Khi Thượng Đế có đuôi

21 Tháng Sáu 201511:31 CH(Xem: 9529)

"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ BẨY 20 JUNE 2015

 

Khi Thượng Đế có đuôi

 image018

Khỉ nâu được cho là hiện thân của thần thánh trong Hindu giáo.

Hãy tưởng tượng bạn đã làm lụng cật lực ngoài đồng suốt vụ mùa để kiếm ăn nuôi gia đình.

Bạn đã nhọc công canh tác, vất vả vật lộn với thời tiết, và cuối cùng, sau nhiều tháng nỗ lực, bạn chuẩn bị thu hoạch, đủ ăn cho một năm tới.

Thế rồi Thượng Đế đến cánh đồng của bạn và ăn hết sạch mọi thứ.

Trong hình hài một con khỉ, Thượng Đế có vẻ như rất thích thú với hoa màu của bạn, và bắt đầu vừa ăn vừa phá tất tật.

Bạn có vui mừng tột độ và chấp nhận rằng đó là quyền của Thượng Đế? Hay bạn cuối cùng sau khi phải chịu đựng năm này qua năm khác rồi cũng không chịu nổi và phải đánh đuổi Thượng Đế hay còn tệ hơn thế nữa?

Đó là tình thế khó xử mà những người nông dân ở miền bắc Ấn Độ phải đối mặt.

Người dân tại đây tôn thờ khỉ nâu, một loại khỉ nhỏ vốn là biểu tượng tín ngưỡng tại Ấn Độ và được xem là hiện thân của thần Hanuman trong Hindu giáo.

Tuy nhiên, khỉ nâu cũng là loài thường xuyên phá hoại mùa màng ở vùng nông thôn.

Nhiều lo ngại rằng nếu xung đột giữa loài này và những người nông dân tăng cao thì con người có thể sẽ ra tay, và thậm chí sẽ đe doạ sự tồn vong của chúng.

Để tìm hiểu kỹ hơn, các nhà khoa học đang nghiên cứu về cách nhà nông nơi đây phản ứng lại với động vật đang tàn phá vụ mùa của họ ở Ấn Độ.

Kết quả nghiên cứu này được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Động vật Hoang dã châu Âu.

Được dẫn đầu bởi Tiến sỹ Sindhu Radhakrishna từ Viện Nghiên cứu Quốc gia Cao cấp ở Bangalore, Ấn Độ, các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến thái độ của người dân trước loài khỉ nâu và cách họ đối xử với chúng, một loài vật có vị thế đặc biệt.

Trong suốt 6 tháng, họ phỏng vấn các nông dân sống ở quận Bilaspur, bang Himachal Pradeshin, bắc Ấn Độ.

image019

Nông dân Ấn Độ vẫn sùng kính khỉ nâu, bất chấp sự tàn phá mà loài này gây ra cho mùa màng

Những người nông dân được yêu cầu đánh giá quy mô thiệt hại đối với vụ mùa và kế sinh nhai của họ mà loài động vật này gây ra. Họ cũng được yêu cầu so sánh thiệt hại do khỉ nâu gây ra với thiệt hại gây ra bởi các loài động vật khác.

Số lượng khỉ nâu tại Ấn Độ đã tăng đáng kể, từ 400.000 trong năm 1988 lên 3 triệu trong năm 1994, theo một kết quả thống kê.

Số lượng khỉ nâu cũng đã tăng gấp đôi trong khu vực được nghiên trong vài thập niên qua.

Một thống kê hồi năm 2013-2014 ghi nhận có đến 400.000 con khỉ nâu chỉ riêng ở bang Himachal Pradeshin.

Tuy nhỏ bé nhưng chúng gây tác hại ghê gớm.

“Khỉ nâu tấn công các cánh đồng, ăn hết lúa, hoa màu, phá hoại hầu như hoàn toàn hoa màu vào vụ thu hoạch của người nông dân, gồm cả hoa quả, lương thực ngũ cốc như ngô, lúa mì,” Tiến sỹ Radhakirshna nói.

Loài khỉ này không những chỉ ăn mà còn phá phách hoa mùa. Chúng thường xuyên di chuyển thành những đàn lớn trên đồng ruộng, gây thiệt hại nặng nề cho hoa màu, làm mất nguồn thu của người nông dân.

Tuy nhiên, các khảo sát cho thấy những người nông dân vẫn đối xử với loài khỉ này khác so với các loài khác.

image020

Bên cạnh việc ăn hết mùa vụ, khỉ nâu còn di chuyển thành từng đàn lớn, khiến những cây thu hoạch khác bị tàn phá.

“Dù biết rằng khỉ nâu là loài động vật phá hoại mùa màng nhưng những người nông dân vẫn tiếp tục xem chúng là một biểu tượng tín ngưỡng,” Tiến sỹ Radhakrishna nói với BBC Earth.

“Vì vậy, dù đổ lỗi cho loài khỉ mang lại những thiệt hại vật chất và kế sinh nhai cho mình, họ cũng không dám làm hại cho chúng.”

“Người dân ở nhiều vùng tại Ấn Độ không dám động vào loài khỉ này vì cho rằng chúng là hiện thân của thần Hanuman,” bà nói.

“Những người nông dân mà chúng tôi phỏng vấn vẫn xem khỉ nâu như thần thánh, dù chúng phá hoại mùa màng”.

Lợn hoang, cũng là một loài động vật phá hoại mùa màng khác ở bắc Ấn Độ, thì lại khác.

“Người nông dân tỏ ra không ngần ngại giết hại chúng vì cái tội phá hoại hoa màu,” bà Radhakrishna nói.

Thế nhưng kết quả nghiên cứu cũng đi kèm với lời cảnh báo. “Ngay cả niềm tin tín ngưỡng cũng có giới hạn của nó,” bà nói.

“Nhiều nông dân đã xin giấy phép để bắn hạ khỉ nâu, dù điều này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn vào năm 2010 ở Himacha Pradesh.”

Kết quả khảo sát cho thấy người nông dân chủ yếu đổ lỗi cho chính phủ vì không kiểm soát được sự bùng nổ về số lượng của loài khỉ.

Trong quá trình nghiên cứu, Tiến sỹ Radhakrishna nhận thấy người nông dân vô cùng nhẫn nhịn trước loài khỉ.

Tuy nhiên, nếu các vụ phá hoại mùa màng không được giải quyết thì quan điểm này có thể thay đổi.

Xung đột giữa con người và vị thần của họ “không những ảnh hưởng tới người nông dân mà còn đến sự tồn tại lâu dài của loài khỉ nâu,” Tiến sỹ Radhakrishna nói thêm./

BBC 19/6/15

Bản gốc bài viết đã được đăng trên BBC Earth

Chân dung khỏa thân gây chấn động

Alastair Sooke BBC Culture

BBC 19/6/15

 image021

Bức Benefits Supervisor Resting của Lucian Freud

Bức tranh của một nghệ sỹ Anh bị nói là miêu tả thân hình của phụ nữ những năm 90 một cách kỳ dị. Thế nhưng sự thật có phải vậy?

Vào buổi tối ngày 13/5, một bức tranh khổ lớn miêu tả cảnh một phụ nữ ngồi trên sofa của hoạ sỹ người Anh Lucian Freud được đưa ra bán đấu giá tại New York.

Ở bất cứ chuẩn mực nào, Benefits Supervisor Resting (1994) là một bức sơn dầu tuyệt vời, ngưng đọng, miêu tả một phụ nữ to béo.

Cái nhìn của Freud trung thực đến tàn nhẫn, diễn tả một cách chi tiết những nhược điểm và khối mỡ chùng xuống của người mẫu - bà Sue Tilley, một cư dân London, khi đó nặng khoảng 120kg và là một quản lý tại Trung tâm Hỗ trợ Việc làm.

“Tôi muốn bức tranh cảm giác như da thịt,” Freud từng nói.

Thế nhưng tác động của nó lại không tàn nhẫn theo cách mà truyền hình khuyến khích chúng ta trêu chọc những người béo phì.

Thay vào đó, chúng ta được nhìn thấy một hình dáng đáng mến được tả thực đến đáng kinh ngạc, ngửa đầu ra phía sau như đang lạc vào trong cảm giác sung sướng tột cùng.

Các tác phẩm nhục dục của Freud bắt đầu từ một loạt tác phẩm mà ông vẽ về Tilley, hay còn gọi là ‘Sue to lớn’, vào những năm 90.

Khi Benefits Supervisor Sleeping, một bức trong loạt tranh, được bán tại triển lãm ở New York vào năm 2008, tỷ phú Nga Roman Abramovich đã mua nó với giá 33,6 triệu đôla - mức giá cao nhất được trả cho tác phẩm của một hoạ sỹ còn sống.

Một trong những điều gây chấn động nhất trong bức tranh của Freud là cách nó tách xa khỏi những định nghĩa thông thường về vẻ đẹp của phụ nữ.

Mặc dù các người mẫu ‘size cộng’ như Ashley Graham ngày càng nổi tiếng hay như cơ thể khêu gợi, thường xuyên thiếu vải che của Kim Karrdashian được chia sẻ không biết bao nhiêu lần trên mạng xã hội, các tạp chí bóng bẩy vẫn thường khuyến khích chúng ta dáng người cực kỳ thon thả của phụ nữ.

Thế nhưng nếu đặt trong ngữ cảnh lịch sử, bức chân dung ‘Sue to lớn’ lại không hề bất thường.

Người ta thường nói người Hy Lạp cổ đại phát minh ra ‘chân dung khoả thân’. Thế nhưng đã có nhiều tác phẩm điêu khắc miêu tả phụ nữ hay các nữ thần khỏa thân từ trước thời Hy lạp cổ đại.

image022

Tượng Vệ nữ xứ Willendorf

Mỹ thuật thời cổ đại

Một trong những tác phẩm sớm nhất và được biết đến rộng rãi nhất là một tác phẩm điêu khắc bằng đá có chiều cao 11cm, được gọi là Vệ nữ xứ Willendorf.

Đây là một cái tên gây tranh cãi vì nó khiến tác phẩm này bị so sánh với những tác phẩm khắc hoạ các nữ thần trong thời Hy Lạp cổ đại.

Nhưng bức tượng không có bàn chân này rõ ràng là béo hơn dáng người Hy Lạp.

Bức tượng có bộ ngực khổng lồ và vòng bụng trương phình một cách phi thực tế. Người phụ nữ trong bức tượng nhìn giống như một quả lựu đạn.

Vẫn còn nhiều tranh luận xung quanh nguyên nhân khiến bức tượng này ra đời.

Một trong những giả thiết khá phổ biến mà nhà bình luận mỹ thuật Hoa Kỳ Camille Paglia đưa ra là thần vệ nữ được chôn bên trong thân xác màu mỡ này. Sự béo tốt này là biểu tượng của sự sung túc trong thời kỳ nạn đói đang lan tràn. Bức tượng là biểu hiện cho sự trù phú của thiên nhiên mà con người thèm khát trong cơn đói”.

Tuy nhiên, Jil Cook, từ Bảo tàng Anh quốc, lại không tin như vậy.

“Khi mới được tìm thấy, bức tượng này bị miêu tả là “xấu xí” và “khủng khiếp”, rồi từ đó, người ta cho rằng cái nhìn dục vọng của người xưa thật là man rợ”, Cook nói.

“Thế nhưng tôi không nhìn thấy yếu tố khiêu dâm hay khêu gợi nào trong tác phẩm này. Đối với tôi, nó là một tác phẩm có giá trị tả thực như Freud đã diễn tả trong tác phẩm Sue Tilley của mình”.

Sẽ rất thú vị nếu chúng ta biết được liệu ‘Sue to lớn’ có được xem là xinh đẹp vào thời của mình hay không.

Rõ ràng là khi nhìn vào bề dày lịch sử mỹ thuật, chúng ta nhận ra rằng cái đẹp chưa bao giờ là một khái niệm tuyệt đối, mà thay đổi và biến động theo thời gian.

Các nghệ sỹ Phục hưng Phương Bắc chẳng hạn, thích vẽ phụ nữ khoả thân với hình dáng thanh tao, thon thả và ngực nhỏ, như cách Lucas Cranach Già vẽ Eve trước Cây Trí thức vào năm 1526.

Tuy nhiên tiến tới gần vùng Địa Trung Hải hơn, các nghệ sỹ Ý thường lột tả phụ nữ trong dáng vững chãi, oai nghiêm hơn, như bức Concert champêtre của Giorgione.

image023

Tác phẩm The Bathers, 1918-1919 của Pierre-Auguste Renoir

Cảm giác da thịt

Nghệ sỹ phương Tây nổi tiếng với các tác phẩm miêu tả phụ nữ với thân hình béo tốt có lẽ phải kể đến Peter Paul Rubens của thế kỷ 17.

Các người mẫu trong tranh của ông thường xuyên được miêu tả là ‘nhiều da nhiều thịt’.

Mặc dù họ có lẽ sẽ khó được đưa lên bìa của tạp chí Vogue ngày nay, các người mẫu của Ruben một thời từng được xem là xinh đẹp. Một trong số này, vợ của ông, từng được cho là người phụ nữ đẹp nhất ở Flanders.

Bức Het Pelsken của Ruben, vẽ người vợ thứ hai của ông, Hélène Fourment, trong tư thế quấn vải che một phần cơ thể, được cho là kiệt tác về sự khêu gợi và tinh tế.

Ruben trở thành chuẩn mực cho các hoạ sỹ sau này trong các tác phẩm vẽ phụ nữ với dáng người mập mạp.

Tầm ảnh hưởng của ông có thể nhìn thấy trong bức Bathers of Renoir, hay bức tranh vẽ nhiều phụ nữ khoả thân khổ lớn của hoạ sỹ người Anh Jenny Saville.

Tuỳ cảm nhận

Ngay cả hoạ sỹ trẻ tuổi Sarah Lucas cũng thỉnh thoảng áp dụng những đường nét theo phong cách của Rubens.

Khi Freud bắt đầu vẽ chân dung Tilley thì Lucas bắt đầu vẽ bức Fat, Forty and Flabulous (1991). Trong bức tranh này, ta thấy một phụ với tóc màu tối, với hình dáng không khác xa với của Big Sue.

Tuy nhiên lần này, người phụ nữ này trở thành đề tài châm biếm của bài viết trên tờ Sunday Sport. Phần mở đầu của bài viết diễn tả người phụ nữ này là ‘núi kẹo dẻo’.

Tất nhiên là Lucas đã sử dụng bức tranh như mồi nhử. Bị ảnh hưởng bởi các bài viết đề cao nữ quyền thời đó, cô muốn phơi bày một xã hội nhiều ác cảm với phụ nữ, một xã hội tin vào cái đẹp với 'dáng chuẩn'.

Mục tiêu của bà là phơi bày giọng điệu châm biếm của tờ báo nói trên, hơn là người phụ nữ trong trọng tâm của câu chuyện.

Freud tất nhiên là hoạt động trong thời kỳ đầu của Chủ nghĩa Hiện đại, vốn đả kích không thương tiếc những chuẩn mực của cái đẹp.

Thế nhưng dù sao thì cũng không có gì là ‘xấu xí’ về bức chân dung của ‘Sue to lớn’. Vào những năm 90, những người như Sue có thể được xem là đại diện cho một cái đẹp bất thường.

Mặc dù vậy, khi đặt vào bối cảnh lịch sử, họ lại không bất thường chút nào. Cũng giống như Lucas, Freud hiểu rằng vẻ đẹp là một khái niệm nhân tạo và dễ thay đổi, được xây dựng bởi các xã hội khác nhau, theo những cách khác nhau.

Bản gốc bài viết đã được đăng trên BBC Culture

01 Tháng Tư 2022(Xem: 4392)
13 Tháng Năm 2016(Xem: 18455)
18 Tháng Tư 2016(Xem: 9199)