Diễn đàn Nguyễn Văn Lục * (Bài 1)

15 Tháng Ba 20169:57 CH(Xem: 8202)
"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  TƯ  16  MAR  2016

Diễn đàn Nguyễn Văn Lục * (Bài 1)

* Tựa của Văn Hóa

Những vấn đề lịch sử hay sử quan của người viết sử (3)

Posted on March 7, 2016 by Editor

Nguyễn Văn Lục
 image051
Ngành sử học của Việt Nam là nghèo nàn và để khỏa lấp cái khoảng trống đó, nhiều cố gắng cấp thời như chữa lửa, mỗi người mạnh ai nấy làm trong những hoàn cảnh thiếu thốn tài liệu. Thiện chí quả thực không thiếu.

Một lời xin lỗi

 image052
Viết thừa 2 chữ. Nguồn: DCVOnline

Trong một bài viết cách đây đã khá lâu, khoảng năm năm, vào năm 2011 đăng trên DCVOnline.net, nhan đề: Giấy bút lầm than – Tản mạn 18 giờ với nhà báo Uyên Thao, tôi ghi lại lời kể của Uyên Thao (UT) có một đoạn ngắn như sau:

“Về các vấn đề khác thì anh tóm gọn: Chả có cái chó gì để nói. Như ông Văn Thành Cao chỉ là sĩ quan lo ẩm thực. Khi hết lương thực thì bất đắc dĩ đi ăn cướp. Lâu lâu ông sai lính sang Cao Mên lùa trâu, lùa bò về giết thịt cho anh em ăn. Nhưng lùa trâu, lùa bò của Cao Mên thì được coi là “hợp pháp”.”

Đoạn văn trên có một chi tiết sai đã được UT nhắc lại, sau 5 năm, trong một bữa tiệc giữa bạn bè tại quận Cam trong tuần vừa qua. Chủ đích có thể muốn nói rằng tôi cũng viết sai sự thật. Anh Trần Phong Vũ có mặt trong bữa đó và đã yêu cầu tôi xác nhận lời nhận xét của UT. Tôi trả lời chắc là tôi không viết như thế. Sau đó, tôi nhận được email của Trần Phong Vũ viết:

“Đây là bằng chứng chuyện UT nói với mọi người trong bữa ăn trước là có thực, do chính cậu viết ra mà sau đó đã quên. Cậu đọc phần cuối trang 213 sau đây trong tập sách tính in do cháu Phúc lay out về Văn Thành Cao.”

Bài viết nói trên của tôi tính ra có 13.460 từ, trong đó tôi viết dư hai chữ, Văn Thành. Trong ngữ cảnh của bài phỏng vấn UT đang nhắc đến giáo phái Cao Đài và nói đến một sĩ quan tên Cao. Tôi ghi notes vội, đến khi viết thành bài, do liên tưởng, tôi nghĩ đó là tướng Văn Thành Cao.

Tôi ghi nhận sự sai xót này, và có lời xin lỗi nhà văn UT về hai chữ Văn Thànhviết dư.

Giấy bút lầm than tưởng chỉ có nhà văn UT trải nghiệm nay thì đến lượt tôi!

Tôi cũng xin thưa với bạn đọc là trong số khoảng trên dưới 200 bài biên khảo tôi đã viết, sai xót hẳn cũng nhiều và không tránh được. Mong bạn đọc hiểu cho. Xin cảm tạ.

________________________________________

Những vấn đề lịch sử
 image054
Di tích lịch sử từ 2000 năm trước của Mexico tìm thấy trong đường hầm bên dưới ngôi đền  Feathered Serpent ở Teotihuacan. This May 22, 2014 photo released by Mexico’s National Institute of Anthropology and History (INAH), shows sculptures and shells unearthed by investigators at the Teotihuacan archeological site in Mexico. Mexican archaeologists have concluded a yearslong exploration of a tunnel sealed nearly 2,000 years ago at the ancient city of Teotihuacan and found thousands of relics. Teotihuacan dominated central Mexico centuries before the rise of the Aztecs in the 14th century. (AP Photo/Proyecto Tlalocan, INAH)

Khi nghĩ đến nước Pháp hay nước Mỹ trong việc lưu trữ tài liệu lịch sử của họ và nghĩ đến Việt Nam, lòng tôi cảm thấy sôi lên vì tức giận. Nước Pháp cũng trải qua hai cuộc thế chiến, nhưng ý thức về việc bảo tồn di tích và tài liệu sử cao nên họ còn tôn tạo và bảo vệ hầu như nguyên vẹn gia tài văn hóa của họ.

De Gaulle, sau thế chiến hai khi vào Paris thì sáng hôm sau ông quay trở về căn nhà ông đã ở. Mọi đồ dùng ở trong nhà hầu như còn nguyên vẹn – từ thanh kiếm đến bàn máy đánh chữ và những vật kỷ niệm, v.v., ông không khỏi xúc động.

Sau 1954 và 1975, Việt Nam còn lại gì?

Bài viết thứ ba này của tôi đặt ra một số vấn đề sử học mà tôi thiết nghĩ là cần thiết phải đặt ra.

Ngành sử học của Việt Nam là nghèo nàn và để khỏa lấp cái khoảng trống đó, nhiều cố gắng cấp thời như chữa lửa, mỗi người mạnh ai nấy làm trong những hoàn cảnh thiếu thốn tài liệu. Thiện chí quả thực không thiếu.

Kết quả ấy nay nhìn lại hẳn là dang dở, nhiều bất cập và làm thế nào để chỉnh sửa lại những sai sót đó và nếu làm thì biết bao giờ cho xong!

Nguyên do của vấn đề sử học này có thể do tình yêu nước đi đến chỗ phô trương thiếu cơ sở – che dấu, lấp liếm cũng có – hoặc do nhu cầu chính trị cần được củng cố một sự thống nhất ý chí hoặc đơn giản là đi tìm một Việt tính, một căn cước Việt mà thật sự khá phức tạp.

Việc xây dựng lại ngôi nhà văn hóa Việt Nam là một nỗ lực liên tục của một số nhà làm văn hóa ở miền Nam, trước 1975 mà ngày nay người ta có thể tìm thấy trong các bài biên khảo của các tác giả như Thái Văn Kiểm, Nguyễn Duy Cần, Nghiêm Thẩm, Thái Lăng Nghiêm, Nguyễn Văn Thích, cụ Nguyễn Đăng Thục, Cung Đình Thanh, Nguyễn văn Huyền và nhiều người khác nữa.

Nhưng kết quả thực tế đạt được gì thi khó một ai có thể trả lời được.

Ngoài Bắc tôi chỉ được biết có cụ Cao Xuân Huy trong một tác phẩm, Tư tưởng Phương Đông – Gợi những điểm nhìn tham chiếu.(1)

Trong một chừng mực khả thể, tôi nghĩ rằng những việc làm của các nhà văn hóa trên chỉ nên ghi nhận ở thiện chí và cố gắng của họ, nếu chỉ giới hạn phạm vi văn hóa. Còn kết quả thực tế ra sao thì không kiểm chứng được.

Nhưng nếu họ bước sang lãnh vực lịch sử – như một khoa học nhân văn – thì việc căn bản vẫn là cần tôn trọng sự thật lịch sử mà không thể tùy tiện được.

Sử học đã nghèo nàn về nhiều mặt lại cộng thêm thứ chủ nghĩa dân tộc khá cực đoan. Cái chủ nghĩa ấy như một liều thuốc ngủ làm an tâm nhiều người. Sự ru ngủ ấy đi đến chỗ nhiều người tin rằng Việt Nam cũng có một nền văn hóa từ lâu đời và nay chỉ cần cần bảo tồn và phát huy thêm cái văn hóa ấy.

Theo cách nhìn ấy thì ta cái gì cũng có, cái gì cũng nhất. Người ta thường nói đến một ‘kho tàng’ văn hóa. Ai nói khác là không được.

Thời Hồng Bàng (2879 – 258 TCN) – Hong Bang period (2879 – 258 B.C) with English sub by Xanh Tre.

Đó là một ngộ nhận lịch sử mà sử gia Lê Minh Khải muốn vạch ra cho mọi người thấy.

Và Lê Minh Khải viết:

“A major problem, however, is that one of the key elements of nationalism is that it relies on invented history in order to support it claims. Therefore, it is very difficult for someone who lives in a world dominated by a nationalist discourse to understand what life was like before that discourse took hold because the nationalist discourse itself argues that its ideas have been upheld since antiquity.”(2)

“Tuy vậy, một vấn đề lớn được coi như một trong những yếu tố chính của chủ nghĩa dân tộc là nó dựa vào hư cấu lịch sử để hỗ trợ cho quan điểm của mình. Tuy nhiên, thật là khó cho những người sống trong cái môi trường đã bị rao giảng chủ nghĩa dân tộc chế ngự có thể hiểu về một đời sống trước đó là gì vì lời giảng chủ nghĩa dân tộc tự lập luận rằng những tư tưởng của nó đã đúng từ thời cổ đại.”

Đó là một thứ lịch sử tô hồng mà toàn bộ như một thứ anh hùng ca, hoặc đơn giản đôi khi chỉ là những sao chép vụng về quá khứ vay mượn từ những xã hội văn minh đã có sẵn lấy về làm của mình như trường hợp lấy của nước Tầu . Sau đó, nó lại được củng cố thêm bởi tính cách ‘bất di bất dịch’ trong tinh thần truyền thống tôn trọng cổ nhân. Khổng Tử nói!

Sau đây, tôi xin đưa ra một vài trường hợp tiêu biểu.

Vấn đề sử trong trường hợp giáo sư Lương Kim Định
 image055
Nguồn: Ngu

Nói về mặt số lượng tác phẩm để lại thì công trình nghiên cứu của ông là đồ sộ, đáng kính nể. Như Chữ Thời, Triết lý cái Đình, Loa Thành Đồ thuyết, Cửa Khổng, Việt Lý Tố Nguyên hay Hồn nước với lễ gia tiên, v.v. Tất cả trên hai chục cuốn sách.

Phải nhìn nhận là tôi đã bị lạc hướng trong những biện thuyết của giáo sư. Sự vay mượn toàn bộ triết học Trung Hoa – đặc biệt triết lý Nho giáo qua các Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, bằng một thuật ngữ hoán chuyển tuyệt vời chúng trở thành Kinh Hùng, Kinh Ước, Kinh Ngữ, Kinh Lạc, của Việt Nam.

Thế là trong khoảnh khắc, Việt Nam có một nền Minh Triết với căn tính Việt đi qua cửa Khổng, sân Trình.

Theo tôi, lấy của Tầu, dánh nhãn Việt Nam là điều không nên.

Đã thế, triết lý Nho giáo của Tầu với Khổng Tử, có trước thiên niên kỷ. Mà Việt Nam lúc đó một cái tên gọi cũng chưa có nhưng lại đã có thể có một nền minh triết hoàn chỉnh mà không do một ai đặt ra, và có thể nó đã bàng bạc trong dân gian, trong đơn vị làng xã.

Tôi nhìn nhận sự hấp dẫn nhất thời có thể có trong lối biện bạch, lý giải áp đảo chắc nịch như trong cuốn: Hồn Nước với Lễ Gia Tiên hay cuốn Chữ Thời của tác giả. Nhưng tôi vẫn nhận ra trong lối biện bạch ấy có nhiều lỗ hổng, thiếu luận lý, như một sự chắp vá, rối như một nồi canh hẹ. Nó đúng là một nồi súp hổ lốn ăn thì ngon, nhưng ăn xong không biết mình đã ăn gì!

Tôi thường nghe những lời tán tụng chung quanh các tác phẩm của giáo sư do các môn sinh của ông nói lại mà thực sự phần lớn tôi không nắm bắt được hết.

Tôi đặt ra một khoảng cách trong tinh thần ‘kính nhi viễn chi’ để không xúc phạm đến bạn bè cũng như bất cứ ai có một sự sùng kính đến một vị tiền bối vốn được coi như một bậc thầy của một thời.

Tuy nhiên, về mặt biện luận, trao đổi – theo tôi nghĩ – thì mọi cánh cửa hầu như đã đóng lại, khỏi bàn cãi về các công trình này. Bởi vì nó đã không có bất cứ căn bản nào, mấu chốt nào để từ đó có thể đi đến một trao đổi thiết thực và hữu ích.

Giả dụ, nếu có một trao đổi ‘đối thoại’ thì đây là một trao đổi một chiều. Những từ rất đắc dụng như chữ Thời, triết lý an vi, biện luận về triết lý Cái Đình, Văn Miếu đã được tổng quát hóa. Thật vậy, không thể chỉ thấy một vài cái Đình ở ngoài Bắc đã có thể từ đó dựng nên một cơ sở triết lý văn hóa trong khi toàn bộ từ phía Nam Trung bộ trở đi không ai thấy dấu vết một cái Đình nào cả!

Chẳng hạn tu từ Hồn Nước là một phạm trù mà ngoại hàm của nó quá lớn bao trùm cả một nhân sinh quan, vũ trụ quan. Nại cái từ Hồn Nước chung chung mà thực tế không ai biết mặt mũi nó ra sao thì đó chỉ là lối suy luận áp đặt, một công cụ triệt hạ mọi ý kiến trao đổi.

Người nào đã kinh qua cửa trường học Platon thì đơn giản nhận ra đây là lối suy luận triết học của trường phái ngụy biện. Họ chú trọng đến phần tu từ học, phần luận thuyết có khả năng áp đảo người đối lập mà không quan tâm mấy đến nội dung bàn cãi.

Chẳng hạn khi tôi xử dụng từ Hồn Nước – mặc dầu không ai có thể chỉ định Hồn nước là cái gì – thì tự thân hai từ đó có ý nghĩa mặc định, linh thiêng khỏi bàn cãi.

Vì thế, không lạ gì các khóa giảng của giáo sư Lương Kim Định trong những năm 1961-1970 tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, không mang tính hàn lâm, không chính thức được nhìn nhận trong Khoa Triết Học Đông Phương, hiểu theo cái nghĩa là Việt Nam làm gì đã có triết lý. Nói đến triết học Đông Phương là nói đến triết học Trung Hoa, triết học Ấn Độ. Không phải chỉ có mình Khổng Tử mà còn nhiều trường phái khác, nhiều triết gia khác nữa. Việt Nam chưa có triết học và cũng chưa thể có triết gia nên hãy khoan nói đến Cơ cấu Việt Nho.

Nhưng bên ngoài cổng trường đại học Văn Khoa, các tác phẩm của giáo sư Lương Kim Định được đón nhận một cách nồng nhiệt, vì nó thỏa mãn phần nào tự ái dân tộc.

Nhưng về mặt thực tiễn thì đây chỉ là một hoán chuyển hàng thật lấy hàng giả. Mượn cái của người làm của mình mà không mất vốn.

Trần Quang Đức, một người nghiên cứu sinh giữa thập niên 1980, tác giả Ngàn Năm Áo Mũ, trong phần kết luận của cuốn sách đã viết:

“Có thể điểm qua việc ông Kim Định, Hà Văn Thùy chứng minh Nho giáo mang nguồn gốc Việt, chân núi Thái Sơn từng là địa bàn cư trú của dân tộc Việt, Kinh Dịch là phát minh của người Lạc Việt v.v., tương tự trường hợp ông Ban Mun Ki, Kang Sang Won chứng minh chữ Hán là phát minh của người Hàn Quốc, sau đó dấy lên một loạt các bài viết tuyên bố người Hàn là chủ thể sáng tạo ra Đông y, Kinh Dịch, la bàn, thậm chí Khổng Tử, Tôn Trung Sơn là người Hàn Quốc v.v. Những nghiên cứu cổ sử dạng này, đều chịu sự chi phối của tinh thần dân tộc, còn nặng tính tư biện, suy diễn, thiếu chứng cứ khoa học xác tín.”(3)

Vấn đề sử chữ viết và tài liệu.
 image057
Chiếm Lạng Sơn, 13 tháng Hai, 1885. Chiến tranh Pháp-Thanh. Nguồn: Wikipedia.org/Musee de l’Armee

Nhưng nếu trao đổi ở một mặt khác, tôi nghi rằng yếu tố chính là trước đây người Việt chưa có chữ viết. Họ còn sống du canh tiêu biểu của nếp sống bộ lạc, chưa hình thành một quốc gia, chưa cắm dùi một chỗ, nên đời sống còn rất lạc hậu. Họ chưa có nhu cầu để ghi chép hoặc bảo lưu tài liệu.

Không ghi chép đầy đủ làm sao có thể nói đến một nền văn hóa, đến sử học? Đến khi biết dùng chữ Hán hay chữ Nôm thì mới bắt đầu ghi chép những điều đôi khi xảy ra từ ngàn năm trước? Làm sao tránh khỏi được một thứ kiến thức truyền miệng.

Tình trạng yếu kém kiến thức sử ấy ở các đời vua trước không nói làm gì.

Nhưng cụ thể gần nhất và rõ rệt nhất trong trường hợp nhà Tây Sơn. Thật khó kiếm được một tài liệu đầu nguồn nào còn giữ lại. Trừ một vài tài liệu bằng chữ Hán như Bài Chiếu của Quang Trung Hoàng Đế lên ngôi, Bài Biểu xin ngựa của vua Quang Trung, Vài tài liệu về Ngọc Hân Công Chúa, v.v.(4)
sau này được in lại trên tờ Nam Phong của Phạm Quỳnh, phần Hán Văn.

Từ giai đoạn mới khởi nghĩa đến lúc trở thành Bắc Bình Vương, ai là người có trách nhiệm ghi chép các biến cố, tàng trữ các văn kiện nếu có? Hoàn toàn không.

Trong khi đó, nhìn sang phía Trung Hoa, mọi quyết định của nhà Thanh dưới đời vua Càn Long trong việc cho quân sang đánh Việt Nam thì đều có văn kiện, giấy tờ ghi chép đầy đủ. Chẳng hạn, bộ Thanh Thực Lục – Sử liệu chiến tranh Thanh-Tây Sơn- bản dịch của Hồ Bạch Thảo là một bằng chứng.(5)

Trong đó cho thấy các chiếu dụ của vua Càn Long được ghi chép từng ngày tháng năm. Trong đó có đến 209 Chỉ Dụ liên quan đến nước ta dưới các triều vua Lê Chiêu Thống, Quang Trung, Quang Toản cho đến Gia Long.

Cuối sách lại có bảng tra cứu tên người, tên đất, các công trình xây dựng bao gồm 458 mục. Trong đó có 133 chỉ dụ đề cập đến Nguyễn Huệ.(6)

Còn các sử gia Việt Nam căn cứ vào đâu để viết sử giai đoạn Tây Sơn – Nguyễn Ánh?

Hoàng Xuân Hãn cất công đi truy tìm các văn kiện sử đời Tây Sơn ngay tại quê hương Bình Định phỏng được gì?

Và ông bằng lòng với việc dịch lại sử liệu Trung Quốc viết lại giai đoạn Tây Sơn như một nhu cầu cần thiết trám vào lỗ hổng sử học Việt Nam. Ông dịch: Việt Thanh chiến sử của Ngụy Nguyên, sử gia Trung Quốc đời Thanh mà nguyên bản là  Càn Long Chính vũ An-Nam ký, năm đại đạo Quang thứ 22 – 1842.

Phần các sử gia người Việt khác thì bằng lòng trích dẫn lại Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Liệt truyện. Sách trên do Phan Khoang dịch. Sách sau do Viện Sử học dịch, 1997.

Đại Nam Thực Lục là một công trình biên khảo đồ sộ do nhiều sử quan làm việc, gồm 38 tập, trong đó phải mất 88 năm mới hoàn thành thì ai dám cất lên một lời phản biện? Tuy nhiên, phải nói là cả hai tác phẩm này đều do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn.

Đi tìm sự công bằng về sử liệu giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh trong Đại Nam Thực Lục không phải là dễ.

Sách lại viết bằng chữ Hán mà phần đông người viết sử không thông thạo chữ Hán thì đành bó tay.

Sách thông dụng và được xử dụng – loại ngoại sử như Hoàng Lê Nhất Thống Chí – một thứ Tam Quốc Chí của Việt Nam, thì giá trị sử học hẳn được bao nhiêu?(7)

Phần những nhân chứng sống còn ghi lại được trong giai đoạn đó là những câu chuyện bên lề. Đó là các lá thư thừa sai Ba Lê. Tự nó, đây không phải là chính sử.

Phía ngoài Bắc thì họ đã có công cho dịch cuốn Quân doanh kỷ lược – bút ký của viên bí thư của Tôn Sĩ Nghị – và được xuất bản tại Hà Nội. Lại thêm một tài liệu Trung Hoa, thêm một bằng chứng cho sự nghèo nàn của sử Việt. Tuy nhiên, cuốn sách này giúp ích nhiều cho những ai muốn tìm hiểu nội tình cánh quân Tôn Sĩ Nghị sang đánh Việt Nam như thế nào.

Vấn đề sử và tính cách bất cập của Sử học

Sau khi đánh thắng quân Thanh, để mừng đại thọ Càn Long 80 tuổi, Quang Trung đã gửi sang Bắc Kinh một người tên Phạm Công Trị, cháu gọi Quang Trung bằng cậu, ‘giả làm Quốc Vương’.

Chi tiết ngắn ngủi này bắt nguồn từ hai bộ sử triều Nguyễn, Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện(ĐNCBLT) và Đại Nam Thực Lục (ĐNTL). Thật ra sau này còn thấy nhắc lại trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí rồi lan tràn trong các sách sử khác.

Để minh bạch hóa truyện này, tác giả Nguyễn Duy Chính đã phải tra cứu, viết hẳn thành 170 trang đánh máy, nhan đề: Giở lại một nghi án lịch sử: Giả Vương Nhập Cận. Đặt vấn đề có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không?

Và để viết tài liệu này, Nguyễn Duy Chính đã trưng dẫn 30 tài liệu sách tiếng Việt mà quan trọng nhất là tập Lịch triều Hiến Chương loại chí của Phan Huy Chú.

Tiếp theo là 28 tài liệu sách viết bằng Hán Văn.

Cuối cùng là 7 tập sách viết bằng tiếng Anh, và tiếng Pháp.

Tác giả Nguyễn Duy Chính đã dành ra bao nhiêu thời giờ, công sức, sưu tầm tài liệu để trả lời chỉ một nghi án sử học? Nếu mỗi sự việc đều phải mất công truy cứu như thế thì liệu công sức đâu làm cho xuể?

Vấn đề sử và huyền thoại: trường hợp giáo sư Trần Ngọc Ninh

Cuốn sách Tuyết Xưa của giáo sư Trần Ngọc Ninh(8) là một tập biên khảo tham bác rộng rãi nhiêu nguồn từ Đông sang Tây với rất nhiều hình ảnh họa đồ. Và đặc biệt ông đã dành một phần ba cuốn sách viết về huyền thoại để chứng minh cho lập thuyết của ông. Ông cũng là một nhà văn hóa ngoài khuôn khổ – ngoài kiến thức y khoa vốn là chuyên ngành của ông – về các vấn đề văn hóa, đặc biệt về ngôn ngữ học với ba bộ sách 7 quyển về Cơ cấu Việt ngữ I, II, III…, và VII.
 image058
Nguồn: Việt Việt Học

Ở đây cũng cần ghi nhận bên cạnh chính sử cũng có phần ngoại sử với các truyện truyền kỳ, thần thoại dân gian mà có thể dân tộc nào cũng có. Chẳng hạn Việt Nam có hai bộ truyện mang tính thần kỳ, hoang đường là Việt điện U Linh tập và Lĩnh Nam Chích Quái vào các thế kỷ 14-15 và còn nhiều chuyện cổ tích truyền miệng nữa. Các câu chuyện này được diễn giải ở vào thế kỷ 13-14, vậy mà làm thế nào, người ta có thể dùng chúng để diễn đạt, giải thích cũng như cắt nghĩa các sự kiện thời tiền sử một cách rất tự nhiên?

Một câu hỏi khác cũng là một thách đố lớn cho giới viết sử suy tôn chủ nghĩa dân tộc. Nếu cốt lõi của nhưng câu chuyện như Việt điện U Linh tập và Lĩnh Nam Chích Quái bắt nguồn từ các câu truyện dân gian thời viễn cổ được truyền lại, thì họ phải giải thích được sự lưu truyền đó đã xẩy ra như thế nào đồng thời giải thích tiếng Việt phát triển qua các thời đại ra sao để rồi những câu chuyện truyền miệng này rốt cuộc được dịch sang và chỉ được chép lại bằng tiếng Hán cổ.

Do đó, khi chưa có trả lời cho những vấn đề vừa nêu thì các câu chuyện kể trên phải được dành riêng trong một lãnh vực riêng biệt và không thể được dùng cho việc ghi chép tài liệu chính sử được!

Tôi có thể đứng ở quan điểm dân tộc học, nhìn một khối người Việt-Mường, Việt-Mán đi tìm một nguyên tổ và cắt nghĩa nó trong một khuôn khổ, một ‘cơ cấu ý nghĩa huyền thoại’ mà không có quyền phản bác. Chẳng những thế, nó còn là điều đáng cổ võ và nên làm!

Về mặt này, các câu truyện huyền thoại của Việt Nam cũng quả là phong phú và đa dạng.

Chẳng hạn nếu chúng ta biến câu truyện huyền thoại “Đẻ trăm trứng” trong ý nghĩa huyền thoại thì chẳng ai có thể bắt bẻ được. Người ta có thể giải thích ý nghĩa câu truyện đó như một ước mơ của con người mong sinh con đẻ cái đầy đàn khi mà dân số còn thưa thớt.

Sự khác biệt giữa một sự kiện lịch sử và huyền thoại ở chỗ một bên chú trọng tới sự kiện với sự xác định nơi chốn hay ngày tháng. Còn huyền thoại dùng chuyện kể như một cái cớ, một phương tiện chuyên chở một ý nghĩa. Dùng chuyện kể để vượt sự kiện.

Biểu tượng ấy cũng có thể tìm thấy nơi hình vẽ trên các hang động vẽ người đàn bà bụng chửa mang ý nghĩa thực dụng là đẻ nhiều con.

Các nhà dân tộc học hàng đầu của Pháp như Claude Lévy-Strauss, Marcel Mauss đều chủ trương có một hệ tư tưởng hoang dã (Pensées sauvages) khác biệt với tư tưởng văn minh mà không có mang ý nghĩa một so sánh hơn kém. Nhưng chỉ muốn nói rằng đó là một nền văn minh khác với văn minh của chúng ta (Civilisations diférentes).

Vì thế, có thể nói, các dân tộc cổ sơ sống và sinh hoạt dựa trên hệ thống huyền thoại để lý giải mọi hiện tượng thiên nhiên cho phép họ ứng sử và tồn tại.

Như thế, họ không có sử theo nghĩa của chúng ta.

Nhưng khi nghiên cứu tìm hiểu ý nghĩa các huyền thoại, cần dừng lại ở quan điểm dân tộc học và không nên dẫm chân sang lãnh vực sử học.

Tham vọng đem thần thoại để giải lý lịch sử là một tham vọng đưa sử học vào một ngõ cụt không lối ra. Chẳng hạn làm sao có thể giải lý câu chuyện Mặt trăng, mặt trời là hai chị em gái. Cả hai cùng lấy một chồng là con cá Bơ, nhưng rồi bỏ chồng. Con cá vẫn đi theo hai vợ cũ (Huyền thoại, HT5b)(9).

Cái lầm lẫn là trộn lẫn hai lãnh vực sử học và dân tộc học vào làm một, dùng cái này giải thích và nhất là chứng minh cái kia.

Trong khi đó kết luận đã được khẳng định dứt khoát ở tiền đề.

Trong cuốn Tuyết Xưa, giáo sư Trần Ngọc Ninh đã dành hẳn một chương nhan đề, Văn Hóa trong sự trường tồn của lịch sử.

Sự khẳng định dứt khoát như thế đã được ông dứt khoát luận thuyết như sau:

“Vết tích con người ở đất Việt bắt đầu có từ thời đại các nhà khảo cổ gọi là Hòa Bình, rồi Bắc Sơn, nhưng trong truyền thống lịch sử thì lập nước là vua Hùng. Từ lúc khai nguyên trong huyền thoại ấy, lịch sử Việt Nam đã phát triển cho tới ngày nay, và mặc dầu trong hơn 40 thế kỷ, đã có nhiều bước thăng trầm và có những lúc mà dòng lịch sử đã như bị chận lại rồi phải uốn khúc rẽ ngang, nhưng con người Việt Nam rồi lại ngoi lên và sống để tiếp tục xây dựng dòng sử Việt Nam theo ý thức và truyền thống Việt Nam.”(10)

Thật khó mà chia xẻ những khẳng định như trên của tác giả!

Và hẳn là tin vào truyền thuyết như thế mà tác giả dự định cho xuất bản một vở kịch: Một Bi Kịch – Sự tích An Dương Vương.

Chẳng hạn chúng ta vẫn coi truyền thuyết 18 đời Hùng Vương là một sự kiện lịch sử đã được nhìn nhận một cách minh nhiên. Ngày giỗ tổ Hùng Vương vẫn được tổ chức long trọng vào ngày 10 tháng ba mỗi năm.

Đó chẳng khác gì câu chuyện cái cầy đi trước con trâu là ở chỗ đó.

Theo tôi hãy để các câu chuyện huyền thoại là huyền thoại. Đó là những nét đẹp của con người cổ xưa đã sống như thế.

Cắt nghĩa huyền thoại theo tư duy vụ lợi của chúng ta là một cách gián tiếp thô tục hóa huyền thoại và giết chết huyền thoại!

Tiêu biểu ở trong nước là bộ sử viết muộn, sau 1975, Lịch sử Việt Nam, NXB Trẻ, do nhóm chủ biên Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Mạc Đường chủ biên.

Họ cũng tự hào đây là một bộ thông sử!

Họ cũng đi vào vết cũ mang tất cả các truyện huyền thoại như Việt Điện U Linh, Lĩnh Nam Chích quái, truyện họ Hồng Bàng, truyện Ngư Tinh, truyện Hồ Tinh, truyện Mộc Tinh, truyện Phù Đổng Thiên Vương, truyện Nhất Dạ Trạch, truyện Cây Cau, truyện Bánh Chưng, truyện Dưa Hấu, truyện Chim Bạch Trĩ, truyện Núi Tản Viên, truyện Lý Ông Trọng, truyện Rùa Vàng để đẻ ra một cuốn thông sử Việt Nam(11).

Cũng trong cái tinh thần tìm hiểu lịch sử nguồn gốc Việt tộc, tôi cũng cảm thấy không thể nào chia xẻ và đồng tinh được với giáo sư Trần Ngọc Ninh – mặc dầu có sự kính trọng giáo sư về sự uyên bác của ông – Nhưng vẫn không thể đồng ý với ông về quan điểm nguồn gốc xã hội thái cổ Việt Nam, như trong bài, Xã Hội và Văn hóa Thái cổ Việt Nam(12).

Thật ra, đây là bài nói chuyện của giáo sư Trần Ngọc Ninh tại Thính đường trường Quốc Gia Âm nhạc Saigon, ngày giỗ Quốc Tổ Hùng Vương 10-3 Tân Hợi (1971) do đoàn Văn Nghệ Thanh niên Sinh viên Học sinh Tiên-Rồng tổ chức.

Tất cả những dẫn chứng về nhiều lãnh vực mà giáo sư đưa ra về những khám phá nhân chủng học, của khảo cổ học ở Hà Nội của Australia hay Tân Tây Lan đi nữa vẫn chỉ là những giả thuyết chưa được nhìn nhận như chính lời thú nhận của giáo sư, giáo sư viết:

“Một cái nhìn tổng hợp cũng chưa có và cho đến nay (1999) cũng còn nhiều giả thuyết chưa được chứng minh hoàn toàn. Mọi người đồng ý rằng có một chân trời mới đã được mở ra cho sự khảo cứu, nhưng các chủ nghĩa quốc gia địa phươ ng còn quá nồng nhiệt và mẫn cảm để khoa học có thể khách quan hoạt động.”(13)

Vấn đề lịch sử và sử quan

Quan tâm chính yếu của một nhà viết sử không hẳn là viết cái gi? Mà viết để làm gì?

Trong một bài viết năm 2015, Nhìn lại chiến thắng Xuân 1789 (Kỷ Dậu)(14), tác giả Vũ Ngự Chiêu viết:

“Quang Trung, Nguyễn Huệ và nhà Tây Sơn là một thí dụ tiêu biểu của lối viết sử một chiều trong khối sử văn cổ điển. Các tác giả thường chọn một phe để tái dựng giai đoạn lịch sử này.”

Sự chọn lựa một thái độ viết sử thường là cố gắng bảo vệ những lợi ích liên quan đến quan điểm chính trị, tôn giáo, miền địa lý và gốc gác xã hội của người viết sử. Và cứ thế mà trong mỗi tình huống, nhà sử học lộ diện đứng về phía nào?

Khi Nguyễn Nhạc nổi dậy đế chống chính sách thuế khóa của triều đình, có nghĩa là từ nay tiền thuế chính phủ thu được sẽ vào tay anh em Nguyễn Nhạc. Bọn họ bị gọi là bọn ‘vô lại’ và gán cho Nhạc cái tội cờ bạc, ăn quịt tiền thuế của nhà Nguyễn.

Ngày nay ai có thể nói chắc được về chuyện này?

Các thừa sai ngoại quốc – mặc dầu sứ mệnh chính của họ là thu phục linh hồn, nhưng về mặt chính trị họ lại nghiêng về phía bảo hoàng nên chẳng ngần ngại gì họ gọi bọn Nhạc là ‘giặc Tây Sơn’ hoặc bọn phiến loạn. Quang Trung tự xưng Bắc Bình Vương, tức vua bình định xứ Bắc, được coi như biểu lộ mưu đồ muốn thanh toán Bắc Kỳ. Họ gọi là Tiếm Vương (usurpateur). Ngả về phía Nguyễn Ánh nên các thừa sai gọi Nguyễn Ánh là ông Hoàng (prince). Chỉ cần xem cách gọi đã biết được thái độ chính trị của một người. Tuy nhiên, về một số mặt khác, các thừa sai khoảng 30 chục người là các đặc phái viên chiến trường gửi tin tức đều đặn về Pháp. Đó là những nhân chứng sống duy nhất kể lại nên người ta vẫn bắt buộc phải trích dẫn như khi họ nhận xét về quân Tầu của Tôn Sĩ Nghị:
 image060
Nguồn: Nhà sách Khai Trí

“Càn Long đã gửi một số khá đông quân lính sang Bắc Hà vào khoảng cuối năm ngoái (1788), nhưng đoàn quân vừa yếu, vừa quá mê tín dị đoan. Giống như vị hiền triết Hy Lạp đã nói, ‘Tôi mang mọi thứ theo tôi’, lính Trung Hoa mang theo cả điếu hút, bát đĩa và các hành trang phụ khác, đeo lủng lẳng ở thắt lưng họ. Họ vừa là lính, vừa là lái buôn, bồi bếp.”

Chỉ mấy dòng trên đã lột tả đầy đủ đoàn quân ô hợp trên và Tây Sơn có đánh hạ được họ cũng không mấy làm lạ.(15)

Cũng những truyện như thế, xin trích dẫn hai tác giả viết về Quang Trung, trong Tập San Sử Địa (TSSĐ) miền Nam, trước 1975.

1. Tác giả Nguyễn Nhã, chủ trương biên tập TSSĐ với bài: Tài dùng binh của Nguyễn Huệ – Nguyễn Huệ: Một thiên tài quân sự chưa hề nếm mùi thất bại.

Trong bài, Nguyễn Nhã đưa câu chuyện một cung nữ cũ của vua Lê từ Trường An ra Thăng Long nói với Thái Hậu như sau:

“Coi y ra Bắc vào Nam, thật là thần xuất quỷ nhập không ai có thể dò biết. Y bắt Nguyễn Hửu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Vũ Văn Nhậm như giết con lợn, không còn một người nào dám trông thẳng vào mặt. Nghe lệnh của y, ai cũng mất cả hồn vía, sợ hơn sấm sét. E rằng bất nhật y sẽ lại ra, quân Tôn Tổng Đốc còn có cái lo bên trong, địch sao cho nổi.(16)

Dùng miệng lưỡi một cung nữ suốt ngày ở trong cung cấm biện luận về Nguyễn Huệ thật cũng hiếm có. Nhưng thật ra câu chuyện trên được trích dẫn từ sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí, trang 252. Một loại sách như một thứ tiểu thuyết hư cấu lẫn lộn giữa thật và giả. Xin đọc tiếp một đoạn khác của Nguyễn Nhã:

“Vì thích dùng voi, nên Nguyễn Huệ đã tạo ra tượng binh rất lợi hại. Sách Cương Mục chép về Nguyễn Huệ dùng voi đánh quân Thanh,

‘Hồi trống canh năm sớm hôm sau, Văn Huệ sắn tay áo đứng đậy, đốc thúc bản bộ lùa quân rầm rộ tiến lên trước. Chính Văn Huệ tự mình đốc chiến, cho hơn 100 voi khỏe đi trước. Tờ mờ sang, quân Thanh lùa toán quân kỵ binh tinh nhuệ ồ ạt tiến lên. Chợt thấy bầy voi, ngựa quân Thanh đều sợ hãi, hí lên, té chạy, lồng lộn quay về, chà đạp lẫn nhau.. […] Voi trận của Nguyễn Huệ thật là một lực lượng xung kích rất lợi hại, chẳng khác nào lực lượng ‘xe tăng thiết giáp’ thời nay, khiến cho quân Nguyễn Huệ thêm dũng mãnh.’”

Sẽ bàn kỹ hơn về vấn đề dùng tượng binh của Quang Trung trong phần sau.

2. Tác giả Phù Lang Trương Tấn Phát

Cũng trong TSSĐ, số 13, Kỷ niệm chiến thắng Xuân Kỷ Dậu, có bài viết của tác giả Phù Lang Trương Tấn Phát nhan đề, Trận Đống Đa. Trong bài, tác giả cũng nhắc tới tài dùng Tượng Binh của Quang Trung, trích từ tuần báo Tri Tân như sau:

“Ngày hôm sau, vào lúc trống canh năm, vua Quang Tung khởi binh, tự tay cầm quân cho hơn 100 voi đi trước. Mờ mờ sáng, quân Tầu đuổi, tinh kị tiến trước, chợt thấy voi, ngựa sợ hãi mà chạy, vấp ngã và xéo lên nhau. Vua Quang Trung cho voi đuổi theo quân địch chạy vào lũy, súng bắn như mưa, tên sắt tứ phía. Tây Sơn lại đốt những bó rơm to đi trước, quân sau kế tiếp, hết sức đánh Tầu.”

Trong bài, tác giả còn viết tiếp như sau:

“Vua Quang Trung truyền lấy 60 chục tấm ván, ghép liên ba tấm làm một bức, tất cả là hai chục bức, dùng rơm xấp nước bện vào rồi kén hạng lính khỏe tợn, giao cho 10 người phải khiêng một bức, mỗi người đều vác một thanh đoản đao, mỗi bức lại cho hai chục người nữa cầm các binh khí đi theo. Toán quân nay dàn hàng chữ nhất tiến thẳng lên trước, vua Quang Trung cỡi voi đi đốc thú, mờ sáng ngày mồng năm xông thẳng vào đồn Ngọc Hồi.”

Hầu hết nội dung bài viết, tác giả đều xử dụng tài liệu rút ra từ sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí một cách dễ dãi và tùy tiện, không kể đúng sai.

Đôi lời bình thay cho kết luận

Vấn đề sử học phải chăng đã có lời giải đáp trong Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sỹ, 1775- Thế kỷ 18.

Phải chăng Ngô Thời Sỹ đã không được người đời sau lý đoán tới vì đã có Ngô Sỹ Liên?

Tôi cũng rất ngạc nhiên tự hỏi, đã có rất nhiều sử gia nói rõ ràng vai trò của sử học cũng như cách viết sử. Nhưng xem ra họ nói một đằng làm một nẻo.

Xin được trích như sau:

“Đại để phép làm sử là phải: mỗi sự kiện đều nhặt đủ, không bỏ sót, để cho người ta sau khi mở sách ra xem, rõ được manh mối, biết được đầu đuôi, tuy không được mắt thấy tai nghe, mà rõ ràng như chính mình được thấy.(17)

Ngay từ thế kỷ 18, sử gia Ngô Thời Sỹ đã có những nhận định rất đứng đắn, tiến bộ và sâu sắc về sử học mà không hiểu người thời sau không chịu lấy đó làm gương để noi theo?

Ông trích dẫn lời người xưa như sau:

“đúng lời nói mà không xét đến lẽ phải, tác giả dối ta, ta lại tin vào đó để dối người sau, có nên không?”

Truyện Lạc Long Quân

“Con vua Kinh Dương là Sùng Lãm lên làm vua gọi là vua Lạc Long, lấy bà Âu Cơ, có thai đủ ngày tháng, sinh ra 100 con, Lạc Long thường bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, nước với lửa khác nhau, khó ở chung được”, bèn chia nhau, 50 người con theo cha về miền biển; 50 người con theo mẹ về miền núi, suy cử người con trưởng nối ngôi là vua Hùng Vương. Xét trong truyện chép thời bấy giờ vua Lạc Long về ở trong động nước. Dân có việc gì thì kêu to lên rằng: “Bố ở đâu? Lại đây với ta” thì Long Quân lại ngay.”(18)

Câu chuyện trên gây ra những cảnh ngộ ‘buồn cười’ cho các thầy cô giáo dạy sử ở hải ngoại. Một trong những người bạn tôi có con đi sinh hoạt với một đoàn Hướng đạo ở địa phương, huynh trưởng của cháu kể lại câu chuyện Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đẻ ra trăm trứng khiến trẻ con thắc mắc.

Những thắc mắc của trẻ là

•    Người tại sao đẻ ra trứng?
•    Rồi trứng lại nở ra người?
•    100 con trai chia đôi, nửa lên núi, nửa xuống biển thì làm sao truyền giống, sinh sôi nảy nở đến ngày nay?

Huynh trưởng không có câu trả lời minh bạch được hẹn sau khi tham khảo sẽ trả lời ở lần họp tới. Ở buổi họp sau, huynh trưởng đã sửa lại là: thật ra Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra 50 người con trai và 50 người con gái rồi lấy nhau!

Trẻ nhỏ lại thắc mắc, lấy nhau như thế thì loạn luân rồi còn gì nữa?

Tôi không phải trẻ con nên nghĩ có hơi khác một chút.

Theo tôi, việc truyền giống thì loài nào sinh ra vật nấy. Con rồng, tức thuộc loài rắn thì đẻ ra trứng chắc là phải rồi.

Đây là một cuộc hôn nhân dị loại chưa từng xảy ra và có thể đây là lần đầu tiên xảy ra như vậy. Cuộc hôn nhân xem ra có vẻ lén lút, chim chuột không được thừa nhận chính thức, vì dị loại nên đến một lúc nào đó đành phải chia tay.

Viêc chia tay chắc là phải xẩy ra thôi. Cuộc ly dị thời cổ đại này lại dựa trên căn bản pháp lý hiện đại làm nền tảng cho việc phân chia gia tài, phân chia con cái đồng đều cho hai bên khi không có khế ước hôn nhân.

Việc chọn người con trưởng của Âu Cơ làm vua cũng mở đầu cho luật thừa kế sau này vì vậy cũng đã gây ra những cuộc tranh dành ngôi thứ rất là phức tạp trong các triều đại về sau.

Viết tới đây, nghĩ lại, tôi thấy những thắc mắc của con trẻ không phải là vô lý, nhất là chuyện loạn luân.

Lạc Long Quân Sùng Lãm là con của Kinh Dương Vương Lộc Tục, cháu nội của Đế Minh.

Đế Nghi là con Đế Minh, anh của Kinh Dương Vương, sinh ra Đế Lai. Đế Lai sinh ra Âu Cơ.

Lạc Long Quân như vậy đúng là em chú bác với Đế Lai và lại đi lấy cháu Âu Cơ, con gái Đế Lai. Đúng là chuyện loạn luân rồi còn gì nữa.
 image062
Hồng Bàng Thế Phổ. Nguồn: DCVOnline

Thầy cô trong các lớp dạy Việt ngữ hay huynh trưởng các đoàn thể thiếu niên ở hải ngoại có lẽ đa số không biết chi tiết này, hay nếu biết cũng sẽ không biết kể lại cho trẻ em thế nào hoặc sẽ làm lơ vì ngay chính Ngô Sĩ Liên, sử gia đã đưa “Kỷ Hồng Bàng Thị” vào Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, cũng đã phải ghi một dòng biện hộ ở lời bình dưới phần “Lạc Long Quân”:

“Xét sách Thông Giám Ngoại kỷ (4) nói: Đế Lai là con Đế Nghi; cứ theo sự ghi chép ấy thì Kinh Dương Vương là em ruột Đế Nghi, thế mà kết hôn với nhau, có lẽ vì đời ấy còn hoang sơ, lễ nhạc chưa đặt mà như thế chăng?”

[(4): Thông giám ngoại kỷ: tức phần Ngoại Kỷ của sách Tư Trị Thông Giám (294 quyển) do Tư Mã Quang đời Tống soạn.]

Chúng ta tưởng câu chuyện đùa, đọc giải trí. Không. Đây là một câu chuyện nghiêm chỉnh.

Bởi vậy mỗi trang sử viết ra thì có bấy nhiêu vấn đề. Trước khi kết luận bài viết này, chúng tôi chọn một vấn đề và tạm bỏ quên các vấn đề khác.

Vấn đề tượng binh trong trận Đống Đa giữa Quang Trung và Tôn Sĩ Nghị

 image063
Quân đội Khmer tiến hành chiến tranh chống lại người Chăm; Tranh trạm nổi ở ngôi đền Bayon ở Angkor, Campuchia (phần S, gallery E, cuối thế lỷ 12 đến đầu thế kỷ 13)

Trong trận chiến thắng lẫy lừng này của Quang Trung, yếu tố làm nên chiến thắng ấy không thể không đề cập đến là vấn đề tiếp liệu và di chuyển.

Một trong những yếu tố ấy được nhiều tác giả nhắc tới là khả năng xử dụng Tượng Binh của Quang Trung.

Voi được dùng để chuyên chở, di chuyển như một gia súc là chuyện bình thường. Nhưng dùng trong việc quân binh thời câu chuyện không phải dễ. Voi phải dược huấn luyện thuần thục như thế nào để khi ra trận trở thành một sức mạnh áp đảo quân địch.

Tác giả Nguyễn Duy Chính là người có viết một bài nhan đề: Từ Tượng Binh đến Voi giầy ngựa xé.(19)

Trong đó ông đặt ra nhiều nghi vấn như việc huấn luyện voi, việc chăm sóc voi mà nhu cầu thực phẩm lên đén 150 kg vừa cỏ, lá cây, v.v.

Dựa trên một tài liệu ngoại quốc của Maurice Collis, một người chuyên môn huấn luyện voi viết như sau:

“Đây là những con vật được đào tạo để theo lệnh lạc một cách hung dữ, sử dụng như một mũi xung kích trong chiến đấu và cũng là một sát thủ giết người bằng cách tung lên, dày đạp, xé nát (đối phương) hồn nhiên như trẻ thơ…”

Ông viết tiếp, voi trận được tuyển lựa kỹ càng trong các voi đực, ngà dài, to lớn, khỏe mạnh và trải qua một chương trình huấn luyện chặt chẽ. Quan trọng nhất là làm sao cho voi không bị kinh hoàng khi nghe tiếng súng.

Ông đặt nghi vấn. Chúng ta không biết quân Tây Sơn điều động tượng binh như thế nào? Ông đưa ra mấy nghi vấn sau đây:

•    “Thứ nhất: Voi di chuyển tương đối chậm, tốc độ đường núi khoảng 1,5 đến 2 dậm/giờ (2,4-3,2 km/giờ), đường phẳng có thể lên đến 3 dặm (5 km/giờ). Voi nếu chở một lượng trung bình thì di chuyển trong khoảng 18-25 dặm (29-40km/một ngày). Tuy nhiên với khoảng cách đó, voi sẽ không đi được lâu ngày vì đau chân. Vì thế, voi trận nếu cần di chuyển đường trường thì không thể di chuyển nhiều hơn 10-12 dặm(16-19km- ngày). Voi tuy khỏe, nhưng cũng chỉ chở được khoảng 300-400lbs (135-180kg). Nếu đi liên tục trong nửa tháng, voi phải được nghỉ một, hai ngày mới lại sức.
•    Thứ hai, voi phải được ăn uống đầy đủ. Một con voi cần khoảng 120-150 kg mỗi ngày chủ yếu là cỏ, lá, rễ cây. Voi không chịu được đói khát, dễ bị kiệt sức nếu bị ép làm việc nhiều và mỗi ngày phải có ít nhất vài giờ thong dong để tìm thức ăn. Voi phải sống gần nơi có nước và vì da có lỗ chân lông và tuyến mồ hôi nên uống rất nhiều. Voi cũng phải tắm hằng ngày vào buổi sáng.
•    Thứ ba, voi rất nhạy cảm, sợ tiếng động, nên voi trận phải tập luyện để làm quen với súng ống, mặc dầu không ai dám bảo đảm là voi sẽ tuyệt đối tuân lệnh khi lâm trận. Vai trò của nài voi (quản tượng) rất quan trọng, vì voi chỉ tuân theo lệnh của y và nếu nài bị thương hay chết thì rất khó điều
khiển.
•    Thứ tư, da voi tuy dày, nhưng lại rất sợ các loài sâu bọ, ruồi muỗi, bị thương cũng khó chữa vì sần sùi. Chân voi không thể đóng móng như móng ngựa và chỉ là một lớp da mềm, dễ bị gai góc làm cho bị thương. […] Theo kinh nghiệm của người Hòa Lan thì voi và ngựa rất kỵ nhau. Ngoài ra, voi lại sợ tiếng lợn kêu và thường hoảng sợ khi nghe lợn eng éc nên có nơi đã dùng lợn để chống với voi.”

Cũng như tác giả Nguyễn Duy Chính, chúng tôi có những nghi vấn khi đặt vấn đề tượng binh của Quang Trung.

1. Voi đời thường

a. Theo tài liệu “Asian Elephant, Elephas maximus”, bản đồ khu vực sinh sống của voi châu Á trích từ Trích thư viện trực tuyến của Sở thú San Diego(20) cho biết voi châu Á gần Việt Nam nhất sinh sống ở Lào và miền bắc Campuchia, Pleiku, Ban Mê Thuột ở Việt Nam, nơi có nhiều rừng già. Phong thổ Việt Nam, nói chung không thuận lợi cho voi sinh sống.

 image065
Khu vực sinh sống của voi châu Á. Nguồn: http://library.sandiegozoo.org/

b. Voi châu Á nặng trung bình 2000-5500 kg. Trong một nghiên cứu về Voi châu Á tại Lahugala Tank, voi đực có chu kỳ hoạt động như sau: 91,1% = ăn, 5,4% = đi bộ, 1,4% = nghỉ ngơi, 1,8% = tắm, 0,1% = uống nước, 0,2% = tất cả các hoạt động khác. Voi ăn, không liên tục, trong suốt 24 giờ; Voi uống thường vào buổi chiều và ngay trước bình minh; voi thường đi đường dài vào ban đêm. Voi uống đến 225 lít nước mỗi ngày. Voi trưởng thành ăn khoảng 150 Kg thực phẩm mỗi ngày. Voi cần muối trong thực phẩm.

c. Voi di chuyển rất chậm trong khi ăn. Voi con có thể chạy khi chơi, voi trưởng thành chỉ chạy khi tấn công. Voi biết bơi, tốc độ 2 km/giờ. Nhưng voi không thể nhảy; ngay một cái hố cạn cũng là một rào cản. Voi cũng không thể phi nước kiệu, đi nước kiệu, hoặc phi nước đại. Voi đi tốc độ đi bộ bình thường khoảng 4-6 km / giờ. Tốc độ tấn công có thể đến 24,5 km / giờ)

2. Voi trận mạc

Thử lấy một câu chuyện sử làm thí dụ phân tích. Người ta thường cho là Quang Trung đại thắng nhờ một yếu tố: tốc độ hành quân.

Xuất quân từ Phú Xuân ngày 25 tháng 11, Quang trung đến Thăng Long ngày 30 Tết và đánh nhau với quân Thanh 6 ngày liên tiếp và đại thắng quân Thanh, chiếm Thăng Long vào chiều mồng 5 Tết Kỷ Dậu. Tóm lại cuộc hành quân của vua Quang Trung kéo dài 40 ngày, từ 25 tháng 11 Mậu Thân (22/12/1978) đến 5 tháng Giêng, Tết Kỷ Dậu (30/01/1789).

Chưa kể tới tiếp liệu cho binh sĩ, khối hậu cần cho chiến dịch Ngọc Hồi-Đống Đa năm 1789 cần có và phải vận chuyển

•    150 Kg (rễ cây, trái cây và vỏ cây)/ngày  x  40 ngày  x  100 = 600.000 Kg hay 600 tấn thực phẩm
•    225 L (nước)/ngày  x  40 ngày  x  100 = 900,000 lít hay 900 tấn nước.

Để dễ hình dung, dưới đây là một xe chở nước có dung tích 11,356 lít.
 image066
Xe chở chất lỏng khoản dung tích 3000 US gal. Nguồn: Abbey

Tốc độ hành quân

25 tháng 11 từ Phú Xuân đến 29 tháng 11 quân cuả Nguyễn Huệ đã đến Nghệ An. Theo đường chim bay trên bản đồ Google Maps, Phú Xuân cách Nghệ An khoảng 318 Km. Như vậy mỗi ngày đoàn quân Bắc Tiến đi được gần 80 Km mỗi ngày (318 Km / 4 ngày = 79, 5Km).
 image068
Đoạn đầu chiến dịch Ngọc Hồi-Đống Đa. Nguồn: DCVOnline

Trong chiến dịch 1789 này có lẽ binh tướng của Nguyễn Huệ đều phải ngủ ngày vì voi chỉ di chuyển đường dài về đêm; 100 thớt voi của Nguyễn Huệ, nếu chỉ di chuyển 8 tiếng về đêm (bình thường voi chỉ đi bộ 1 giờ 20 phút mỗi ngày với vận tốc trung bình 5 Km/giờ) thì đoàn tượng binh này phải chạy với vận tốc gần 10 Km/giờ, không ăn, không uống. Dù có được chích steroids, chiến đoàn “thiết giáp” này cũng sẽ lăn đùng ra chết vì kiệt lực trước khi tới vĩ tuyến 17. Đó là chưa bàn tới chuyện “đại bác chở bằng voi mà xông vào trận”.(21)

Tác giả Nguyễn Duy Chính qua bài viết Từ Tượng Binh đến voi giầy ngựa xé đã giả thiết rằng đã có thể điều động đàn voi ra trận theo đúng lộ trình và ngày giờ đã quy định theo kế hoạch của Quang Trung. Nhưng ông không giải quyết dứt khoát được cuộc di chuyển voi từ Thuận Hóa ra tới Hà Hồi thì ‘giải pháp dùng Binh Tượng’ của Quang Trung như một sáng kiến thần kỳ về tài dùng binh của Quang Trung sẽ như thế nào?

Nhân đây cũng đặt thêm một nghi vấn về chiến thuật dùng ván gỗ đắp rơm làm khiên che chắn của Nguyễn Huệ như tác giả Phù Lang Trương Tấn Phát đã đề cập trong TSSĐ số 13, Kỷ niệm chiến thắng Xuân Kỷ Dậu:

“Vua Quang Trung truyền lấy 60 chục tấm ván, ghép liên ba tấm làm một bức, tất cả là hai chục bức, dùng rơm xấp nước bện vào rồi kén hạng lính khỏe tợn, giao cho 10 người phải khiêng một bức, mỗi người đều vác một thanh đoản đao, mỗi bức lại cho hai chục người nữa cầm các binh khí đi theo.”

Khiên che đủ cho 20 người xếp hàng ngang (chữ nhất) ít nhất phải rộng 24 bộ (feet) cao 4 bộ tức là ba miếng 4’x8′ ghép lại. Chưa kể rơm và đất đắp, mỗi tấm khiên này đã nặng khoảng 90 Kg, nếu là ván ép. Nếu là gỗ lim thì chuyện gì đã xẩy ra?

Cưa (máy) nào đã giúp Nguyễn Huệ đốn gỗ rừng (ở đâu) làm thành 60 tấm ván (4’x8′) trên đoạn đường gần 600 Km đường Từ Phú Xuân đến Thăng Long.

Người viết tin chắc rằng hồi đó Home Depot chưa mở cửa. Xin để tùy bạn đọc nhận định và tự trả lời.

© 2016 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

________________________________________

Nguồn: Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline hiệu đính và minh họa.

(1) Cao Xuân Huy, NXB Văn Hoc, Hà Nội 1994.

(2) Le Minh Khai, “Discourses, Vietnamese Intellectuals and the Changing History of the Sino-Vietnamese Relationship”, Le Minh Khai’s SEAsian Blog, 18 jun 10.

(3) Trần Quang Đức, “Ngàn Năm Áo Mũ”, NXB Nhã Nam, 2013, trang 353-4.

(4) Tạ Quang Phát phiên dịch, TSSĐ, số 13, 1969- Kỷ niệm chiến thắng Đống Đa.. Tài liêu nay được trích dẫn từ các số Nam Phong, số 177, phụ truiong Hán Văn, 1932, trang 20 và Nam Phong, 1926, phụ truong phàn Hán Văn, số 11.

(5) Dịch giả Hồ Bạch Thảo, Thanh Thục Lục | Sử liệu chiến tranh Thanh – Tây Sơn.

(6) Hồ Bạch Thảo, Ibid., trang Phàm Lệ.

(7) Hoàng Lê Nhât Thống Chí do nhiều người viết mà hiện nay bản gốc không còn. Còn lại chỉ là những bản viết tay.

(8) Trần Ngọc Ninh, “Tuyết Xưa”, nxb Khởi Hành.

(9) Trần Ngọc Ninh, Ibid., trang 281.

(10) Trần Ngọc Ninh, Ibid, trang 103.

(11) Lịch sử Việt Nam, tập II, trang 14.

(12) Trần Ngọc Ninh, Ibid., trang 187.

(13) Trần Ngọc Ninh, Ibid., trang 196.

(14) Vũ Ngự Chiêu, “Nhìn lại chiến thắng xuân Kỷ Dậu”, Hợp Lưu, Hoàng Đỗ Vũ, ngày 5-2- 2015, Họp Lưu

(15) Đặng Phương Nghi, Triều đại Tây Sơn dưới mắt các nhà truyền giáo Tây Phương, Tập San Sử Địa, số 9-10, Số đặc biệt Xuân Mậu Thân, 1968, trang 143

(16) Nguyễn Nhã, TSSĐ số 13, Kỷ niệm chiến thắng Xuân Kỷ Dậu, 1968

(17) Lê Quý Đôn, bài tựa Đại Việt Thông sử, NXB Khoa Học, Xã Hội, Hà Nội, 1978.

(18) Ngọ Phong Ngô Thời Sỹ, “Việt sử tiêu án” (1775), Hội Việt Nam Nghiên Cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu dịch (1960), NXB Văn Sử (1991), Công Đệ, Doãn Vuợng, Lê Bắc chuyển sang ấn bản diện tử (2001). Trang 4.

(19) Bài viết có thể chưa được đăng trên báo, nhưng có gửi cho một số bạn hữu của ông. Tháng 2-2005

(20) “Asian Elephant, Elephas maximus”July 2008, http://library.sandiegozoo.org/ và Robin C. Dunkin, Dinah Wilson, Nicolas Way, Kari Johnson, Terrie M. Williams, “Climate influences thermal balance and water use in African and Asian elephants: physiology can predict drivers of elephant distribution”. Journal of Experimental Biology 2013 216: 2939-2952; doi: 10.1242/jeb.080218

(21) Trần Gia Phụng, “Nhà Tây Sơn”, NXB Non Nước, Toronto 2005, Trang 127-131.
 
     Send article as PDF       

‹ Nguyễn Thanh Tú: Thư gởi Hội đồng Quản trị đài RFA

Posted in Chính Trị Xã Hội
09 Tháng Ba 2022(Xem: 4285)
18 Tháng Bảy 2019(Xem: 5179)