Bùi Khiết: Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới: Bảo Đại - Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam

13 Tháng Bảy 201711:07 CH(Xem: 10327)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN - THỨ  SÁU 14 JULY  2017


NHÂN CÁC VỤ LƯU HIỂU BA, LYSENKO và THU HỒI CUỐN MỘT CƠN GIÓ BỤI – CHE DẤU, BỊA ĐẶT, BÓP MÉO và LẨN TRÁNH SỰ THẬT


Đọc Tác Phẩm Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới:  Bảo Đại - Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam (9/3/1945 - 30/8/1945)


của Phạm Cao Dương


đọc: Bùi Khiết


Lời Toà Soạn: Văn Hóa nhận được bài viết của Dược sĩ Bùi Khiết chuyển qua điện thư từ Gs KV. Xin giới thiệu cùng quý bạn đọc.


Bùi Khiết là một dược sĩ, tốt nghiệp Đại Học Dược Khoa Saigon, thời đầu thập niên 1960.  Sau năm 1975, ông là công sự viên nghiên cứu khoa học tại University of California, San Diego, California.  Bài điểm sách dưới đây cho ta thấy mặc dầu là một người học dược, một ngành thuộc khoa học thực nghiệm khác hẳn với sử học, một khoa học nhân văn,  tác giả lại  tỏ ra quan tâm nhiều đến lịch sử của đất nước ông, có kiến thức rộng rãi và tinh thần phân tích sắc bén rất đáng chú ý, từ trước tới nay ít ai để ý tới.  Điu người ta có thể nói lên được sau khi đọc bài ông viết là khoa học, dầu là chính xác, thực nghiệm hay nhân văn cũng đều là khoa học mà mục tiêu tối hậu luôn luôn là sự thật và là sự thật được đem lại bởi những phuơng pháp dù có đôi phần khác biệt.


Tôi cảm thấy vô cùng hân hạnh nhận được một công trình nghiên cứu mới về sử học của tác giả Phạm Cao Dương, một nhà giáo và cũng là một nhà nghiên cứu sử học quen thuộc ở Miền Nam trước năm 1975 và hiện ở Hải Ngoại,  tác phẩm:  Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới: Bảo Đại - Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam 9/3/1945 - 30/8/1945, Amazon in ấn và phát hành đầu năm 2017. Đây là một công trình soạn thảo rất công phu . Sách in đẹp rõ ràng và không có lỗi ấn loát. Tôi đọc cẩn thận và cũng nhân dịp này có một vài cảm nghĩ về tác phẩm của ông.


Trong bối cảnh lịch sử Việt Nam Hiện Đại rất phức tạp và bi thảm bao quanh bởi một ý thức hệ không tưởng (utopia) cùng với bạo lực và tuyên truyền làm chủ đạo, chân lý lịch sử bị nhào lặn giả tạo được phát hiện rất nhiều. Thời mà quan niệm chính trị bao trùm trên mọi sinh  hoạt suy tưởng đã bẻ quẹo ngòi bút theo hướng mà chính trị đã định đoạt.  Thế nên giữa những lý luận giả trá, sai trái được xô đẩy vươn lên tràn đầy trên môi trường chữ nghĩa thì tác phẩm của Phạm Cao Dương là hòn đá tảng vững chãi giữa dòng lũ vn đục. Với một chứng nghiệm sau đây của bản thân, tôi đã hình dung ra được hành trình của tác phẩm này.


Trong lịch sử nghiên cứu khoa học, đã nhiều lần Liên Xô nhận được những quả đắng do sự gian dối.  Nhân quả là một điều hiển nhiên, nhưng những thế lực chính trị vẫn mù vẫn điếc để dẫm đạp lên điều hiển nhiên đó.


Vào năm 1961, chính phủ Pháp đã đề cử một khoa học gia rất nổi tiếng sang giảng dạy tại trường Đại Học Y - Dược Saigon. Đó là Giáo Sư Pierre Georges Delaveau. Về trình độ chuyên môn Ông có bằng Tiến Sĩ Dược Khoa (Docteur en Pharmacie). Tiến Sĩ Y Khoa (Docteur en Médecine), Tiến Sĩ Khoa Học về Sinh Lý Thực Vật (Docteur es-Science, Physiologie Végétale).


Tới Saigon, Ông nhận trách nhiệm giảng dạy môn Thực Vật Học cho sinh viên Dược.  Sau đây là một trong những gì ông dạy:


Năm 1960 Liên Sô công bố một nghiên cứu rất thành công do Khoa Học Gia Trofim Denisovich Lysenko thực hiện.  Sự thành công của nghiên cứu này sẽ làm đảo lộn sản xuất nông nghiệp trên toàn thế giới.  Giáo Sư Delaveau tiếp nhận được tài liệu nghiên cứu trên cũng như các khoa học gia tại Pháp, rất hân hoan.  Liên Xô và Pháp có trao đổi với nhau về các thông tin khoa học.


Lysenko là khoa học gia Nông Học (Agrobiologist). Tại Liên Sô, ông và các cộng sự viên công bố đã hoàn chỉnh nghiên cứu về đề tài “ Sự thay đổi nhiệt độ ảnh hưởng lên chu trình đời sống của cây cỏ” (The effect of temprerature variation on the life-cycle of plants).  Theo ông sự thay đổi nhiệt độ nhân tạo có thể biến lúa mì mùa đông (winter wheat) thành lúa mì mùa xuân (spring wheat).  Với kết quả này người ta có thể sản xuất bất cứ loại nông sản nào vào bất cứ thời gian nào trong năm.


Tại Saigon, sinh viên Dược Khoa năm 1961 được trực tiếp nghe Giáo Sư Delaveau giảng dạy theo kết quả mà Liên Xô đã công bố.  Lysenko gọi kết quả của sự biến đổi trên là jarovization, dịch ra Pháp Ngữ là vernalisation và Anh ngữ là vernalization.  Có thể nói Ông Delaveau rất say mê giảng dạy đề tài này. Tôi là một sinh viên Dược năm đó.  Một sinh viên di cư từ Bắc vào Nam, Tôi rất để ý đến nông nghiệp miền đồng bằng Sông Cửu Long nên từ bài giảng này tôi  mơ tưởng ra sự giàu có vô vàn của cả 2 miền Nam,  Bắc Việt Nam. Tôi cám ơn ông Delaveau đã chuyển tới chúng tôi một khám phá mới đang làm chấn động hoàn cầu. Tôi yêu mến vô vàn Lysenko.  Sau 4 tháng  giảng dạy, Giáo Sư Delaveau giã từ chúng tôi trở lại Paris.  Đời sống hối hả của một đất nước chiến tranh khiến chúng tôi chẳng bao giờ có dịp để gặp mặt Giáo sư nữa.  Nhưng trong tôi hai cái tên một Pháp Delaveau và cái tên Nga Lysenko không bao giờ tôi quên.  Kỳ thi khoá hai năm đó (1961) Giáo Sư Nguyễn Thị Lâu đã ra đề thi vernalisation et photoperiodisme thay Giáo Sư Delaveau.  Tôi lại nhớ tới Bà Lâu từ nụ cười tới giáng dấp của Bà.  Đề thi phải viết gồm ba câu hỏi.  Phải viết tất cả chứ không chọn một như những kỳ thi tú tài.  Hai câu tiếp theo của Bà Lâu là Hemicellulose và La Fougère mâle. Sở dĩ tôi nhớ tới hai câu cuối của Giáo Sư Lâu là vì tôi nhớ tới câu ra thi vernalisation của Ông Delaveau. Xem vậy,  Delaveau và Lysenko là thần tượng của tôi. Câu chuyện này xẩy ra cách đây 56 năm.


Đầu thập niên 1980 tại Hoa Kỳ, gia đình tôi sống tại một căn nhà nhỏ dành cho graduate student thuộc trường Đại Học UCSD ( San Diego - California). Tôi có rất nhiều cơ hội và thời giờ vào tra cứu tại thư viện của nhà trường, và than ôi! qua nhiều sách rất đáng tin cậy tôi đã được biết rằng kết quả của công trình do Lysenko công bố là kết quả không đúng sự thật.  Nói theo tiếng Việt là ‘xạo” là “giả” là “gian dối”. Nhiều bài viết gọi “Lý thuyết” của Lysenko là lý thuyết pseudoscientific . Và nặng nề hơn nữa họ gọi các công trình giả được báo cáo là Lysenkoism.  Thế giới khoa học nhạo báng Lysenko.  Từ Hoa Kỳ tôi không biết khi Giáo Sư Delaveau nhận được những tin tức xấu này, ông đã nghĩ gì?  Nhưng tôi tin rằng Ông Delaveau không sai. Cái sai trái này thuộc về Liên Xô,  thuộc về Lysenko.  Khoa học thế giới thường tin vào lương tâm và sự trong sáng của các khoa học gia.  Việc làm của Lysenko là một vết nhơ quá lớn.


Tra cứu thêm tài liệu để tìm hiểu nguyên nhân nào dẫn tới sự gian dối này.  Có nhiều giả thuyết được nêu lên. Có thể vì tiền. Có thể vì danh vọng.  Nhưng tôi lại để ý tới một ý kiến được nhiều người đồng ý là Liên Xô là một quốc gia liên tục hàng năm thiếu thực phẩm.  Cơ bản nhất là lúa mì.  Họ thường hãnh diện là một siêu cường đối đầu với Mỹ. Nhưng họ cũng khó dấu được hổ thẹn hàng năm phải muối mặt điều đình để mua lúa mì của Mỹ. Phải chăng kết quả nghiên cứu này là cái bánh vẽ của giớí chính trị vẽ lên để lòng dân được yên ổn tin vào tương lai của thể chế.  Chẳng lẽ mục tiêu của chính trị lại dơ bẩn như vậy? chẳng lẽ cứu cánh biện minh cho phương tiện?


Nhưng hậu quả của Lysenko khiến nhiều khi người ta nghi ngờ các thống kê, các nghiên cứu khảo cổ, nghiên cứu Lịch Sử, xã hội, y tế v..v..của Liên Xô.


X


Sở dĩ tôi đã dài dòng về kinh nghiệm của bản thân với chuyện nghiên cứu của Lysenko vào thập niên 1960 để nhắc nhở tới công trình nghiên cứu của Phạm Cao Dương.


Cái may mắn của Phạm Cao Dương là được hưởng một nền giáo dực phi chánh trị. lấy nhân bản, dân tộc, khai phóng làm cơ sở. Tại Pháp hay tại Hoa Kỳ Giáo Sư Dương đều được học và làm việc trong một môi trường nghiên cứu ít ô nhiễm. Nhờ những bệ phóng có giá trị này mà Giáo Sư Dương có những phản sạ (reflex), dị ứng với những hành động sai trái của Lysenko.


Cuốn sách Bảo Đại-Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam khá dầy. Nó dầy tới 782 trang.  Một phần là khổ chữ khá lớn giúp người đọc cao niên dễ dàng lãnh hội. Cái đáng quý của nó không phải là dày mà là nó chứa chất nhiều dữ kiện hiếm hoi, ít người biết tới.


Thời điểm 1945 tại Việt Nam là một thời kỳ nhiều biến động nhất.  Sự xung đột giữa chính quyền Bảo Hộ với nhiều đảng phái cách mạng Việt Nam. Mâu thuẫn giữa Quân đội chiếm đóng Nhật Bản với người Pháp.  Việc Hoa quân nhập Việt với tham vọng của người Trung Hoa về lãnh thổ Đông Dương. Việc du nhập ý thức Cộng Sản đã được biểu hiệu bằng hành động tuyên truyền và võ trang. Việc khó khăn của chính quyền hợp pháp nhưng rất yếu của Vua Bảo Đại và Thủ Tướng Trần Trọng Kim.  Việc những nhà ái quốc không Cộng Sản từ Trung Quốc, lưu lạc nhiều năm, nay trở về. Tất cả mọi phía đều cất tiếng nói và có tiếng nói riêng biệt với chân lý về mình. Giờ đây những chứng từ, những tiếng nói ấy gom góp lại thành nhiều dữ kiện rất tương phản, mâu thuẫn của một thời kỳ bát nháo.


Nghiên cứu của Giáo Sư Dương được giới hạn trong một đoản kỳ từ ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương. Ngày 15/8/1945 Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh và giới hạn cuối cùng là ngày 19/8/1945 Việt Minh Cướp Chính Quyền, Vua Bảo Đại thoái vị (30/8/1945).  Như vậy tổng cộng 5 tháng 20 ngày.


Trước khi cơn bão táp tràn tới Vua Bảo Đại và Thủ Tướng Trần Trọng Kim đã hành sử như thế nào và kết quả ra sao? Một tổng kết sơ khởi cho thấy


- Vua Bảo Đại tuyên bố Việt Nam độc lập


- Thu hồi đất Nam Kỳ về với tổ quốc Việt Nam


- Tiếp thu và cải tiến  nền hành chánh theo tiêu chuẩn Việt Nam


- Tổ chức và chuyển ngữ ngành Giáo Dục Việt Nam


- Bổ nhiệm những cá nhân có tài, đức vào những chức vụ quan trọng trong 


   chính quyền.


 -Tổ chức cứu đói tại Bắc Việt. Một nạn đói khủng khiếp.


- Cố gắng giữ gìn an ninh v..v..


Tất cả những thành quả đã được Giáo Sư Phạm Cao Dương nghiên cứu, phân tích rất khúc chiết.  Trong giai đoạn lịch sử này, Đảng Cộng Sản Việt Nam cướp được chính quyền. Sự thành công của Đảng Cộng Sản rất dễ hiểu.  Thứ nhất các lãnh tụ Đảng đều là đảng viên quốc tế được huấn luyện kỹ lưỡng về chính trị, tổ chức và tuyên truyền.  Thứ hai có một đội ngũ cán bộ kỷ luật , nồng nhiệt và đi sát với quần chúng.  Thứ ba là kết hợp nhuần nhuyễn giữa bạo lực cách mạng với tuyên truyền để tiêu diệt đối phương.


Và sự nghiệp của Thủ Tướng Trần Trọng Kim kết thúc tự đây. 


Trong đống dữ kiện phức tạp, mâu thuẫn như mớ bòng bong đó.  Tôi thấy Giáo Sư Dương đã kiên nhẫn thu thập, thời gian thu thập chắc là rất lâu.  Nhất là những tài liệu lấy từ nước ngoài.


Rồi ông sắp xếp theo đặc tính dữ kiện và theo thời gian.


Là một học giả hàn lâm (academic), những bước đi trong nghiên cứu rất rõ ràng , khiến độ khả tín rất cao. Với cách nhìn khách quan, ông đã tránh đi những thiên kiến về các tài liệu quá khích, ngược ngạo và mâu thuẫn (contradictory sources). Sau đó Giáo Sư Dương đã sắp xếp lại những dữ kiện đáng tin cậy nhất, kể cả những chứng cớ gián tiếp.


Bước kế tiếp Giáo Sư xử dụng kiến thức sử học chuyên môn để đối chiếu, so sánh  (comparison), lý gỉải (historical reasoning).  Tôi đã chú ý rất nhiều đến những footnotes (ghi chú hướng dẫn).


Ngôn từ sử dụng để phán xét của Giáo Sư Dương rất từ tốn lễ phép.  Đối với các nhân vật lịch sử còn sống hay đã khuất dù đứng trên bất cứ lập trường nào ông cũng rất tôn trọng.   Họ là những người chịu trách nhiệm trước lịch sử dân tộc, chứ họ không phải là ân nhân hoặc tội nhân trước các sử gia để được đề cao ủng hộ hoặc dè bỉu đả kích.  Sử gia là khoa học gia tìm kiếm , phân tích và kết luận về các su hướng, hành động, hành sử của các nhân vật chính trị.  Sử gia không phải là  một chánh án có trách nhiệm phán xét rõ rệt sự đúng, sự sai.


Một chính trị gia có bản lãnh thường có nhiều ẩn dụ khó hiểu.  Tuỳ theo hoàn cảnh của từng thời điểm họ có những chiến lược, chiến thuật biến hóa.  Chúng ta có rất nhiều thí dụ.


Tổng Thống Soekarno còn có khi viết là Sukarno (6/6th/1901 – 6/21/1970) là người Indonesia.  Là nhà yêu nước chống lại sự đô hộ của người Hoà Lan.  Nhưng trong Thế Chiến Thứ Hai, ông là là cộng tác viên đắc lực của người Nhật.  Sau thế chiến , ông trở thành tổng thống.


Tổng Thống Park Chung Hee (1917-1979) là người hùng, dựng lên một Hàn Quốc hiện đại hùng mạnh.  Ông là một người  thân Nhật , có tên Nhật là Takagi Masao và là một sĩ quan trong quân đội Nhật  ( trong Thế Chiến Thứ Hai)


Thủ tướng Lý Quang Diệu Lee Kwan Yew (1923-2015) là một người thân Anh. Tốt nghiệp tại Cambridge Anh Quốc.  Trong Thế Chiến Thứ Hai Ông lại thân Nhật và là một thông dịch viên (Japannese translator) cho quân đội Nhật.


 Thủ Tướng Abdul Rahman (1903-1990), thủ tướng đầu tiên của nước Malaysia độc lập năm 1957.  Ông tốt nghiệp tại Cambridge University Anh quốc. Một người thân người Anh. Trong Thế Chiến Thứ Hai, Abdul Rahman đã có một thời gian dài cộng tác với quân Nhật và nhận chức quận trưởng (district officer) trong nhiều năm dưới sự cai trị của người Nhật.


Trên đây là những nhân vật rất quan trọng đã từng cộng tác với quân Nhật trong Thế Chiến Thứ Hai và sau đó lại là những nhân vật phụng sự rất đắc lực cho quốc gia họ.  Còn Việt Nam được ân huệ gửi công nhân qua nước họ.


 Vua Bảo Đại và Thủ Tướng Trần Trọng Kim đã không có được những may mắn  như các vị kể trên.


Hầu hết các quốc gia như Cao Ly (Triều Tiên), Mã Lai, Nam Dương, Singapore đều nằm ngoài ảnh hưởng của Trung Hoa. Trước Thế Chiến Thứ Hai, Cao Ly (Triều Tiên) là thuộc quốc của Nhật Bản.


Việt Nam lúc nào cũng coi Trung Hoa là mẫu mực . Những danh từ việt gian hay  ngụy đều lấy từ sản phẩm chính trị của Trung Quốc là Hán gian và Ngụy.


Quan niệm và lập luận vô lý và hẹp hòi này đã làm bể vỡ tình đoàn kết của dân tộc Việt Nam.


Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt. Nội bộ của mọi quốc gia thuộc Đông Nam Á đều chấm dứt hận thù.  Chỉ trừ có Việt Nam, ngày nay trên sách báo vẫn tràn đầy các danh từ tay sai, phản động, liếm gót nước ngoài, việt gian , ngụy v..v..


Một lần nữa cần phải nói lại , chúng ta phải hối tiếc một triều đại nhân bản, yêu nước và hòa hiếu, thương dân đã vượt khỏi tầm tay của nhân dân ta để sau đó gánh chịu một cuộc chiến đẫm máu kéo dài từ năm 1945-1975. Tưởng chấm dứt. Ai ngờ vết thương khó lành.


Giáo Sư Phạm Cao Dương đã giải phẫu một vết thương lịch sử Bảo Đại-Trần Trọng Kim.  Cái quý nhất của khảo cứu này được thực hiện ở một xứ sở văn minh, minh bạch.  Cũng đã có những sử gia được đào luyện tại chính quốc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà hoặc Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Các sử gia này là người Việt Nam rất thông minh bén nhậy nhưng không may mắn phải sống ở một môi trường mà mọi sự minh bạch đều bị giới hạn.  Các tác phẩm của họ, tiếc thay, khó tồn tại với thời gian. Than ôi! Lysenko và Lysenkoism.


Tác giả Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, đã mất năm 1953. Tác phẩm lịch sử của Ông ra đời từ năm 1920 mà vẫn được tồn tại và tồn tại mãi mãi. Vì tính minh  bạch, khoa học, tác phẩm của Phạm Cao Dương cũng sẽ được tồn tại. Trong Thế Kỷ 21 này sẽ có nhiều sử gia Việt Nam chân chính chiêm nghiệm về công trình của Phạm Cao Dương.


Đó là một may mắn quý giá.


Nhìn cuốn khảo cứu quá dầy,  Nghĩ tới tuổi đời quá cao, đã trên 80 tưổi của tác giả. Nghĩ tới căn bệnh tim hiểm nghèo vẫn còn lơ lửng treo trên sinh mệnh của Giáo Sư Phạm Cao Dương.  Nghĩ tới và nghĩ tới.  Vừa cảm phục vừa thương mến một con người đã chấp nhận định mệnh trên con đường tìm sự thực lịch sử mà ông đã lựa chọn và trung thành với nó./


Bùi Khiết


Mùa Hè 2017
15 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 7032)