Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói về nhạc Trịnh và tình yêu
- Nguyễn Mạnh Hà
- Gửi tới BBC từ Hà Nội
1/2/2022
Thiền sư Thích Nhất Hạnh có sự thấu cảm đặc biệt dành cho âm nhạc và con người Trịnh Công Sơn. Ông cho hay có thể nói liền 2-3 ngày về Trịnh Công Sơn: "Nhưng nói như vậy thì mệt lắm, quý vị mệt". Đúng ngày này 18 năm trước, Thiền sư có một buổi pháp thoại về nhạc sĩ. Tất nhiên ông cũng mượn Trịnh để nói về giáo pháp vô sinh vô diệt.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh khẳng định, những bài hát của Trịnh Công Sơn chuyên chở lòng nhân ái để tưới tẩm hạt giống từ bi, làm tan rã bớt những chất liệu của hận thù trong mỗi người: "Những bài hát của Trịnh Công Sơn nói về tình người giống như những bài kinh mà ta có thể tụng được".
Kế đó trong buổi pháp thoại ngày 1/2/2004 tại tu viện Lộc Uyển (California- Mỹ), Thiền sư Thiền sư cho các tăng ni tụng kinh và hát Đại bác ru đêm chỉ với duy nhất chiếc mõ để cho thấy sự tương đồng về âm nhạc. Quả thực nhiều bài hát của Trịnh có âm điệu đều đều, lặp lại cùng lời lẽ đầy triết lý khá giống nhạc Phật.
Tuệ giác trong nhạc Trịnh
Cũng trong buổi pháp thoại, Thiền sư đã nhấn mạnh sự đồng cảm giữa mình và nhạc sĩ qua cách chọn đại từ nhân xưng: "Chúng tôi có một ít can đảm dám nói sự thật"- cụ thể ở đây sự thật về cuộc chiến. Vài năm trước khi Ca khúc Da vàng của Trịnh Công Sơn ra đời, Thích Nhất Hạnh đã xuất bản các bài thơ phản chiến sau này được tập hợp trong tập Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt. Tập thơ tiếp theo Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện tác giả phải in chui vì bị Nha kiểm duyện loại 68/70 bài.
"Thiền là chánh niệm. Chánh niệm là khả năng biết những gì thực sự xảy ra trong giây phút hiện tại. Trịnh Công Sơn nói lên sự thật là đang thực tập thiền", Sư ông nhấn mạnh. Ông cắt nghĩa Nguyên Thọ- pháp danh của nhạc sĩ tức là "được trao truyền từ suối nguồn lòng nhân ái từ bi và lòng dũng cảm".
Nguồn hình ảnh, Lang Mai. Thiền sư Thích Nhất Hạnh gây dựng một phong trào sáng tác và trình diễn thiền ca trong các đệ tử. Ông cũng tự phổ nhạc không ít những bài thơ thiền của mình
Mười lăm tuổi, sau khi cha mất, Trịnh Công Sơn quy y tại chùa Phổ Quang (Huế) và thường lên chùa học tán tụng, có khi ngủ lại. Thiền sư cho biết đã liên lạc với các vị sư ở Huế để xác thực những thông tin này. Bản thân nhạc sĩ kể: "Từ những ngày còn trẻ, tôi đã học kinh và thuộc kinh Phật. Thuở bé tôi hay đến chùa vì thích sự yên tĩnh.
Có những năm tháng nằm bệnh, đêm nào mẹ tôi cũng nhờ một thầy đến nhà tụng kinh cầu an và tôi thường đi vào giấc ngủ êm đềm giữa những câu kinh đó. Có thể vì một tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua những cổng nhà Phật nên trong vô thức, bên cạnh những di sản văn hóa Đông Tây góp nhặt được, còn có lời kinh kệ vô tình nằm ở đấy".
"Trong nhạc của Trịnh Công Sơn có nhiều tuệ giác của đạo Bụt, nghe kỹ có thể nhận diện được", Sư ông giảng. "Đức Thế tôn luôn kêu chúng ta trở về sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Không biết Trịnh Công Sơn có đọc sách Làng Mai không, nhưng chứng tỏ mình đã có được chân lý đó, tức tuệ giác Hiện pháp lạc trú".
Nguồn hình ảnh, Tu lieu gia dinh. Sau này gia đình Trịnh Công Sơn có nhiều dịp sinh hoạt với Sư ông và tăng thân Làng Mai. Trong ảnh là Sư cô Chân Không hát nhạc Trịnh cùng em gái nhạc sĩ, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh
Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhạc sĩ nói: "Bậc thượng thừa của hiện sinh chính là ông Phật. Tại vì Phật dạy ta phải thức tỉnh trong từng sát-na của cuộc sống". Và Trịnh Công Sơn áp dụng phương châm đó vào cuộc sống thế này:
"Tôi có cách hành thiền riêng. Không có giờ nhất định. Và thậm chí cũng không nghĩ là mình đang làm việc thiền. Đó chỉ là một cách sống. Và sống thiền trong mỗi sát-na. Ngồi trước một ly rượu hay trước một nhan sắc cũng vậy. Điều này hơi vi phạm giáo luật Phật giáo, nhưng tôi là kẻ trần tục nên cứ tự cho phép mình như thế…"
Về bài Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Sư ông nói: "Nếu sống theo được cái tuệ giác của bài này, mình có hạnh phúc và làm hạnh phúc được cho nhiều người. Có thể nói Trịnh Công Sơn đã kiến đạo… Nhưng còn phải tu đạo thì mới chứng đạo".
Nhạc sĩ khó "tu" phần vì gặp nhiều "bạn nhậu" hơn bạn đạo? Sư ông kể, Trịnh Vĩnh Trinh có lần nhờ một người bạn của anh mình khuyên anh uống ít rượu: "Nhưng người kia không khuyên được vì họ cũng uống rượu". Tuy có tuệ giác nhưng "Trịnh Công Sơn không có tăng thân và không được bảo hộ để sống đúng tuệ giác này" là nhận định của Thiền sư. Tăng thân hay tăng đoàn chỉ những tu sĩ cùng tu tập theo một một giáo pháp. Tuy nhiên Thiền sư đưa khái niệm này vào đời sống như sau: "Nhóm những người bạn chung tuệ giác và nâng đỡ nhau để sống theo tuệ giác đó gọi là tăng thân".
Sinh thời, Trịnh Công Sơn đề cao tình bạn: "Vắng bạn đương nhiên là buồn. Nhưng bạn nào và sự có mặt của bạn như thế nào đó mới thật là một niềm vui. Có những sự có mặt của bạn bè tương đương với một dấu lặng trong âm nhạc, nên sự có mặt đó thường có khả năng mang đến cho ta một sự thoải mái thảnh thơi tựa hồ như niềm hoan lạc. Đó là những trường hợp ta không cần phải đối phó, không cần phải cố gắng lấp đầy khoảng trống bằng những câu chuyện gắng gượng, nhạt nhẽo".
Nguồn hình ảnh, Tu lieu gia dinh. Sư cô Chân Không cùng em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh
Và Thiền sư cho rằng đó chính là cách thiền của Trịnh Công Sơn dù không chuẩn phương pháp "thiền tọa". "Sự ồn ào làm cho Trịnh Công Sơn mệt, dầu là sự ồn ào để tán tưởng mình", Sư ông phân tích. "Nên Trịnh Công Sơn rất cần những giây phút im lặng. Nhưng vì chưa học được chuyện ngồi một mình để hưởng sự im lặng (thiền) nên Trịnh Công Sơn cần một người bạn ở bên (mà không cần nói gì) để hưởng sự im lặng". Theo Thiền sư, dù không nói thì sự có mặt của nhau vẫn nuôi dưỡng mọi người trong nhóm, cũng giống như 3-4 người cùng ngồi thiền vẫn vui hơn một mình vậy.
Về tình yêu, nhạc sĩ tuyên bố: "Với tôi, trong tình yêu không có sự bất tử. Người ta chỉ muốn lãng mạn hóa nó đó thôi... Tuy vậy trong sự bất tử có thể có tình yêu". Thiền sư coi phát biểu này là một công án thiền và phân tích: "Người yêu đích thực tháo gỡ được cho mình ra khỏi tuyệt vọng, tháo gỡ mình khỏi một tình huống khó khăn. Và khi mình thấy được người yêu đó thì mình biết trong tình yêu đó có sự bất tử".
Trịnh Công Sơn cũng bất tử
Bí quyết hạnh phúc trong tình yêu được Thiền sư Thích Nhất Hạnh chỉ ra trong pháp thoại: "Người yêu phải là bạn của mình… Chưa có tình bạn chưa phải là tình yêu đích thực".
Nguồn hình ảnh, Tu liệu gia dinh. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn
Nhiều năm sau, Sư ông tiếp tục triển khai ý này: "Hiểu và thương là nền tảng của đạo Bụt. Cái thương đích thực được làm bằng cái hiểu. Không có hiểu thì không có thương. Cha không hiểu con thì cha càng thương, con càng khổ. Vợ không hiểu chồng thì vợ càng thương, chồng càng khổ. Sống thế nào để mỗi ngày mình càng hiểu người và cho người kia hiểu mình hơn. Nếu cái hiểu không lớn lên, cái thương sẽ giậm chân tại chỗ. Và tình yêu sẽ từ từ chết nếu mình không biết nuôi dưỡng nó bằng hiểu và thương".
Thiền sư cho hay từng yêu cầu Trịnh Công Sơn phổ nhạc giúp một số bài kinh: "Nhưng thư của tôi bị lạc. Đến khi Trịnh Công Sơn nhận được thư đó đã bệnh nặng lắm rồi". Giữa những năm 1960, Phạm Duy phổ nhạc những bài thơ phản chiến của Thích Nhất Hạnh, nhưng riêng những lời kinh hẳn Sư ông muốn gửi gắm Trịnh Công Sơn hơn.
Cũng trong buổi pháp thoại tại Lộc Uyển, Thiền sư mượn Trịnh Công Sơn để nhắc nhở về sự biến sinh của vạn vật: Trong đời sống vốn không có gì sinh ra và cũng chẳng có gì mất đi. "Trịnh Công Sơn đang còn đó nghe lời tôi nói. Trịnh Công Sơn đang ở trong này, trong các quý vị từ Việt Nam qua. Đừng tưởng Trịnh Công Sơn chết rồi, Trịnh Công Sơn đang sống hùng mạnh hơn bao giờ hết". Và Sư ông dẫn chứng dù tan biến về thể xác, Trịnh Công Sơn vẫn khiến nhiều người bỏ công việc vượt nhiều cây số đến đây nghe giảng…
Hình dung của nhạc sĩ về bên kia thế giới: "Có một sự tiếp nối ở một cõi, một thế giới khác thì chắc là vui! Và tôi nghĩ thật sự có một cõi nào đó khác với cõi đời này thì tất cả mọi người đều hy vọng được rong chơi mãi mãi". Thiền sư bình luận: "Thiên đàng hay cực lạc gì cũng nằm ở đây hết. Mình không mất, sự tan rã của thân xác chỉ là sự chấm dứt của một giai đoạn biểu hiện. Và mình sẽ được biểu hiện trong giai đoạn kế tiếp. Đám mây khi không còn hình thức của đám mây, thì tiếp tục làm con suối hay tảng băng sơn. Làm đám mây bay trên trời thì vui lắm, nhưng làm mưa rơi xuống ruộng đồng cũng rất vui, tại sao phải sợ. Và Trịnh Công Sơn có thể rong chơi mãi mãi hoài hoài ngay trên ngay thế gian này, không phải giả định có một cõi nào đó khác".
Nguồn hình ảnh, Tu lieu gia dinh. Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh và phu quân Nguyễn Trung Trực ghi sổ tang trong đám tang Thiền sư Thích Nhất Hạnh
"Đối với tôi, Trịnh Công Sơn chưa bao giờ chết. Nếu mình thắp một nén hương không để tiếc thương mà để thắp sáng ý thức là Trịnh Công Sơn còn đó với mình và mình có thể mang Trịnh Công Sơn vào tương lai để Trịnh Công Sơn có thể tiếp tục sứ mạng chuyên chở tình thương yêu", Thiền sư nói. Kế đó ông mời ca sĩ Khánh Ly cũng có mặt tại thiền đường từ đầu buổi lên trước thính chúng để thắp một nén hương lên bàn thờ. Khép lại buổi pháp thoại, toàn thể thiền đường cùng hát Nối vòng tay lớn phiên bản Làng Mai, tức là một vài chỗ lời hát được sửa để trở thành một bản thiền ca.
*Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn riêng của tác giả Nguyễn Mạnh Hà từ Hà Nội.
"Tôi đang cố gắng quên Phật giáo như một tôn giáo. Tôi muốn đó là một thứ triết học siêu thoát mà ai cũng cần phải học, ngay cả những người thuộc tôn giáo khác. Mỗi người phải nỗ lực để xây dựng cho bằng được một ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình và nuôi lớn Phật tính trong chính bản thân thành một tượng đài vững chắc. Nó sẽ giúp ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc sống khác đi"- Trịnh Công Sơn
Ông Nguyễn Trung Trực, đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới đây kể: "Sư ông có hỏi chúng tôi nhưng chúng tôi rất tiếc cũng không biết tại sao những lá thư Sư ông gửi qua bưu điện vào khoảng 1978-79 không bao giờ đến nhà anh Sơn. Tôi là người giữ tất cả những lá thư riêng của anh Sơn nhưng lục không ra. Nếu có thì chúng tôi rất trân trọng. Vô cùng tiếc cho cái duyên lớn đã không thành".