Bắc Hàn: "Dù cho đói, cho nghèo, cho lạc hậu, vẫn "chơi ngon" thử thành công bom khinh khí!"

07 Tháng Giêng 201611:15 CH(Xem: 18871)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  SÁU 08 JAN 2016

Bom H có sức mạnh khủng khiếp hơn so với quả bom ở Hiroshima

 

image026

Vụ nổ thử bom H đầu tiên, "Ivy Mike", ngày 01/11/1952, gần đảo Bikini, giữa Thái Bình Dương.Wikimedia

Bom H hay bom khinh khí, bom nhiệt hạch mà Bắc Triều Tiên khẳng định đã thử thành công hôm qua 06/01/2016, là loại bom có sức công phá mãnh liệt hơn nhiều so với hai quả bom A đã thả xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945.

Bom A giải thoát ra năng lượng nhờ kỹ thuật phân hạch các nhân nguyên tử uranium hay plutonium. Còn bom H sử dụng trước hết là kỹ thuật phân hạch, rồi đến kỹ thuật hợp hạch theo phản ứng dây chuyền. Cho đến nay, chưa có quả bom H nào được dùng đến trong chiến tranh, mà chỉ cho nổ thử nghiệm.

Cụ thể hơn, bom H hay bom khinh khí, dựa trên nguyên tắc hợp nhất các nhân nguyên tử, giải thoát ra khối năng lượng còn lớn hơn cả nhiệt độ và áp suất ở trung tâm Mặt Trời. Khi một quả bom H nổ tung, thì các vụ nổ hóa học, nguyên tử và nhiệt hạch liên tục diễn ra trong một thời gian cực ngắn. Một quả bom phân hạch đầu tiên làm cho nhiệt độ tăng lên vô cùng cao, gây ra quá trình hợp hạch tiếp theo.

Ngày 01 tháng 11 năm 1952, Hoa Kỳ đã bí mật cho nổ loại bom mới này tại quần đảo Marshall ở giữa Thái Bình Dương. Một năm sau đó, đến lượt Liên Xô loan báo thử bom nhiệt hạch. Sức mạnh của quả bom H lớn nhất từ trước đến nay của Nga, mang tên « Tsar Bomba » được thử nghiệm vào ngày 30 tháng 10 năm 1961 ở trên bầu trời Bắc cực, là 57 mégatonne tức 57 triệu tấn. Về mặt lý thuyết, quả bom H này mạnh gấp 4.000 lần quả bom A thả xuống Hiroshima.

Còn bom A, được gọi chung là bom nguyên tử, sử dụng nguyên tắc phân rã các nhân nguyên tử. Có hai dạng, một là bom nguyên tử dùng uranium được làm giàu, dạng thứ hai dùng plutonium. Vụ nổ thử quả bom A đầu tiên diễn ra vào tháng Bảy năm 1945 tại vùng sa mạc New Mexico của Hoa Kỳ, cho thấy sức mạnh hủy diệt của bom nguyên tử.

Năng lực của quả bom uranium thả xuống Hiroshima là 15 kilotonne, tức 15 ngàn tấn. Còn quả bom ở Nagasaki dùng plutonium, có sức mạnh gần tương đương là 17 kilotonne, tức ngang với 17 ngàn tấn thuốc nổ TNT. Bốn năm sau, Liên Xô cho nổ quả bom Á đầu tiên của mình vào ngày 29 tháng Tám năm 1949 tại sa mạc vùng Kazachstan.

Kỹ thuật thu nhỏ quả bom là giai đoạn quyết định, vì giúp gắn đầu đạn nguyên tử vào hỏa tiễn. Theo Bình Nhưỡng, quả bom H cho nổ hôm qua đã được « thu nhỏ ». Hồi tháng 05/2015, Bắc Triều Tiên cũng đã khẳng định có khả năng bắn ra các đầu đạn nguyên tử từ các hỏa tiễn tầm xa có độ chính xác cao. Nhưng Nhà Trắng cho là không mấy tin Bình Nhưỡng có thể thu nhỏ vũ khí hạt nhân.

Hiện nay trên thế giới có ít nhất 9 nước sở hữu vũ khí nguyên tử. Năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc được chính thức coi là các cường quốc nguyên tử : Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp. Theo các chuyên gia, tất cả năm quốc gia này đều sở hữu bom khinh khí.

Theo nhà phân tích Hans Kristensen của Federation of American Scientists (FAS), thì kho vũ khí của Mỹ, Anh và Pháp hiện nay hầu hết là vũ khí nhiệt hạch. Nga cũng có bom H, nhưng vẫn còn loại bom A. Ấn Độ (1974) và Pakistan (1998) đã gia nhập nhóm các cường quốc nguyên tử, cũng như Israel, nhưng chưa bao giờ được nhìn nhận. Cả ba nước này chỉ có các bom A, theo các chuyên gia.

Bắc Triều Tiên hôm qua loan báo thử nghiệm quả bom H đầu tiên, đã ba lần thử bom A vào các năm 2006, 2009, 2013, dẫn đến việc bị Liên Hiệp Quốc ra nhiều nghị quyết trừng phạt. Cuối cùng, Iran hồi tháng 07/2015 đã ký kết với các cường quốc (Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc và Đức) một thỏa thuận hạt nhân quy định hạn chế chương trình nguyên tử Iran, để đổi lấy việc dỡ bỏ một phần các trừng phạt của nguyên tử, và việc dỡ bỏ này vẫn có thể xem xét lại./

Thụy My RFI 07-01-2016

 

++++++++++++++++++++++++++++++++

Quốc tế lên án Bắc Triều Tiên thử hạt nhân

image024

Kim Jong Un thăm căn cứ quân sự Bắc Triều Tiên, ảnh chụp công bố tháng 12/2015.Reuters

Nếu như tính xác thực của vụ thử hạt nhân lần thứ tư mà Bắc Triều Tiên vừa tuyên bố hôm nay, 06/01/2015, là điều còn cần phải được kiểm chứng, động thái mới của Bình Nhưỡng ngay lập tức bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh, trước hết là các quốc gia láng giềng. 

Hàn Quốc « cực lực » lên án vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên « bất chấp các cảnh báo của chúng tôi (chính phủ Hàn Quốc) và cộng đồng quốc tế ». Seoul tăng cường an ninh tại vùng biên giới. Tổng thống Hàn Quốc triệu tập hội đồng an ninh quốc gia, và hứa hẹn sẽ « đưa ra các biện pháp cần thiết » để Bình Nhưỡng « phải trả giá về vụ thử hạt nhân này », theo AFP.

Ngay sau thông báo của Bắc Triều Tiên, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố vụ thử hạt nhân là « mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh » của Nhật Bản. Lãnh đạo Nhật Bản khẳng định sẽ có « các biện pháp kiên quyết » đối với Bình Nhưỡng, « phối hợp với Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga » để đối phó với « thách thức nghiêm trọng » này.

Trung Quốc, đồng minh chủ yếu của Bắc Triều Tiên, cũng tuyên bố « phản đối mạnh mẽ » vụ thử hạt nhân mới của Bình Nhưỡng, và yêu cầu chính quyền Bắc Triều Tiên không có các hành động « làm nghiêm trọng thêm tình hình ».

Về phần mình, Hoa Kỳ không khẳng định vụ thử đã xảy ra, nhưng ngay lập tức lên án « các khiêu khích » của Bình Nhưỡng, và hứa hẹn sẽ có các phản ứng tương thích. Trong một thông cáo của người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, được đưa ra đêm qua rạng sáng nay, có đoạn : « Chúng tôi lên án mọi hành động vi phạm các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An và một lần nữa kêu gọi Bắc Triều Tiên tôn trọng các nghĩa vụ và các cam kết quốc tế của mình ».

Pháp kêu gọi cộng đồng quốc tế « phản ứng mạnh » đối với vụ thử được thông báo, và nếu điều này được khẳng định, theo Paris, đây là một « sự vi phạm (các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc) không thể chấp nhận được », theo một thông cáo của Phủ Tổng thống Pháp.

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ họp hôm nay 06/01/2016 về vấn đề này. Bắc Triều Tiên từng ba lần thử hạt nhân (bom A) vào các năm 2006, 2009 và 2013. Mỗi lần như vậy Bình Nhưỡng lại chuốc lấy nhiều trừng phạt quốc tế./

Trọng Thành  RFI  06-01-2016

21 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1297)
16 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1457)
BIDEN – TẬP ‘BÀN’ VỚI NHAU NHỮNG GÌ?