Ban bí thư trung ương Đảng quyết định chuyến đi Mỹ của ông Hoàng Minh Chính

21 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 7581)

image042

Bs Nguyễn Xuân Ngãi (trái) và cụ Hoàng Minh Chính trong cuộc họp báo tại San Jose 9/11/2005.

Photo: LKT

 

VĂN HÓA MAGAZINE-CALIFORNIA, ISSUE #106 NOVEMBER, 2005

CALIFORNIA, SAN JOSÉ (LÝ KIẾN TRÚC) - Vào lúc 2 giờ chiều ngày 09 tháng 11 năm 2005, một cuộc họp báo công khai do Bs Nguyễn Xuân Ngãi tổ chức cho ông Hoàng Minh Chính gặp gỡ giới truyền thông báo chí ở miền nam và bắc California tại khách sạn Embassy Suite Hotel, thành phố Milpitas, sát San Jose, trước khi ông Chính lên đường trở về Việt Nam theo trù tính vào ngày 20 tháng 11. 

Cuộc họp báo được phân làm hai phần: phần báo cáo của Bs Ngãi nói về kết quả sức khỏe của ông Hoàng Minh Chính. Theo bản văn phân phát cho báo chí tại chỗ thì sau khi chữa bệnh, sức khỏe hiện nay của ông Chính ‘rất khỏe mạnh”, nhưng theo yêu cầu của bác sĩ, 6 tháng sau ông Chính phải sang Hoa Kỳ một lần nữa để tái khám. Riêng phần đối đáp giữa ông Hoàng Minh Chính với giới truyền thông Việt Nam hải ngoại hơn 1 tiếng đồng hồ được kết thúc trong bầu không khí ấm tình chiến hữu, dù có nhiều câu hỏi gay gắt, hóc búa nổ ra. Tuy nhiên, đánh giá chung, cuộc gặp gỡ lần chót của ông Hoàng Minh Chính trước khi về lại quê hương đã để lại dấu ấn nhiệt huyết tình người của một con người suốt đời hy sinh cho cách mạng Việt Nam.

 Trong suốt thời gian ông Hoàng Minh Chính hoạt động tại hải ngoại, từ các cơ quan truyền thông quốc tế, quốc nội Hoa Kỳ, trường đại học, đến các cuộc gặp gỡ giới hành pháp lập pháp Mỹ, dường như ông Chính đã tạo được nhiều thái độ đồng cảm.

 Một chuyến bay của hãng Mỹ đã đưa ông Chính êm thắm về tới nhà riêng ở Sàigon vào lúc 3 giờ sáng giờ Sàigon. Chúng tôi được biết tin từ một thân hữu thuộc đảng NDHĐ cho biết chuyến về Việt Nam của ông Hoàng Minh Chính ngoạn mục không kém chuyến đi của ông.

 Ông Hoàng Minh Chính trong quá khứ, nguyên là một nhà xét lại tầm cỡ của Việt Nam trong hệ thống các nhân vật lãnh đạo tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Nhưng từ sau Đại hội lần thứ XX của đảng CS Liên Xô; ông bị ở tù vì tội xét lại dù ông là Viện Trưởng Viện Triết học Mác Lê. Không có gì khiên cưỡng lắm nếu liệt ông vào hàng ngũ canh tân như Tito của Nam Tư; Kruschev, Gorbachov của Liên Bang Sô Viết, và Hoàng Minh Chính của CS Việt Nam. 

 Sau hơn 20 năm tù, quản chế, giờ đây, ông được chế độ Hà Nội thả tự do; ông vẫn tiếp tục phát biểu tự do đòi tống khứ chủ nghĩa cộng sản lỗi thời ra khỏi đất nước Việt Nam. Ông mạnh mẽ phê phán di sản ác ôn lỗi thời của ý thức hệ Mácxít, Stalinnít, Maoít. Ông khẳng định không có chủû nghĩa nào tồn tại tại ở Việt Nam bằng chủ nghĩa dân tộc.

 

 Những nhà tư tưởng dân chủ Việt Nam tung lão tướng Hoàng Minh Chính ra hải ngoại mở đường cho chiến dịch liên kết các phong trào dân chủ Việt Nam. Hai tác nhân mới của thời đại là Phong trào Dân chủ Quốc nội và Phong trào Dân chủ Hải ngoại đang sơ khai hình thành dưới khẩu hiệu Đại Đoàn Kết Dân Tộc. Dù có nhiều đối trọng từ chủ thể lẫn khách thể từ ở trong nước ra đến nước ngoài, nhưng cao trào dân chủ đã đối tác đúng vào nhân tố Hoàng Minh Chính từ trong đánh ra. Vấn đề sẽ còn tiếp tục là, ông Hoàng Minh Chính có thực hiện được “mission “Im”possible” hay không?

 Tuy nhiên, một thái độ chính trị khá khác thường cũng cần lưu ý phát xuất từ quốc nội Việt Nam, xuyên qua một vài cơ quan ngôn luận trong nước phản ảnh sứ mệnh hải ngoại của ông Hoàng Minh Chính. Sự khác thường này tùy theo chiều kích của mỗi người hiểu nó trong cục diện hiện nay.

 

 **

 Sau đây là nội dung cuộc gặp gỡ riêng của bổn báo Chủ nhiệm Văn Hóa và đặc phái viên nhật báo Người Việt với ông Hoàng Minh Chính được bố trí ở một phòng riêng sau cuộc họp báo công khai chiều ngày 9 tháng 11, 2005. Trong cuộc phỏng vấn - mạn đàm này, nhiều điểm mới phát ra từ lời ông Hoàng Minh Chính. Khi bài tường trình này lên khuôn báo Văn Hóa, chúng tôi có thỉnh ý ông Hoàng Minh Chính về điều kiện phổ biến nội dung, cả hai chúng tôi đều đồng ý.

 Kính mời quí bạn đọc theo dõi. (LÝ KIẾN TRÚC)

 

*

 VĂN HÓA: Xin mời phái viên nhật báo Người Việt mở lời trước.

 NGƯỜI VIỆT: Theo lời cụ nói cụ sang Mỹ đã gặp 10 hội đoàn, trong lúc ở Mỹ này có tới hàng trăm hội đoàn, vậy làm sao mà cụ đoàn kết được?

 HOÀNG MINH CHÍNH: Sự thực khi đưa ra khẩu hiệu đoàn kết thì khi khẩu hiệu đúng thì nó có khả năng chinh phục được lòng người, thứ hai nữa chúng tôi có tờ báo điện tử, chính cái tờ báo điện tử đó sẽ làm nhiệm vụ tái đoàn kết. (Có người hỏi thêm: Ở đây có nhiều hội đoàn lắm, bác gặp như vậy có đủ hay chưa?) - Bởi vì điều kiện thời gian chúng tôi cũng không phải đi đến chỗ là gặp hết tất cả được, trong tình hình hiện tại sức khỏe tôi rất yếu, do đó Bs Nguyễn Xuân Ngãi sắp xếp làm sao trong tình hình sức khỏe của tôi có thể gặp được, bởi vì mỗi lần gặp như thế thì các vị ấy thường hỏi tôi về tình hình trong nước và đặt những vấn đề thường đòi hỏi những câu trả lời thật cụ thể, những cuộc gặp như thế có khi mất đến cả tiếng đồng hồ, và nói thật, sau mỗi cuộc gặp như thế tôi rất mệt, trong khi gặp mà nói thì tôi không mệt, bởi tôi đem hết sức khỏe của tôi ra mà đáp ứng, nhưng sau đó rồi khi về nhà tôi rất mệt.

 VĂN HÓA: Xin phép bác để khai triển thêm câu hỏi của Người Việt, thì dù sao đi nữa bác cũng là đại biểu của các nhân vật đấu tranh cho phong trào dân chủ trong nước ra hải ngoại để mưu tìm công cuộc đại đoàn kết, vậy khi bác ra hải ngoại này, theo bác ai có thể là đại biểu cho hàng trăm hội đoàn cho công cuộc đại đoàn kết?

 HOÀNG MINH CHÍNH: Về vấn đề này thì tôi không dám đặt và tôi cũng không bao giờ đặt vấn đề cá nhân nào hay hội đoàn nào làm công việc đó, bởi vì thứ nhất: về hội đoàn tôi không biết chủ trương đường lối của người ta như thế nào! Thực như thế. Ngay cả cái hội đoàn của ông Bình ông Ngãi, chính các vị ấy đưa cho tôi, trong tình hình đó tôi xem hết, thế thôi; và mình vẫn chỉ đặt mục tiêu dân chủ hóa, liên kết rộng, chứ mình không đứng riêng về hội đoàn nào để tránh tính chất hẹp hòi với phường hội, chính cái đó là cái rất hay cho phong trào dân chủ Việt Nam.

 VĂN HÓA: Thưa, để cho bác nắm vững thêm về hải ngoại, sở dĩ nói đến hàng trăm hội đoàn đây không có nghĩa là sự phân tán hay sự mất đoàn kết, bởi vì bác nói rằng bác chưa nắm vững các hội đoàn và quan điểm chính trị của họ như thế nào, cái điều đó nó cũng nói lên sự đánh giá của người trong nước đối với hải ngoại vẫn có sự thiếu sót rất nhiều; vì đứng về căn bản phải nói rằng 90 phần trăm người Việt ở hải ngoại họ đứng vào lằn ranh quốc gia chống cộng; (HMC: đúng! Cái này đúng quá!), vậy thì khi đánh giá quan điểm chính trị của người Việt hải ngoại phải dựa trên đại đa số con số nêu trên. (HMC: đúng!). Vâng, bây giờ chúng ta có thể pass qua câu chuyện này và xin phái viên Người Việt có thể đặt câu hỏi tiếp.

 NGƯỜI VIỆT: Như những điều cụ mới nói với tôi nó khác với những gì cách đây vài tuần cụ tuyên bố rằng ông Trần Khuê là đại diện trong nước và Bs Nguyễn Xuân Ngãi là đại diện ở hải ngoại, thành thử khi có Phong trào Dân chủ nó đã nổ ra phong trào chống đối ở hải ngoại, cụ nghĩ thế nào về hai điều cụ nói?

 HOÀNG MINH CHÍNH: Về cái điều dư luận ở ngoài này có thắc mắc là sau khi tôi có lời phát biểu ở đại học Harvard, chính đồng bào có thắc mắc và chính anh em cũng nói thẳng với tôi là ông Nguyễn Xuân Ngãi có đại diện gì cho Phong trào Dân chủ Việt Nam hải ngoại đâu! Thế mà tại làm sao trong cái bài của tôi lại nói như thế? Chính ở chỗ này tôi có cảm giác là cái việc đánh máy và cái hiểu về vấn đề này nó có sai trái, sai trái là người đánh máy nhận thức không rõ cái ý tôi nói, do đó cho nên mới đi đến cái chỗ nói sai đi. Ở đây, sau này tôi sẽ phải nói rõ, tôi đặt ông Nguyễn Xuân Ngãi là người đại diện cho Phong Trào Dân Chủ Việt Nam, nhưng mà là PTDC Quốc nội, vì Phong Trào Dân Chủ ở hải ngoại đã làm gì có! Ở hải ngoại không có, làm sao ông Ngãi lại có quyền đại diện cho phong trào hải ngoại. Đây là một cái chuyện nó phải rõ ràng. Thứ hai nữa, ông Nguyễn Xuân Ngãi là người đại diện cho PTDCVN mà phong trào nói chung là ở trong nước, chưa có một tổ chức nào của PTDCVN ở hải ngoại cả, ông Ngãi chỉ là người đại diện tham gia vào PTDCVN quốc nội mà thôi.

 VĂN HÓA: Thưa bác, những điểm này vô cùng quan trọng (HMC: đúng!), nhưng rất tiếc là bản tuyên bố của bác ở đại học Harvard đã truyền đi khắp thế giới, cho nên cái này bác cần phải cải chính lại. (HMC: đúng!), nhân đây có BS Nguyễn Xuân Ngãi xin hỏi Bs Ngãi có đồng ý như vậy không? (NXN: vâng!). Vậy là Bs Nguyễn Xuân Ngãi cũng đồng ý quan điểm đó. (HMC: đúng rồi!)

 HOÀNG MINH CHÍNH: Cái đó phải nói thực như thế này, đến khi mà tôi có cái bản Mỹ mà tôi đọc ấy, thì trong tình hình ấy mình cứ đọc thôi, chứ mình không kịp sửa cái đó, đến khi có phản ứng rộng rãi thì tôi mới thấy mình phải đi đến chỗ giải thích cho nó rõ vấn đề này, còn về sau này tôi sẽ sẵn sàng có một bản giải thích nữa riêng về vấn đề này.

 VĂN HÓA: Xin phái viên Người Việt có thể tiếp tục câu hỏi tiếp.

 NGƯỜI VIỆT: Cũng liên hệ tới chuyện này, trên internet có một số phản ứng chống đối về những điều cụ nói ông Trần Khuê là người đại diện trong nước, người ta nói rằng cụ đã áp đặt chứ không phải là sự đồng thuận hay là bầu bán gì cả, có phải không ạ?

 HOÀNG MINH CHÍNH: Vấn đề nó là thế này, cái ý kiến nêu lên cử ông Trần Khuê là đại diện cho PTDC trong nước, điều đó là bởi vì, những ý kiến đó chưa theo dõi được hết PTDCVN nó phát triển như thế nào, chưa hiểu biết được lịch sử của nó như thế nào, thực tế, tôi chỉ nói vắn tắt thế thôi, còn sau này chúng tôi sẽ có một bản trình bầy về PTDCVN, bởi vì thực sự ra nếu nói riêng ra, tôi mới là người phải trình bầy vấn đề đó, bởi vì PTDCVN nếu nói tương đối gần thì nó xuất nguyên từ cái gọi là phong trào xét lại chống đảng.

Phong trào xét lại chống đảng thì tôi là người chịu trách nhiệm chính của phong trào xét lại trong đảng. Bây giờ nói về vấn đề đó thì hơi dài, nếu trình bầy vấn đề đó phải đòi hỏi thời gian trên văn bản mới được.

Thứ hai là PTDCVN nó xuất nguyên từ nhóm dân chủ, mà nhóm dân chủ này đầu tiên chỉ có ba người vào ngày 19 tháng 5 năm 2000, lúc bấy giờ lãnh đạo đảng CS mới nêu vấn đề là kết tội chiến sĩ Hà Sĩ Phu là tội phản quốc.

Chúng tôi được tin về vấn đề ấy, chúng tôi đặt luôn vấn đề ký tập thể để chống quyết định ấy. Đầu tiên chỉ có ba người chủ trương, sau này dần dần nó mới lên có số 10, 20, 30 người. Ba người đầu tiên là tôi, Hoàng Minh Chính, rồi ngay hôm tôi được tin ông Hà Sĩ Phu bị như thế, người báo tin là nhà văn Hoàng Tiến, tôi gọi dây nói hỏi nhà văn Hoàng Tiến xác nhận là đúng như thế, thế thì tại sao nhà văn Hoàng Tiến lại biết rõ như thế vì ông Hà Sĩ Phu và ông Hoàng Tiến liên hệ với nhau rất chặt chẽ, do đó khi Hà Sĩ Phu bị như thế thì gọi ngay cho Hoàng Tiến, rồi Hoàng Tiến nói chuyện với anh Phạm Quế Dương, thế thì lúc bấy giờ tôi mới mời các anh lại gặp tôi, thực sự các anh ấy luôn yêu quí tôi và coi tôi như người anh, do đó tôi mời hai anh gặp tôi ngay. Hôm đó là ngày 1 tháng 5, năm 2000, khi gặp tôi tôi đặt rằng bây giờ cái chính quyền này nó kết tội Hà Sĩ Phu như thế, tội phản quốc là nó đánh không chỉ riêng Hà Sĩ Phu mà nó đánh chung tất cả những người có tư tưởng tự do dân chủ, vậy thì bây giờ chúng ta phải lên tiếng, mà chúng ta lên tiếng khác với các lên tiếng trước đây cá nhân lên tiếng, giá trị của nó không mạnh bằng lên tiếng nói tập thể. Về cá nhân lên tiếng, năm 1991, trước đại hội VII, tôi đã lên tiếng đòi bỏ điều 4 Hiến pháp rồi, thế mà từ đấy cho đến năm 2000 đã 10 năm rồi, tôi lại yêu cầu đất nước này theo đa nguyên đa đảng dân chủ v.v....

 VĂN HÓA: Xin phép ngắt lời bác để triển khai thêm vấn đề hồi nẫy, đó là bộ tham mưu đầu tiên khởi xướng lên tiếng nói xét lại vào ngày 19 tháng 5 năm 2000 gồm có ba người là Hoàng Minh Chính, Hoàng Tiến và Phạm Quế Dương, (HMC: vì chính quyền ấy kết tội Hà Sĩ Phu), vậy thì bây giờ ba nhân vật này có làm việc với PTDCVN trong nước với ông Trần Khuê hay không?

 HOÀNG MINH CHÍNH: Hiện tại vẫn tiếp tục làm việc với nhau trong nước.

 NGƯỜI VIỆT: Khi cụ về Việt Nam cụ dự trù phải đối phó với những gì khi họ Hà Nội sẽ đặt ra những gì với cụ?

 HOÀNG MINH CHÍNH: Bây giờ họ Hà Nội sẽ đặt ra vấn đề gì thì thực sự mình chỉ phỏng đoán thôi, bây giờ chưa cái gì phỏng đoán để mình có thể khẳng định, nhưng mà phải có sự phỏng đoán để đối phó, chuẩn bị đối phó trước, thí dụ như khi máy bay xuống, họ có thể lục lọi va li va liếc để kéo dài thời gian, lục tung xèo, vậy thì chúng tôi sẽ không mang bất kỳ một văn bản nào về trong nước cả để khỏi gây rắc rối, hoặc rồi có thể mời tôi lên đồn công an làm việc, ... dù bạn tôi là cấp cao nhà nước nó vẫn mời tôi đi đến đồn công an, thì tất cả những chuyện ấy không kể hết được, hoặc về đến nhà nó có thể bao vây, nó báo đây là người có tội.

 VĂN HÓA: Để tiếp tục câu hỏi, xin hỏi bác là họ đã cho phép bác chính thức được xuất ngoại để chữa bệnh, giả sử bây giờ khi bác về họ lại bắt bác thì bác nghĩ thế nào về sự mâu thuẫn này?

 HOÀNG MINH CHÍNH: À, thế bây giờ họ bắt tôi thì mình phải chấp nhận, mình không thể chống được.

 VĂN HÓA: Không, xin hỏi bác về sự mâu thuẫn giữa hai thái độ đó?

 HOÀNG MINH CHÍNH: À! Cái này nó như thế này. Trong thời gian qua, họ đã đi đến chỗ như các bản tin trong nước cũng đã đưa lên internet, là các cơ quan ưa đổ tội cho nhau, là bộ Công An đổ tội cho ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung Ương, ban Tư Tưởng VHTƯ đổ tội cho ban Nội Chính, cứ như thế họ đổ tội cho nhau, và tại làm sao lại để cho Hoàng Minh Chính ra đi đến chỗ cho Hoàng Minh Chính phát biểu một cách quyết liệt như thế này, đấy!

 Thế nhưng ở đây nó lại có câu chuyện như thế này: trong khi tôi đang nằm ở bệnh viện hữu nghị Việt-Xô khoảng giữa tháng 6, có một anh Đại tá Công an tới. Anh ấy bảo: cháu hôm nay vào đây..., lúc bấy giờ nhà tôi có mặt ở đây, anh ta đi với 4 người nữa tức là 5 người, trong khi đó con gái cả tôi cũng đi với bạn tới hỏi thăm tôi, đứng đầy hết cả trong một cái buồng có 3 bệnh nhân, họ đứng đầy xung quanh giường của tôi nằm giữa hai cái giường bệnh khác.

 Họ nói: Cháu vào đây theo gia đình muốn đề nghị bác ra nước ngoài chữa bệnh, cháu vào đây cháu làm. Thế thì như vậy nhà tôi đã có nhận một cái tin gì đó. Gia đình bác gái muốn xin cho bác xuất ngoại, cháu vào làm cho bác về cái vấn đề xuất ngoại, và chỉ có cháu làm trong hai tiếng đồng hồ. Anh này là Đại Tá chánh văn phòng sở Công An Hà Nội. Thế thôi.

 Sau đó, nó còn nói trước đây cháu có tới gặp cụ, cụ cứ đuổi cháu, cụ không tiếp cháu. Tôi nói đuổi là đúng rồi, đuổi vì chống tự do dân chủ; thế thì nó nói cháu là con cháu của cụ mà!

 VĂN HÓA: Vâng, để xin phép bác cho hỏi câu chuyện này cho rõ thêm, cái việc họ cho phép bác được ra hải ngoại để chữa bệnh, không phải là chính sách của Trung ương đảng?

 HOÀNG MINH CHÍNH: Úi giời ơi! Phải, nó không có chính sách. Đấy! Họ nói thẳng như thế này, họ nói về sau, lúc bấy giờ gặp tôi họ bảo: Cháu, nghĩa là chỉ có cháu thôi, sở công an mới có thể hai ngày làm cho bác hộ chiếu ngay lập tức, còn những người khác phải nửa tháng, một tháng. Đấy, thế thôi! Thế là xong cái chuyện đó. Chứ còn chuyện phê phán anh ta ngay trước mặt mọi người nó còn dài. Sau đâu đó chính anh ta mới đưa bà nhà tôi đi làm giấy. Trong khi đi làm giấy, đúng! Chỉ có anh ta mới có thể đưa đi làm giấy được, nghĩa làm làm giấy phải đi năm sáu cái cơ quan chứ. Thế! Thế thì anh ta là đại tá là chánh văn phòng sở công an cơ mà. Thế là nhà tôi mới kể chuyện không có anh ta là không được.

 Sau đâu đó khi đi làm giấy nó bảo thế này: Đây không phải chuyện dễ đâu ạ! Đây là quyết định, ý kiến của Ban Bí Thư Trung Ương Đảng đấy ạ! Cho nên mới có cái chuyện giấy tờ cho bác đi như thế này, chứ không phải là Bộ Công An nữa đâu mà là ý kiến của Ban Bí Thư Trung Ương Đảng!

 Đấy! Thế thì làm sao mà phải đi đến cái chuyện này là phải Ban Bí Thư Trung Ương Đảng. Thực sự ra mà nói, từ trước cho đến sau này cuộc đấu tranh của tôi từ chỗ bắt Hoàng Minh Chính hay không bắt Hoàng Minh Chính, quản chế Hoàng Minh Chính... tất cả những cái đó đều là Ban Bí Thư Trung Ương Đảng! Bởi vì tôi là một người tên tuổi, lão thành cách mạng, đấu tranh từ năm 1936, và đã ngồi đến chỗ Hội Nghị Cán Bộ Toàn Quốc, cái hội nghị quan trọng nhất mà ông Hoàng Minh Chính ngồi lên ghế danh dự, tất cả những cái đó đều là quá trình đấu tranh tên tuổi như thế này thế khác. Đấy!

 VĂN HÓA: Thế thì thưa bác cái anh Đại tá này có phải là thành viên của PTDC không ạ? (mọi người cười!)

 HOÀNG MINH CHÍNH: Không, khổ lắm, công an mà lại đại tá! (mọi người cười lớn). Không có một anh công an nào nó là thành viên của PTDC cả! Ở đây nó có một cái mức là mình phải phân tích là tại sao trong bối cảnh ấy Ban Bí Thư Trung Ương Đảng lại đi đến quyết định cho phép, ở dưới nó chỉ thi hành thôi, chứ làm gì có cái chuyện Hoàng Minh Chính bị bắt ba lần tổng cộng hơn hai chục năm trời tù đầy và quản chế...

 NGƯỜI VIỆT: Thế thì có phải vì áp lực của người Mỹ không?

 HOÀNG MINH CHÍNH: Cái đó khó thể mà nói được. Tôi làm sao tôi biết được do áp lực của người Mỹ, nhưng cái đó phải nói rằng nó là hội tụ của nhiều cái bối cảnh. Ví dụ như Phan Văn Khải và Tổng Thống Bush ngồi với nhau, tự nhiên báo chí ở ngoài này chỉ nói Bush chỉ đặt vấn đề tự do tôn giáo, nhưng sau đó là có trao đổi về vấn đề nhân quyền, và như vậy Phan Văn Khải phải đi đến chỗ tỏ ra rằng mình có dễ dãi với nhân quyền, thì cho Hoàng Minh Chính đi, đại khái là như thế. Thế thì tất cả những cái này phải đòi hỏi sự hội tụ của nhiều thông tin rồi đi tìm cái logic của nó, chứ tôi không thể trả lời một cách rõ ràng về vấn đề này.

 VĂN HÓA: Nói tới người Mỹ thì nói tới sự kiện gần mới đây, đó là vào ngày Quốc Khánh của nước Mỹ, ông Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Sàigòn (HMC: Cái chuyện ấy tôi biết rồi!), có mời tất cả các bộ mặt tranh đấu dân chủ, vậy thì cái cảm tưởng của bác và sự suy nghĩ của bác về cuộc họp mặt đó như thế nào?

 HOÀNG MINH CHÍNH: Cái đó thực sự đó là một hỗ trợ của chính quyền Mỹ, mà sự hỗ trợ đó rất quan trọng. Hết!

 NGƯỜI VIỆT: Trở lại chuyện PTDC, như cụ nói cụ chỉ gặp mặt chừng 10 cái hội đoàn, trong khi nở bên ngoài này có hàng trăm, hàng ngàn hội đoàn; có người nghĩ rằng cụ đi với một thời gian ngắn như vậy để kết hợp trong và ngoài nước vậy là cụ thất bại.

 HOÀNG MINH CHÍNH: Vấn đề này chúng tôi biết rất rõ, vì trước khi tôi đi thì chính công an nó đã bảo rồi, 345 hội đoàn ngoài này, hội đoàn đảng phái, ông Hoàng Minh Chính ra ngoài đó chỉ có “bơi” ở trong đó, đấy!

 VĂN HÓA: Thưa, anh công an nào nói câu đó ạ?

 HOÀNG MINH CHÍNH: Anh công an nào nói câu đó thì... người ta nói với bà nhà tôi! Bà nhà tôi nói lại. Thường thì tôi không tiếp cận họ, mà tôi cũng không cho phép đi đến nhà tôi.

 VĂN HÓA: Thế ai đưa ra con số 345 hội đoàn đó ạ?

 HOÀNG MINH CHÍNH: Thì công an nó đưa mà lị.

 VĂN HÓA: Kể ra thì họ cũng nắm rõ ghê! Nhưng nếu thêm con số zero nữa thì tốt.

 HOÀNG MINH CHÍNH: Nó có thể là 345 có thể là 3450 thì cái chuyện đó công an họ đưa thì làm sao cho là chính xác, họ chỉ muốn nói ông Hoàng Minh Chính mà ra là muốn liên kết: “bơi”! Cô Dương Thu Hương nói chuyện với tôi ngày 18 tháng 8, sự thực nó như thế, nó là một thực tế, tôi đã trả lời phỏng vấn nhiều rồi.

 NGƯỜI VIỆT: Xin cụ trả lời sát hơn, rõ hơn đó là sự thất bại trong cái điều mong ước là kết hợp trong và ngoài nước, bởi vì ngoài này đã không làm được công việc đó?

 HOÀNG MINH CHÍNH: Không! Nó là như thế này, tôi không làm vấn đề kết hợp trong ngoài nước. Tôi làm vấn đề đóng góp sự tác động về vấn đề dân chủ hóa ở hải ngoại liên kết các lực lượng. Làm sao để liên kết được? Thì chính mình phải ra. Cô Dương Thu Hương bảo rằng: Em không tin anh có thể làm nổi được công việc đó đâu, ở bên ngoài người ta không ai chịu ai cả! Hội đoàn thì không có hội đoàn nào chịu hội đoàn nào! Cho nên em không tin!

 VĂN HÓA: Vậy thì thưa bác, theo như cái ý định của bác, bác ra hải ngoại có hai mục tiêu lớn: mục tiêu thứ nhất là tạo sức mạnh cho PTDC trong nước, có phải không ạ?

 HOÀNG MINH CHÍNH: Cái đó nó cũng chưa phải hẳn, bởi vì cái mục tiêu của tôi đặt nó chưa đi đến chỗ quá cụ thể như thế, mà tôi chỉ đặt vấn đề là đi đến chỗ đặt tác dụng thật là lớn. Mục đích của tôi chỉ là như thế này: mình sang, mình đem một cái nhiệt tình của mình cho tự do dân chủ của đất nước, đưa cái mục tiêu đó ra có thể tác động vào phong trào bên ngoài để đồng tình với mình là cái mục tiêu này là mục tiêu đúng, và sẽ đi đến chỗ liên kết bằng mục tiêu ấy, liên kết phong trào ở hải ngoại để đi đến chỗ giúp đỡ cho cuộc đấu tranh trong nước. Thế thôi! Nhưng mình có làm được cái điều đó hay không thì chỉ bằng nhiệt tình của mình, chứ còn có làm được hay không thì mình đã được ra đâu, do đó tôi trả lời cô Dương Thu Hương cũng chỉ bằng cái nhiệt tình của mình, còn mình sang tới đâu cái đó còn tùy thuộc tình hình thực tế. 

 VĂN HÓA: Sau cùng, hết sức cám ơn bác đã cho phép chúng tôi có cuộc mạn đàm ngày hôm nay, chúng tôi cũng hết sức cám ơn Bs Nguyễn Xuân Ngãi đã tạo cơ hội cho chúng tôi được tiếp cận gần gũi thêm bác Hoàng Minh Chính. Ngoài ra thể theo lời đề nghị của các bạn hiện diện chúng ta xin chuyển qua “hệ” khác.

 NGƯỜI VIỆT: Thế thì trong lời tuyên bố dường như cụ có nói là trong chế độ Hà Nội phải lật đổ thì nó có bắt không?

 HOÀNG MINH CHÍNH: Chủ trương lật đổ thì nó sẽ bắt. Cái chuyện nó bắt trong tình hình hiện nay nó bắt có lợi hay không có lợi!

 NGƯỜI VIỆT: Cụ có nghĩ là nó sẽ bắt cụ không?

 HOÀNG MINH CHÍNH: Nó bắt ba lần rồi. Lần nào trong đấu tranh tôi cũng sẵn sàng ba lô lên vai. Thực sự không chỉ có tôi, có một số anh em khác nữa ví dụ như Trần Bá, Trần Bá là một Trung tá. Khi vụ Năm Cam xẩy ra, có một hội nghị trung ương đi đến chỗ trong cuộc họp không lên án Ủy viên Trung ương đảng có tội trong vụ này, phó Thứ trưởng của bộ Công an và chỉ đi đến chỗ hạ chức vụ từ Trung tướng xuống Thiếu tướng thôi. Ông (Trần Bá) viết luôn một bản lên án cả hội nghị trung ương bao che, xong rồi ông ấy đem lại 1 bản cho tôi, tặng anh một bản này; tôi hỏi: chuẩn bị ba lô chưa? Anh ấy nói tôi chuẩn bị ba lô rồi, tôi tới bất kể chỗ nào. Trong cuộc đấu tranh nó như thế đấy! Anh Hoàng Tiến cũng vậy. Khi phát biểu như vậy, chuẩn bị ba lô chưa? Chuẩn bị rồi.

 Trong nước đấu tranh cực kỳ gian khổ. Khi anh đã có tiếng nói quyết liệt, phải sẵn sàng chuẩn bị ba lô. Tôi nói một thí dụ khác như cô Dương Thu Hương có bài viết đầu đề: “Những kẻ tay sai của ngoại bang”, xong cô gởi tặng cho tôi cái bản này khoảng 11 trang, sau này tôi gặp tôi nói: Cái bản này nó có khả năng nó bắt em đấy!

 Dương Thu Hương nói: “Đúng! Em viết thì em sẵn sàng chuẩn bị ba lô rồi! Em chuẩn bị ba lô trong một tuần lễ khi viết cái bản ấy.” Đấy, tôi chỉ nói vài trường hợp thôi để nói lên cái cực kỳ gian khổ, và phải có cái dũng khí quyết tử.

 NGƯỜI VIỆT: Chắc cụ biết có lời cãi nhau giữa ông Hoàng Tiến và ông Thanh Giang?

 HOÀNG MINH CHÍNH: Về việc đó anh em có hỏi tôi, vấn đề ấy tôi không quan tâm. Bây giờ phải tập trung vào vấn đề đấu tranh tự do hóa đất nước, phải liên kết hết tất cả, trong ban biên tập của tờ báo điện tử. Thanh Giang phải tham gia vào ban biên tập của tờ báo điện tử. Tôi đưa cho các anh em khác thấy trong danh sách của tờ báo điện tử có khoảng 15 tên , trong đó phải có Thanh Giang, còn Thanh Giang có vào thì tùy ông ấy làm sao ép buộc được. Nói chuyện này, hôm nay phải nói các hội đoàn chống cộng người ta muốn viết bài để đưa lên báo điện tử có cho đăng không? Tại sao lại không cho đăng? Thế thì anh là biệt phái à! Đăng hết! Bởi vì miễn là các hội đó tán thành tự do dân chủ hóa đất nước. Vì tấm lòng của người ta, thậm chí những người đó tài sản mất hết trong nước, họ vượt biên, những người thân của họ đang nằm ở đáy biển, thế thì ở trong nước tôi đã nói những người đó rất hy sinh. Khi tới San Francisco tôi tuyên bố ngay, do đó tôi hoàn toàn không tán thành cái bảo rằng Việt kiều ở hải ngoại bảo họ là những người xấu, những người đó có tổ chức báo đài chống cộng đó là quyền của người ta.

 VĂN HÓA: Nhưng cái nghị quyết 36 vừa rồi nó cũng ca tụng Việt kiều ghê lắm chứ?

 HOÀNG MINH CHÍNH: (Cười)! Nó ca tụng để nó vuốt ve Việt kiều và nó tranh thủ Việt kiều thôi. Những anh nào tin vào điều đó thì đem thóc giống ra mà để nấu ăn. Thế thôi.

 VĂN HÓA: Để kết thúc và để không làm phiền sức khỏe bác, thì xin hỏi bác vài lời tiên đoán: Ai sẽ làm Chủ tịch nước, ai sẽ làm Tổng bí thư trong Đại hội X sắp tới?

 HOÀNG MINH CHÍNH: Về cái tiên đoán này, tôi nói thật cái điều như thế này: Tôi không bao giờ tiên đoán về nội bộ đấu tranh của họ cả, nhưng cái tiên đoán này thì tôi đề nghị ông có câu trả lời rất tốt, khả năng có tới bẩy tám mươi phần trăm, hỏi ông Chủ tịch nước, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào ông ấy sẽ trả lời rõ, Hồ Cẩm Đào trả lời rất chắc chắn. Khả năng ấy Hồ Cẩm Đào trả lời xong rồi thì có thể tám chín mươi phần trăm là trúng.

 VĂN HÓA: Xin cho lời tiên đoán thứ hai là trong thời gian vừa qua, ông cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt có chủ trì một hội nghị quan trọng ở Đà Nẵng, khởi xướng ra đa nguyên đa đảng, nhưng chưa thấy ông ấy đòi hủy bỏ điều 4 hiến pháp, vậy thì trong lời tiên đoán của bác thì bao giờ sẽ có hình thành ra một vài đảng để có thể đa nguyên đa đảng, có thể có hy vọng đảng Nhân Dân Hành Động của Bs Nguyễn Xuân Ngãi và ông Nguyễn Sĩ Bình đang ngồi ở đây là đảng đối lập hay không?

 HOÀNG MINH CHÍNH: Về đảng Nhân Dân Hành Động, tôi không bao giờ đi trả lời qua mặt hai ông chủ tịch và phó chủ tịch. Chuyện ấy tôi xin phép được phép không trả lời trong sự nhã nhặn và lễ độ. Điều thứ hai là bao giờ có đa nguyên đa đảng, vừa rồi ông hỏi tôi ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi đề nghị ông hỏi lại ông TT Võ Văn Kiệt rằng đến bao giờ, chính các ông đang chủ trương vấn đề đó mà chính ông là người đặt vấn đề. Tôi không có điều kiện trả lời vấn đề đó nhưng Võ Văn Kiệt đặt vấn đề thì Võ Văn Kiệt trả lời thì hay hơn.

 VĂN HÓA: Nhưng mà khổ cái là ông ấy không chịu ra hải ngoại thì làm sao đặt vấn đề được ạ?

 HOÀNG MINH CHÍNH: Không, không cần phải ra tới hải ngoại, bây giờ chỉ phone hỏi trực tiếp và ông có thể nói như thế này: phỏng vấn ông Hoàng Minh Chính, ông Chính bảo rằng cái câu trả lời hay nhất và xác đáng nhất là hỏi Võ Văn Kiệt.

 VĂN HÓA: Thế thì Bs Nguyễn Xuân Ngãi và ông Nguyễn Sĩ Bình có ý kiến gì về vấn đề này không ạ?

 NGUYỄN SĨ BÌNH: Chuyện gì, chưa chú ý thật, hỏi lại đi!!!

 VĂN HÓA: À! Trong một hội nghị cao cấp ở Đà Nẵng, ông Võ Văn Kiệt là người chủ trương đa nguyên đa đảng, nếu ông nghĩ rằng cái cao trào đa nguyên đa đảng nó trở thành được thì đảng Nhân Dân Hành Động có trở thành một đảng đối lập ở trong nước hay không?

 NGUYỄN SĨ BÌNH: Cái này tôi nghĩ rằng... trước hết cái lời tuyên bố đó của ông Kiệt, cũng như ông cụ hồi nãy nói phải hỏi ông Kiệt mới xác thực, còn về đảng Nhân Dân Hành Động từ khi thành lập đến giờ thì lúc nào cũng là đảng chính trị và một trong những đảng chính trị của Việt Nam chứ không phải là một đảng duy nhất như đảng CS, thế thì khi mà có cái đa đảng đa nguyên được chấp thuận hay đã sẵn sàng thì dĩ nhiên đảng Nhân Dân Hành Động là một trong những đảng chính trị sẽ hoạt động tại Việt Nam công khai như mọi đảng phái khác.

 VĂN HÓA: Xin cám ơn câu trả lời của ông Nguyễn Sĩ Bình và Bs Nguyễn Xuân Ngãi. Vậy thì bây giờ chúng ta có thể “tắt máy” và mạn đàm lần thứ hai.

 

LÝ KIẾN TRÚC

thực hiện tại San José ngày 9 tháng 11, 2005

 

TIN GIỜ CHÓT:

San Jose, Nov-12-2005.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Vì lý do đặc biệt ông và bà Hoàng Minh Chính đã về đến phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, Việt Nam sớm hơn dự định vào lúc 10:30 tối ngày 12-11-2005. Sau khi bị câu lưu khoảng 3 tiếng, ông bà Hoàng Minh Chính đã về đến nhà của người con gái bình an. Ra đón ông bà Hoàng Minh Chính tại phi trường Tân Sơn Nhất, có giáo sư Trần Khuê và gia đình cô Thanh, con gái của ông bà.

Xin quí vị phổ biến dùm

Đa tạ

BS Nguyễn Xuân Ngãi.
21 Tháng Mười Một 2017(Xem: 4929)
-Hoàn Cầu Thời báo phỏng vấn Ts. Vũ Cao Phan
27 Tháng Bảy 2017(Xem: 5549)
- Văn Hóa phỏng vấn Nhà báo Bùi Tín. - Văn Hóa Phỏng vấn Gs Lê Xuân Khoa.
20 Tháng Mười Một 2016(Xem: 6117)
Liên tiếp trong mùa Hè - Thu năm nay, ngày 17-18/8 năm 2016 và ngày 14-15/11 năm 2016, Nha Trang là nơi tiếp đón hai cuộc hội thảo Quốc tế về biển Đông ở Nha Trang. Ảnh bên: ông Phạm Gia Khiêm nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng bộ Ngoại giao (phải) và ông Lê Công Phụng nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ VN tại Hoa Kỳ cùng tham dự hội thảo.- Nha Trang 2016: Hội thảo Quốc tế về Biển Đông. - Phỏng vấn Ts Phạm Đăng Phước, Ts Trang Sĩ Trung và Ts Trần Công Trục, Ts Nguyễn Chu Hồi, Gs Nguyễn Mạnh Hùng.
15 Tháng Mười Một 2016(Xem: 5132)
Nha Trang 14/11/16: Hội thảo Quốc tế về Biển Đông kỳ VIII
25 Tháng Chín 2016(Xem: 6497)
Nha Trang 2016: Hội thảo Quốc tế về Biển Đông NHA TRANG (VH 18/8/2016) - Kết thúc sau 3 ngày hội thảo quốc tế về biển Đông; sáng 18/8, phái đoàn tham dự được ban tổ chức mời đi tham quan Viện Hải Dương học ở thành phố biển Nha Trang và đặc biệt biệt quân cảng Cam Ranh. XEM THÊM: - Hình ảnh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm Cam Ranh 2012. - Nga đón gió Cam Ranh trước Mỹ hay Mỹ không cần Cam Ranh? - “Ai chiếm được Cam Ranh, kẻ đó sẽ chiếm được một nửa Trung Quốc”. - Phỏng vấn và các bài tham luận của các diễn giả.
04 Tháng Chín 2016(Xem: 6179)
Nha Trang 2016: Hội thảo Quốc tế về Biển Đông Phần I/ Các bài Phỏng vấn của Văn Hóa. Phần II/ Các bài tham luận của Diễn giả. Phần III/ Văn bản Đồng thuận.
25 Tháng Tám 2016(Xem: 8958)
Đặc biệt của Văn Hóa Online-California 18/8/2016 Phần I/ Các bài Phỏng vấn của Văn Hóa. Phần II/ Các bài tham luận của Diễn giả. Phần III/ Văn bản Đồng thuận. LTS: Trong ba ngày Hội thảo Quốc tế 16 - 18/8/2016 về tình hình Biển Đông tại khách sạn InterContinental thành phố biển Nha Trang, do thời gian thảo luận rất ít và rất đông phóng viên trong nước tham dự, Văn Hóa gặp được các các quí vị: Tiến sĩ Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng trường Đại học Phạm Văn Đồng và Tiến sĩ Trang Sĩ Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Nha Trang - đồng trưởng ban tổ chức; Tiến sĩ Trần Công Trục, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Tiến sĩ Nguyễn Quí Bính , Tiến sĩ Ngô Hữu Phước đến từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đến từ Hoa Thịnh Đốn, Tiến sĩ Ngô Vĩnh Long đến từ Đại học Maine Hoa Kỳ - trao đổi với các quí vị trên ít hàng. Mời quí bạn đọc theo dõi. (VH) XEM THÊM: - 2016: Hội thảo Quốc tế về Biển Đông tại Nha Trang, Việt Nam. (Thăm Viện Hải Dương và quân cảng Ca
23 Tháng Tám 2016(Xem: 6583)
Nha Trang: "Đặc biệt của Văn Hóa-California" LTS: Trong ba ngày Hội thảo Quốc tế 16 - 18/8/2016 về tình hình Biển Đông tại khách sạn InterContinental thành phố biển Nha Trang, do thời gian thảo luận rất ít và rất đông phóng viên trong nước tham dự, Văn Hóa gặp được Tiến sĩ Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng trường Đại học Phạm Văn Đồng, Trưởng ban tổ chức ba ngày hội thảo; Tiến sĩ Trang Sĩ Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Nha Trang và tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ VN - trao đổi với các quí vị trên ít hàng, mời quí bạn đọc theo dõi:
21 Tháng Tám 2016(Xem: 6713)
(VH) - Không thể phủ nhận lần đầu tiên sau phán quyết của tòa thường trực La Haye hôm 13/7/16 về Biển Đông, VN đã tổ chức quy mô 3 ngày hội thảo hội tụ hơn 30 diễn giả quốc tế trong và ngoài nước với sự tham dự của hàng chục cơ quan truyền thông báo chí tại thành phố biển Nha Trang từ ngày 16-18/8/2016; tuy nhiên, hội thảo đã thiếu một yếu tố quan trọng: tính phản biện. Đại diện báo Văn Hóa-California tham dự hội nghị - ghi nhận và phỏng vấn một số ý kiến qua các học giả.
18 Tháng Tám 2016(Xem: 6268)
(VH) - Lần đầu tiên sau phán quyết của tòa thường trực La Haye hôm 12/7/16 về Biển Đông, VN đã tổ chức quy mô 3 ngày hội thảo hội tụ hơn 30 diễn giả quốc tế trong và ngoài nước với sự tham dự của hàng chục cơ quan truyền thông báo chí tại thành phố biển Nha Trang từ ngày 16-18/8/2016. Đại diện của báo Văn Hóa-California tham dự hội nghị này.