Palawan: Mỹ-Phi tập trận bắn đạn thật

29 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 17423)
“NHẬTBÁOVĂNHÓA-CALIFORNIA” THỨ BA 30 SEP 2014

Philippines tập trận với Mỹ, mở đối thoại quốc phòng với Singapore

Trọng Nghĩa RFI
image014 

Lực lượng biệt kích Philippines (Navy Seal) tập trận ngày 26/09/2014, ở Sangley Point, Cavite, phía Nam Manila.Reuters

Vào ngày mai, 29/09/2014, cuộc tập trận mang tên Phiblex 2014 huy động gần 5.000 binh sĩ Mỹ và Philippines sẽ chính thức khai mạc, cho dù đã bắt đầu trong thực tế từ hai ngày qua. Phiblex là một cuộc tập trận đổ bộ thường niên giữa quân đội Philippines và lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ. Cuộc tập trận được mở ra trong bối cảnh Manila đang tăng cường các cuộc tập trận chung với Mỹ, cũng như đang thắt chặt thêm quan hệ quốc phòng với các nước khác, nhằm chống lại sức ép từ Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông.

Theo chương trình dự kiến, cuộc tập trận Phiblex sẽ kéo dài trong khoảng hơn một chục ngày, với mục tiêu đề ra là rèn luyện và nâng cao năng lực phản ứng trước « các vấn đề khu vực, thảm họa nhân đạo, các vấn đề an ninh hàng hải trong phạm vi châu Á - Thái Bình Dương ».

Cuộc tập trận sẽ bao gồm bài tập bắn đạn thật, tập tấn công đổ bộ bằng tàu chiến, cũng như các bài về kế hoạch chỉ huy tác chiến.

Chính thức khai mạc tại bản doanh của Lực lượng Hải quân Miền Tây của Philippines đặt tại thành phố Puerto Princesa (đảo Palawan), các bài tập cũng sẽ được tiến hành ở Subic Bay, căn cứ không quân Clark và nhiều nơi khác.

Việc chọn địa điểm các cuộc tập trận gần vùng Biển Đông đang bị Trung Quốc tranh chấp không phải là ngẫu nhiên. Bị Bắc Kinh liên tục thúc ép trên biển, Manila đã quay sang tìm kiếm trợ giúp của đồng minh chí cốt là Hoa Kỳ.

Cùng lúc Philippines cũng tăng cường quan hệ quốc phòng với nhiều nước khác, từ Nhật Bản cho đến Việt Nam. Trong chiều hướng đó, theo nhật báo Singapore The Straits Times, Manila vừa quyết định nâng cấp quan hệ quốc phòng với Singapore.

Kể từ năm tới 2015, hai bên thực hiện cuộc « Đối thoại Chính sách Quốc phòng Song phương» theo nhịp độ thường niên - trước mắt ở cấp Thứ trưởng - nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai láng giềng.

Manila sẽ đăng cai tổ chức cuộc Đối thoại đầu tiên vào năm tới, sau đó đến lượt Singapore./

+++++++++++++++++++++

Khẩu chiến Việt-Trung tại Liên Hiệp Quốc về Biển Đông

Trọng Nghĩa RFI
image016 

Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 27/09/2014.Reuters

Tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ngày 27/09/2014, Ngoại trưởng Trung Quốc Trung Quốc đã cho rằng cần phải áp dụng luật lệ quốc tế để giải quyết các tranh chấp, nhưng không hề nhắc tới Biển Đông, nơi Bắc Kinh bị tố cáo là coi thường luật lệ quốc tế. Trong phát biểu sau đó, Ngoại trưởng Việt Nam đã nêu bật tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc để xác định rằng mọi nước lớn nhỏ đều phải từ bỏ việc dùng võ lực trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ.

Do một sự trùng hợp ngẫu nhiên của chương trình nghị sự, đại diện Trung Quốc và Việt Nam đã cùng phát biểu trong một phiên thảo luận cấp cao trong khuôn khổ Khóa họp thứ 69 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York.

Được lên tiếng trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lập lại quan điểm cố hữu của Bắc Kinh theo đó các nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ phải được tôn trọng, do đó cần phải áp dụng luật lệ quốc tế một cách « công minh và đúng đắn » trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Ngoại trưởng Trung Quốc đã nêu lên trường hợp Gaza, Irak, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan, nhưng lại không nói gì về các tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Trung Quốc với các láng giềng, đặc biệt là với Việt Nam hay Philippines tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh bị tố cáo là không ngần ngại ỷ thế nước lớn dùng sức mạnh để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp, mặc nhiên coi thường luật pháp quốc tế.

Nếu Trung Quốc cố tình không nói đến Biển Đông, thì ngược lại Việt Nam, qua phát biểu của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh ít phút sau đó, đã công khai nêu vấn đề Biển Đông thành ví dụ về việc không được dùng võ lực để giải quyết tranh chấp chủ quyền.

Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã dành riêng một đoạn trong bài phát biểu để nêu lên tranh chấp Biển Đông và lập trường tôn trọng luật lệ quốc tế của Việt Nam : « Chúng tôi kiên trì lập trường nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết bất đồng, tranh chấp trong quan hệ quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) ».

Các nước không phân biệt lớn nhỏ đều phải tôn trọng luật pháp quốc tế

Phần đề cập đến Biển Đông được ông Phạm Bình Minh đưa ra sau khi ông bày tỏ quan ngại về các « nguy cơ tiềm ẩn về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ », đe dọa hòa bình và ổn định.

Theo Ngoại trưởng Việt Nam : « Những con đường dẫn đến chiến tranh và xung đột đều xuất phát từ học thuyết đã lỗi thời về chính trị cường quyền, từ tham vọng thống trị và áp đặt, và từ việc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế, bao gồm các tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ. »

Do đó, đối với ông Phạm Bình Minh, tất cả các nước « không phân biệt lớn - nhỏ, giàu - nghèo đều phải tôn trọng và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, chuẩn mực, quy định của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Tất cả các quốc gia cần từ bỏ việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình ».

Trong bài tường trình về cuộc khẩu chiến gián tiếp giữa Việt Nam và Trung Quốc tại nghị trường Liên Hiệp Quốc vào hôm qua, Thông tín viên báo Philippines Rappler tại New York đã mỉa mai tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi nhận định như sau :

« Sau khi cho tàu tiến vào vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông, và cho xây dựng cơ sở tại đấy, Trung Quốc lại nói là cần phải có luật lệ « công bằng và đúng đắn » để giải quyết các tranh chấp toàn cầu… Quốc gia bị cáo buộc không chấp hành luật pháp quốc tế khi đòi hỏi chủ quyền quá đáng trên Biển Đông lại kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng luật lệ ‘công bằng và đúng đắn’ trong việc giải quyết tranh chấp »./