Đọc Tiểu thuyết Lịch sử Nguyễn Thị Lộ của tác giả Hà Văn Thùy

05 Tháng Mười 20245:49 SA(Xem: 665)

VĂN HÓA ONLINE - VĂN HÓA CHÍNH TRỊ - THỨ BẨY 05 OCT 2024


PHÊ BÌNH TIỂU THUYẾT NGUYỄN THỊ LỘ


Đọc Tiểu thuyết Lịch sử Nguyễn Thị Lộ của tác giả Hà Văn Thùy


VĂN HÓA ONLINE

05/10/2024


*


Uyên Hạnh

image024

Tiểu thuyết Lịch sử NGUYỄN THỊ LỘ của Hà Văn Thùylà một quyển sách dày 254 trang. Truyện kể về cuộc đời người thôn nữ bán chiếu ở Tây Hồ, gặp văn nhân đệ nhất hà thành Lê Ức Trai Nguyễn Trãi, con người tài trí xuất chúng. Họ gặp gỡ trong một chiều xuân mưa bay phơ phất trên phố phường sau Chùa Quán Sứ. Hai người đã ứng khẩu đề họa thi thơ. Rồi nàng về làm vợ của chàng và đã nhiều năm theo chồng vào Thanh cùng nghĩa quân suốt mấy năm dài kháng chiến. Nhân vật chính của câu truyện là người thiếu phụ tuổi bốn mươi được nhà văn Hà văn Thùy phát họa bằng nét bút rất linh động trong những trang đầu của quyển sách: “qua trang phục bình dị vẫn cho thấy một Thị Lộ với sắc đẹp quý phái mà lại lồ lộ lộng lẫy. Cặp chân dài dẻo dai, dáng đi uyển chuyển. Tấm váy lụa mềm mại cuốn theo mỗi bước đi, để lộ bắp chân trần trắng muốt. Chiếc thắt lưng hoa lý bay bay phơ phất và tấm áo tứ thân màu huyết dụ bó sát lấy thân hình nở nang… Nàng vẫn đẹp, quá đẹp ở tuổi của nàng.Khi bóng nàng khuất trong rừng, không hiểu sao ông bỗng thấy âm thầm một nỗi lo xa xôi.Tinh hoa phát tiết đến vậy liệu có bền lâu?!”


Cái nhìn khách quan của Hà Văn Thùy cho ta hình ảnh Thị Lộ là một người đàn bà hoàn hảo.  Ngòi bút nhà văn Hà Văn Thùy vẽ cho ta một Thị Lộ ngày còn thiếu nữ với một căn bản học vấn đầy chữ nghĩa thánh hiền, tứ Thư, ngũ Kinh và thi phú, là cô gái xinh đẹp nhất vùng, có tài thơ văn, đối đáp. Về làm vợ Nguyễn Trãi, với bẩm sinh một người thông minh hiếu học, Thị Lộ trở thành ”tác phẩm hòan mỹ” của ”tác giả” Nguyễn Trãi, con người tài hoa cháu ngoại quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, con quan Hàn lâm viện học sĩ kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám Nguyễn Phi Khanh, đỗ thái học sinh, từng giữ chức Ngự sử đài chánh chưởng thời nhà Hồ. Qua những trang sách đầy sức hút Hà văn Thùy cho ta thấy Thị Lộ đã được Nguyễn Trãi dùng tình yêu giáo dưỡng san sẻ những học hỏi hiểu biết của mình như thế nào và với tình yêu cùng lòng kính trọng chồng Thị Lộ đã làm rạng danh văn nhân tài danh Nguyễn Trãi. Nhà văn Hà văn Thùy đã khéo léo hoàn thành hình ảnh nhân vật nữ Thị Lộ đẹp lộng lẫy, một người đàn bà quyến rũ tài trí tuyệt vời có một không hai sau thời gian 20 năm chung sống cùng người chồng nhân đức tài danh là Nguyễn Trãi, một đệ nhất chiến tướng mưu lược, một học giả uyên bác, một thi nhân lớn của Đại Việt.

Đẹp đôi sánh bước cùng chồng là Quan Hành khiển Đại phu Nguyễn Trãi đến dự cuộc hội trong cung đình nhân vật Thị Lộ đã đi vào ngày định mệnh của mình mà không hay. Vị vua đương thời tuổi chỉ bằng nửa tuổi nàng gặp Thị Lộ đã lập tức say mê người đàn bà đẹp lộng lẫy quyến rũ nầy. Ngày đêm thương nhớ tơ tưởng đến nàng, nhà vua đã kiếm cách đưa nàng vào cung. Thị Lộ trở thành Lễ nghi Học sĩ chấn chỉnh hậu cung của vua Lê Thái Tông tức Lê Nguyên Long con trai Vua Lê Lợi.


Giữ chức vụ Lễ Nghi Học Sĩ, Thị Lộ đã dùng tài trí thông minh lanh lợi, cái nhìn sâu sắc và óc phân tích xử kiện phân minh, nhân hậu, biết đặt sự đa nghi đúng chỗ để biến đổi cục diện một cách linh động chu toàn tạo ổn định cho tình hình rối ren trong cung đình, lợi ích cho dân cho nước. Thị Lộ được sự trọng dụng của nhà vua vì nàng đã đem hết tâm lực chỉnh đốn hậu cung. Nàng đã thực hiện được nhiều việc.Đặc biệt như thành lập một đội nhã nhạc của cung đình, một ban ca vũ với âm nhạc xứng cùng tầm vóc Đại Việt đã làm vui lòng hoàng thượng và bá quan trong những dịp lễ hội. “Theo hướng dẫn của Quan Hành khiển Nguyễn Trãi, Thị Lộ đã nhắc nhở vua Thái Tông tu chỉnh và thực hiện việc thi chọn nhân tài nước ta tiếp tục công việc đã làm từ thời Lý, biến thành lệ ba năm một khoa đã có từ trước vào quy củ. Từ khoa Nhâm Tuất nhà vua cho viết Văn bia tiến sĩ, đem trưng ở Văn Miếu. Nhờ ý kiến của Thị Lộ và Nguyễn Trãi mà bảng vàng bia đá muôn đời vinh danh các tiến sĩ mà cũng là bảng vàng bia đá ghi công Thái Tông khởi xướng việc lớn của Đại Việt. Trong vòng một trăm bảy mươi lăm năm Nhà Trần đã xây dựng Đại Việt thành quốc gia văn hiến. Lê Tiên hoàng lấy nước từ trên yên ngựa, võ công thì lớn nhưng văn trị chưa nhiều. Thị Lộ đã khuyến khích và hướng dẫn vua Thái Tông thấy được điều mấu chốt cho sự thịnh trị là đào tạo nhân tài, do đó nhà vua đã ổn định khoa thi, các quan lớn trong triều đã giúp nhà vua chung tay xây dựng cơ đồ Đại Việt thêm rực rỡ” (trích NTL/HVT).


Đọc “Nguyễn Thị Lộ” của nhà văn Hà văn Thùy chúng ta thấy rõ Thị Lộ nổi bật trong vai trò biến đổi một ông vua ít học, hành động nông nổi theo bản năng như Lê Thái Tông trở nên chính chắn, trầm tĩnh, sáng suốt, cứng cáp, nói năng thận trọng dứt khoát hơn và biết nhìn xa trông rộng nhờ thế có thể quán xuyến được công việc quốc gia. Bên ngoài lo võ bị, bên trong khoan nới sức dân, mở mang văn học, Thái Tông trở thành một vị minh quân tạo ấm no cho dân cho nước trực tiếp nhờ công sức của Thị Lộ qua sự tiếp tay của Nguyễn Trãi. Nông phu cùng trẻ mục đồng đã hát đồng dao vang vang khắp xóm làng, điểm tô những đồng lúa chín phì nhiêu ”Đời vua Thái tổ Thái tông, lúa má đầy đồng trâu chẳng buồn ăn”.Vào cung đình làm việc, sự gần gủi và nhiệt tình của vị quân vương đã làm nàng ngã lòng và rơi vào vòng tay nồng ấm của người tình mới, tuy nàng rất yêu mến kính phục chồng. Một đêm khi lòng nàng quá cô đơn và mắt nàng đầy lệ, trái tim của nàng đã giao động trướcsự rung động của vị vua trẻ tuổi. Thị Lộ đã đáp lại thịnh tình của vị vua trẻ và hai người cùng viết nên khúc tình ca của những giao cảm đồng điệu.

Tác giả có cái nhìn cởi mở về sự sa ngã của Thị Lộ bằng một cảm thông rõ rệt khi viết về chân tình của vị vua trẻ đối với Thị Lộ. Dưới ngòi bút của nhà văn Hà Văn Thùy ta thấy rõ nhà vua trẻ có thể dùng uy quyền để chiếm đọat nàng, nhưng đã không làm vậy và đó là lý do nhà vua chiếm được trái tim của nàng Thị Lộ.Với Nguyễn Trãi người chồng tài hoa thì tình nàng đối với ông là mối tình ”không nặng xác thịt mà phưởng phất hương hoa, đạm thanh và sâu sắc” và hãy nghe nhà văn Hà văn Thùy kể về cuộc tình gối chăn của vợ chồng Thị Lộ và Nguyễn Trãi: ”Khi gần nhau người âu yếm nhưng khi nàng chỉ vừa cất cánh bay khỏi mặt đất thì mọi việc ở chàng đã kết thúc và nàng như con chim gẫy cánh rơi thê thảm xuống mặt đất trần trụi. Ngay sau đó chàng chìm vào giấc ngủ mặc cho nàng thao thức”. Với vị vua trẻ tuổi, ngòi bút Hà văn Thùy cho thấy rõ cuộc ái ân của nhà vua với nàng Thị Lộ là một chuổi dài những cảm giác mãnh liệt nóng cháy từ một cuộc tình rực lửa: ”Nhưng rồi sau đó những kìm nén mà nàng cố tình gìn giữ bị phá tung, không cưỡng nổi bản thân, nàng hưởng ứng cuồng nhiệt. Cơn khát thèm tích tụ bao ngày đã được thỏa mãn ở lần trước, lần này chàng trai trẻ từ tốn điệu đàng dẫn nàng vào cuộc vui, đưa nàng lên cực điểm khoái lạc.” (trích Nguyễn Thị Lộ/Hà Văn Thùy)

Hà văn Thùy đã linh động và sâu sắc mỗ xẻ xúc cảm của người thiếu phụ có chồng khi ở tận cùng đỉnh khóai lạc vẫn không thoát được những ray rức của mặc cảm tội lỗi. Hai nghịch chất được ông dùng để rải hương cho câu chuyện kể thêm nồng.Chất vị nồng nàn của cuộc ái ân ẩn hiện nỗi đau xót cùng mặc cảm tội lỗi đã làm đậm nét cuộc tình của vị quân vương trẻ, cũng như mối tình thi văn cao quý cùng nghĩa vợ chồng của nàng với Nguyễn Trãi.

Tiểu thuyết Lịch sử Nguyễn Thị Lộ của nhà văn Hà Văn Thùy đã cho chúng ta một sự ngưỡng mộ và thán phục đạo đức và tài trí của Nguyễn Trải. Nguyễn Trãituy không trực tiếp cải đổi được nhiều việc trong triều vì bọn họan quan nịnh thần đang múa rối bợ đở, nhưng qua người vợ tài sắc của mình ông đã gián tiếp giúp chỉnh đốn triều chính, cải hóa vua Thái Tông đem phúc lớn cho dân cho nước. Thị Lộ đã giúp vua Thái Tông rất nhiều trong việc hành chánh và nàng cũng đã giúp được nhiều người tốt qua cơn tai biến. Chính những người được Nguyễn Trải và Thị Lộ giúp đỡ là những người 20 năm sau cái chết oan ức của Nguyễn Trải và Thị Lộ đã giải oan được vụ án cho hai người.  


Hà Văn Thùy cho chúng ta thấy được Thị Lộđã hòan thành hòai bão củng cố xây dựng đất nước của Nguyễn Trãi.Nhưng với thành công của Thị Lộ, Nguyễn Trãi đã rất lo lắng. Có lần ông nói với nàng: ”Trong mọi thứ loạn thì loạn từ cung cấm là đáng sợ nhất!” Cái lo của ông không phải là không đúng.Bởi chính vì nàng quá đẹp quá giỏi quá được vua sủng ái, và cũng chính vì nàng quá nhân hậu mà những bà phi, họan quan bị mất dần quyền hành là những kẻ gian ác ganh ghét sắc đẹp và tài đức của nàng. Lòng họ đã manh nha một sự trả thù hiểm độc mà ta thấy được trong hồi kết của truyện kể khi gia đình của đại thần Nguyễn Trãi bị vu oan và bị tru di tam tộc, Thị Lộ cùng chồng là Nguyễn Trãi bị đem ra chặt đầu giữa chợ.


Nguyên nhân dẫn đến cái chết oan ức của Nguyễn Trãi và Thị Lộ là do vì vụ đột tử của vị quân vương trẻ. Đó là một vụ phạm phòng.Thời gian là người tình của vị quân vương, là người đàn bà thông minh sâu sắc Thị Lộ biết cách củng cố tình yêu của mình với vị quân vương trẻ bằng cách ứng dụng Tố Nữ Kinh nàng đã tìm thấy trong Tàng thư các. Với ”công cụ” nầy nàng đã làm cho cuộc ái ân của nàng với vị quân vương trẻ ngày càng nóng bỏng. Nghệ thuật của Tố Nữ Kinh pha lẫn với sự chín mùi của người đàn bà đẹp quyến rũ ở Thị Lộ đã tạo sự đam mê vô bờ ở vị vua trẻ tuổi. Say tình đắm đuối là nguyên nhân tạo cái chết của vua. Cái đêm nhà vua đã cùng Thị Lộ bay cao đến điểm tột cùng hoan lạc của tình yêu và xác thịt nóng cháy cũng là cái đêm đã chấm dứt đời ông vua trẻ và một thời vàng son của nàng Thị Lộ. Thị Lộ đã phải bước vào cuộc sống tối tăm lạnh lẽo tù đày với oan ức cùng đại hình tra tấn đổ xuống tấm thân vàng ngọc của người thiếu phụ yếu đuối nầy, và sau đó nàng bị đưa ra hành quyết giữa chợ.

Thái Tông chết, Bang Cơ lên ngôi và Thị Anh là hoàng thái hậu chấp chính. Thị Lộ và Nguyễn Trãi là mục tiêu trả thù số một của bà thái hậu độc ác, là cái đích phải triệt hạ, để Thị Anh dọn con đường sắp tới vì không còn Nguyễn Trãi tài đức lừng lững, người đàn bà xảo quyệt lại đầy tham vọng này sẽ tùy thích làm những chuyện không lường được. Lê Khả, Lê Thụ, Tham tri chính sự Nguyễn Xí theo phán quyết của Hòang thái hậu Thị Anh đã dùng đại hình tra tấn Thị Lộ rồi dàn dựng gán ghép Thị Lộ và Nguyễn Trãi vào tội đại nghịch thí vua, và với bản án tru di tam tộc đã chém đầu 36 người nam của dòng họ Nguyễn Trãi, từ những thanh niên trẻ tuổi đến những đứa bé chập chững biết đi, hoặc còn ẳm ngữa, đều bị đem ra chém đầu giữa chợ. Thương cho hiền nhân Nguyễn Trãi, tiếc cho con người tài hoa Nguyễn Trãi.


Ngày nhà Hồ bị diệt vong, cùng Phi Hùng đưa cha lên quan ải, Nguyễn Phi Khanh đã dặn con là người có học, có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Nguyễn Trãi đã rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Nhân đức tài hoa như thế mà ông không thoát được cái nạn tru di tam tộc và cái oan trong vụ án Trại Vải để chứng tỏ lòng trung nơi ông vẫn vằng vặc, xứng với lòng tin cậy của thân phụ ông. Mãi cho đến 20 năm sau, vụ án Trại Vải dẫn tới nạn bị tru di ba họ của Quan Hành khiển Đại thần Nguyễn Trãi mới được giải oan. Tiểu thuyết Lịch sử Nguyễn Thị Lộ viết rõ chi tiết vụ án Trại Vải và nỗi oan được giải như thế nào với các sự kiện rất chi tiết thú vị nhất là thời gian Vua Lê Thánh Tông đã mê mẩn từng đêmphiêu du trên những trang Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Dư địa chí v.v.. của Nguyễn Trảivà nhà vua đã thán phục trước những áng văn chương trác tuyệt chưa từng có trong văn hiến Đại Việt.


Tiểu thuyết NGUYỄN THỊ LỘ của Hà Văn Thùy được viết trong bối cảnh lịch sử và với văn phong nhẹ nhàng sâu sắc, người đọc dễ dàng bị cuốn hút bởi bố cục chặt chẽ tình tiết mạch lạc. Tác giả đã cho ta sống qua hình ảnh một người thông minh nhân hậu Thị Lộ, hoặc tàn độc gian ác như Thị Anh, yếu đuối như Ngọc Dao trong vụ án cung đình, cũng như khi ông cho thấy cái dốt nát của những tên họan quan, hoặc nỗi đau của hiền giả Nguyễn Trãi trước thế cuộc. Khi mô tả về vị tướng phương phi của đòan Khinh kỵ Hòang gia Trần Nguyên Hãn, tác giả đã cho ta thấy rõ uy phong và chiến công của người cũng như cảm giác đau đớn trước cái chết oan khiên khi người bị hại vì lòng vị kỷ nhỏ nhoi đầy nghi kỵ của một ông vua.Đọc những cuộc trà đàm phong phú giữa vua Thái Tông và nhân sĩ, tăng sĩ về nguồn gốc sự phổ biến Đạo Phật, về sự xiển dương Đạo của Thiền sư Khương Tăng Hội chúng ta không khỏi lấy làm thích thú.

Nhà văn Hà Văn Thùy góp nhặt thời gian chép nên trang sử và bằng ngòi bút linh động, đượm hương tình lãng mạnđưa ta say mê tìm về để thấy được những oan ức và tình tiết quanh vụ án Nguyễn Trãi cùng chất vị trữ tình trong cuộc đời giai nhân Nguyễn Thị Lộ.Qua ngòi bút của tác giả ta trở về làng Hải Hồ huyện Ngư Thiên phủ Tiên Hưng nhỏ bé bên sông Cái cuồn cuộn phù sa, gặp người thiếu nữ bán chiếu ở Tây Hồ, là người vợ yêu qúy của Hà thành Đệ nhất văn nhân Nguyễn Trãi, là Lễ nghi Học sĩ, là người tình được vua Thái Tông yêu say đắm, và nhân vật Thị Lộ đã sống qua những giờ phút hạnh phúc thế nào bên người chồng nàng một mực thương yêu qúy kính. Và với cuộc tình sôi nổi nồng nàn của nàng trong vòng tay vị quân vương trẻ tuổi và cáikết thúc tàn nhẫn đối với cuộc đời nàng Thị Lộ. Đọc Khối Tình Nguyễn Thị Lộ ta không khỏi bàng hòang cho những đọan đường lịch sử nữ sĩ Thị Lộ đã đi qua, để ngậm ngùi tiếc nuối và thầm ngưỡng mộ kính phục những gì nàng đã cống hiến cho đất nước. Thị Lộ xứng danh là một nữ sĩ một mệnh phụ tài sắc vẹn tòan.


**


Nguyễn Thị Lộ, một tiểu thuyết hư cấu hạ thấp phẩm giá vợ chồng Nguyễn Trãi


Đặng Văn Sinh


Từ đầu thế kỷ XX đến nay, Vụ án Lệ Chi Viên đã được một số tác giả đề cập đến dưới dạng biên khảo, truyện và thơ. Chúng tôi có nhận xét chung là, cho dù xuất hiện dưới hình thức nào, cuối cùng, phần lớn tác phẩm đều quy chiếu về một điểm, đây là một vụ án oan dẫn đến họa tru di đại gia đình Nguyễn Trãi mà nhân vật chính được coi là người gây ra cái chết của mấy chục nạn nhân là Nguyễn Thị Lộ. Chuyện này không lạ, bởi nó đã được Ngô Sĩ Liên (hoặc một sử gia nào đó sau Ngô Sĩ Liên, theo quan điểm của Phan Huy Lê) chép trong Đại Việt sử ký toàn thư. Vì thế, không ít người lấy Quốc sử thời Lê sơ làm cơ sở, một mặt đề cao nhân cách Nguyễn Trãi, mặt khác lại lên án Nguyễn Thị Lộ, thậm chí còn bịa ra cả huyền thoại rắn báo oán để gán tội cho một người phụ nữ tài hoa, từng đảm nhiệm chức Lễ nghi học sĩ trong triều Lê Thái Tông.


Ngô Sĩ Liên đã làm một việc khá hồ đồ là đóng đinh vụ kỳ án vào lịch sử, không cho Nguyễn Thị Lộ được thanh minh, nhưng hậu thế chiêu tuyết cho bà. Những năm gần đây đã có những công trình nghiên cứu nghiêm túc về thân thế sự nghiệp Nguyễn Thị Lộ, trong đó có cả một cuội hội thảo tầm cỡ quốc gia đã phát hiện được nhiều tư liệu giá trị về vị nữ học sĩ tài danh đã một thời làm nghề bán chiếu gon ở kinh thành Thăng Long. Những bí mật vụ án Vườn vải Gia Định từng bước được khai mở, và người ta dần dần hiểu được, những kẻ nào đã thao túng triều cương, đạo diễn vở bi kịch chính trị đẫm máu nửa đầu thế kỷ XV.


Tác phẩm viết về vị Lễ nghi học sĩ tài danh gần đây nhất là tiểu thuyết "Nguyễn Thị Lộ" của nhà văn Hà Văn Thùy do NXB Văn học ấn hành vào năm 2005. Xét về mặt hình thức, "Nguyễn Thị Lộ" là một tiểu thuyết lịch sử đúng nghĩa bởi tác giả ít nhiều đã tạo được không khí lịch sử thời Lê sơ qua cách xử lý không gian, ngôn ngữ và những nét đặc trưng tâm lý nhân vật. Nói cách khác, với bút pháp riêng của mình, Hà Văn Thùy đã làm sống lại một giai đoạn lịch sử, tạo nên văn bản nghệ thuật có tính gợi mở, mặt khác, ông góp phần làm sáng tỏ những điểm còn mù mờ trong nội bộ triều Lê, cung cấp cho người đọc một cái nhìn mới về Vụ án Lệ Chi Viên.


Về mặt kết cấu, tác phẩm chia làm tám chương, ở phần cuối còn có một Vĩ thanh (phần này không có trong văn bản do NXB Văn học ấn hành), mỗi chương đều gài một vài chi tiết quan trọng dẫn người đọc đi dần đến vụ thảm án bằng thứ ngôn ngữ giàu chất thơ, đậm hình ảnh, đặc biệt hấp dẫn với những bạn đọc... không khó tính.


Đọc "Nguyễn Thị Lộ", chúng ta dễ bị thuyết phục, đôi khi còn như bị thôi miên bởi không ít những lý lẽ Hà Văn Thùy đưa ra biện minh cho cuộc tình vụng trộm giữa Lê Thái Tông với bà Lễ nghi học sĩ. Một khi đã bị tác giả "lừa" vào mê cung tình ái bằng những trường đoạn phân tích diễn biến tâm lý ngọt ngào, mùi mẫn, bạn đọc sẽ dễ dàng mất cảnh giác, buông lỏng lý trí, sẵn sàng đồng hành với tác giả trong cuộc phiêu lưu vô tiền khoáng hậu. Tuy nhiên không thể trách tác giả về mặt diễn biến cốt truyện, bởi có vẻ như ông đã tôn trọng "sự thật lịch sử", tuy đó là thứ lịch sử không mấy tin cậy được viết dưới áp lực của một nhóm quyền thần sau khi đã thanh toán vợ chồng Nguyễn trãi, đang ở thế thượng phong, có thể nhổ toẹt cả vào Quốc sử.


Nhưng chính vì quá lệ thuộc vào lịch sử, quá tin vào sự trung thực của các sử quan, Hà Văn Thùy đã vô tình rơi vào cái bẫy của đám lộng thần. Chính vì thế, cuốn tiểu thuyết tuy có nhiều chương


ca ngợi Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, nhưng xét về mặt tổng quát, tác giả lại hạ nhục họ bằng cách biện hộ cho cho cuộc dan díu vô luân của Lê Thái Tông với bà Lễ nghi học sĩ.


Căn cứ trên văn bản, "Đại Việt sử ký toàn thư" chép sự kiện Lệ Chi Viên khá mập mờ, có những điểm rất đáng nghi, nhưng việc kết tội Nguyễn Thị Lộ là chắc chắn :"Trước đây vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ người rất đẹp, văn chương rất hay, gọi vào cung phong làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu cận bên cạnh. Đến khi đi tuần miền Đông, xa giá về tới vườn vải, xã Đại Lại ven sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng, các quan bí mật đưa về. Ngày mồng 6 về tới kinh, nửa đêm đem vào cung rồi mới phát tang. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua”( Đại Vit S Ký toàn thư, bn k thc lc, quyn XI ). Vậy mà Hà Văn Thùy để cho Lê Thánh Tông khen Ngô Sĩ Liên :"Giỏi, giỏi! (...) Đáng mặt sử gia! Khanh đã viết đúng như sự việc xảy ra..." (Chương 8).


Trong cuộc Hội thảo khoa học về Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ do đảng ủy xã Trần Phú, Khuyến Lương, Hà Nội phối hợp với Hội Sử học Việt Nam tổ chức ngày 19 tháng 12 năm 2002, sau đó ra đời tập Kỷ yếu nhan đề "Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi viên", có khá nhiều bản tham luận nghi ngờ tính trung thực của sử gia Ngô Sĩ Liên, mà một trong những người phản biện mạnh mẽ nhất là nhà văn Hoàng Quốc Hải với bài "Trắng án Nguyễn Thị Lộ". Trong đó, ông dẫn ra đoạn Lê Thánh Tông trách mắng thậm tệ Ngô Sĩ Liên :"Vua dụ bảo Đô Ngự sử đài là Ngô Sĩ Liên và Nghiên Nhân Thọ rằng:Ta mới coi nhân sự, sửa đổi đức tính, tuân theo điển cũ của thánh tổ thần tôn nên mới đầu xuân tế Giao, ngươi lại bảo tổ tông đặt ra tế Giao cũng không đáng theo. Ngươi bảo nước ta là hàng phiên bang đời xưa, thế là ngươi theo đạo chết, mang lòng không vua. Vả lại, Khi Lệ Đức hầu (Nghi Dân) cướp ngôi, Sĩ Liên không giữ chức Ngự sử đấy sao? Chức nhiệm cao lắm. Nay Lệ Đức hầu bị tay ta mà mất nước, ngươi không biết vì lợi lộc mà chết theo, lại đi thờ ta. Nếu ta không nói ra, trong lòng ngươi không tự xấu hổ mà chết ư?" (Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, trang 180, bản dịch), rồi kết luận :"Tư cách của sử quan và Đài Ngự sử như thế thì chúng ta có quyền tin tưởng sâu sắc rằng, những điều họ chép ghi trong "Vụ án Vườn Lệ Chi" là dối trá. Điều này được chứng minh trong lời văn Đại xá của Lê Nghi Dân sau khi đã giết Bang Cơ. Trong đó Nghi Dân khẳng định :"... Diên Ninh tự biết mình không phải là con của Tiên đế..." (Đại Việt thông sử, trang 226, bản dịch).


Nếu chỉ căn cứ vào đoạn ghi chép về cái chết của Thái Tông trong Quốc sử, hậu thế tuy có trách nhưng vẫn có thể tha thứ cho Ngô Sĩ Liên, nhưng đến khi chính ông lại hạ lời bình rất bất lương (chữ của HQH) về nữ sĩ Nguyễn Thị Lộ :"Nữ sắc làm hại người quá lắm thay. Thị Lộ là một người đàn bà thôi, Thái Tôn yêu nó mà thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, chẳng nên răn lắm ư?" (ĐVSKTT, tập 3, trang 13, bản dịch), thì ta có thể kết luận, tư cách kẻ sĩ của viên sử quan này quá tầm thường. Hơn nữa, cũng chính vì thiếu chữ "dũng" của một vị Đô Ngự sử đài mà ông đã để lại vết nhơ trong lịch sử Đại Việt.


Người viết tiểu thuyết lịch sử, nếu muốn thành công, cần làm sống lại được tinh thần lịch sử thời đại, nghĩa là phải chuyển tải được cái "hồn" thời đại ấy qua hệ thống nhân vật cho dù chỉ là hư cấu. Với "Nguyễn Thị Lộ", phải nói, Hà Văn Thùy rất có ý thức về vấn đề này, nhưng đáng tiếc là, ông đã sai lầm ngay từ phương pháp luận khi quá lệ thuộc vào chính sử để hư cấu nên mối quan hệ bất thường giữa vị hoàng đế thứ hai nhà Lê với người thiếp yêu của một đại công thần, thi vị hóa cuộc dan díu này rồi đẩy nó vào quỹ đạo ái tình :" Không cầm được lòng, nàng đặt lên trán chàng nụ hôn nhẹ như thoảng qua. Cái gì đã xảy ra? Nàng tự hỏi. Tội lỗi, tội lỗi, nàng thầm nhủ. Nhưng sao lạ quá, một cái gì đó mới mẻ chưa bao giờ nàng thấy. Nó dữ dội nó bạo liệt như xoáy lốc cuốn nàng bay vút lên tới tận trời xanh, toàn thân nàng đê mê như tan ra, nàng như muốn ngộp thở, nàng kiệt sức ngất đi … Tình yêu là như vậy sao? Nàng tự hỏi. Thật khác xa những gì nàng đã có với Nguyễn Trãi..." (chương 4)       


Để thuyết phục người đọc bằng quan điểm "duy quốc sử" của mình, Hà Văn Thùy không ngại sử dụng hàng loạt sự kiện được diến giải thông qua các biện pháp nghệ thuật như hồi ức, trạng thái tâm lý, trích dẫn văn bản (kể cả tất yếu và ngẫu nhiên), nhằm ngăn chặn các ý kiến phản biện mà ngôn ngữ thông tục gọi là "rào trước đón sau". Một trong những biện pháp khá hữu hiệu phục vụ đắc lực cho quan điểm sai lầm trên là những trang độc thoại của các nhân vật chính.


Nội dung độc thoại trong diễn biến tâm lý các nhân vật, ở chừng mức nào đó, kể cả Lê Thái Tông, đều có xu hướng thanh minh cho cuộc tình không chính danh, được diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ đầy ma lực, có sức mê hoặc ngay cả những người hoài nghi nhất: "Chàng thấy tâm hồn trở nên thanh thản, tâm trí tỉnh táo. Sao lạ vậy, có lúc chàng tự hỏi. Hơn một người vợ. Người vợ chỉ biết tuân phục và nuông chiều. Hơn một người mẹ, từ mẫu chỉ biết thương yêu và răn dạy. Nàng như là người mẹ trong một người tình. Nàng biết khuyên can ta những điều sâu xa, nàng cũng nghiêm khắc như người mẹ với những điều ta chưa phải. Nhưng sau đó, bao giờ ta cũng được hưởng sự vuốt ve chiều chuộng cùng niềm vui ân ái … Chàng nhận ra, từ khi gặp nàng, chàng đã thành người khác, trầm tĩnh hơn chín chắn hơn" (chương 4).  Hồi ức của Nguyên Long qua giấc mơ thuở nhỏ được một "cô tiên" tắm cho rồi cậu bé sờ "ti" được lặp đi lặp lại như là một định mệnh, hay việc Nguyễn Thị Lộ, dùng tình yêu và tài sắc của mình cải hóa Thái Tông từ một ông vua lười nhác, ham mê tửu sắc thành đấng minh quân, luôn là tiêu chí định hướng thẩm mỹ tránh cho người đọc sự "nhầm lẫn" về mục đích tác phẩm.


Nhưng sự việc chưa dừng ở đó. Nhằm hoàn thiện hình tượng Nguyễn Thị Lộ với ý đồ "tôn vinh" người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, Hà Văn Thùy còn gán cho nhân vật này những công tích rất đáng ngờ. Điển hình là việc sửa lễ nhạc để thay thế loại lễ nhạc hổ lốn của nhóm hoạn quan Lương Đăng. Từ nội dung chương 4, người đọc  tinh tế sẽ nhận ra ngay mục đích của tác giả trong trường đoạn Nguyễn Thị Lộ mời Thái Tông nghe nhạc. Là nhân vật có quyền uy nhất trong triều, từng nhiều lần lên giường với một giai nhân tài sắc bậc nhất kinh thành, thì việc gì mà nhà vua chẳng gật đầu. Tuy nhiên, đến đây cần phân định rạch ròi giới hạn không thể vượt qua đối với một nữ quan cho dù người ấy là nhân tình của bậc quân vương. Theo quan niệm "nam tôn nữ ty" trong điển chế Khổng Mạnh, tại triều đình, làm lễ nhạc phải là nam nhân có danh vị cao trong Bộ Lễ và Viện Hàn lâm. Trường hợp thái giám Lương Đăng và Hạ Đăng Đắc được xem là các biệt chỉ xảy ra vào lúc triều cương rối nát. Việc để Nguyễn Thị Lộ chủ trì lễ nhạc, cho dù phía sau bà là Nguyễn Trãi, cũng không đủ sức thuyết phục.


Đến đây tưởng cũng nên làm rõ một điều về chức danh nữ quan của Nguyễn Thị Lộ. "Lễ nghi học sĩ" là chức quan do Bộ Lễ quản lý. Với chức trách "cung trung giáo tập", hàng ngày, Nguyễn Thị Lộ đi kiệu vào hậu cung dạy các phi tần, cung nữ, hết giờ lại lên kiệu về phủ đệ, không được ở lại hậu cung. Vậy mà Hà Văn Thùy lại bịa ra một cung "Lễ nghi học sĩ", vô hình chung, ngay từ đầu tác giả đã biến bà thành một cung nữ, chịu sự quản giáo của Quý phi Dương Thị Bí và Thần phi Nguyễn Thị Anh. Chuyện này ngỡ như bình thường nhưng thực chất đó lại là chi tiết quan trọng. Loại bỏ chi tiết này ra khỏi tiểu thuyết, có nghĩa là loại bỏ một điểm hẹn rất hợp lý của đôi tình nhân trong hậu cung đầy bất trắc và lắm chuyện thị phi. Hai người khó có thể gặp nhau thường xuyên bởi tai mắt của bọn thái giám.


Bây giờ chúng tôi xin nói đến điểm mấu chốt nhất của cuộc tình này mà nếu bị bác bỏ thì xem như cuốn tiểu thuyết của Hà Văn Thùy bị đổ. Ấy là tuổi tác Lê Thái Tông và vị nữ quan. Căn cứ vào các tư liệu lịch sử, năm sinh của Nguyễn Thị Lộ có sự chênh lệch nhau. Theo "Đất và người Thái Bình", bà sinh vào năm 1400 tại làng Hải Triều (còn gọi là Hải Hồ) tục gọi làng Hới, tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng (nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà).Nhưng theo giáo sư Võ Thu Tịnh trong "Vụ án Lệ Chi Viên"(http://vietsciences.free) và và tiến sĩ Đinh Công Vỹ trong "Bên lề chính sử"(NXB Văn hóa Thông tin) thì bà sinh vào năm 1390. Từ đó, nếu lấy mốc năm 1390, Nguyễn Thị Lộ hơn Lê Thái Tông 33 tuổi, còn lấy năm 1400 làm năm sinh như khá nhiều tác giả đã sử dụng, thì Nguyễn Thị Lộ cũng hơn nhà vua 23 tuổi. Cho dù là là rất đẹp, thì người phụ nữ ở vào độ tứ tuần cách đây già nửa thiên niên kỷ cũng đã là một bà già, bởi hoàn cảnh kinh tế lạc hậu, chế độ chăm sóc sức khỏe cộng đồng vô cùng thấp kém. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tuổi thọ trung bình không quá 30. Trong khi ấy, theo Hà Văn Thùy, Lê Thái Tông là một ông vua ít học, ham mê sắc dục, hẳn là không thể có một mối tình cuồng nhiệt với một bà già hơn cả tuổi mẹ mình. Mặt khác chúng ta cũng không thể quên, lúc ấy, nhà vua đã có đến 6 bà vợ, toàn những người đẹp chim sa cá lặn cùng hàng trăm cung tần mỹ nữ nơi hậu điện. Có lẽ khi viết, Hà Văn Thùy cũng khá lấn cấn về vấn đề này, nên ông đã dành khá nhiều trang phân tích diễn biến tâm lý và những màn độc thoại mùi mẫn để thuyết phục bạn đọc chấp nhận cuộc ngoại tình tưởng tượng. Lê Thái tông nghĩ :" ...Nhưng từ khi gặp Nguyễn Thị Lộ, Thái tông cảm thấy cuộc đời mình không như trước nữa. Quyền lực vô biên của chàng lần đầu tiên bị thách thức. “Uy quyền có thể làm được nhiều điều nhưng không làm nên tình yêu!” Nàng nói. Quả vậy, nàng là người đàn bà đầu tiên mà chàng phải bỏ công chinh phục. Cảm hóa nàng không dễ. Chàng không ép buộc bởi chàng cần một người tình, người yêu chứ không chỉ là một con mái tuân phục!  Chàng mun nàng t nguyn hiến dâng. Chàng biết nàng có cm tình vi mình. Chàng cũng biết, trong cái cảm tình ấy mong manh tình yêu. Nhưng sống lâu năm với con người đạo đức, nàng đã nhiễm thói quen kìm nén. Nàng khép lòng lại như vị tướng giữ thành. Chính cái đêm nàng gẩy đàn trong nước mắt ấy, chàng đã nghe rõ lòng nàng và chàng hành động. Lúc đó hoặc mãi mãi không bao giờ! Lúc đầu, nàng chống cự. Nhưng chàng biết, đó là nàng chống cự lại bản thân. Chàng đã giúp cho nàng chiến thắng…" (chương 4).


Từ những dòng trên, người đọc có quyền nghi ngờ, liệu tác giả có bất nhẫn khi để cho Nguyễn Thị Lộ không bị cưỡng ép phải "yêu" mà tình nguyện "yêu" Lê Nguyên Long đắm đuối bất chấp cả đạo nhân luân? Đọc đến đoạn Lê Thái Tông và Nguyễn Thị Lộ làm tình cuồng nhiệt đến nỗi nhà vua đột tử trên bụng Lễ nghi học sĩ tại hành cung Lệ Chi Viên, người ta chợt nhận ra một điều, tất cả mọi cách bài binh bố trận trong "kỹ xảo" của tác giả là để dẫn đến kết cục bi hài này chứ không phải là án quyết tru di tam tộc gia đình Nguyễn Trãi của triều đình nhà Lê sau đó.


Như trên đã nói, Hà văn Thùy lệ thuộc hoàn toàn vào chính sử. Cái nhìn của ông không vượt khỏi hệ ý thức thời đại. Ông chỉ nhìn thấy chữ trên giấy trắng mực đen mà không biết nhìn giữa hai dòng chữ như một nhân vật của Lỗ Tấn đã phát hiện ra "người ăn thịt người" trong truyện ngắn "Trường minh đăng". Từ cách dàn dựng, bố cục và khai triển tiểu thuyết như trên, chẳng cần đào sâu các tầng ý nghĩa mà chỉ cần căn cứ vào văn bản trực tiếp, chúng ta cũng có thể thấy được, "Nguyễn Thị Lộ" là tác phẩm làm biến dạng lịch sử, hạ nhục nhân cách Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, Lê Thái Tông, đồng thời đem đến cho người đọc một cái nhìn lệch lạc về tư tưởng thẩm mỹ. Nguyễn Thị Lộ xuất thân từ gia đình nền nếp, chắc chắn bà hiểu rất rõ đạo tam cương, ngũ thường. Là một phụ nữ thông minh, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền giáo dục nho học, dứt khoát người nữ quan làng Hới này không thể có hành vi thái quá vượt ra ngoài khuôn khổ tam tòng tứ đức. Lại nữa, Nguyễn Thị Lộ từng đề xuất nhà vua ban sắc dụ trừng phạt loại đàn bà lăng loàn thì không thể tự mình làm chuyện thương luân bại lý. Trong khi đó, Nguyễn Trãi  là bậc anh hùng cái thế, từng giữ trọng trách nơi miếu đường, nhân cách sáng như sao khuê, làm sao có thể tình nguyện hiến vợ (mà lại là thiếp yêu) cho một ông vua chỉ bằng tuổi con mình, để rước về một cô Cẩm Nhung như là sự đổi chác ngầm của phường lục lâm thảo khấu? Hà Văn Thùy đã cố tình tạo ra một sự nhập nhằng khiến bạn đọc hiểu lầm. Thực ra, người thiếp của Nguyễn tiên sinh, sau này sinh ra Anh Vũ không phải là cung nữ do Lê Thái Tông "ban".


Kẻ sĩ quân tử như Nguyễn Trãi tuy chịu sự chi phối bởi đạo thần tử (quân xử thần tử, thần bất tử bất trung), nhưng danh dự dòng họ, thể diện gia đình mới là quan trọng. Người quân tử có thể chết chứ quyết không chịu nhục. Danh dự đã mất, thử hỏi sống trên đời còn có ý nghĩa gì? Cho nên cái đoạn Hà Văn Thùy miêu tả tâm trạng Ức Trai giằng xé như một trận bão lòng khi Nguyễn Thị Lộ theo xa giá về Côn Sơn, chỉ phù hợp với những kẻ tầm thường. Nguyễn Trãi cũng là một người đàn ông, hơn thế còn là nhà thơ lớn, ngón đòn mà Lê Nguyên Long đánh vào tâm hồn ông vô cùng hiểm độc. Nếu tác giả tự đặt mình vào hoàn cảnh Ức Trai, cẩn trọng suy nghĩ, chắc chắn ông sẽ không để cho người chồng bị cắm sừng nói những lời an ủi nhuốm màu cải lương thế kỷ XXI như sau :" Khi chuyn xy ra, ta vô cùng đau kh vì người yêu thương nht đã phn bi ta. Ta trách nhà vua đã xúc phm ta. Qu thc lúc đó ta thù hn nàng Nhưng ri, khi ung cn ni đau, ta hiu ra, nàng không phn bi ta mà nàng ch theo tiếng gi ca lòng nàng. Nàng yêu ta khi còn quá tr, nhng năm tháng bên ta, tình yêu ca nàng đã khuôn theo tình cm ca ta. Nay khi gp mt người như Nguyên Long, nhng tình cm t lâu b kìm nén trong lòng bng tnh, thúc gic nàng tìm nhng cái mà nàng vì ta đã để mt. Ta hiểu việc nàng làm. Ta già rồi không thể cho nàng những cái nàng có quyền được hưởng. Lẽ nào ta lại cấm đoán niềm vui, cấm đoán hạnh phúc của nàng? Thiên hạ chê những ông vua ngày xưa khi chết bắt thê thiếp chết theo. Nhưng nếu cấm đoán nàng, thì ta có khác gì một bạo chúa bắt nàng chôn vùi tuổi trẻ… Chính vì vậy, ta từ lâu đã thông cảm với nàng…"(chương 7).


Về nhân cách Lê thái Tông, tuy là ông vua ít học, nhưng sau bao năm bị khống chế dưới bóng của đám cường thần, đến năm 1440 đã trưởng thành, tự mình điều hành chính sự. Vị vua còn khá trẻ này đã thẳng tay trừng trị bọn Lê Sát, Lê Ngân, dám lục dụng các công thần bị thất sủng thời Thái Tổ, biết dựa vào các lương thần chỉnh đốn triều cương, không thể là một hôn quân cướp vợ người khác. Như phần trên chúng tôi đã phân tích, hậu cung của Nguyên Long thiếu gì giai nhân tài nữ đến nỗi phải đeo đuổi một người đàn bà hơn mình ít ra là 23 tuổi? Một vương triều vừa mới kiến lập sau mười năm chống giặc ngoại xâm mà đã có một ông vua nhân cách thấp hèn, tinh thần bệnh hoạn như thế làm sao có thể đứng đầu trăm họ? Sai lầm có tính hệ thống này, trước hết bắt nguồn từ các nhà chép sử thiếu trung thực, nhẫn tâm đổi trắng thay đen dưới áp lực của phe nhóm Nguyễn Thị Anh, gán tội cho Nguyễn Trãi, tạo một "thiên cổ kỳ án", đến nỗi ngày nay, nhiều người coi đó là vụ án lương tâm muốn Tòa Thượng thẩm Việt Nam xử lại.


Đọc Hà Văn Thùy, phần phản cảm nhất là những đoạn Lê Thái Tông tìm mọi cách săn đón Nguyễn Thị Lộ. Nhưng đấy chưa phải là tất cả. Những pha làm tình nóng bỏng giữa hai người và diễn biến tâm trạng của họ mới địch thực là cú đòn hạ nhục vợ chồng Nguyễn Ức Trai :"Rồi chàng vồ vập đòi yêu nữa. Nàng buông người vô cảm. Dù sao việc cũng đã rồi, hối cũng đã muộn, nàng nghĩ, và mặc cho chàng vày vò. Nhưng rồi sau đó những kìm nén mà nàng cố tình gìn giữ bị phá tung, không cưỡng nổi bản thân, nàng hưởng ứng cuồng nhiệt. Cơn khát thèm tích tụ bao ngày đã được thỏa mãn ở lần trước, lần này chàng trai trẻ từ tốn điệu đàng dẫn nàng vào cuộc vui, đưa nàng lên cực điểm khoái lạc"(chương 4). Và đây chính là đỉnh điểm của cái gọi là tình yêu để rồi sẽ kết thúc với bản án đẫm máu:" Không còn cách nào khác, nàng đành chiều và vận dụng hết ngón nghề  giúp chàng. Vn biết khoái cm nơi mình lên chm, nàng t kích thích  để hòa hp vi chàng. Để chng t mình là trượng phu nam t, chàng không ngng mân mê nhng nơi nhy cm nht ca nàng. Ri hai cơ th hòa vào nhau trong tn cùng hoan lc. Nàng cn cht môi như c ghìm li tiếng rên trong ming nhưng ri tiếng rên sung sướng c bt ra: Chàng, Nguyên Long, chàng ơ ơ ơi!  Ri nàng lm đi mê mn. Tn cùng sung sướng, chàng run ry trên người nàng" (chương 7).


Từ những trích dẫn trên, nếu tham khảo thêm cả những đoạn diễn biến tâm trạng Nguyễn Thị Lộ nằm rải rác ở các cương 4, 5, 6 và phần đầu chương 7, chúng ta phải thừa nhận Hà Văn Thùy rất có sở trường trong việc xây dựng hình tượng nhân vật có tâm lý phức tạp. Ông hư cấu mà như ngỡ cứ như thật tạo nên sự khác lạ về đẳng cấp với những nhân vật được xây dựng theo khuôn mẫu cứng nhắc của khá nhiều tiểu thuyết lịch sử chịu ảnh hưởng của mỹ học Marx - Lenin. Thế nhưng, như phần đầu chúng tôi đã cảnh báo, do phương pháp tiếp cận Vụ án Lệ Chi Viên sai lầm nên tiểu thuyết "Nguyễn Thị Lộ" đi chệch khỏi quỹ đạo thẩm mỹ. Ý đồ tác giả là lương thiện, thay vì đề cao nhân cách Nguyễn Thị Lộ thì ông lại hạ thấp phẩm giá của bà.


Tất nhiên, quyền hư cấu trong sáng tạo nghệ thuật là của tác giả, tuy vậy người viết cần phải có bản lĩnh và một tâm hồn nhạy cảm để nhìn ra bản chất vấn đề trong cái mớ bòng bong của lịch sử để lại. Nguyễn Thị Lộ thực chất không phải như hình tượng văn học hư cấu của Hà Văn Thùy. Bà là một giai nhân, một tài nữ, nhưng dứt khoát không phải là một dâm phụ.


Chí Linh, xuân Nhân Thìn, ngày lành


***


Nhà Văn Và Lịch Sử


Đỗ Ngọc Thạch


(Đọc tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Thị Lộ của Hà Văn Thùy, Nhà xuất bản Văn Học, 2005)


Có một đại văn hào nói ở đâu đó rằng: Chính nhà văn chứ không phải ai khác, mới là người viết sử thật của cuộc đời. Câu nói này không hề hạ thấp nhà sử học mà nó nhằm lưu ý chúng ta rằng, với trí tưởng tượng mạnh mẽ (đặc trưng cơ bản của năng lực sáng tạo nghệ thuật của nhà văn), phải là nhà văn chứ không phải là nhà sử học, mới có thể tái hiện một cách chân thực và sống động những tiến trình lịch sử vốn luôn luôn bị che đậy, dấu kín (bí sử) dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào của bất kỳ quốc gia nào.


Câu nói vừa dẫn trên dù đã có từ rất lâu nhưng đến nay vẫn đúng và vẫn như là rất mới, nó như một tiên đề trong toán học. Song, không phải nhà văn nào cũng lĩnh hội được đầy đủ và sâu sắc ý tưởng tuyệt hay đó. Và thế là khi viết tiểu thuyết lịch sử, hầu hết các nhà văn chỉ làm cái việc đơn giản là kể lại lịch sử theo các tài liệu lịch sử của sử gia đã được công bố (chính sử). Cách làm này thường gọi là minh họa lịch sử và thật đáng tiếc là nó lại được khuyến khích với lý do cần có nhiều tác phẩm ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc. Có một số nhà văn đã không đi theo xu hướng anh hùng ca đó mà soi rọi vào những tầng ẩn sâu của lịch sử thì lập tức “gặp rắc rối” mà điển hình là tác phẩm Nguyễn Trãi ở Đông Quan của Nguyễn Đình Thi!...


Đây là một vấn đề phức tạp chưa dễ gì có được những kiến giải thực sự khoa học. Trong quá trình chờ đợi “hạ hồi phân giải” vấn đề lớn nhà văn và lịch sử này, tôi thấy vẫn có những nhà văn đầy tâm huyết với lịch sử dân tộc, nhất là với những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử còn có nhiều nghi vấn. Một trong số đó là Hà Văn Thùy với tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Thị Lộ. Đây là một hướng đi đầy nhọc nhằn, trắc trở mà tác giả đã cho là cực khó, không phải ai cũng thành công. Song, với lòng ưu thời mẫn thế và khát vọng sáng tạo mạnh mẽ, Hà Văn Thùy đã chọn cho mình con đường cực khó này. Đó chính là điều thu hút người đọc đầu tiên – người đọc là công chúng văn học đích thực.


Trong Lời tựa đầu sách, tác giả đã dẫn ra một định nghĩa về lịch sử rằng: “Lịch sử là những văn bản do sử gia viết rồi sau đó không ngừng được viết lại” và khẳng định trường hợp Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ rất đúng với định nghĩa đó. Và tác giả đã viết lại hai nhân vật lịch sử này bằng tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Thị Lộ với quan niệm rõ ràng được dùng làm lời đề từ cho tác phẩm: “Nhà Văn, trong ý nghĩa nguyên sơ của từ này, chính là lương tri của dân tộc của thời đại, có nhiệm vụ giải mã tấm gương câm lặng của lịch sử để đưa ánh sáng rọi chiếu con đường đi tới cho dân tộc”. Đây là quan niệm đúng và không hề đại ngôn và nó càng cho ta thấy rõ hơn tại sao đi theo hướng này lại cực khó đối với nhà văn. Nhà văn cố gắng giải mã lịch sử. Đến lượt mình, nhà Phê bình giải mã tác phẩm của nhà văn. Như thế nhà Phê bình đã phải hai lần giải mã – “Giải mã sự giải mã”: Vừa phải làm “nổ tung văn bản” – Tác phẩm văn học, vừa phải thẩm định sự giải mã lịch sử của nhà văn.


Đây là công việc cực khó đối với nhà phê bình văn học. Vì thế, ở bài viết này tôi chỉ xin đưa ra những cảm nhận có tính ngẫu hứng với tư cách của một công chúng văn học, còn những thao tác chi tiết, bài bản của cái việc giải mã cực khó đó, xin nhường các nhà phê bình văn học chuyên nghiệp …


*


Trước hết, cần phải nói rằng tác giả của tiểu thuyết Nguyễn Thị Lộ đã có xuất phát điểm đúng. Hai nhân vật lịch sử Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ là đề tài lớn và không hề vơi cạn của sáng tạo nghệ thuật về đề tài lịch sử. Mối tình đã trở thành truyền thuyết của Nguyễn Trãi và cô nàng bán chiếu Nguyễn Thị Lộ từ lâu đã là thiên tình sử tuyệt đẹp trong nếp cảm, nếp nghĩ của công chúng. Và vụ án Trại Vải (Lệ chi viên) từ lâu đã được xem là thiên cổ kỳ án. Đó là lợi thế có sẵn của nhà văn khi khai thác đề tài. Song, nếu nhà văn chỉ viết theo kiểu “minh họa lịch sử” thì không thể vượt qua được nhà chép sử hạng xoàng. Điều đáng chú ý ở tiểu thuyết Nguyễn Thị Lộ là tác giả đã chọn nhân vật trung tâm là cô nàng bán chiếu xinh đẹp tài hoa và thiên tình sử Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ được đan cài với một thiên tình sử khác lâu nay chưa được chú ý là tình yêu của Nguyễn Thị Lộ với vua Lê Thái Tông. Thoạt nhìn, ta có cảm giác là tác giả bị sa vào cái “mô-típ” mối tình tay ba cũ mèm trong văn chương từ cổ chí kim. Nhưng tác giả đã “giải mã” mối tình tay ba này bằng một cảm quan nghệ thuật vừa có sự cháy bỏng của con tim vừa có sự tỉnh táo của lý trí. Việc thể hiện những xung đột nội tâm trong Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ ở mối tình tay ba này đã được tác giả chú trọng và có sự “giải mã” khá thuyết phục.


 Với Nguyễn Trãi là sự xử thế của một đại Nho chuẩn mực. Thật khó xử cho Nguyễn Trãi khi phải vừa giữ được tình yêu với Thị Lộ, vừa giữ được đạo quân – thần  vừa giữ được chí lớn của một bậc đại Nho. Tác giả đã cho ta thấy được những suy tư của Nguyễn Trãi từ khi để Thị Lộ vào cung: …”Khi để nàng vào cung, ông chỉ có nỗi buồn là xa nàng. Nhưng trong cái thế bất khả kháng ấy, ông cũng thấy lóe lên tia hy vọng: ở trong cung, nàng có thể làm được việc ích nước lợi dân”(trang.169). Chính tư tưởng “Lấy đại cuộc làm trọng” đã giúp Nguyễn Trãi vượt qua những “cú sốc” dữ dội khi biết Thị Lộ đã “dan díu” với nhà vua trẻ, đã “…phản bội ông…đã đánh một đòn chí tử vào lòng tự hào và sĩ diện của ông” (tr.170). Và cuối cùng là cách xử thế không thể khác của Nguyễn Trãi trong “mối tình tay ba” này: “Trong hoàn cảnh éo le bất khả kháng của mình, ông tìm ra cách ứng xử riêng. Giữ mối tình cảm tốt đẹp với nàng, ông bày vẽ cho nàng giúp nhà vua làm những việc hữu ích” (tr.172). Và những lời ông nói với Thị Lộ thật là chân tình, thật là…Nguyễn Trãi: “Ta đã qua những ngày tủi nhục những ngày khổ đau. Nhưng rồi ta nghĩ ra: nàng còn trẻ, còn cần được yêu đương. Mà một người như Nguyên Long cũng đáng  để nàng yêu lắm! Ta phải cảm ơn tình yêu nàng dành cho Nguyên Long. Chính tình yêu của nàng đã biến chàng thiếu niên Nguyên Long thành Thái Tông hoàng đế anh minh”(tr.224).


Và lời nói của nhà vua về Nguyễn Trãi là sự cảm phục: “Nguyễn Trãi thật lớn. Ông yêu nàng biết bao nhiêu. Chính vì vậy mà ông chịu hy sinh vì hạnh phúc của nàng. Trẫm càng trọng Nguyễn Trãi vì đã biết hi sinh cho nghĩa lớn” (tr.224). Xưa nay, đạt được sự “tâm phục, khẩu phục” ở những bậc quân vương thường rất hiếm hoi, nhất là trong “Chuyện Ái tình”.


Với Nguyễn Thị Lộ, đó là những cảm xúc rất “Nữ tính” khi nàng đang tuổi hồi xuân và đứng trước những tình huống chỉ có thể làm theo “Mệnh lệnh của con Tim”: “Còn Thị Lộ, như người từ tận cùng thất vọng, như kẻ từ dưới vực sâu được vớt lên, đã trải qua mọi tai họa, đã thấm tới


cùng kỳ lý của cuộc đời, không còn gì lo lắng, không còn gì ngăn cách, nàng cũng hết lòng buông thả cho tình yêu được hoàn toàn tự do, hoàn toàn giải phóng. Bấy lâu nay, nhờ Tình yêu của Nguyên Long, nàng phát hiện ra sự đam mê mãnh liệt của mình. Nàng hiểu rằng, nếu không gặp chàng trai trẻ này, những đam mê đó chắc sẽ lụi tàn và nàng nhanh chóng già đi trong vai người đàn bà đoan chính” (tr.225). Và giá trị thẩm mỹ của hình tượng nhân vật càng được đẩy lên cao, tới tận cùng khi tình yêu cuồng nhiệt của Thị Lộ, tình yêu mới được giải phóng đó đã gặp phải bi kịch đẫm máu là cái chết đột ngột của nhà vua trẻ sau cuộc giao hoan với Thị Lộ, tức “Vụ án Lệ chi viên” (tr.228). Một lần nữa, vụ án “Lệ chi viên” lại được tác giả Hà Văn Thùy  “giải mã” bằng tình yêu cuồng nhiệt của Thị Lộ và Thái Tông hoàng đế!


Cái kết cục đầy bi kịch của mối tình tay ba đó là kỳ án Trại Vải. Sự giải mã lịch sử của tác giả có đạt được thành công hay không và sự thành công tới mức nào như vừa nói trên, cần phải chờ sự phán xét của công chúng văn học, sự kiểm chứng của thời gian bởi công chúng văn học luôn là vị quan tòa công minh nhất và mỗi thời kỳ, tác phẩm văn học lại được phán xét ở một giác độ khác!


*


Điều đáng ghi nhận nữa ở tiểu thuyết Nguyễn Thị Lộ là nhân vật Nguyễn Trãi tuy không phải là nhân vật chủ đề, nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết nhưng hình ảnh nhà thơ, nhà văn hóa, nhà chính trị Nguyễn Trãi hiện ra thật sinh động, sắc nét. Nếu như có ai đó viết cuốn tiểu thuyết khác lấy “đích danh” là Nguyễn Trãi thì cũng có thể nói trước rằng cuốn tiểu thuyết Nguyễn Thị Lộ này cũng không hề thua kém gì trong việc khắc họa hình tượng nhân vật Nguyễn Trãi. Nói cách khác, nếu muốn đọc tiểu thuyết về Nguyễn Trãi thì hãy tìm đọc tiểu thuyết Nguyễn Thị Lộ! Nói vậy cũng không đến nỗi quá đáng lắm, bởi trong tiểu thuyết Nguyễn Thị Lộ, hễ có thời cơ, có dịp là tác giả lại giành để nói về văn, thơ của Nguyễn Trãi. Chẳng hạn như trong một cuộc viếng thăm của nhà vua tới nhà Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, khi đi dạo trong vườn, tác giả đã giới thiệu và kiến giải thỏa đáng với bạn đọc một bài thơ nhỏ nhưng rất hay của Nguyễn Trãi mà một dạo các nhà thơ, nhà nghiên cứu đã tốn khá nhiều giấy bút để tranh luận về ý nghĩa của bài thơ Cây chuối này:


Tự bén hơi xuân tốt lại thêm

Đầy buồng lạ, màu thâu đêm.

Tình thư một bức phong còn kín.

Gió nơi đâu gượng mở xem”.


*


Đề tài lịch sử luôn luôn là một sự hấp dẫn kỳ lạ đối với nhà văn. Bởi lịch sử luôn tồn đọng những bí ẩn không thể “giải mã” một cách dễ dàng. Chính vì thế, đề tài lịch sử luôn luôn là một sự thách đố lớn đối với nhà văn. Hy vọng tiểu thuyết Nguyễn Thị Lộ của Hà Văn Thùy đã đáp ứng được phần nào nhu cầu “giải mã” lịch sử của công chúng văn học và chúng tôi tin rằng sẽ còn những “giải mã lịch sử” khác về nhân vật Nguyễn Thị Lộ sau cuốn tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Thị Lộ này./.


Sài Gòn, tháng 6-2010


Đỗ Ngọc Thạch


****


TRAO ĐỔI CÙNG TÁC GIẢ

     TIỂU THUYẾT

     NGUYỄN THỊ LỘ


                                                                                 DUY PHI


   Vừa rồi, nhà văn Đặng Văn Sinh (ĐVS) lên tiếng, chỉ rõ: Nguyễn Thị Lộ - một tiểu thuyết hư cấu hạ thấp phẩm giá Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ”.Tác giả Hà Văn Thuỳ có bài bác lại. Tiểu thuyết "Nguyễn Thị Lộ" của nhà văn Hà Văn Thùy (HVT), NXB Văn học ấn hành năm 2005. Nếu không có sách, có thể đọc ở HÀ VĂN THÙY, trên NEWVIETART. 


   Vui thay! Sau khi tự đánh giá tiểu thuyết của mình: Đây là lần đầu tiên hai vị (Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ) hiện lên trong hình tượng văn học sâu sắc và trong sáng như vậy, tác giả còn dẫn ra một ý kiến nào đó, cho rằng bài của ĐVS: Đặc sệt giọng lưỡi một giáo viên dạy văn xoàng xĩnh và chẳng hiểu biết gì về sáng tạo văn học.


   Ai đúng đây? Có thể dẫn lại mấy điểm trong bài của HVT, trên trannhuong.com ngày 23/ 2/ 2012. Bài ấy, có những vấn đề bất ổn.


   Ví dụ, HVT viết: Người phương tây có ngạn ngữ, khi không chặt được cánh tay đó thì hãy cầm lấy nó mà hôn! Do không thể bác bỏ được những dòng chính sử, tôi buộc phải chấp nhận nó như sự thực và mô tả trong sách của mình. Câu nói đó đúng ở đâu, chứ kẻ sĩ sao lại nghĩ thế, cái xấu khi chưa trừ bỏ được thì hãy cứ hôn chăng?  Nếu là nghi án tội lỗi, chưa làm sáng tỏ thì hãy hy vọng nhiều đời sẽ sáng tỏ, hoặc cứ để trong nghi án chứ sao lại chấp nhận, vội đầu hàng, đồng loã…   


   HVT viết: Đúng là vua Thánh tông có trách cứ Ngô Sĩ Liên tội ăn của đút, tội “sự nhị quân” nhưng không hề quở trách ông trong việc viết sử. Điều này chứng tỏ ông không có lỗi ở chức phận sử gia. Ai dám chắc rằng, 


Viên quan kia ăn của đút, không phải là của đút về việc viết sử? Căn cứ ở đâu dám võ đoán “ông không có lỗi ở chức phận sử gia “, khi viên sử quan ấy bị Lê Thánh Tông mắng về nhân cách.

image027

   Về cuộc Hội thảo khoa học về Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ tại xã Trần Phú, Khuyến Lương, Hà Nội phối hợp với Hội Sử học Việt Nam tổ chức ngày 19 tháng12 năm 2002, sau đó ra tập sách Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi viên (Thảm án LCV), NXB VHTT năm 2004. HVT viết: Hội thảo Khoa học về bà Lộ được tổ chức, tôi quá mừng, hy vọng, với tầm học cao biết rộng của những bậc tài danh hôm nay, oan án sẽ được xóa! Nhưng rồi tôi thất vọng: chứng không có mà lý đưa ra lại quá tù mù!

  
Tôi có nghĩ khác với HVT. Tôi đã đọc nhiều lần cuốn Thảm án LCV, 528 trang khổ 14,5 X 20,5 (cm), thấy cái tâm của nhà giáo Hoàng Đạo Chúc chủ biên và thấy nhiều tham luận có sức thuyết phục. Đặc biệt là công trình của GS, TS, các nhà nghiên cứu: Đinh Công Vĩ, Mai Hồng,  Nguyễn Ngọc Hiền, Nguyễn Văn Thành, Hoàng Quốc Hải… các trang: 118, 119, 169, 170, 193 có thơ của Đinh Liệt, các trang 207 đến 212, có bài hai bài thơ thể Tứ lục và Tứ lục biến hoá… Quê tôi rất gần Lệ Chi Viên, đã nhiều năm tôi sống ở Côn Sơn, do lòng ham mê lịch sử, tôi từng vượt sông Luộc mà đến Tân Lễ - quê sinh bà Lộ, đi Lam Kinh, về Khuyến Lương, Nhị Khê… , song đọc Thảm án LCV- cuốn sách sau Hội thảo về Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ, hiểu biết về Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ của tôi đã được bổ sung thêm nhiều. Phải chăng, ông HVT đã quá vội mà phủ định? Nếu ông HVT về Khuyến Lương (Hà Nội) thăm nơi xưa Góc thành Nam lều một gian, thăm nhà dạy học của Nguyễn Trãi và nhà ở của bà Lộ, nếu đọc kỹ những bài thơ chữ Nôm chữ Hán của Nguyễn Trãi và bà Lộ, hẳn HVT sễ không viết trong bài Phải chăng Hà Văn Thùy xúc phạm Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ (Phải chăng… ) với cánh nhìn hơi bị… tàn nhẫn: Một điều cũng rất thực mà vì tế nhị, trong truyện tôi đã không cho nói ra từ miệng Nguyễn Trãi là, theo quan nim đương thi, bà L không phi chính thất mà chỉ là vợ lẽ, nàng hầu, một tài sản người đàn ông có thể mua bán đổi chác


   Thời Lê sơ, đầu thế kỷ XV có nhiều oan khuất: Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn bị sát hại năm 1431 (sai đã được sửa năm 1456), Thái Bảo Phạm Văn Xảo bị hãm hại năm 1432 ( đời Trần Nhân Tông được minh oan), Thừa chỉ Nguyễn Trãi bị trảm năm 1442 ( Lê Thánh Tông xuống chiếu minh oan, lại truy tặng ông: Tấm lòng sáng như sao Khuê…).

image028

CHÂN DUNG

NGUYỄN TRÃI VÀ NỮ HỌC SĨ NGUYỄN THỊ LỘ 
TẠI LỆ CHI VIÊN (VƯỜN VẢI), BẮC NINH 


   Hồi ấy, hai chục năm sau, ông vua Thánh mới biết Nguyễn Trãi bị oan, chứ quan lại dân chúng nhận rõ ngay do sự rối ren nhũng loạn trong triều chính. Đại công thần Đinh Liệt, người phải đứng ra làm chánh án vụ xử Nguyễn Trãi thấy rõ oan mà đành bất lực. Ngay trong ngày Nguyễn Trãi bị trảm (16 tháng 8 năm 1442), Đinh Liệt đã làm bài thơ rồi giấu đi, (Bút ký Hồng Mai của Đinh Liệt bị thất lạc mấy thế kỷ, năm 1953 mới tìm thấy…), đến nay ta mới được đọc. Đinh Liệt gọi Nguyễn Trãi là quan gia, ông là chánh án nhưng không phải là Bao Công và than, chờ Bao Công còn xa lắm:


Khả tích quan gia mạc thức thời

Tru di tam tộc thị thương ôi!

Phá kính trung viên, hà thời giải

Bao Công, chân lý đẳng tương lai.


Dịch:


Quan gia đáng tiếc chẳng theo thời

Tam tộc chu di xót quá thôi

Gương vỡ bao giờ lành được nhỉ?

Bao Công, chân lý ngóng xa vời...


Trong triều, Hoàng hậu Thị Anh và thế lực hắc ám lấn át cả, đại công thần - chánh án Đinh Liệt chịu bó tay, Nguyễn Thiên Tích - bạn cố tri của Nguyễn Trãi, làm phán quan cũng bó tay... Sử gia thời Lê sơ không cùng đẳng cấp với các thái sử Đổng Hồ, Thôi Trữ xưa, đã ghi theo “lề phải”, chính thống.


Xử: Nguyễn Trãi dùng bà Lộ tiến độc vua là oan, “vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng”, xử trảm bà Lộ cũng là oan.


Xin nói rõ thêm, theo sử, ngày 3 tháng 8, vua dời Côn Sơn về kinh. Bà Lộ được đi hộ giá. Từ Lục Đầu Giang rẽ vào sông Thiên Đức (Đuống) thuyền rồng ngược dòng, nên luôn phải hàng chục phu thuyền dùng dây tam cố gò lưng mà kéo. Đến ngang xã Đại Toán thuộc Quế Võ thì phu kéo mãi thuyền không nhích lên được. Vua hỏi. Lương Dật (em nuôi Lương Đăng - viên quan chống Nguyễn Trãi quyết liệt) tâu: “Ngay trên bờ có Cầu Bông, cạnh cầu có mộ Bạch Sư rất thiêng, nếu không cúng sẽ nhiều trắc trở”. Tham tri chính sự Nguyễn Xí nói, không tin vào điều đó được, song vua lại truyền bảo: “Cho thuyền dừng, cắm trại, lệnh cho sở tại thịt nghé tơ để tế thần”. Mấy hôm liền, vua vẫn không được khoẻ. Đêm 4 tháng 8 vua về đến Lệ Chi Viên... Trong chuyến vua vi hành này, Hoàng hậu Thị Anh không có mặt, nhưng tất nhiên tất cả các quan và năm cung nữ bên vua đều là người của Thị Anh cả. Chỉ có bà Lộ một phía. Có việc gì qua mắt được cánh Nguyễn Xí, Tạ Thanh, Lương Dật, các cung nữ? Lại cùng đoàn lặng lẽ hồi kinh. Từ Lệ Chi Viên đến kinh đô chỉ chừng 45 cây số. Hồi ấy, đoàn xa giá phải đi cả ngày, đêm mồng 5, hết ngày mồng 6, nửa đêm mới vào cung, phát tang. Nếu bà Lộ có mưu giết vua, cớ sao khi vua đã băng, không trốn?  Vì ngoại phạm, bà Lộ tự cho vô can mới không trốn. Từ đó, suy ra, ngay câu mà sử gia chép “vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng”, cũng là câu đã qua dàn dựng!    


Có lẽ do quá say sưa với kiểu Eudipe mà tác giả tiểu thuyết Nguyễn Thị Lộ, đã tung hoành trong “trận bút” dẫn đến có lỗi với Nguyễn Trãi. Ví dụ, đoạn:


“Không cầm được lòng, nàng (bà Lộ) đặt lên trán chàng (vua, đáng tuổi con) nụ hôn nhẹ như thoáng qua... Tội lỗi, tội lỗi, nàng thầm nhủ. Nhưng sao lạ quá, một cái gì đó mới mẻ chưa bao giờ nàng thấy. Nó dữ dội nó bạo liệt như xoáy lốc cuốn nàng bay vút lên tới tận trời xanh, toàn thân nàng đê mê như tan ra, nàng như muốn ngộp thở, nàng kiệt sức ngất đi... Tình yêu là như vậy sao? Nàng tự hỏi. Thật khác xa những gì nàng đã có với Nguyễn Trãi...”. (chương 4). 

image031

ĐỀN THỜ LỄ NGHI HỌC SĨ NGUYỄN THỊ LỘ
Ở TÂN LỄ, THÁI BÌNH 


Đúng như ĐVS nhận định, những đoạn như thế này có hạ thấp cả Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.


   Viết tiểu thuyết lịch sử là khó, viết về thiên cổ kỳ án Lệ Chi Viên  lại càng khó. Nhà văn Hà Văn Thùy viết tiểu thuyết lịch sử về Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ khởi nguồn từ niềm yêu kính hai danh nhân, đã xuất bản, có sự thành công nhất định. Song, tác phẩm còn phải tiếp tục đối diện với lịch sử, thi pháp, bạn đọc...    


D.P