Nga-Ukraine ký thoả thuận xuất khẩu ngũ cốc, LHQ-Thổ kêu gọi tuân thủ; Bắc Kinh thừa cơ thu mua

24 Tháng Bảy 20227:22 SA(Xem: 5169)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN 1 - CHỦ NHẬT 24 JULY 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Nga-Ukraine ký thoả thuận xuất khẩu ngũ cốc, LHQ-Thổ kêu gọi tuân thủ; Bắc Kinh thừa cơ thu mua


Nga và Ukraine đã ký các thỏa thuận với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ để mở ra một "hành lang hàng hải" ở Biển Đen.


Các quan chức cho biết kế hoạch bao gồm:


• Tàu Ukraine định vị dẫn đường cho tàu chở ngũ cốc ra vào vùng nước của cảng có mìn

• Nga đồng ý đình chiến trong khi tàu vận chuyển các chuyến hàng

• Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra tàu để chấn an nỗi lo của Nga về khả năng buôn lậu vũ khí

• Cho phép xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga qua Biển Đen. (BBC 24/7/2022)


23/07/2022

ĐỨC HIỀN

(PLO)- Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ) ký các thỏa thuận mở đường xuất khẩu ngũ cốc qua biển Đen, và Mỹ sẽ theo dõi xem Nga có tuân thủ thỏa thuận hay không.


Ngày 22/7/2022, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ) đã ký các thỏa thuận liên quan đến việc mở đường xuất khẩu ngũ cốc và các loại lương thực từ các cảng Biển Đen của Ukraine, hãng thông tấn Ukrinform đưa tin.


Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine - ông Oleksandr Kubrakov, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres là những người đại diện các bên ký vào các thỏa thuận.


Cố vấn của Tổng thống Ukraine - ông Mykhailo Podoliak cho biết Ukraine đã ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ chứ không phải với Nga.


image003Các đại diện Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc gặp nhau tại TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 13-7, bàn về xuất khẩu ngũ cốc Ukraine. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG THỔ NHĨ KỲ


image005Đại diện Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Hợp Quốc ký vào các thỏa thuận mở đường xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Ảnh: REUTERS

 

Ông Podoliak cho biết theo các thỏa thuận, tàu chở ngũ cốc của Ukraine sẽ không bị phía Nga kiểm tra và các đại diện Nga sẽ không có mặt tại các cảng của Ukraine.


Tất cả các cuộc kiểm tra tàu hàng sẽ do các nhóm chung thực hiện ở trong vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp cần thiết. Nếu xảy ra các hành động khiêu khích, phản ứng quân sự sẽ được sử dụng ngay lập tức.


Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cho biết hiện Ukraine có khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc năm ngoái đang chờ được xuất khẩu, tức là trị giá 10 tỉ USD. Ông cũng nói rằng việc ký được thỏa thuận mở đường xuất khẩu ngũ cốc sẽ giúp Ukraine có cơ hội bán ngũ cốc mùa vụ năm nay.


Tổng thư ký LHQ Guterres đánh giá cao việc các bên ký thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc và nói rằng đây là niềm hy vọng để cứu thế giới khỏi khủng hoảng lương thực. Ngoài ra, ông cũng kêu gọi Nga và Ukraine tuân thủ các hiệp định.


Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho biết Washington hy vọng thỏa thuận "sẽ giúp giảm thiểu cuộc khủng hoảng mà Nga đã gây ra", đồng thời nói rằng Mỹ “sẽ theo dõi sát sao để đảm bảo Nga thực sự tuân theo thỏa thuận", theo hãng tin Reuters.


Lãnh đạo Văn phòng Điều phối Các biện pháp trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ James O'Brien nói rằng Mỹ muốn thấy Trung Quốc giúp sức trong việc chống lại cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.


Ông nói: “Chúng tôi muốn thấy Trung Quốc hành động như một cường quốc và cung cấp nhiều ngũ cốc hơn cho những người nghèo trên khắp thế giới”.


Ông cho rằng Trung Quốc là nước đang tích cực mua ngũ cốc và đang tích trữ mặt hàng này trong thời điểm mà hàng trăm triệu người đang ở trong nạn đói.


Mỹ sẽ thúc đẩy Nga thi hành thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine


23/07/2022


Reuters


image007Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc, Linda Thomas-Greenfield.


Hoa Kỳ ngày 22/7 nói sẽ buộc Nga phải chịu trách nhiệm về việc thi hành một thỏa thuận do Liên hiệp quốc làm trung gian nhằm nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ở Biển Đen và kêu gọi Trung Quốc tích trữ ngũ cốc có thể được sử dụng cho nhu cầu nhân đạo toàn cầu.


Nga và Ukraine là những nước cung cấp lúa mì lớn trên toàn cầu, nhưng việc Moscow xâm lược nước láng giềng vào ngày 24 tháng 2 đã khiến giá lương thực tăng vọt, gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu mà Chương trình Lương thực Thế giới nói đã đẩy khoảng 47 triệu người vào “nạn đói cấp tính”.


Nga và Ukraine đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt vào ngày 22/7 để mở lại các cảng của Ukraine ở Biển Đen để xuất khẩu ngũ cốc. Chiến tranh đã khiến hoạt động xuất khẩu của Kyiv bị đình trệ, khiến hàng chục con tàu bất động và khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt trong các hầm chứa.


Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc, Linda Thomas-Greenfield, nói Washington hy vọng thỏa thuận “sẽ giúp giảm thiểu cuộc khủng hoảng mà Nga đã gây ra”, nói thêm rằng “chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ để đảm bảo rằng Nga thực sự tuân theo.”


Ông James O'Brien, người đứng đầu Văn phòng điều phối các chế tài của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói với phóng viên rằng Hoa Kỳ cũng muốn thấy Trung Quốc giúp chống lại cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.


Ông nói: “Chúng tôi muốn thấy Trung Quốc hoạt động như một cường quốc lớn và cung cấp nhiều ngũ cốc hơn cho những người nghèo trên khắp thế giới.”


“Trung Quốc đã tích cực mua ngũ cốc và đang tích trữ ngũ cốc ... vào thời điểm mà hàng trăm triệu người đang bước vào giai đoạn thảm khốc của tình trạng mất an ninh lương thực.”


Dự trữ ngũ cốc của Trung Quốc vào cuối niên vụ 2021/22 được Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế ước tính là 323,4 triệu tấn, hơn một nửa tổng số 607,4 triệu tấn toàn cầu.


Ông O'Brien cho biết: “Chúng tôi muốn thấy họ đóng vai trò nhiều hơn trong việc cung cấp ngũ cốc từ kho dự trữ của chính họ bằng cách cho phép WFP (Chương trình Lương thực Thế giới) và các tổ chức khác có được ngũ cốc,” ông O'Brien nói.


Ông cho biết khoảng 40% lô hàng ngũ cốc đầu tiên ra khỏi Ukraine vào tháng 4 đã đến Trung Quốc. “Điều này thật kỳ quặc”, ông nói thêm. “Sẽ tốt hơn nhiều nếu thấy số ngũ cốc đó được chuyển đến Ai Cập, Sừng châu Phi và những nơi khác.”


Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington không trả lời ngay yêu cầu bình luận về nhận xét của ông O'Brien.


“Chúng tôi tin rằng điều cần thiết là lương thực, bao gồm cả ngũ cốc, phải có mặt tại những nơi cần kíp”, phát ngôn viên Farhan Haq của Liên hiệp quốc nói ngày 22/7.


Tại sao thế giới cần ngũ cốc vận chuyển từ Ukraine?


BBC 24/7/2022


image009Nguồn hình ảnh, Getty Images. Ukraine thường là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ tư thế giới.


Đã đạt được một thỏa thuận cho phép các tàu chở hàng hóa đưa ngũ cốc từ các cảng của Ukraine đến phần còn lại của thế giới.


Một lệnh phong tỏa do Nga áp đặt đã khiến giá lương thực tăng vọt và tình trạng thiếu hụt lương thực ở một số nước nghèo nhất thế giới.


Có bao nhiêu ngũ cốc bị mắc kẹt ở Ukraine?


Khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc xuất khẩu bị mắc kẹt ở Ukraine.


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết con số này có thể tăng lên 75 triệu tấn sau vụ thu hoạch năm nay.


Chiến tranh cũng đồng nghĩa với việc thu hoạch năm nay sẽ ít hơn.


Laura Wellesley, chuyên gia an ninh lương thực tại tổ chức nghiên cứu Chatham House, cho biết khoảng 30% trong số 86 triệu tấn ngũ cốc mà Ukraine thường sản xuất sẽ không được thu hoạch.


Lúa mì Urkaine được xuất khẩu sang các nước nào?


Tình trạng thiếu ngũ cốc đã ảnh hưởng đến các nước khác như thế nào?


Ukraine thường là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ tư thế giới. Nước này thường sản xuất 42% dầu hướng dương, 16% ngô và 9% lúa mì của thế giới.


Ngoài ra, xuất khẩu lúa mì từ Nga - nước xuất khẩu lớn nhất thế giới - đang giảm.


image011Tỉ lệ mặt hàng nông sản chính mà Urkaine xuất khẩu trên thế giới.


Các biện pháp trừng phạt của phương Tây không nhắm vào nông nghiệp Nga, nhưng Điện Kremlin cho rằng các lệnh này đã cản trở xuất khẩu bằng cách tăng giá bảo hiểm và ảnh hưởng đến các khoản thanh toán.


Các tàu chở nông sản của Nga không bị cấm vào các cảng của EU.


Ngân hàng Phát triển châu Phi cho biết Ukraine và Nga thường cung cấp hơn 40% lúa mì cho châu Phi.


Tuy nhiên, chiến tranh đã dẫn đến sự thiếu hụt 30 triệu tấn lương thực ở châu Phi. Điều này đã góp phần khiến giá lương thực trên toàn châu lục tăng 40%.


Ở Nigeria, thực trạng thiếu hụt khiến tăng giá các mặt hàng chủ lực như pasta và bánh mì lên tới 50%.


Tương tự vậy, Yemen thường nhập khẩu hơn một triệu tấn lúa mì mỗi năm từ Ukraine.


Nguồn cung giảm từ tháng 1 đến tháng 5 khiến giá bột mì tăng 42% và giá bánh mì tăng 25% ở Yemen, LHQ cho biết.


Tại Syria, một nước nhập khẩu lúa mì lớn khác của Ukraine, giá bánh mì đã tăng gấp đôi.


Giá lúa mì quốc tế đã giảm do tin tức về thỏa thuận này.


Tuy nhiên, Laura Wellesley nói rằng trừ khi một lượng lớn ngũ cốc của Ukraine được vận chuyển, nhiều quốc gia ở Trung Đông và châu Phi sẽ bị thiếu hụt.


"Điều này sẽ đẩy giá bánh mì ở các quốc gia đó lên cao hơn nữa, gây ra nhiều bất ổn xã hội," bà nói.


image013Nguồn hình ảnh, Getty Images, Các tàu hàng đã không thể chở nông sản xuất khẩu từ tháng Hai do chiến tranh.


Kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm vận là gì?


Nga và Ukraine đã ký các thỏa thuận với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ để mở ra một "hành lang hàng hải" ở Biển Đen.


Các quan chức cho biết kế hoạch bao gồm:


• Tàu Ukraine định vị dẫn đường cho tàu chở ngũ cốc ra vào vùng nước của cảng có mìn


• Nga đồng ý đình chiến trong khi tàu vận chuyển các chuyến hàng


• Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra tàu để chấn an nỗi lo của Nga về khả năng buôn lậu vũ khí


• Cho phép xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga qua Biển Đen


image015Các khu vực có rủi ro mìn tại Biển Đen.


Ai sẽ bảo hiểm cho tàu hàng sử dụng hành lang biển?


Chi phí bảo hiểm cho các tàu đi vào Biển Đen đã tăng vọt sau khi Nga xâm lược Ukraine.


Một số hãng bảo hiểm đã tính phí 5% hoặc 10% giá trị con tàu cho một chuyến đi.


image017Các tuyến đường thay thế vận chuyển ngũ cốc bằng đường biển từ Ukraine.


Tuy nhiên, thỏa thuận sẽ có nghĩa là chi phí bảo hiểm thấp hơn, Neil Roberts từ Hiệp hội thị trường Lloyds cho biết.


"Thỏa thuận mang lại cho chúng tôi hy vọng rằng ngũ cốc có thể được vận chuỷen từ các cảng của Ukraine và hoạt động thương mại được kích hoạt trở lại," ông nói.


Làm thế nào để xuất khẩu ngũ cốc mà không có hành lang biển an toàn?


Trước chiến tranh, Ukraine đã vận chuyển hơn 90% lượng lương thực xuất khẩu bằng đường biển.


Với các cảng bị phong tỏa, họ đã cố gắng xuất khẩu nhiều nhất có thể bằng đường bộ, sử dụng xe tải và tàu hỏa.


EU đang cố gắng giúp đỡ - thiết lập "các làn đường đoàn kết", để ngũ cốc của Ukraine có thể được vận chuyển từ các cảng trên Biển Baltic, và cả từ cảng Constanta của Romania. Trong một phần của hành trình đến Constanta, ngũ cốc có thể được vận chuyển bằng sà lan dọc theo sông Danube.


Tuy nhiên, một vấn đề lớn là đường ray xe lửa của Ukraine rộng hơn so với các quốc gia còn lại của châu Âu. Điều đó có nghĩa là ngũ cốc được bốc dỡ từ một nhóm toa xe ở biên giới của Ukraine và được chất lại lên những toa tàu khác.


Phải mất tới ba tuần để ngũ cốc qua châu Âu và đến các cảng ở Baltic.


Hiệp hội Ngũ cốc Ukraine cho biết chỉ xuất khẩu tối đa 1,5 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng.


Trước chiến tranh, Ukraine đã xuất khẩu tới 7 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng.


Nga và Ukraine đã ký các thỏa thuận với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ để mở ra một "hành lang hàng hải" ở Biển Đen.


Các quan chức cho biết kế hoạch bao gồm:


• Tàu Ukraine định vị dẫn đường cho tàu chở ngũ cốc ra vào vùng nước của cảng có mìn


• Nga đồng ý đình chiến trong khi tàu vận chuyển các chuyến hàng


• Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra tàu để chấn an nỗi lo của Nga về khả năng buôn lậu vũ khí


• Cho phép xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga qua Biển Đen. (BBC 24/7/2022)