Từ sáp nhập Hà Nội liên hệ tới Luật Đặc khu

05 Tháng Tám 201811:32 CH(Xem: 12872)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ  - THỨ HAI 06 AUG 2018


Từ sáp nhập Hà Nội liên hệ tới Luật Đặc khu


BBC 03/8/2018


image011Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Dự Luật đặc khu dự kiến sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến trong tháng Tám.


Việc Quốc hội Việt Nam thông qua đề án mở rộng Hà Nội hồi 2018 mặc dù có tỷ lệ phản đối cao ban đầu là một tiền lệ để so sánh với dự luật Đặc khu, theo ý kiến của các khách mời chương trình Bàn tròn thứ Năm của BBC hôm 2/8.


Dẫn chiếu chuyện sát nhập Hà Nội và dự án Bô xít Tây Nguyên, bà Mạc Việt Hồng, chủ biên tờ báo điện tử Đàn Chim Việt Online từ Warsaw, Ba Lan, cho rằng "quyết tâm chính trị của đảng Cộng sản mới là quyết định" trong việc thông qua Luật Đặc khu.


Chia sẻ quan điểm này, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nhận định phiếu bầu trong quốc hội thường theo hướng mà Đảng cộng sản đã quyết.


Tuy nhiên, nhà hoạt động xã hội dân sự, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, thì cho rằng bối cảnh kinh tế chính trị xã hội hiện nay đã khác nhiều so với cách đây mười năm, và việc thông qua Luật Đặc khu sẽ "không dễ như việc họ đã làm là sáp nhập Hà Tây".


image012

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Người dân ở Chương Mỹ, thuộc Hà Nội, đang đương đầu với cảnh ngập lụt kéo dài


Hà Nội được gì sau 10 năm mở rộng?


Tháng 8/2008, Quốc hội Việt Nam ra quyết định điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội, hợp nhất tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và bốn xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình).


Diện tích của Hà Nội được tăng 3,6 lần, từ khoảng 920 km2 lên hơn 3.340 km2.


Trước khi được thông qua, đề án mở rộng Hà Nội gây ra nhiều cuộc tranh luận gay gắt trong Quốc hội Việt Nam, theo Luật sư Trần Quốc Thuận, người làm việc trong Văn phòng Quốc hội thời kỳ đó, cho chương trình Bàn tròn thứ Năm của BBC, do Quốc Phương điều hợp từ London, biết.


image013

Bản quyền hình ảnh Phuong Ngo Image caption Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng dự luật Đặc khu sẽ được làm 'theo cách truyền thống'.


"Người ta cho rằng mở rộng Hà Nội thì đất Hà Tây lên giá cho nên có nhiều người đi mua đất Hà Tây vì đất Hà Tây bây giờ là đất thủ đô rồi, cho nên khi mở rộng Hà Nội thì có một số người kiếm được món hời rất là lớn," LS Trần Quốc Thuận bình luận.


Ông cũng nói mặc dù có "đấu qua đấu lại rất là gay gắt" trong các đại biểu quốc hội, cuối cùng phương án điều chỉnh mở rộng Hà Nội cũng vẫn được thông qua.


Nhà báo Mạc Việt Hồng từ Warsaw, Ba Lan, vẫn giữ quan điểm không đồng tình với chuyện sát nhập Hà Nội mà bà đã nêu từ nhiều năm.


Có lẽ người Việt Nam mình họ thích cái gì cũng phải to như cái bánh chưng cũng phải kỉ lục Guiness hay cái bát phở cũng phải to...thủ đô không nhất thiết phải to mà như tôi đã nói nó cần văn minh hiện đại, tiện lợi và hội nhậpBà Mạc Việt Hồng, Chủ biên Đàn chim Việt Online


Bà cho rằng một trong những mục đích của dự án mở rộng Hà Nội là giãn dân ở Hà Nội ra các vùng mới sát nhập thì đến nay vẫn không thực hiện được.


"Trong khi vùng mà đã sát nhập vào Hà Nội thì chỉ cần phát triển như những đô thị vệ tinh hoặc thành phố vệ tinh thôi thì lại cho tất vào Thủ đô, những vấn đề ở trong nội thành còn chưa giải quyết được, ví dụ như là vấn đề ngập lụt, vấn đề ùn tắc giao thông hoặc là mật độ dân số quá đông," bà Mạc Việt Hồng nói.


"Có lẽ người Việt Nam mình họ thích cái gì cũng phải to như cái bánh chưng cũng phải kỉ lục Guiness hay cái bát phở cũng phải to, cái bánh giày cũng phải to cũng phải đi vào kỉ lục. cho nên thủ đô cũng phải to như vậy cho xứng tầm. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, khi tôi quan sát nhiều nước khác trên thế giới này, thủ đô không nhất thiết phải to mà như tôi đã nói nó cần văn minh hiện đại, tiện lợi và hội nhập," bà Hồng tiếp lời.


Phạm Chi Lan: ‘Tốt nhất là bỏ Luật Đặc khu’


Dự luật Đặc khu sẽ được làm 'theo cách truyền thống'


Từ câu chuyện mở rộng Hà Nội, các khách mời của Bàn tròn thứ Năm liên hệ tới khả năng dự luật Đặc khu vực Hành chính Đặc biệt (Luật Đặc khu) được Quốc hội thông qua.


"Ở Quốc hội Việt Nam, đảng cầm quyền lên tới 95%, cho nên khi một cái gì mà đảng đã quyết rồi thì bao giờ người ta cũng phải bỏ phiếu theo hướng đấy.


"Như vừa qua, dự luật Ba đặc khu thì có câu nói mang tính lịch sử, chủ tịch Quốc hội nói rằng là: 'Bộ chính trị đã quyết rồi thì cứ bỏ phiếu đi', câu chuyện là như thế." nguyên Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Thuận nói trong chương trình thảo luận trực tuyến hôm 2/8 của BBC.


"Tôi nghĩ rằng việc quốc hội Việt Nam cơ cấu thành phần như vậy thì nó sẽ dẫn đến như vậy.


"Cho nên hồi Hà Nội cũng thế, Hà Nội thì người ta phát biểu gay gắt như giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có nói lại, bỏ phiếu như thế.


Họ đồng ý là các người cứ phát biểu hết đi, cứ phát biểu thoải mải đi, dân chủ mà, không có vấn đề gì nhưng mà quyết định thì cứ quyết định theo. Tôi nghĩ là cái dự luật Ba đặc khu họ cũng sẽ làm theo cách truyền thống đấy.Luật sư Trần Quốc Thuận


"Cứ khi nào có phát biểu gay gắt thì người ta sẽ gửi ý kiến thăm dò. Và khi bỏ phiếu thăm dò, người ta khoanh khu vực là phiếu này nằm ở tỉnh thành phố nào và tỉnh thành phố nào phản ứng thì sẽ có những lãnh đạo cao đến thành phố đó để trao đổi tiếp.


"Họ đồng ý là các người cứ phát biểu hết đi, cứ phát biểu thoải mải đi, dân chủ mà, không có vấn đề gì nhưng mà quyết định thì cứ quyết định theo. Tôi nghĩ là cái dự luật Ba đặc khu họ cũng sẽ làm theo cách truyền thống đấy."


image010

Bản quyền hình ảnh Mac Viet Hong Image caption Nhà báo Mạc Việt Hồng là chủ biên tờ báo điện tử Đàn Chim Việt ở Warsaw, Ba Lan.


Đồng tình với nhận xét của Luật sư Trần Quốc Thuận, bà Mạc Việt Hồng cho rằng việc Quốc hội tạm ngưng thông qua dự luật Đặc khu chỉ là "để tìm kế hoãn binh".


"Nói như luật sư Trần Quốc Thuận, họ tìm ra chỗ nào mà nhiều người phản đối, có nhiều người có ý kiến thì họ sẽ vận động những cái chỗ đó chứ còn tôi nghĩ rằng ở Việt Nam thì quyết tâm chính trị của đảng Cộng sản mới là quyết định," bà Hồng chia sẻ quan điểm.


'Đau đầu để dập tắt dư luận'


Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng từ Hà Nội cho rằng với dự luật về đặc khu, quốc hội và chính phủ Việt Nam vẫn sẽ dùng những cách thức vận động tương tự.


"Nhưng tôi cho rằng thời giai đoạn trước, giai đoạn họ sát nhập Hà Tây so với bối cảnh kinh tế chính trị xã hội bây giờ nó khác rất là nhiều.


"Dự luật ba đặc khu là cái sự phản ứng ở trong công chúng rất là dữ dội là một. Thứ hai là truyền thông dân sự, rồi các cây viết phản biện, bây giờ rất là nhiều.


"Việc họ có dám thông qua cái luật ba đặc khu hay không, tôi cho rằng chính bản thân ở trong bộ Chính trị, ở trong Quốc hội cũng như là chính phủ cũng đang rất là đau đầu để tìm cách dập tắt dư luận.


"Tôi nghĩ rằng việc này bây giờ thường không dễ như ngày xưa việc họ đã làm là việc sát nhập Hà Tây," nhà hoạt động xã hội dân sự nhận định từ Hà Nội.