VĂN HÓA ONLINE – HOÀNG SA TRƯỜNG SA - THỨ HAI 01 NOV 2021
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Indo-Pacific: Pháp muốn lập đối tác chiến lược với Indonesia
31/10/2021
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) và đồng nhiệm Indonesia Joko Widodo (T) trong cuộc gặp tại khách sạn Royal Splendid ở Roma, ngày 30/10/2021, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20. AFP - ELIOT BLONDET
Thu Hằng
Tổng thống Emmanuel Macron muốn Pháp đóng vai trò quan trọng hơn ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trong một cuộc họp kéo dài 30 phút bên lề thượng đỉnh G20 tại Roma (Ý) ngày 30/10/2021, ông Macron và tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nhất trí phối hợp hướng đến « mối quan hệ đối tác chiến lược thực thụ, được tăng cường » ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Theo phủ tổng thống Pháp, được AFP trích dẫn, quan hệ đối tác này « sẽ tập trung đặc biệt đến vấn đề chuyển đổi sinh thái, hỗ trợ cho việc làm và tăng trưởng ở Indonesia và phục hồi sau đại dịch ».
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian chuẩn bị công du Indonesia, nước giữ chức chủ tịch luân phiên sắp tới của nhóm G20. Vấn đề Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng được tổng thống Macron đề cập trong buổi làm việc với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề G20 ngày 30/10/2021.
Pháp tự vạch hướng đi riêng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương
Phải chăng ông Macron đang muốn thể hiện với Mỹ và Úc rằng Pháp có thể tự vạch hướng đi bằng cách thắt chặt quan hệ với các nước khác ở trong vùng ? Trả lời đài RFI, ông Jean-Luc Racine, giám đốc nghiên cứu danh dự của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), phân tích :
« Cần phải biết có thể trông cậy vào đối tác nào và quan hệ đối tác có thể đi đến đâu, vì trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhân tố chủ đạo vẫn là Hoa Kỳ. Điểm cần theo dõi là những tiến triển với Ấn Độ.
Ngược lại, tôi cho rằng việc tìm kiếm thiết lập quan hệ đối tác với Indonesia mang ý nghĩa quan trọng, trong khi Indonesia và Malaysia cùng nhau kiểm soát eo biển Malacca, được cho là tuyến đường huyết mạch đối với thương mại hàng hải của Trung Quốc. Do đó, một bàn cờ đang được định hình, trong đó Paris muốn khẳng định Pháp luôn luôn có vị trí trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Việc Úc lật kèo chỉ là một biến cố, chiến lược sẽ vẫn tiếp tục.
Vấn đề đặt ra hiện giờ, một mặt liên quan đến phương tiện quân sự có thể được triển khai, tiếp theo là khả năng hành động của ngành ngoại giao Pháp. Không phải ngẫu nhiên mà ngoại trưởng Pháp sắp đến thăm Indonesia ». (RFI)