VĂN HÓA ONLINE - VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THỨ BA 03 SEP 2024
‘Công chúa Đồng Xuân' đoạt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô
Xuân Trường - Thứ Bảy, 31/08/2024
‘Công chúa Đồng Xuân’ là tiểu thuyết lịch sử dày 700 trang của nhà văn Trần Thùy Mai, vừa được trao Giải thưởng văn học nghệ thuật Cố đô lần thứ 7.
Tiểu thuyết "Công chúa Đồng Xuân" với hai quyển, tổng cộng 700 trang.
“Công chúa Đồng Xuân” là tác phẩm văn học được vinh danh ở vị trí cao nhất của Giải thưởng văn học nghệ thuật Cố đô lần thứ 7 (dành cho những tác phẩm ra đời từ năm 2018 đến năm 2023). Trong 244 tác phẩm của 113 tác giả tham gia Giải thưởng văn học nghệ thuật Cố đô, do UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức, “Công chúa Đồng Xuân” của nhà văn Trần Thùy Mai đoạt giải A cùng với sáu giải A thuộc chuyên ngành nhiếp ảnh, kiến trúc, mỹ thuật, sân khấu, múa, âm nhạc.
Nhà văn Trần Thùy Mai sinh năm 1954, quê ở phường Hương Long, thành phố Huế. Bà sáng tác văn chương khi còn là nữ sinh trường Đồng Khánh. Nhà văn Trần Thùy Mai có nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Thị trấn hoa quỳ vàng”, “Quỷ trong trăng”, “Thập tự hoa”, “Thương nhớ Hoàng Lan”, “Trăng nơi đáy giếng”… Năm 2020, nhà văn Trần Thùy Mai từng được giải nhất cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, với tác phẩm “Từ Dụ thái hậu”.
Cảm hứng lịch sử tiếp tục được nhà văn Trần Thùy Mai gửi gắm trong tiểu thuyết “Công chúa Đồng Xuân” được Giải thưởng văn học nghệ thuật Cố đô lần này.
Công chúa Đồng Xuân tên thật là Nguyễn Phúc Gia Phúc, là con gái thứ 35, và cũng là con gái út của vua Thiệu Trị. Thân mẫu của công chúa Đồng Xuân là Cung nhân Hồ Thị Ý Nhi. 16 tuổi, Gia Phúc lấy phò mã Đô úy Nguyễn Lâm, con trai của Võ Hiển điện Đại học sĩ Nguyễn Tri Phương. Năm 1873, Phò mã Nguyễn Lâm tử trận khi Pháp công thành Hà Nội lần thứ nhất, công chúa trở thành góa phụ ở tuổi 26.
Thế nhưng, bi kịch của công chúa Đồng Xuân thực sự khủng khiếp ở tuổi 37, khi bị vướng vào một vụ án tình dục chấn động lịch sử: loạn luân với anh ruột là Gia Hưng Công Nguyễn Phúc Hồng Hưu và sinh được một con gái.
Bị phế thành thứ dân, công chúa Đồng Xuân buộc đổi sang họ mẹ và phải mang cái tên Hồ Thị Gia Đốc. Đến đời vua Đồng Khánh, Hồ Thị Gia Đốc được phục vị công chúa, nhưng bỏ hiệu Đồng Xuân, cải phong thành Phục Lễ công chúa, với ý nghĩa là “quay về với lễ nghĩa”.
Trong tiểu thuyết “Công chúa Đồng Xuân”, nhà văn Trần Thùy Mai đã sử dụng quan niệm “suy đoán vô tội” để giải bớt oan nghiệt cho một trường hợp trầm luân chốn cung đình. Công chúa Đồng Xuân không giữ tiết hạnh, nhưng không thể khép vào tội loạn luân. Nói cách khác, công chúa Đồng Xuân là nạn nhân của cuộc tương tàn đau xót giữa hai phái chủ chiến và chủ hòa trong những năm tháng nước mất nhà tan của triều Nguyễn.
Không chỉ có nhân vật chính giăng mắc buồn thương để được sống cho bản thân, tiểu thuyết “Công chúa Đồng Xuân” còn hé lộ số phận của những tên tuổi gắn với lịch sử triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam như Hoàng Diệu, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ...
Tiểu thuyết lịch sử không phải ghi chép lịch sử, nhà văn có quyền hư cấu và tưởng tượng. Nhà văn Trần Thùy Mai khẳng định: “Riêng về triều Nguyễn, những sự kiện xảy ra chưa quá xa xưa, các bộ sử ghi chép tương đối đầy đủ so với các triều trước. Bên cạnh đó, ký ức dân gian còn lưu giữ nhiều truyền thuyết, giai thoại. Những năm gần đây, nhiều tư liệu mới hơn về giai đoạn 1858-1888 đã được công bố, trong đó có cái do các nhà nghiên cứu người Pháp, người Nhật viết, có cái do các nhà nghiên cứu Việt Nam viết. Những tư liệu mới này đã mở rộng nhiều cánh cửa, cho phép ta có một cái nhìn đa chiều hơn về những nhân vật lịch sử. Vì vậy theo tôi, lúc này viết truyện lịch sử, nhất là về triều Nguyễn, là việc nhiều thuận lợi hơn là trở ngại”.
Công chúa Đồng Xuân với hai cuốn “thượng” và “hạ”, tổng cộng 700 trang, cứ theo dòng lịch sử kể lại những chính biến kinh hoàng, với xương sống là việc thực dân Pháp dần chiếm nước ta, biến nước ta thành một nước bị đô hộ. Khá rõ ràng và kiên quyết, không ít đau tiếc ngậm ngùi, tiểu thuyết đưa ra quan điểm của tác giả về một sự “lỡ vận” của đất nước, khi quốc sách sai lầm. Triều đình do dự quá lâu mà không nghe theo hiến từ kiến quốc của các trí thức quan lại có tầm nhìn tiến bộ (về việc canh tân đất nước, củng cố quốc phòng, mở rộng giao thương, hòa hoãn để hạn chế thương vong chiến tranh…).
Quốc sách cố chấp và bạc nhược đã khiến các vua Nguyễn dần đi vào ngõ cụt, cắt đất dâng dần cho Pháp và gánh chịu chiến phí. Nhiều cuộc nổi loạn và binh biến diễn ra liên miên, đặc biệt là xung đột với dân Đạo, làm rối ren và suy kiệt đất nước. Có thể nói qua tiểu thuyết “Công chúa Đồng Xuân”, người đọc có dịp nhìn lại đầy đủ và thấu đáo sử Việt thời đầu Pháp thuộc, từ đó nhìn thời hiện đại một cách “biện chứng” hơn.
Ở tuổi 70, đang định cư tại Mỹ, nhà văn Trần Thùy Mai chia sẻ: “Trong nghệ thuật, tôi chỉ có một tôn chỉ, đó là sự chân thành. Không cần thiết phải tỏ ra mình mới hay cũ, thời thượng hay không, linh hồn của những câu chuyện về tình yêu phải là lòng thành, niềm tin ở con người và một cái nhìn khai phóng về cuộc sống”.