Mục đích của tiền đồn là quan sát hải lộ di chuyển, ngăn cản hành trình của tàu bè hoặc chiến hạm.
Dù Trunng cộng cố gắng đổ hàng tỉ đô la thiết lập mạng lưới hỏa lực 7 đảo nhân tạo, nhưng so với khu vực rộng lớn của vùng biển Trường Sa và thế cài răng lược (Taiwan, Việt Nam, Trung cộng), 7 căn cứ nhân tạo dễ dàng bị việt vị, tê liệt trước các cuộc phản công hay tấn công.
Mức độ giá trị quân sự của 7 đảo nhân tạo so với giá trị chính trị của Bắc Kinh khi bồi đắp thành hình các đảo nhân tạo tác động mạnh tới chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á và ven biển.
Chủ quyền và quyền chủ quyền biển đảo của các nước ven biển hầu như bị tê liệt một thời gian dài, dai dẳng qua rất nhiều cuộc hội đàm. Chủ yếu là ASEAN + China.
Suốt gần một thập niên Bắc Kinh đổ ra hàng tỉ đôla xây dựng 7 đảo là tạo thêm ra cái gọi là “chủ quyền lịch sử” ở cái rốn ruột Trường Sa, vùng biển trung tâm của lưỡi bò chín đoạn đường chữ U, không dễ gì Bắc Kinh từ bỏ.
Không có gì ngạc nhiên đối với các nhà quân sự và chính trị ở Hoa Thịnh Đốn.
Khi các khu trục hạm Hoa Kỳ cố tình thâm nhập sâu vào 12 hải lý các đảo nhân tạo, chiến thuật đánh vào ruột địch để nở “Hoa biển” (2) vùng biển Quốc Tế, vùng Biển Quốc Tế là khắc tinh của lưỡi bò 9 đoạn, gần như hóa giải chủ quyền áp đặt của Bắc Kinh.
Nhưng chiến thuật áp sát 12 hải lý “Hoa Biển” nở ra vùng Biển Quốc Tế nay gần như “lạc hậu” trong bối cảnh leo thang chiến sự hiện nay, và kỹ thuật tối tân của các khí tài phục vụ chiến tranh ở South China Sea.
Sự phối trí không quân, hai quân Mỹ với hàng không mẫu hạm bậc nhất Anh Quốc là HMS Queen Elizabeth hé lộ phần nào chiến lược hành quân của Anh-Mỹ trên các đại dương, đặc biệt đường hành quân và an ninh hải lộ khổng lồ Indo-Pacific.
III. Anh-Mỹ nhường, thoái lui, hay thua một bước trước áp lực quân sự và chính trị của Bắc Kinh ở Biển Đông?
(màu tím): Đường hành quân và đường về (màu đen) của HMS Queen Elizabeth xuyên qua Biển Đông, biển Quốc Tế, Biển Tây Philippines. Hải đồ minh họa.
HMS Queen Elizabeth băng qua South China Sea (Biển Đông) để vào tây Thái Bình Dương bắt buộc phải di hành ngang qua vùng biển bắc Hoàng Sa, hoặc nó có thể luồn qua các vũng biển giữa đảo quốc Philippines để xuyên tây Thái Bình Dương.
Các chuyên gia hải quân lo ngại "nguy cơ cao xảy ra" khi HMS Elizabeth và nhóm chiến hạm tác chiến “mạo hiểm” băng qua khu vực biển South China Sea. (theo Richard Lemmer/The News 6th August 2021)
Ở trung nguyên lục địa, Tập Cận Bình mỉm cười ruồi.
Họ Tập phát động cuộc tập trận lớn bắn đạn thật ở Hoàng Sa.
Bộ Ngoại giao Bắc Kinh huênh hoang tuyên bố HMS Queen Elizabeth và nhóm tác chiến không đi vào trong phạm vi 12 hải lý các đảo của họ, theo South China Morning Post.
Xin nhắc: Bắc Kinh nói “nhóm tác chiến không đi vào trong phạm vi 12 hải lý các đảo của họ”, đó là các đảo ở Trường Sa hay ở Hoàng Sa?
Điểm này rất quan trọng. Tuy Bắc Kinh la làng mỗi khi chiến hạm Mỹ áp sát các đảo nhân tạo ở Trường Sa, nhưng la làng chỉ để la làng thôi, nhưng, nếu áp sát Phú Lâm hay Hoàng Sa, trong lúc tập trận, đạn thật có thể “vô tình hay hữu ý” rơi vào chiến hạm Mỹ.
Có lẽ, trong lúc HMS Elizabeth di chuyển đến Biển Tây Philippines, nhóm tác chiến đã tránh xa nhóm đảo Hoàng Sa Đông.
HMS Queen Elizabeth tỏ ra rất Ăng Lê lịch sự, không áp sát 12 hải lý các đảo nhân tạo ở Trường Sa lẫn Hoàng Sa.
Bắc Kinh tuyên bố: “Trung Quốc hy vọng tàu hải quân của các quốc gia khác tuân thủ luật pháp quốc tế khi đi qua biển South China Sea, tôn trọng các quyền và chủ quyền của các quốc gia ven biển để tránh các hành động gây tổn hại đến hòa bình khu vực”.
Đấu trí ngoại giao với Bắc Kinh, phát biểu khi HMS Elizabeth tiếp cận vào vùng biển đang nóng hổi tranh chấp, Ngoại trưởng Dominic Raab nói với ủy ban đối ngoại rằng “việc tập trận và bảo vệ quyền tự do hàng hải từ lãnh hải Ukraine đến biển South China Sea là hoàn toàn đúng đắn.”
Có một luận điểm thú vị về HMS Queen Elizabeth, Wu Shicun, chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia của Trung Quốc, mô tả việc triển khai Hàng không Mẫu hạm của Vương quốc Anh là một nỗ lực để "hồi tưởng lại những ngày huy hoàng của Đế quốc Anh."
Một bài báo của Wu Shicun, đăng trên PLA's. Trang web tiếng Anh: “Chuyến đi mới nhất của HMS Queen Elizabeth không chỉ đơn giản là những gì London gọi là vượt qua vùng biển Biển Đông theo luật pháp quốc tế, mà là một thủ đoạn được lên kế hoạch cẩn thận phục vụ nhiều mục đích", "Không có gì bí mật khi Vương quốc Anh đã hành động đồng lõa với Hoa Kỳ trong vấn đề biển South China Sea (Biển Đông), theo sát sự dẫn đầu và nhảy múa theo giai điệu của họ". (theo Brad Lendon CNN 30th July 2021)
Một chiến đấu cơ của Hải quân Mỹ F-35B đang quay trở lại để hạ cánh trên boong sân bay HMS Elizabeth Hải quân Hoàng gia Anh ở South China Sea. The News 06/8/2021. Photo: Royal Navy
Một chút vương vấn nào đó về hình ảnh các thuộc địa cũ của Anh Quốc và Pháp Quốc khi HMS lướt qua viễn đông. Xem ra nhuốm màu ảm đạm buồn tẻ.
Chẳng bù với các chuyến vượt biển khám phá đại dương, thám hiểm miền đất hoang dã của các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, hay chuyện vượt biển ở đầu thế kỷ 18 của Thuyền trưởng James Cook hải quân Hoàng gia Anh, hào hứng dòng máu viễn du thực hiện ba chuyến hải trình đến Thái Bình Dương.
Phi đội chiến đấu cơ phản lực F-35, F-35B của Anh và Mỹ trên boong đậu và xuất phát của HMS Queen Elizabeth nặng 65,000 tấn. Photo: Royal Navy.
Ngày 04/8/2021, theo thông báo đăng trên website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA), một cuộc tập trận sẽ diễn ra từ 0 giờ ngày 6.8.2021 đến 24 giờ ngày 10.8.2021 ở Biển Đông. Kết quả đối chiếu các tọa độ giới hạn khu vực tập trận được nêu trong thông báo cho thấy khu vực đó gồm một phần trong khu vực quần đảo Hoàng Sa. (theo TNO)
Chú ý: Cuộc tập trận của Bắc Kinh kéo dài 5 ngày vừa đủ thời gian cho HMS Queen Elizabeth thoát ra khỏi ranh giới South China Sea tiến ra Tây Thái Bình Dương như đã nói ở trên).
Ngày 05/8/2021, ở đất Cali, bỗng nhớ lại chuyện ngày xửa ngày xưa ở đất Thăng Long ngàn năm văn vật, Hồng Hà Nữ Sĩ đã hiên ngang khóa miệng bọn sứ giả Tầu phù rằng: “Bắc quốc đại trượng phu giai do “thử đồ” xuất khi nghe hắn xỏ xiên: “Nam bang nhất thốn thổ bất tri kỷ nhân canh”.
Chiều 05.8.2021, tại Hà Nội, khi nghe tin Trung cộng tập trận lớn ở khu vực quần đảo Hoàng Sa trùng với thời điểm Mẫu hạm Ăng Lê HMS Queen Elizabeth có thể tập trận, hoặc băng ngang qua Biển Đông; phát ngôn nhân Bộ ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng trả lời trong cuộc họp báo khẳng định Trung Quốc đang vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Bà Hằng nói, hoạt động của Trung Quốc là "đi ngược lại lại tinh thần tuyên bố ứng cử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông, và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biên Đông". (theo TNO)
Xin nhắc thêm: Phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh đến hành động tập trận của Bắc Kinh, nhưng rất lịch sự không hề có lời nào về cuộc tập trận và chuyến đi xuyên Biển Đông của HMS Queen Elizabeth. Bà Thu Hằng nhắc khéo cho phía bên kia“không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC = CHINA + ASEAN).
Cam Bốt khuyến khích ASEAN và TC đạt được COC”; trong lúc VN thúc đẩy COC
Ngày 06/8/2021, tin của The News/ By Richard Lemmer Friday, 6th August 2021, 3:51 pm cho biết HMS Queen Elizabeth đang ở căn cứ Guam, một hòn đảo nhiệt đới xinh đẹp ở tây Thái Bình Dương, khá gần thủ đô Tokyo.
Guam là một căn cứ quan trọng về tiếp liệu và xuất phát các cuộc hành quân của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, đa số hướng về Đông Nam Á và duyên hải châu Á. Đối với vận tốc hiện nay của chiến hạm và nhất là không lực, đường bay từ Guam xuyên thẳng qua Philippines, Biển Đông tới Singapore và Bangkok Thái Lan, nơi có phi trường Utapao không còn bao xa.
(Phi hành đoàn trên hàng không Mẫu hạm HMS Elizabeth đã đăng lên mạng xã hội đoạn video quay cảnh tàu chiến 65.000 tấn đến Guam sáng 06/7/2021.)
Tin mới nhất:
Ngày 08/8/2021, khi Mẫu hạm HMS Queen Elizabeth và nhóm tác chiến đang ở Biển Tây Philippines chuẩn bị rời khu vực biển này để đi vào tây Thái Bình Dương, hai chiếc tàu ngầm Trung cộng tối tân lớp Shang (Thương) nặng 7.000 tấn trang bị tên lửa hành trình chống hạm, đã lén lút theo dõi Queen Elizabeth, nhưng đã bị các chuyên gia sonar trên các chiến hạm HMS Kent Tupe 23 và HMS Richmond phát hiện. (theo Daily Express ngày 8/8/2021 - TNO)
Theo Express ngày 8/8/2021, khi Mẫu hạm HMS Queen Elizabeth và nhóm tác chiến ở Biển Tây Philippines đang rời Biển Đông để đi vào tây Thái Bình Dương, hai chiếc tàu ngầm tối tân của Trung cộng lớp Thương đã lén lút theo dõi, nhưng đã bị các chuyên gia trên các chiến hạm HMS Kent và HMS Richmond phát hiện. Ảnh trên: HMS Queen Elizabeth ở Biển Tây Philippines.Hải quân Anh. Nguồn TNO 09/8/2021.
HMS Queen Elizabeth ở căn cứ Guam-Thái Bình Dương. Source The News 06/8/2021.
IV. Bắc Kinh sẽ “phục kích” đường triệt thoái lui binh về nhà của HMS
Theo các hãng truyền thông nhà nước, Trung cộng đã tăng cường sức mạnh quân sự của họ trong khu vực trong tuần này với nhiều cuộc tập trận. Tập trận phòng thủ, tấn công, phục kích.
Hai khu vực phía bắc của Biển Đông đã bị hạn chế tiếp cận trong tuần này để tập trận, theo một bài báo trên tờ Global Times (truyền thông nhà nước Trung cộng). Bài báo cho biết: “Mặc dù các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc không có khả năng liên quan trực tiếp đến các chiến hạm của Anh, nhưng chúng cho thấy PLA đang ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao”. (theo The News)
Hải đồ minh họa dự đoán đường về nhà của HMS Queen Elizabeth
Để giữ an ninh hải lộ triệt thoái cho HMS Queen Elizabeth trên phạm vi vùng biển rộng lớn từ tây Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương, có hai hải lộ: 1- từ Nam Hàn băng qua eo biển Đài Loan tiến xuống vùng biển South China Sea (bắc Biển Đông); 2- từ Okinawa men theo đông Taiwan vượt qua eo Ba Sĩ Cao Hùng vào vùng Biển Tây Philippines.
Hải lộ thứ ba: 1- từ Nam Hàn tiến thẳng xuống nam Thái Bình Dương, dừng chân tại căn cứ Darwin (2) châu Úc, tiến vào cửa eo Malacca-Singapore, vào Ấn Độ Dương, tiếp tục gióng buồm về nhà (cảng Portsmouth, quận Hampshire miền đông nam Anh Quốc); 2- từ Tokyo hoặc từ Nam Hàn tiến thẳng xuống nam Thái Bình Dương (có thể ghé thăm một đảo quốc nào đó), dừng chân ở thành phố lớn nhất châu Úc là Sydney, thành phố của Nữ Vương Elizabeth, rồi từ Sydney vượt biển cực nam Thái Bình Dương về nhà.
Ngày 23 tháng 4 năm 1770, nhà thám hiểm Thuyền trưởng Ăng Lê James Cook lần đầu tiên là người châu Âu đã đến thám hiểm bờ biển phía đông châu Úc. (wikipedia)
Lý Kiến Trúc
California, bổ túc 13/8/2021
(1) tác giả bài viết đã từng nếm mùi lui binh theo đoàn quân hỗn tạp ở Quảng Đức lần theo đường rừng Kinh Đà về Lâm Đồng-Đà Lạt cuối tháng 3/1975.
(2) căn cứ Mỹ ở Darwin, cực bắc châu Úc là căn cứ Mỹ-Úc lập ra đầu tiên sau khi Vietnam War chấm dứt.
(3) Ca khúc “Hoa Biển” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
Các bài viết liên quan:
Biển Đông-Châu Á: Khúc dạo đầu của Liên quân Anh-Mỹ
Đường hành quân của HMS Elizabeth
Khu trục hạm USS Benfold hành quân áp sát Hoàng Sa
Bạch Thư Saigon 1975 và một số vấn đề ở biển đảo Trường Sa
Ngoại giao, Quốc phòng Ăng Lê, Quốc phòng Mỹ tấp nập đến Hà Nội; chuẩn bị đón Mẫu hạm HMS Elizabeth?
Hànội mùa thu hoạch; Saigon thành phố buồn; Manila chọn Mỹ.