Trương Vĩnh Ký oan nỗi gì?

08 Tháng Ba 20188:05 CH(Xem: 11217)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ SÁU 07 DEC 2018


Trương Vĩnh Ký oan nỗi gì?


08 Tháng Ba 20188:05 CH(Xem: 722)


VĂN HÓA ONLINE - NHÂN VẬT & SỰ KIỆN - THỨ SÁU 09 MAR 2018


(theo Báo Văn Nghệ)


10/03/2017


image013


Tượng Trương Vĩnh Ký và nhà thờ Đức Bà Sàigon. Ảnh xưa


Đầu năm nay, tại TP.HCM xảy ra một hiện tượng văn hóa khá ồn ào. Số là cuốn sách tựa đề “Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ” (Nhã Nam và Nhà xuất bản Tri thức) do cụ Nguyễn Đình Đầu chủ biên, đã không được ra mắt như đã định theo lệnh của Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị thu hồi để chỉnh sửa theo yêu cầu của Cục Xuất bản, In và Phát hành trong khi sách đã được Cục Xuất bản chấp thuận và cấp phép lưu chiểu từ mấy tháng trước.


Thiết nghĩ đó là việc làm bình thường vì trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hóa, dù rằng lệnh đưa ra vào phút chót có phần cập rập nhưng tránh được một sự đã rồi. Lập tức một số phương tiện truyền thông có phản ứng bằng những lời lẽ rất gay gắt, không phải là những lời phản biện bình thường mà nó là phản ứng đầy nộ khí, tới mức là hằn học: Một “sự kiện văn hóa” rất phi văn hóa; Một sự chối bỏ lịch sử; Nhân vật ấy cho đến lúc này, khi vừa mới có cơ hội được trở lại với lịch sử thì cũng ngay lập tức đã bị ngăn trở lại một cách dứt khoát và quyết liệt đến ngỡ ngàng trước những sự phẫn nộ của nhiều người dân được biết sự thật về ông; Người ta vẫn còn “sợ” những vĩ nhân thật sự như cụ Trương…


Sách khổ 17x25cm, dày hơn 600 trang, in 2.000 cuốn, tuy chưa được phép phát hành nhưng không ít người đã nhận được sách biếu. Thực ra đó không phải là công trình nghiên cứu mà chỉ là sự thu gom có lựa chọn những bài viết về Trương Vĩnh Ký của nhiều nhân vật đương thời có liên quan tới ông và của hậu thế nhận xét đánh giá về ông, tất nhiên theo chủ ý của người biên tập. Ngoài một vài bài viết mới được đưa ra, còn đa phần với những bạn đọc quan tâm thì không có điều chi mới lạ.


Nhà Ái Quốc?


Đánh giá một nhân vật tầm cỡ như Trương Vĩnh Ký phải nhìn toàn diện cả những hoạt động văn hóa, xã hội và tác động trước mắt cũng như lâu dài của nó tới cộng đồng dân tộc. Điều nổi bật ở nhân vật này là những hoạt động văn hóa và xã hội đồng nhất với nhau nhằm vào một mục tiêu suốt đời ông theo đuổi. Đã có nhiều bài viết và cả những công trình khá công phu về Trương Vĩnh Ký của nhiều nhà hoạt động xã hội và nghiên cứu như Trần Chung Ngọc, Nguyễn Sinh Duy, Vũ Ngự Chiêu, Lê Trọng Văn, Bùi Kha, Nguyễn Mạnh Quang, Nguyễn Đắc Xuân, Phạm Long Điền, Mẫn Quốc, Nguyễn Thái Văn…, trong đó nhiều vị hiện đang sống ở nước ngoài, đều chung nhận định.


image014
Trương Vĩnh Ký.


Ngay lúc sinh thời họ Trương và cho tới hôm nay, hơn một thế kỷ sau khi ông không còn tồn tại trên cõi đời này, đã có biết bao điều ong tiếng ve, hao tổn nhiều giấy mực vào việc khen, chê. Ông Bùi Kha – một người có nhiều bài nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký, đang sống ở nước ngoài nhận định rằng ông Nguyễn Đình Đầu đã mập mờ lờ đi hoặc không hay biết (?) nhiều bức thư trao đổi giữa Trương và các viên chức trong chính phủ thực dân tại An Nam để che tội cho Trương.


Lúc 22 tuổi, khi vừa chân ướt chân ráo từ trường Dòng Penang về Sài Gòn, Trương đã dùng vốn chữ học được viết thư khẩn thiết rước giặc vào nhà: “Tôi nhân danh là người đại diện cho tín hữu Kitô kính dâng lên Ngài lời cầu xin của chúng tôi… Tất cả chúng tôi chắc sẽ chịu chết nếu Ngài không kịp đánh đuổi kẻ thù của chúng ta”! Trong khi chính tướng giặc Page đã viết thư về Paris tấu trình sự thực: “Những năm đầu mới lên ngôi, vua Tự Đức có một thái độ đối xử khá ân cần với họ (các giáo dân). Nhà vua đã ra lệnh cho các quan lại địa phương có thái độ khoan dung rộng rãi với họ trong những chuyện làm trái pháp luật, những vụ phạm pháp nhỏ. Nhưng rồi các giáo dân do các giáo sỹ lãnh đạo ngày càng xấc xược, ngạo mạn đến mức họ không thèm biết cả chính quyền địa phương. Họ công khai nổi loạn, họ tuyên bố người Kitô giáo không thể vâng lời những kẻ theo một tôn giáo khác”, đến nỗi Genouille cũng phải thốt lên: “Không một nền cai trị nào dù là phục vụ đạo Kitô lại có thể dung thứ cho sự xâm phạm thường xuyên, ngu xuẩn vào các vấn đề chính trị, dân sự và quân sự vốn không được và không phải thuộc quyền hạn của họ”. Cho đến cuối đời, khi bị thất sủng, Trương vẫn một lòng cúc cung với giặc của một “Người bề tôi tận tâm và vâng lời: Khi trở lại đời sống tư, lòng tôi luôn luôn thuộc về nước Pháp, và những công việc phục vụ nhỏ mọn của tôi cũng thuộc về nước Pháp”.


Cuộc sống và việc làm của họ Trương dù đa dạng nhưng chỉ có một chiều là phụng sự ngoại bang như chính ông đã công khai thừa nhận: “Tôi là người Pháp từ trái tim và sẵn sàng để trở thành người Pháp thực sự”, “Nước Pháp mà tôi phụng sự và hoàn toàn thuộc về nó”, thậm chí tới mức: “Tôi xả thân làm bốn mảnh vì ngài và vì sự thành công của nhiệm vụ cao cả của ngài” (Thư gửi Paul Bert). Xin lưu ý với bạn đọc rằng sau chiến tranh Pháp – Phổ (1870), nước Pháp tuy thắng trận song cũng lao đao. Cuộc bình định xứ Viễn Đông xa xôi gặp nhiều trắc trở và tốn kém. Chính giới Pháp nản lòng. Hạ nghị viện đòi rút quân về. Trong số 33 ủy viên đặc trách bàn thảo vụ Bắc kỳ, chỉ có 6-7 người khăng khăng đòi duy trì sự chiếm cứ, trong đó có P. Bert. Y hô hào vì danh dự, quyền lợi thương mại và chính trị… buộc nước Pháp phải ở lại đây! Đầu năm 1886, P. Bert đến Sài Gòn, móc nối ngay với Trương Vĩnh Ký và Trương đã nhanh nhảu đáp ứng yêu cầu rất hữu hiệu.


Một quốc gia có được một công dân nổi danh “thiên hạ kỳ tài” tất nhiên là niềm tự hào cho cả dân tộc bất kể dưới thời đại hoặc thể chế nào. Lớp hậu thế cần sự nghiêm cẩn khi tìm hiểu những giá trị của tiền nhân, đặc biệt trong một giai đoạn lịch sử hàng trăm năm đầy bi tráng của dân tộc ta. Linh mục Trương Bá Cần nhận xét rất vô tư: “Anh hùng cứu được nước như Lê Lợi, Hồ Chí Minh… không phải thời nào cũng có. Và khi đã không có một minh chủ, một lãnh tụ có khả năng tập hợp và tổ chức, thì người dân bình thường, kể cả kẻ sỹ, vẫn phải chấp nhận thực tế để tiếp tục sống và làm cái gì đó có ích cho đời”. Đó là nỗi đau cho cả dân tộc và cũng là nỗi bất hạnh không chỉ với một học giả Petrus Ký. Vấn đề là kẻ sỹ lúc ấy, đặc biệt là với kẻ sỹ tiêu biểu cho sỹ khí của dân tộc càng phải biết làm gì để cho mình được tồn tại và nếu không giúp ích được nhiều cho đời thì chí ít cũng không làm hại cho dân tộc, để lại điều tai tiếng muôn đời. Trái lại, họ Trương đã dấn thân ngay từ đầu và ngày càng dấn sâu tới mức không thể giấu nổi người đời. “Trương Vĩnh Ký đã nhận cộng tác với Pháp một cách hình như không đắn đo, không day dứt, không hối tiếc, vẫn luôn luôn đi tới”, là điều “hết sức quý giá đối với người Pháp bởi vì họ từ xa tới, lạ đất, lạ người. Nếu không có người cộng tác từ bên trong thì khó mà xâm lược được Việt Nam”.


Là một trí thức bậc thầy, họ Trương không thể hợp tác với giặc lộ liễu như những kẻ tay sai nông nổi chăm chăm lập công hưởng lộc. Người sâu sắc nước đời như Trương thì chỉ ở hậu trường mới bộc lộ ra gan ruột. Không ít người đương thời và hậu thế bị lừa bởi câu nói thường trực từ cửa miệng một trí thức hạng sang: “Sic vos non vobis” (Ở với họ mà không theo họ), nghĩ rằng đấy là một con người ưu thời mẫn thế. Phải được biết tâm can con người đó dốc ra với chủ mới biết nó thâm thúy độc hại tới mức độ nào: “Về phương diện chính trị và kinh tế, người Pháp là kẻ đi đồng hóa, còn người An Nam là kẻ chịu đồng hóa. Người yếu cần dựa vào người mạnh để đưa mình lên bằng người khỏe. Đó chính là mục đích cần phải theo đuổi và đạt tới. “Bằng cách nào? Bằng cách đồng hóa. Và đồng hóa chỉ có thể thực hiện được bằng giáo dục và học vấn” và suốt đời ông ta tận tâm tận tụy “chưa bao giờ đi lệch mục tiêu đã định sẵn. Mục tiêu đó là sự biến đổi và đồng hóa dân tộc An Nam” (Thư TVK viết ngày 12/1/1882 gửi Hội đồng thuộc địa để xin tiền in sách), đến nỗi học giả Hồ Hữu Tường suốt đời lăn lóc tứ phương, nhiều lần vào tù ra khám mà vẫn bị lầm, đã hết lòng ca ngợi tài năng và công lao của Trương Vĩnh Ký về mặt phát triển văn hóa, mở mang tri thức mà chỉ chê trách họ Trương “có một thời gian ngắn cộng tác với Paul Bert là đi lệch ra ngoài hóa trình từ người trí thức tới kẻ sỹ phu”! Năm 1873, quân Pháp hạ thành Hà Nội với cái chết chấn động lòng người của cha con Nguyễn Tri Phương và phò mã Nguyễn Lâm. Vậy mà năm 1876, theo lệnh Thống xứ Nam kỳ, Trương làm chuyến công du ra Bắc và gởi báo cáo về: “Tất cả các quan lại Nam triều đều tin chắc rằng không thể chống lại người Pháp và nếu nước Pháp muốn lấy xứ này, có thể làm mà không phải mất nhiều khó khăn, tốn kém”, sau đó là những gì, mọi người đều rõ.


image015
Các quan An Nam tiếp đãi Simon, thuyền trưởng chiến hạm Le Forbin đến Đà Nẵng yêu cầu triều đình gửi toàn quyền đại thần vào Gia Định thương thuyết.


Mời bạn đọc xem mấy dòng các quan thuộc địa trao đổi với nhau: “Tôi nhận thấy ở Huế, ông Trương Vĩnh Ký đã tận lực làm tròn sứ mạng công việc trong triều đình và ít nhiều ảnh hưởng trên nhà vua. Trong những điều kiện đó, tôi tin rằng sẽ có lợi cho người Pháp hiện thời nếu giữ ông ta ở lại Huế trong một thời gian tôi không dám xác định, nhưng chắc chắn cũng khá lâu” (Toàn quyền Paul Bert, trong thư ngày 20/5/1886, gởi Thống đốc Nam kỳ). “Petrus Ký có nhiệm vụ thuyết phục nhà vua và triều đình hợp tác một cách thẳng thắn và trung thành với Pháp. Petrus Ký hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cực kỳ tinh tế này và hòa bình yên ổn được thiết lập ở An Nam trong vòng 60 năm” (Pierre Vieillard). “Rút cục, đó là người An Nam Pháp hóa và gương mẫu duy nhất mà chúng ta có. Sự trợ giúp của ông thật đã rất ích lợi cho ảnh hưởng của chúng ta và cho nền học chính nói chung” (Luro, Thanh tra và Giám đốc trường Sư phạm Thuộc địa Pháp tại Việt Nam). Người ta còn đưa chuyện không gia nhập quốc tịch Pháp để minh chứng cho lòng ái quốc của Trương, mà không hay ông đã chẳng giấu giếm gì mưu sâu ấy với nhà bảo hộ: “Tôi sẽ không bao giờ còn lợi ích cho nước Pháp mà tôi phục vụ và gắn bó. Bởi vì nếu nhập tịch tôi sẽ mất hết uy tín, mất hết ảnh hưởng, từ đó không còn sự tin tưởng của nhà vua, của triều đình và của dân chúng An Nam”! Và sự thực ông cũng không chết già trong nghèo túng và bệnh tật như người ta ngoa lên để làm mủi lòng dư luận. Tuổi trẻ, Trương lấy vợ nhà giàu, được nhà nước bảo hộ giao trọng trách, trả lương hậu hỹ tới mức chỉ sau hai viên quan cai trị hàng đầu người Pháp tại Sài Gòn thời đó. Hàng trăm đầu sách viết ra đều được nhà nước thực dân bao thầu trọn gói kể cả khi Trương nghỉ hưu đến sau lúc qua đời! (*) Còn dư của dựng nhà thờ, phần mộ uy nghi tráng lệ.


Đương thời, con người tinh tế như Trương cũng đã nhận ra thân phận cô đơn của mình giữa những ông chủ cầm quyền: “Có nhiều người ganh ghét tôi, ngu ngốc thậm chí là hung ác, họ có thể và biết cách hãm hại tôi” (Thư gửi Paul Bert) và cả sự khinh bỉ của đồng bào mình nữa: “Trong con mắt của đồng bào tôi, tôi đã bị lên án nặng nề”!


Thế mà vẫn có một thế lực cố tình thổi Trương thành cái bong bóng màu bay lơ lửng, để lại cho hậu thế nhiều tranh cãi tới mức mâu thuẫn dai dẳng và gay gắt xoay quanh những hoạt động xã hội và các công trình văn hóa của ông ta.


Là người thông minh cần cù, lại được đào tạo căn cơ để có vốn kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực vào thời kỳ đầu hai nền văn hóa Đông – Tây mới giao tiếp với nhau, và dù không có cơ sở nào chứng minh ông là một trong thập bát văn hào thế giới nhưng nhà trí thức họ Trương vẫn xứng đáng là học giả hàng đầu của nước ta thời ấy. Bởi những hoạt động văn hóa của ông được dùng làm tấm bình phong che cho những việc làm tệ hại “rước giặc vào nhà” khiến không ít người lẫn lộn. Chẳng lạ gì gần đây nhiều nhân vật đầy tai tiếng làm tay sai cho giặc lại được tô son trát phấn bằng những luận văn sách sử để chứng tỏ lòng yêu nước thương nòi (như Lê Thân, Hoàng Cao Khải…). Nguyễn Sinh Duy, một người có những công trình nghiên cứu giá trị về nhân vật này, đã nói: “Dù sao thì Trương Vĩnh Ký cũng là một tài năng thực sự của đất nước cũng như của Nam kỳ nói riêng. Ông sống vào thời buổi cực kỳ gay cấn của nước nhà nhưng suy cho cùng thì không phải kiến thức định đoạt giá trị một con người mà chính là ở hành động của người ta”. Không dưng Thiếu tướng hải quân Pháp P. Réveillère đã tham chiến ở Nam kỳ thời ấy, từng truy đuổi nghĩa quân và binh lính Nam triều, cũng thừa nhận điều đạo lý căn bản ở bất kỳ đâu: “Lấy công bình mà nói, chúng ta quý trọng một người bởi giá trị tinh thần nhiều hơn những kiến thức”. Tuy nhiên, “cũng không phải là vì sự cộng tác của Trương Vĩnh Ký mà Nam kỳ rồi Bắc kỳ và Trung kỳ lần lượt rơi vào tay thực dân Pháp. Điều bất hạnh cho đất nước Việt Nam chúng ta là vua quan nhà Nguyễn, do nhiều sai lầm, không xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân để giữ được nước. Những người yêu nước kiên cường bất khuất như Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ khoa Huân… có gây khó khăn cho Pháp nhưng cũng không đuổi được Pháp đi” (Trương Bá Cần). Sự thật là trước khi tới Việt Nam, các nhà truyền đạo đã dựa vào đội quân viễn chinh đặt được chân lên quần đảo Nhật Bản và chế ra thứ chữ Nhật mới (Romaji) viết theo mẫu tự Latin. Song giới cầm quyền Nhật Bản lúc ấy dưới sức mạnh của quốc đạo Shinto (Thần đạo), đã đoàn kết được các đại gia tộc lãnh chúa địa phương mà nòng cốt là các shamurai, quyết liệt chống lại, buộc các nhà truyền giáo phải vác cây thánh giá cùng với đạo quân xâm lược phương Tây chuyển hướng sang xứ Viễn Đông.


Cổ nhân ta có câu: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Người hiền để cho cái tâm làm sáng cái tài, chẳng như phường giá áo túi cơm để cho cái tài làm tối cái tâm. Ông bà ta căn dặn từ ngày đầu cho con cắp sách tới trường là để “học chữ, học nghĩa”. Chữ đây là kiến thức. Nghĩa đây là trách nhiệm làm người. “Đạo đức lớn nhất của một con người là lòng yêu nước” (Napoléon), xưa nay Á, Âu đều vậy.


Để tỏ ra công bằng, cụ Nguyễn Đình Đầu dẫn ra những nhận định trái chiều ở hai miền Bắc, Nam trong giai đoạn lịch sử từ 1945 đến 1975 để người đọc tự phán xét. Hãy coi đó như là việc làm vô tư nhất trong cuốn sách này.


Ở phía Bắc, tiêu biểu là nhận định của ông Trần Huy Liệu – nhà cách mạng xuất thân từ giới nho sỹ và cũng là người đứng đầu giới sử học Việt Nam lúc đó: “Về phẩm cách cá nhân của một sỹ phu lúc ấy, không phải chỉ nhìn ở sinh hoạt thông thường mà chủ yếu là phải lấy thái độ đối với dân tộc, đối với giặc nước làm tiêu chuẩn. Là người học rộng, Trương không làm tay sai như kiểu Trần Tử Ca, Trần Bá Lộc…, mà đóng vai trò mưu sỹ bày cho giặc những thủ đoạn thâm trầm dùng người bản xứ trị người bản xứ, dùng danh nghĩa Nam triều để đánh nghĩa quân. Cái học vấn của Trương càng uyên bác bao nhiêu thì tác hại của Trương càng lớn bấy nhiêu… Với khối lượng tác phẩm đồ sộ của Trương, lột bỏ những tư tưởng phản động, nó có đóng góp một phần nào cho kho tàng văn học nước nhà. Đây là tác dụng khách quan ngoài ý muốn của tác giả, có giá trị tham khảo cho việc nghiên cứu. Một sự kiện nữa cũng không thể bỏ qua là việc xuất bản tờ báo đầu tiên ở nước ta là Gia Định báo, đành rằng về nội dung cũng như về tác dụng thì tờ báo này chỉ là công cụ tuyên truyền cho thực dân Pháp khi mới đánh chiếm nước ta. Nhưng trên lịch sử báo giới đó là một tồn tại khách quan mà chúng ta phải kể đến. Về chủ quan, chúng ta không bình công nhưng chúng ta cần chấm điểm…”.


Ở phía Nam, bản nhận xét toàn diện tiêu biểu nhất lại là của một ông Tây có tên Pierre Vieillard ca ngợi học giả họ Trương mà nếu ai đọc kỹ sẽ chắt lọc ra đây lại như sự vạch áo cho người xem lưng ngài “chí sỹ” An Nam: “Ông (TVK) không chỉ là một học giả, mà trên hết còn là một con người rộng lượng… Chưa bao giờ Petrus Ký không yêu đất nước của ông cả. Ông không bao giờ phân biệt sự cống hiến của mình cho nước Pháp và tình yêu quê hương ông dành cho Tổ quốc… Ông không tìm kiếm danh vọng. Ông chết già trong thiếu thốn (?)… Phía Pháp người ta nghi ngờ sự thân Pháp của ông; phía An Nam người ta nghi ngờ rằng ông ta chấp nhận bắt tay với Pháp một cách vội vã và đó là một sự phản bội… Mục tiêu của ông không phải là tiền tài danh vọng. Mà đó là cứu vớt những gì có thể cứu được ở An Nam. Và để thực hiện được điều đó, ông chỉ có thể chọn làm việc cho cả hai dân tộc vì ông có thể lãnh hội một cách dễ dàng những tinh hoa của nước Pháp và có sẵn trong mình những tinh hoa của An Nam. Mọi nỗ lực đều hướng về mục tiêu: làm cho người Pháp hiểu người An Nam và ngược lại, làm cho người An Nam thấy được tính nhân đạo của người Pháp (!). Và để chỉ rõ cho dân tộc Pháp và dân tộc An Nam có thể hòa hợp thành một dân tộc vĩ đại và đáng được biết đến!… Trương Vĩnh Ký, người đồng hành với Phan Thanh Giản trong suốt cuộc hành trình trên, người đã chia sẻ những điều sâu kín với quan đại thần này, có cùng suy nghĩ như ông… Tóm tắt con người Trương Vĩnh Ký bằng một từ “một con người vĩ đại đầy nhiệt huyết”, những phẩm chất chúng ta cần rất nhiều ở thời đại này”!


Đúng là lúc ấy nước Đại Pháp đang cần rất nhiều người An Nam ăn ở hai lòng như hai vĩ nhân này! Liệu người An Nam nô lệ có thể hòa hợp với người Pháp khai sáng thành một dân tộc vĩ đại được chăng? Và biết chừng nào con cháu người Gaullois mới đồng hóa được con cháu người Đại Việt?


Theo ông Chu Hảo thì cụ Nguyễn Đình Đầu, không đồng ý sửa chữa bất cứ nội dung nào đã viết trong sách. Sẽ chẳng có điều chi cần sửa cả nếu như cái tiêu đề “Hồ sơ Trương Vĩnh Ký” vẫn được giữ nguyên vì theo những sử liệu dù chưa đầy đủ ở đây thì còn oan nỗi gì để cần chiêu tuyết?! Tuy nhiên, những sách mang tính học thuật của học giả họ Trương thì cứ xuất bản cho những ai cần nghiên cứu, hẳn người quá cố sẽ thỏa lòng vì vẫn đóng góp được cho đời.


Con người tài ba “oanh liệt” vậy mà sao trong lòng u uẩn một nỗi niềm không giải được: “Cuốn sổ bình sanh công với tội / Tìm nơi thẩm phán để thưa khai” và soạn sẵn câu trích trong Kinh cựu ước nói về Job bị Thượng đế và loài người lìa bỏ, ghi trên mộ chí: “Miseremini Mei Saltem vos Amici Mei” (Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi). Ông thưa khai những gì không ai biết. Thẩm phán quyết ra sao chẳng ai hay. Đời sau còn ai “sợ những vĩ nhân thật sự như cụ Trương” đâu và những lời khen, chê, đàm tiếu là có thật! Người khen chủ yếu là những ông chủ thực dân nuối tiếc thuở vàng son và những người cùng hội cùng thuyền. Kẻ chê là những người dân mất nước và con cháu họ dù hoàn cảnh mỗi người một khác. Người động lòng thương ông cũng có bởi chưng là tiếc cái tài!


Tiến sỹ sử học, vị linh mục dấn thân Trương Bá Cần đưa ra ý kiến: “Vào lúc mà nhiệm vụ hàng đầu là chống xâm lược thì không nên nói đến những nhân vật như Trương Vĩnh Ký. Nhưng vào lúc đất nước được độc lập và thống nhất, nhiệm vụ còn lại là xây dựng con người và xây dựng đất nước, nếu có đặt vấn đề là xây dựng tượng đài hay phục hồi tên đường cho Trương Vĩnh Ký, thì có lẽ không phải là thuần túy chỉ muốn sự công bằng cho người đã quá cố”. Vế đầu là lẽ tất nhiên. Vế sau xem ra thiếu sự công bằng với bao thế hệ người vị quốc vong thân dưới sự tiếp tay của những quân nội phản?!


Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân từng tham gia phong trào giải phóng, hạ bút: “Nếu lấy tiêu chí Việt gian dành để xếp những tên phản quốc Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, Lê Hoan… vận dụng vào Trương Vĩnh Ký thì ta thấy Trương Vĩnh Ký vượt xa những nhà nho nêu trên. Lịch sử Việt Nam cận đại luôn luôn phải nhắc đến Trương Vĩnh Ký như một nhân vật phản diện điển hình. Đây là trường hợp có một không hai trong lịch sử Việt Nam. Chúng ta cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc, đầy đủ để có một sự đánh giá đúng đắn về tội làm tay sai cho giặc của nhà bác học siêu hình, siêu Việt gian Trương Vĩnh Ký”.


Tiến sỹ Bùi Kha cùng quan điểm với nhiều trí thức đang sống ở nước ngoài: “Các nước kém mở mang là nạn nhân thường trực của các cường quốc qua chiêu bài chống ý thức hệ, nhưng thực chất của nó là những phong trào thực dân đi xâm chiếm thuộc địa để tiêu thụ hàng hóa, vơ vét tài nguyên và xâm thực văn hóa mà tấm biểu ngữ được trương lên “tự do tôn giáo” là vũ khí hữu hiệu nhất. Cái gọng kềm chằng chịt đầy hoa mỹ ấy đã biến không ít người học thức mà tiêu biểu là nhà thông thái Trương Vĩnh Ký thay vì được “lưu danh thiên cổ” trở thành kẻ bị “lưu xú vạn niên”. Dầu thông cảm tới mức nào đi nữa thì con người luôn luôn phải có lý trí suy luận để chịu trách nhiệm về những việc làm đúng, sai, xấu, tốt của mình”.


Nhà giáo lão thành Trần Thanh Đạm dứt khoát nhưng có sự thể tình: “Phản bội, phản quốc là tội danh chẳng kẻ nào dám nhận. Càng là người có học vấn, có tri thức mà sa vào con đường ấy thì càng có nhiều luận điệu bào chữa xảo trá, tinh vi. Đối với những nhân vật này lúc đương thời thì ranh giới phải trái thường khá rõ ràng. Song về sau do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là với những người cùng não trạng, sự đánh giá có khi lại trở nên phức tạp, rối rắm, gây nhiều tranh cãi. Như con người này, vào thời buổi ấy, với tài năng ấy, thân phận ấy, tâm tư ấy, để lại cho đời sau nhiều bài học. Như một tấm gương để tôn vinh cảm phục thì không, song để cảm thông xót thương thì có”.


Tư Cách Sử Gia!


Một vị lão thành nhận được sách biếu mà lộ tâm trạng không vui, nói: Nhận định về Petrus Ký thế nào là quyền của người biên tập. Nhưng điều đáng quan tâm trong cuốn sách này lại là lời giới thiệu của ông Phan Huy Lê: “Trong lịch sử Việt Nam, việc bình luận, đánh giá không ít nhân vật lịch sử thường bị chi phối bởi bối cảnh lịch sử như vậy. Nhưng xu hướng chung vẫn là sự thắng thế của kết quả nghiên cứu khoa học nghiêm túc, khách quan và thái độ công minh trước lịch sử. Petrus Ký cũng trải qua nhiều sóng gió của khen – chê, tôn vinh – phê phán, nhưng cuối cùng xu thế khách quan, trung thực vẫn chi phối”. Vậy là ông ta đã công khai xổ toẹt những nhận định của thầy ông và cũng là của giới sử gia cách mạng!


Tâm địa của nhà sử học đầy danh vọng này không phải đến bây giờ mới phơi bày ra. Khi các sử gia bậc thầy như: Đào Duy Anh, Trần Huy Liệu, Trần Văn Giáp, Trần Văn Giàu, Văn Tân… đã thành người thiên cổ và trong “tứ đại gia Lâm-Lê-Tấn-Vượng” nửa mất nửa còn thì người “lọt sổ” mặc sức “múa gậy vườn hoang”. Nếu như Đinh Xuân Lâm còn thận trọng: “Có thể xem Trương Vĩnh Ký là một nhà văn hóa tiêu biểu có một vai trò nhất định trong buổi đầu giao lưu văn hóa Việt – Pháp” thì Phan Huy Lê nói toẹt ra: “Cuối cùng thì xu thế khách quan, trung thực vẫn chi phối”! Với Phan Thanh Giản, Trần Quốc Vượng nêu quan điểm rõ ràng: “Việc ký hiệp ước, hòa ước để nhượng địa rồi “mãi quốc cầu vinh” là những thủ đoạn hèn hạ của thực dân đầu mùa và quân chủ cuối mùa” thì Phan Huy Lê biện luận mập mờ: Tám chữ “Phan Lâm mãi quốc – Triều đình khí dân” nguồn gốc và xuất xứ chưa rõ, mà lờ đi lời phán rành rành còn lưu trên giấy trắng mực đen của vua đương thời Tự Đức: “Hai người không những chỉ là tội nhân của triều đình mà còn là tội nhân muôn đời của hậu thế”, để dấy lên dư luận chạy án cho Phan. Với tấm gương sáng ngời vì nước quên thân của Lê Văn Tám, thì ông võ đoán: “Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám là hoàn toàn không có thật!” để không ít người nhẹ dạ vội tưởng rằng con người Lê Văn Tám và sự kiện anh hùng ấy là ngụy tạo, bỗng người thầy của ông thành cái bia miệng giữa đời: “Giáo sư sử học Phan Huy Lê mãi mấy năm gần đây mới khai thật nhân vật Lê Văn Tám chỉ là do người tiền bối bậc thầy ông là cố giáo sư Trần Huy Liệu “sáng tác” ra để động viên phong trào kháng chiến… Nghĩ cũng có chỗ đáng thương cảm cho cố giáo sư Trần Huy Liệu, cho đến phút lâm từ mới “dám” trối trăng lại sự thật, nhưng như thế thì nên gọi ông là nhà giáo dạy sử yêu nước, nhà cách mạng đáng tôn kính hơn là nhà sử học, bởi bản chất của sử học, nếu đã có chữ “học” trong đó rồi thì phải tôn trọng sự thật!” (Trần Văn Chánh, Tạp chí “Nghiên cứu và phát triển” số 4 (87) – Thừa Thiên Huế). Nhân người nữ anh hùng với “nụ cười chiến thắng” rạng rỡ một thời qua đời ngày 22/8/2014, một người tên Trần Trung Đạo viết trên trang mạng: “Lê Văn Tám là một nhân vật ảo, từ tên tuổi cho đến đầu mình và tay chân đều do bộ máy tuyên truyền CSVN nặn ra. Sự kiện này do chính Trần Huy Liệu, bộ trưởng bộ tuyên truyền CSVN thú nhận và được Phan Huy Lê, một trong nhà sử học hàng đầu của chế độ tiết lộ”! Ông thầy sử học từng hùng hồn biện luận: “Đối với sử học, tôn trọng sự thật, tìm ra sự thật, xác minh sự thật là một nguyên tắc cao cả thuộc về phẩm chất và chức năng của nhà sử học”! Giới sử gia đã không ít người thẳng thắn vạch ra trước công luận nhiều điều khuất tất về ông. Họ nói gì khi ông bày chuyện Mai Thúc Loan gánh vải từ châu Diên, châu Hoan cách trở sơn khê vượt hàng vạn dặm sang cống vua Đường? Ông bất chấp sự thật bênh vực lũ thực dân cùng phường bán nước khi nhân dân ta đã giành lại được Tổ quốc mình: “Cũng vì cơ sở lịch sử và pháp lý đó (?) mà năm 1949, Tổng thống Pháp ký với Bảo Đại hiệp ước Élysée trả lại đất Nam bộ cho Quốc gia Việt Nam chứ không phải một chủ thể nào khác đang vận động vùng đất này” (!), làm cho không ít người ngộ nhận rằng nhờ có Bảo Đại và cái vương triều thối nát kia mà Nam kỳ mới được trở về trong lòng dân ta! Giờ đây ông ôm mộng lớn: “Một trong những mối quan tâm bậc nhất của Hội (sử học) là phải xúc tiến tổ chức biên soạn được bộ quốc sử Việt Nam từ thuở lập nước đến thời kỳ hiện đại với những quan điểm viết sử hiện đại, khoa học, vượt qua được mọi rào cản về ý thức hệ để có cái nhìn chân thực, chính xác, khách quan về lịch sử”. Hiến pháp 1992 của nước CHXHCNVN hiện hành ghi rõ: “Xuất phát từ điều kiện lịch sử nước Việt Nam, Đảng CSVN là đội tiên phong của giai cấp công nhân VN, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm tư tưởng chủ đạo để lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Vậy mà ông Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam ngang nhiên công bố sẽ “vượt qua mọi rào cản về ý thức hệ” để viết lịch sử về dân tộc này, đất nước này!? Những sự kiện lịch sử không xa rành rành ra như thế mà ông còn lươn lẹo lọc lừa, huống chi lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc lúc sáng lúc mờ, lúc vinh lúc nhục thì ông trổ tài múa bút biến rồng thành rắn, biến rắn thành rồng khó chi đâu!


Mời bạn đọc cùng người viết xem lại nhiều lần lời nhận xét của ông Tây Pierre Vieillard về Trương Vĩnh Ký: “Mọi nỗ lực đều hướng về mục tiêu: làm cho người Pháp hiểu người An Nam và ngược lại, làm cho người An Nam thấy được tính nhân đạo của người Pháp. Và để chỉ rõ cho dân tộc Pháp và dân tộc An Nam có thể hòa hợp thành một dân tộc vĩ đại và đáng được biết đến”! Sao hai học giả Trương, Phan sinh khác thời mà giống nhau đến thế? Cả hai con người nổi tiếng này, khi sống đã nhận không ít điều ong tiếng ve bởi sự ăn ở hai lòng! Chỉ có điều khi chết liệu học giả họ Phan có được như học giả họ Trương không? Bởi chí ít thì Trương học giả cũng giữ được lòng trung thành với một ai. Còn Phan học giả thì tiền hậu rất chi là bất nhất!


Người xưa từng dạy: Chức sử quan rất lớn. Nhiệm vụ của người viết sử là phải chịu trách nhiệm với cả đất nước. Nếu như lại tùy tiện viết sai thì thật là nguy hiểm lắm! Cái đức cao quý nhất của một sử gia chân chính là phải giữ được tiết tháo trong mọi hoàn cảnh, mà sao Giáo sư sử học Phan Huy Lê dễ tháo tiết ra té nước theo mưa khi gió mới xoay chiều!


Thành phố Hồ Chí Minh
Những ngày đầu xuân
Đinh Dậu 2017


Nguyễn Văn Thịnh
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 439


——————————–


*VŨ NGỰ CHIÊU: Vài tài liệu mới Về Petrus Key
- Năm 1890, có 13 tựa sách của Petrus Key.
- Ngày 12/12/1895, Petrus Key viết thư yêu cầu chính phủ Nam kỳ mua giúp 2.000 cuốn Cours d’Annamite parlé (Bài giảng tiếng An-nam-mít nói). Giá $2/ cuốn.
- Ngày 13/1/1897, Hội đồng Quản hạt chấp thuận mua 1.000 cuốn, với giá tiền $2.000.
- Năm 1896, Petrus Key yêu cầu mua 2.000 bản Minh Tâm Bửu Giám (Le Précieux Miroir du Coeur).
- Ngày 3 và 26/10/1898, bà quả phụ Petrus Key gửi thư yêu cầu chính phủ Nam kỳ mua giúp số sách tồn kho của Petrus Key.
- Ngày 11/11/1898, Phòng 3 gửi Thông tư số 37 cho 18 tỉnh, yêu cầu mua sách Petrus Key. 8 tỉnh không mua (Rạch Giá, Trà Vinh, Sa Dec, Mỹ Tho, Bạc Liêu, Thủ Dầu Một, Châu Đốc, Gò Công). Ba tỉnh mua cao nhất là Tân An (7 tựa, $98.30), Cần Thơ (5 tựa, $94.40), Vĩnh Long (6 tựa, $93.30). Kế đến Bến Tre (2 tựa, mỗi tựa 100 cuốn, $60.00), Long Xuyên (12 tựa, $52.40), Hà Tiên (7 tựa, $31.50), Sóc Trăng (5 tựa, $31.40), Gia Định (1 tựa Vocabulaire annamite-francais, $27.00). Biên Hòa mua mỗi tựa một cuốn, Chợ Lớn mua 2 tựa.
- Ngày 2/5/1899, Phòng 3 Ban Thư ký chính phủ cho bà Petrus Key biết đồng ý mua 23 tựa sách, với tổng số tiền 593$80 xu./