Liên minh Indo-Pacific từ Tây sang Đông

08 Tháng Mười Một 20217:52 SA(Xem: 1319)

VĂN HÓA ONLINE – CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG - THỨ HAI 08 NOV 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Liên minh Indo-Pacific từ Tây sang Đông


Canada, Anh, Đức, Úc, Tân Tây Lan, Đài Loan liên kết đối phó Trung cộng


image008Mặt trận Biển Đông. Đồ họa: Hoàng Đình


Canada xây dựng chiến lược đầu tiên đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương


HÒA ĐẶNG


7/11/2021


(PLO)- Chính phủ Canada đang xây dựng chiến lược đầu tiên đối với toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó sẽ bao gồm thách thức từ việc đối phó Trung Quốc.


Tờ The Globe and Mail ngày 6-11 đưa tin chính phủ Canada đang xây dựng chiến lược đầu tiên đối với toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó sẽ bao gồm thách thức từ việc đối phó Trung Quốc.


Động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh chứng kiến sự rạn nứt tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ qua.


Theo tờ báo, việc gọi đây là một chiến lược Indo-Pacific thay vì tiếp tục chỉ tập trung vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phản ánh sự thay đổi quan trọng trong cách Canada tiếp cận châu Á và các quốc gia giáp Ấn Độ Dương, chẳng hạn Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka.


Chiến lược đầu tiên của Canada   


Theo The Globe and Mail, ông Jonathan Fried - cựu đại sứ Canada tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tại Nhật - đứng đầu một ban thư ký đặc biệt tại Bộ các Vấn đề Toàn cầu Canada, chịu trách nhiệm về việc xây dựng chiến lược. Ban này cũng bao gồm ông Michael Danagher - cựu đại sứ Canada tại Hàn Quốc.


image009Khinh hạm HMCS Ottawa lớp Halifax của Hải quân Hoàng gia Canada tại căn cứ Kure của Nhật. Ảnh: YOSHIHIRO INABA


Những tháng qua, ông Fried đã tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các tỉnh bang, giới học thuật và các chuyên gia về Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương về một kế hoạch toàn diện.


Điều này không chỉ giải quyết vấn đề về Trung Quốc, mà còn tập trung vào việc đa dạng hóa thương mại với các nước Đông Nam Á, như Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.


Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ mở rộng mạng lưới kết nối với các đối tác, mà theo đó Canada và các đồng minh có thể tập trung để đối phó sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, không chỉ ở Châu Á - Thái Bình Dương mà còn cả Ấn Độ Dương và hơn thế nữa.


Ban thư ký đã tham vấn ý kiển về chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương từ ông Stephen Nagy - phó giáo sư cao cấp về chính trị và nghiên cứu quốc tế tại ĐH Cơ đốc giáo Quốc tế của Nhật.


Ông Nagy cho rằng mối quan tâm đối với Mỹ, Nhật, Canada, Hàn Quốc, Úc và những nước khác là chính phủ Trung Quốc sẽ định hình lại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn để phản ánh các ưu tiên của chính Bắc Kinh.


“Điều này đồng nghĩa với việc ít minh bạch hơn, ít tập trung hơn vào pháp quyền, suy yếu các thể chế quốc tế, củng cố ý tưởng không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của một quốc gia” – ông Nagy nói thêm.


Thông điệp đến Mỹ


Theo The Globe and Mail, việc Canada đánh giá khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc giục Ottowa làm rõ cách thức tiếp cận dối với Trung Quốc.


image010Quan hệ Mỹ -Trung Quốc-Canada. Ảnh: UALBERTA


Tại phiên điều trần cho chức vụ ở Washington, D.C. hồi tháng 9, ông David Cohen - tân đại sứ Mỹ tại Canada - cho biết chính quyền ông Biden đã “chờ Canada đưa ra khuôn khổ cho chính sách chung về Trung Quốc của mình”.


Ông Cohen cho biết nhiệm vụ của mình tại Ottawa sẽ bao gồm việc "đảm bảo rằng các chính sách của Canada phản ánh lời nói của họ về cách tiếp cận với Trung Quốc".


The Globe and Mail cho hay ông Fried không cung cấp chi tiết về quá trình đánh giá. Bộ Bộ các Vấn đề Toàn cầu Canada từ chối cho biết về thời điểm hoàn thành chính sách.


Tuy nhiên, bà Syrine Khoury - thư ký báo chí của Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly - cho biết Ottawa muốn “một cách tiếp cận tích hợp mới đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đa dạng hóa sự tham gia của Canada và làm sâu sắc hơn các quan hệ đối tác ngoại giao, kinh tế, an ninh và phát triển bền vững”.


Một phần của chiến lược cũng là “duy trì các giá trị dân chủ và nhân quyền trong khu vực”, bà Khoury nói thêm.


Trong khi đó, ông Guy Saint-Jacques - cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc – nhận định việc gọi đây là “chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” một phần có thể là “thông điệp gửi tới Mỹ rằng chúng tôi đồng hành cùng Washington”.


Xung quanh thách thức về Trung Quốc


Theo ông Saint-Jacques - người cũng được ông Fried tham khảo ý kiến, trung tâm của bất kỳ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nào vẫn phải là Trung Quốc, đặc biệt là sau khi hai công dân Canada là ông Michael Spavor và ông Michael Kovrig được Trung Quốc thả tự do.


image011Thủ tướng Canada Justin Trudeau (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: REUTERS


“Thông điệp gửi tới Trung Quốc là chúng tôi không có vấn đề gì với việc nước này trở thành siêu cường, nhưng Bắc Kinh phải tuân thủ các quy tắc quốc tế và phải ngừng hành động như một bên bắt nạt” – ông Saint-Jacques nói.


“Về thương mại, chúng tôi phải làm ăn với Trung Quốc nhưng đồng thời chúng tôi sẽ cố gắng đa dạng hóa thương mại với các nước khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” – ông Saint-Jacques lưu ý.


Theo ông Goldy Hyder - chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Canada, chiến lược mới của Canada là “cực kỳ quan trọng”, nói thêm rằng các doanh nghiệp tại Canada đang thúc đẩy Ottawa thực hiện chiến lược này.


Chia sẻ ý kiến với ông Fried, ông Hyder đề xuất Canada cần khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tận dụng lợi thế thành viên của Canada trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).


Ông Hyder lưu ý rằng Úc, Hàn Quốc và Nhật phần lớn đứng về phía Washington liên quan các căng thẳng về lãnh thổ và an ninh với Trung Quốc, song vẫn theo đuổi hợp tác kinh tế và thương mại với Bắc Kinh.


Chia sẻ quan điểm với ông Fried, ông Jonathan Berkshire Miller – người đứng đầu Hội đồng Chính sách Quốc tế - cho rằng Canada cần “làm loãng tầm quan trọng của Trung Quốc trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Canada”.


Trung Quốc chỉ là điểm đến của khoảng 4 đến 5% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Canada và xếp sau Mỹ và Anh về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại đây. Phần lớn các mối quan hệ thương mại với Trung Quốc là phía người tiêu dùng Canada mua hàng hóa từ các nhà sản xuất Trung Quốc.


Ông Berkshire Miller cho rằng Canada cần phải đa dạng hóa cách tiếp cận của mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và “bác bỏ ý kiến cho rằng Trung Quốc là một quốc gia ngoại lệ” cần được chú ý đặc biệt.


“Nhiều thị trường khác ở châu Á sẽ mang lại cho Canada một mối quan hệ thương mại ổn định không giống như Trung Quốc, quốc gia đã chặn nhập khẩu thịt lợn và thịt bò để trả đũa sau khi giám đốc điều hành Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt tại Vancouver” – ông nói thêm.


Trong khi đó, bà Sarah Kutulakos - giám đốc điều hành của Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc Canada – cho rằng không có thị trường châu Á nào khác mang lại cơ hội kinh tế như Trung Quốc.


Theo bà Kutulakos, điều quan trọng đối với Canada là phải chuẩn bị một chiến lược cho châu Á, vì việc thiếu một chiến lược sẽ khiến hoạt động kinh doanh của Canada gặp bất lợi.


“Rủi ro không phải là việc Trung Quốc bị pha loãng trong một chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đó là việc không có chiến lược” – bà Kutulakos lưu ý. HÒA ĐẶNG


Sau khu trục hạm, Đức sẽ điều loạt máy bay chiến đấu tập trận ở Thái Bình Dương


“Với sự trỗi dậy của châu Á, cán cân chính trị và kinh tế đang ngày càng dịch chuyển sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khu vực này đang trở thành chìa khóa để định hình trật tự quốc tế trong thế kỷ 21”.


HÒA ĐẶNG


6/11/2021


(PLO)- Không quân Đức dự kiến sẽ triển khai máy bay chiến đấu, máy bay chở dầu và máy bay vận tải trên khắp thế giới đến châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022.


Trang Defense News đưa tin Không quân Đức đang chuẩn bị điều máy bay chiến đấu, máy bay chở dầu và máy bay vận tải trên khắp thế giới đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong vòng chưa đầy một năm tới.


Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục đánh giá về cách thức tăng cường sự can dự của khối trong khu vực này.


Đức triển khai không quân đến châu Á - Thái Bình Dương 


Theo Defense News, Không quân Đức sẽ triển khai sáu máy bay Eurofighter, ba máy bay chở dầu Airbus A330 và ba máy bay vận tải A400M để hỗ trợ cuộc tập trận không quân "Pitch Black" của Úc, dự kiến diễn ra từ ngày 5-9 đến ngày 23-9-2022.


Cuộc tập trận Pitch Black – được tổ chức hai năm một lần – hồi năm 2020 đã bị hủy bỏ.


image012Sau khu trục hạm, Đức sẽ điều loạt chiến đấu cơ tập trận ở Thái Bình Dương. Ảnh: KHÔNG QUÂN ĐỨC


Tham mưu trưởng Không quân Đức Ingo Gerhartz cho biết Đức sẵn sàng đóng vai trò lớn hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.


Theo ông Gerhartz, Đức sẽ khởi động với cuộc xuất kích đầu tiên vào mùa thu năm tới, trước khi phát triển một kế hoạch dài hơi hơn.


Trao đổi với Defense News hồi tháng 10 tại căn cứ không quân Neuburg ở bang Bavaria, ông Gerhartz cho biết đây là "đợt triển khai đầu tiên và lớn nhất" của Không quân Đức tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.


“Đây là một tín hiệu mạnh mẽ cho các đối tác quan trọng của chúng tôi ở Indo-Pacific rằng chúng tôi đang đồng hành cùng họ” – vị tham mưu trưởng cho hay.


Trung tâm chính cho hoạt động triển khai của Đức vào năm 2022 sẽ là Úc. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về các căn cứ thực sự vẫn chưa được xác nhận, Không quân Đức cho biết.


Defense News dẫn email trích lời người phát người Không quân Đức cho hay lực lượng này cũng muốn kết hợp Singapore và Nhật vào cuộc tập trận.


Ông Gerhartz dự kiến sẽ gặp một số người đồng cấp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào tháng 11 trong Hội nghị Giám đốc Hàng không Quốc tế Dubai và sẽ lên kế hoạch bổ sung sau đó.


Không quân Đức tiếp nối hoạt động của Hải quân


Theo Defense News, việc triển khai của Không quân Đức là động thái tiếp nối việc Hải quân nước này hồi tháng 8 khi triển khai tàu khu trục Bayern của tới châu Á – Thái Bình Dương. 


image013Tàu khu trục Bayern của Đức. Ảnh: HẢI QUÂN ĐỨC


Hiện tại, ông Gerhartz đang tập trung vào việc lên kế hoạch cho cuộc tập trận năm 2022.


Ông Gerhartz cũng không loại trừ khả năng các khí tài của Đức sẽ được đưa trở lại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 


“Tôi không thể đoán trước liệu sẽ có sự hiện diện thường xuyên hay không. Tuy nhiên, đối với tôi, nó không thể chỉ là: Một năm chúng tôi ở đó, và sau đó chúng tôi rời đi” – ông Gerhartz cho hay.


Theo Defense News, một chiến lược dài hạn có thể xoay quanh chính phủ liên minh mới của Berlin giữa đảng Dân chủ Xã hội, đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do, cũng như cách tiếp cận của giới lãnh đạo Đức đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.


Nền tảng cho sự can dự của Đức tại châu Á - Thái Bình Dương  


Động thái của Không quân Đức dựa trên một loạt hướng dẫn chính sách đối khu vực do chính phủ Đức công bố hồi tháng 9-2020, theo Defense News.


Người phát ngôn của Không quân Đức cho biết: “Với sự trỗi dậy của châu Á, cán cân chính trị và kinh tế đang ngày càng dịch chuyển sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khu vực này đang trở thành chìa khóa để định hình trật tự quốc tế trong thế kỷ 21”.


image014Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị G20 diễn ra ở Úc năm 2014. Ảnh: AFP


Khẳng định tại một cuộc họp báo hồi tháng 9, Bộ Ngoại giao Đức cho biết một năm sau khi các hướng dẫn chính sách được công bố, các mục tiêu đang bắt đầu được đáp ứng.


Trong thời gian Đức làm chủ tịch Hội đồng EU, quan hệ châu Á của khối đã được nâng cấp "lên mức đối tác chiến lược vào tháng 12-2020", bản tóm tắt nêu rõ. 


Berlin cũng đã mở rộng các mối quan hệ với Úc và Nhật, đồng thời mở một trung tâm thông tin khu vực của Đức để mở rộng thông tin liên lạc công cộng trong khu vực.


EU đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đầu tiên vào tháng 9.


Từ góc độ an ninh, chiến lược này ghi nhận kế hoạch của liên minh trong việc triển khai cố vấn quân sự cho các phái đoàn EU trong khu vực - hiện tại là Trung Quốc và Indonesia - và thiết lập một mạng lưới ngoại giao không gian mạng của EU


Chiến lược nêu bật các vấn đề: an ninh mạng; chống khủng bố; an toàn hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học; thao túng thông tin.


Đây là những thách thức an ninh mà EU muốn hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.


Ngoài Đức, Pháp và Hà Lan là những quốc gia châu Âu duy nhất công bố chiến lược đối với khu vực này. 


Paris lần đầu tiên công bố các chiến lược vào năm 2018 và 2019, trong khi Berlin và Amsterdam có động thái tương tự lần lượt vào tháng 9-2020 và tháng 11-2020. HÒA ĐẶNG


Anh theo dõi tàu ngầm, sẵn sàng đánh chặn máy bay của Trung Quốc


HÒA ĐẶNG


6/11/2021


(PLO)- Kênh truyền hình Sky News dẫn lời các quan chức tiết lộ Anh đã theo dõi các tàu ngầm của Trung Quốc từ Mẫu hạm và sẵn sàng đánh chặn các máy bay phản lực của Bắc Kinh ở Biển Đông.


Theo các quan chức, các tàu khu trục và trực thăng hoạt động cùng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh có thể xác định vị trí của các tàu ngầm Trung Quốc, giúp tàu sân bay điều hướng.


Máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã hiện diện tại khu vực, song giữ khoảng cách "chuyên nghiệp", đồng thời đã gửi tín hiệu bằng cách quay đi ngay khi vào phạm vị tầm bắn của tên lửa - cách khoảng 241 km, các quan chức cho hay.


image015Anh đã theo dõi tàu ngầm, sẵn sàng đánh chặn máy bay của Trung Quốc. Ảnh: SKY NEWS


Đại tá Steve Moorhouse - chỉ huy tàu HMS Queen Elizabeth - cho biết: "Trong trò chơi kiểu mèo và chuột, tôi hoàn toàn biết rõ là họ đang quay đi ở những phạm vi mà họ có thể đang sử dụng chúng tôi để phục vụ việc huấn luyện theo cách mà chúng tôi cũng sẽ làm đối với họ. Do đó, điều này không làm chúng tôi lo lắng”.


"Họ không tương tác hay tiếp cận gần chúng tôi hay có bất kỳ động thái nào tương tự. Tuy nhiên, phạm vi của các máy bay là dấu hiệu cho thấy những gì họ sẽ làm là thật" – ông Moorhouse nói thêm.


Theo Sky News, các thông tin mới về cuộc chạm mặt trên biển của Anh với Trung Quốc, rơi vào khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10, được hé lộ trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết "rất có thể" tàu sân bay Anh vào một thời điểm nào đó sẽ được sử dụng để thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu khủng bố, gồm cả ở Afghanistan.


Trong chuyến thăm tàu HMS Queen Elizabeth hiện đang dừng ở Oman, Bộ trưởng Ben Wallace cho biết điều này sẽ nhằm vào "những ai gây ra mối đe dọa đối với Anh hoặc các đồng minh của chúng tôi".


"Cho dù đó là tuần sau, tháng tới, thập niên tới – tàu sân bay này sẽ trong tư thế trên trong thời gian dài" – ông Wallace nói thêm.


Theo Sky News, HMS Queen Elizabeth đã dẫn đầu Nhóm tác chiến tàu sân bay 21 (CSG21) trong sứ mệnh hàng hải đầu tiên - Chiến dịch Fortis – từ hồi tháng 5. Nhóm tác chiến dự kiến có chuyến hải trình cuối cùng đến Nhật và quay trở về kéo dài đến tháng 12. Trên hải trình, tàu sẽ đi qua các vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông.


Với sự hộ tống từ tàu chiến của Hà Lan và Mỹ, cùng sự tương tác với khoảng 40 hải quân các nước khác trên chuyến hải trình, tàu sân bay đến nay đã đi được hơn 40.000 hải lý.


image016Nhóm tác chiến Mẫu hạm HMS Queen Elizabeth với sự hộ tống của các chiến hạm hải quân Mỹ, Hà Lan. Ảnh: SKY NEWS


Sky News dẫn lời ông Moorhouse cho biết có lẽ phép thử khó khăn nhất đối với thủy thủ đoàn - khoảng 1.600 thủy thủ, thủy quân lục chiến và không quân - là lúc các máy bay phản lực của Nga tiếp cận khi tàu sân bay đi qua Đông Địa Trung Hải hồi tháng 6.


Các chiến đấu cơ F-35 của Anh và Mỹ đã được triển khai để ngăn các máy bay Nga bay trên đầu.


Trả lời câu hỏi rằng nhóm tác chiến tàu sân bay đã gửi thông điệp gì tới Moscow, ông Moorhouse nói: "Chúng tôi đơn giản là sẽ không bị bắt nạt. Đó là một vùng không gian biển rộng lớn và các quốc gia có thể hoạt động ở đó một cách tự do".


Ngoài ra, các sĩ quan trong phòng tác chiến của tàu sân bay cho biết họ đã chuẩn bị cho một thách thức tương tự, lần này là từ Trung Quốc, khi tàu sân bay di chuyển vào Biển Đông.


image017Sĩ quan trong phòng tác chiến của HMS Queen Elizabeth. Ảnh: SKY NEWS


Trung úy Richard "Tom" Hanks - sĩ quan tác chiến cấp cao - cho biết: "Chúng tôi đã thấy các máy bay [Trung Quốc] xuất kích và cất cánh ở xa - vì vậy yêu cầu đảm bảo boong [bay] ở trạng thái sẵn sàng đã được đáp ứng, song yêu cầu triển khai [máy bay phản lực F-35 để đánh chặn] là không bao giờ thực sự cần thiết".


Trong khi đó, ông Moorhouse mô tả các hoạt động của máy bay Trung Quốc là "an toàn, chuyên nghiệp và phạm vi phù hợp".


Tuy nhiên, nhóm tàu chiến và trực thăng của quân đội Anh đã có cơ hội trau dồi kỹ năng săn tàu ngầm.


“Trong một vài trường hợp, chúng tôi tự tin rằng chúng tôi biết tàu ngầm của họ ở đâu" – ông Moorhouse nói.


“Vì vậy, theo nghĩa đen, chúng tôi gần như định vị được nơi tàu ngầm (của Trung Quốc) đang hiện diện, nơi nó đang theo dõi khinh hạm và trực thăng của chúng tôi và sau đó chúng tôi có thể di chuyển tàu sân bay xung quanh nó, theo nghĩa đen là né tàu ngầm để có thể tiếp tục hải trình của mình một cách an toàn" – ông Moorhouse nói thêm.


Về kinh nghiệm hoạt động ở Biển Đông, sĩ quan chỉ huy cho biết ông đã chỉ đạo lực lượng thể hiện cho Bắc Kinh thấy "chúng tôi thực sự tốt như thế nào".


Theo đó, các máy bay phản lực F-35 đã bay 24 giờ một ngày, trong khi các khinh hạm và khu trục hạm đi cùng thực hiện các nhiệm vụ khác. HÒA ĐẶNG


New Zealand hoan nghênh sự can dự của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương


HÒA ĐẶNG


7/11/2021


(PLO)-Hãng Reuters đưa tin Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 6-11 đã hoan nghênh các tín hiệu từ Mỹ về việc can dự nhiều hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.


Tuần tới, bà Ardern sẽ chủ trì một hội nghị trực tuyến với các nhà lãnh đạo từ châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Nhật, để thảo luận về cách khu vực này có thể phục hồi sau đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế.


image018Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. Ảnh: REUTERS


Trong cuộc phỏng vấn sẽ được phát sóng trên đài NBC của Mỹ vào ngày 7-11, bà Ardern nói rằng dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ có "vai trò cực kỳ quan trọng" đối với các mối quan hệ chiến lược về quốc phòng, kinh tế và thương mại trong khu vực.


"Chúng tôi hoan nghênh sự hiện diện thực tế đó và việc Mỹ là một phần trong các cuộc đàm phán quan trọng trong khu vực” – bà Ardern nói trong chương trình "Gặp gỡ báo chí".


"Và chúng tôi đã thấy sự tham gia nhiều hơn trong thời gian gần đây" – bà Ardern đề cập sự can dự của Mỹ.


Vị thủ thướng cũng nhắc lại quan điểm rằng New Zealand sẽ theo đuổi chính sách "toàn vẹn" với Trung Quốc.


“Chúng tôi vẫn tin rằng chúng tôi có sự chín chắn trong mối quan hệ của mình để đưa ra các vấn đề mà chúng tôi quan tâm, có thể là vấn đề nhân quyền, vấn đề lao động, có thể là vấn đề môi trường” – bà Ardern cho hay.


Chiến tranh thương mại giữa Úc và Trung Quốc bắt đầu sau khi Canberra kêu gọi điều tra nguồn gốc COVID-19 – điều Bắc Kinh coi là sự xúc phạm.


Trung Quốc sau đó áp đặt mức thuế lớn lên một số hàng hóa của Úc. Đáp lại, Canberra đã báo cáo lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho rằng hành động của Bắc Kinh và phi lý và mang tính chất trả đũa.


Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến quan hệ giữa New Zealand và Trung Quốc. Hai quốc gia hồi tháng 1 đã nâng cấp thỏa thuận thương mại tự do, dù New Zealand chia sẻ chung quan điểm với Úc về các vấn đề nhân quyền liên quan Trung Quốc. HÒA ĐẶNG


 Đảng Cộng hòa muốn viện trợ 2 tỷ đô/năm cho Đài Loan chống TQ


BBC 06/11/2021


image019Nguồn hình ảnh, Getty Images. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn


Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa của Hoa Kỳ đã giới thiệu một dự luật hôm 6/11 nhằm tìm cách cung cấp 2 tỷ đôla mỗi năm và các hỗ trợ khác cho Đài Loan để tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo này khi họ đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc.


Dự luật, nếu được thông qua, sẽ cho phép cấp 2 tỷ đôla một năm cho chương trình Tài trợ Quân sự Nước ngoài - chương trình tài trợ và cho vay của Mỹ, cho phép các quốc gia mua vũ khí và thiết bị quốc phòng được sản xuất tại Mỹ - đến năm 2032 cho Đài Loan, theo Reuters..


Mặc dù dự luật được soạn thảo chỉ bởi đảng Cộng hòa, đảng thiểu số tại Thượng viện, nó làm tăng thêm áp lực từ Quốc hội đối với Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden về việc cần có hành động mạnh mẽ hơn để tăng cường quan hệ với Đài Loan hiện đang bị cô lập về mặt ngoại giao.


Hoa Kỳ là nhà cung cấp quân sự chính cho đảo quốc dân chủ này.


Người soạn thảo chính dự luật này là Thượng nghị sĩ Jim Risch, lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Đồng soạn thảo có Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Crapo, John Cornyn, Bill Hagerty, Mitt Romney và Marco Rubio.


Hiện chưa rõ đảng Dân chủ đánh giá dự luật này như thế nào. Sự ủng hộ dành cho Đài Loan là một vấn đề hiếm khi nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Thượng viện đang bị chia rẽ sâu sắc.


Khoản tài trợ sẽ đi kèm với các điều kiện, bao gồm việc Đài Loan cam kết chi tiêu phù hợp với chính sách của Hoa Kỳ, và liệu Đài Bắc và Washington có đồng ý tiến hành lập kế hoạch dài hạn chung để phát triển năng lực hay không.


Hoa Kỳ đã thúc giục Đài Loan cải cách quốc phòng để tập trung vào khả năng nâng cao khả năng cơ động của lực lượng quân sự, khiến họ khó bị tấn công hơn, cũng như đảm bảo hòn đảo này duy trì một lực lượng dự bị mạnh mẽ.


Dự luật này cũng sẽ sửa đổi Đạo luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí hiện hành, điều chỉnh hoạt động mua bán quân sự của nước ngoài, để giúp các công ty Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan dễ dàng hơn. Dự luật này cũng sẽ yêu cầu đánh giá hàng năm về những nỗ lực của Đài Loan trong việc thúc đẩy chiến lược quốc phòng đối với Trung Quốc.


Dự luật cũng sẽ cải thiện trao đổi quân sự với Đài Loan và mở rộng các cơ hội đào tạo kỹ thuật và giáo dục quân sự chuyên nghiệp tại Hoa Kỳ cho các quân nhân Đài Loan.


"Việc bảo vệ Đài Loan là rất quan trọng để duy trì sự tín nhiệm của Hoa Kỳ với tư cách là người bảo vệ các giá trị dân chủ và các nguyên tắc thị trường tự do mà người dân và chính phủ Đài Loan thể hiện," văn bản của dự luật viết.


Trung Quốc gần đây đã gia tăng áp lực quân sự, bao gồm việc nhiều lần liên tiếp đưa các máy bay chiến đấu bay vào khu vực gần Đài Loan. Bắc Kinh luôn tuyên bố Đài Loan thuộc về Trung Quốc và không loại trừ việc thực hiện điều này bằng vũ lực.


Biden đã xác nhận một cam kết "vững chắc" đối với Đài Loan và chỉ trích Trung Quốc. Bắc Kinh đổ lỗi cho các chính sách của Washington trong việc hỗ trợ Đài Loan bán vũ khí và gửi tàu chiến qua eo biển Đài Loan là nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng.


Hôm thứ Tư, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong báo cáo thường niên trước Quốc hội về quân đội Trung Quốc đã nhắc lại lo ngại về việc gia tăng áp lực đối với Đài Loan.


Báo cáo làm dấy lên những lo ngại về việc Trung Quốc phát triển các khả năng để chiếm Đài Loan, mặc dù một quan chức quốc phòng Mỹ từ chối bình luận với các phóng viên về việc liệu kịch bản đó có khả năng xảy ra hay không hoặc liệu Bộ Quốc phòng Mỹ có nhận thấy nguy cơ xung đột vũ trang gần hoặc thậm chí trung hạn hay không.