Bùi Tín: hỏi tướng Trần Văn Quang tư lệnh mặt trận Mậu Thân Huế

20 Tháng Hai 201811:17 CH(Xem: 8743)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ  TƯ 21  FEB  2018


Bùi Tín: hỏi tướng Trần Văn Quang tư lệnh mặt trận Mậu Thân Huế


Ở Hà Nội 'không có sự đồng nhất về Mậu Thân'


BBC 19/2/ 2018


image038

Ông Bùi Tín lý giải các góc độ trận Tết Mậu Thân


Ông Bùi Tín, cựu đại tá QĐND VN, nói rằng theo những gì ông biết thì năm 1968 trong các lãnh đạo Hà Nội không có đồng nhất về trận Tết Mậu Thân.


Từng là cựu Tổng Biên tập báo Nhân Dân Chủ Nhật và nay là nhà bất đồng chính kiến sống tại Paris, ông Bùi Tín nói với BBC hồi đầu tháng 2/2018 về sự kiện 50 năm trước:


Cựu đại tá Bùi Tín: Tôi theo dõi thì năm 1968 có tấn công để tổng công kích và tổng khởi nghĩa nhưng mà không đạt được kết quả về tấn công. Riêng ở Huế chiếm được 25 ngày nhưng mà tất cả hơn 40 thành phố và 70 quận lỵ thì chỉ vào được có 3 đến 10 ngày thôi, còn phải rút ra với những tổn thất rất nặng nề đến tận năm 1972, 1973 mới có thể hồi phục lại được.


Cho nên nếu nói đó là thắng lợi thì đó là sai lầm so với sự thật, so với lịch sử. Thời kỳ đó là thời kỳ phía cách mạng bị tổn thất nhiều nhất, không biết bao nhiêu liệt sĩ đã chết trong thời kỳ đó mà không đạt được kết quả chiến lược.


BBC:Vai trò của những người mà đứng sau quyết định mở ra chiến dịch Mậu Thân này từ phía miền Bắc Việt Nam lúc bấy giờ là ai,đặc biệt là các vị tướng thưa ông?


Có thể nói những nhân vật chịu trách nhiệm hay là ra chủ trương đánh trận tết Mậu Thân, thì trước hết là ông Lê Duẩn cùng với ông Lê Đức Thọ. Ở trong Nam có ông Phạm Hùng, ở khu 5 thì có ông Chu Huy Mân, còn ở Bộ Tổng tham mưu có ông Văn Tiến Dũng. Một vai trò rất quan trọng nữa là của ông Nguyễn Chí Thanh. Nhưng mà ông Nguyễn Chí Thanh đã chết vào tháng 7 ngay khi mà cuộc tấn công này đang được chuẩn bị.


 image039

Bản quyền hình ảnh Three Lions Image caption Lực lượng của Bắc VN và Mặt trận Giải phóng đã đồng loạt tấn công trên toàn Nam VN dịp Tết Mậu Thân 1968 và nhiều đợt sau nữa


Các lãnh đạo khác như ông Hồ Chí Minh và ông Võ Nguyên Giáp, theo tôi được biết rõ là hai ông này không tán thành. Do không tán thành nên họ bố trí ông Hồ Chí Minh thì đi sang nghỉ ở Bắc Kinh ba tháng và khi cuộc tổng tiến công diễn ra thì ông ở Bắc Kinh, chỉ làm một bài thơ trước để phổ biến nhân ngày Tết thôi.


Còn ông Giáp thì tháng 12 trước khi nổ ra cuộc tấn công, người ta cũng bố trí ông sang Hungary để mổ mật.


Ông Giáp cũng như ông Hồ Chí Minh không muốn có những cuộc tấn công lớn. Ông Giáp nói thẳng với tôi rằng lực lượng chưa chín, chưa đủ mạnh để có thể tấn công trong khi mà quân Mỹ ở miền Nam đông đến như thế, gần nửa triệu quân.


Đáng lẽ là chỉ tấn công một đợt rồi rút ra củng cố nhưng mà đánh cả đến đợt hai vào tháng 5 và cho đến tháng 8 còn cố mở ra đợt ba nữa, làm cho cái thất bại, tổn thất, tất cả các cơ sở ở thành thị, nông thôn mất hết, mà còn phải đưa cả miền Bắc vào để bổ sung vào những thất bại đó.


BBC:Ông theo dõi, đánh giá nhìn lại sau 50 năm từ phía của Việt Nam hiện nay ở trong nước thì ông thấy các đánh giá đó, nhìn nhận như thế thì đã sòng phẳng chưa? Một số người có nói những câu chuyện về 'thảm sát' ở Mậu Thân, chẳng hạn như ở Khe Đá Mài hay một số chỗ khác, thì ông có bình luận như thế nào?


Tất nhiên nói toàn Miền Nam thì chỗ nào cũng thất bại, bởi vì cuộc tấn công rất là rộng lớn và người ta mắc bệnh chủ quan. Khi mà đi từ vùng núi, vùng căn cứ xuống đánh các thành thị, một số nơi đã đốt sạch tất cả lán trại, bởi vì tin chắc là đi mà không trở về.


Đến khi phải quay trở về thì không còn cơ sở để mà ở. Bao nhiêu cơ sở mất hết và các căn cứ cũng mất hết, phải làm lại từ đầu. Từ 1969, 1970 đến tận năm 1972, 1973 mới có thể hồi phục lại được


BBC:Trở lại việc đánh giá từ phía Việt Nam như ông quan sát thì đã toàn diện chưa, đã sòng phẳng chưa, còn điểm gì thiếu sót hay không?


Tôi nghĩ là hiện nay họ vẫn đánh giá là toàn thắng, thắng lớn, thắng vĩ đại rồi thắng lịch sử. Nhưng mà sự thật là thất bại và sau này mới hồi phục và đến tận năm 1973 mới có Hiệp định Paris và đến năm 1975 mới toàn thắng.


Đến năm 1975 toàn thắng, tôi nghĩ thực sự đó, nói là nhờ may rủi thì không đúng nhưng mà cũng là bất ngờ ngoài dự kiến do cái sự kiện Watergate mà ông tổng thống Richard Nixon bị mất chức. Và do đó thực hiện Việt Nam hoá chiến tranh Mỹ rút ra và bỏ rơi miền Nam Việt Nam.


image029

Bản quyền hình ảnh Terry Fincher Image caption Hoa Kỳ đã phản công bằng hỏa lực mạnh, bom và pháo lớn nhưng cuối cùng cũng mất ý chí chiến đấu tiếp tục ở Nam VN


BBC:Theo ông còn những sự thật gì mà chưa nói ra hoặc người ta chưa tiện nói ra kể cả trong giới sử gia của Việt Nam hiện tại, sử gia quân sự mà theo ông thì cần phải nói ra?


Có lẽ là vấn đề lớn nhất mà tồn tại cả bên Việt Nam cũng như là nước ngoài đụng đến là chuyện thảm sát ở Huế.


Hiện nay vẫn chưa có giải đáp chính thức về vụ tàn sát ở Huế. Cuộc tàn sát đã lên đến bao nhiêu? Vì sao mà có cuộc tàn sát đó? Lúc đó tôi cũng ở gần mặt trận và tôi đã nhiều lần gặp tư lệnh của mặt trận Huế, là Trung tướng Trần Văn Quang.


Có thể nói thật là thế này, là không có chủ trương từ lãnh đạo trong việc tiến hành tàn sát ở Huế.


Tôi đã hỏi ông Quang - hoàn toàn không có văn bản, chỉ thị, một quyết định nào là tàn sát dân thường. Nhưng mà nó có những nguyên nhân.


Thế nguyên nhân của nó là gì thì tôi đã chứng kiến rất rõ và tôi xin góp phần lý giải bí mật, đấy là điều ít ai biết đến.


Một là khi động viên cho bộ đội tấn công vào Huế thì các chính trị viên và chính uỷ giải thích cho đến tận chi bộ và chi đoàn là địa bàn Huế là cái địa bàn lúc nhúc cho bọn phản động của Hoàng phái, của Tôn thất, của đảng Dân chủ, là trụ sở hết sức là chống cộng. Căn cứ chống cộng rất là nặng nề, của tay chân, của họ hàng ông Bảo Đại, và họ tôn thất, đó là bọn phong kiến, quan lại, theo thực dân rất đông. Mà đó là kẻ thù, kẻ thù từ các làng xã cho đến cấp huyện, cho đến cấp tỉnh và thành phố đều là bọn quan chức, bọn ác ôn, bọn phản động...


image040

Bản quyền hình ảnh Bui Tin Image caption Sau khi bỏ đi khỏi Việt Nam, ông Bùi Tín đã viết nhiều sách về chiến tranh và xuất bản ở Phương Tây. Hình bìa cuốn 'Following Ho Chi Minh: Memoirs of a North Vietnamese Colonel' in năm 1999


Thứ hai, cuộc tấn công đó do áp đảo, do không có quân Mỹ ở đó, cho nên bắt được rất nhiều tù binh. Các viên chức của xã bắt được đến 80 tù binh, có những huyện giải đi đến 300 tù binh. Có những đơn vị bắt được đến hơn 1000 quân nhân, họ xích lại, họ trói lại. Nhưng sau khi được hai tuần đó quân Mỹ đổ bộ một cách ào ạt, thuỷ quân lục chiến Mỹ bắn dữ dội từ ngoài biển vào thì bộ đội của miền Bắc được lệnh rút lên núi.


Trong khi được lệnh rút lên núi, trước đông đảo quân phản kích như thế, lại có kèm theo một cái lệnh rất là ác, là phải giải hết tù binh lên núi, không được để cho "chúng nó" chạy thoát, sẽ lộ bí mật và càng nguy hiểm, sẽ bị thiệt hại. Cho nên anh em bị dồn vào chỗ là, bây giờ rút mà không cho họ chạy là sao, cho nên bàn với nhau là thuợng sách, là giết hết đi, không cho chạy sang phía bên kia, lộ bí mật.


BBC:Ông nghe ở đâu thông tin đó hoặc có bằng chứng gì không?


Tôi được chứng kiến những mệnh lệnh như thế.


Một là mệnh lệnh giải thích cái địa bàn đó là kẻ thù, hai là chỉ thị trong khi rút không được để cho tù binh thoát khỏi rất nguy hiểm cho cuộc hành quân của phe miền Bắc./


++++++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


- Bài báo cuối cùng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.


- Xuân này lại nhớ Tết Mậu Thân (Bài 1)


- Xuân này lại nhớ Tết Mậu Thân (Bài 2)