Cảnh giác trên Biển Đông sau Tuyên bố chung Trung - Nga

30 Tháng Sáu 201611:49 CH(Xem: 9033)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  SÁU 01  JULY 2016

Cảnh giác trên Biển Đông sau Tuyên bố chung Trung - Nga

Ts Trần Công Trục

09:10 28/06/16

(GDVN) - Khi Philippines bị Trung Quốc đưa vào tầm ngắm dùng vũ lực, thì cái gì đảm bảo mục tiêu tiếp theo sẽ không phải là Việt Nam? Lúc đó Nga sẽ phản ứng thế nào?

LTS: Càng gần ngày Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vụ Trung Quốc bị Philippines khởi kiện nội dung áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), Trung Quốc càng tìm cách vận động lôi kéo các nước đứng về phía mình chống lại vai trò, phán quyết của PCA.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc vừa qua cũng đã ra tuyên bố chung với người đồng cấp Tập Cận Bình, trong đó có đề cập đến Biển Đông cũng như quan hệ giữa Trung - Nga với Hoa Kỳ và phương Tây có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Biển Đông.

Dù Việt Nam không phải nước khởi kiện, nhưng sẽ là quốc gia được hưởng lợi ích rất lớn cùng khu vực khi PCA ra phán quyết hủy bỏ đường lưỡi bò phi pháp. Dù vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông không có bất kỳ cái gọi là "vùng chồng lấn" nào với Trung Quốc nhưng vẫn thường xuyên bị Trung Quốc xâm phạm, đe dọa.

Tiến sĩ Trần Công Trục, một chuyên gia về biên giới lãnh thổ và Luật Biển, UNCLOS 1982 đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận của ông xoay quanh vấn đề này, ngõ hầu làm rõ tính toán của các siêu cường có tác động ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông và hòa bình, ổn định trong khu vực.

Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này, văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Vai trò và lập trường chính thức của Nga trong vấn đề Biển Đông và vụ kiện của Philippines ngày càng được dư luận quan tâm, chú ý.

Cho đến nay về mặt ngoại giao Nga và Trung Quốc là hai đối tác hợp tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Trung Quốc vừa là láng giềng sát vách có nhiều ân oán thăng trầm, vừa là nước đang chiếm đóng bất hợp pháp Hoàng Sa và 7 thực thể ở Trường Sa của Việt Nam, leo thang quân sự hóa Biển Đông gây căng thẳng trong khu vực.


image053

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Còn Nga là nhà cung cấp vũ khí trang bị lớn nhất của Việt Nam, đối tác chủ yếu của Việt Nam trong hoạt động khai thác dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam. Nói cách khác, các hoạt động hợp tác chủ yếu Nga - Việt hiện nay hầu hết có liên quan đến Biển Đông.

Bởi vậy những động thái hợp tác giữa hai nước này về vấn đề Biển Đông càng trở nên quan trọng trong tìm hiểu và nắm rõ ý đồ, tránh những thiệt hại không đáng có.

Tuyên bố chung Trung - Nga về Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam

Nội dung quan trọng nhất về Biển Đông trong Tuyên bố chung Trung - Nga được Nhân Dân nhật báo ngày 26/6 đăng tải như sau:

"Trung Quốc và Nga chủ trương căn cứ vào quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, bảo vệ chế độ luật pháp trên biển trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Tất cả các tranh chấp liên quan đều nên giải quyết thông qua đàm phán hiệp thương hòa bình hữu nghị giữa các bên đương sự, phản đối quốc tế hóa và can thiệp từ bên ngoài".

Thông thường, nếu lướt qua có lẽ có người cho rằng nội dung tuyên bố này không có vấn đề gì phải bàn cãi, thậm chí có thể nói là phù hợp với các nguyên tắc pháp lý quốc tế nói chung và UNCLOS 1982 nói riêng.

Tuy nhiên nếu phân tích kỹ, người viết cho rằng nội dung tuyên bố này là chưa hoàn chỉnh, không thể hiện hết và đầy đủ nội dung có liên quan đến nguyên tắc giải quyết các loại tranh chấp quốc tế theo quy định của Công pháp quốc tế và của UNCLOS 1982.

Bởi vì, đàm phán, hiệp thương giữa các bên liên quan để giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế không phải là giải pháp duy nhất. Nếu đàm phán, hiệp thương không thành công thì phải thông qua các cơ quan tài phán quốc tế, kể cả việc phải nhờ đến sự can thiệp của Liên Hợp Quốc để giải quyết tranh chấp, tránh xung đột, chiến tranh hay giải quyết bằng vũ lực.

Vì vậy, quốc tế hóa và sự can thiệp mang tính xây dựng của bên thứ 3 là điều hết sức cần thiết, không thể thiếu được trong một thế giới văn minh, tiến bộ của loài người. Thực tế này đã và đang diễn ra trong quan hệ quốc tế mà chắc chắn mọi người đều đã chứng kiến.

Những gì đang xẩy ra tại khu vực Trung Đông, Ukraine, cuộc chiến chống khủng bố IS…phải chăng đó chỉ là biện pháp đàm phán, hiệp thương giữa các bên trực tiếp liên quan, không quốc tế hóa, không có sự can thiệp của bên thứ 3? 

Để hiểu rõ thực chất quan điểm của Nga, xin hãy lưu ý đến quá trình sau đây: 

Tiếp theo những phát biểu có chủ ý của Ngoại trưởng Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bây giờ là đến Tuyên bố chung Trung - Nga trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin, Nga đã thể hiện rõ lập trường rất có lợi cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông mà có thể đe dọa làm tổn hại lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, trong đó có Việt Nam.

Nếu như hai lần trước, Nga chỉ nói về "tranh chấp lãnh thổ / chủ quyền" ở Biển Đông phải được giải quyết qua đàm phán, phản đối quốc tế hóa và can thiệp của bên thứ ba, thì tuyên bố chung lần này, Nga đã chấp nhận phương án có lẽ do Trung Quốc chuẩn bị sẵn: "Tất cả các tranh chấp liên quan cần được giải quyết thông qua đàm phán".

Lập trường này một mặt đã trực tiếp công khai thái độ của Nga với tất cả các tranh chấp pháp lý phức tạp ở Biển Đông chứ không chỉ còn là "tranh chấp chủ quyền / lãnh thổ", mặt khác còn công khai đòi gạt cơ quan tài phán quốc tế ra ngoài trong bối cảnh phán quyết của PCA đã sắp cận kề.

Điều được dư luận mong đợi nhất là PCA sẽ ra phán quyết hủy đường lưỡi bò bất hợp pháp, tránh để Trung Quốc vin cớ xâm hại quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước ven Biển Đông bao gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia.

Về mặt pháp lý, tất nhiên Tuyên bố chung Trung - Nga hay bất kỳ phát biểu của chính khách, quốc gia nào cũng không ảnh hưởng đến phán quyết của PCA, đó vẫn là phán quyết có hiệu lực pháp lý của một cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền, cần được thực thi.

Nhưng việc đấu tranh với Trung Quốc buộc Bắc Kinh thực thi nghĩa vụ, trách nhiệm của một thành viên UNCLOS 1982 sẽ trở nên khó khăn hơn.

Dù Nga là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, chiếm một vị trí quan trọng trong tình cảm của không ít người Việt Nam, cũng như chính sách đối ngoại của Việt Nam, nhưng theo người viết việc nào phải ra việc đó.

Chỉ có ứng xử công khai, minh bạch, tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc của luật pháp quốc tế mới giúp hai nước duy trì và bảo vệ tình hữu nghị được lâu dài. Do đó đã là bạn bè, cái gì sai chúng ta góp ý, đấu tranh, cái gì đúng chúng ta bảo vệ.

Vì tình cảm, vì giữ quan hệ mà né tránh những vấn đề tổn hại tới lợi ích quốc gia dân tộc chẳng những không giúp gì cho quan hệ hai nước, mà còn là mầm mống tạo nên nghi kỵ và chia rẽ.

Nga có lợi ích và tính toán của Nga, chúng ta cũng vậy. Để dung hòa và chia sẻ với nhau, cần có những đối thoại hết sức thẳng thắn, khách quan, cầu thị, chân thành trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Bởi lẽ ngoài tình cảm và mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, hai dân tộc thì các hoạt động hợp tác quan trọng Nga - Việt đều liên quan đến Biển Đông, đều bị đường lưỡi bò đe dọa, đó là hợp tác khai thác dầu khí và hợp tác quốc phòng - quân sự.

Do đó chúng ta không thể không tính đến những nguy cơ bất lợi, thậm chí đe dọa quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trong Tuyên bố chung Trung - Nga, rõ ràng Bắc Kinh muốn tận dụng tiếng nói của Moscow để tìm cách ngăn cản, xóa bỏ quyền sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình bằng con đường pháp lý, thông qua cơ quan tài phán quốc tế được quy định rõ trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, UNCLOS 1982 của các bên liên quan, trong đó có Việt Nam.

Cho dù đây là vụ kiện của Philippines, nhưng đối tượng mà Bắc Kinh nhắm tới theo tôi sẽ là Việt Nam, bởi dù sao Manila đã khởi kiện rồi. Trung Quốc không chỉ chống Philippines, Nga đứng về Trung Quốc trong vụ kiện của Philippines không có nghĩa là chúng ta không bị ảnh hưởng.

Cảnh giác với nguy cơ trên Biển Đông

Chắc chắn Trung Quốc, Nga, Campuchia hay bất kỳ quốc gia nào đi nữa có lên tiếng phản đối thì PCA vẫn ra phán quyết. Đó là phán quyết hợp pháp của cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền về việc áp dụng, giải thích UNCLOS 1982, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tác động trực tiếp đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Tuy nhiên với những gì Trung Quốc đang thể hiện có thể thấy, dường như các nhà lãnh đạo nước này đang bất chấp tất cả uy tín và danh dự, luật pháp và công luận để thực hiện bằng được mục tiêu bành trướng Biển Đông và biến nó thành ao nhà.

Vì vậy nhiều người lo ngại, phán quyết của PCA có thể là cái cớ để Trung Quốc leo thang, phiêu lưu và có hành động nguy hiểm trên thực địa.

Ngoài những thông tin và bình luận từ truyền thông về khả năng Trung Quốc đơn phương rút khỏi UNCLOS hay áp đặt cái gọi là "vùng nhận diện phòng không" bất hợp pháp ở Biển Đông, thì xã luận Nhân Dân nhật báo ngày 27/6 lộ ra lời đe dọa, Trung Quốc có thể chiếm bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa hiện do Philippines chiếm đóng.

Bài xã luận nặng mùi thuốc súng của Nhân Dân nhật báo nói rằng, quân đội Trung Quốc hoàn toàn có thể kéo đổ xác con tàu cũ Philippines lấy làm nơi đóng quân ở bãi Cỏ Mây, nhưng vì sự ổn định của Biển Đông, Trung Quốc đã kiềm chế, kiên nhẫn cao độ. Tuy nhiên, "một tấc lãnh thổ của mình Trung Quốc cũng sẽ phải bảo vệ".

South China Morning Post ngày hôm qua 27/6 đưa tin về bài xã luận này đã nhắc lại, tháng 11 năm ngoái, Lưu Chấn Dân - Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh "thực sự đã rất kiềm chế, nếu không đã thu hồi tất cả các đảo bị chiếm đóng ở Biển Đông".

Vậy vấn đề đặt ra là, khi người lãnh đạo cao nhất Trung Quốc công khai 3 lần tuyên bố với thế giới về cái gọi là "chủ quyền không tranh cãi của Trung Quốc với các đảo trên Biển Đông từ thời cổ đại" thì không nên và không thể hiểu những phát ngôn đe dọa của Lưu Chấn Dân, Nhân Dân nhật báo chỉ là rung cây dọa khỉ, chót lưỡi đầu môi.

Người Trung Quốc vẫn có câu, vua không nói chơi. Những gì đang diễn ra trên thực địa với hoạt động củng cố chiếm đóng, phiêu lưu quân sự hóa Biển Đông càng chứng tỏ điều đó.

Và khi Philippines bị Trung Quốc đưa vào tầm ngắm dùng vũ lực, thì cái gì đảm bảo mục tiêu tiếp theo sẽ không phải là Việt Nam? Lúc đó Nga sẽ phản ứng thế nào?

Nên nhớ, ngay từ khi còn là "đồng chí, anh em" môi hở răng lạnh, năm 1956 Trung Quốc đã chiếm nửa phía Đông Hoàng Sa, năm 1974 khi chúng ta đang tập trung vào thống nhất đất nước, họ xâm lược nốt nửa phía Tây Hoàng Sa.

Và cũng nên nhớ rằng, tháng 3 năm 1988 khi Trung Quốc xâm lược Gạc Ma và thảm sát 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam làm nhiệm vụ xây dựng tay không tấc sắt, hải quân Liên Xô đóng ở Cam Ranh án binh bất động.

Những bài học lịch sử này theo tôi luôn có tính thời sự nóng hổi mà mỗi người Việt Nam cần nhớ nằm lòng, không được phép lãng quên mà dẫn đến sao nhãng, cả tin, hy vọng vào những điểu viển vông mà quên mất thực tại.

Nga đã ủng hộ Trung Quốc gạt bên thứ ba mà cá nhân tôi cho là bao gồm cơ quan tài phán, dư luận khu vực và quốc tế ra khỏi Biển Đông, gạt các giải pháp pháp lý được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, UNCLOS 1982 ra khỏi các kênh giải quyết vấn đề Biển Đông thì ai dám chắc, một ngày nào đó Trung Quốc động thủ ở Trường Sa, Nga không nhắm mắt làm ngơ?

Nói như vậy không phải là chống phá quan hệ Việt - Nga như một số người có thói quen chụp mũ, áp đặt lập trường và độc quyền chân lý vẫn hay thể hiện.


image055

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin, ảnh: SCMP

Nói như vậy để chúng ta tỉnh táo. Bên cạnh việc củng cố giữ gìn tình hữu nghị quốc tế và tìm kiếm ủng hộ, chúng ta cũng cẩn cảnh giác đấu tranh với bất kỳ tính toán, hành vi nào phương hại đến độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam nói chung, trên Biển Đông nói riêng.

Nói như vậy cũng để tránh tâm lý chủ quan mất cảnh giác, tình cảm hóa, cảm xúc hóa các vấn đề chiến lược một cách duy ý chí kiểu như, đồng chí anh em thì không bao giờ hại nhau, láng giềng bè bạn thì không bao giờ phản nhau, nước này nước kia là số một, chỉ có nước này nước kia mới "tốt" với Việt Nam hay là "bạn bè thực sự" của Việt Nam....

Tỉnh táo, cảnh giác, hành động ứng xử theo pháp luật quốc tế thiết nghĩ mới là cách để bảo vệ tình hữu nghị mà không làm tổn hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thượng tôn công lý, học hỏi các nước phát triển trong quan hệ với các nước lớn là cách bảo vệ mình tốt nhất

Lập trường của Đảng và Nhà nước Việt Nam không theo nước này chống nước kia, không liên minh quân sự với nước này chống nước khác, không cho bất kỳ nước nào sử dụng lãnh thổ Việt Nam chống lại một nước thứ ba theo tôi là hoàn toàn chính xác.

Có điều, chúng ta tuyệt đối không nên nhầm lẫn nguyên tắc chung sống hòa bình này với việc đấu tranh chống lại các âm mưu, hành vi bành trướng, cá lớn nuốt cá bé trong quan hệ quốc tế ngày nay cũng như trên Biển Đông.

Muốn phân biệt rạch ròi một hành động, một lựa chọn là chống lại các hành động bành trướng, xâm lược, vi phạm luật pháp quốc tế hay chống lại "một nước thứ 3", thì cần phải dùng Công pháp quốc tế, công lý và lẽ phải làm thước đo, đặc biệt là trên Biển Đông với rất nhiều loại tranh chấp phức tạp như hiện nay.

Nga đang cần tiền Trung Quốc, còn Bắc Kinh đang cần uy tín của Moscow trong một số vấn đề quốc tế, cụ thể là chống phán quyết của PCA, theo tôi đó là sự thật không thể chối cãi.

Nhưng trong lịch sử, khi cả hai nước tuyên bố là đồng chí, anh em môi hở răng lạnh thì vẫn không thoát khỏi những tính toán lợi ích chi phối, cuối cùng trở thành thù địch.

Khi lợi ích giữa Liên Xô và Trung Quốc cùng một hướng, thì anh em mật thiết tưởng như không bao giờ, không một ai có thể chia rẽ. Nhưng khi lợi ích mâu thuẫn hay kèn cựa địa vị, lập tức quay ra cắn xé nhau. Diễn biến lịch sử quan hệ Trung - Xô suốt mấy chục năm trong và sau Chiến tranh Lạnh đã cho thấy điều đó. 

Ngay chính Việt Nam chúng ta cũng đã từng là nạn nhân của cạnh tranh ảnh hưởng giữa "anh cả với anh hai", giữa các nước lớn, và ngay cả giữa chúng ta với Trung Quốc khi lập trường, lý tưởng, quan điểm khác nhau dẫn đến cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt.

Mà trong quan hệ quốc tế, những mâu thuẫn như vậy thường dẫn đến đổ máu với rất nhiều hệ lụy, hậu quả tai hại cho cả hai phía.

Mọi sai lầm đều sẽ phải trả giá. Nếu Nga đặt toàn bộ hy vọng vào Trung Quốc, chấp nhận đánh đổi trong cuộc chơi với Trung Quốc có thể sẽ không phải là lựa chọn khôn ngoan.

Theo South China Morning Post ngày 26/6, Tổng thống Putin đã ca ngợi quan hệ Trung - Nga là "bao trùm tất cả", nhưng hơn 30 văn kiện ký kết trong chuyến đi này phần lớn là những hiệp định khung, văn bản ghi nhớ mà thiếu những hợp đồng cụ thể.

Cầm được đồng tiền Trung Quốc không phải chuyện dễ dàng, còn uy tín và vị thế của Nga đang bị Trung Quốc lợi dụng là chuyện đã rõ như ban ngày.

Trong khi về lãnh thổ, Trung Quốc vẫn tuyên truyền cho người dân của mình về Điều ước Ái Huy, nhà Thanh đã mất một phần đất cho Nga Hoàng trong quá khứ để dân Trung Quốc không quên "nỗi nhục" này. Lúc nào vấn đề này phát tác còn phải xem thế và lực của Nga.

Bởi vậy người viết thiết nghĩ trong quan hệ quốc tế hiện nay, đã đến lúc chúng ta phải thoát khỏi tư duy hạn hẹp của Chiến tranh Lạnh, thoát khỏi vòng kim cô của phe phái, ứng xử một cách đàng hoàng, công khai, minh bạch trên tinh thần lấy luật pháp quốc tế làm nền tảng, lợi ích quốc gia dân tộc là trên hết trong quan hệ với các nước lớn, tìm kiếm tiếng nói chung, giảm thiểu bất đồng và ngăn ngừa xung đột.

Để phát triển đất nước, muốn đưa đất nước tiến thẳng lên CNXH không qua thời kỳ TBCN , không thể không cần đến trình độ KHKT, công nghệ tiên tiến hiện đại của các nước phát triển.

Chúng ta không thể không học tập các nước phát triển về khoa học công nghệ, về kỹ thuật, về pháp lý, về quản trị, giáo dục... Bởi theo Các Mác, chúng ta muốn có một lực lượng sản xuất phát triển, hiện đại để xây dựng Chủ nghĩa xã hội thì không thể không có khoa học công nghệ hiện đại.

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta chỉ có thể tăng cường quan hệ với các nước phát triển phương Tây, phải khai thác và học hỏi trình độ phát triển của lực lượng sản xuất tiên tiến của các nước này mới mong  đốt cháy được giai đoạn để tiến thẳng lên CNXH.

Đó chính là đòi hỏi tất yếu khách; trước hết là cần có thay đổi tư duy trong quan hệ quốc tế  hiện nay mà ở đâu đó vẫn còn những rào cản bởi tư duy lập trường giai cấp, duy  ý chí, bảo thủ …

Theo Tạp chí Cộng sản: Tại Đại hội VI - Đại hội khởi đầu công cuộc đổi mới, Đảng ta đã phê phán bệnh chủ quan duy ý chí do vi phạm quy luật khách quan mà trước hết và chủ yếu là quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Từ đó Đại hội đã rút ra bài học quan trọng là “Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan”, phải “làm cho quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, luôn luôn có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất”. 

Đất nước chúng ta đang đứng trước những nguy cơ, thách thức sống còn, đồng thời cũng có những cơ hội, vận hội mới đang mở ra cho quốc gia, dân tộc phát triển bứt phá.

Nhận thức đúng đắn về các quan hệ quốc tế và gắn chặt nó với các hoạt động đối nội, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc mới có thể giúp chúng ta lớn mạnh, không bị biến thành nạn nhân cạnh tranh ảnh hưởng của các siêu cường dù cùng hay khác ý thức hệ.

Có như vậy chúng ta mới thực sự giữ được độc lập, tự chủ, mới bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng, phức tạp như hiện nay.

Ts Trần Công Trục

 

++++++++++++++++++++++++++++++++

 

XEM THÊM:

Bãi Scarborough; bãi Cỏ Mây: "Canh bạc Philippines - China"

29 Tháng Sáu 201612:12 SA(Xem: 40)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  TƯ 29  JUNE 2016

Mặt trận biển Tây Philippines

Bãi Scarborough; bãi Cỏ Mây: "Canh bạc Philippines - China"

 

image056

Hải đồ trên (chấm đỏ) mô tả 7 bãi đá chìm do Trung Quốc bồi đắp biến thành đảo nhân tạo với hệ thống mạng lưới hỏa lực bao trùm trung tâm quần đảo Trường Sa. Từ đảo Vành Khăn TQ chiếm từ năm 1999 tới bãi Cỏ Mây chỉ cách 41km; từ bãi Cỏ Mây tới bờ biển Palawan cách 120 hải lý. Từ bãi Cỏ Mây tới đảo Hải Nam TQ cách khoảng 800 hải lý.

Chấm xanh trên hải đồ là mạng lưới phòng thủ có quân lính của Philippines chiếm đóng.

Giáo sư luật quốc tế Philippe Sands thuộc trường đại học University College London xác định rằng các thực thể như Vành Khăn (Mischief Reef), Xu Bi (Subi Reef), Ken Nan (Mckennan Reef), Ga Ven (Gaven Reef), và cả Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), hiện do Philippines kiểm soát, đều là bãi cạn lúc chìm lúc nổi (low-tide elevation), căn cứ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS. Do vậy, các thực thể này không được hưởng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. (VH)

Con tàu mục nát ở bãi Cỏ Mây


image057

15/9/2014

Theo BBC: Một con tàu hoen rỉ, tàn dư của Đệ nhị thế chiến, đóng vai trò gì trong tuyên bố chủ quyền của Philippines tại Biển Đông?

Hải quân Philippines cố tình vứt con tàu Sierra Madre này tại Bãi Cỏ Mây (Ayungin Reef) làm tiền đồn cho một nhóm thủy quân lục chiến.

Ayungin Reef khoảng 120 hải lý cách bờ biển Palawan - Philippines trong khi cách bờ biển Trung Quốc hơn 800 hải lý.

Phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes miêu tả không khí trên con tàu này.

++++++++++++++++++++++++++++++++

XEM THÊM:

Nghị sĩ Philippines: Chỉ 1-2 năm nữa Trung Quốc sẽ chiếm bãi Cỏ Mây

15/03/2015

Theo Acedillo, sau khi xây xong các đảo nhân tạo bất hợp pháp, Trung Quốc có thể duy trì tuần tra hải – không quân 24/7 khiến Bắc Kinh có thể…


image058

Nghị sĩ Philippines Rep. Francisco Ashley Acedillo

Rep. Francisco Ashley Acedillo, một nghị sĩ Philippines và từng là cựu sĩ quan không quân cho biết: “Chắc chắn sau khi kết thúc các hoạt động cải tạo, Trung Quốc sẽ biến các bãi đá và rặng san hô này thành các đảo nhân tạo. Hơn nữa bây giờ họ có thể đặt lực lượng hải quân và không quân ở đó”. Ông dự đoán, Philippines có thể mất quyền kiểm soát bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa) chỉ 1 đến 2 năm nữa vào tay Trung Quốc.

Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo bất hợp pháp trên đá Vành Khăn cách bãi Cỏ Mây chỉ 41 km, nơi Philippines cắt quân đồn trú trên xác một chiếc chiến hạm cũ. Acedillo cảnh báo, trong vòng 2-3 năm sau khi Trung Quốc đã chiếm được bãi Cỏ Mây, Scarborough, tiếp theo sẽ là khu vực ngoài khơi tỉnh Zambales. Và khoảng 1 thập kỷ tiếp theo, Philippines có thể buộc phải di dân khỏi đảo Thị Tứ (nằm trong quần đảo Trường Sa).

Theo Acedillo, sau khi xây xong các đảo nhân tạo bất hợp pháp này, Trung Quốc có thể duy trì tuần tra hải – không quân 24/7 khiến Bắc Kinh có thể hiện thực hóa tham vọng độc chiếm gần như toàn bộ Biển Đông, gây thiệt hại không chỉ với Philippines mà là tất cả các nước ven Biển Đông khác. Với hoạt động xây dựng của Trung Quốc ngoài thực địa, khó có thể hy vọng đạt được một bộ Quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông thời gian tới.

Trung Quốc đã tranh thủ thời gian trì hoãn COC để tăng tốc xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa. Một khi Trung Quốc xây xong, việc đạt được COC có hiệu lực và ràng buộc được Trung Quốc còn khó khăn hơn nhiều.

(Theo Giáo Dục)

Hình ảnh hoạt động cố thủ của lính Philippines ở Bãi Cỏ Mây

29/05/2013

 

image059

Xác chiếc chiến hạm BRP Sierra Madre Philippines mua lại của Mỹ và cố ý kéo nằm ỳ tại bãi Cỏ Mây năm 1999 làm căn cứ đồn trú.


image060

Chiếc tàu chiến cũ tại Bãi Cỏ Mây có tên BRP Sierra Madre, dài 100 mét là loại tàu đổ bộ của Mỹ được đóng năm 1944 sau đó được Philippines mua lại năm 1976. Xác chiếc chiến hạm BRP Sierra Madre Philippines mua lại của Mỹ và cố ý kéo nằm ỳ tại bãi Cỏ Mây năm 1999 làm căn cứ đồn trú. Bãi Cỏ Mây là một rặng san hô hình vòng nằm trong cụm Bình Nguyên, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.


image061

Thủy quân lục chiến Philippines chào cờ trên chiến hạm BRP Sierra Madre

Cận cảnh xác con tàu cũ rỉ sét BRP Sierra Madre của Philippines cố thủ trên bãi Cỏ Mây


image062image063

Mặt sàn xác tàu - công sự


image064image065

Rỉ sét toàn bộ từ hơn 15 năm nay.


image066

Một người lính Thủy quân Lục chiến Philippines đi tuần trên boong tàu.


image067

Khoảng 1 tiểu đội (12 lính) thủy quân lục chiến Philippines được trang bị súng máy cố thủ trên chiến hạm. Tiểu đội Thủy quân lục chiến Philippines được trang bị súng máy cố thủ trên xác chiếc tàu cũ nhằm mục đích khẳng định tuyên bố "chủ quyền" đối với khu vực Bãi Cỏ Mây trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Juancho Sabban, một cựu chỉ huy lực lượng thủy quân lục chiến này nói với AFP: "Cuộc sống của họ rất khó khăn, nhưng họ là những người lính thủy quân lục chiến và họ được điều động để thực hiện những nhiệm vụ tương tự như vậy. Không có công sự, họ phải sống trên xác chiếc tàu cũ, mọi nhu yếu phẩm được lực lượng hậu cần cung cấp cho họ."

Hiện tại, Philippines, Trung Quốc và Đài Loan không chỉ tuyên bố "chủ quyền" mà còn đang tranh giành bãi Cỏ Mây gây căng thẳng trên biển Tây Philippines. Trung Quốc cho tàu chiến, tàu Hải giám và tàu cá xâm nhập, đóng chốt thường xuyên và xua đuổi ngư dân Phi đến đánh bắt cá.


image068

Cá biển phơi khô, một trong nguồn thực phẩm cho lính cố thủ trên tàu. Hải quân Philippines thỉnh thoảng tiếp cận chi viện hậu cần, đồ ăn, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết cho lực lượng cố thủ trên xác chiếc chiến hạm cũ ở bãi Cỏ Mây.

Hải cảnh Trung Quốc rượt đuổi tàu tiếp tế bãi Cỏ Mây của Phi


image069image070

Tàu tuần duyên của Trung Quốc chặn một tàu tiếp liệu của Philippines trên Biển Đông ngày 29/03/ 2014.REUTERS/Erik De Castro/Files

Sau gần 2 giờ rượt đuổi, thuyền trưởng tàu tiếp tế Philippines lái chiếc tàu vào vùng nước cạn, nơi các tàu Trung Quốc không vào được, đến cạnh chiếc chiến hạm BRP Sierra Madre, từng được Hải quân Philippines cố tình ủi bãi cho mắc cạn để làm nơi đồn trú của một tiểu đội thủy quân lục chiến giữ chủ quyền tại đây. Một chiếc máy bay với biểu tượng của Hải quân Mỹ lúc này cũng đang bay trên chiếc tàu bị mắc cạn.

Chiếc tàu chở theo khoảng 10 tấn thực phẩm, gồm cả gạo, đồ hộp và nước uống.

 

Hôm 9/3, các tàu Trung Quốc đã chặn không cho một tàu tiếp tế khác của Philippines đến được Bãi Cỏ Mây. Kể từ đó, Philippines đã hai lần phải dùng máy bay của không quân thả thực phẩm và nước xuống tiếp tế cho đơn vị đồn trú tại đó.

“Chính sách của chúng tôi là khoan dung tối đa”, Đại úy Gato cho hay. Ông cũng cho biết, nhất quyết hoàn thành chuyến công tác tiếp tế dù có sự đe dọa của phía Trung Quốc. “Tôi sẽ không để họ ngăn chặn vì nếu không các binh sĩ của chúng tôi sẽ chết đói,” ông nói.


image071

Binh sỹ Philippines làm lễ chào cờ trên chiếc tàu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây

 (Theo Petrotimes)

Hồng Lỗi tuyên bố ngang ngược: “Trường Sa là của Trung Quốc”

Thứ sáu, 24/05/2013

Một lần nữa Trung Quốc thể hiện quan điểm ngông cuồng, bất chấp thực tế và luật pháp quốc tế khi cho người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi tuyên bố chủ quyền của nước này đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam và vùng nước phụ cận các đảo trong quần đảo này.

Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức hôm 23/5, khi các phóng viên quốc tế đặt câu hỏi về phản ứng của Trung Quốc trước lời tố cáo của Philippines về việc Trung Quốc đã “hiện diện bất hợp pháp” tại bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Philippines đang kiểm soát trái phép trong khi Trung Quốc cũng đòi “chủ quyền”), người phát ngôn Hồng Lỗi đã tuyên bố:


image072

Bãi Cỏ Mây (Ảnh chụp vệ tinh)

“Ren’ai Jiao (Nhân Ái Tiêu – cách Trung Quốc gọi Bãi Cỏ Mây) là một phần của quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và Trung Quốc có chủ quyền ‘không thể tranh cãi’ đối với quần đảo này và các vùng nước phụ cận. Các tàu công vụ của Trung Quốc ‘có quyền’ được tuần tra trong khu vực Bãi Cỏ Mây”.

Hôm thứ Ba (21/5/13), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez đã ra tuyên bố và gửi công hàm tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila để phản đối sự hiện diện “khiêu khích và bất hợp pháp” của một tàu chiến và một số tàu hải giám của Trung Quốc xuất hiện và di chuyển vòng quanh khu vực Bãi Cỏ Mây (Philippines gọi là bãi Ayungin Shoal).

Bãi Cỏ Mây (tên tiếng Anh là Second Thomas Shoal) là một rặng san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Chiều dài của bãi này tính theo trục chính bắc-nam là 9 hải lí (16,7 km) và chiều rộng tối đa là 3 hải lí (5,6 km), với tổng diện tích vào khoảng 60 km².

Hiện Philippines đang kiểm soát trái phép khu vực này và dùng xác tàu BRP Sierra Madre mắc cạn tại đây vào năm 1999 để làm chỗ đóng quân cho binh lính.

Ngày 9/5/13, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, phía Trung Quốc đã phát hiện 3 chiến hạm Philippines kéo ra Bãi Cỏ Mây, chở theo khá nhiều vật liệu xây dựng định đổ bộ xây dựng công sự (trái phép) tại Bãi Cỏ Mây phục vụ ý đồ chiếm đóng (trái phép Bãi Cỏ Mây của Việt Nam) lâu dài. Trung Quốc đã quyết định cử tàu chiến và tàu hải giám ra khu vực này để ngăn Philippines xây căn cứ.

Trong khi đó, tờ tờ Manila Standard Today của Philippines cũng lên tiếng cho rằng có một số báo cáo từ Biển Đông gửi về nói rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc cũng đang bắt đầu dựng các cọc sắt song song với việc đổ trộm vật liệu nhằm mục đích xây dựng công sự trái phép trên bãi Cỏ Mây.

Cần phải khẳng định rằng hành động của cả Trung Quốc và Philippines đều là trái phép, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại Bãi Cỏ Mây cũng như quần đảo Trường Sa. Điều này làm phức tạp thêm tình hình, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).


image073

Philippines đã cố tình để tàu BRP Sierra Madre mắc cạn ở bãi Cỏ Mây để lấy cớ đưa quân đến đóng và kiểm soát khu vực này.

Mới đây nhất, trước việc Trung Quốc cử đội tàu đánh cá gồm 32 chiếc xâm nhập vùng biển Trường Sa của Việt Nam hồi đầu tháng 5/2013, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã thể hiện quan điểm nhất quán của Việt Nam: “Mọi hoạt động của các bên liên quan tại Biển Đông cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan. Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và mọi hoạt động của các bên ở khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”.

(BIFN)