Đọc Luận học pháp của La Sơn Phu Tử

17 Tháng Sáu 20187:38 CH(Xem: 8615)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ HAI 18 JUNE 2018


Đọc Luận học pháp của La Sơn Phu Tử


Nguyễn Cao


17/06/18


 (GDVN) - Những gì mà Nguyễn Thiếp đã đề cập vẫn còn nguyên giá trị bởi những lời tâm huyết của ông cũng là nỗi niềm chung của bao nhiêu người Việt ta từ đó cho đến nay.


LTS: Trong Luận pháp học, từ đầu Nguyễn Thiếp đã bàn về quan niệm, mục đích của việc học là để hiểu rõ đạo. Ngày nay, dù xã hội phát triển hiện đại nhưng quan điểm về việc học của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp vẫn luôn đúng.


Từ đó, qua tác phẩm Luận học pháp của La Sơn Phu Tử, tác giả Nguyễn Cao đã đưa ra những quan điểm, suy nghĩ của mình về nền giáo dục hiện nay của nước ta.


Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.


Nguyễn Thiếp (1723 - 1804), người đương thời gọi ông bằng cái tên kính trọng là La Sơn Phu Tử, ông là danh sĩ cuối triều Hậu Lê và triều Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam.


Thời Lê, ông từng làm quan nhưng sau đó xin từ quan về sống ở ẩn tại trại Bùi Phong trên dãy núi Thiên Nhẫn lấy việc dạy dọc và viết sách làm thú vui cho mình.


Sau khi đại thắng quân Thanh, năm 1791, vua Quang Trung cho mời Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân để bàn việc nước. Vì cảm thái độ chân tình ấy, nên lần này ông đã nhận lời. 


Lần gặp này, Nguyễn Thiếp đã dâng lên vua Quang Trung bản tấu Luận học pháp (Bàn luận về phép học).


image017

Tượng đài La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723-1804) tại xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; Hình bìa tác phẩm La Sơn Phu Tử, ấn bản đầu tiên, nhà xuất bản Minh Tân, Paris 1952.


Những lời tấu của Nguyễn Thiếp được nhà vua nghe theo nên ngày 20/8/1791, nhà vua ban chiếu lập “Sùng chính Thư viện” và mời ông làm Viện trưởng.

Kể từ đó, ông hết lòng chăm lo việc dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm để dạy học và phổ biến trong dân chúng.


Cũng từ bản tấu của Nguyễn Thiếp, vua Quang Trung đã ban bố Chiếu lập học khuyến khích các xã mở trường học.


Những người đã trúng tuyển ở kỳ thi cũ phải thi lại, những người dùng tiền bạc để mua bằng cấp thì bị thải hồi.


Mọi công việc đang tiến triển tốt đẹp thì đến năm 1792, vua Quang Trung đột ngột băng hà ở tuổi 39 nên những ấp ủ, hoài bão Nguyễn Thiếp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà đành bỏ dở và ông về quê ở ẩn đến cuối đời.


Tuy nhiên, những gì mà Nguyễn Thiếp đã đề cập trong tác phẩm Luận học pháp cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị bởi những lời tâm huyết của ông cũng là nỗi niềm chung của bao nhiêu người Việt Nam ta từ đó cho đến nay.


Và, nếu so sánh với hiện thực của giáo dục ở thời điểm hiện tại thì nội dung của bài tấu vẫn là những ấp ủ của nhiều người thời nay đang đau đáu vì sự nghiệp giáo dục của nước nhà.


Mở đầu bài tấu, Nguyễn Thiếp đã viết: Mực không mài không sáng, người không học không biết rõ đạo”.


Thông qua những câu chữ của Nguyễn Thiếp, chúng ta thấy rất rõ mục đích của việc học mà ông đề cập.


Đó là học để biết rõ đạo thì con người mới có thể biết cách đối xử tử tế với mọi người xung quanh, với vận mệnh nước nhà.


Và, quan trọng hơn là đào tạo ra những con người có phẩm hạnh, có tri thức biết làm những việc vì lợi chung, có ích cho cộng đồng, cho đất nước.


Ông đã phê phán việc học lệch lạc, học chỉ cầu danh lợi cho bản thân. Đó là lối học hình thức, học thuộc lòng, học vẹt, học mà không hiểu được bản chất vấn đề, học mà không biết vận dụng tri thức vào cuộc sống, không biết phát huy tác dụng của việc học vào việc hành và xử đạo ở đời.


Học như thế chỉ có cái danh hão mà không có thực chất.


Học chỉ để đỗ đạt có danh tiếng, bằng cấp, phẩm hàm, được trọng vọng, để làm quan, để được nhàn nhã bản thân, được nhiều bổng lộc, vinh hoa phú quý cho riêng mình, người thân của mình… và chính lối học ấy đã dẫn đến hậu quả “thần nịnh hót”, ghét bỏ những người ngay thẳng, trung thực, những người hiền tài.


Những luân thường, đạo lí trong xã hội bị rạn nứt, rường cột xã tắc lung lay...


Theo ông phải duy trì được “nền chính học” thì “kẻ nhân tài mới lập được công, nhà nước nhờ thế mà vững yên”.


Muốn được như vậy, phải có phương pháp học tập.


Đó là, phải học có hệ thống: “Lúc đầu học tiểu học để bồi lấy gốc. Tuần tự tiến lên…”; học nhiều biết rộng nhưng phải biết nắm lấy cái cốt lõi, học phải đi đôi với hành: “Học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo điều học mà làm”.


Rõ ràng, tư tưởng của Nguyễn Thiếp đã gắn liền việc học đi đôi với hành, học để vận dụng vào cuộc sống trước chúng ta ngày nay hàng trăm năm.


(theo Nguyễn Cao GDVN)