Kế hoặch đối phó với ISIS

23 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 11549)
“NHẬT BÁO VĂN HÓA-CALIF.,” THỨ NĂM 25 SEP 2014

Mai Loan

KẾ HOẠCH ĐỐI PHÓ TỔ CHỨC ISIS

Khi tầm nhìn của các chiến lược gia không giống như quần chúng tưởng

image031

Toà Bạch Ốc có lẽ là phủ tổng thống duy nhất trên thế giới mà sinh hoạt thông tin báo chí nhộn nhịp hầu như suốt ngày trong tuần, với hàng chục phóng viên và nhà báo hàng đầu trên thế giới đều mong muốn được tuyển chọn để góp mặt thường xuyên trong công việc góp nhặt những thông tin cần thiết, có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt không những chỉ riêng cho 300 triệu dân Mỹ mà còn có thể tác động đến cả tỷ người tại nhiều quốc gia khác.

Tại đây, họ được tiếp xúc và phỏng vấn trực tiếp một cách thoải mái và tự do, không phải chỉ riêng có Tham Vụ Báo Chí, tức là phát ngôn viên chính thức của Bạch Cung, mà còn có thể hỏi tất cả những nhân vật chóp bu trong chính quyền Hoa Kỳ, kể cả vị tổng thống Mỹ, để lắng nghe hoặc tìm hiểu thêm về những quyết định trọng đại trong chính sách điều hành đất nước. Và những thông tin đó có thể được loan truyền hay phát tán một cách tức khắc đến khắp nơi trên địa cầu nhờ vào những tiến bộ trong ngành truyền thông hiện đại.

Thế nhưng, mỗi khi cần đưa ra những thông tin có tính cách chấn động khiến mọi tầng lớp người dân cần chú ý đến (tựa như quyết định Hoa Kỳ sẽ lâm chiến để đối phó với kẻ thù), người đứng đầu ngành hành pháp Mỹ lại chọn thời điểm vào buổi tối để đọc một bài diễn văn quan trọng được trực tiếp truyền hình bởi hầu hết các diễn đàn truyền thông lớn.

Đó là trường hợp của TT George W. Bush đã đọc bài diễn văn vào một buổi tối thứ Tư ngày 19 tháng 3 năm 2003 để loan báo quyết định của Hoa Kỳ sẽ tấn công Iraq nếu như lãnh tụ Saddam Hussein không chịu ra đi trong vòng 48 tiếng (dù rằng mọi người đều đã tiên đoán và chờ đợi giây phút đó từ cả tuần trước). Vào tối thứ Tư ngày 10 tháng 9 vừa qua, TT Obama cũng xuất hiện trên các màn ảnh truyền hình trên toàn quốc để đọc một bài diễn văn quan trọng, loan báo quyết định Hoa Kỳ sẽ tham chiến trong chiến lược đối phó với tổ chức khủng bố có tên là Islamic State (Quốc Gia Hồi Giáo), thường viết tắt là IS, hoặc có khi là ISIS (Quốc Gia Hồi Giáo tại Iraq và Syria), hay ISIL(Quốc Gia Hồi Giáo tại Iraq và vùng Trung Đông).

 

TT Obama trong bài diễn văn tối 10/9 đề ra chiến lược đối phó tổ chức IS (hình AP)

Điều đáng nói là bài diễn văn tuyên chiến này (với kẻ thù Hồi-giáo quá khích) lại phát xuất từ cửa miệng một vị nguyên thủ quốc gia bị nhiều người hiểu lầm và hùa vào chê bai nhất. Ngay cả trước khi nhậm chức tổng thống, ông Obama đã bị phe bảo thủ đánh phủ đầu với một loạt những tội danh vô bằng vô cớ như là hèn nhát, xảo ngôn, “bồ tèo với Hồi-giáo”, “làm suy yếu tiềm năng của Hoa Kỳ”, “có nguy cơ đẩy nước Mỹ tụt dốc theo con đường xã hội chủ nghĩa” v.v.

Những khuôn mặt chỉ trích gắt gao đó như Rush Limbaugh, Glenn Beck, Bill O’Reilly và nhiều bình luận gia trên đài FOX, kể cả bà “phó tổng thống hụt” là Sarah Palin lại là những người có tài ăn nói khéo léo, biết khích động một cách thần kỳ để “gãi đúng chỗ ngứa” của một khối dân Mỹ trắng nông cạn nhưng kiêu căng vô lối, vì nghĩ rằng một người da đen không thể nào giỏi hơn mình được để có thể làm tổng thống. Tiếc thay, nhiều kẻ trí thức và nhà báo trong giới truyền thông tiếng Việt cũng mắc phải tật xấu thiên kiến này nên cũng tiếp tục mồm loa mép giải tương tự từ đó đến nay, khiến cho nhiều độc giả hay khán thính giả người Việt cũng dễ bị lầm tin theo nếu như không có cơ hội được theo dõi các nguồn tin trung thực và đứng đắn.

Có những nghịch cảnh của lịch sử có thể đẩy đưa vận mệnh của một số lãnh tụ đi vào những ngả rẽ khác với mong muốn hay dự tính lúc ban đầu. Nhiều người đã biết là chính sách của ông Obama muốn thoát ly để đi theo một con đường mới, khác với hướng đi của người tiền nhiệm là ông Bush Con: đó là Hoa Kỳ sẽ xoay trục về hướng Thái Bình Dương (để tái cân bằng lực lượng hầu có thể đối phó với địch thủ đáng gờm là Trung Cộng); rồi kết thúc một cuộc chiến kéo dài hơn 10 năm trên hai vùng đất Iraq và A Phú Hãn đã gây hao tốn quá phí phạm cho ngân quỹ của quốc gia mà còn thiệt hại nặng nề cho uy tín của Hoa Kỳ trên trường quốc tế; cùng lúc với nỗ lực tái thiết để vực dậy nền kinh tế trong nước sau một cơn khủng hoảng suy thoái to lớn nhất nhì trong lịch sử.

Thế nhưng định mệnh éo le của những người dần bần cùng tại nhiều vùng đất khốn khổ và loạn lạc trên thế giới đã vô hình kéo ông trở lại nơi chốn cũ mà đa số người dân Mỹ đều đã muốn quên đi. Nói theo lời của nhà báo Fred Kaplan, một trong những chuyên gia phân tích sâu sắc về các đề tài an ninh quốc phòng, thì những ngọn gió trớ trêu của lịch sử đã đẩy ông Obama phải trở về vùng đất chiến tranh mà ông không hề muốn đặt chân đến, cũng như đã tìm đủ cách trong suốt nhiệm kỳ đầu để rút ra khỏi nó: đó là chiến trường Iraq.

Trong bài diễn văn lần này, ông Obama đã phát biểu: “Chúng ta sẽ không bị lôi kéo vào một trận bộ chiến (ground war) khác tại Iraq,” ý nói là sẽ không có chuyện đưa các quân nhân bộ binh hoặc thuỷ quân lục chiến Mỹ trở lại chiến trường này, với kết quả chẳng lấy gì làm khả quan sau hơn 10 năm đầy gian lao và tốn kém, và đa số người dân Mỹ đã hết còn ủng hộ. Lần này, những người cầm súng chiến đấu với kẻ thù trên đất liền phần lớn sẽ là những người lính Iraq, với sự hướng dẫn của các sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ trong các kế hoạch hành quân, cùng với sự yểm trợ của các phi công Mỹ trong các đợt không kích tấn công vào kẻ thù là những nhóm dân quân của tổ chức IS.

Theo nhà báo Kaplan, trong một bài phân tích đăng trên báo mạng Slate.com đề ngày 11/9 vừa qua, thì chiến lược mà TT Obama đề ra, nhằm “đốn ngã và sau cùng là tiêu diệt” kẻ thù khủng bố có tên là IS, đúng là một chiến lược rất hợp lý và có rất nhiều cơ may để thành công mà mọi đầu óc khôn ngoan và sâu sắc có thể tính tới.

Cuộc chiến lần này sẽ đòi hỏi một nỗ lực to lớn trên mặt trận chính trị, đi kèm với những chiến thuật ngoại giao đầy khéo léo và uyển chuyển, và sau cùng là cũng cần phải có rất nhiều yếu tố may mắn để không phải vướng vào những khó khăn có thể dẫn tới thất bại.

Đứng về mặt quân sự, người ta có thể nhìn thấy rõ có hai yếu tố quan trọng trong chiến lược mới lần này: Thứ nhất là việc sử dụng những cuộc không kích, chiến thuật hữu hiệu nhất hiện nay của Hoa Kỳ, sẽ không chỉ giới hạn tại những vùng mà phe IS có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của nhân viên hoặc quân nhân Mỹ. Nó sẽ được mở rộng để oanh kích lên bất cứ mục tiêu hay đơn vị nào của nhóm IS trên toàn lãnh thổ Iraq, và có thể dùng để phối hợp với các cuộc hành quân dưới đất để yểm trợ cho lực lượng quân dân Iraq hay Kurd khi đụng trận với phe IS.

Kế đến, các đợt không kích này để truy lùng và tiêu diệt các nhóm phiến quân thánh chiến IS sẽ không chỉ giới hạn trong nội địa của Iraq mà còn có thể lan qua biên giới với Syria. Tuy nhiên, hiện nay chưa có lực lượng bộ chiến nào tại Syria có thể đương đầu với phe IS; và do đó, các cuộc oanh kích của Hoa Kỳ trên phần đất của Syria có lẽ sẽ chỉ tập trung tại vùng biên giới, nhằm ngăn chặn các nhóm dân quân này có thể di chuyển qua lại dễ dàng giữa hai nước Syria và Iraq, hoặc là để tìm nơi trú ẩn vào những cứ địa an toàn của chúng. Đây là chiến thuật mà Hoa Kỳ đã áp dụng khá hữu hiệu với các máy bay không người lái ở biên giới Pakistan trước đây để ngăn chặn không cho những toán quân Taliban ở A Phú Hãn có thể rút lui an toàn mỗi khi đụng trận với lực lượng của Hoa Kỳ và đồng minh NATO.

Tuy nhiên, về sau này, chiến dịch không kích của Hoa Kỳ sẽ mở rộng sâu hơn trong nội địa của Syria. Trong chiến lược mới được trình bày trong bài diễn văn vừa rồi, TT Obama có nói tới việc sẽ huấn luyện và võ trang cho đạo quân giải phóng có tên là Free Syrian Army (FSA). Đây là lực lượng kháng chiến quân gốc Sunni ôn hoà được Hoa Kỳ và Tây Âu ủng hộ trong cuộc chiến chống chính quyền Assad để giành tự do. Nhưng hiện nay, nhóm này đang bị đè bẹp giữa 2 gọng kèm của chính quyền Assad lẫn phe IS, cũng như phải tranh giành quyền lực với nhiều nhóm phiến quân ô hợp khác trong cuộc nội chiến tại Syria.

Một trong những dấu hiệu có phần lạc quan là Hoa Kỳ đã thuyết phục được Saudi Arabia chấp thuận cho đặt một căn cứ quân sự tại vương quốc này để Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ huấn luyện các toán quân nhân của FSA. Sau khi được huấn luyện thuần thục, cũng như được trang bị vũ khí đầy đủ, các thành phần này sẽ trở về Syria để chiến đấu giành lại những phần đất của mình từ tay của phe IS, dĩ nhiên là với sự tiếp tay đắc lực của Không lực Hoa Kỳ.

Nhân đây cũng xin mở ngoặc để nói thêm về tổ chức FSA và các nhóm phiến quân chống lại chính quyền Assad để chúng ta có thể hiểu rõ hơn về tình hình nội chiến khá rắc rối giống như loạn sứ quân, và vì sao mà Hoa Kỳ và Tây Âu đã phải lúng túng không biết giải quyết ra sao trong thời gian qua.

Lực lượng giải phóng quân Syria có tên là FSA thật ra cũng chỉ là một liên minh lỏng lẻo của nhiều nhóm lớn nhỏ khác nhau, thuộc Hồi-giáo Sunni ôn hoà hoặc theo các giáo phái khác, với những lý tưởng đa dạng, phần lớn quy về dưới trướng một vài cá nhân có uy tín hoặc có xuất xứ và ảnh hưởng tại một vài cứ điểm đặc biệt nào đó trong nước. Gần như họ không có cùng chung mục tiêu hay lý tưởng nào để có thể cùng đoàn kết dồn hết công sức vào, ngoại trừ có mẫu số chung là mọi người đều không chấp nhận chế độ độc tài của lãnh tụ Assad và hệ phái Alawite (1 chi nhánh của Shiite) hiện nay. Chính vì lẽ đó mà họ cứ loay hoay trong những sự tranh cãi lặt vặt và không thể trở thành một lực lượng có khả năng.

Trong khi đó, đối thủ chính của họ là chính quyền Assad thì được sự ủng hộ đắc lực của chính quyền Ba Tư (Iran) vì cùng theo hệ phái Shiite, cũng như của Nga (với vũ khí viện trợ trên chiến trường cũng như quyền phủ quyết ở diễn đàn Liên Hiệp Quốc). Đối thủ khác của lực lượng FSA cũng đáng ngại là các nhóm phiến quân khác, hầu hết là những nhóm Hồi-giáo quá khích, được sự yểm trợ đắc lực của các chính quyền Sunni lân bang cũng như các tổ chức, cá nhân tài phiệt gốc Sunni trong vùng. Không những vì mối thù truyền kiếp giữa hai hệ phái Sunni và Shiite, những thành phần Sunni này đương nhiên không muốn thấy phe Shiite tại Iran, đã lớn mạnh thêm sau khi giành quyền trở tại Iraq (nhờ công lao gián tiếp của Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Bush Con), giờ đây lại có thể tiếp tục đè đầu cưỡi cổ đa số dân Sunni tại Syria.

Ngay cả những nhóm phiến quân Hồi-giáo quá khích này cũng rất ô hợp chứ không nhất thiết theo đuổi cùng mục tiêu hoặc sử dụng cùng chiêu thức khủng bố. Ngoài tổ chức ISIS bắt đầu được nhiều người biết đến từ 2 tháng nay, nó cũng còn một tổ chức cực đoan khác là Mặt trận Nusra coi như là chi nhánh của Al Qaeda. Thêm vào đó còn phải kể đến lực lượng Kurd tại Syria (cùng gốc với phe Kurd tại Iraq), và những nhóm dân quân Kurd này đều có tham vọng giành lại quyền độc lập từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Và sau cùng là mặt trận Islamic Front, một liên minh những nhóm Hồi-giáo Sunni khác, không ôn hoà như FSA nhưng cũng không quá khích cực đoan như IS.

Tuy được ít người biết đến, nhưng lực lượng Islamic Front là tổ chức có công giữ vững được thành phố Aleppo trước sự tấn công của quân đội chính quyền Assad. Theo nhận định của chuyên gia Aron Lund thuộc viện nghiên cứu Carnegie Endowment cũng như của tổ chức International Crisis Group thì nếu như Aleppo bị thất thủ, thì có lẽ phong trào kháng chiến tại Syria sẽ nhanh chóng bị sụp đổ theo. Tổ chức Islamic Front coi như đóng vai trò quyết định để giành quyền lãnh đạo phong trào kháng chiến nếu có thể hợp tác, hay ít ra là thoả hiệp, với phe giải phóng quân FSA để không cho phe IS cướp lấy thời cơ để lèo lái cuộc chiến lật đổ chính quyền Assad tại Syria.

Trong một chừng mực nào đó, chúng ta có thể hiểu rõ cái thế yếu kém của lực lượng giải phóng quân FSA, tựa như hoàn cảnh của các tổ chức, đảng phái thuộc phe quốc gia ở Việt Nam trước đây, trong buổi giao thời nổi lên chống Pháp để giành độc lập. Họ không cùng theo chủ nghĩa cộng sản như lực lượng Việt Minh vốn là công cụ của Cộng Sản Quốc Tế, nhưng lại chia năm xẻ bảy và không ai chịu phục ai, để rồi cuối cùng trở thành yếu thế nên mới khiến cho Việt Minh thừa cơ hãm hại và cướp lấy chính quyền.

Trước cái tình cảnh rối beng như vậy, người ta mới hiểu vì sao chính quyền Obama và các đồng minh khác như Anh và Pháp, đều không mấy mặn mòi trong việc dấn thân vào cuộc nội chiến tại Syria khi mà họ chưa tìm được một đồng minh khả tín và có thực lực đủ mạnh để có thể hợp tác hoặc viện trợ cho hữu hiệu cho mục tiêu mong muốn. Những kẻ luôn miệng vội vàng chỉ trích hay chê bai ông Obama là thiếu bản lãnh hoặc không có dũng khí của một lãnh tụ, nhiều khi cũng chỉ là những kẻ hồ đồ theo kiểu “nhanh nhẩu đoảng, vội vàng hư” mà mọi người còn chưa quên được qua hình ảnh của những chính trị gia và viên chức hiếu chiến dưới thời của TT Bush Con.

Trở về với chiến lược mới đề ra trong bài diễn văn của TT Obama, người ta nhận thấy lần này Hoa Kỳ không những kêu gọi sự hợp tác của các đồng minh quan trọng của Tây Âu mà còn nới rộng liên minh này đến nhiều quốc gia Ả Rập và Hồi-giáo. Đó là các nước như Ai Cập, Jordan, Iraq, Lebanon và 6 nước khác quanh Vịnh Ba Tư là Saudi Arabia, Qatar, Kuwait, Oman, Bahrain và Tiểu Vương Quốc Ả Rập. Vì tổ chức IS xuất thân từ phong trào Sunni cực đoan, nên chiến lược của Hoa Kỳ, nếu muốn thành công, cần có sự tham gia của nhiều quốc gia có đa số dân chúng gốc Sunni, để chứng minh rằng đây không phải là một cuộc chiến do Mỹ lãnh đạo để tiêu diệt người Hồi-giáo. Cũng như để tránh mang hình ảnh đây là một cuộc chiến tương tàn giữa hai hệ phái Sunni và Shiite của Hồi-giáo, chính quyền Obama cũng tìm đủ cách để phủ nhận sự hợp tác hay thoả hiệp của hai nước Iran và Syria, dù rằng trên thực tế chính quyền tại hai nước này cũng đều tìm cách triệt tiêu tổ chức IS, vô tình hay mặc nhiên cũng giúp đỡ cho mục tiêu của Hoa Kỳ.

 

Ngoại trưởng John Kerry với giới lãnh đạo các quốc gia Ả Rập và Hồi Giáo trong liên minh chống IS (hình AP)

Sự kiện ông Obama kêu gọi một liên minh rộng lớn để chống lại làn sóng khủng bố quá khích khiến nhiều người dễ liên tưởng đến một liên minh khác cũng do Hoa Kỳ kêu gọi và lãnh đạo cách đây hơn 10 năm: đó là “liên minh các nước sẵn lòng” (coalition of the willing) do TT Bush Con tuyên bố trước ngày ra lệnh tấn công Iraq vào năm 2003. Trong một chừng mực nào đó, người ta cũng phải công nhận là ông Obama và bộ tham mưu của ông đã không tìm cách khai thác vấn đề này để khích động lòng ái quốc của người dân Mỹ hầu mong đạt được những hậu ý hay quyền lợi chính trị.

Thật vậy, hiện nay đa số dân chúng Mỹ đều tin rằng tổ chức IS là mối hiểm hoạ nghiêm trọng cho quyền lợi sinh tử của Hoa Kỳ, dựa theo kết quả của một cuộc thăm dò dân ý mới nhất được thực hiện bởi hai cơ quan truyền thông Washington Post và ABC News (với 91% người được hỏi tin tưởng như vậy). Tuy nhiên, tất cả các chuyên gia đều đồng tình rằng IS ngày nay không hề có khả năng như Al Qaeda của thời điểm trước khi thực hiện các vụ tấn công 9/11 năm 2001.

Không ai chối cãi rằng hình ảnh cắt đầu 2 nhà báo Mỹ, và mới đây thêm một nạn nhân khác là người Anh, đã khiến cho nhiều người dân Hoa Kỳ và các nước Tây Âu khác phải rúng động hoặc rùng mình. Cũng không ai phủ nhận việc tổ chức IS đã lớn mạnh một cách nhanh chóng, chiếm đoạt nhiều thành trì như vũ bão (dưới quyền chỉ huy của nhiều sĩ quan tướng tá của chính quyền Saddam Hussein trước đây), gom góp tiền bạc và nhiều chiến cụ, thu hút được nhiều giới trẻ cuồng tín từ nhiều nước trên thế giới đổ về để gia nhập vào đội quân thánh chiến, và kiểm soát được nhiều vùng đất rộng lớn trên 2 nước Iraq và Syria.

 

Nạn nhân David Haines của Anh quốc mới bị hành hình bởi tổ chức IS

Nhưng rõ ràng là việc những phần tử Hồi-giáo quá khích có thể xâm nhập vào Hoa Kỳ để thực hiện những âm mưu khủng bố kinh hồn không còn là chuyện dễ thực hiện như trước đây, sau những thay đổi lớn lao trong cách phòng vệ và đối phó của Hoa Kỳ. Trước đó, phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài là Đề Đốc John Kirby đã nói rằng ông ta không tin là “IS có khả năng hiện nay để mở một cuộc tấn công quy mô trên nội địa nước Mỹ, nhưng có lẽ bọn chúng có tham vọng muốn tấn công vào nhiều mục tiêu của phương Tây”. Tướng Kirby cũng nói thêm rằng mối nguy từ phía IS có phần nào trở nên khẩn trương hơn vì gần đây tổ chức này đã lôi kéo được nhiều ngàn “chiến binh thánh chiến” đến từ nhiều nơi trên thế giới, và đã chứng tỏ khả năng có thể giữ được nhiều vùng đất mới chiếm được tại Syria và Iraq.

Chính vì thế nên lời cảnh cáo của ông Obama rằng “những tay súng đó có thể tìm cách trở về cố hương của họ để mở ra các cuộc tấn công nguy hiểm” không bị coi là cường điệu hoá để khích động người dân hoặc thu hút sự ủng hộ của các vị dân cử ở Quốc Hội. Nó khác với những lời lẽ đe doạ bóng gió trước đây của các viên chức phụ tá cho TT Bush Con là “chúng ta không muốn thấy bằng chứng hiển nhiên là một quả bom nguyên tử nổ ra” để biện minh cho cuộc chiến tấn công Iraq vào năm 2003.

Tuy chưa đến mức nguy hiểm cận kề cho nền an ninh hoặc quyền lợi sinh tử của Hoa Kỳ, nhưng tổ chức IS cũng có thể tạo nên một mối nguy đáng kể khiến cho tình hình tại Trung Đông có thể bất ổn hơn. Bởi vì nếu không tìm cách đối phó sớm, thì nó cũng có thể lớn mạnh một cách mau lẹ để lan rộng đến nhiều nơi khác nhau, dẫn đến những tình trạng bạo loạn lan tràn khắp nơi, có thể tác hại đến quyền lợi của Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong đường dài. Và bất cứ một nỗ lực liên minh quốc tế nào để ngăn chặn hoặc triệt tiêu nó đều cần phải có sự tham dự tích cực của đệ nhất siêu cường quân sự trên thế giới.

Nếu như mục đích của Hoa Kỳ là điều đúng đắn, và kế hoạch của chính quyền Obama xem chừng như cũng khá hợp lý, cho dù nó còn có nhiều chi tiết chưa được tiết lộ hay khai triển rộng hơn, liệu nó có nhiều xác suất để thành công hay không? Khách quan mà nói, và hầu hết những chuyên gia nghiên cứu về tình hình tại Trung Đông cũng như các đề tài về chiến tranh đều có cùng nhận định, thì mọi kế hoạch (nhất là để tấn công kẻ thù) dù có được nghiên cứu kỹ lưỡng đến đâu đi chăng nữa, cũng có thể gặp trở ngại hay thất bại vào giờ chót bởi những lý do hay nguyên nhân mà trước đó không ai ngờ tới.

Nếu nói theo binh pháp của Tôn Tử là “tri bỉ tri kỷ, bách chiến bất đãi” (biết người biết ta, trăm trận không nguy) thì rõ ràng là chuyện “biết ta” cũng không phải là chuyện đơn giản do bởi thói quen và cũng là tật xấu của nhiều người Mỹ, lúc nào cũng tự cao tự đại và cho rằng mình là giỏi nhất, hay nhất, mạnh nhất, đúng nhất, và do đó mọi người nên nghe lời theo. Cái quan niệm này cũng thường thấy trong xã hội Hoa Kỳ, với câu nói khá cao ngạo của nhiều tay lãnh đạo thường sử dụng là “my way or the highway” (nghe theo lời tôi, còn không thì đi ra ngoài đường chơi). Điều này cũng được thấy khá rõ qua cung cách hành xử và suy nghĩ của các viên chức cao cấp dưới thời chính quyền Bush Con (khi cho rằng quân đội Mỹ sẽ được đón chào như đoàn quân giải phóng tại Baghdad theo như lời của ông cựu phó tổng thống Dick Cheney!)

Ngoài ra, cũng còn có nhiều yếu tố bất ngờ, may mắn hay xui xẻo đưa tới có thể làm thay đổi cục diện một cách nhanh chóng. Kế hoạch của ông Obama đưa ra nói rõ rằng nó đòi hỏi sự tham dự tích cực của nhiều chính quyền từ Âu Châu cho tới các nước như Ả Rập và Hồi Giáo. Thế nhưng nhiệm vụ và vai trò của từng thành viên trong liên minh này chưa được xác định cụ thể và rõ ràng, có lẽ còn tuỳ thuộc vào những vận động ngoại giao khéo léo trong những ngày tháng tới.

Hiện nay, chỉ mới có chính quyền của Úc Đại Lợi là đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ và nhanh chóng nhất. Thủ tướng Tony Abbott nói rằng nước Úc đã sẵn sàng đưa một đội quân khoảng 600 người thuộc Không Quân và Lực Lượng Đặc Biệt đến một căn cứ quân sự của Mỹ tại Tiểu Vương Quốc Ả Rập. Cùng đi với đội quân nhân này là lực lượng 8 chiến đấu cơ tối tân, một máy bay kiểm soát radar kiểu AWACS và 1 máy bay tiếp tế nhiên liệu trên không. Trong những ngày tới, nhiều phần là sẽ có sự lên tiếng nhập cuộc từ phía Anh quốc và Pháp trong lực lượng không kích và yểm trợ.

 

Thủ tướng Tony Abbott của Úc đã ủng hộ mạnh mẽ liên minh chống IS (hình AP)

Tại địa phương, kế hoạch này cũng có nhiều cơ may đạt được thành quả tại Iraq, do bởi quyền lợi hiển nhiên đem lại cho quốc gia này, nhất là chính quyền mới của ông Haider al-Abadi, thay thế ông Maliki đã bị hất cẳng vì quá thiên vị đối với khối dân Sunni, không thể nào không nghe theo lời khuyên của Hoa Kỳ và Anh Quốc rằng họ phải có một chính sách hoà hợp hoà giải mọi sắc tộc để thành lập một chính quyền đoàn kết cả 3 thành phần Shiite, Sunni và Kurd, hầu có thể đối phó với kẻ thù chung là tổ chức quá khích IS.

Tuy nhiên, trong chiến tranh, khó ai biết được những điều gì có thể xảy ra một khi bom rơi đạn nổ, nếu chẳng may lạc đạn vào những đám thường dân vô tội, hoặc nổ sập một ngôi đền Hồi-giáo nào đó, liệu có dẫn đến những phản ứng giận dữ nào hay không? Và liệu lúc đó quân đội Mỹ có bị xem như là đang tiếp tay dội bom cho một chính quyền Shiite? Và liệu những quốc gia Sunni khác lúc đó sẽ tìm cách để rút lui ra khỏi cái liên minh này hay không?

Đó là chưa kể, quan trọng hơn nữa, là liệu tổ chức IS có chịu ngồi yên hay không để cho Hoa Kỳ và liên minh này tìm cách đốn ngã và tiêu diệt? Hay là nó có thể tung ra những đòn hiểm độc khác, nếu như chẳng may nó vô tình thủ đắc được những vũ khí tai hại kinh hồn nào đó? Và điều đó có thể dẫn đến những tình huống hoàn toàn đổi khác so với những dự tính lúc ban đầu.

Nói như một câu thành ngữ rất chính xác và sâu sắc là “trong cuộc chiến, kẻ thù (hay địch thủ) của ta cũng có tiếng nói,” thì chuyện “tri bỉ tri kỷ” không phải là chuyện đơn giản để đạt được, và do đó cái kết quả “trăm trận không nguy” không phải là chuyện dễ dàng.

Nếu chưa tin, thì cứ đi tìm ông cựu TT Bush Con để biết xem là ông có còn giữ tấm biểu ngữ “Mission Accomplished” hay không thì rõ. (Nó được treo trên chiến hạm Abraham Lincoln vào đầu tháng 5-2003 để chào mừng chiến dịch thành công của ông Bush, trước khi có thêm gần 4,500 quân nhân Mỹ bỏ mạng tại đây.)

 

MAI LOAN