VĂN HÓA ONLINE - TỪ LITTLE - THỨ SÁU 03 AUG 2018
Tòa tuyên bố sắc lệnh của Trump là vi hiến
Ông Trump đầu năm 2017 đã kí ban hành sắc lệnh hành pháp de dọa giữ không cấp ngân khoản liên bang nhằm trấn áp các thành phố và các bang không chịu hợp tác với các cơ quan di trú của Mỹ.
Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump đe dọa giữ lại nguồn kinh phí cấp cho các "thành phố trú ẩn" - những thành phố hạn chế sự hợp tác với các cơ quan di trú trong việc truy lùng người nhập cư không giấy tờ - là vi hiến, tòa án phúc thẩm liên bang phán quyết hôm thứ Tư. Tuy nhiên tòa cũng nói rằng một thẩm phán đã đi quá xá khi ngăn chặn việc thi hành sắc lệnh này khắp cả nước.
Trong quyết định với tỷ lệ 2-1, Tòa án Phúc thẩm Liên bang Khu vực 9 đồng ý rằng sắc lệnh của ông Trump vượt quá thẩm quyền của Tổng thống. Chỉ có Quốc hội mới kiểm soát việc chi tiêu theo qui định của Hiến pháp Hoa Kỳ, và các Tổng thống không có thẩm quyền cắt nguồn kinh phí mà Quốc hội chấp thuận để theo đuổi các mục tiêu chính sách của mình, các thẩm phán thuộc phe đa số của tòa án nói.
Phán quyết được đưa ra trong một vụ kiện đệ trình bởi hai quận hạt của bang California - San Francisco và Santa Clara.
Devin O’Malley, phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Mỹ, gọi sắc lệnh của Tổng thống là hợp pháp. Ông nói phán quyết của tòa là một chiến thắng cho "những người ngoại quốc phạm pháp ở California, những người có thể tiếp tục phạm tội khi biết rằng giới lãnh đạo của bang này sẽ bảo vệ họ khỏi các viên chức di trú liên có nhiệm vụ buộc những người này chịu trách nhiệm và trục xuất họ khỏi đất nước."
"Bộ Tư pháp vẫn quyết tâm duy trì pháp trị, bảo vệ sự an toàn công cộng, và không để những người ngoại quốc phạm pháp nhởn nhơ trên đường phố," ông nói.
Tuy nhiên, tòa án cũng nói không có đủ bằng chứng để ủng hộ một lệnh cấm toàn quốc đối với sắc lệnh của ông Trump. Tòa giới hạn lệnh cấm và trả vụ kiện trở về tòa án cấp thấp hơn để tranh tụng thêm về việc có nhất thiết phải có một lệnh cấm như vậy hay không.
Quyết định nhìn chung là một thắng lợi lớn cho những người chống lại sắc lệnh hành pháp của ông Trump, nhưng ông Trump có thể tìm cách thi hành nó ở các khu vực tư pháp bên ngoài 10 bang miền Tây thuộc thẩm quyền tài phán của Tòa án Phúc thẩm Liên bang Khu vực 9, theo các chuyên gia pháp lí.
Ông Trump kí ban hành sắc lệnh hành pháp này vào tháng 1 năm 2017 — một phần trong nỗ lực của chính quyền ông nhằm trấn áp các thành phố và các bang không chịu hợp tác với các cơ quan di trú của Mỹ.
Chính quyền cũng đã quyết định giữ không cấp một khoản tiền hỗ trợ chấp pháp cụ thể cho các khu vực trú ẩn và đã kiện California về ba luật mở rộng các biện pháp bảo vệ những người ở Mỹ bất hợp pháp.
Chính quyền Trump nói rằng các thành phố và các bang trú ẩn cho phép những tên tội phạm nguy hiểm quay trở lại đường phố.
Ngược lại, San Francisco và các thành phố trú ẩn khác nói rằng biến cảnh sát địa phương thành các viên chức di trú làm xói mòn niềm tin cần thiết để khuyến khích người dân trình báo tội phạm./ (THEO VOA 02/08/2018)
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật quốc phòng lớn
Thượng viện đã biểu quyết với tỉ lệ 87-10 chấp thuận Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng John S. McCain chuẩn thuận chi tiêu quân sự của Mỹ.
Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật chính sách quốc phòng có ngân khoản 716 tỉ đôla, hậu thuẫn lời kêu gọi của Tổng thống Donald Trump cho một quân đội lớn hơn và hùng mạnh hơn và tránh một cuộc chiến tiềm năng với Nhà Trắng về vấn đề công nghệ từ các công ty lớn của Trung Quốc.
Thượng viện đã biểu quyết với tỉ lệ 87-10 chấp thuận Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng John S. McCain, gọi tắt là NDAA. Đạo luật hàng năm này chuẩn thuận chi tiêu quân sự của Mỹ nhưng được sử dụng như một phương tiện cho một loạt các vấn đề chính sách vì từ hơn 50 năm nay nó vẫn được thông qua hàng năm.
Vì được thông qua tại Hạ viện vào tuần trước, dự luật này giờ tới tay ông Trump, và ông dự kiến sẽ kí nó thành luật.
Dù luật này áp đặt các biện pháp kiểm soát lên các hợp đồng của chính phủ Mỹ với các công ty ZTE và Huawei Technologies của Trung Quốc vì những lo ngại an ninh quốc gia, song các hạn chế này yếu hơn các hạn chế được soạn thảo trong các phiên bản trước của dự luật.
Điều này đã khiến một số nhà lập pháp giận dữ. Những người này muốn khôi phục các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với ZTE để trừng phạt công ty này về chuyện vận chuyển trái phép các sản phẩm của Mỹ sang Iran và Triều Tiên.
Trong một hành động khác nhắm vào Trung Quốc, NDAA đã củng cố Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS), một cơ quan chuyên thẩm định các khoản đầu tư nước ngoài được đề xuất để cân nhắc xem chúng có đe dọa an ninh quốc gia hay không.
Các nhà lập pháp từ cả hai đảng đã bất đồng với ông Trump về quyết định của ông dỡ bỏ lệnh cấm trước đó đối với các công ty Mỹ bán sản phẩm cho ZTE, cho phép công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai của Trung Quốc tiếp tục kinh doanh.
Nhưng với các nghị sĩ đồng đảng Cộng hòa của ông Trump kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện, các điều khoản của NDAA nhằm đáp trả Bắc Kinh và bị Nhà Trắng phản đối đã được làm yếu đi trước các cuộc biểu quyết cuối cùng của Quốc hội về dự luật này./ (theo VOA 02/08/2018)