VĂN HÓA ONLINE - BIỂN ĐÔNG/HOA ĐÔNG - THỨ SÁU 16 NOV 2018
Pháp: Mẫu hạm Charles de Gaulle sẽ tuần tra Ấn Độ-TBD
Pháp: Tầu sân bay Charles de Gaulle tuần tra Biển Đông-Ấn Độ Dương năm 2019
RFI Đăng ngày 15-11-2018 Sửa đổi ngày 15-11-2018 16:45
Mẫu hạm Charles de Gaulle, ngoài khơi thành phố Toulon, miền nam Pháp, sau 18 tháng nâng cấp. Ảnh chụp ngày 08/11/2018.REUTERS/Christophe Simon
« Nhà máy chiến đấu », mệnh danh được đặt cho tầu sân bay Pháp Charles de Gaulle, đã sẵn sàng hoạt động trở lại từ ngày 05/11/2018 sau 18 tháng nâng cấp tại cảng Toulon (miền nam Pháp) với tổng kinh phí lên đến 1,3 tỉ euro.
Tuần tra vì tự do hàng hải tại vùng Ấn Độ Dương là nhiệm vụ đầu tiên ngay vào khoảng đầu tháng 02/2019 của tầu sân bay hạt nhân duy nhất tại châu Âu.
« Việc tầu sân bay Charles de Gaulle chuẩn bị ra khơi với khả năng tác chiến toàn vẹn sẽ mang lại sức bật và tầm quan trọng chính trị cho lực lượng không lực Hải Quân Pháp », theo khẳng định với nhật báo La Provence ngày 19/10/2018 của bộ trưởng Quân Lực Pháp.
Bà Florence Parly nhấn mạnh Pháp « luôn trên tuyến đầu để bảo vệ một quyền vĩnh viễn, đó là tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế. Và mỗi lần, nếu nguyên tắc cơ bản này của luật pháp quốc tế bị vi phạm, như trường hợp đang xảy ra hiện nay tại Biển Đông, chúng tôi sẽ thể hiện quyền tự do hành động và lưu thông của mình trong các vùng biển đó ». Đây là lý do giải thích nhiệm vụ đầu tiên của tầu sân bay Charles de Gaulle là đến vùng Ấn Độ Dương, trong đó có Biển Đông.
Nhiệm vụ đầu tiên : Tuần tra vùng biển chiến lược Ấn Độ Dương
Trang Le Parisien (19/10/2018) nhắc lại Biển Đông là một khu vực chiến lược, nơi trung chuyển của 1/3 thương mại hàng hải thế giới. Vùng biển nửa kín này dài khoảng 3.000 km và rộng 1.000 km (?) với hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ và bị nhiều nước trong vùng đòi chủ quyền chồng lấn. Riêng Trung Quốc đòi chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông.
Để bảo vệ quyền tự do hàng hải trước những yêu sách của Trung Quốc trong vùng biển này, Hải Quân Hoa Kỳ thường xuyên tuần tra trên không và trên biển. Gần đây, căng thẳng với Trung Quốc tăng thêm một bậc sau khi tầu chiến của Trung Quốc cắt ngang mũi khu trục hạm Mỹ USS Decatur khi tuần tra bên trong vùng 12 hải lý quanh các rạn san hô Ga Ven và Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa.
Với Paris, Biển Đông và rộng hơn là Ấn Độ Dương, là khu vực mà Pháp cũng có lợi ích. Từ năm 2014, nhiều chuyến tuần tra đã được Hải Quân Pháp tiến hành tại đây. Năm 2016, ông Jean-Yves Le Drian, bộ trưởng Quốc Phòng lúc đó và hiện là ngoại trưởng Pháp, kêu gọi hải quân châu Âu « có mặt thường xuyên, rõ rệt nhất có thể trong các vùng biển ở châu Á ».
Trong chuyến công du Úc vào tháng 04/2018, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trấn an các đồng minh trong vùng trước sự bành trướng của Trung Quốc với lời khẳng định muốn « xây dựng một trục Ấn Độ-Thái Bình Dương » để « buộc tôn trọng quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không ».
Cuối tháng 05/2018, tầu đổ bộ-chỉ huy-chở trực thăng Dixmude của Pháp đã tham gia một chiến dịch có quy mô lớn trong vùng này cùng với ba chiến đấu cơ Rafales, một máy bay vận tải quân sự A400M, một máy bay Airbus A310 và một máy bay tiếp liệu.
Với việc điều tầu sân bay Charles de Gaulle bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương, Pháp muốn tiến hành chiến lược ngoại giao quân sự tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương để bảo vệ quyền lợi của mình trước những tham vọng của Trung Quốc. Vì Pháp có khoảng 1,5 triệu dân sống trên năm vùng lãnh thổ hải ngoại với vùng đặc quyền kinh tế rộng 9 triệu km vuông tại châu Á-Thái Bình Dương.
Trước khi đưa vào bảo dưỡng và nâng cấp, tầu sân bay Charles de Gaulle được triển khai ba lần, từ tháng 01/2015 đến 09/2016, trong khuôn khổ liên quân quốc tế chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Irak và Syria.
Tầu sân bay Charles de Gaulle : « 42.000 tấn trọng lượng ngoại giao »
Chiều 14/11/2018, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cùng với bộ trưởng Quân Lực Florence Parly, đã lên con tầu 42.000 tấn, nặng gấp 4 lần tháp Eiffel, gặp gỡ các nhân viên Hải Quân Pháp làm việc trên tầu và trải nghiệm ngủ lại một đêm trên « thành phố nổi ».
Charles de Gaulle là tầu sân bay thứ ba của Pháp, sau hai tầu sân bay Clemenceau (1961-1997) và Foch (1963-2000). Theo website của Hải Quân Quốc Gia Pháp, dài 261,5 mét, rộng 64,36 mét, tầu sân bay Charles de Gaulle có thể chứa 40 máy bay, trong đó có 30 chiến đấu cơ Rafales và thủy thủ đoàn khoảng 2.000 người sẵn sàng đối phó với « các tình huống thù nghịch ».
Đi vào hoạt động từ năm 2001, tầu Charles de Gaulle trở thành « một tầu sân bay thế hệ 2.0 » sau 18 tháng nâng cấp tính từ đầu năm 2017, và dự kiến hoạt động đến khoảng năm 2038-2040. Tầu Charles de Gaulle được hiện đại hóa hệ thống điều khiển và chiến đấu, hệ thống cảm biến và radar được điều chỉnh. Hệ thống khai thác thông tin chiến thuật cũng được xem xét lại để « tăng cường khả năng tương tác ».
Quá trình nâng cấp tầu Charles de Gaulle cần đến hơn 4 triệu giờ làm việc, trong đó đã có đến 1,8 triệu giờ chỉ dành riêng cho việc lập đồ án và thiết kế. Trong suốt 18 tháng, hàng ngày có hơn 2.100 người và 160 công ty thầu phụ hoạt động tại công xưởng khổng lồ này.
Trả lời Reuters, thuyền trưởng Christophe Charpentier, chỉ huy lực lượng không quân (Groupe aérien embarqué, Gaé), cho biết đội ngũ nhân viên trên tầu Charles de Gaulle đang « củng cố khả năng tác chiến với các quốc gia khác ». Sau đợt huấn luyện cấp tốc sẽ kết thúc vào cuối tháng 11, tầu sân bay Charles de Gaulle sẽ tiến hành một đợt thử khác với đoàn hộ tống của đội không lực Hải Quân (GAN), trong đó có một chiến hạm phòng không và một chiến hạm chống tầu ngầm. Theo một sĩ quan trên tầu, khi trả lời Reuters, « đây là cơ hội để xem xét lại cách tối ưu hóa lực lượng của chúng tôi đối với các mối đe dọa tương lai, dự đoán các cuộc chiến sau này »,
Ngày 08/11, đô đốc Christophe Prazuck, tham mưu trưởng Hải Quân Quốc Gia Pháp, nhấn mạnh đến thách thức quân sự hóa hàng hải. Vẫn theo vị đô đốc này, đối mặt với « thay đổi sâu sắc về bối cảnh chiến lược hải quân », nhằm nhắc đến những tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, tầu sân bay vẫn là « giá trị chiến lược và chính trị » không thể so sánh được. Vì vậy, vị tham mưu trưởng Hải Quân Quốc Gia Pháp hy vọng Pháp sẽ có thêm « khoảng 6 chiếc tầu sân bay ».
Bộ trưởng Quân Lực Pháp thì khẳng định : « Tầu sân bay này là một công cụ kết hợp về mặt ngoại giao và quân sự và đóng một vai trò quan trọng trong bối cảnh thiết lập dự án phòng thủ chung châu Âu ».
Vì vậy, Pháp đang thực hiện một nghiên cứu kéo dài 18 tháng về kế hoạch đóng một tầu sân bay tương lai, thay thế cho chiếc Charles de Gaulle. Tuy nhiên, công việc này sẽ không bắt đầu trước năm 2021 và ngân sách dự trù sẽ từ 5 đến 7 tỉ euro, theo tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khi trả lời kênh truyền hình TFI 1 ngày 14/11/2018 từ tầu sân bay Charles de Gaulle.