VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ - THỨ SÁU 04 MAY 2018
Nhờ triều đại phong kiến mà nước Việt mở mang rộng về phương Nam (*)
NHỮNG NGHỊCH LÝ LỊCH SỬ VỀ SỰ PHÁT TRIỂN THỜI NGUYỄN TRỊNH PHÂN TRANH, ĐÀNG TRONG-ĐÀNG NGOÀI
TS. Nguyễn Nhã
Lịch sử Việt Nam có rất nhiều sự nghịch lý, trong đó, nếu như không có nhiều sứ quân cát cứ thì không có Vạn Thắng Vương Đinh Tiên Hoàng, vị Hoàng Đế Việt Nam và có Đại Cồ Việt. Nếu không có các cuộc xâm lược Phương Bắc thì không có những đại anh hùng như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung…. Nếu không không có cuộc chiến tranh thống nhất Đất nước vừa qua thì không có hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài…
Và không có thời Trịnh Nguyễn Phân Tranh: Đàng Trong Đàng Ngoài thì một là Đất nước không thể mở rộng như ngày nay, hai là Đất nước không thể có một nền văn hóa đa dạng đặc sắc như hiện nay, ba là Đất nước không thể có tiềm năng kinh tế như hiện nay và bốn là Đất nước khó có tiềm năng kết nối, đầu đàn cho khối ASEAN như hiện nay.
1.Đất nước không thể mở rộng như ngày nay
Năm 1307, đời Trần Anh Tôn, nhờ công chúa Huyền Trân lấy Vua Chăm Chế Mân dâng sính lễ hai châu Ô, Lý, Đất nước kéo dài từ đèo Ngang đến qua đèo Hải Vân đến đất Quảng Nam với thành Thuận Châu và Hóa Châu. Đến thời Hồ Quý Ly , đất nước tiến tời Cổ Lũy, Quảng Ngãi. Sang thời Lê Thánh Tông thế kỷ XV, đất Nước tới đào Cả - núi Đá Bia- vũng Rô.
Năm 1558, Nguyễn Hoàng được cử vào Nam trấn vùng Đất Thuận Hóa, vùng đất mới chủ yếu rừng núi, đất cát, ít phì nhiêu, đặt phủ lỵ tại Ái Tử (1558-1870) rồi Trà Bát đến Dinh Cát, lưu vực sông Thạch Hãn.
Năm 1611, Nguyễn Hoàng sai Chủ sự Văn Phong tiến đánh quân Champa, đất Hoa Anh, vùng đệm hai quốc gia: Đại Việt-Champa trước đó, được đổi thành phủ Phú Yên, nơi đất trù phú rất hấp dẫn người Việt lập nghiệp, cũng là công chúa Nguyễn tự ý mở cõi, không cần lệnh trên, tạo một tiền lệ cho “mở cõi Phương Nam” của các Chúa Nguyễn về sau. Cũng là theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, Nguyễn Hoàng trước khi chết năm 1613, tháng 6 năm Quý Sửu, triệu hoàng tử thứ 6 (Nguyễn Phúc Nguyên) và thân thần đến trước giường mà bảo rằng: ...“ Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Hoành Sơn và sông Gianh hiểm trở; phía Nam ở núi Hải Vân và núi Thạch Bi Sơn (Đá Bia) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta” . Như thế, chính Nguyễn Hoàng là người đã chủ trương xây dựng cơ ngơi ở Phía Nam để về sau gọi là Đàng Trong chống lại với Họ Trịnh ở Đàng Ngoài.
Nguyễn Phúc Nguyên,sau này là người nối nghiệp chúa, từ năm 1602 đã được giao trấn thủ đất Quảng Nam, phì nhiêu, giàu có hơn Thuận Hóa. Chính Nguyễn Phúc Nguyên là người đầu tiên ra mặt chống Họ Trịnh và từ năm 1627, Trịnh Tráng khởi binh chiến tranh với họ Nguyễn. Năm 1630, theo kế của Đào Duy Từ đãp lũy Trường Dục, chinh thức chia đôi Đàng Ngòai , Đàng Trong.
Năm 1653, vua Vua Champa Bà Tấm xâm phạm đất Phú Yên, Chúa Nguyễn Phúc Tần cho quân đánh trả và mở rộng bờ cõi xuống tới sông Phan Rang đặt thành hai phủ Thái Khang( Ninh Hòa) và Diên Ninh (Diên Khánh ) .
Năm 1679, quân thần nhà Minh là Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên đem hơn 3000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến cửa biển Tư Dung và Đà nẵng, chúa Nguyễn Phúc Tần cho vào đất Đông Phố thuộc nước Chân Lạp để khẩn hoang.
Năm 1693, Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh đánh thắng quân Champa , bắt được vua Bà Tranh, mở bờ cõi xuống Phan Rí, PhanThiết thành lập phủ Bình Thuận vào năm 1697 sau khi loại bỏ vua Chăm cuối cùng.
Năm 1698, đặt phủ Gia Định, Nguyễn Hữu Cảnh quản lý, đặt xã Minh Hương chấp nhận người Hoa là dân hộ bản địa.
Năm 1708, Mạc Cửu xin sáp nhập vùng Hà Tiên- Phú Quốc- Cà Mau, được chúa Nguyễn giao chức tổng binh.Và như thế Đại Việt sau nay là Việt Nam đã mở rộng từ Phú Yên đến Cà Mau- Hà Tiên- Phú Quốc tức Nam Bộ ngày nay.
Năm 1757, đất Tầm Phong Long (vùng Châu Đốc – An Giang), vùng đất biên giới cuối cùng với Chân Lạp được sáp nhập và Xứ Đàng Trong tuy đối đầu với Họ Trịnh song vẫn còn tùng phục Đại Việt của nhà Lê.
Và như thế từ năm 1611 đến 1757 từ thời chúa Nguyễn Hoàng đến chúa Nguyễn Phúc Khoát, đất Đại Việt đã mở rộng từ Phú Yên đến Cà Mau – Hà Tiên – Phú Quốc.
2. Đất nước không thể có một nền văn hóa đa dạng đặc sắc như hiện nay
Từ Quảng Trị đến Cà Mau – Hà Tiên- Phú Quốc đã có nhiều sắc dân nhất là vùng miền núi Miền Trung- Tây nguyên, song có hai nền văn hóa lâu đời mang tính quốc gia là văn hóa Chăm của nước Champa và văn hóa Khmer của Chân Lạp.
Ngoài ra những nơi đô hội như Hội An tiếp cận với các doanh nhân nước ngòai từ Nhật Bản, người Hoa đến người phương Tây.
Từ Nguyễn Hoàng đem những dân Thanh Hóa- Nghệ An vào lập các làng xã xứ Quảng và từ Xứ Quảng sinh sôi này nở tiếp tục đi khẩn hoang lập ấp phía Nam, người Việt giữ phong tục Việt, còn các nơi đô hội, thành thị thì phần lớn là các người Hoa cùng các người Nhật, Hàn và cà người các nước Phương Tây có văn hóa giao thoa, cởi mở.
Cũng từ đó cách ăn, cách mặc, cách ở, cách ứng xử cũng rất đa dạng.
Trước hết các chúa Nguyễn rất sùng đạo Phật chứ không tôn sùng đạo Nho như Đàng Ngòai. Điều này cũng dễ hiểu, chúa Nguyễn mưu đồ tách riêng, không lệ thuộc vào vua Lê, chúa Trịnh mà đạo Nho lại phải trung hiếu làm đầu. Thời chúa Nguyễn Phúc Chu đã thỉnh nhà sư Thích Đại Sán từ tỉnh Quảng Đông đến phủ Chúa để giảng đạo. Từ Huế với chùa Thiên Mụ cùng hàng loạt các chùa ở các làng ở Xứ Quảng vào trong Nam lại càng phát triển vì người Chân Lạp cũng rất sùng đạo Phật tiểu thừa.
Tại các làng của người Việt cũng xây dựng các đình, các đền như ở Đàng Ngoài, từ đó vẫn giữ những gì văn hóa làng truyền thống. Cũng từ văn hóa dân gian người Việt cũng phát triển trong đó có thơ ca, dân ca, các trò chơi dân gian cũng như phong tục như quan hôn tang tế, lễ hội....Tỷ như đến ngày Tết Nguyên Đán về cây nêu, ở các tỉnh Phía Nam luôn có giỏ đựng vàng mã để quỷ ma lấy, không còn quấy phá thay vì như ở Miền Bắc vẽ cung tên để quỷ ma không dám tới.
Với địa lý , lịch sử mỗi vùng miền từ Miền Trung vào đến Miền Nam có sự biến đổi từ đình, đền đến các phong tục tập quán. Cũng từ dó văn hóa thêm đa dạng phong phú, khác hẳn với Đàng Ngoài.
Tháp Chăm Đồng Dương rất đẹp trở thành phế tích.
Đa dạng nổi cộm là văn hóa ẩm thực từ Văn hóa ẩm thực Huế khác nhiều với văn hóa ẩm thực Miền Bắc, có khác với văn hóa ẩm thực Xứ Quảng cũng như văn hóa ẩm thực Nam Bộ. Tuy khác song mọi nơi người Việt cũng giữ tự nhiên là gốc vẫn thích nấu luộc và rau sống và nước mắm để nêm và nước chấm. Song như bún bò Huế thì dùng mắm ruốc, bún nước lèo, bún mắm Nam Bộ thì dùng mắm cá linh, cá sặc...Từ đó khiến văn hóa ẩm thực Việt Nam trở thành đa dạng tiêu biểu nhất thế giới như một học giả Nhật từng nhận xét.
Đa dạng nổi cộm còn là thi ca từ đó thơ được hát ru, hát dân ca Huế khác với hát ru, dân ca Xứ Quảng và hát ru, dân ca Nam Bộ, cũng là đặc sắc của thế giới, không có nước nào có được nhất là thơ được hát hàng trăm các làn điệu dân ca các vùng miền.
Đa dạng văn hóa mặc từ áo dài màu sắc tím Huế đến áo dài, khăn rằn, áo ba ba ở Nam Bộ...
Đa dạng từ kiến trúc nhà ở từ Miền Trung đến Miền Nam. Nếu như Đàng Ngoài, Miền Bắc sử dụng nhiều ngói ta như ngói mũi hài, mũi lợn đời Lê, thì Miền Trung nhất là ở Huế dùng ngói âm dương của Tầu hay ngói Tây ờ Nam Bộ. Đặc biệt khắp Miền Trung có các tháp Chàm với kiến trúc đặc biệt hàng trăm, ngàn năm vẫn tồn tại các tháp được xây bởi các viên gạch kết dính với nhau không cần đến hồ hay xi măng như hiện nay.
Và tới phong tục tập quán quan hôn, tang tế, lễ hội... đều đa dạng từ Bắc đến Miền Trung và Miền Nam.
3. Đất nước không thể có tiềm năng kinh tế như hiện nay
Nếu Đất nước không mở rộng từ Phú Yên đến Cà Mau - Phú Quốc thì chắc chắn không có cảng sâu nhất thế giới là cảng Vân Phong mà tôi từng phát biểu trong buổi họp mặt mừng Xuân Mậu Tuất của Hội Kỹ Thuật Kinh Tế Biển TP. Hồ Chí Minh rằng, để đáp ứng chủ trương của Trung Quốc hiện nay: “Một vành đai một con đường tơ lụa trên biển thì Việt Nam có Cảng sâu Vân Phong và đường xuyên Á về phía Tây không phải qua đèo nào”.
Cũng không có cảng Cam Ranh, cảng quân sự tốt nhất thế giới và có Thành phố cảng dẹp nhất thế giới là Nha Trang và có đảo Phú Quốc không kém Singapore nhất là khi có kênh đào Kra bên Thái Lan được thực hiện.
Cũng không có đồng bằng sông Cửu Long đóng góp quan trọng cho xuất khẩu nông sản ra thế giới.
Cũng không có các mỏ dầu khí ở Biển Đông, nhất là rừng vàng biển bạc...
Cũng không có những bãi biển đẹp như Đại Lãnh, Thuận An, Mỹ Khê, Ba Bình... dọc theo Miền Trung đến Vũng Tầu, Côn Đảo, Phú Quốc, Hà Tiên...
Quan trọng là không có nhiều cảng hướng ra biển tiếp các tầu buôn Phương Tây cũng như Nhật Bản. Giáo sĩ người Ý Cristoforo Borri đã viết năm 1621 về Xứ Đàng Trong rằng: “ Còn về hải cảng thì thật lạ lùng, chỉ trong khoảng hơn một trăm dặm một chút mà người ta đếm được hơn sáu mươi cảng, tất cả đều rất thuận lợi để cập bến và lên đất liền. Là vì ở ven bờ có rất nhiều nhánh biển lớn.Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là cảng thuộc tỉnh Quảng Nam ( Hội An).Người ta cập bến bằng hai cửa biển :một gọi là Turon ( Đà Nẵng) và một gọi là Pullu Ciambello “. ..
Cristoforo Borri cũng đã viết: “Chúa Đàng Trong xưa kia cho người Nhật , người Tàu chọn một địa địa điểm và nơi thuận tiện để lập một thành phố cho tiện buôn bán như chúng tôi đã nói. Thành phố này gọi là Faifo ( Hội An), một thành phố lớn đến độ người ta có thể nói được là có hai thành phố, một phố người Tàu và một phố người Nhật. Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai trị riêng, và sống tập tục riêng. Người Tàu có luật lệ và phong tục của người Tàu và người Nhật cũng vậy”. “ Hơn nữa , chúa Đàng Trong không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc, người Hà Lan cũng tới như những người khác, cùng với tầu chở rất nhiều hàng hóa của họ..”. Song luôn luôn giữ vững chủ quyền cho Đất Nước.
...”Phương châm của người Đàng Trong là không bao giờ tỏ ra sợ một nước nào trên thế giới. Thật là hoàn toàn trái ngược với vua Trung Hoa, ông này sợ tất cả, đóng cửa không cho người ngoại quốc vào và không cho phép buôn bán trong nước ông.Các sứ giả phải nại nhiều lí do mới được như ý sở cầu”.
“ Chúa Đàng Trong vẫn tỏ ra thích để cho người Bồ đến buôn bán ở nước ngài một cách lạ lùng. Và đã mấy lần ngài cho họ ba hay bốn địa điểm ở nơi phì nhiêu nhất và phong phú nhất trong vùng hải cảng Đà nẵng, để họ xây cất một thành phố, với tất cả những gì cần thiết, cũng như người Tàu và người Nhật đã làm” .
Từ yếu tố địa lý thuận lợi như thế và các chúa Nguyễn lại rất quan tâm đến ngoại thương. Chính chúa Nguyễn Hoàng đã gửi nhiều thư cho Mạc Phủ Đức Xuyên của Nhật để giao thương. Như thế, khác hẳn với Đàng Ngoài, người đứng đầu Đàng Trong quan tâm đến vấn đề giao thương với nước ngoài và tạo điều kiện dễ dàng thành lập phố buôn bán Cũng trong thời gian Chúa Nguyễn quản lý Đàng Trong, dân Cù Lao Ré (Lý Sơn), Quảng Ngãi nơi ra xa Biển Đông nhất, các ngư dân đãn đánh bắt xa bờ đi tới Hoàng Sa lượm những gì trên các tàu bị đắm ở Hoàng Sa mà ngay Thích Đại Sán được chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang giảng đạo đã dề cập dến đội dân binh Hoàng Sa
Cũng từ truyền thống đánh bắt xa bờ và quan tâm đến kinh tế biển mà ngày nay Việt Nam với 28 tỉnh thành có mặt tiền là biển mà hầu hết ở các tỉnh thành ở Đàng Trong trước kia đang có ưu thế trở thành tiềm năng khiến Việt Nam phát triển kinh tê biển và một ngày không xa trở thành cường quốc biển nếu giao dục tốt phù hợp.
4.Đất nước khó có tiềm năng kết nối cho khối ASEAN như hiện nay
Nếu kể từ Phú Yên vào tới Cà Mau - Phú Quốc là cõi mở rộng từ thời phân chia Đàng Ngoài - Đàng Trong, càng vào phía Nam, càng gần các nước ASEAN hơn, càng có nhiều điểm tương đồng trong đó có văn hóa biển.
Các nước ASEAN
Trong các nước ASEAN chỉ có Lào là không có biển, song từ các tỉnh Miền Trung từ Đồng Hới (Quảng Bình) dài có 36 km chỉ khoảng từ Sài Gòn quá Biên Hòa một chút. Và rất nhiều cửa biển cho Lào từ Cửa Tùng, Cửa Việt qua đềo Lao Bảo (Quảng Trị) cho đến cảng Vân Phong nếu làm đường cao tốc không phải qua đèo nào cả . Như thế nước duy nhất không có biển lại rất gần bờ biển Việt Nam.
Văn hóa biển trước hết văn hóa ẩm thực, các nước ASEAN sử dụng mắm và nước mắm, trong đó có mắm ruốc rất đặc biệt. Đặc biệt là hải sản có nhiều tương đồng vì hấu hết chung Biển Đông. Ngòai ra nuôi trồng của vùng nhiệt đới gió mùa thì hầu hết các nước ASEAN đều chịu ảnh hưởng, nên cây, con nhiều thứ giống nhau.Trước hết là lúa gạo (văn hóa lúa nước) đều là mẫu số chung.
Rồi đến cá biển, tôm cua trong các món ăn. Các nước ASEAN hầu hết theo các đạo như đạo Hồi, Ấn giáo, Phật giáo, nên thường kiêng thịt bò hay thịt heo hay ăn chay. Người Việt tuy ăn được thịt, song thường ăn rau cá và thịt gà, nên gần giống người các nước ASEAN.Người Việt và người các nước ASEAN thích ăn cay trong đó có ớt và cari ( người Nam Bộ rất thích)…
Tuy nhiều nước đa số theo một tôn giáo như Thái Lan, Miến Điện, Campuchia đa số theo dao Phật hay các nước như Indonesia, Malyasia, Brunei đa số theo đạo Hồi, Philippines đa số theo Công giáo. Song tất cả các nước đều theo tự do tôn giáo, không phân biệt kỳ thị tôn giáo mà Việt Nam có truyền thống lâu đời nhất. Chính các tôn giáo đã ảnh hưởng nhiều đến văn hoá nhất là phong tục tập quán.
Từ Phú Yên vào trong Nam có đan xen các sắc tộc nhiều, nhất là người Chăm, Khmer có cả đạo Hồi, Ấn độ giáo, Phật giáo, Công giáo nên Việt Nam đi đầu đa sắc tộc đa tôn giáo trong ASEAN nhờ có Đàng Trong mở cõi.
Văn hóa biển còn là văn hóa nghề chài lưới, đánh bắt cá của các ngư dân Đông Nam Á với các công cụ từ thuyền đến lưới, câu bắt cá tôm.Trừ Lào các nước ASEAN đều rất quan tâm đến thủy hải sản vì đó là tài nguyên rất quan trọng cung cấp thức ăn cho xã hội và xuất khẩu. Số người dân sống bằng nghề chài lưới rất đông nhất là ven biển, ở các đảo.Các nước ASEAN trừ Lào đều có bờ biển dài quanh và có rất nhiều đảo. Việt Nam có hơn 3000 km bờ biển lại là nước có sông nước nhiều , xưa đường bộ chưa phát triển thì phương tiện phần lớn bằng đường thủy.
Số ngư dân các nước rất đông. Riêng Việt Nam từ các thế kỷ trước đã quen đánh bắt xa bờ như ở Hoàng Sa và Trường Sa , trong đó phải kể dẫn đầu là dân Quảng Ngãi , Bình Định, Bình Thuận.Nên từ lâu đã có giao lưu các ngư dân.
Các ngư dân các nước ASEAN thường dùng thuyền hay tầu không lớn để đánh bắt xa bờ và có rất nhiều thuyền buồm. cách dùng lưới bắt cá cũng thường rất giống nhau.
Lễ hội tại Indonesia
Trên bãi biển Indonesia
Tại Việt Nam
Văn hóa biển còn là văn hóa lễ hội các ngư dân. Mỗi nơi các ngư dân có lễ hội khác nhau. Biển Đông có nhiều cá voi đã hỗ trợ cứu các cư dân khi thuyền bị nguy khốn giúp đưa vào bờ và không dữ tợn với các ngư dân , nên ở Việt Nam dọc theo bờ biển nhất là từ Phú Yên trở vào đến Vũng Tầu đều thờ Cá Voi gọi là Cá Ông hay Ông Nam Hải và thường có lễ hội cúng tế Cá Ông. Song ở các nước Thái Lan, Philippines, Indonesia thì dùng cá voi để giải trí như làm xiếc..
Văn Hóa biển còn là văn hóa giao thương buôn bán qua biển khơi.
Từ miến Trung trở vào Nam việc các thuyền buôn của người Việt hay các nước như Singapore là rất thường xuyên. Còn Phía Bắc rất hiếm. Người Phương Tây cũng thường xuyên dến nhất là nơi đô hội như Hội An, Đà Nẵng. Hồi đầu là người Bồ , người Hà Lan, Tây Ban Nha. Bây giờ thì người Anh, Pháp… nhiều hơn. Giao thương rất nhiều chủ yếu đến Hồng Kông, Ma Cao, Singapore, Thái Lan, Tokyo, Seoul, Philippines…
Văn hóa biển còn là văn hóa ở, mặc. Vì đều là xứ nhiệt đới , nóng, mưa nhiều, nên người Việt từ Miền Trung trở vào rất giống dân xưa ASEAN hay để mình trần, mặc quần cộc, đầu có khi quấn khăn thay vì đội mũ, nón. Người phụ nữ Việt xưa thích mặc váy như phụ nữ các nước ASEAN. Song phải nói phụ nữ Việt mặc áo dài hay áo bà ba rất xinh đẹp nhất.
Văn hóa biển còn là văn hóa ứng xử. Cách ứng xử của cư dân sống ở bờ biển có vẻ thoáng hơn các dân cư ở vùng khác..Tối ngày họ sống với biển, nhờ có biển họ kiếm sống. Song có thể biển đưa đến những tai họa khó lường. Song nhờ có biển đời sống của họ thoải mái hơn. Các cư dân biển thường có ứng xử thoáng mở, đối xử với nhau rất tử tế và chân chất. Và tùy theo sắc dân tôn giáo có thể có sự khác nhau. Càng về Phía Nam nhất là Nam Bộ họ sống rất chân thực, tử tế, nhất là có dời sống tâm linh được quan tâm, luôn cầu Trời, Phật, Thượng Đế, Thần Thánh phù hộ độ trì.
Tiếp tới có thêm vùng đất từ Phú Yên đến Cà Mau, Việt Nam càng có thêm điểm chung với các nước ASEAN có văn hóa cư dân vùng nhiệt đới gió mùa. Vùng nhiệt đới thì có nhiều cây quả giống nhau như cây mít, cây chuối xứ mà chuối xứ Mỹ Tho là ngon nhất hay xoài bười mà xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm roi , bưởi da xanh cũng rất ngon. Còn gió mùa Tây Nam là mạnh nhất có nhiều ảnh hưởng nhất so với gió mùa Đông Bắc và thường có hai mùa mưa và mùa nắng chứ không có 4 mùa như Miền Bắc trở ra Phá Bắc. Cũng từ chịu khí hậu trên nên cư dân có cuộc sống chung từ ăn, mặc, ở.. Người ta sẽ thấy cư dân ASEAN ít mặc áo len , áo ấm…
Có thêm miền đất từ Phú Yên đến Ca Mau, Việt Nam trải dài gần Bắc chi tuyến tới gần xích đạo là có vùng cao nguyên như vùng Đà Lạt có khí hậu gần với ôn dới, nên Việt Nam có nhiều điểm đặc sắc hàng đầu ở ASEAN không những từ ẩm thực, văn hóa biển mà cả văn hóa nói chung vừa có nhiều điểm chung với các nước ASEAN mà có nhiều cái riêng rất đặc sắc. Đà Lạt chính là thiên đường của học tập cho các sinh viên ASEAN nếu có các chi nhánh của các đại học nổi tiếng trên thế giới như Đại học Harvard hay các đại học Nhât, Anh, Pháp.. Và như thế Đà Lạt sẽ đương nghiên thu hút khách du lịch nhiều hơn nữa mà ẩm thực du lịch sẽ là thương hiệu quốc gia, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, bởi bất cứ nơi nào kinh tế dịch vụ luôn đóng vai trò quan trọng nhất.
Tóm lại, chính những nghịch lý lịch sử Việt Nam sẽ đem lại những bất ngờ cho Đất nước. Chúng ta phải dạy cho các thế hệ trẻ Việt Nam biết những bài học lịch sử đó hầu năm bắt để biến những đau thương thành sức mạnh của Việt Nam, khiến Việt Nam càng ngày càng lớn mạnh, trở thành cường quốc biển một ngày không xa, sẽ là con chim đầu đàn của khối ASEAN, đóng vai trò quan trọng trong thế giới.
Và như vậy chính thời các chúa Nguyễn- Đàng Trong đã để lại những gì quí báu cho Việt Nam, phải được tôn vinh và biết ơn cho muôn đời sau./
_____________________________
(1) Đại Nam Thực Lục, Tiền Biên, quyển 1, Nhà xuất bản Giáo Dục- ( Tập một) , 2002,tr37.
(2) Nt, tr, 62
(3), Cristophoro Borri ( Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch), Xứ Đàng Trong năm 1611, Nxb. TP. Hồ Chí Minh,1998, tr.91.
( 4) Nt, tr 92, 93-94.
(*) Tựa do Văn Hóa đặt