Mê hồn trận biển Đông: "Nếu chiến hạm Mỹ xâm nhập 12 hải lý đảo nhân tạo thì sao?"; "Nếu Tầu mua Su-35 thì sao?"

21 Tháng Sáu 201511:17 CH(Xem: 13380)

"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ BẨY 20 JUNE 2015

image006

Chiến tranh xảy ra nếu Mỹ xâm nhập vùng 12 hải lý trên Biển Đông?

19/06/2015

(Quốc tế) - Mỹ muốn đưa tàu chiến xâm nhập khu vực 12 hải lý cách đảo nhân tạo của Trung Quốc. Đây là ranh giới cuối cùng có thể dẫn đến xung đột quân sự ở Biển Đông, Naional Interest phân tích.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tháng trước đã đề nghị tăng cường hoạt động quân sự của hải quân Mỹ ở Trường Sa (chủ quyền của Việt Nam – PV). Chính sách mới bao gồm việc đưa các tàu chiến xâm nhập khu vực 12 hải lý mà Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trái phép.

Mỹ thay đổi chiến lược ở Biển Đông

Máy bay trinh sát P-8 Poseidon của Mỹ đã tuần tra trên khu vực đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép nhưng việc tàu chiến Mỹ xâm nhập khu vực này là một vấn đề hoàn toàn khác biệt.

image007

Tàu sân bay hạt nhân USS Geogre Washington của Mỹ có thể tham gia tập trận ở Biển Đông.

Điều này sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ với mối đe dọa lớn hơn thay vì những chiếc máy bay tuần tra ở độ cao khoảng 4.600 m. Đề nghị của ông Carter cho thấy Mỹ đang có sự thay đổi chiến lược ở Biển Đông.

Nếu như Washington đưa tàu chiến đến khu vực 12 hải lý cách đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép mà không đưa ra được những hành động răn đe, điều này sẽ tạo nên những hiệu ứng tiêu cực từ trong nước. Điều này cũng xung khắc chính sách của Bắc Kinh nên có thể gây ra một cuộc chiến tranh.

Trung Quốc sẽ đáp trả Mỹ như thế nào?

image008

Trang National Interest phân tích, nếu như Mỹ cương quyết phủ nhận tuyên bố của Trung Quốc và tiếp tục tuần tra trong khu vực 12 hải lý, Trung Quốc sẽ có những hành động đáp trả.

Bắc Kinh đã nhận ra bài học từ những sự cố liên quan đến Mỹ. Thời gian ngắn sau khi tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã bay qua khu vực mà Trung Quốc không đưa ra bất kỳ đối sách nào.

Có những phân tích cho rằng, những máy bay Mỹ không bay đến Trung Quốc và do đó không tạo ra mối đe dọa trực tiếp. Tuy nhiên, xét từ quan điểm của Bắc Kinh, việc không ngăn chặn máy bay Mỹ là một thất bại quân sự và chính trị.

image009

Mỹ từng đưa các máy bay B-52 xâm nhập ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố trên biển Hoa Đông.

Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã tiến hành tuần tra, trinh sát và hộ tống quy mô trên Biển Đông. Kể từ vụ va chạm năm 2001, Mỹ và Trung Quốc đã tham gia vào nhiều sự cố xảy ra trong khu vực. Đụng độ trên Biển Đông xảy ra ở trên không, trên biển, dưới biển và trên vũ trụ. Những xung đột thỉnh thoảng xảy ra liên quan đến lực lượng bán quân sự như tàu đánh cá có vũ trang.

Đáng tiếc rằng, Mỹ và Trung Quốc chưa thiết lập bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Những hành động tương tự như việc gửi tàu chiến tuần tra trong khu vực 12 hải lý sẽ chỉ gây ra sự hiểu lầm và kéo theo nguy cơ xung đột tiềm tàng giữa hai nước, theo National Interest.

Nguy cơ xảy ra xung đột quân sự

Các nhà hoạch định chiến lược và quân sự ở Washington và Bắc Kinh chắc chắn sẽ cân nhắc chiến lược thông qua khả năng xung đột quân sự tiềm tàng trên Biển Đông.

Xung đột quân sự sẽ chỉ xảy ra một cách hạn chế nhằm đảm bảo chiến lược cân bằng chung giữa hai nước. Theo National Interest, giao tranh sẽ chỉ diễn ra trên biển với các tàu chiến cỡ nhỏ. Khả năng can thiệp bằng không quân của cả Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông đều hết sức hạn chế.

image010

Tàu tác chiến gần bờ LCS Fort Worth từng bị tàu Trung Quốc theo dõi trên Biển Đông.

Mỹ hoàn toàn có thể đưa thêm các tàu sân bay đến Biển Đông nhưng điều này sẽ tạo nên mối đe dọa lớn hơn cũng như chi phí vận hành cao hơn. Khả năng chống can thiệp quân sự của Trung Quốc đến từ hạm đội tàu ngầm, không quân và tên lửa tầm xa cũng khiến người Mỹ phải cân nhắc.

National Interest nhận định giao tranh trên biển không phải là ưu thế của quân đội Mỹ. Hải quân Mỹ đang phát triển các vũ khí tấn công mới như vũ khí laser, tên lửa chống hạm tầm xa, súng điện từ lắp đặt trên các tàu chiến. Trong tương lai gần, Mỹ chưa thể chiến thắng trong những cuộc chiến với những tàu nhỏ hơn.

Những tàu tác chiến ven bờ (LCS) nhiều khả năng sẽ tham gia vào xung đột (nếu có) với Trung Quốc. Tuy nhiên, trang bị vũ khí hạn chế là nhược điểm của LCS so với các tàu chiến mang tên lửa dẫn đường Type 054A của Trung Quốc. Hạm đội Nam Hải hiện đang biên chế 8 tàu chiến Type 054A và 5 tàu hộ vệ Type 056.

Theo National Interest, hai tàu chiến Type 054A có khả năng tiêu diệt một tàu LCS của Mỹ. Hạm đội từ 3 tàu 054A hoàn toàn khống chế 2 tàu LCS mà Mỹ có thể triển khai trên Biển Đông. Nếu sử dụng tàu hộ vệ Type 056, Trung Quốc sẽ cần đến 4 hoặc 5 tàu để đối trọng với các tàu chiến Mỹ.

Nếu Mỹ triển khai các tàu khu trục lớp Zumwalt đến Biển Đông, khả năng giành chiến thắng trong xung đột là cao hơn. Theo National Interest, hải quân Mỹ không thể dựa vào các tàu chiến tối tân để chiếm ưu thế trong một khu vực như ở Biển Đông. Đó cũng là lý do mà các tàu LCS được phát triển.

National Interest so sánh sự kiện Vịnh Bắc Bộ với nguy cơ xung đột hiện tại ở Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ khó có thể sử dụng chiến lược này vì điều này có thể dẫn đến chiến tranh quy mô hơn với Trung Quốc.

Có nhiều lý do để Mỹ tiếp tục can thiệp vào tình hình Biển Đông. Một số chuyên gia Mỹ tin rằng quân đội cần phải hành động dứt khoát và quyết đoán hơn. Nhưng nếu một cuộc chiến tranh nổ ra, không ai có thể biết liệu điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau đó./

Su-35 Nga liệu có “chắp cánh cho giấc mộng Trung Hoa”?

(An ninh quốc gia) - Mátxcơva dường như có ý định bán chiến đấu cơ tối tân Su-35 cho Bắc Kinh vào cuối năm nay. Giới phân tích đánh giá loại phi cơ này có tầm bay xa đủ để giúp Bắc Kinh thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” trên Biển Đông (?)

image011

Su-35 của Nga. (Ảnh: NT)

National Interest ngày 19/6 viết Nga gần đây đã bộc lộ ý định bán cho Trung Quốc chiến đấu cơ Su-35 tiên tiến nhất của mình vào cuối năm nay. Su-35 được cho là sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường sức mạnh (bành trướng) quân sự trên Biển Đông.

Báo trên dẫn lời ông Yuri Slyusar, Chủ tịch United Aircraft Corp, nhà sản xuất phi cơ dân sự và quân sự của Nga, mới đây phát biểu tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Paris (Paris Air Show) đang diễn ra ở Pháp rằng: “Chúng tôi vẫn tin rằng sẽ ký hợp đồng bán 24 phi cơ Su-35 cho Trung Quốc trong năm nay”.

Tuy nhiên ông Yuri Slyusar nhấn mạnh, giao dịch này sẽ phải được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng về hợp tác quân sự liên bang.

National Interest cho biết Bắc Kinh đã đàm phán với Mátxcơva trong nhiều năm để mua được dòng chiến đấu cơ tiên tiến Su-35, loại máy bay được Nga cho là thuộc thế hệ 4++. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán gần đây đã gặp bế tắc vì Nga lo Trung Quốc sẽ… copy công nghệ sau khi có được phiên bản Su-35, giống như điều đã xảy ra với chiếc Su-27.

Trước đây, có nguồn tin cho rằng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) chỉ muốn mua một số lượng nhỏ Su-35 để tìm hiểu công nghệ chế tạo động cơ phản lực 117S của Nga nhằm copy sang hàng loạt chiến đấu cơ “made in China”.

Bởi vậy, Mátxcơva muốn Bắc Kinh phải mua một lô lớn Su-35 ngay từ đầu để có một khoản kếch xù nhằm bù lại các tổn thất nếu PLA copy thành công công nghệ quân sự của Nga. Tuy nhiên, có lẽ do những căng thẳng giữa Nga và phương Tây sau cuộc khủng hoảng Ukraine, Mátxcơva đã chấp nhận xuống nước, theo National Interest.

IHS Jane tháng 11 năm ngoái dẫn nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho hay nước này chỉ yêu cầu Bắc Kinh mua 24 chiếc Su-35 thay vì 48 chiếc như trước đó.

Nguồn tin trên nói với IHS Jane: “Tôi nghĩ rằng hợp đồng sẽ được ký kết vào cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015… Điều duy nhất phải làm là xem xét tỉ mỉ một số chi tiết và các vấn đề kỹ thuật”.

Nguồn tin nói rằng: “Tôi tin rằng nếu tất cả mọi thứ được thực hiện một cách thích hợp, các phi công của Trung Quốc có thể bắt đầu bay huấn luyện (Su-35) vào năm 2016″. Hiện vẫn chưa rõ lý do tại sao đàm phán phi vụ này dường như đang chững lại.

Su-35 phải chăng là công cụ giúp Trung Quốc hiện thực hóa “giấc mộng” độc chiếm Biển Đông?

Theo Defense News, chiến đấu cơ  Su-35 của Nga được cho là có khả năng đánh bại F-16, máy bay chiến đấu thế hệ 4 của Hoa Kỳ. Báo trên cho biết Su-35 có khả năng cơ động cao, góc tấn công rộng, được trang bị các hệ thống vũ khí tối tân, tốc độ tối đa là 2.390 km/h hoặc 2,25 Mach. Ngoài ra, Su-35 có thể bay xa đáng kể để giúp Bắc Kinh có thể tiếp tục tham vọng “độc chiếm” Biển Đông (?)

Báo chí Mỹ nhận định Bắc Kinh từng gặp khó khăn khi muốn duy trì một sự hiện diện (bất hợp pháp) thường xuyên trên 2,25 triệu km2 ở Biển Đông. Tờ Diplomat của Nhật cho biết, hiện tại máy bay của không quân Trung Quốc trên đất liền có thể tuần tra ở Biển Đông, nhưng vấn đề nhiên liệu gây hạn chế lớn tới thời gian hoạt động của các phi cơ của hải quân Trung Quốc.

Muốn thực hiện tham vọng bành trướng Biển Đông, thúc đẩy các yêu sách vô lý và ngang ngược của Bắc Kinh, Trung Quốc được cho là phải có được tầm xa và tốc độ của Su-35. Về vấn đề nhiên liệu, chiến đấu cơ Su-35 hơn hẳn Su-27 của Nga mà Bắc Kinh đang sở hữu.

Ưu việt hơn hẳn Su-27 hay chiếc J-11D nội địa của Trung Quốc, Su-35 sở hữu khả năng mang thùng nhiên liệu bên ngoài giúp tăng 20% công suất nhiên liệu. Su-35 có thể mang 11,5 tấn nhiên liệu, trong khi J-11D tối đa chỉ mang theo được 9 tấn./

(Theo Kiến Thức) 20/06/2015