VĂN HÓA ONLINE – THẾ GIỚI 3 - THỨ HAI 16 DEC 2024
Tập Cận Bình từ chối dự lễ nhậm chức của ông Trump; Anh gia nhập Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương
TT đắc cử Mỹ Donald Trump mời Tập Cận Bình dự lễ nhậm chức nhưng bị từ chối
*
Vài ngày sau khi tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trở về nước sau lễ khánh thành trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris cùng với lãnh đạo hơn 30 nước, theo lời mời của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, một phát ngôn viên ê-kíp chuyển giao quyền lực tổng thống tại Mỹ cho biết ông Trump đã mời chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều lãnh đạo nước ngoài đến dự lễ nhậm chức tổng thống của ông ngày 20/01/2025.
RFI 15/12/2024
Ông Donald Trump được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nghênh đón tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 09/11/2017. REUTERS - Damir Sagolj
Việc Donald Trump mời các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo quốc tế là thông tin gây bất ngờ vì điều này đi ngược lại truyền thống. Tại Mỹ, chưa có tổng thống nào làm như vậy. Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten hôm nay 15/12/ 2024 cho biết thêm thông tin về danh sách khách mời bất ngờ của Donald Trump:
« Vị khách quý đầu tiên là chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Donald Trump đã khẳng định là ông muốn mời không chỉ các « đồng minh » mà cả các đối thủ cạnh tranh. Nhưng dĩ nhiên Trung Quốc là đối thủ kinh tế lớn nhất của Hoa Kỳ, nên chủ tịch Trung Quốc không coi lời mời ông đến dự lễ nhậm chức của Donald Trump là một biểu tượng cho sự hòa dịu, trong bối cảnh tổng thống Mỹ đắc cử đã tuyên bố sẽ tăng thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Không những vậy, Bắc Kinh cũng ghét đi chệch truyền thống nên đã từ chối lời mời.
Và mọi người cũng biết ai không được mời: đó là Vladimir Putin. Nếu có được mời thì tổng thống Nga chắc chắn cũng sẽ từ chối, nhưng có thể ông Putin sẽ không hài lòng vì không được Trump xem là nhân vật VIP.
Quảng cáo
Khi nghe nói rằng danh sách khách mời của ông có thể khiến nhiều nhân vật thất vọng, Donald Trump nói « Đó là rủi ro cần gánh chịu! » Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng đã không được mời. Trái lại, thủ tướng Hungary thì lại được mời và cũng chưa từ chối lời mời ».
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20241215-tt-%C4%91%E1%BA%AFc-c%E1%BB%AD-m%E1%BB%B9-donald-trump-m%E1%BB%9Di-t%E1%BA%ADp-c%E1%BA%ADn-b%C3%ACnh-d%E1%BB%B1-l%E1%BB%85-nh%E1%BA%ADm-ch%E1%BB%A9c-nh%C6%B0ng-b%E1%BB%8B-t%E1%BB%AB-ch%E1%BB%91i
**
Anh tham gia Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương
16/12/2024
Quan chức CPTPP trong một cuộc họp năm 2018. [Ảnh minh họa]
Anh hôm 15/12/2024 chính thức trở thành thành viên thứ 12 của hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương bao gồm Nhật Bản, Úc và Canada, trong khi nước này tìm cách thắt chặt quan hệ trong khu vực và củng cố quan hệ thương mại toàn cầu sau khi rời Liên minh châu Âu (EU).
Năm ngoái, Anh tuyên bố sẽ tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong thỏa thuận thương mại lớn nhất sau khi rời EU, thường được gọi là Brexit.
Việc gia nhập có nghĩa là Anh sẽ có thể áp dụng các quy tắc thương mại CPTPP và giảm thuế quan với tám trong số 11 thành viên hiện tại kể từ ngày 15/12/2024 là Brunei, Chile, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Thỏa thuận có hiệu lực với Úc vào ngày 24 tháng 12 và sẽ áp dụng với hai thành viên cuối cùng là Canada và Mexico 60 ngày sau khi họ phê chuẩn.
Hiệp định này đại diện cho các thỏa thuận thương mại tự do đầu tiên của Anh với Malaysia và Brunei, nhưng mặc dù đã có thỏa thuận với các quốc gia khác, các điều khoản của CPTPP còn tiến xa hơn, đặc biệt là trong việc cung cấp cho các công ty quyền lựa chọn về cách sử dụng các điều khoản "nguyên tắc xuất xứ".
Anh ước tính hiệp định này có thể có giá trị 2,5 tỷ đô la một năm trong dài hạn, tức dưới 0,1% GDP.
Nhưng trong một dấu hiệu cho thấy ý nghĩa chiến lược, thay vì chỉ đơn thuần là kinh tế của hiệp định, Anh hiện có thể tác động đến việc liệu các ứng viên là Trung Quốc và Đài Loan có thể tham gia nhóm hay không.
Hiệp định thương mại tự do này bắt nguồn từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương do Hoa Kỳ hậu thuẫn, được phát triển một phần để chống lại sự thống trị kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc.
Hoa Kỳ đã rút lui vào năm 2017 dưới thời Tổng thống Donald Trump và sau đó CPTPP đã ra đời.
Costa Rica là quốc gia ứng viên tiếp theo trải qua quá trình gia nhập, trong khi Indonesia cũng đặt mục tiêu như vậy.