Nhật: Chiến hạm băng ngang eo biển Đài Loan; Phi: Mua tàu tuần tra Israel; Indo-Pacific: Tư lệnh Tầu họp với Tư Lệnh Mỹ

27 Tháng Chín 20247:52 SA(Xem: 369)

VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI CHÂU Á - TBD - THỨ SÁU 27 SEP 2024


Nhật: Chiến hạm băng ngang eo biển Đài Loan; Phi: Mua tàu tuần tra Israel; Indo-Pacific: Tư lệnh Tầu họp với Tư Lệnh Mỹ


*


Truyền thông Nhật Bản: Lần đầu tiên Tokyo điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan


Truyền thông Nhật Bản loan báo một tàu khu trục của nước này hôm 26/09/2024 lần đầu tiên đã đi qua eo biển Đài Loan, một tuần sau khi Mẫu hạm Liêu Ninh và hai khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường của Trung Quốc đến gần hai đảo của Nhật Bản.


26/09/2024


image003Ảnh tài liệu: Khu trục hạm Sazanami của Nhật Bản tại cảng Trạm Giang, Trung Quốc, ngày 24/06/2008. (Photo: AFP)


Thùy Dương


Theo trang mạng NHK của Nhật Bản, tàu khu trục Sazanami đã đi qua eo biển Đài Loan-Trung Quốc theo hướng từ bắc xuống nam để tham gia một cuộc tập trận đa phương ở biển South China Sea. Tuy nhiên, chuyến đi đầu tiên của một tàu khu trục Nhật Bản đến eo biển Đài Loan dường như cũng nhằm nhấn mạnh đến tự do hàng hải.


Theo AFP, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã từ chối bình luận về thông tin này trong buổi họp báo thường lệ, với lý do đây là thông tin liên quan đến các hoạt động quân sự của Nhật.


Trong khi đó, nhật báo Yomiuri Shimbun, trích dẫn các nguồn tin ẩn danh của chính phủ, khẳng định chính thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã ra lệnh cho tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, bởi ông lo ngại nếu Tokyo không có hành động đáp trả vụ các tàu chiến Trung Quốc hôm 18/09/2024 lần đầu tiên đi vào vùng biển giữa các đảo Yonaguni và Iriomote, vùng biển tiếp giáp với lãnh hải Nhật Bản và nằm gần Đài Loan, thì sẽ càng thúc đẩy Bắc Kinh làm điều tương tự. Tokyo xem việc Trung Quốc điều tàu chiến đến gần các đảo của Nhật là hành vi khiêu thích về chủ quyền lãnh thổ « hoàn toàn không thể chấp nhận được ».


Về phía Trung Quốc, ông Lâm Kiếm (Lin Jian), phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao, hôm nay khẳng định Bắc Kinh« rất cảnh giác trước các ý đồ chính trị của Nhật Bản và đã bày tỏ sự phản đối cứng rắn với Tokyo ». Xin nhắc lại, Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ của Trung Quốc và cần được thu hồi, kể cả bằng vũ lực. Vì thế, Trung Quốc vẫn phản đối việc các nước cho tàu đi qua eo biển Đài Loan mà không có sự cho phép của Bắc Kinh.


Chiến hạm New Zeland và Úc cũng đi qua eo biển Đài Loan


Theo AFP, hôm nay hai tàu quân sự của New Zeland và Úc cũng đi qua eo biển Đài Loan để khẳng định « quyền tự do hàng hải ». Đối với New Zeland, đây là lần đầu tiên từ 7 năm qua chính quyền Wellington cho tàu quân sự đến vùng eo biển Đài Loan. (RFI)


https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240926-truy%E1%BB%81n-th%C3%B4ng-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-l%E1%BA%A7n-%C4%91%E1%BA%A7u-ti%C3%AAn-tokyo-%C4%91i%E1%BB%81u-t%C3%A0u-chi%E1%BA%BFn-%C4%91i-qua-eo-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%A0i-loan


**


Philippines nhận hai tàu tuần tra của Israel, Trung Quốc cử tư lệnh Biển Đông tới Mỹ


image005Tàu tuần tra FAIC do Israel chuyển giao cho Philippines.


25/9/2024
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c20j92l8w52o


Hải quân Philippines hôm 23/9/2024 thông báo đã nhận chuyển giao hai tàu tuần tra lớp Acero do Israel đóng, loại tàu được thiết kế để gắn tên lửa.


Hai tàu này đã được chuyển giao tại Bến tàu 15 của Cảng Nam Manila hôm 17/9, là những tàu ngăn chặn, tấn công nhanh (FAIC) thứ bảy và thứ tám được cung cấp cho Philippines, một thông cáo báo chí trích lời người phát ngôn của Hải quân Philippines Giovanni Badidles cho biết.


Cho đến nay, đã có 6 chiếc FAIC được Philippines đưa vào hoạt động.


Chính phủ Philippines đã đặt mua 9 chiếc tàu FAIC từ Israel và chỉ còn một chiếc đang được đóng, theo báo Daily Inquirer.


“Tương tự như những tàu trước, hai con tàu mới được thiết kế cho các hoạt động tốc độ cao, có hệ thống tên lửa tiên tiến và công nghệ cao, giúp tăng cường khả năng phòng thủ của Hải quân Phillipines trong việc tiến hành các hoạt động ngăn chặn trên biển nhanh chóng và hiệu quả,” Thông tấn xã Philippines dẫn lời ông Badidles.


Người phát ngôn của Hải quân Phillipines cũng cho biết sự xuất hiện của những tàu này nhấn mạnh quá trình hiện đại hóa liên tục của lực lượng Hải quân Phillipines và là bước tiến quan trọng hướng tới việc củng cố chương trình Thế trận phòng thủ tự lực (SRDP) của Manila.


Tư lệnh Hải quân Philippines Toribio Adaci Jr. cho hay lực lượng của ông cần thêm hàng chục chiếc FAIC để bảo vệ tốt hơn các vùng duyên hải.


Ngoài ra, Không quân Philippines cần thêm ít nhất 36 máy bay chiến đấu đa nhiệm, gấp ba lần tổng số hiện có trong kho vũ khí của nước này, cũng theo bài viết hôm 24/9 của Daily Inquirer.


Tuần trước, Philippines tố cáo đã có một số lượng kỷ lục tàu Trung Quốc được phát hiện trong vùng biển của nước này trong vòng một tuần.


Cụ thể, Hải quân Philippines nói rằng từ 17/9 đến 23/9 có 251 tàu Trung Quốc xuất hiện, bao gồm 28 tàu tuần duyên, 16 tàu chiến của hải quân và 204 tàu dân quân biển.


Diễn biến này nối tiếp các căng thẳng đã xảy ra trong nhiều tháng qua.


Chỉ trong hai tuần cuối tháng 8/2024, đã có ít nhất ba lần tàu Trung Quốc va chạm với tàu Philippines và cả hai bên đều cáo buộc bên kia cố tình đâm vào tàu mình.


image007Chụp lại video, Tàu Trung Quốc và tàu Philippines va chạm Tại Bãi Sa Bin


Trung Quốc, Mỹ nối lại trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo quân đội cấp cao


Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 23/9 xác nhận Tư lệnh Chiến khu miền Nam phụ trách Biển Đông là Ngô Á Nam đã dẫn đầu phái đoàn của Quân đội nước này đến Hawaii, Mỹ, tham dự Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ ngày 18-20/9.


Trong thời gian này, ông Ngô Á Nam đã có các cuộc gặp hoặc trao đổi tương tác song phương với đại diện của Thái Lan, Singapore, Philippines, Anh, Pháp, Mỹ và các nước khác.


Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Ngô Á Nam đã có "cuộc trao đổi thẳng thắn" với


image001Đô đốc Samuel Paparo, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, chào các sĩ quan trong buổi lễ chuyển giao quyền chỉ huy COMPACFLT trên Căn cứ chung Trân Châu Cảng-Hickam, ngày 4 tháng 4 năm 2024. (Chuyên gia truyền thông đại chúng hạng 2 Christopher Sypert/Ảnh của Hải quân Hoa Kỳ)


Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cho biết ông Paparo đã "nhấn mạnh tầm quan trọng của các kênh liên lạc liên tục giữa quân đội Mỹ và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) để giảm nguy cơ hiểu lầm hoặc tính toán sai".


Đây là lần đầu tiên Trung Quốc cử Tư lệnh Chiến khu miền Nam tới Mỹ sau khi Bắc Kinh cắt đứt quan hệ quân sự hơn hai năm trước.


Bắc Kinh đã cắt đứt quan hệ quân sự với Mỹ, bao gồm cả ở cấp chỉ huy quan trọng, để phản đối chuyến thăm Đài Loan vào tháng 8/2022 của bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ.


Trước khi sang Mỹ, ông Ngô Á Nam đã hội đàm trực tuyến với ông Samuel Paparo hôm 10/9, đánh dấu cuộc trao đổi lãnh đạo cấp chiến khu đầu tiên giữa hai bên sau hai năm.


Chu Ba, một đại tá cấp cao đã nghỉ hưu của PLA, hiện là thành viên cao cấp tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế (CISS) của Đại học Thanh Hoa, nói trên tờ South China Morning Post rằng việc ông Ngô Á Nam sang Mỹ để tham dự một hội nghị đa phương là điều tự nhiên khi giờ đây quân đội hai nước đã nối lại quan hệ.


Ông Chu Ba nói rằng mặc dù ông Ngô Á Nam chưa có chuyến thăm song phương tới Mỹ, nhưng sự tham dự của ông tại hội nghị này "có ích cho cả hai bên trong việc tăng cường hiểu biết".


image009Getty Images. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp thượng đỉnh bên lề Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11/2023 tại San Francisco, bang California (Mỹ)


Hai quân đội lớn nhất thế giới đã bắt đầu nối lại liên lạc sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden nhất trí vào tháng 11/2023 tại San Francisco về việc khởi động lại liên lạc giữa PLA và Lầu Năm Góc, cùng với các thỏa thuận khác nhằm xoa dịu căng thẳng trong mối quan hệ.


Tiếp theo là chuyến thăm của quân đội Trung Quốc tới Lầu Năm Góc vào tháng 1/2024, khi Thiếu tướng Tống Nhan Siêu, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Hợp tác Quốc tế về Quốc phòng thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc, gặp Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ Michael Chase.


Tháng 9/2024, ông Michael Chase đã dẫn đầu một phái đoàn Mỹ đến diễn đàn quốc phòng Hương Sơn ở Bắc Kinh.


Tại đây, Mỹ đã nêu lên những lo ngại trong các cuộc đàm phán về "sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga và tác động của sự hỗ trợ đó đối với an ninh châu Âu và xuyên Đại Tây Dương", cũng như "hành vi quấy rối hung hăng liên tục của Trung Quốc đối với các tàu Philippines hoạt động hợp pháp ở Biển Đông", theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ. (BBC)