Thôi, hãy để cho ông Obama ông ấy làm chuyện "bàng hoàng cách mạng!"

30 Tháng Năm 201612:35 SA(Xem: 16554)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  HAI 30 MAY  2016

 

Thôi, hãy để cho ông Obama ông ấy làm chuyện "bàng hoàng cách mạng!"

 image010

image012

Lý Kiến Trúc

VĂN HÓA, California - Chuyến đi thăm dân cho biết sự tình của Tổng thống Barack Obama đã để lại dấu ấn đậm nét nào trong lòng người dân ba miền đất nước Việt Nam?

Với một đoàn tùy tùng khổng lồ chưa từng có đối với các vị tổng thống Hoa Kỳ trước đây mỗi khi xuất ngoại, TT Obama đến Việt Nam lần này mang theo tất cả tinh hoa của con người và xứ sở Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Hàng trăm nghìn người nam phụ lão ấu Việt Nam đổ ra đường đón TT Obama, hoặc ở nhà nhìn màn ảnh không khỏi lác mắt. Không lác mắt sao được! Hàng chục năm qua hàng tỷ đô la từ Mỹ gởi về Việt Nam cho thấy sức mạnh của đô la nó nặng ký và chinh phục lòng người đến cỡ nào. Nay thì chính ông tổng thống bằng xương bằng thịt, ông chủ đô la thân chinh đến tận một đất nước xa xôi nhỏ tí, kéo theo đoàn tùy tùng "khủng". Bà con ơi! Xuống đường xem nó "khủng" tới cỡ nào! Xuống đường xem nó "choáng" tới cỡ nào bà con ơi!!

Mà choáng ngợp thật. Nội cái đoàn xe cũng đủ áp đảo tinh thần mấy ông thân Tầu. Chẳng bù với ông chủ tịch phương Bắc, dân Việt nghe ông đến "thăm" mà phát ngán ngẩm, nghe ông "diễn thuyết" đến ngủ gục, nghe đì đùng 21 phát đại bác đón ông ở Hoàng thành không biết nó rớt về đâu! Cầu cho nó rớt về phương Bắc.

Thế thì trước hết phe ta phải nhiệt liệt vỗ tay khen ngợi bộ tham mưu của TT Obama ở Hoa Thịnh Đốn, Bộ ngoại giao, tòa Đại sứ Mỹ ở Hà Nội, tòa tổng lãnh sự Mỹ ở Sàigon, và sau đó cực kỳ quan trọng: "sự thân thiết vô hình" của bà con cô bác dành cho Tổng thống Obama.

Nói cho cùng, đoàn tùy tùng và "quái thú cơ khí" chỉ là hình thức cơ bắp qua các lần biểu diễn trên các đường phố Hà Nội - Sàigon; "sự thân thiện" chữ mà TT Obama nói đến trong bài diễn thuyết trước 2000 đại biểu chọn lọc ở Mỹ Đình mới chính là nhân tố làm nhức nhối hàng triệu con tim và cái đầu, lan truyền tới hang cùng ngõ hẻm, mới thực sự chạm đến 95 triệu dân chúng Việt Nam trong ngoài.

Nếu TT Obama nói rằng: "Sự thân thiện đã chạm đến trái tim của tôi..."

Cá nhân tôi xin thưa với Tổng thống rằng: "Sự gần gũi của Tổng thống đã va - đã chạm đến hàng mấy chục triệu trái tim Việt Nam vốn đang bị ru ngủ, ru quên mấy chục năm nay!"

Tôi cũng có thể nói thẳng tuột thêm ra rằng, mấy triệu đảng viên đảng cộng sản Việt Nam từ đất liền ra tới biển cả không phải ai ai cũng đông lạnh sơ cứng (frozen sclerosis) cái đầu và chai lỳ trái tim hết thẩy, họ đều chất chứa tâm hồn Việt Nam như mọi người Việt Nam trên khắp thế giới; riêng giới chóp bu thì phải ngậm đắng nuốt cay vì cái bọn phản động ở Bắc Kinh cực kỳ phản động. Tôi chắc chắn trái tim của những người gọi là cộng sản (1) cũng đều chạm nẩy khi nghe tiếng nói và từng bước đi lại của TT Obama ở Hà Nội và Sàigon. (Với điều kiện toàn bộ chữ nghĩa trong bài diễn văn của TT Obama phải được dịch chính xác, minh bạch và phổ biến công khai khắp mọi nơi qua tiếng Việt).

Và một điểm nữa, cũng cần biểu dương nhà cầm quyền trong nước hầu như không còn đủ sức bưng bít, cấm cản, ai nghe, ai xem, ai bình phẩm về TT Obama. (chắc họ đã được "thấm nhuần" chuyến đi OBAMA: FREE! OBAMA: FREE! trước khi rào đón kỹ lưỡng ông tổng thống xứ cờ hoa đến thămViệt Nam.

Và một điềm nữa cũng xin nói thẳng ra đây: Chương trình thăm viếng các địa điểm từ Hà Nội cho đến Sàigon của TT Obama hoàn toàn do phía Mỹ quyết định lên lịch từng phút từng giờ chứ không ở Bộ chính trị Việt Nam.

Có người cho rằng, phải có sự trao đổi chứ, giống như sự trao đổi "món quả" thà Lm Nguyễn Văn Lý để nhận "lại quả" tốt đẹp từ Mỹ, giống như VN nhận được cú "hích" từ tin bãi bỏ vũ khí sát thương. "Món quà" Lm Lý nhỏ quá, chưa đủ. Thật ra món quà này dành cho quí vị ở tòa lập pháp chứ hành pháp No "Care".

Có đúng như vậy không? Ngay cả bộ tham mưu Bạch Ốc cũng không thể dự kiến, tưởng tượng ra được hàng mấy trăm nghìn người Việt Nam ùa ra đường khi nghe tin Tổng thống Mỹ đến. Ngay cả thời hai đời tổng thống Mỹ là Tổng thống Bill Clinton (2000) và Tổng thống George W. Bush (2006) đến thăm Việt Nam, đều xếp hàng "cơn sốt" sau người của quần chúng (populist): TT Barack Obama. (2)

Dĩ nhiên, người của quần chúng chưa chắc đã "hòa giải hòa hợp" hết "cơn sốt rét" của các nhà lãnh đạo tối cao trong nghiêm cung chính trị.

Bởi vì sao? TT Obama nói: "Đừng quên rằng sự hòa giải giữa hai nước chúng ta đã được dẫn đầu bởi các cựu chiến binh hai bên đã từng phải đối mặt với nhau trong trận chiến".

Cá nhân tôi xin thêm rằng: "Đừng xem thường cái chết của những người lính bất kể phe nào vì hòa bình mang tới cho quí vị hôm nay bắt đầu từ sự dẫn đường ở cái chết đó". 

Vậy thì vấn đề là ở chỗ nào và đâu là lý do?

Vấn đề là: lòng dân ở nội tình đã chịu đựng nỗi thống khổ triền miên trong chiến tranh và ngoại tình là bọn chóp bu Tầu khựa ấp ủ mộng xâm lược đất đai Lạc Việt và nay là thôn tính Biển Đông. Nói cho cùng, "lửa gần nước xa", dân ta, nước ta ở thế gọng kềm lịch sử.

Lý do là: lòng dân ai ai cũng hướng về một đất nước tiêu biểu cho tự do, dân chủ, phú cường vì chỉ có đi với Mỹ thì mới đem lại tự do dân chủ phú cường toàn vẹn lãnh thổ; ngược lại, còn đi với Tầu khựa thì trước sau gì nó cũng ngoặm dần đất và nước ta. Củ hành hũ dưa nó còn ngoặm huống chi "tiền rừng bạc bể".

Trước bàng dân thiên hạ TT Obama tuyên bố rạch ròi: "Tất cả các quốc gia đều có chủ quyền, dù lớn hay nhỏ thì chủ quyền quốc gia đều phải đảm bảo, các nước lớn không được hiếp đáp với các nước nhỏ" ... "Sông núi nước Nam vua nam ở, rành rành định phận tại sách trời". (Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. - Lý Thường Kiệt, phát thanh rầm rộ trong trận sông Như Nguyệt 1076).

Tạm gọi sự kiện 24/5/2016 ở Hà Nội là "Hiện tượng Obama". Hiện tượng này đến từ sức hút của TT Obama hay hệ quả từ các tác nhân khác như tư tưởng thời đại hậu chiến tranh lạnh, xu thế của lực lượng đối lập, trào lưu xã hội dân sự, chủ nghĩa kim tiền thực dụng, chủ nghĩa sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi, chủ nghĩa vong bản, v,v... nhưng trước hết, "Hiện tượng Obama" đã tác động trực tiếp mãnh liệt thấu suốt tâm tư tình cảm tư duy người Việt Nam bất kể giới tính, quan điểm, hay đảng phái.

Thế nhưng nó tác động do những phát kiến nào từ TT Obama khi đề cập đến Việt Nam? Có 6 nhân vật trong lịch sử cổ đại và cận đại VN được TT Obama nhắc đến, mỗi lần TT nhắc đến các nhân vật này thì bà con vỗ tay vang dội.

Thứ nhất là Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt (1019-1105) . TT Obama nói đến Lý Thường Kiệt là ông "diễn lại sử thi" trận chiến chống quân nhà Tống. Lý Thường Kiệt là dòng dõi đời thứ 5 phát huy tột đỉnh đến cái gene tư tưởng Độc lập của tổ tiên Ngô Quyền (3); chiến công phạt Tống bình Chiêm mở rộng bờ cõi phương Nam là chiến công lịch sử quan trọng bậc nhất của Đại Việt; 

Thứ hai, TT Obama "lẩy Kiều", nói mà như "ngâm thơ cổ" của cụ Tiên Điền Nguyễn Du tức mượn lời thơ của một tác phẩm thi ca Việt Nam lừng danh trên văn đàn thế giới qua hình ảnh cô Kiều và chàng Kim Trọng, để khéo nhắc tới cái mối liên hệ giữa Việt Nam và chú GI Mỹ đã xuất hiện từ thời ông Hồ Chí Minh và Thiếu tá OSS Archimedes Patti, lại còn nhắc chuyện ông Hồ "trích" ngôn từ trong bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ làm ngôn từ chính cho bản Tuyên ngôn Độc lập nước VNDCCH;

Thứ ba, nhắc đến câu nói của vị thiền sư Phật giáo Nhất Hạnh nổi tiếng thế giới:“Bằng đối thoại chân thành, cả hai bên đều sẵn sàng thay đổi , tức là ông Obama muốn nhắc khéo nhà cầm quyền hiện nay khi tham dự vào các cuộc đối thoại thì nên Bằng đối thoại chân thành, ngay cả với chính người dân trong - ngoài nước khi nhà nước chủ trương kêu gọi "hòa giải hòa hợp dân tộc" cũng nên bằng đối thoại chân thành, vì nếu anh không chân thành đối thoại thì anh cũng chỉ nhận được sự đối thoại không chân thành của khách thể. (4).

TT Obama mượn câu nói chính trị của Thiền sư Nhất Hạnh là ông có ý chứa chan tư tưởng đối thoại chính trị song phương, đối thoại song phương Việt - Mỹ trong nhân quyền dân quyền và có thể sẽ đến lúc đối thoại song phương dân chủ giữa người Việt "quốc gia" và người Việt "cộng sản".

Ông Obama nói trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, ông mới 13 tuổi không biết mùi chiến tranh là gì, các bạn trẻ cùng lứa tuổi với ông cũng không biết mùi chiến tranh. Chiến tranh đã qua rồi, nhưng chưa có một tổng thống Mỹ nào nói một cách khẳng định rằng: "chiến tranh, cho dù mục đích của mỗi bên có là gì đi chăng nữa, cũng chỉ đem lại những đớn đau và bi kịch"; rằng: chiến tranh Việt Nam là do ảnh hưởng của ngoại bang "xía vào".   

Nhắc đến chiến tranh và hòa bình, tôi xin mượn và thêm vào câu viết của Ts Trần Công Trục như sau: "Đặc biệt, ông Obama không né tránh Chiến tranh Việt Nam / Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một đề tài có thể nói là nhạy cảm và khó diễn đạt đối với rất nhiều người, sao cho lịch sử không bị lãng quên nhưng cũng không khơi lại nỗi đau của của chiến tranh".

Tôi xin thêm vào: "Nỗi đau của cuộc chiến hai miền Nam Bắc không thể lãng quên vì chính là do ngoại bang đã xúi bẩy, giật dây, đã tạo ra cuộc chiến huynh đệ tương tàn". Vì sao bị xúi bẩy, giật dây, thiết nghĩ, ai cũng biết rồi.

Nhắc đến tôn giáo là nhắc đến đời sống tâm linh, niềm đam mê, niềm thành kính và tình yêu bát ngát đối với vị siêu phàm.

Trong chương trình thăm viếng một cơ sở tôn giáo của TT Obama, rõ ràng từ sân bay Tân Sơn Nhất chiếc Cadilac chở ông chạy thẳng đến chùa Ngọc Hoàng để "lễ Phật". Chùa Ngọc Hoàng không phải là ngôi chùa to lớn có tầm vóc lịch sử tiêu biểu cho nền Phật giáo Việt Nam hàng ngàn năm trước và hiện nay.

Ở Sàigon có những ngôi chủa nổi tiếng như chùa Việt Nam Quốc Tự, chùa Ấn Quang, chùa Già Lam, chùa Xá Lợi, chùa Thanh minh Thiền viện ... đấy là những ngôi chùa chứng kiến nhiều năm thăng trầm của lịch sử; thế nhưng, danh sách các ngôi chùa này không nằm trong giờ giấc thăm viếng của tổng thống kể mà lọt vào đó chùa Ngọc Hoàng; khó hiểu thật!

Có ông "dẫn giải" nào đó giải thích vì lý do an ninh phòng thủ cho tổng thống an toàn nên đặc vụ chọn chùa Ngọc Hoàng; vì nó nhỏ!

Thông thường, nghi lễ bình thường bất kể người nào khi bước chân vào nhà chùa đều có quyền lễ Phật bằng cách thắp ba nén hương. Hương thơm đốt lên là để bày tỏ lòng tôn kính với bậc thánh nhân siêu phàm chứ khói hương không có năng lượng làm biến chất thể xác hay chuyển đổi tâm hồn người ta được, hay khiến người ta mang "trọng tội" với vị siêu phàm mà họ đang thờ phượng. 

Rất tiếc ông tiến sĩ thần học dẫn giải và "khuyên" TT Obama không nên thắp hương vì ông Obama theo đạo Tin Lành sẽ có tội với Chúa!!! Rồi cũng theo báo trong nước viết ông trụ trì còn hỏi tổng thống có muốn cầu có con trai không? Cả một đội ngũ tăng đoàn Phật giáo cả nước ở đâu mà không tiến cử vị cao tăng Đại thừa, Tiểu thừa nào đến dẫn giải cho tổng thống về lịch sử ngôi chùa Ngọc Hoàng và tư tưởng Phật giáo? 

Rõ là nhảm.

Thứ tư, TT Obama nhắc đến nhà cách mạng Phan Chu Trinh và tuổi trẻ toán học Ngô Bảo Châu. Cụ Phan Chu Trinh thì miễn bàn, sướng nhất là Toán học gia Ngô Bảo Châu.

Thứ năm, TT Obama trích ca từ "Từ đây người biết quê người/Từ đây người biết thương người / Từ đây người biết yêu người..." trong bài Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao để nói về tình yêu của con người đối với con người. Với một tâm hồn Vô lượng thọ Phật như TT Obama, trong thâm tâm ông kêu gọi "quí vị ơi, hãy thương người như thể thương thân, hãy thương dân như thương con đẻ". 

Tôi không biết TT Obama hay Bộ tham mưu chuyên nghề viết diễn văn có thuộc hết ca từ bài "Tiến quân ca" Văn Cao hay không? (5). Trong bài "Tiến quân ca" đó có đoạn: Cờ in máu ...,  xây xác quân thù ... Khiếp! TT Obama và cả ông tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang đang ra sức kêu gọi "Hòa Bình". thế mà ta mà vẫn cứ hát câu "Cờ in máu", "Xây xác quân thù".

Tuy nhiên, công bằng mà nói, lịch sử ra đời bài "Tiến quân ca" vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là hợp thời hợp cách. "Tiến quân ca" góp phần vang lừng chiến thắng Điện biên phủ.

Nhưng "Tiến quân ca" Văn Cao không thể tương tợ như bốn câu thần thơ thánh chữ "Nam Quốc Sơn Hà" mà tướng quân Lý Thường Kiệt sử dụng trong trận chiến sông Như Nguyệt. "Tiến quân ca" tượng trưng cho một thời giai cấp vô sản lên ngôi "thề phanh thây uống máu quân thù". Khiếp! Tướng lĩnh Đại Việt đánh thắng kẻ thù xong còn cấp lương, bắc cầu cho xuôi về nước.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam khởi đi từ năm 1930 - 1975, nhiều loại máu của nhiều dân tộc trên thế giới tưới lên mảnh đất khô cằn, trong đó máu đỏ da vàng ba miền Nam Trung Bắc của ta tưới ngập đỏ lòm sông, xương chất cao thành núi. Tôi nghĩ, nhắc đến Văn Cao, TT Obama trích vài ca từ trong bài "Mùa xuân đầu tiên" thay vì trích ca từ bài "Tiến quân ca" của nhạc sĩ Văn Cao là một ẩn dụ nhân bản cao cả và độ lượng.

Thứ sáu, TT Obama là một vị tổng thống rất ưa chuộng văn chương nghệ thuật, ông từng hát say mê ở phòng Văn Nghệ tòa Bạch Ốc tặng khán giả. Hình như các nhà lãnh đạo hàng đầu Hoa Kỳ đều ưa âm nhạc và thích chơi nhạc cụ. TT Bill Clinton thổi kèn Trumpet số một, bà Cố vấn An ninh quốc gia Condoleezza Rice chơi Piano cổ điển, đệ nhất phu nhân Michelle Obama mê tứ quái The Beatles, v.v... TT Obama có mê nhạc và lời Trịnh Công Sơn mới nhắc đến Sơn chứ.

TT Obama thích ca khúc "Nối vòng tay lớn" của nhạc sĩ họ Trịnh. Trịnh Công Sơn viết ca khúc này vào năm 1970, năm mà cuộc chiến tranh Việt Nam bước vào đỉnh điểm. Có thể nói toàn bộ ca khúc Trịnh Công Sơn là bộ sử thơ nhạc về cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhạc ngữ của họ Trịnh là dòng trường thi chảy than thở thân phận người dân Việt nhược tiểu, âm giai của dòng nhạc là khúc tân đoạn trường của máu đỏ da vàng. Tuyệt đối, các tuyển tập ca khúc của ông không viết một chữ nào nhạo báng "đế quốc Mỹ" mà  chỉ viết "Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu; Một trăm năm đô hộ giặc Tây", "Hai mươi năm nội chiến từng ngày..." Phản đối chiến tranh, Trịnh Công Sơn viết: "Chính chúng ta phải nói hòa bình". (6)

Thập niên 1965-1975, nhạc sĩ học Trịnh viết "Nối vòng tay lớn" là để nối vòng tay của người Việt Nam với nhau tìm đến hòa bình chứ không viết để nối vòng tay Việt - Mỹ. TT Obama mượn nhạc ngữ "Nối vòng tay lớn" của họ Trịnh để nối vòng tay Việt - Mỹ trong bài diễn thuyết thì tài nghệ văn học nghệ thuật âm nhạc Việt Nam vượt bậc của tổng thống lên tới đỉnh Hoàng Liên Sơn.

Tôi nhớ có lần một ký giả Sàigon phỏng vấn TT Thiệu hỏi, TT thích nhạc của ai? ông Thiệu nói tôi thích nhạc Trịnh Công Sơn. TT Thiệu nổi tiếng "ba không" nhưng vẫn thích hòa bình của Trịnh Công Sơn. Tông tông cực kỳ mâu thuẫn. Không chỉ Tông tông thích mà cả miền Nam cũng thích. Sau ngày "phỏng giái" cả nước từ Bắc chí Nam đều thích.

Thứ bẩy, TT Obama không nhắc tới chính khách đề xướng ra lệnh cấm vận mua bán vũ khí sát thương cho các nước cộng sản, nhưng ông long trọng tuyên bố bãi bỏ lệnh này trước nhà nước cộng sản còn sót lại và toàn dân Việt Nam. Đây là một quyết định lịch sử đối với một nước còn vương vấn mấy chữ đảng cộng sản. 

Theo quan sát, có người cho rằng việc bãi bỏ cấm vận vũ khí là một thắng lợi ngoại giao của cả hai quốc gia; có người cho rằng chưa hẳn bãi bỏ là thả cửa cho Việt Nam muốn mua vũ khí nào của Mỹ thì mua; có vị biện luận rằng chính hành động xâm chiếm biển đảo của Tầu khựa đã khiến ông Obama quyết định bãi bỏ cấm vận cho VN; có vị cường điệu thắc mắc, bán vũ khí cho cộng sản để cộng sản lấy nó đàn áp dân oan!!!

Các ý kiến phẩm bình trên, có lẽ phải đánh giá lại từng phần.    

Tạm kết

Trước đây, cái tư tưởng: "Ta đánh là đánh cho Liên Sô và Trung Quốc" cũng như cái tư tưởng "Biên giới Hoa Kỳ kéo đến tận vĩ tuyến 17" chắc chắn đã tan thành mây khói sau khi TT Obama tuyên bố hôm 24/5/2016 rằng: "Tất cả các quốc gia đều có chủ quyền, dù lớn hay nhỏ thì chủ quyền quốc gia đều phải đảm bảo, các nước lớn không được hiếp đáp với các nước nhỏ".

Chắc chắn, qua chuyến đi thăm từ Hà Nội cho đến Sàigon, Tổng thống đã thấy, đã nghe, đã có niềm tin, "lúc nào cũng vậy, luôn luôn bắt nguồn từ tình hữu nghị và khát vọng chung của cả hai dân tộc". Tổng thống đã bắt mạch được tiếng nói từ trái tim Con Người Việt Nam đủ mọi tầng lớp, đủ mọi khía cạnh, mọi lãnh vực, mọi góc độ.

Tổng thống rao truyền niềm tin:

- "Mối quan hệ lâu dài của hai đất nước chúng ta, bắt đầu từ Thomas Jefferson từ hơn hai thế kỷ trước, bây giờ bắt đầu một chu kỳ mới".

- "Thế hệ trẻ trước đây của người Mỹ đến Việt Nam để chiến đấu, nhưng thế hệ sau của chúng tôi lại đến để đóng góp cho sự phát triển, dạy học và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị hai nước" ...

- "nhân phẩm chỉ có thể được thúc đẩy tốt nhất qua hợp tác, chứ không phải xung đột".

- "giờ đây quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam cho thấy có thể tạo ra sự thay đổi để có tương lai tốt đẹp hơn, nếu chúng ta không chấp nhận làm tù nhân của quá khứ".

*

Không còn ngòi bút nào có thể diễn tả hơn bài diễn văn tuyệt tác của Tổng thống Obama; tốt nhất, thôi, hãy để cho cái ông ốm nhom ốm nhách, đi đâu cũng chỉ có cái áo sơ mi trắng sắn tay, bộ com lê không ủi (là), bươn chải hết chỗ này đến chỗ nọ, từ cái quán chả cá bình dân đến cái cửa hàng cốm Bắc nghèo nàn dưới cơn mưa dầm dề, đến cái chòi trà đá lẻ loi bên đường, để thấu suốt trái tim mình và nhìn thấu tình người trong mỗi chúng ta, hai dân tộc Việt-Mỹ; thôi, hãy để ông Obama ấy, cái ông gầy như ngọn tre làm chuyện "bàng hoàng cách mạng" cả nước./ (7)

Lý Kiến Trúc - California 26/5/16

____________________________________

(1) Ông Võ Văn Kiệ trả lời phỏng vấn của nhà báo Xuân Hồng BBC rằng: “Tôi cho hòa giải, hòa hợp dân tộc, hai chiến tuyến trước đây cho là một bên là “quốc gia” và một bên là “cộng sản”. Bây giờ tôi cho không có chuyện một bên là ‘quốc gia’ và một bên là ‘cộng sản’, cái đó là vô lý”.

“Một số anh em trước đây chiến đấu bên cạnh Mỹ nhân danh là “người quốc gia” và coi chúng tôi là những người “cộng sản” chứ không phải “quốc gia”. Không phải! Chúng tôi là “quốc gia” chứ, chúng tôi yêu nước, chúng tôi chiến đấu cho dân tộc này cho quốc gia này! Các ông hãy xem xuyên suốt chúng tôi có chiến đấu cho một quốc gia nào khác không nào?”

“Nếu nói đầy đủ hơn tôi là người quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản. Chứ anh coi như người cộng sản không có quốc gia không có dân tộc là hoàn toàn không đúng. Bây giờ phải nói với nhau là quốc gia là của mình, của chúng ta, dân tộc là của chúng ta. Ngoài ra, không còn cái gì khác biệt nữa.

(2) Ngày 17 tháng 11 năm 2000, Bill Clinton, cùng với vợ và con gái, Hillary và Chelsea Clinton, bắt đầu chuyến viếng thăm Việt Nam kéo dài bốn ngày. Clinton là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm đất nước này kể từ lúc chấm dứt cuộc chiến Việt Nam 25 năm trước. (wikipedia)

(3) Tướng quân Lý Thường Kiệt khi đi đánh phương nam với Vua Lý Thánh Tông đã bắt sống được vua Chiêm là Chế Củ. Cuối cùng Chế Củ phải chịu hàng, dâng 3 châu để được tha về nước. Theo Phả hệ họ Ngô Việt Nam, nguyên danh của ông là Ngô Tuấn (吳俊), tự Thường Kiệt (常傑), sau được ban quốc tính nên có tên là Lý Thường Kiệt. Ônglà con của Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ, cháu của Ngô Ích Vệ, chắt của Sứ quân Ngô Xương Xí và cháu 5 đời của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập–hoàng tử trưởng của Ngô Quyền[2], người phường Thái Hòa, thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Có tài liệu[3] lại nói quê ông là làng An Xá, huyện Quảng Đức (Cơ Xá, huyện Gia Lâm ngày nay). Cha ông làm Thái úy đời Lý Thái Tông[4], quê ở huyện Câu Lậu, Tế Giang (nay thuộc huyện Mỹ Văn, Hưng Yên), được vua ban quốc tính, vì mới có tên là Lý Thường Kiệt. Cha của Đỗ Anh Vũ gọi Lý Thường Kiệt là cậu ruột[5]. Sử sách Trung Quốc thường chép tên ông là Lý Thường Cát hoặc Lý Thượng Cát[6]. (wikipedia)

(4) Thật ra thuật ngữ "thực tâm đối thoại" theo như lời TT Obama quả là khó vô lường trước "xảo ngữ". Nhiều bình luận về cuộc hòa đàm Paris 1973, trong đó cho rằng một phần giới lãnh đạo miền Nam VN không hiểu rõ, đánh giá chính xác ngữ nghĩa của phía CS dùng trong các lần hội nghị. Mơ hồ về chữ nghĩa hiện nay vẫn còn như làn mây đen che mắt trong suy nghĩ người Việt hải ngoại. 

(5)

Lời 1

Đoàn quân Việt Nam đi

Chung lòng cứu quốc

Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa

Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước,

Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca.

Đường vinh quang xây xác quân thù,

Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu.

Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,

Tiến mau ra sa trường,

Tiến lên, cùng tiến lên.

Nước non Việt Nam ta vững bền.

Lời 2

Đoàn quân Việt Nam đi

Sao vàng phấp phới

Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than

Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới,

Đứng đều lên gông xích ta đập tan.

Từ bao lâu ta nuốt căm hờn,

Quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn.

Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,

Tiến mau ra sa trường,

Tiến lên, cùng tiến lên.

Nước non Việt Nam ta vững bền.

 

(6)Nhiều ca khúc của ông có thông điệp phản-chiến trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam và phần lớn bị cả hai bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòaViệt Nam Cộng hòa cấm đoán. Ngày 30 tháng Tư, 1975, ca khúc "Nối vòng tay lớn" do chính Trịnh Công Sơn hát ở đài phát thanh VNCH lúc ấy đã nằm trong tay quân giải phóng.

- Tội” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là ông đã làm nhạc phản chiến một cách chung chung, không phân biệt được chiến tranh xâm lược và chiến tranh giải phóng dân tộc trong bài “Gia tài của mẹ” với câu Hai mươi năm nội chiến từng ngày. Thậm chí ông còn làm nhạc ca ngợi địch trong bài “Cho một người nằm” xuống thương tiếc đại tá không quân Sài Gòn Lưu Kim Cương. (theo wikipedia)

- (theo một thân hữu gởi e-mail về cho tòa soạn cho biết: Chu thich ve toi cua trinh cong son co le do phia Viet cong  ket toi vi lam bai hat " cho mot nguoi nam xuong" khi Dai ta LKC bi viet cong ban se bang sung phong B40 tai nghia dia TAY TAN SON NHAT. Dai ta KQ LUU KIM CUONG khong tu tran trong phi vu PHAT BAC.

(Tòa soạn báo Văn Hóa xin cám ơn góp ý về chi tiết cái chết của Cố đại tá Lưu Kim Cương).

(7) Tất nhiên không thể loại trừ kỹ năng "choáng ngợp" biểu diễn trước đối tượng của bộ tham mưu Bạch Ốc; thế nhưng, kỹ thuật cơ khí thượng thặng nhìn thấy gồm Air Force One, Marine One, Cadilac chống đạn, "quái thú", v.v... và dàn bảo vệ an ninh áp đảo sẽ rơi mau vào quên lãng, nếu bà con ta không tận mắt nhìn thấy cánh áo sơ mi trắng sắn tay phong phanh, bộ quần giản dị tới mức không thể tin được về lối ăn mặc của vị tổng thống đệ nhất siêu cường! Trong lúc từ ngữ và cái a la mốt hiện nay ở nước ta đang tập lối sống "giầu đi với sang", có nghĩa là trời nóng như đổ lửa nhưng vẫn thắt cà vạt, choàng khăn phu loa mỗi khi ra đường!!

21 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1298)
16 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1458)
BIDEN – TẬP ‘BÀN’ VỚI NHAU NHỮNG GÌ?