Sách văn học trong nước nổi bật tháng 12

11 Tháng Giêng 20187:21 CH(Xem: 4964)

VĂN HÓA ONLINE - NHÂN VĂN - THỨ  SÁU  12 JAN  2018


Sách văn học trong nước nổi bật tháng 12


11/01/2018


image055


Tháng 12/2017 với những tác phẩm văn học “nặng ký” ở cả hai đầu: những gì xấu xa nhất loài người đang ngập chìm vào và những gì tốt đẹp chỉ cảm nhận được bằng con tim chân thành.


image056image057


Sau Chúng tôi của Yevgeny Zamyatin, độc giả Việt Nam lại được đón đọc bản dịch của một trong những tác phẩm nền móng của thể loại tiểu thuyết phản địa đàng (dystopia), Thế giới mới tươi đẹp của Aldous Huxley.


Tiểu thuyết này tiêu biểu ở chỗ, khác với phần nhiều tác phẩm cùng thể loại, thay vì khắc họa cỗ máy nhà nước khổng lồ nghiền nát các công dân, xiềng xích các quyền cơ bản; thì nó lại vẽ ra một viễn cảnh sáng lạn: giải trí ở khắp mọi nơi, tình dục không giới hạn, chính quyền ở rất xa không nhìn thấy nổi. Nhưng nỗi khiếp sợ bắt đầu từ đó: mọi người sẵn sàng chống trả sự đàn áp bằng dùi cui.


Thế giới mới tươi đẹp mô tả London vào năm A.F.632: (năm 632 Kỷ nguyên Ford), tức năm 2540, khi không còn nhân loại theo nghĩa cũ, mà là một đám người được làm mới lại hoàn toàn bằng công nghệ sinh học.


Ở đó không còn sinh sản (sinh sản kiểu cũ bị ghê tởm đến mức người ta không phát âm từ “mẹ” mà chỉ dám nói “m…”). Con người được sinh ra đã có sẵn các đẳng cấp (bằng việc pha trộn trong ống nghiệm), alpha, beta, làm lãnh đạo còn gamma, delta lao động chân tay.


image058


Sau giờ làm việc, mọi công dân được cung cấp mọi phương tiện giải trí (kể cả ma túy soma), được làm tình bất tận (tốt nhất là làm tình tập thể), được học tập trong lúc ngủ (có máy dạy học ra rả thông điệp vào lỗ tai khi ngủ, truyền kiến thức vào trong tiềm thức) được thưởng thức nghệ thuật (nhưng chỉ có duy nhất một loại nghệ thuật được đón đợi là phim khiêu dâm), và không nên phí thời gian băn khoăn suy nghĩ gì. Thế giới đó có tươi đẹp không, có gì đáng phiền lòng không?


Cuốn sách là một lời tiên tri đau đớn về tương lai, không chỉ về tương lai công nghệ sẽ làm tha hóa con người, biến con người thành các sản phẩm sinh - hóa thuần túy, không còn đời sống tinh thần giữa ngập ngụa vật chất được sản xuất hàng loạt một cách vô nghĩa, mà quan trọng hơn là tương lai của xã hội từ chối cảm xúc cá nhân, từ chối suy ngẫm về cộng đồng và những giá trị nhân văn cơ bản. Đó chính là xã hội của tiêu dùng - giải trí ngay ở đầu thế kỷ 21 này đây.


Tác phẩm này được sáng tác từ những năm đầu thế kỷ 20, nhưng ngày nay phương Tây vẫn nhắc đến nó phải sự ứng nghiệm kỳ lạ đến những biến động chính trị gần đây: chiến thắng của tổng thống “hề” Donald Trump, sự vô minh khi ký vào bản kiến nghị Brexit của một số công dân Anh…


Chúng ta có nhiều vũ khí để chống lại nhà tù của chế độ cực quyền, nhưng chúng ta có gì để trốn khỏi những giá trị tầm thường ào ạt cùng đại dương của vui chơi.


image059image060


Là một tác phẩm mẫu mực của chủ nghĩa hậu hiện đại, Tạp âm trắng vừa mô tả xuất sắc cả quá khứ và hiện tại của những năm 80 thế kỷ trước, vừa dẫn một đường nối quan trọng vào thời đại truyền thông đại chúng ngày nay.


Tạp âm trắng xuất sắc nhất trong việc mô tả mớ hỗn độn mà truyền thông nhồi vào đầu cá nhân mỗi ngày bằng một văn phong hỗn độn không kém. Cuốn sách này bằng những câu văn phức tạp dẫn ta vào mê cung của những nỗi sợ mà truyền thông bày ra, rao bán và ngự trị mỗi ngày: những đám mây phóng xạ, quảng cáo lai với dạy yoga, tuyên truyền chính trị… Cá nhân bị thao túng, săn đuổi, bóp nghẹt và chơ vơ nhưng tay vẫn cầm điều khiển tivi và bấm bấm bấm.


Đọc cuốn sách, ta không còn thấy hiện thực và những con người sống trong đó nữa, mà chỉ thấy truyền hình lây lan ở khắp mọi nơi, chỉ còn tồn tại duy nhất một thứ hiện thực – thứ do TV vẽ ra (đến nỗi mà mây phóng xạ độc có chết người không, cứ ngồi yên chờ TV bảo nhé).


image061


Sự kỳ quái ấy làm ta phải bật cười, nhưng cũng phải giật mình bởi quyền năng của chiếc TV với con người đương đại. Nó làm ta mắc kẹt trong núi thông tin, ru ta ngủ bằng mọi loại phim ảnh phỉnh lừa, moi tiền ta bằng những quảng cáo lòe loẹt, dạy ta sống bằng cách nhồi nhét đủ kiểu sợ hãi điên rồ,…


Đậm đặc trong tác phẩm này, nửa công khai nửa ẩn dụ, là sự phê phán chủ nghĩa tư bản – chủ nghĩa tiêu thụ trong kỷ nguyên đại chúng hóa thông tin - thông qua chồng chất các biểu tượng lớn: phóng xạ, môn Hitler học, quảng cáo, ám ảnh cái chết, công nghệ mới… Từ đó, Don Delillo đưa một cái nhìn không khoan dung về nửa bên kia đen tối của nước Mỹ cũng như sự tuyệt vọng giữa sự thờ ơ vô cảm đang nuốt chửng loài người, từng tích tắc một.


image062image063


Loạn xạ và nhốn nháo như mọi tác phẩm của Jonathan Tropper, Nơi anh định bỏ em lại khai thác một chủ đề quen thuộc: cá nhân biết làm gì với cái cuộc đời lùng bùng của mình đây.


Mở màn bằng cảnh nhân vật chính Judd phát hiện ra vợ của anh đang làm tình (một cách hừng hực) với tay sếp trên chính giường của mình, và ít lâu sau thì một cuộc gọi từ người mẹ (mới phẫu thuật chỉnh ngực) rằng bố anh vừa mất, hãy mau về.


Khi đặt chân về mái nhà xưa, cảnh đoàn viên cũng chẳng vui vẻ gì: ông anh chăm chỉ nghiêm túc mãi chưa có con (vợ lại là bạn gái cũ của Judd), ông em trác táng gái gú, bà chị chán chồng đem hai con về quê. Di nguyện cuối cùng của bố là cả gia đình hãy ở với nhau một tuần. Một tuần đó, bao nhiêu bi – hài kịch diễn ra, bao nhiêu quá khứ được lật lại, bao nhiêu dồn nén vẫn cứ âm ỉ, và ít nhiều hạnh phúc, cuối cùng, đã mỉm cười.


image064


Jonathan Tropper là môt nhà văn bậc thầy ở chỗ luôn cân bằng giữa hài hước và buồn thương, ồn ã và lắng đọng, chất chứa và giải tỏa. Chỉ sự cân bằng ấy mới giúp cá nhân tìm lại chính mình giữa đủ những khổ ải tinh thần của đời sống hiện đại.


Tropper còn tinh tế chỉ ra rằng, cuộc sống này luôn lộn xộn, cá nhân sẽ dậm chân tại chỗ hoặc vượt qua được mớ lộn xộn đó, nhưng cần nhất là ngồi lại với nhau, tình yêu thương rồi sẽ hàn gắn chúng ta, rồi mọi việc sẽ ổn. Hãy trở về nhà, dũng cảm đối mặt, và hạnh phúc sẽ quay lại, một lần nữa.


Nhà luôn là nơi chứng kiến ta trưởng thành, dù ở độ tuổi bao nhiêu, dù cha mẹ đã vắng bóng, dù anh em đã rất lâu rồi không nhìn thấy nhau.


image065image066


Đây là một cuốn sách về chuyến phiêu lưu đi tìm biển cả, xuyên qua những vùng hoang dã của Canada và được thực hiện bởi bà lão 83 tuổi xách súng theo (mắc chứng hay quên) đi cùng một con sói (biết nói chuyện).


Cuộc phiêu lưu này còn dẫn thêm một bạn đồng hành không mời nữa: một cụ ông hàng xóm, 80 tuổi, chân cà nhắc lái xe tải cà tàng – thầm thương bà từ thời thơ bé, lo lắng quá mà lần theo người bạn nữ. Đó là chưa kể đến ông chồng bà cụ ngồi nhà đợi (vô cùng tin tưởng vào vợ mình) cũng phiêu lưu trong tâm trí.


Cả cuốn sách là bốn chuyến đi rất riêng, đẹp như cổ tích, kỳ lạ đến chân thực như văn học hiện thực huyền ảo, đẫm chất thơ như những khúc hát đồng quê. Chuyến đi trải dài cả trên những đồng cỏ Canada lẫn ký ức ấu thơ của mỗi người lẫn sự không tưởng của bước đi và chờ đợi.


image067


Tất cả hòa quyện vào nhau, chỉ dấu cho nhau, cắt ngang qua nhau, chồng chất lên nhau, rồi hé lộ những yêu thương, những dang dở mà đời người ai cũng ấp ủ trong tim. Những chân trời trong tâm hồn, đó mới là cái đích cuối của tác giả khi cho ngòi bút di chuyển uốn lượn cùng đoàn người kỳ lạ trên.


Cuốn sách này đầy chất thơ, chất thơ của sự tái khám phá lại bản thân. Và nhất là chất thơ từ sự tĩnh tại của những con người đã trải qua cả một cuộc đời yêu thương “Anh hi vọng là em vẫn đang nhìn thấy mọi thứ. Anh chỉ viết để bảo em rằng: anh ở đây, đừng lo lắng. Anh ở đây, vẫn thở, vẫn đợi.” (theo Zing)
13 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 553)