Tàu TQ Coconut Princess chở gần 200 khách du lịch Hoàng Sa

04 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 12559)
“VĂN HÓA MAGAZINE” THỨ BẨY SEP 06 2014

TQ mở tuyến du lịch mới tới Hoàng Sa

BBC thứ tư, 3 tháng 9, 2014

hoang-sa-sep-5-2014-1
Vùng biển gần Hoàng Sa là nơi các lực lượng chức năng Trung Quốc hoạt động mạnh

Trung Quốc vừa mở tuyến du lịch mới ngắn hơn tuyến cũ từ Tam Á, đảo Hải Nam, ra Hoàng Sa, động thái có thể gây phản ứng từ Việt Nam.

Hãng tin Tân Hoa Xã nói tàu du lịch Coconut Princess vừa khởi hành từ Tam Á trên đảo Hải Nam vào hôm thứ Ba 2/9 hướng về Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa.

Trong tour du lịch bốn ngày trên tàu, khách sẽ thăm ba đảo trong quần đảo Hoàng Sa, "đánh bóng chuyền trên cát, lặn, câu cá và chụp ảnh cưới".

Việt Nam là quốc gia duy nhất tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Hoàng Sa.

Tuy nhiên Bắc Kinh, vốn đã chiếm hoàn toàn quần đảo này từ năm 1974, luôn bác bỏ tuyên bố của Hà Nội, đồng thời từ chối mọi kêu gọi đàm phán với lý do đây là "lãnh thổ lịch sử của Trung Quốc, không có tranh chấp".

Chủ trương mở tour du lịch Hoàng Sa của Trung Quốc được thông qua từ năm 2011. Năm 2012, đã có một số chuyến thử nghiệm cũng trên tàu Coconut Princess.

Việt Nam đã nhiều lần phản đối tour du lịch này, nhưng không có tác dụng.

Một chi tiết đáng chú ý là chuyến du lịch mới này khởi hành đúng ngày Quốc khánh của Việt Nam và chỉ một tuần sau chuyến đi Trung Quốc của Đặc phái viên của Tổng Bí thư Đảng CSVN, ông Lê Hồng Anh.

Trong chuyến đi, hai bên được nói đã đạt “ba nội dung quan trọng nhằm chỉ đạo phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian tới”.

Trong ba nội dung đó, có nội dung nói về tranh chấp trên biển, khuyến cáo hai bên "không áp dụng hành động làm phức tạp và mở rộng tranh chấp, giữ gìn đại cục của quan hệ Trung-Việt cũng như hoà bình và ổn định của Nam Hải (Biển Đông)".

Du lịch Hoàng Sa

hoang-sa-sep-5-2014-2
Quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát từ 1974

Nói chung các chuyến du lịch Hoàng Sa được Trung Quốc tổ chức có giá vé khoảng từ 7.000 tới 9.000 Nhân dân tệ (24 triệu tới 31 triệu đồng Việt Nam) cho bốn ngày.

Năm 2012 Trung Quốc đã chính thức thành lập thành phố Tam Sa để quản lý Hoàng Sa, với cơ sở vật chất đặt trên đảo lớn nhất là Phú Lâm đang ngày càng được phát triển.

Tháng trước, Trung Quốc cho hay đang dự tính xây thêm hải đăng trên 5 đảo ở Biển Đông, trong đó hai đảo thuộc Hoàng Sa.

Thông tin quảng bá du lịch Hoàng Sa được các cơ quan hữu quan của Trung Quốc quảng bá rộng rãi. Ngành du lịch Trung Quốc thậm chí đã nghĩ ra khẩu hiệu thu hút khách tới Phú Lâm: "Tây Sa (Hoàng Sa), một Tam Á đang lên".

Tam Á (Sanya) là thủ phủ của đảo Hải Nam, đã được Trung Quốc phát triển thành trung tâm du lịch lớn.

Bắc Kinh cũng cho việc tổ chức tour du lịch tới Hoàng Sa là động tác khẳng định chủ quyền.

Hồi tháng Năm, Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu 981 vào vùng biển gần Hoàng Sa, gây phản ứng dữ dội ở Việt Nam.

Giàn khoan này đã rút đi hồi giữa tháng Bảy, trước thời hạn một tháng./