Những thách thức trong Quan hệ Kinh tế Việt - Trung

18 Tháng Năm 20177:42 CH(Xem: 12042)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN  THỨ SÁU 19  MAY 2017


Những thách thức trong Quan hệ Kinh tế Việt - Trung


Thứ năm, 18/05/2017


(Bạn đọc) - Chuyến đi vừa rồi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sang Trung Quốc tham dự diễn đàn hợp tác “Vành đai và Con đường” mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, trong đó có việc tái cân bằng quan hệ chiến lược với các nước lớn.


image023Bản quyền hình ảnh Lintao Zhang/Getty Images Image caption Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang duyệt đội nữ quân danh dự hôm 11/5/17 tại Bắc Kinh.


Chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 11-15/5/2017 của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã góp phần không nhỏ trong việc tái cân bằng quan hệ chiến lược với các nước lớn và nâng cao vị thế của Việt Nam.


Mặc dầu Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại nhiều khúc mắc về lãnh thổ, đặc biệt là vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc Việt Nam), nhưng trong quan hệ kinh tế, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam từ nhiều năm qua, với kim ngạch trao đổi song phương hứa hẹn sẽ đạt mốc 100 tỷ USD qua cuộc gặp cấp cao giữa hai nguyên thủ. Lý giải cho điều này: Trung Quốc nằm ngay cạnh Việt Nam, thông thương thuận lợi, là một thị trường lớn đông dân nhất thế giới, lại có nhiều mối liên hệ mang tính văn hóa lịch sử với Việt Nam, do đó việc làm ăn buôn bán với Trung Quốc là một điều tất yếu không thể tránh khỏi, việc đóng cửa là không khả thi. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã từng phát biểu trước cử tri về mối quan hệ với Trung Quốc: “Đấu tranh vì chủ quyền phải tiếp tục nhưng làm ăn thì vẫn bình thường”.


Thiết nghĩ, thay vì cổ xúy tinh thần dân tộc cực đoan (extreme nationalism) và tâm lý bài Trung Quốc (anti China) một cách thái quá, Việt Nam cần nỗ lực nâng tầm vị thế, tạo tiếng nói có sức nặng trên trường quốc tế, trong đó có mối quan hệ song phương với Trung Quốc. Chúng ta nhất thiết phải phát triển nhanh và mạnh hơn, sớm trở thành một cường quốc bậc trung (middle power) trong khu vực. Để làm được điều đó, chúng ta nên nghiêm túc nhìn lại chính mình, hiểu thời cuộc, trong đó rút ra bài học từ sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc, để từ đó ý thức được cơ hội lẫn nguy cơ và có chiến lược phát triển ứng phó sao cho phù hợp.


Giáo sư Trần Văn Thọ từ Đại học Waseda (Nhật Bản) đã chỉ ra một số nguy cơ mà chúng ta không thể không tính tới trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.


Thứ nhất, kim ngạch ngoại thương giữa hai nước ngày càng lớn nhưng cơ cấu trao đổi lại phát triển theo hướng ngày càng bất lợi cho Việt Nam. Tỷ lệ nhập siêu của chúng ta đối với Trung Quốc đang có xu hướng gia tăng và bộc lộ những tính chất của một mối quan hệ buôn bán giữa một nước chưa phát triển và một nước đã phát triển.


Thứ hai, luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, tới nay ước đạt 11,9 tỷ USD nhưng con số chính thức có thể còn cao hơn nhiều (vì luồng tiền từ Singapore, Hongkong, hay các thiên đường thuế như Cayman hoặc British Virgin Islands, vv. rất có thể là vốn của các doanh nhân Trung Quốc) Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, việc Trung Quốc tăng vốn đầu tư cũng sẽ gây bất lợi, làm yếu tiếng nói của chúng ta khi đàm phán. Đáng quan ngại hơn, các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư thường mua hoặc thuê đất dài hạn (có thể lên tới 50 hay thậm chí 70 năm như Formosa) và họ thường tìm cách tiếp cận những vị trí hiểm yếu, nhạy cảm về an ninh quốc phòng tại rừng núi hay ven biển.


Thứ ba, các công ty xây dựng Trung Quốc đang trúng thầu khá nhiều các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng của Việt Nam. Vấn đề này cần phải được xem xét nghiêm túc và coi là một hiện tượng bất bình thường. Mặc dầu một trong những tiêu chí quan trọng của chúng ta khi mời thầu là giá rẻ, nhưng trên thực tế các dự án của Trung Quốc sau khi thắng thầu lại thường phải điều chỉnh giá và thương lượng nhiều lần. Nghiêm trọng hơn, rất nhiều dự án do Trung Quốc thực hiện, thời gian và chất lượng không đúng như cam kết, nhiều công trình mới xây xong đã hỏng hóc hoặc xuống cấp. Tiêu biểu như dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, liên tục bị đội vốn, chậm tiến độ, vi phạm an toàn lao động dẫn tới tai nạn, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân Thủ đô Hà Nội.


Thứ tư, việc nhân công Trung Quốc (đa phần là đàn ông) đang sống tràn lan trên các tỉnh thành của Việt Nam, lập các khu phố riêng biệt, kết hôn và sinh con đẻ cái với phụ nữ Việt cũng là một vấn đề gây rất nhiều nhức nhối. Thiết nghĩ chúng ta cần có biện pháp quản lý cho hiệu quả. Giáo sư Thọ cho biết: “Thông thường, trong những dự án FDI hay dự án xây dựng cơ sở hạ tầng do doanh nghiệp nước ngoài trúng thầu thực hiện, người nước ngoài chỉ có thể nắm giữ những vị trí mà người trong nước không đảm nhận được (như những kỹ sư có kinh nghiệm và chuyên viên quản lý cao cấp) và sau một thời gian nhất định, những chức vụ ấy cũng phải lần lượt chuyển giao cho người bản xứ”.


Nghiêm trọng hơn, giáo sư cảnh báo: Việt Nam đang thiếu hẳn một tầm nhìn kinh tế chiến lược trong quan hệ với một nước láng giềng khổng lồ đang trỗi dậy mạnh mẽ. Chỉ trong một thời gian ngắn 30 năm, Trung Quốc đã vươn lên trở thành công xưởng của thế giới, trong khi Việt Nam lại không chủ động để có chiến lược phát triển tương xứng dẫn tới việc bị cuốn vào quỹ đạo của làn sóng Công nghiệp từ phương Bắc là điều hiển nhiên. Rất nhiều ngành công nghiệp của chúng ta như luyện kim, cơ khí, vv. bị sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc bóp chết. Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc, đang có nguy cơ trở thành vệ tinh trong quỹ đạo Trung Quốc theo lý thuyết địa kinh tế (geo-economics) khi Quảng Đông, Đông Hưng, Phòng Thành, Nam Ninh, vv. ở phía bên kia đang phát triển quá nhanh chóng, bỏ xa các địa phương của chúng ta.


Trước nguy cơ lệ thuộc có thể hiện hữu, cả lãnh đạo và người dân của chúng ta cần có ý thức độc lập tự chủ (tự chủ kinh tế đi liền với độc lập chủ quyền) và tìm mọi cách khắc phục lực “hấp dẫn” từ phía Trung Quốc. Chúng ta có thể nghiên cứu bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc trước làn sóng công nghiệp của người khổng lồ Nhật Bản sau Thế chiến thứ Hai. Bằng tinh thần học hỏi (tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ chính các đối thủ Nhật Bản), bằng tinh thần tự tôn dân tộc, tự lực tự cường, các doanh nghiệp Hàn Quốc không những không bị Nhật Bản đè bẹp, trái lại còn vươn lên mạnh mẽ sau khủng hoảng, cạnh tranh sòng phẳng và thậm chí vượt qua những niềm tự hào một thời của Nhật Bản (hiện nay cả Sony, Panasonic, Toshiba, Sharp… đều đang tỏ ra hụt hơi trước Samsung, LG)


Về hợp tác đầu tư, chúng ta cần nghiêm túc chỉnh đốn ngay các mối quan hệ với các đối tác Trung Quốc, áp dụng những tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật, quy định pháp lý ở mức cao hẳn để loại bỏ những đối tác, những dự án đầu tư kém chất lượng, gây hậu quả xấu tới môi trường và xã hội Việt Nam.


Trong dài hạn, Việt Nam cần phải phát triển theo hướng bền vững, sớm trở thành một nước giàu mạnh, tiến bộ, và văn minh theo những chuẩn mực phổ quát của nhân loại (hiện Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, chúng ta đã cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Nam Sudan, vv.) Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần thực hiện hòa hợp hòa giải, đoàn kết dân tộc (chủ yếu là vấn đề ly tán lòng người sau chiến tranh Việt Nam), có chính sách trọng dụng nhân tài phù hợp, có vậy mới động viên được các nguồn lực, nhất là nguồn chất xám vô cùng quý gía của một lực lượng đông đảo những trí thức Việt Nam tại hải ngoại (ước tính lên tới vài trăm ngàn)


Cuối cùng và quan trọng nhất, như giáo sư Thọ đề nghị, Việt Nam nên xây dựng một nền chính trị tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn và nhân văn hơn của Trung Quốc nhằm đạt được chất lượng phát triển tốt hơn, sức mạnh mềm (nói theo giáo sư Joseph Nye) vượt hơn hẳn Trung Quốc. Có như vậy, chúng ta mới nhận được sự coi trọng, kính nể và hợp tác chân thành từ cộng đồng các quốc gia đã phát triển, văn minh tiến bộ như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản. Chính những giá trị này sẽ kết hợp lại để tạo nên sức đề kháng mạnh mẽ nhất trước sự trỗi dậy “không hòa bình” của gã khổng lồ phương Bắc.


CTV Hải Đăng