Vài ý kiến về phong trảo dân chủ

21 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 2843)

Lý Kiến Trúc

Chủ Nhiệm Câu Lạc Bộ Văn Hóa & Báo Chí Quận Cam

 

I.

Vài năm trở lại đây, “Phong Trào Dân Chủ” rầm rộ nổi lên từ hải ngoại đến trong nước. Những người lạc quan cho rằng đó là “xu thế tất yếu” của thời đại; những người cẩn thận hơn cho rằng đó là hệ quả của “Diễn biến Hòa bình” từ từ nó phải tới.

Trong bài “ý Kiến” này tác gỉa xin phép được gởi đến một ít suy nghĩ đóng góp vào “Đại Hội Liên Kết Đấu Tranh Dân Chủ Nhân Quyền cho Việt Nam” diễn ra tại San José vào ngày Thứ Bẩy 11/8/2012.

Thoạt đầu, đứng ký tên trong thư mời của Ban tổ chức Đại hội gồm có quí ông Nguyễn Trung Cao đại diện “Ban tổ chức”; ông Thái Văn Hòa đại diện “Uỷ ban điều hợp”; và ông Nguyễn Chính Kết đại diện “Khối 8406 hải ngoại”; thiệp mời ban đầu gởi đi tương đối hạn chế, nhưng tình hình càng gần tới ngày đại hội thì thiệp mời được tung ra khá rộng.

Nhưng sau độ mươi ngày, một nguồn tin của một vị rất uy tín cho biết đại hội thay vì tập chú vào 3 điểm nội dung hội thảo theo chủ đề “Liên Kết Đấu Tranh DCNQ cho VN” (nói cho rõ hơn đó là một tập hợp chính trị để thông qua Nghị quyết), thì lại gia cố tiếng nói từ các tổ chức ái hữu hội đoàn bản địa. Nếu thật sự có sự thay đổi lớn như vậy, Đại hội Liên kết Chính trị vô tình đã giảm đi 50% nội lực.

Với sự hiểu biết riêng, tác giả xin giới thiệu vài nét về các diễn giả thuyết trình trong đại hội (theo như thiệp mời ban đầu); thứ nhất: Giáo sư Nguyễn Văn Canh, thứ hai: Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải và thứ ba: Nhạc sĩ Trúc Hồ. Trong ba diễn giả trên, về hình thức, Giáo sư Canh và Linh mục Khải được xem như “cái dù” tạo sức thu hút cho đại hội.

Giáo sư Nguyễn Văn Canh từ mấy thập niên ở hải ngoại là một nhân vật có uy tín rất cao không những trong tập thể cộng đồng Việt tị nạn mà còn trong chính giới Hoa Kỳ; Ông là học giả nghiên cứu sâu về tình hình chính trị của đảng CSVN; ông cũng là chuyên gia chiến luợc (policy maker) thuộc Viện Hoover đại học Standford; các trước tác phân tích chính trị của ông cung cấp cho các nhà chiến lược Hoa Kỳ sử dụng, một số nhận định của ông từng đến tay tổng thống; cuốn Bạch Thư do ông soạn thảo gởi lên Đại hội đồng Liên hiệp quốc tố cáo tham vọng bành trướng của Trung cộng đối với khu vực Châu á Thái bình dương trong đó bao gồm cả Biển Đông với sự đồng lõa của đảng CSVN; tiểu luận tố cáo về “Sự kiện Thành Đô 1990” vẫn còn nguyên giá trị phơi bày chính sách liên kết của Hà Nội thực chất là làm tay sai trong quá khứ cho Bei Jing trong bối cảnh đối đầu hiện nay giữa Mỹ - Trung ở Đông nam Châu á-Thái bình dương. Sự thấu đáo vể đảng CSVN của ông giúp cho những nhà hoặch định chính sách của đảng Dân Chủ nắm rõ hơn về Việt Nam.

Khi bài viết này lên khuôn, tác giả được biết GS Canh là diễn giả được Ban Tổ Chức mời đến nói chuyện sẽ không tới, vì có mâu thuẫn với thời khoá biểu đã dự trù từ nhiều tháng trước.

Thuyết trình viên thứ hai là Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải. Linh mục Khải xuất thân từ dòng Chúa Cứu Thế, một dòng tu Công giáo lớn ở Việt Nam với sứ mạng Rao giảng Tin mừng hiến thân phụng sự “Tất cả cho gười nghèo khổ”; Ông nổi lên từ khi được xem là phát ngôn nhân về các vụ xuống đường nổi dậy của giáo dân Thái Hà (dòng Chúa Cứu Thế); đích thân Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng phải giải quyết vụ này.

Nếu đường đi nước bước của Gs Nguyễn Chính Kết là một cuộc hành trình dài gian khổ “băng rừng vượt suối” không kém phần ly kỳ để đến được Hoa Kỳ, trái ngược với cuộc hành trình thoải mái “đi mây về gió” của Linh mục Nguyễn Văn Khải; nhưng cuối cùng, “con đường nào cũng tới La Mã” và hai nhà tranh đấu gặp nhau ở San José.

Linh mục Khải xuất hiện nổi tiếng ngay từ buổi đầu tiên qua các bài thuyết giảng, đối đáp hấp dẫn các cuộc phỏng vấn của báo chí, của cộng đoàn giáo dân Công giáo ở Quận Cam; nghe ông nói, hàng trăm cử tọa nức lòng, hình ảnh của ông truyền qua các hệ thống TV, Internet tràn ngập người nghe xem. Hầu như ông chinh phục dân Việt tị nạn hải ngoại.

Thật ra, nhân cách của ông còn được biết như là một tu sĩ Dòng Tên, một dòng tu nổi tiếng về giáo dục và tham chính chính trị. Sự kiên trì học hỏi (trong gian khổ) cùng với khả năng đặc biệt của Linh mục Khải có sức hùng biện thu hút quần chúng, hẳn là do khả năng ngoại hạng này ông được Giáo hội Công giáo cử đi du học ở Rôma.

Việc mời Linh mục Khải làm thuyết trình viên trong Đại hội Liên kết có thể một phần do những người trong Ban tổ chức đều là người Công giáo; ông Nguyễn Chính Kết đại diện Khối 8406 hải ngoại là người Công giáo, nhưng yếu tố chính vẫn là Linh mục Nguyễn Văn Khải. Khi ông nhận lời tham gia vào Đại hội Liên kết (cho dù khác hay cùng chính kiến và đường lối hoạt động), đây là lần đầu tiên ở hải ngoại ông tham gia vào một diễn đàn qui tụ nhiều thành phần dân chúng đa nguyên không phân biệt tôn giáo, đây chính là cơ hội cho ông thi thố tài năng du thuyết chính trị của một chiến sĩ Dòng Tên. 

Tuy nhiên, có một sự kiện khá bất thường liên quan đến hai buổi thuyết trình khác của Linh mục Nguyễn Văn Khải sau ngày Đại hội Liên kết diễn ra vào ngày Chủ Nhật 12/8/2012 cũng tại San José, sự kiện này bỗng trở nên ồn ào trong dư luận chưa biết rõ vì lý do gì? Hai nhân vật tổ chức cho Linh mục Khải vào ngày Chủ Nhật là ông Kỹ sư Đỗ Như Điện điều hợp viên của Phong trào Giáo dân Hải ngoại từ San Diego lên và ông cựu Thiếu tướng Phủ Đặc uỷ Trung ương Tình báo Nguyễn Khắc Bình ở San José.

Thuyết trình viên thứ ba là Nhạc sĩ Trúc Hồ, Giám đốc đài SBTN là đài truyền hình từ Quận Cam bỏ nhiều công sức lên tận San José “cover” hình ảnh tin tức toàn bộ cho Đại hội. Nhạc sĩ Trúc Hồ là bạn “đồng điệu” với ca nhạc Sĩ Việt Khang, tác giả của hai ca khúc “Anh là ai?” và “Việt Nam tôi đâu?” Từ hai ca khúc này, Trúc Hồ và ban giám đốc đài SBTN đã vận dụng nó thành một cao trào huy động hơn 150,000 chữ ký nhân quyền cộng đồng Việt hải ngoại, tạo ra một cuộc gặp gỡ ngoạn mục ngay trong Bạch Cung và Quốc Hội.

Điểm qua thiệp mời, nhận thấy nhân sự tham dự “Đại hội Liên kết 2012 hải ngoại” không có khuôn mặt của các chức sắc lớn thuộc các tôn giáo Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, hay các khuôn mặt của công chúng trong các sinh hoạt cộng đồng.

 

II.

Từ nội dung danh nghĩa “Liên kết” từ ban đầu sang nội dung “Cộng đồng”, hai lãnh vực sinh hoạt này tương đối khác biệt. Liên kết các cá nhân - tổ chức chính trị có thể là liên kết đa nguyên chính kiến; Còn về Cộng đồng, chỉ có một con đường duy nhất để cộng đồng nói lên: thái độ chính trị của người mang căn cước tị nạn.

Cũng cần phải lưu ý ở hải ngoại, (trên nguyên tắc) cộng đồng Việt Nam tị nạn không là một tổ chức hoạt động chính trị, không sinh hoạt dưới hình thức cương lĩnh đảng, nhưng quan điểm xuyên suốt và thái độ chính trị của cộng đồng trên khắp các tiểu bang Hoa Kỳ và trên các quốc gia tự do hầu hết là quyết liệt chống cộng sản.

Ở một xứ sở mà mọi tầng lớp dân chúng có Tu chính án thứ Nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ qui định và bảo vệ quyền tự do ngôn luận (1) …, Cộng đồng tuy có quyền được hưởng hoàn toàn tự do ngôn luận nhưng vẫn mở rộng cánh cửa tự do cho những ai cũng có quyền phát biểu : tôi không mang căn cước tị nạn! Vậy thì những ai không cần mang căn cước tị nạn xin cứ giơ tay lên.

Khác biệt về danh nghĩa và chủ đề đại hội có thay đổi về nhân sự điều hành hay nhân sự tham dự không? Bài “Ý Kiến” này không đặt trong tâm vào vấn đề nhân sự. Bài “Ý Kiến” chỉ nêu lên một vài suy tư về “Phong Trào Dân Chủ” hiện nay mà thôi.

Cứ cho là Khối 8406 hải ngoại dưới sự điều hành của ông Nguyễn Chính Kết là tâm điểm của đại hội cũng không có gì để phải ngờ vực. Vì đây là lần đầu tiên Khối 8406 đã huy động và tổ chức được một đại hội ở hải ngoại, đó là một tín chỉ chính trị rất đáng khích lệ trong sinh hoạt chính trị của người Việt hải ngoại; đặc biệt, không ít công dân Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ đang có khuynh hướng đề xuất và cổ vũ chủ trương đa nguyên đa đảng nhằm thay thế cho chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam.

Cũng cần phải nói rõ thêm Tư tưởng Đa nguyên Thể chế Đa đảng là điều cấm kỵ đối với các lý thuyết gia của đảng CSVN. Đối với họ, Đa nguyên Tuyệt đối Dân chủ không thể áp dụng trong bối cảnh chính trị Việt Nam do đảng CSVN lãnh đạo tuyệt đối hiện nay, vì nó là nọc độc của “Diễn biến Hòa bình”!

Gần đây, trong sinh hoạt chính trị cộng đồng lại nổi lên tư tưởng Đa nguyên Tương đối Dân chủ, tuy chưa lên tiếng chính thức nhưng tư tưởng này có manh nha trong một số nhân sĩ trí thức bàng bạc ở hải ngoại.

Đọc trong thư “Giải đáp một số thắc mắc về Đại hội Liên kết”, có đoạn viết ban tổ chức đã yêu cầu rõ mục đích: “bàn thảo về những công tác cụ thể, khả thi và hữu hiệu có thể cùng làm với nhau hầu yểm trợ cho cuộc đấu tranh của đồng bào trong nước”.

Chúng ta chưa được biết những Công Tác Cụ Thể sắp được bàn ra có thị hiện ra từ Tư Tưởng Dân Chủ hay không, tác gỉa xin mạn phép góp ý: 

Thứ 1/ Sự kiện ông Hoàng Minh Chính sau khi đi Mỹ “chữa bệnh” về năm 2005, ông Chính chính thức khôi phục-thành lập đảng Dân Chủ Việt Nam vào ngày 01/6/2006. Trong “Tuyên bố Quan điểm của đảng Dân Chủ VN” có đoạn: “Đảng Dân Chủ VN là một chính đảng của người Việt Nam, …”; và “Đảng Dân Chủ Việt Nam xem đảng cầm quyền là một đối tác chính trị trong sứ mạng bảo vệ tổ quốc, …”. Một nghịch lý cho đến nay, luật pháp, hiến pháp và “đối tác chính trị” cầm quyền nước CHXHCNVN vẫn chưa có văn bản nào xem đảng Dân Chủ Việt Nam là một chính đảng.

Thứ 2/ Người cha khai sinh ra Khối 8406 là Linh mục huyền thoại Nguyễn Văn Lý xuất hiện hùng dũng từ bản Tuyên ngôn Dân Chủ 2006 về “Tiến trình Dân chủ hóa Việt Nam”, cùng với hơn 2.000 người ký tên; đây là biến động chính trị rất lớn trong nước của một tổ chức chính trị kêu gọi Dân chủ Đa nguyên tại Việt nam; đây cũng là điểm son của Khối 8406 mở ra cánh cửa chính trị cho những người ngoài đảng CSVN dũng cảm sử dụng quyền phát biểu chính kiến và quyền lập hội.

Khối 8406 càng nổi bật hơn trong phiên tòa lịch sử 2007, khi một đảng viên “trung với đảng, hiếu với dân” quá độ “bịt mồm” Linh mục Nguyễn Văn Lý khi ông phản ứng dữ dôäi lớn tiếng hô: “Đả đảo cộng sản Việt Nam”. “Bịt mồm” là một bi hài kịch vô tiền khoáng hậu chưa từng có trong các phiên tòa quốc tế, cho dẫu ông đảng viên này có lỡ tay đi nữa, cho dẫu ông Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có lên tiếng cải chính, hành động “bịt mồm” xứng đáng ghi vào lịch sử đen của đảng CSVN. Tiếp theo là một loạt án tù đối với một số thành viên khác như Luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân. Quan sát qua các bản án của nhà cầm quyền đối với các thành viên trong Khối 8406 được lãnh đạo bởi các lãnh tụ Công giáo, nó thể hiện một thái độ không khoan nhượng. 

Dường như bắt nhịp với nhau hơi thở của dân chủ, sự xuất hiện liên tiếp nhiều tổ chức chính trị như Câu lạc Bộâ những Nhà báo Tự do, Câu lạc Bộ Lạc Hồng, Công đoàn Độc lập, Uỷ ban Nhân quyền Việt Nam, Liên minh Dân chủ Nhân quyền Việt Nam, đảng Xã Hội; đảng Thăng Tiến VN; đảng Vì Dân; Phong trào Công lý và Hòa bình; v.v…có thể xem như là hệ quả nối dài của Tuyên ngôn Dân chủ 2006; tuy trước đó, thấp thoáng người dân đã nghe tiếng nói phản kháng từ “Cao Trào Nhân Bản” và một số ít tổ chức chính trị đối lập âm thầm khác đã bị “bóp chết” ngay từ trong trứng nước. 

Thứ 3/ Mười lăm năm trở lại đây, sau khi Mỹ chính thức bang giao với Việt Nam, các phong trào dân chủ, các đảng phái và các tổ chức chính trị ở hải ngoại liên tiếp nở rộ và xuất hiện công khai, chẳng hạn như đảng Đại Việt; Việt Nam Quốc Dân Đảng; Việt Nam Canh Tân Cách Mạng đảng; đảng Dân Tộc; nhóm Họp mặt Dân chủ; Dân Xã đảng; đảng Nhân dân Hành động; Mạng lưới Nhân quyền; Nghị Hội Người Việt Toàn quốc; Lực lượng Cứu quốc; v.v… 

Đặc điểm chung của các tổ chức đảng phái chính trị trong nước cũng như hải ngoại hiện nay là “Đối Lập” với nhà cầm quyền CSVN; Tất nhiên, một trong các tổ chức đối lập “nặng ký” nhất là Khối 8406. Vì đây là một thực thể chính trị có tiềm lực nhân dân lớn phiá sau hậu thuẫn mà nhà cầm quyền CSVN không thể chối cãi được.

Trong khi các cá nhân và tổ chức đấu tranh của người Việt gây men lên Phong trào Dân chủ VN, thì một số các quốc gia trên thế giới đã rộ nở tinh thần và hành động dân chủ, ngoạn mục nhất phải nhìn thấy:

Thứ 4/ Cuộc cách mạng hoa Lài tại Tunisia và Ai cập tạo trớn cho Phong trào Dân chủ Nhân dân hiện nay đang diễn ra mạnh mẽ ở Bắc Phi và Trung Đông, trứớc đó là Afghanistan, Iraq, Nam Tư; Tình hình thế giới đang có những thay đổi về cơ chế - thể chế chính trị quốc gia rất lớn. Nhìn lại Việt Nam, những thay đổi này nó tác động như thế nào đến phong trào dân chủ trong nước?

Thứ 5/ Miến Điện có địa chính trị khá gần gũi với Việt Nam, tuy không có đảng cộng sản nhưng có đảng quân phiệt.

Đảng “Liên Minh Quốc Gia Vì Dân Chủ” của bà Aung San Suu Kyi hoạt động với một chiều dài 24 năm kiên trì tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền. Quyết định chuyển hướng đấu tranh chính trị của đảng này tạo ra một bước ngoặt lịch sử : Chủ tịch đảng San Suu Kyi công khai đăng ký ra ứng cử đại biểu Quốc hội, tức là chấp nhận hoạt động chính trị chung với nhà nước quân phiệt. Tiếng nói San Suu Kyi từ một chính đảng đối lập bây giờ là tiếng nói đối lập từ trong chính quyền.

Trước mắt, Dân chủ song hành với Quân phiệt, còn về lâu về dài lực lượng đảng viên dưới cờ và quần chúng hậu thuẫn sẽ quyết định đường lối của đảng. Nhưng khi lực lượng này càng ngày càng trở thành nội lực dân chủ chính trị thì tương lai dân chủ hóa Miến Điện sẽ sáng lạn. Qua biến cố Miến Điện, mô thức sinh hoạt đảng và đường lối hoạt động biến hóa của đảng “Liên Minh Quốc Gia Vì Dân Chủ” rất xứng đáng làm bài học tham khảo cho các đảng viên đảng phái chính trị Việt Nam.

 

III.

Đứng trước xu thế dân chủ hóa đang bùng phát trên thế giới và riêng ở trong nước hiện nay; tôi tự đặt ra câu hỏi: Có hay không mối liên quan hữu cơ giữa Tư Tưởng Dân Chủ với những Hoạt Động Nổi Dậy Cụ Thể đang diễn ra trên con thuyền Việt Nam có hàng trăm cái lỗ mọt?

Tôi xin nhận xét:

Thứ 1/ Phong trào Dân Chủ có liên quan và ảnh hưởng đến các cuộc biểu tình xuống đường (Saigon+HàNội) ở mức độ ra sao?

* Điểm qua các cuộc xuống đường biểu tình, có bốn hình thái nổi bật:

1.1/ Biểu tình của thuần túy Dân Oan đòi ruộng đất. (chưa xuất hiện Dân Oan đòi nhà).

1.2/ Biểu tình của giới Nhân sĩ - Trí thức - Thanh niên - Sinh viên Học sinh chống Trung cộng đòi chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đất-biển-đảo.

1.3/ Biểu tình của tập thể Giáo dân Công giáo ở các giáo Xứ, giáo Hạt, giáo Phận, đòi sinh hoạt tự do giáo hội, đòi tài sản giáo hội, ví dụ như vụ Thái Hà, vụ Đồng Chiêm, vụ Cồn Dầu, Tam Tòa, Con Cuông …

1.4/ Biểu tình của các tín đồ Phật giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Tin lành …

Câu hỏi được đặt ra là trong bốn hình thái biểu tình nói trên, hình thái nào được coi là ưu tiên?

Thứ 2/ Phong trào Dân chủ có là tư tưởng cốt lõi, có là cái bệ phóng thăng tiến cho một XÃ HỘI CÔNG DÂN, cho một XÃ HỘI DÂN SỰ hay cho một XÃ HỘI GIẦU NGHÈO?

2.1/ Theo tôi: cái XÃ HỘI GIẦU NGHÈO hiện nay ở Việt Nam phát sinh ra bởi đảng cầm quyền muốn đốt giai đoạn để nhanh chóng bước vào thời kỳ đầu của nền bán công nghiệp, thời kỳ sơ khai của chủ nghĩa tư bản cá nhân hoặc gia đình. 

Nó tạo ra một tầng lớp giầu có không thể tưởng tượng nổi bên cạnh đại đa số nghèo khó cũng không thể tưởng tượng nổi, nó là hố cách biệt giai cấp GIẦU CÓ CẤP KỲ, phú quí giữa lúc thiên hạ đảo điên, hoàn toàn di ngược với xã hội nhân bản nhường cơm sẻ áo của dân tộc. (Nhớ câu chuyện Vua Lê sai Công chúa mang áo ấm cho tù nhân trong mùa đông).

Như vậy cái XÃ HỘI GIẦU NGHÈO có chính là đối tượng hàng đầu cho một cuộc cách mạng toàn diện hay không? Câu hỏi này xin dành cho các nhà hoạt động có Tư Tưởng Dân Chủ.

Dầu sao, chúng ta cũng rất mừng khi đời sống nhân dân khá lên so với thời kỳ chinh chiến, nhưng chúng ta cũng phải thấy rằng khi nhân dân có được miếng cơm manh áo, tư tưởng dân chủ cũng bắt đầu len lỏi vào đời sống chung quanh.

2.2/ Nhiệm vụ của phong trào dân chủ là tiếp tục đầu tư mọi tầng lớp nhân dân, biến tư tưởng dân chủ thành nhân tố cách mạng; lấy Dân Chủ khêu gợi lòng yêu nước chân chính; lấy Dân Chủ lật tẩy bọn yêu nước giả hiệu; lấy Dân Chủ lật mặt nạ bọn yêu nước thời cơ; lấy Dân Chủ để vạch mặt chế độ đẻ ra một GIAI CẤP TRUNG LƯU SUY ĐỒI CHỦ NGHĨA; lấy Dân Chủ để vạch mặt chế độ đẻ ra một GIAI CẤP BÓC LỘT KIỂU MỚI, HOÀN TOÀN MỚI.

Thứ 3/ Phong trào Dân chủ có xung khắc với các tổ chức đấu tranh khác ở hải ngoại hay ở trong nước hay không? Tạm thời phân biệt vấn đề xung khắc như sau:

3.1/ Xung khắc trong quan điểm lập trường; Có 2 quan điểm đối phó với chế độ chế độ độc tài hiện nay:

* Quan điểm cực hữu: Giải trừ-Giải thể hoàn toàn chủ nghĩa-chế độ CS, tức là xóa sạch mọi dấu vết cộng sản bằng mọi phương cách.

* 0-Quan điểm trung dung: Giải trừ-Giải thể chế độ CS bằng cách đồng thuận phần nào với chủ trương “Diễn biến Hòa bình”, chuyển hóa chế độ độc tài độc đảng sang thể chế đa nguyên đa đảng, tức là chấp nhận thực tế - lực lượng chính trị của đảng CSVN.

3.2/ Xung khắc trong phương cách hoạt động; Tức là chỉ tuân thủ quan điểm và đường lối hoạt động của đảng mình; phi liên kết với quan điểm và đường lối hoạt động của đảng khác, dù trên hình thức, họ đang đứng trong hàng ngũ bất đồng chính kiến với đảng CS.

3.3/ Xung khắc trong Liên kết; Vì Liên kết thường dẫn tới ngộ nhận là sự lệ thuộc lẫn nhau. Vì Liên kết trên thực tế chưa có dấu hiệu của sự hiệp thông lẫn nhau.

3.4/ Xung khắc trong Viễn cảnh Chính trị; Ở vào thời điểm đã đến lúc VN tự chuyển đổi từ thể chế độc tài-đảng trị sang thể chế dân chủ-đa đảng, (tức là đã đến lúc CSVN xóa bỏ hay tu chính điều 4 hiến pháp; mở rộng nhiều thành phần vào Quốc Hội.)

3.5/ Xung khắc trong phạm trù tôn giáo; Nếu coi đây là một phạm trù hiệp thông để nối kết giữa giáo hội này với giáo hội nọ trong công cuộc đấu tranh chung, thì quả là hết sức tế nhị. Đã có một thời kỳ bi kịch giữa người Việt ba miền Nam Trung Bắc; lịch sử xâm lược của thực dân Pháp đã để lại dấu ấn không được tốt đẹp trong đời sống tâm linh, trong đạo trung dung của dân tộc Việt Nam; sự khác biệt về niềm tin tôn giáo tựa như có một hàng rào vô hình ngăn cách tình tự dân tộc. Sự thâm hiểm của đế quốc văn hóa là cố tình tạo ra sự kỳ thị, sự thù hằn lẫn sự nghi ngờ lẫn nhau ngay trong xóm làng, hoặc tạo ra những cái khung getto mạnh ai nấy sống.

Nhưng thực dân Pháp đã sai lầm nghiêm trọng khi pháo hạm tầu đồng bắn nát cửa bể Đà Nẵng tháng 8 năm 1858 mở đầu cho cuộc xâm lược chia cắt đất nước Việt Nam thống nhất ba miền từ năm 1802 tạo ra ba kỳ để dễ dàng cai trị. Người Pháp quên rằng với hàng ngàn năm tích tụ văn hiến, dòng máu Lạc Hồng có một khả năng phi thường là dung hợp và Việt hóa hết thảy mọi luồng tư tưởng đông tây cũng như mọi niềm tin tôn giáo. Rất tiếc là sự chia rẽ thâm độc đó đã ăn vào máu không dễ gì gột rửa với thời gian. 

Với sự thăm dò hạn chế, thực tế hoàn cảnh đất nước Việt Nam trong hơn 100 năm chinh chiến, hình như các nhà lãnh đạo cao cấp của các giáo hội tôn giáo tại Việt Nam ít khi thăm viếng lẫn nhau, nói chi tới chuyện ngồi với nhau kể từ sau ngày 30 tháng Tư 1975.

 

IV.

Kết luận: Lý tưởng Dân Chủ là một lý tưởng vô cùng cao đẹp cần cho một xã hội tự do- pháp quyền, nhưng con đường dẫn tới những giá trị dân chủ (từ phương Tây) bắt đầu bởi những con người tiến bộ (ở phương Đông) còn lắm chống gai đạn lạc, còn lắm mắc mứu trong bối cảnh của một đất nước đang phân vân giữa chuyên chế và đa nguyên, giữa độc đảng và đa đảng.

Từ đại hội này, nếu chúng ta giải tỏa rốt ráo các xung khắc nội tại nêu trên (nếu có), Phong trào Dân chủ Chính trị sẽ cất cánh bay cao, mùa Xuân Ả rập bao la vòm trời Dân chủ Nhân dân như ở các nước Bắc Phi - Trung Đông đang đổi máu bước vào thế kỷ 21.

Từ một Đại hội Chính trị mang tính “hướng về hành động” (action oriented), tức là BÀN và THẢO NHƯ THẾ NÀO, CÁCH NÀO ĐỂ PHÁT KIẾN RA NHỮNG BIỆN PHÁP CỤ THỂ CÙNG LÀM VỚI NHAU.

Đã là người Việt Nam ai mà chẳng ao ước cho dân tộc hùng cường trong hòa bình, quốc gia tươi sáng trong dân chủ. 

*

Để kết thúc bài “Ý kiến” này, với một tâm trạng buồn rầu nặng nề, tôi xin gởi đến hai bản tin dưới đây:

- Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Trung cộng đã di chuyển một hạm đội gồm một chiến hạm tiếp vận lớn 3000 tấn cùng 29 chiến đỉnh từ Tam Á tràn xuống “bao vây” quần đảo Trường Sa; chưa ai lường được diễn biến quân sự ở Biển Đông có nổ ra chiến tranh hay không? Nước nào đánh nhau với nước nào? Trận hải chiến sẽ diễn ra ngắn ngày hay dài ngày? Mấy hòn đảo ở Trường Sa sẽ còn hay mất? Trên đảo Trường Sa lớn, nghe nói có một cô giáo trẻ tình nguyện ra sống ở đấây dậy vỡ lòng tiếng Việt cho chục trẻ em! (2)

- Ngày 2 tháng 8 năm 2012, “Thượng Viện Mỹ đã phê chuẩn một nghị quyết “mạnh mẽ kêu gọi” tất cả các nước trong khu vực “hãy kềm chế” và đừng cho dân cư trú lâu dài tại các nơi ở Biển Đông cho đến khi đạt được một bộ quy tắc ứng xử.” (3)

Tôi xin mượn đoạn tin trên để chấm dứt bài “Ý kiến” này./

 

Lý Kiến Trúc

 

(1) Xem thêm Việt Tribune /7/2012, Phan Qung Tuệ: “Tự do ngôn luận và tự do báo chí trong đời sống cộng đồng”.

(2) Xem thêm Người Việt Daily News 12/7/2012, cùng tác giả: “Ông Quốc Phòng dứng ở Cam Ranh, Bà Ngoại Giao đứng ở Hà Nội, Việt Nam đứng ở đâu?

(3) Tin BBC, RFI 5/8/2012

21 Tháng Giêng 2014(Xem: 2684)
Nhà báo Lý Kiến Trúc, Chủ nhiêm Câu Lạc Bộ trình bày tổng quát các hoạt động của Câu Lạc Bộ Văn Hóa Báo Chí Quận Cam thành lập từ năm 2008 trước Hội Cửu Long. Hai ông bà ngồi hàng ghế đầu bên phải là Phó Đề Đốc Vũ Đình Đào và phu nhân.
07 Tháng Năm 2013(Xem: 3636)
Thuở còn là học trò, tôi được các thầy giáo dậy nước Việt Nam từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau có hình chữ S; đến tuổi thanh niên, tôi được nghe các nhà văn nhà thơ ví hình thể nước Việt Nam tựa như cô thiếu nữ xuân thì nằm xõa tóc phơi nắng biển Đông; khi tóc tới thời hoa mai đốm bạc thì thấy cô thiếu nữ Việt Nam đầu tựa vào dẫy Trường Sơn, chân duỗi dài đùa sóng biển Đông, tay trái vươn ra ôm lấy Hoàng Sa, tay phải ôm lấy Trường Sa, ngực cô nhô cao đo với sóng lớn, hễ đến kỳ Thủy Tinh dâng nước lên cỡ nào thì Sơn Tinh dâng lên chừng nấy. (*)
21 Tháng Tư 2013(Xem: 2822)
Làn gió Xuân Quý Tỵ báo hiệu Tết đến nơi, pháo đỏ rượu nồng, ai lại đi nói chuyện Dân chủ! Nhưng nhìn quanh nhìn quất, có những mùa xuân in đậm vào tâm trí. “Mùa Xuân Praha 77” làm giật mình thế giới, cũng vào năm này, tháng Tư 1977, Sàigon âm thầm nổ ra “Mùa xuân Nhân quyền Sàigon 1977” (1), CS dập tắt từ trong trứng nước; mãi cho đến 2011 “Mùa Xuân Ả Rập” thực sự làm nhân loại bừng tỉnh; năm 2012 người ta hy vọng tràn trề làn gió xuân dân chủ đang thổi vào Miến Điện, ngã tư quốc tế của Đông Nam Á.
16 Tháng Tư 2013(Xem: 2550)
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An ở Huế vừa phát hiện trong tủ sách gia đình một châu bản từ thời vua Bảo Đại liên quan tới chủ quyền tại Hoàng Sa. Vợ ông Phan Thuận An là người dòng dõi hoàng tộc. Hiện gia đình sống tại 31 Nguyễn Chí Thanh, thành phố Huế. Châu bản đề ngày 15 tháng 12 năm Bảo Đại thứ mười ba, tức là ngày 03/02/1939 Dương lịch, do Tổng lý Đại thần Phạm Quỳnh ký tên, "tâu lên Hoàng đế" đề nghị ban chuẩn huân chương cho một người Pháp.
16 Tháng Tư 2013(Xem: 3155)
Thuở còn là học trò, tôi được các thầy giáo dậy nước Việt Nam từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau có hình chữ S; đến tuổi thanh niên, tôi được nghe các nhà văn nhà thơ ví hình thể nước Việt Nam tựa như cô thiếu nữ xuân thì nằm xõa tóc phơi nắng biển Đông; khi tóc tới thời hoa mai đốm bạc thì thấy cô thiếu nữ Việt Nam đầu tựa vào dẫy Trường Sơn, chân duỗi dài đùa sóng biển Đông, tay trái vươn ra ôm lấy Hoàng Sa, tay phải ôm lấy Trường Sa, ngực cô nhô cao đo với sóng lớn, hễ đến kỳ Thủy Tinh dâng nước lên cỡ nào thì Sơn Tinh dâng lên chừng nấy.