NGUYỄN HƯNG QUỐC - Xây dựng lòng tin chiến lược

11 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 3862)

Thứ hai, 10/06/2013

Blog / Nguyễn Hưng Quốc

Xây dựng lòng tin chiến lược

 nguyen_tan_dung

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La 2013.

Nguyễn Hưng Quốc

VOA 05.06.2013

Bài phát biểu “Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi khai mạc Đối thoại Shangri-La 2013 vào ngày 31/5 gây nhiều tranh cãi, đặc biệt trên các diễn đàn mạng. Một số người khen, cho là với bài phát biểu ấy, Nguyễn Tấn Dũng chứng tỏ có một tầm nhìn khá có tính chiến lược. Một số người khác chê là ông nói toàn những sáo ngữ trống rỗng, không dám trực diện với những vấn đề trầm trọng mà Việt Nam đang phải đối đầu với Trung Quốc.

Trước hết, ông Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng tin: “nếu không có lòng tin thì không thể thành công, việc càng khó càng cần có niềm tin. Việt Nam chúng tôi có câu thành ngữ ‘mất lòng tin là mất tất cả’. Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được nâng niu, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành.”

Sau đó, ông điểm qua tình hình chính trị của vùng Đông Nam Á và cả Châu Á - Thái Bình Dương nói chung: Trong quá khứ, đó là một “chiến trường ác liệt, bị chia rẽ trong suốt nhiều thập kỷ”; trong hiện tại, nó đối diện với nhiều nguy cơ và thử thách, trong đó, quan trọng nhất là “Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền.” Ông cảnh báo: nếu những nguy cơ ấy bùng nổ thành xung đột quân sự thì hậu quả sẽ là “không có kẻ thắng người thua - mà tất cả cùng thua”. Cuối cùng, ông kết luận: “Vì vậy, cần khẳng định rằng, cùng nhau xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng là lợi ích chung của tất cả chúng ta. Đối với Việt Nam chúng tôi, lòng tin chiến lược còn được hiểu trên hết là sự thực tâm và chân thành.”

Nhưng vấn đề là: Làm thế nào để xây dựng lòng tin chiến lược? Nguyễn Tấn Dũng đề nghị: “cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia - nhất là các nước lớn và nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương.” Sau đó, ông giải thích thêm: “Trong thế giới văn minh ngày nay, Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung đã trở thành giá trị của toàn nhân loại cần phải được tôn trọng. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để xây dựng lòng tin chiến lược.”

Nhiệm vụ xây dựng lòng tin chiến được chia đều cho mọi quốc gia trong khu vực, nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh vào vai trò của hai cường quốc có trách nhiệm lớn nhất trong khu vực: Mỹ và Trung Quốc. Ông nói: “Chúng ta đặc biệt coi trọng vai trò của một nước Trung Hoa đang trỗi dậy mạnh mẽ và của Hoa Kỳ - một cường quốc Thái Bình Dương. Chúng ta trông đợi và ủng hộ Hoa Kỳ và Trung Quốc khi mà các chiến lược, các việc làm của hai cường quốc này tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền của các quốc gia, vừa đem lại lợi ích cho chính mình, đồng thời đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung.”

Phần kết luận, ông khẳng định chính sách quốc phòng của Việt Nam: “Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác.”

Đọc bài phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng, tôi có mấy nhận xét chính:

Thứ nhất, đó là một bài phát biểu khá “an toàn”. An toàn hiểu theo hai nghĩa: Một, nó không trở thành một đề tài để mọi người chế giễu, coi như một dấu hiệu của tâm thần (như các bài phát biểu của các nhà lãnh đạo Việt Nam khác ở ngoại quốc, chẳng hạn, bài phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết về vai trò của Việt Nam và Cuba vốn đã trở thành một chuyện tiếu lâm trong dân gian hay của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về sự khác biệt giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội tại Cuba vào đầu tháng 4 năm 2012, một bài phát biểu “phản cảm” đến độ Tổng thống Dilma Rousseff phải hủy bỏ lời mời ông Nguyễn Phú Trọng thăm Brazil vào phút chót!). Hai, nó cũng tránh được nguy cơ trở thành một đối tượng để mọi người mổ xẻ, phê phán, có thể gây nhiều tranh cãi bất lợi.

Thứ hai, để tránh hai nguy cơ trên, Nguyễn Tấn Dũng và dàn tham mưu của ông đã chọn một biện pháp đơn giản và thiếu sáng tạo nhất: nói lại những điều đã nhiều người nói và hầu như ai cũng biết. Theo dõi báo chí quốc tế, hầu như ai cũng thấy ý niệm “lòng tin chiến lược” (strategic trust) đã được rất nhiều nhà lãnh đạo đề cập.

Gần với cuộc Đối thoại Shangri-La 2013 nhất, trong cuộc Đối thoại Quốc phòng Quốc tế được tổ chức tại Jakarta kéo dài hai ngày vào giữa tháng 3 năm 2013, trước sự hiện diện của 1.300 viên chức và quan sát viên đến từ 38 quốc gia trên thế giới, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono của Indonesia đã có bài thuyết trình dài về lòng tin chiến lược. Ông cũng nhấn mạnh việc xây dựng lòng tin chiến lược là nhu cầu khẩn thiết để bảo đảm an toàn và an ninh thế giới, trước hết, để giải quyết các mâu thuẫn liên quan đến chủ quyền của các nước ở Nam Hải (South China Sea). Để xây dựng lòng tin chiến lược, ông cũng kêu gọi các nước, trước hết, phải chấp hành và tuân thủ các nguyên tắc ứng xử trên biển (South China Sea Code of Conduct) đã được thỏa thuận.

Đọc, cứ ngỡ như tình báo của Yudhoyono đã ăn cắp được trước bài nói chuyện của Nguyễn Tấn Dũng!

Thật ra, Yudhoyono cũng chẳng nói được điều gì mới. Trên thế giới, những năm gần đây, người nói nhiều nhất đến chuyện xây dựng lòng tin chiến lược giữa các nước, oái oăm thay, lại là giới lãnh đạo Trung Quốc. Tháng 8 năm 2009, trong cuộc họp tại New Dehli, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh công việc cần thiết nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ là phải xây dựng lòng tin chiến lược.

Ngày 27/3/2013, trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Manmohan Singh, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh đến lòng tin chiến lược; hai tháng sau, ngày 20/5/2013, trong chuyến viếng thăm Ấn Độ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lại nhấn mạnh lần nữa đến việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai nước.

Trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 2 năm 2012, Tập Cận Bình, lúc ấy còn là Phó chủ tịch nước, cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lòng tin chiến lược trong quan hệ quốc tế: “Với chúng tôi, lòng tin chiến lược là nền tảng của sự hợp tác để hai bên cùng có lợi, và lòng tin càng lớn, sự hợp tác càng rộng rãi.”

Tháng 4 năm 2013, tiếp một phái đoàn quân sự cao cấp của Mỹ tại Bắc Kinh, Tập Cận Bình cũng lại nói về lòng tin chiến lược.

Có thể nói, cho đến nay, người đề cập nhiều nhất đến khái niệm lòng tin chiến lược là Trung Quốc, chủ yếu trong quan hệ giữa họ với Ấn Độ và đặc biệt, với Mỹ. Liên quan đến đề tài này, bài viết hay nhất tôi đọc được là bài nói chuyện của Kevin Rudd, cựu Thủ tướng Úc, tại Washington vào ngày 2 tháng 4 năm 2013. Ông cho trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay, vấn đề quan trọng và cấp thiết nhất là xây dựng được lòng tin chiến lược. Để làm được điều đó, ông đề nghị cùng nhau xây dựng một lộ trình chiến lược (strategic roadmap) để giải quyết từng bước các tranh chấp giữa hai nước, trước hết, bằng cách thay thế loại ngôn ngữ đối đầu bằng ngôn ngữ hợp tác, thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ cấp cao, v.v..

Trở lại bài nói chuyện của Nguyễn Tấn Dũng. Khi lặp lại những vấn đề giới lãnh đạo Trung Quốc đã nói đi nói lại trên khắp các diễn đàn quốc tế, Nguyễn Tấn Dũng không những bộc lộ việc thiếu sáng kiến mà còn, nguy hiểm hơn, ông vấp phải một khuyết điểm thứ ba: nói những điều sáo rỗng khi không mang lại cho khái niệm lòng tin chiến lược một nội dung cụ thể nào trong bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông cả. Thiếu những nội dung cụ thể như thế, bài nói chuyện của ông không khác gì mấy với những bài luân lý giáo khoa thư dùng để dạy cho học trò. Làm như vậy, ông đánh mất một cơ hội để đóng vai trò chủ đạo trong việc giải quyết các tranh chấp trong khu vực, lại là khu vực gần gũi với Việt Nam nhất.

Trong chính trị, đối nội cũng như đối ngoại, để tạo và giữ được lòng tin, cần có nhiều điều kiện, trong đó, có hai điều kiện nổi bật lên hàng đầu là: Một, bản thân mình phải giữ chữ tín; và hai, phải có sự minh bạch trong cả chính sách lẫn trong hành động.

Không thể đòi hỏi người khác phải tin mình khi chính mình lại không đáng tin. Ở khía cạnh này, lòng tin trong chính trị đối nội sẽ là cơ sở để xây dựng lòng tin trong chính trị đối ngoại. Tại sao giữa các quốc gia dân chủ ở Tây phương, người ta có thể tin cậy và xây dựng liên minh chặt chẽ với nhau một cách dễ dàng trong khi giữa các nước độc tài hoặc giữa các nước độc tài và các nước dân chủ, điều đó lại trở thành khó khăn, hầu như không thể thực hiện được?

Câu trả lời rất đơn giản: Một kẻ thường xuyên lươn lẹo với dân chúng ở nước họ thì không thể “thực tâm và thành thực” (chữ của Nguyễn Tấn Dũng) trong quan hệ với nước ngoài được. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên khi bàn đến bài nói chuyện về lòng tin chiến lược của Nguyễn Tấn Dũng, nhiều nhà báo và blogger Việt Nam liên hệ ngay đến các vụ đàn áp hoặc tuyên truyền giả dối của chính quyền Việt Nam ở trong nước: Trên diễn đàn quốc tế, Thủ tướng kêu gọi tôn trọng các giá trị và chuẩn mực chung mà mọi người trong “thời đại văn minh” đều tôn trọng thì ở trong nước, chính phủ của ông lại bắt bớ, đánh đập, bắt bỏ tù vô số người dân vô tội chỉ vì họ lên tiếng chống lại Trung Quốc hoặc đòi hỏi những quyền làm người căn bản nhất.

Một điều kiện khác cho lòng tin là sự minh bạch (transparency). Nguyên nhân chính khiến thế giới không tin Trung Quốc là vì ở Trung Quốc hoàn toàn không có sự minh bạch, ngay cả sự minh bạch trong ngân sách, đặc biệt ngân sách quốc phòng. Đó chính là sự khác biệt căn bản giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề xây dựng lòng tin chiến lược: Với Mỹ, muốn có lòng tin, cần phải có, trước hết, sự minh bạch; Trung Quốc, ngược lại, cho sự minh bạch là phó sản (by-product) của lòng tin chiến lược, nghĩa là: Hãy tin họ trước, từ từ họ sẽ minh bạch sau!

Với cả hai điều kiện trên, uy tín và sự minh bạch, cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều không có. Thiếu hai điều kiện căn bản ấy, việc kêu gọi lòng tin giữa hai nước chỉ là một trò đùa.

Trò đùa ấy dễ trở thành một sự lố bịch khi những kẻ hoàn toàn không có uy tín về lòng tin lại kêu gọi người khác phải giữ lòng tin!

Nghe, giống như nghe bà Phó Đoan (trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng) nói về đức hạnh và trinh tiết./

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

23 Tháng Chín 2013(Xem: 8811)
Trả lời trên đài phát thanh RTL vào sáng nay 10/09/2013, Johnny Hallyday thông báo đang chuẩn bị nhiều buổi biểu diễn tại Hà Nội và Hồng Kông để gây quỹ giúp trẻ em bị nhiễm HIV.
18 Tháng Chín 2013(Xem: 8514)
Nữ ca sĩ hải ngoại đã có cơ hội gặp gỡ người hâm mộ và yêu thích tiếng hát của cô trong đêm nhạc diễn ra vừa qua tại phòng trà Tiếng Xưa, TP.HCM.
11 Tháng Sáu 2013(Xem: 3537)
Vùng trung Âu đang chống chọi với trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua, tính đến giờ đã làm thiệt mạng ít nhất 16 người. Thành phố Dresden, thủ phủ bang Sachsen ở miền đông nước Đức, là một trong những thành phố chịu ảnh hưởng bởi trận lũ này khi mực nước sông Elbe dâng cao.
11 Tháng Sáu 2013(Xem: 3213)
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc hai ngày họp thượng đỉnh trong không khí thân mật, nhằm giải quyết nhiều vấn đề như an ninh mạng, Bắc Triều Tiên và khí hậu biến đổi.
05 Tháng Sáu 2013(Xem: 11188)
Tác giả Nguyễn Thế Thăng tốt nghiệp khóa K2DH/DH/CTCT, định cư tại Mỹ 1992, diện HO 13, hiện là cư dân tiểu bang Oregon. Công việc: Sỹ quan điều hành tổ thông dịch viên của Lực Lựơng Phòng Vệ thuộc Vệ Binh Quốc Gia, Oregon, cấp bậc Thiếu Tá. (Oregon Army National Guard/State Defense Force/Interpreters Team/X.O) (ORANG/SDF/Interp. Team/XO).
23 Tháng Năm 2013(Xem: 8651)
Ngày 16 tháng 5 vừa qua, CSVN đã đưa hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha ra xử tại tòa án tỉnh Long An về tội tuyên truyền chống phá nhà nước chỉ vì đã phát truyền đơn chống bá quyền Trung Quốc. Bản án khá bất ngờ đối với dư luận Việt Nam và Quốc Tế: 6 năm tù giam cho Phương Uyên và 8 năm tù giam cho Nguyên Kha.
07 Tháng Năm 2013(Xem: 4563)
Tháng tư, tôi ngồi trong quán cà phê Starbucks trên đường 20th của thành phố tôi cư trú. Tôi cúi xuống nhìn mầu cà phê đen đặc, sóng sánh sót lại một ngụm trong chiếc ly giấy. Tôi cầm chiếc ly chao nhẹ đi một chút, do dự chưa muốn ngửa cổ uống nốt ngụm cuối cùng. Ngụm cà phê trông như ngụm nước mắt đen. Chao ôi nước mắt đã có một lúc nào đó, ta ngửa cổ uống được cả ngụm hay sao!
05 Tháng Năm 2013(Xem: 4632)
Tôi có tật ít nhớ ngày và nhớ tháng. Tôi chỉ nhớ thứ: Thứ hai, Thứ ba, Thứ tư, v.v.. Có lẽ lý do chính là vì tôi dạy học. Điều quan trọng nhất đối với người đi dạy là nhớ thứ mấy mình dạy từ mấy giờ đến mấy giờ. Thời khóa biểu in và dán trên bức tường ngay trước mặt cũng chỉ ghi giờ và ghi thứ.
21 Tháng Tư 2013(Xem: 14225)