Hội Thảo 20 Năm Văn Học Miền Nam, 1954 - 1975

09 Tháng Mười Hai 201412:00 SA(Xem: 11343)
“NHẬT BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ TƯ 10 DEC 2014

Văn Học Miền Nam 54-75 'chỉ 20 năm, nhưng vô cùng quan trọng'
Saturday, December 06, 2014 8:19:21 PM

Hội Thảo 20 Năm Văn Học Miền Nam, 1954 - 1975

Kalynh Ngô/Người Việt

WESTMINSTER, CALIFORNIA (NV) – Tám nhà văn, nhà thơ từ Úc Châu, Boston và các thành phố khác ở California tề tựu về tòa soạn Nhật báo Người Việt cho ngày đầu tiên của Hội Thảo 20 Văn Học Miền Nam 1954-1975.

image048

Hội thảo 20 năm Văn học miền Nam. (Hình: Kalynh/Người Việt)

image049

Hội thảo 20 năm Văn học miền Nam. (Hình: Trần Triết)

Nguyễn Hưng Quốc: VHMN, nền văn học “bất hạnh”

“Tổng quan văn học miền Nam 1954-1975” là nội dung phần khai diễn của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, đến từ Úc Châu.

Có ba điều được ông nhắc đến ngay khi bắt đầu phần thuyết trình. Điều đầu tiên ông gọi là “sự bất hạnh của văn học miền Nam.”

“Văn học miền Nam từ 54-75 là một trong những nền văn học bất hạnh nhất trong lịch sử văn học Việt Nam” khi tất cả những tác phẩm văn học đã in và xuất bản trước 75 đều bị tịch thu và tiêu hủy. Thay vào đó, họ chỉ thừa nhận văn học Việt Nam có một thành phần duy nhất là “văn học hiện thực XHCN do Đảng và nhà nước lãnh đạo.”

Văn Học Miền Nam (VNMN) bị cả một hệ thống truyền thông hùng hậu đả kích. Có hàng ngàn bài báo khác nhau nhằm mục tiêu duy nhất là mạ lụy xuyên tạc văn học miền Nam. Có rất nhiều cuộc hội thảo mang tầm vóc quốc gia chỉ với một mục đích duy nhất là phản lại văn học miền Nam.

Họ cho nền văn học miền Nam là “nền văn học sai lầm, độc hại, phản lại dân tộc, một tội ác.”

Ghi nhận thứ hai của ông, mặc dù bị trấn áp, VNMN vẫn tồn tại, trước hết là ở cộng đồng người Việt hải ngoại. Những tác phẩm của văn học miền Nam trước đó được bảo tồn bằng cách được tái bản, nổi tiếng nhất là Bộ Văn Học Miền Nam của nhà văn Võ Phiến.

Điều này, nhà văn Phạm Phú Minh, trong phần thuyết trình về “Tình hình xuất bản và phát hành tại miền Nam 1954-1975” sau đó cũng nêu lên: “Những tác phẩm ấy bị dấu diếm trong những gánh ve chai hoặc lưu lạc trong những tiệm sách cũ.”

Nhờ vậy mà có những người ở miền Nam được tiếp tục đọc những tác phẩm họ yêu mến.

“Một nền văn học lớn và lớn ở nhiều khía cạnh,” là điều ghi nhận thứ ba của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc về tổng quan VNMN 1954-1975. Theo ông, nền văn học đó “lớn” từ sáng tác, nghiên cứu phê bình, dịch thuật cho đến những nhà văn tiêu biểu, những người có công khai phá kỹ thuật mới lạ, phong cách hay và độc đáo cho đến tận 40 năm sau.

Tuy nhiên theo ông, đứng về phương diện lý thuyết, kỹ thuật, chúng ta chỉ thấy được cái hay và lớn của VHMN với hai điều kiện: nhìn nó trong cả một quá trình phát triển của văn học miền Nam nói chung và phải so sánh với nền văn học miền Bắc trong cùng giai đoạn. Quan trọng là cả hai sự so sánh đó phải dựa trên vấn đề mỹ học chứ không dựa vào vấn đề chính trị.

Theo nhận định cá nhân của ông thì văn học hiện đại miền Nam có từ thập niên 1930 khi có sự xuất hiện của Tự Lực Văn Đoàn và phong trào thơ mới. Trước đó, từ cuối thế kỷ 19 trở về trước ông gọi là văn học trung đại. Từ cuối thế kỷ 19 cho đến đầu thập niên 1930 gọi là văn học cận đại, hay giai đoạn chuyển tiếp giữa văn học trung đại và cận đại.

Có ba đặc điểm nổi bật của giai đoạn trung đại ông muốn nhấn mạnh: tính chất nguyên hợp; tính chất quy phàm và tính chất phi ngã.

Nguyễn Hưng Quốc dẫn giải nhận định của nhà phê bình Hoài Thanh trong quyển Thi Nhân Việt Nam mà ông cho rằng “xuất thần,” đó là: “Tất cả văn thơ thời xưa và thời nay có thể bao quát trong hai chữ 'ta' cho văn học thời trước và chữa 'tôi' cho văn học thời nay.”

Chữ “tôi” và “ta” đó không chỉ là cách xưng hô mà nó là quan điểm và cách nhìn trong cuộc sống. Văn học thời chữ ta là văn học nhắm đến cộng đồng, văn học thời chữ tôi mang tính cá nhân chủ nghĩa.

“Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa.” (Bà Huyện Thanh Quan)

Một cảm giác bơ vơ lạc lõng của con người khi đứng giữa cái mênh mông của trời và đất.

hay:

“Đi không há lẽ lại về không
Cái nợ cầm thư quyết trả xong.” (Nguyễn Công Trứ)

Những câu thơ nói lên ý chí của người trai thời Nho học nói chung.

Đây là ví dụ cho “nền văn học chữ ta,” một nền văn học hoàn toàn vượt qua tính chất phi ngã để nói lên cái tôi một cách đầy tự hào và sảng khoái.

Qua những câu thơ của TTKH, của Nhã Ca, của Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng, ông luận rằng: “Người ta nhìn số phận con người thông qua số phận của giới tính nói chung.”

Bên cạnh đó, nói về thơ miền Bắc từ 54-75, ông cho rằng: “Nó hoàn toàn xóa sạch cái tôi cá nhân chủ nghĩa, nó nhắm đến cái chung.”

Toàn bộ văn xuôi ở miền Bắc từ 54-75 đều tập trung đến hai đề tài lớn là tổ quốc và XHCN. Trong đó người ta ca tụng thành công của CNXH, con đường xây dựng CHXH.

Hai đặc điểm nữa của VHMN được Nguyễn Hưng Quốc đề cập đến là: “Nó xoáy sâu đến cái tôi cá nhân chủ nghĩa của từng người, khác với văn học miền Bắc là nhắm đến cái chung của tập thể, dân tộc.”

Từ đó, ông nói rằng “văn học miền Nam mới hơn văn học miền Bắc. Hay nói cách khác là văn học miền Bắc lạc hậu hơn so với văn học miền Nam ít nhất nửa thế kỷ.”

Những nhà văn nhà thơ ở miền Bắc sau này khi nhìn lại nền văn học của họ cũng phải thốt lên rằng đó là một nền văn học vô nhân đạo, xóa bỏ cái thâm tình giữa con người với con người. Họ đã tự lừa dối mình trong giai đoạn 54-75.

Nguyễn Hưng Quốc còn trích dẫn rất nhiều những câu thơ, và cả tiểu thuyết để nói rằng “nền văn xuôi của miền Bắc được xây dựng trên nền mỹ học của bạo động, ca ngợi hành động giết người kể cả những đồng chúng của họ.”

Ngược lại, ở miền Nam, không có một câu thơ bài văn nào ca ngợi và xem đó là anh hùng. Họ không xem “đường ra trận hôm nay đẹp lắm.”

image050

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc. (Hình: Kalynh/Người Việt)

Đặc điểm thứ ba là VHMN phát triển theo xu hướng đa dạng hóa trong khi văn học miền Bắc chỉ có một chữ “mục.” Nó chỉ có một sự lãnh đạo đó là Đảng Cộng Sản; một tổ chức duy nhất đó là Hội Nhà Văn Việt Nam; một thế giới quan duy nhất là chủ nghĩa Mac Lenin; một lý tưởng duy nhất là chống phá miền Nam, một phong cách duy nhất là giản dị, thậm chí giản đơn. 

Luận điểm cuối cùng nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc cho rằng VHMN 54-75 không những đa dạng hơn văn học miền Bắc cùng thời mà còn đa dạng hơn cả thời kỳ 30-45.

Bùi Vĩnh Phúc: Chỉ 20 năm nhưng vô cùng quan trọng

Để phân tích về chữ “phẩm” và ý nghĩa của VHMN 54-75, giáo sư Bùi Vĩnh Phúc nói rằng “phải rất nhiều thế hệ mới nói hết được.”

“Đó là một thành tựu, đóng góp của văn học Việt Nam cuối thế kỷ 20. Trong 20 năm nhưng sự tồn tại của nó rất quan trọng. Nó chia sẻ những thân phận và tình cảm của con người, gần gũi với nền văn học thế giới.”

Trong thời gian ấy, miền Bắc cũng có một nền văn học riêng, mang giá trị riêng, nằm trong một cái khung kiểm soát về văn hóa và tư tưởng. Nó mang tính sử thi, tô hồng cuộc chiến trong âm hưởng và giai điệu.

Ông luận rằng nền văn học đó đã tự chặn đứt nhịp cầu nối tiếp với nhân loại.

Từ năm 75 đến nay, những người ông gọi là “cầm chịch” nền văn học ở Việt Nam bằng cách vô thức hay hữu thức chỉ cản nhận văn học thời kỳ đó chỉ là những tiếng khải hoàn, tiếng reo hò thúc quân, tiếng trống trận. Về hình ảnh thì chỉ có những bộ đồng phục là chủ yếu.

Trong tất cả những tài liệu nghiên cứu, học tập không có sự có mặt của VHMN, nếu có chỉ được nhắc đến với tính cách chiếu lệ. Giai đoạn đó đã xuất hiện Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc nhưng nó bị
“bóp nghẹt.”

Nói về phẩm tính của nền văn học này, ông khẳng định người ta phải thấy sự cưu mang của nó cho dù là trong tiếng đạn bơm, gào thét trong bóng tối về thân phận con người.

Bốn phẩm tính nổi bật của giai đoạn văn học này, theo giáo sư Bùi Vĩnh Phúc:

Một nền văn học phát triển liên tục từ thời tiền chiến.

Một nền văn học mang tính liên thông với thế giới.

Một nền văn học mang tính nhân bản và nhân văn.

Một nền văn học khai phong, đa sắc và đa dạng.

Trần Doãn Nho: VHMN, rừng hoa bạt ngàn

Nhà văn, nhà giáo Trần Doãn Nho nói về “Tính văn học” trong văn học miền Nam.

“Nền văn học đô thị” là cách mà nhà văn Trần Doãn Nho gợi tả về văn học miền Nam. Vì theo ông, nền văn học đó “bị nhìn trên một nhãn quan hạn chế, giới hạn trong tiêu chuẩn dân tộc, giai cấp.”

Tác giả, nội dung, hình thức là ba đối tượng được ông dùng để nói về tính văn học của VHMN.

Theo ông, nội dung của tác phẩm giai đoạn này có tính nhân bản, bi kịch và hiện thực. Các tác phẩm VHMN có tính người, có khóc, có đau thương, có sự dằn vặt của chia lìa. Bài thơ “Chuyến hành quân đầu đời” của Huy Văn là một dẫn dụ.

Tính bi kịch của VHMN nằm trong cuộc sống cá nhân, trắc trở giàu nghèo, xa cha me, vợ chồng. Và hơn nữa đó là sự chia cách của đất nước do chiến tranh. Tính bi kịch này không còn là một hình ảnh tiêu biểu, mà với ông, nó trở thành “một câu hỏi lớn về thân phận của con người trong chiến tranh.” Nó phơi bày trần trụi bi kịch của con người. Cho nên, nó luôn là một thao thức, một câu hỏi trong từng tác phẩm.

Về tác giả, ông nói rằng những người cầm bút giai đoạn này là “những người viết như một hành vi đi tìm tự do.” Đối với họ, là nhà văn hay nhà thơ chính là một lựa chọn tự do.

Về hình thức, ông khẳng định “VHMN là một rừng hoa bạt ngàn với các xu hướng khác nhau. Đó chính là sự đa dạng.”

VHMN dưới cái nhãn quan của nhà văn Trần Doãn Nho là một kính vạn hoa, soi rọi từng ngóc ngách của cuộc sống.

Du Tử Lê: Nền văn học nhân bản

Trong chưa đầy nửa giờ, nhà thơ Du Tử Lê đã khắc họa một nền VHMN phong phú, nhiều màu sắc với ba thành phần chính: nhà văn nhà thơ gốc Bắc, gốc Trung và gốc Nam Bộ.

Tất cả những nhà thơ nhà văn đó, theo nhận định của ông, họ không bị bắt buộc hay nhận chỉ thị phải viết theo cái này cái kia. Những tác phẩm của họ mang tính nhân bản, toát lên cái tôi trần trụi. Cái tôi của họ khác hẳn với cái tôi trong thơ văn thời tiền chiến.

Ông ca tụng 20 nhà văn nữ của VHMN xuất hiện nổi bật thời đó. Đặc biệt, nhà thơ Nhã Ca hoàn toàn “nói không” với tính dục trong những tác phẩm của bà.

Một đặc điểm của VHMN 54-75 được nhà thơ Du Tử Lê đề cao đó là sự thay đổi cách viết, mà điển hình là nhà văn Mai Thảo.

Ông ca ngợi VHMN đã dám “xóa bỏ vạch phấn” mà văn học tiền chiến không chạm đến, đó là đả kích tôn giáo trong tác phẩm.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Cần thiết của sự “tự tin”

Là nhà phê bình, cũng là nhà soạn nhạc đến từ Úc Châu, Hoàng Ngọc-Tuấn nói về “ảnh hưởng của Tây phương trong thơ miền Nam.”

Ông nhận định rằng đó là những ảnh hưởng có nhiều giá trị tích cực, thể hiện qua cả lối viết và ý tưởng, trong tác phẩm thơ văn cũng như trong phê bình văn học.
Theo ông, những ảnh hưởng ấy “đến từ rất nhiều học thuyết và trường phái khác nhau của văn học và triết học Âu-Mỹ.”

Bên cạnh đó, vẫn có một số phản đối đến từ những người bảo thủ hoặc mang thành kiến văn hóa. Cá nhân ông cho rằng, khi con người, đất nước tự tin, vững mạnh thì không lo sợ những ảnh hưởng từ bốn phương trên thế giới. Các nhà cầm bút có sự tự tin và tài năng thì họ sẵn sàng thân hóa mọi ảnh hưởng và biến chúng thành những nét mới trong tác phẩm của mình. Và từ đó, con người ở khắp nơi trên trái đất có thể cảm nhận và nhìn thấy, nghe thấy mình trong đó.

Ông kết rằng, chính sự thân hóa này đã mang đến rất nhiều tác phẩm có giá trị, giúp cho nền VHMN tự do, đi trước văn học miền Bắc XHCN nhiều thập kỷ.

Phạm Phú Minh: VHMN tạo nên một truyền thống

“Sách viết ra mà không có nhà xuất bản coi sóc, in ấn, không có nhà phát hành phân phối để tới tay người dân mua về đọc và thưởng thức, thì coi như cuốn sách đó chưa hiện hữu trong đời sống của một quốc gia, của một cộng đồng,” nhà văn Phạm Phú Minh đã nói như thế trong phần thuyết trình về tình hình xuất bản và phát hành tại miền Nam trước 1975.

Ông cho biết công việc này trước 1975 hoàn toàn là hoạt động của tư nhân. Cho đến thời gian từ 1954-1975 thì sách xuất bản phải được kiểm duyệt. Sau khi kiểm duyệt xong thì công việc xuất bản hoàn toàn theo các quy luật thị trường.

Một hình thức xuất bản khác mang tính điển hình cho giai đoạn này mà ông cho là sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến, đó là các tiểu thuyết “feuilleton” trên báo hàng ngày. Đây là dạng những tiểu thuyết dài, đăng nhiều kỳ trên báo. Truyền thống này, theo nhà văn Phạm Phú Minh, đã được giữ mãi trong báo chí miền Nam, ngày càng phong phú và đa dạng cho đến 30 tháng Tư, 1975.

Trịnh Thanh Thủy: Ý thức nữ quyền trong sáng tác

Nhà văn nữ duy nhất trong buổi hội thảo đầu tiên về 20 năm văn học miền Nam, Trịnh Thanh Thủy nói về “ý thức nữ quyền trong tác phẩm của các nhà văn nữ từ 54-75.”

Theo bà, những nhà văn nữ của giai đoạn văn học đó “viết và tư duy như một phụ nữ” khi họ “dùng ngòi bút của mình để bày tỏ lập trường cá nhân. Đối với Trịnh Thanh Thủy, họ “viết bằng mực máu nhỏ từ tim.”

Nhã Ca, Túy Hồng, Lệ Hằng, Nguyễn Thị Thụy Vũ là những nhà văn nữ mà Trịnh Thanh Thủy nhắc đến “như một hiện diện của những bông hoa rực rỡ.” Những bông hoa đó tỏa một mùi xạ hương rất âm tính trong khu vườn văn học.

Buổi hội thảo còn tiếp tục một ngày nữa, Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014.

19 Tháng Hai 2024(Xem: 245)
20 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 490)
19 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 424)