BBC Cập nhật: 15:22 GMT - thứ năm, 29 tháng 8, 2013
Cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ Việt vào hôm 25/07 được xem là có tính hình thức và theo kịch bản có sẵn
Một nhà báo Mỹ vừa cảnh báo Chính phủ Tổng thống Barack Obama về những rủi ro nếu tiếp tục ép Việt Nam phải chấp nhận các điều khoản 'bất lợi' khi gia nhập hiệp định TPP.
Trong bài đăng ngày 28/08, ông Greg Rushford, nhà báo chuyên về phóng sự điều tra chính trị trong mậu dịch quốc tế, nói về điều mà ông gọi là Washington đang “chơi trò hăm dọa, ép Hà Nội chấp nhận một thỏa thuận kinh tế rõ ràng không vì lợi ích của Việt Nam – và có thể sẽ thành công”.
Tiết lộ đưa ra trong bối cảnh các Bộ trưởng Kinh tế thuộc 12 nước vành đai Thái Bình Dương mới đây tham gia đàm phán lần thứ 19 về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) 22-23 tháng Tám 8 ở Brunei.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham gia vòng đàm phán này.
Bài báo cũng bàn về động thái của Bộ Chính trị Việt Nam trong việc mở rộng và tăng cường hợp tác kinh tế với các cường quốc chính, ông Sang và ông Obama đã nói gì với nhau tại Tòa Bạch Ốc và những ai có mặt trong cùng phòng họp của hai nhà lãnh đạo này.
Chủ tịch Sang bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ với Mỹ
Khác với các cuộc tọa đàm “tay đôi”giữa Richard Nixon và Mao Trạch Đông, Franklin Roosevelt và Joseph Stalin, cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ Việt vào hôm 25/07 được xem là có tính hình thức và theo kịch bản có sẵn, điển hình cho các đời tổng thống Mỹ tiếp đón các vị khách nước ngoài trong những năm gần đây.
Ngoài Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát Chủ nhiệm văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, người ta còn thấy có Trung Tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Trung ương Đảng.
Với sự hiện diện của quá nhiều người – không phải tất cả trong số họ đều trung thành với phe ủng hộ Chủ tịch Sang trong Bộ Chính trị – chẳng có chủ tịch nước Việt Nam nào sẽ thấy mình ở thế để tiếp cận và đàm phán có thực chất và qui mô, tác giả nhận định.
Tuy nhiên ông Rushford quan tâm nhiều hơn tới ba quan chức Việt Nam khác cũng có mặt trong Phòng Bầu Dục nơi ông Sang họp với ông Obama, đó là người phiên dịch Phạm Xuân Hoàng Ân, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, ba nhân vật đều có những người cha gắn với lịch sử Mỹ-Việt.
Cha của Phạm Xuân Hoàng Ân là cựu điệp viên cộng sản Phạm Xuân Ẩn, nhân viên tình báo có thể xem là quan trọng nhất của Hà Nội trong giai đoạn Cuộc chiến Việt Nam. Ân hiện đang làm việc cho Tổng Lãnh Sự Quán Việt Nam tại San Francisco và “cũng như cha mình, con trai cố điệp viên là người biết về cả hai đất nước rất rõ”.
Trong khi đó Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (con của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh), từng là lãnh đạo Tổng Cục 2 (Cơ quan tình báo của Bộ Quốc Phòng), và hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, được xem là nhân vật chủ chốt trong chiến lược “đi dây” của Việt Nam khi đối thoại với các cường quốc có lợi ích an ninh tại khu vực Thái Bình Dương.
Tướng Vịnh được xem là nhà chiến lược quan trọng trong một loạt các chủ đề nhạy cảm: đối phó với việc Trung Quốc hăm dọa tại Biển Đông trong khi đồng thời thiết lập quan hệ quân sự với Bắc Kinh; mua sắm tàu ngầm và các vũ khí khác của Nga; và cũng tăng cường quan hệ quân sự Mỹ-Việt.
Ngoại trưởng Phạm Bình Minh cũng có người cha nổi tiếng. Ông Nguyễn Cơ Thạch là Bộ trưởng Ngoại giao trong giai đoạn 1980-1991. Ông đã có những nỗ lực nhưng không thành trong việc bình thường hóa quan hệ với bên thua cuộc Hoa Kỳ. Cũng giống như cha mình, ông Minh được xem là người thấu hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển các quan hệ gần gũi với Hoa Kỳ nhằm đối phó với ảnh hưởng lấn át của Trung Quốc.
Trong lần nói chuyện tại Hội đồng Quan hệ Nước ngoài vào năm 2011, ông Minh thẳng thắn nói về giai đoạn hết sức “hận” Hoa Kỳ khi còn nhỏ, là lúc ông phải chứng kiến cảnh Hà Nội bị Mỹ ném bom. Tuy nhiên kể từ khi theo nghiệp ngoại giao sau chiến thắng của Hà Nội vào năm 1975, ông Minh – cũng giống cha mình – tập trung sự nghiệp vào cách nhằm thiết lập quan hệ gần gũi hơn với cựu thù chiến tranh của Việt Nam.
Bình luận về những khó khăn trong việc đàm phán gia nhập TPP, ông Rushford bình luận rằng “Có lẽ những người sắc sảo và khôn ngoan đóng vai trò định hướng cho Bộ Chính trị Việt Nam, hoặc ít nhất là có đủ số người như vậy, có cùng quyết tâm như thế hệ cha anh của mình”.
Tác giả cho hay một trợ lý báo chí của Tòa Bạch Ốc từ chối tiết lộ những ai (của cả phía Việt Nam và phía Hoa Kỳ) có mặt trong Phòng Bầu Dục. Một số nhà báo có mặt lúc hai bên tiếp xúc với báo giới cho biết về phía Hoa Kỳ, ngoài Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker và nhà trưởng đoàn đàm phán mậu dịch của Mỹ Michael Froman còn có thêm hai quan chức khác nữa.
Bà Pritzker là lính mới trong ngành ngoại giao. Bộ Thương mại của bà là nơi Hà Nội không ưa gì bởi họ đưa ra các thứ thuế chống bán phá giá nhắm vào ngành xuất khẩu tôm và cá tra của Việt Nam. Ông Froman mặc dù cũng gần gũi với ông Obama, dường như tập trung vào sự nghiệp chính trị nội địa nhiều hơn là kinh nghiệp đối ngoại thực thụ./