Sau Hiệp định Paris 1973, bàn thượng đỉnh chiến tranh VN tại Texas để làm gì?

28 Tháng Tư 20161:41 SA(Xem: 17684)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  SÁU & BẨY  29 - 30  APRIL 2016

Mỹ ‘giải mã’ Chiến tranh VN trước chuyến thăm của ông Obama

image070

Tổng thống Johnson thăm các binh sĩ Mỹ tại Vịnh Cam Ranh cùng với các quan chức Việt Nam Cộng hòa tháng Mười năm 1966.

AUSTIN, TEXAS—

Hàng nghìn người ở Mỹ sẽ tham dự một sự kiện lớn, đánh giá lại cuộc chiến "nồi da xáo thịt" ở Việt Nam hàng chục năm trước, trước thềm chuyến công du sắp tới của Tổng thống Barack Obama.

Hội nghị Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam sẽ diễn ra trong ba ngày tuần này tại Texas trong khuôn viên Thư viện Lyndon Baines Johnson, vị tổng thống thứ 36 của nước Mỹ bị coi là “làm leo thang sự can dự của Hoa Kỳ” vào một trong những cuộc chiến gây tranh cãi nhất nước Mỹ ở cách xa nửa vòng trái đất.

Hội nghị Thượng đỉnh chiến tranh Việt Nam sẽ khai mạc ngày 26/4 và kết thúc ngay trước ngày đánh dấu 41 năm năm Sài Gòn thất thủ.

Bà Amy Barbee, một thành viên ban tổ chức và hiện là Giám đốc Điều hành của Quỹ LBJ, cho VOA Việt Ngữ biết rằng đây là lần đầu tiên một cuộc hội thảo quy mô lớn về chiến tranh Việt Nam, với sự tham gia của khoảng 5 nghìn người, diễn ra trên đất Mỹ.

Bà cho biết thêm: “Đây là một sự kiện quan trọng. Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày về cuộc chiến Việt Nam nhắm mục đích tìm hiểu về những bài học cũng như di sản của cuộc chiến này, đồng thời tôn vinh các binh sĩ tham chiến ở Việt Nam”.

Tới dự sự kiện này có nhiều quan chức Mỹ, cả cựu lẫn đương thời, từng có mối ràng buộc với cuộc chiến làm hàng triệu người thiệt mạng ở cả hai phía.

Trước khi tháp tùng Tổng thống Obama thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam vào tháng tới, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có bài phát biểu mà nhiều nhà quan sát cho rằng sẽ nhìn lại cuộc chiến khốc liệt cũng như mối quan hệ nảy nở từ thù thành bạn của Hà Nội và Washington.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cũng sẽ có mặt, và dự kiến sẽ tham gia cuộc thảo luận thẳng thắn với người tham dự về Chiến tranh Việt Nam, sau khi lên tiếng về cuộc chiến từng giúp ông giành giải Nobel Hòa Bình.

"Từ thù thành bạn"

image071

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc gặp lịch sử với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục tháng Bảy năm ngoái.

Ngoài ra, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh, cũng sẽ phát biểu, nhưng theo đại diện ban tổ chức, ông không trả lời bất kỳ câu hỏi cũng như cuộc phỏng vấn nào.

Bà Amy Barbee nói thêm với VOA Việt Ngữ: “Lý do chúng tôi mời Đại sứ Việt Nam tới dự và phát biểu vì chúng tôi muốn lắng nghe tiếng nói từ phía Việt Nam, muốn nghe Ngài Đại sứ nói về mối quan hệ và trao đổi giữa hai nước hiện nay cũng như các cơ hội về kinh tế và thương mại".

Bà nói tiếp: "Chúng tôi cũng có một số cựu chiến binh Việt Nam Cộng hòa tham dự. Nhưng trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh lần này là về những trải nghiệm của phía Mỹ”.

Bà cho biết thêm rằng thời điểm sự kiện diễn ra ngay trước chuyến công du Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Barack Obama hoàn toàn “ngẫu nhiên” và công tác chuẩn bị đã được tiến hành hơn một năm trước.

Trong tháng này, phát biểu tại Đại học Virginia, Đại sứ Vinh cũng đề cập tới việc khắc phục hậu quả chiến tranh của Việt Nam và Hoa Kỳ.

Ông cũng cho biết thêm rằng cả Hà Nội và Washington “đang tích cực chuẩn bị” cho chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu Nhà Trắng vào tháng tới.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam ở thủ đô Washington còn cho rằng, trong thời gian tới, “hai bên cần tiếp tục tăng cường các lĩnh vực hợp tác được đề ra trong khuôn khổ Đối tác Toàn diện, trên cơ sở các nguyên tắc quan hệ về bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lợi ích và thể chế chính trị của mỗi nước”.

Tin cho hay, tổ chức có tên gọi Cộng đồng người Việt ở Houston và vùng phụ cận dự kiến sẽ thực hiện một cuộc biểu tình ôn hòa bên ngoài Thư viện Tổng thống LBJ vì cho rằng những người từng thuộc lực lượng Việt Nam cộng hòa không có cơ hội phát biểu tại sự kiện này.

Một lý do khác dẫn tới cuộc tuần hành là ban tổ chức đã mời Đại sứ Phạm Quang Vinh tới phát biểu. Tổ chức trên cho rằn đây là hành động “không thể chấp nhận được" vì “Việt Nam là nước độc tài, áp chế người dân, khiến hàng triệu người phải bỏ tổ quốc đi tị nạn vào tháng Tư năm 1975”.

Hiện chưa rõ nhà ngoại giao đại diện cho Việt Nam ở Mỹ có đề cập tới vấn đề hòa giải dân tộc trong bài phát biểu của mình hay không./

++++++++++++++++++++++++++++++

Ông Kissinger nói gì việc Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc?

Untitled1
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger.

 

AUSTIN, TEXAS—

Cựu Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố “không có thỏa thuận nào” với Trung Quốc về Hoàng Sa hơn 40 năm trước, giữa cáo buộc Mỹ làm ngơ để Bắc Kinh chiếm quần đảo này từ tay Việt Nam Cộng hòa.
 
Ông Henry Kissinger nhấn mạnh như vậy hôm 26/4 tại Hội nghị Thượng đỉnh về Chiến tranh Việt Nam ở Thư viện Tổng thống Lyndon Baines Johnson ở Austin, Texas.
 
Sau khi bị một người tham dự cáo buộc là người đã đồng ý “về mặt chiến thuật” để Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, người từng làm cố vấn an ninh cho tổng thống Mỹ nói:  “Mỹ từ trước tới nay không đưa ra quan điểm ủng hộ chủ quyền của bất kỳ nước nào đối với quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, giữa lúc xảy ra vụ Watergate và cuộc chiến ở Trung Đông, tôi có thể dám chắc với quý vị rằng Hoàng Sa không trong tâm trí của chúng tôi".

Ông nói tiếp: "Nhưng không hề có thỏa thuận nào trao cho Trung Quốc quyền chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trung Quốc chưa từng đưa ra tuyên bố nào như vậy. Không có cuộc đàm phán cụ thể nào [về vấn đề này]”.

Giới quan sát cho rằng đây là lần đầu tiên cựu ngoại trưởng Mỹ 93 tuổi lên tiếng trực tiếp về vấn đề vẫn còn gây nhức nhối này.
Untitled2

Ông Henry Kissinger bắt tay với Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh hồi tháng Ba năm ngoái.

Trung Quốc đã chiếm toàn bộ Hoàng Sa sau trận hải chiến làm 74 binh sĩ Việt Nam Cộng hòa thiệt mạng ngày 19/1/1974.
 
Một số người Mỹ gốc Việt cho rằng Washington có thể đã có thỏa thuận ngầm với Bắc Kinh trong vụ này vì quyền lợi của mình.
 
Ban tổ chức cho biết rằng đây có thể là lần cuối cùng ông Kissinger phát biểu về Chiến tranh Việt Nam, nên ông đã yêu cầu được trao đổi với người nghe một cách thẳng thắn và “không hạn chế”.

"Phản bội đồng minh"

Ngày phải di tản Sài Gòn là một trong những ngày đau buồn nhất cuộc đời tôi cũng như của tất cả những người đã chứng kiến sự cống hiến của người Việt Nam [Cộng hòa] cũng như các binh sĩ Mỹ chiến đấu tại Việt Nam. Tôi thực sự cảm thông.

Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger nói.

Sau khi một cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa kể lại câu chuyện phải ngồi tù nhiều năm sau Hiệp định Paris, và hỏi rằng nước Mỹ học được gì từ việc “phản bội” và “bỏ rơi” đồng minh Việt Nam Cộng hòa, ông Kissinger nói: “Tôi thực sự cảm thông với những người Việt Nam. Ngày phải di tản Sài Gòn là một trong những ngày đau buồn nhất cuộc đời tôi cũng như của tất cả những người đã chứng kiến sự cống hiến của người Việt Nam [Cộng hòa] cũng như các binh sĩ Mỹ chiến đấu tại Việt Nam. Tôi thực sự cảm thông".

Ông nói thêm: "Tôi hy vọng không một nhà lãnh đạo Mỹ nào trong thời đại này sẽ lại nhận được câu hỏi như vậy nữa. Thất bại lớn nhất, đó chính là sự chia rẽ tại đất nước chúng ta”.
 
Ông Kissinger có ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại Mỹ trong những năm cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970.
 
Năm 1973, ông trở thành người đầu tiên sinh ra ở nước ngoài đảm nhận cương vị ngoại trưởng Mỹ. Ông từng nắm giữ ngành ngoại giao Mỹ dưới cả thời Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford.

"Chính người Mỹ tự gây ra"

Trong một cuộc hội thảo do Bộ Ngoại giao tổ chức năm 2010 về chủ đề “Kinh nghiệm của Mỹ tại Đông Nam Á trong thời kỳ 1946 – 1975”, ông Kissinger nói rằng thất bại của Hoa Kỳ ở Việt Nam là do chính người Mỹ tự gây ra, và trước hết là đã đánh giá thấp sự kiên trì của giới lãnh đạo Bắc Việt.

Untitled3

Ông Kissinger nói về ông Lê Đức Thọ: “Ông ấy đã mổ xẻ chúng tôi như một bác sĩ giải phẫu với con dao mổ – với sự khéo léo vô cùng”.

Vị cựu cố vấn về chính sách an ninh của Mỹ cũng lên tiếng tán dương ông Lê Đức Thọ, đối thủ của ông trong cuộc hòa đàm Paris. Ông Kissinger nói: “Ông ấy đã mổ xẻ chúng tôi như một bác sĩ giải phẫu với con dao mổ – với sự khéo léo vô cùng”.
 
Washington và Hà Nội đã ký kết một hiệp định hòa bình vào tháng giêng năm 1973, và trong năm đó ông Kissinger và ông Lê Đức Thọ đã được trao giải Nobel Hòa bình vì vai trò của họ trong cuộc hòa đàm. Tuy nhiên, quan chức Việt Nam từ chối không nhận giải.

Trong khi đó, cũng liên quan tới vấn đề biển Đông, khi được hỏi liệu có phải yếu tố Trung Quốc đã khiến Mỹ và Việt Nam xích lại gần nhau không, ông Tom Johnson, Cựu trợ lý điều hành cho Tổng thống Lyndon B. Johnson, một trong các diễn giả của Hội nghị Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ:

“Tôi không thể nói thay cho Washington hoặc Hà Nội. Tôi biết là có người cho rằng Mỹ cần phải tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Tôi cũng biết là hiện có các quan ngại về việc Trung Quốc củng cố quốc phòng và xây dựng các đảo nhân tạo [trên biển Đông]. Nhưng tôi nghĩ rằng đôi bên cũng nhận thấy tầm quan trọng của thương mại”.
 
Ông Johnson nói ông hy vọng rằng ví dụ về sự cải thiện quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ về mặt thương mại và kinh tế sẽ tốt đẹp hơn nữa cả về mặt chính trị.

Đương kim Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh vào ngày 27/4, và dự kiến sẽ đề cập tới mối quan hệ từ thù thành bạn giữa Hà Nội và Washington.

Mời quý vị xem thêm: Mỹ ‘giải mã’ Chiến tranh VN trước chuyến thăm của ông Obama


VOA 27.04.2016

21 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1297)
16 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1458)
BIDEN – TẬP ‘BÀN’ VỚI NHAU NHỮNG GÌ?