VĂN HÓA ONLINE - BỘ ẢNH DU LỊCH - THỨ SÁU 08 JUNE 2018
Thành phố Hà Lan có đến 225 cái tên
Mike MacEacheran BBC Travel
Bản quyền hình ảnh Mike MacEacheran
Nào là De Oldehove, tòa tháp dang dở được xây từ thế kỷ 16 bị cong vẹo nhiều đến nỗi nó nghiêng còn nhiều hơn tháp nghiêng Pisa.
Nào là Bảo tàng Gốm Quốc gia Princessehof choáng ngợp, một tòa nhà trang trọng được sửa chữa lại trong đó có những cổ vật quý hiếm thời Minh và các tác phẩm của Picasso, nhưng cũng từng là ngôi nhà thơ ấu của MC Escher, nghệ sỹ hình ảnh thế kỷ 20 người sáng tạo ra những hình ảnh trong mơ không thể nào tưởng tượng được của những bậc thang dài vô tận và những thác nước đánh lừa tâm trí.
Nào là Gemeentehuis, tức Tòa Thị chính, nơi người Hà Lan lần đầu tiên nghe thấy huyền thoại về Grutte Pier, một kẻ cướp biển khổng lồ với sức mạnh siêu nhân và sẵn sàng giết bất cứ ai không phải là người Frisian.
Thành phố của ngôn ngữ
Nhưng đáng để cho rằng điều còn kỳ lạ hơn tất cả những thứ kể trên là Lân fan taal ('miền đất của ngôn ngữ' trong tiếng Frisian), nơi dành cho hàng ngàn ngôn ngữ.
Bản quyền hình ảnh Mike MacEacheran
Được xây thêm cố định vào quảng trường kể từ tháng Giêng, công trình này được dựng trong khuôn khổ chương trình Leeuwarden-Friesland - Thủ đô Văn hóa châu Âu 2018 và giới thiệu cho du khách 6.720 ngôn ngữ, một tuyển tập toàn diện các ngôn ngữ trên thế giới - trong đó có tiếng Frisian, ngôn ngữ chính của khu vực này.
Đưa công trình này vào cũng là một quyết định phù hợp, nhất là vì Leeuwarden - hay Ljouwert, Liwwadden, Leewadden, Luwt, Leaward hay Leoardia, như các cách gọi khác nhau của thành phố từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19 - được biết đến là thành phố có 100 tên gọi.
"Chúng tôi muốn làm cho ngôn ngữ trở nên sống động, và không còn nơi nào tốt hơn để làm việc đó là ở đây với lịch sử ngôn ngữ hết sức đặc biệt của nó," ông Siart Smit, giám đốc chương trình Lân fan taal, cho biết khi ông rảo bước quanh công trình.
"Nơi đây là tỉnh song ngữ, nơi mà người dân nói hai thứ tiếng Frisian và tiếng Hà Lan, và có đến người dân của 128 quốc tịch đang sinh sống ở Leeuwarden. Do đó, câu chuyện này tôn vinh tính đa dạng của chúng tôi, nhưng nó cũng đồng thời cổ vũ cho thế giới đa ngôn ngữ."
Việc có gần phân nửa các ngôn ngữ trên thế giới đang bị đe dọa thất truyền cũng đủ là lý do để khám phá Lân fan taal.
Ở khắp nơi trong tòa nhà trưng bày ấn tượng này, các khối gỗ được khắc ngôn ngữ treo lủng lẳng trên trần theo thứ tự bản chữ cái - một bức ảnh ngắn gọn liệt kê tiếng Thuỵ Điển, tiếng Swabia, Suwawa và Suruí do Pará - mà đa phần trong số này người bình thường không thể biết được.
Bản quyền hình ảnh Mike MacEacheran
Ở chỗ khác, 84 ngọn đèn neon với sắc trắng, đỏ, xanh dương và xanh lá giúp cho khán giả thấy được làm sao sử dụng các từ ngữ khác nhau để diễn đạt một ý tưởng tỏa sáng khắp phòng trong ánh sáng cầu vồng.
Mặc dù sứ mạng của Lân fan taal là thúc đẩy sự hiểu biết các ngôn ngữ khác nhau, nhưng Leeuwarden lại duy trì sự kỳ lạ ngôn ngữ sâu đậm do chính nó tạo ra: tên gọi của nó đã thay đổi liên tục kể từ thế kỷ thứ 10. Hơn nữa, hãy tìm trong Sách Kỷ lục Guinness Thế giới và bạn sẽ thấy Leeuwarden có 225 dạng thức khác nhau chứ không phải chỉ 100 như là biệt danh được đặt cho nó.
Nhưng làm sao mà thị trấn Frisian ở miền bắc này lại có quá nhiều tên gọi đến như vậy?
Địa lý và lịch sử
Để bắt đầu, đó là vấn đề địa lý. Nằm ở rìa đông bắc xa xôi của Hà Lan, Friesland bị bao bọc ở ba phía bởi bãi bùn, đầm lầy và Biển Wadden.
Tỉnh này đã trở thành một phần của vương quốc Hà Lan hiện đại được thành lập vào giữa cuộc chiến Napoleon vào đầu thế kỷ 19 khi phần còn lại của châu Âu hợp lại với nhau để đánh bại vị Hoàng đế nước Pháp.
Nhưng cho đến ngày nay, người Hà Lan vẫn nghĩ Friesland là một nước ngoại quốc.
Những ngôi nhà có cột chống, những con kênh đào uốn lượn và những con đường đạp xe trải đầy dây hoa leo cũng giống như những nơi khác ở Hà Lan, nhưng cuộc sống ở đây chậm rãi hơn, và người dân ở đây được đóng khung trong hình ảnh xa cách và cổ hủ.
Trong suốt thời gian tôi sống ở đây, họ ít nói lên suy nghĩ của mình hơn so với những người đồng bào phương nam của họ. Nên biết rằng Friesland là nơi có mật độ dân cư thưa thớt nhất của Hà Lan và cảm giác cách biệt đó cũng đủ là lý do cho người Frank, Hà Lan, Flemish, Saxon and Wallon cùng với những sắc dân khác chuyển đến. Sự tiếp biến văn hóa này có nghĩa là cách viết và cách phát âm Leeuwarden sẽ mau chóng thay đổi.
Biến thể do đa ngữ
Để hiểu thêm, tôi tìm gặp nhà sử học thành phố Henk Oly từ Trung tâm Lịch sử Leeuwarden, người nói với tôi rằng cách giải thích các cách gọi khác nhau của thị trấn vừa không dễ dàng vừa không đơn giản.
Bản quyền hình ảnh Mike MacEacheran
Về mặt truyền thống, theo lời ông nói, Leeuwarden có một số dạng thức như sau: tiếng Frisian (Ljouwerd), cách gọi tương đương trong tiếng Hà Lan (Leeuwarden), và hai dạng thức trong phương ngữ địa phương được sử dụng trong thị trấn: Leewwadden và Liwwadden.
Mọi thứ càng thêm phức tạp khi thành phố được các nơi khác trong tỉnh là gọi là Luwt, trong khi trong suốt nhiều thế kỷ các học giả thường Latin hóa tên gọi này thành Leovardia. Với những biến thể phát âm, đa phần dẫn đến thay đổi trong cách viết, các cách gọi địa danh này trở nên bùng nổ.
"Trước năm 1804, không có cách viết chính thức địa danh nào và mọi người viết theo cách mà họ phát âm từ đó," Oly cho biết. "Anh có thể viết là Ljouwerd hay Ljouwert bởi vì âm 'd' ở cuối từ nghe giống như âm 't'. Hoặc có thể viết là Lyouwerd, Ljouwerd hay Liouwerd vì những cách viết này đều có cùng một cách phát âm. Khi kết hợp các biến thể với nhau thì có vô vàn khả năng gọi tên địa phương này.
Ngày nay, danh sách đạt kỷ lục thế giới gồm 225 cái tên là di sản của một người lưu giữ tài liệu vào thế kỷ 19 có tên là Wopke Eekhoff, con trai một thợ bạc vốn đảm nhận công việc lưu trữ của thị trấn vào năm 1838. Là người đầu tiên ở Hà Lan được bổ nhiệm vào vai trò này, ông được giao cho một chương trình rất rõ ràng: tập hợp tất cả những gì mà ông tìm thấy được về lịch sử của thành phố và coi sóc bộ sưu tập nghệ thuật.
'Ngọn đồi nhỏ tránh gió'
Khi Leeuwarden tích lũy hàng chục danh xưng qua hàng thế kỷ - chẳng hạn như từ năm 1500 cho đến năm 1520, cách viết tên thành phố cứ thay đổi gần như mỗi hai năm một lần - đó là một tình huống phức tạp. Ấy vậy mà Eekhoff vẫn tiếp tục không mệt mỏi để ghi lại về lịch sử thị trấn trong hai cuốn sách dày 400 trang và cuối cùng đã viết nên một niên biểu từ Livnvert vào năm 1039 cho đến Luweden vào năm 1846.
Cho đến cuối thế kỷ 19, đã xảy ra thêm một số sự thay đổi khi mà cả Viện Khoa học Hoàng gia Hà Lan vào năm 1864 và Hội Khoa học Địa lý Hoàng gia Hà Lan vào năm 1884 đã lần đầu tiên xuất bản danh sách các địa danh của đất nước theo các nguyên tắc ký âm đương đại. Chẳng lâu sau thì các biến thể tiếng Hà Lan và tiếng Frisian đã trở thành chuẩn mực trên thực tế.
"Ngay cả ngày nay, tên các thị trấn và làng mạc ở Hà Lan vẫn chưa bao giờ được Chính phủ Hà Lan chính thức chuẩn hóa," Oly giải thích và nói thêm rằng nhiều bản đồ và công trình tham khảo của Eekhoff vẫn tiếp tục được sử dụng. "Không có quy tắc nào cả, do đó mà kể từ đầu thế kỷ 20, chúng tôi đã viết Leeuwarden theo tiếng Hà Lan và Chính quyền Frisia vẫn sử dụng Ljouwert như là cách dùng chính thức của họ."
Đối với khách đến thăm ngày nay, huy hiệu của Leeuwarden vốn xuất hiện trên lá cờ và các tòa nhà chính phủ của thành phố, cũng là một câu đố. Phác họa hình ảnh một con sư tử vàng chồm đứng lên trên nền xanh thẫm, ở trên cùng huy hiệu là chiếc mũ miện có đính lam ngọc và hồng ngọc.
"Đa số mọi người đều cho rằng 'Leeu' có nghĩa là sư tử và chúng tôi là 'thành phố sư tử' nhưng điều đó không chính xác," hướng dẫn viên Christina Volker cho tôi biết trong khi chúng ta đang khám phá những con đường sôi động ở trung tâm. "Cái tên này khởi thủy bắt nguồn từ chữ 'Leeuw' - có nghĩa là 'không có gió - và 'warden' có nghĩa là những ngọn đồi nhỏ trong tiếng Frisian. Thị trấn được xây dựng trên ba ụ đất nhân tạo dùng làm nơi cư trú vốn giúp bảo vệ và che chở cho nơi này trước biển cả. Đó là lý do khiến nó là một nơi yên bình."
Mặc dù từng là một nơi yên bình, Leeuwarden giờ đây đang đón nhận cái tên mới nhất đáng được mọi người bàn tán: thủ đô văn hóa châu Âu.
Nó thể hiện ở những dòng người xếp hàng tại Bảo tàng Friesland và ở nhiều quanh cảnh thành phố trên tranh vẽ và trong sách vốn được Eekhoff sưu tập và giờ đây được trưng bày tại phòng triển lãm ở Trung tâm Lịch sử Leeuwarden./(02/6/2018)
Bản tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Travel.