Mê hồn trận Biển Đông: TQ đề nghị xài chung đảo, Mỹ không quan tâm / Đổi tên biển?

03 Tháng Năm 201511:10 CH(Xem: 12931)
"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ HAI 04 MAY 2015
blank
 "Đô đốc Ngô Thắng Lợi ( Wu Shengli ), tư lệnh Hải quân Trung Quốc đã đưa ra đề nghị sẵn sàng cho Mỹ và các nước khác sử dụng các đảo đang tranh chấp trên Biển Đông cho các hoạt động cứu nạn khi nói chuyện với Đô đốc Jonathan Greenert, tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ.." Ảnh trên: toàn cảnh bãi đá Scarborough TQ chiếm năm 2012. Ảnh dưới: bờ biển đảo Sơn Ca của VN.

Biển Đông : Đề nghị của Trung Quốc không làm thay đổi lập trường của Mỹ

Thanh Phương
blank
 Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc gia tăng cải tạo và bồi đắp các bãi đá trong quần đảo Trường Sa, Biển Đông, ngày 08/04/2015.REUTERS/CSIS's Asia Maritime Transparency

Hôm qua, 01/05/2015, Hoa Kỳ đã bác bỏ đề xuất của một sĩ quan cao cấp Trung Quốc sẵn sàng cho Mỹ và các nước khác sử dụng các đảo đang tranh chấp trên Biển Đông cho các hoạt động cứu nạn.

Báo chí Hoa Kỳ trích dẫn một thông tin từ trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho biết là Đô đốc Ngô Thắng Lợi ( Wu Shengli ), tư lệnh Hải quân Trung Quốc đã đưa ra đề nghị nói trên khi nói chuyện với Đô đốc Jonathan Greenert, tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ, trong một hội nghị qua màn ảnh video. Theo thông tin của Bộ Quốc phòng, Đô đốc Ngô Thắng Lợi khẳng định rằng các công trình bồi đắp những đảo đang tranh chấp « sẽ không đe dọa đến quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không » ở khu vực Biển Đông, mà trái lại sẽ « nâng cao khả năng dự báo thời tiết, tìm kiếm, cứu hộ trên biển, cũng như giúp bảo vệ an ninh hàng hải quốc tế ».

Thế nhưng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Jeff Rathke, hôm qua nói rằng Hoa Kỳ không quan tâm đến đề nghị nói trên của phía Trung Quốc. Trong cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố thẳng thừng rằng xây dựng các cơ sở trên phần đất được bồi đắp trên các đảo đang tranh chấp « sẽ không góp phần vào hòa bình và ổn định trong vùng », cho dù có đúng là các cơ sở đó được sử dụng vào các mục đích dân sự, cứu trợ thiên tai. Ông Rathke nói thêm rằng : « Nếu thật sự muốn làm giảm các căng thẳng, Trung Quốc nên tích cực giảm căng thẳng bằng những bước cụ thể để ngưng việc cải tạo, bồi đắp đảo ».

Những tuyên bố nói trên của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho thấy là lập trường của Washington vẫn không thay đổi trên vấn đề Trung Quốc gia tăng cải tạo, bồi đắp các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông.

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Shinzo Abe ngày 28/04/2015, nhân dịp lãnh đạo chính phủ Nhật Bản viếng thăm chính thức Hoa Kỳ, Tổng thống Barack Obama đã cực lực chỉ trích những mưu toan của Trung Quốc làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear gần đây cũng đã cho rằng Trung Quốc gia tăng bồi đắp các đảo tranh chấp ở Biển Đông có thể là nhằm mục tiêu thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở khu vực này, tương tự như vùng nhận dạng phòng không mà Bắc Kinh thiết lập ở vùng biển Hoa Đông vào cuối năm 2013.

Nhiều chuyên gia về an ninh tin rằng nay Trung Quốc xem Biển Đông như là một vùng « bất khả xâm phạm », không có bất cứ sự can thiệp quân sự nào của Mỹ và Bắc Kinh đang có ý định triển khai tại đây những tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo ( SLBM ) có thể tấn công vào lãnh thổ lục địa của Hoa Kỳ. Nếu Bắc Kinh thực hiện được chiến lược như vậy, điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ và càng làm tăng mối quan ngại là sẽ không thể nào ngăn chận được đà bành trướng trên biển của Trung Quốc./
RFI 02-05-2015

++++++++++++++++++++++++++++++

Đã tới lúc phải đổi tên Biển Hoa Nam

01/05/2015

(Biển Đảo) - Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa kết thúc mà không đem lại tín hiệu có ý nghĩa nào về một giải pháp sớm cho tranh chấp Biển Đông. Khi mà các nhà lãnh đạo vẫn còn theo đuổi con đường ngoại giao cần thiết, thì những hành động mang tính quyết định hơn có thể sẽ được cần tới, trong đó có việc đổi tên Biển Hoa Nam (tên quốc tế của Biển Đông – ND) thành “Biển Đông Nam Á”.

Các nhà lãnh đạo ASEAN vừa tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 để xem xét những vấn đề nguy cấp mà khu vực đang phải đối mặt.
Một vấn đề cấp bách trong các cuộc hội đàm chính thức tại Kuala Lumpur và phiên họp kín trên đảo Langkawi là Biển Đông – khu vực đang chứa đựng những điểm nóng tiềm năng châm ngòi xung đột với ít dấu hiệu dịu bớt bởi những tranh chấp trong tuyên bố chủ quyền. Thực tế là rất khó, nếu không muốn nói là không thể, hy vọng về một giải pháp sớm cho tranh chấp. Chính Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng đã ngày một gia tăng trong năm qua của tranh chấp Biển Đông.

TQ, bên tranh chấp có uy quyền nhất, đang ngày càng gây hấn bất chấp nhiều năm ngoại giao kiên nhẫn từ ASEAN. Một số động thái gần đây của Bắc Kinh nhằm củng cố yêu sách chủ quyền đang đẩy những căng thẳng trên biển đi xa hơn.
blank
Hình ảnh vệ tinh bãi Chữ Thập, quần đảo Trường Sa của Việt Nam, với các cầu cảng, đường băng do TQ xây dựng. Ảnh: Inquirer

Từ đối thoại sang gây hấn

Động thái mới nhất và cũng khiêu khích nhất của TQ là các hoạt động nhanh chóng biến những bãi đá ngập nước tại quần đảo Trường Sa thành các đảo nổi nhân tạo – trong đó có một số đủ lớn để chứa các đường băng cho máy bay chiến đấu.

Thật quá rõ ràng là TQ đang chuẩn bị khuếch trương quyền lực cứng ngay từ trung tâm vùng nước tranh chấp. Chiến dịch xây đảo đầy tranh cãi, được thể hiện qua nhiều hình ảnh vệ tinh, đang đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), yêu cầu các bên có yêu sách chủ quyền không tiến hành những hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng. DOC được ký kết năm 2002 đang mở đường cho một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc (COC), nhưng bộ quy tắc này dường như đang bị lảng tránh, hay theo cách nói tích cực nhất là ở trong tình trạng đóng băng, khi Bắc Kinh tiếp tục trì trệ trong đàm phán.

Bằng việc tiếp tục đẩy mạnh bồi đắp đất ở các bãi ngầm còn đang trong tranh chấp, có vẻ như TQ đang thay đổi lập trường của họ từ đối thoại sang gây hấn – dựa theo kiểu nói của cố Thủ tướng Churchill: “Đối thoại vẫn tốt hơn chiến tranh”. Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh trong tuần này đã mô tả hành động của TQ là động thái nhằm thay đổi nguyên trạng. Đó là bước đi có tính thay đổi cuộc chơi mà rõ ràng là sẽ làm phức tạp thêm con đường tìm kiểm giải pháp giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Cần tính tới kịch bản khi TQ chuyển sang hướng ngoại giao tiền tệ ¬ tận dụng nguồn dự trữ khổng lồ của mình để giành lấy bạn bè, hay như một số người nói là để mua ảnh hưởng. Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) là một trường hợp điển hình cho việc thay đổi cuộc chơi ngoại giao của TQ. Các quốc gia Đông Nam Á, hay tập thể ASEAN đang phải đối mặt với ‘hai mặt trận’ từ TQ: một con rồng mỉm cười với sức mạnh kinh tế và dẫn đầu AIIB cung cấp chi phí cho cơ sở hạ tầng và một đuôi rồng quẫy mạnh trong tranh chấp Biển Đông. Sẽ là khó khăn với một số nước thành viên ASEAN khi phải đối mặt với lối tiếp cận ‘cây gậy và củ cà rốt’ từ TQ, nhất là những nước có nền kinh tế yếu hơn.

Ba thách thức và giải pháp

ASEAN phải suy nghĩ thấu đáo khi đối mặt với ít nhất ba thách thức lớn với Đông Nam Á. Thách thức đầu tiên là làm thế nào để duy trì sự thống nhất và đoàn kết của ASEAN trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông, giải quyết được tranh chấp mà không làm suy yếu sự gắn kết của ASEAN.

Để giải quyết thách thức này, đề xuất của Carl Thayer – nhà quan sát Biển Đông lâu năm – có thể được coi là bước đầu tiên hướng tới COC với TQ mà đã bị trì hoãn lâu nay. Ông Thayer đề nghị ASEAN có thể tự ký kết Hiệp ước ứng xử Hàng hải chung của Đông Nam Á. Các quốc gia thành viên trong ASEAN cần giải quyết các tranh chấp hàng hải và lãnh thổ với nhau trước, qua đó củng cố tình đoàn kết của ASEAN.

Thách thức thứ hai là làm thế nào để ngăn chặn các hành động gây hấn trên biển của TQ trong tương lai, trong bối cảnh khu vực đang theo đuổi mối quan hệ kinh tế sâu sắc hơn với Bắc Kinh. Đây là lúc ASEAN cần thúc đẩy hợp tác hàng hải với các đối tác thương mại có lợi ích gắn với tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Có thể bắt đầu hình thức hợp tác hàng hải này với Mỹ và có thể sau đó mở rộng sang các nước khác, như Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong bài viết gần đây đăng trên tờ Bình luận RSIS, Richard Javad Heydarian và Trương Minh Vũ đã đề xuất hợp tác hàng hải trong hình thức tuần tra chung ASEAN ở Biển Đông.

Từ Biển Hoa Nam sang Biển Đông Nam Á?

Thách thức thứ ba là làm thế nào làm dịu tranh chấp Biển Đông ngay từ cấp độ nhận thức của dư luận. Có lẽ đây là lúc tên gọi quốc tế Biển Hoa Nam cần được thay đổi. Một chọn lựa thích đáng là dùng tên gọi Biển Đông Nam Á.

Philippines đã có một động thái tương tự bằng cách gọi vùng biển này là Biển Tây Philippines. Khi mọi người tiếp tục gọi là Biển Hoa Nam, có một thông điệp trong tiềm thức rằng vùng biển này thuộc về một quốc gia xuất hiện trong tên gọi”, người phát ngôn lực lượng vũ trang Philippines nói. Bản kiến nghị trực tuyến về việc đổi tên biển được nhắc tới ở trên được khởi động bởi một quỹ của người Việt Nam, từ năm 2010 với ít nhất 10.000 người ủng hộ từ 76 quốc gia, gửi tới các nguyên thủ của 11 nước Đông Nam Á cũng như LHQ và nhiều tổ chức quốc tế.

Một sáng kiến từ người dân như vậy là phù hợp với tầm nhìn của khu vực – được nhấn mạnh bởi Chủ tịch hiện nay của ASEAN là Malaysia. Đó là “một ASEAN hướng tới người dân, lấy người dân là trung tâm.

 Sẽ là thích hợp nhất nếu sáng kiến này phát triển thành một mong muốn chung của 600 triệu người dân ASEAN và không chỉ gói gọn trong 10 chính phủ thành viên.

Tác giả: Yang Razali Kassim là nhà nghiên cứu cấp cao của Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS, Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore)

Thái An và dự án Đại sự ký Biển Đông (theo RSIS)