VĂN HÓA ONLINE - NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG - THỨ SÁU 24 AUG 2018
Bắc Kinh đừng mơ hất Mỹ khỏi Biển Đông bằng COC
Hồng Thủy
13/08/18
(GDVN) - Bắc Kinh đề xuất thì cứ đề xuất nhưng đừng mơ mượn COC để hất Mỹ khỏi Biển Đông, bởi suy cho cùng các nước ASEAN luôn cần 1 đối trọng đủ sức chặn bành trướng.
Nhà nghiên cứu an ninh hàng hải Collin Koh từ Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore ngày 12/8 có bài phân tích trên South China Moring Post về các diễn biến mới trong tiến trình đàm phán bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Theo ông, Bắc Kinh chớ nên mong đợi những gì họ cho là "đột phá" trong đàm phán COC có thể làm suy yếu mối quan hệ của Mỹ với các nước ASEAN.
Trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi các diễn biến mới về đàm phán COC là "lời cảnh báo cho sự can thiệp từ bên ngoài vào Biển Đông", thì các nước Đông Nam Á có thể muốn duy trì quan hệ lâu dài với Washington.
Tuần trước, Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc đã thông qua một văn bản đàm phán về COC;
Bắc Kinh dường như cảm thấy họ đã thành công trong việc dập tắt các tiếng nói của ASEAN về hoạt động quân sự hóa Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông.
Hàng không Mẫu hạm Hoa Kỳ trên biển South China Sea. Ảnh minh họa: Foxtrot Alpha - Jalopnik
Bắc Kinh đề xuất trong quá trình đàm phán COC rằng, các bên liên quan ở Biển Đông sẽ thông báo cho nhau về các hoạt động quân sự lớn trong khu vực nếu cần thiết, và "sẽ không tổ chức các cuộc tập trận chung với các nước ngoài khu vực, trừ khi các bên liên quan được báo trước và không phản đối".
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tràn ngập những lời tung hê cho tài liệu này. Một bài xã luận trên Tân Hoa Xã thậm chí ca ngợi nó như một "lời cảnh cáo đối với sự can thiệp của nước ngoài vào Biển Đông".
Về phần mình, Bắc Kinh có thể coi "chiến công" mới nhất của mình là trang bị thêm công cụ chiến lược chống lại những gì họ luôn coi là "sự can thiệp vào Biển Đông từ bên ngoài", ám chỉ Hoa Kỳ.
Bắc Kinh xem đề xuất này của mình như là một khả năng đáng tin cậy trong việc từ chối các hoạt động tự do hàng hải mà Hải quân Mỹ tiến hành trong các vùng biển (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp, cũng như phản ứng với các hoạt động của Mỹ trong khu vực.
Nhưng liệu cái gọi là "cảnh cáo" này, có phản ánh sự đồng thuận giữa ASEAN và Trung Quốc?
Tranh chấp phức tạp ở Biển Đông khó có thể được giải quyết bởi chính các bên liên quan trực tiếp, cho dù là song phương hay đa phương.
Việc giải quyết các tranh chấp sẽ mất rất nhiều thời gian, trách nhiệm của các bên là quản lý tranh chấp một các hòa bình và ổn định.
Điều quan trọng là phải làm nổi bật tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông không chỉ cho tàu thuyền và máy bay dân sự, mà còn tàu và máy bay quân sự, bởi Biển Đông là một tuyến hàng hải quốc tế.
Việc gạt bỏ bất kỳ quốc gia nào khỏi vùng biển này, bao gồm hoạt động của các tàu hải quân là điều không thể. Thật khó hình dung đề xuất nói trên của Trung Quốc sẽ được chấp nhận rộng rãi.
Bởi đằng sau đề xuất này là ý đồ của Bắc Kinh về "quyền phủ quyết" các hoạt động (của Mỹ và cộng đồng quốc tế) trên Biển Đông (nhất là tự do hàng hải, hàng không).
Không chỉ Trung Quốc, một số nước ASEAN cũng đưa ra các ý kiến và giải thích của mình về quyền lợi, nghĩa vụ và quyền tự do trên Biển Đông được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 bảo vệ trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các quốc gia ven Biển Đông.
Cho đến nay, liên quan đến quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, quan điểm các nước ASEAN đã được bày tỏ một cách cởi mở, nhưng điều đó không có nghĩa các nước ASEAN ủng hộ hoặc phản đối các hoạt động đó.
Trong tương lai gần, rất khó hình dung các thành viên ASEAN sẽ hình thành các "liên minh sẵn sàng" liên quan đến các siêu cường bên ngoài khu vực để cùng thực hiện hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông như đã được (Hoa Kỳ) đề xuất.
Tuy nhiên, các cuộc tập trận chung với các cường quốc ngoài khu vực nhiều khả năng sẽ được giữ lại như một khía cạnh của chủ quyền quốc gia.
Người ta có thể thông báo trước cho các bên liên quan về hoạt động như dự thảo COC, nó đóng vai trò như một biện pháp xây dựng niềm tin;
Nhưng kêu gọi họ phải chờ thông báo "không phản đối" từ các bên liên quan khác theo đề xuất của Trung Quốc, có thể là điều khó chấp nhận với một số nước ASEAN, đặc biệt là những nước đã duy trì và tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh với các cường quốc ngoài khu vực.
Trên phương diện này, vai trò của Hoa Kỳ không thể bỏ qua.
Mặc dù còn những lo ngại nhất định về chính sách của chính quyền Mỹ đương nhiệm, nhưng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Đông Nam Á vẫn được hoan nghênh và được xem là lực lượng duy trì ổn định khu vực.
Trong nhiều thập kỷ, các nước ASEAN đã xây dựng các mạng lưới quan hệ hợp tác quốc phòng, an ninh với quân đội Mỹ.
Quan hệ hợp tác này vượt xa việc mua bán vũ khí, chúng bao gồm các cuộc tập trận, diễn tập chung và chia sẻ thông tin, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh hàng hải.
Những thành viên ASEAN bao gồm các nước có yêu sách ở Biển Đông, có thể tiếp tục phải chịu đựng những thiếu hụt khác nhau về năng lực bảo đảm an ninh hàng hải;
Cho nên, họ sẽ duy trì hợp tác với Mỹ và tận dụng cơ hội học hỏi các phương pháp tốt nhất, tăng cường tương tác thông qua các bài tập đã được thiết lập định mức duy trì.
Ví dụ cho các hoạt động hợp tác này bao gồm Hợp tác huấn luyện Đông Nam Á, một bài tập an ninh hàng hải đa phương giữa ASEAN và Hoa Kỳ được duy trì kể từ năm 2002;
Ví dụ khác là một loạt bài tập sẵn sàng hợp tác, sẵn sàng huấn luyện tiến hành song phương giữa Mỹ với các thành viên ASEAN từ 1995.
Người ta có thể mong đợi một thái độ hợp tác tương tự với sự tham gia của các cường quốc khác vào Biển Đông như Australia, Canada, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản và Anh.
Các nước này sẽ mang đến những kiến thức chuyên môn độc đáo, bí quyết riêng giúp xây dựng năng lực an ninh hàng hải cho các nước ASEAN.
Không chỉ có vậy, sự hiện diện quân sự của họ ở Đông Nam Á thường được xem như đóng góp vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Biển Đông là một trong nhiều vấn đề phức tạp thách thức an ninh khu vực. Các nước ASEAN phải đối mặt với các mối đe dọa hàng hải ngặt nghèo hơn mỗi ngày.
Sự tham gia liên tục của các cường quốc lớn, bao gồm Mỹ và Trung Quốc, trong lĩnh vực an ninh hàng hải sẽ có lợi cho Đông Nam Á, kể cả trước mắt lẫn lâu dài.
COC sẽ là vấn đề lâu dài và phức tạp, dự thảo văn bản đàm phán mới nhất sẽ còn được chỉnh sửa và cập nhật liên tục.
Trong khi đó, các nước ASEAN dường như không có cơ hội để đối phó với sự bấp bênh chiến lược nếu không tiếp tục duy trì, thậm chí là tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh với các cường quốc ngoài khu vực, ít nhất là Hoa Kỳ.
Cuối cùng, điều các nước ASEAN mong muốn không có gì hơn một cấu trúc toàn diện mới, trong đó các nước trong khu vực và các cường quốc trong - ngoài khu vực có thể đóng vai trò xây dựng để thúc đẩy hòa bình và ổn định;
Không quốc gia nào nên bị bỏ rơi, và ý nghĩ loại trừ bất kỳ quốc gia nào ra khỏi nỗ lực bảo vệ an ninh hàng hải toàn cầu là điều không mang tính xây dựng.
Nguồn:
https://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2159261/dont-expect-beijings-south-china-sea-breakthrough
Hồng Thủy