VĂN HÓA ONLINE - CỘNG ĐỒNG XÃ HỘI - THỨ TƯ 12 DEC 2018
"Việt Phật, mái chùa che chở hồn Dân tộc"
Nhà báo Lý Kiến Trúc phát biểu trong buổi lễ Ghi ơn và Tưởng niệm Đức Điều Ngự Trần Nhân Tông do Câu lac bộ Trần Nhân Tông tổ chức tại chùa Điều Ngự Quận Cam hôm Chủ Nhật 09/12/2018. Ảnh trích từ video.
Kính thưa Ht Thích Viên Lý, viện chủ chùa Điều Ngự, ngôi Đại hùng Bảo điện, kiến trúc đẹp hùng tráng nhất Quận Cam hiện nay, xin cúi đầu tán thán công đức của Ht Viên Lý. Kính thưa Chư tôn đức. Kính thưa quí vị. Các bạn trẻ Câu lạc bộ Trần Nhân Tông thân mến;
* Có lần tôi được nghe một vị cao tăng miền nam Việt Nam nói câu: "Thế giới hôm nay trung trùng duyên khởi, này sinh vô số điều phức tạp". Tôi suy nghĩ, thế giới, đã, và đang nảy sinh trùng trùng bạo lực, chiến tranh, hòa bình, chân chân giả giả, phải chăng đó là duyên khởi về một nền trật tự mới của nhân loại, đang bước vào đầu thế kỷ 21.
Triết gia Lý Đông A viết rằng: Thích Ca đã giác ngộ những nỗi khổ, sống, chết, bệnh già của toàn thể chúng sinh và luật tàn ác vô thường, thành, trụ, hoại không của vũ trụ. Thích Ca đã băng mình khỏi nơi cao quý: Ta không vào địa ngục, ai vào địa ngục? Không vào địa ngục sao cứu vớt được chúng sinh?
Nhà tư tưởng Lý Đông A nói về triết học và tông giáo Thích Ca bao la rộng lớn quá, kẻ hàn sinh này chỉ xin góp nhặt đôi lời về con suối róc rách của Phật giáo hải ngoại hôm nay:
Câu hỏi được đặt ra: dòng tâm thức uyên nguyên Phật giáo ẩn tàng trong tâm linh người Việt hải ngoại chảy ra từ nguồn nào? Chảy về đâu? Nét đặc trưng tông giáo nào mang dấu vết Phật giáo Trúc Lâm thống nhất và nhập thế?
Dòng suối uyên nguyên Trúc Lâm có chảy ra hải ngoại không? Để hôm nay, chúng ta cùng tưởng niệm và ghi ơn Đệ nhất Tổ Trúc Lâm Đại Tôn Hiền Giả Điều Ngự.
Không ai có thể phủ nhận, nguồn Phật giáo khi du nhập vào đất Việt đã hòa và hóa thành Việt Phật. Không ai có thể phá hủy hệ thống triết học Phật đã tồn tại, thống nhất và nhập thế vào đời sống dân gian Việt cả ngàn năm nay, tựa như Các cụ Đồ Nho, Nhà Nho đã Việt hóa tiếng Hán, chữ Hán thành Việt Nho.
Tôi nghĩ rằng: Trúc Lâm Yên Tử đã hòa và hóa Phật giáo bằng ba chữ: Bi, Trí, Dũng.
Hiểu một cách đơn giản: Bi, Trí, Dũng, là đạo, là đường dẫn cho con người có lòng từ bi, nhân ái, có tầm suy xét thấu đáo, có đầy đủ năng lượng hùng khí đẩy lùi cái giả núp trong cái chân, cái ác núp trong cái thiện. Trước cái giả, cái chân, cái ác, cái thiện, người Phật tử Trúc Lâm không thể trốn chạy hiện thực, không kỳ thị hiện thực, không sợ hiện thực.
Bi, Trí Dũng của Thánh nhân, Tổ tiên sẽ trợ lực cho chúng ta thấy được loại hiện thực đen tối. Hào quang Thiên thủ Thiên nhãn sẽ giúp chúng ta gạt phăng những âm mưu phá hủy + sự ngu dốt + sự xâm lược văn hóa.
Gần đây, có một nhiếp ảnh gia tư tưởng người Pháp, ông Nicolas Cornet đã hoảng hốt kêu lên: "Đối với tôi, chùa Phật Tích đã biến mất khỏi hành tinh này.
Chùa Phật tích do Vua Lê Thánh Tông dựng lên vào năm 1057. Còn chùa Tháp ở núi Đông Cứu (Bắc Ninh) tương truyền là nơi Hoàng Thái tử Trần Khâm nghỉ chân trên đường lên Yên Tử xuất gia (khoảng thập niên 1270-1280). (*)
Nghe câu than thở của nhiếp ảnh gia ngoại quốc, chúng ta thở than về những dị ngữ hôm nay ở hải ngoại, nào là "ngoại đạo, ngoại pháp, ma tăng, dâm tăng, v, v... A Di Đà Phật! Bọn âm binh đang làm loạn trên mặt đất.
May thay, nhờ ơn bồ đề của Đấng Từ Phụ, chúng ta hỉ xả gác bỏ những dị ngôn xa lạ. Quanh đây, chúng ta vẫn còn những bậc chân tu, những hậu sinh hướng về cội nguồn Việt Phật. Xin đội ơn Đức Bổn Sư Mâu Ni.
Thật ra, cuộc sống hiện tại đang rối rắm như cuộn chỉ, như mớ bòng bong nhiễu loạn xà ngầu, nhân quyền và thế quyền lâm vào thế bí, không có cách, không có lối thoát.
Quá khứ trùng trùng gây ra cảnh người chia lìa người, chữ Trí lấn át chữ Tâm, chữ Ác lên ngôi.
Phước báu thay, Thích Ca đã tái sinh một Giác Hoàng Điều Ngự tỏa hào quang võ công vô địch cứu dân cứu nước.
Có thể chúng ta không hấp thụ được võ công của Đức Điều Ngự. Hoàng đế nhà Trần đã sử dụng bí kíp nào để truyền cho Sĩ quân Dũng tướng tả xung hữu đột, "đánh giặc bằng Văn và Võ", "đánh là thắng"? Thắng liên tiếp ba trận vĩ đại.
Nhân đây, tôi xin nhắc lại một câu chuyện sự vui liên quan đến võ học. Tiểu thuyết gia võ học Kim Dung miêu tả đất Trung Nam Hải từ xưa đã có hàng Võ lâm Ngũ bá -. Năm càn khôn Ngũ tuyệt thống lãnh 5 phương thiên hạ: Đông, Tây, Nam, Bắc và TrungNam Hải. Võ học Kim Dung lừng lẫy đến tai mắt ông Đặng Tiểu Bình. ông Bình mời Kim Dung đến đàm thoại và có thể vấn kế đánh Việt Nam năm 1979.
- Phàm khi mang quân đi đánh nước ngoài, những danh tướng đều có bửu bối võ công.
Tổ sư ông Đặng Tiểu Bình, cách đây 760 năm (1258-2018), Trung Nam Hải mang võ công của Võ lâm Ngũ bá đi đánh Đại Việt, gặp phải bí kíp Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông (3), gặp phải võ lâm Đại Việt Diệu Pháp Liên Hoa Bình Than Diên Hồng ...Võ lâm Ngũ bá đại bại.
Tôi cho rằng Võ học của Đức Điều Ngự Đầu Đà ẩn tàng trong kinh Phật. Ngài đã lấy kinh Phật chống xâm lăng, lấy Bi, Trí, Dũng thắng hung tàn.
Về sau này triều Nguyễn sùng bái chủ nghĩa tôn quân Nho giáo, lại có cả Vua cải đạo Tổ Tiên tân tòng theo Kitô giáo, lãng quên kinh Phật, Pháp Lan Tây thừa cơ đem quân chiếm đoạt đất đai, lấy văn hóa phương Tây đồng hóa An Nam ..., thế là mất nước, mất gốc.
Học từ bài học của Điều Ngự, võ công của người Phật tử hôm nay không lẩn tránh chủ nghĩa bi quan trước thời cuộc, không hoài nghi về Trúc Lâm Yên Tử, mà thấm nhuần tư tưởng thống nhất và nhập thế, để có thể liên hệ mật thiết tới chính trị, phong hóa và cộng đồng xã hội (4).
** Thưa quí vị;
Sắp tới đây, vào tháng Tư âm lịch năm 2019, Đại lễ Tam hợp Vesak Liên Hiệp quốc xuất phát từ Thái Lan sẽ tổ chức đại lễ tại tỉnh Hà Nam, một quần thể Phật giáo cổ xưa của Đại Việt, riêng cá nhân tôi, ước mong Đức Dalai Lama sẽ đến Việt Nam ban Pháp lục hòa.
Chúng ta nhớ lại, ở Quận Cam nam California, HT Viên Lý đã cung thỉnh được Đức Dalai Lama đến thăm chùa Điều Ngự, Ngài ban Pháp Bi, Trí, Dũng cho Phật tử hải ngoại; hôm nay, ngay tại đây, chúng ta vẫn còn nhận được hương thơm lưu luyến của Ngài.
Sự kiện Đức Dalai Lama vị Đạo sư trí tuệ như biển cả, đại biểu tối cao của Phật giáo Tây Tạng đến thăm chùa Điều Ngự Phật giáo Việt Nam nói lên ý nghĩa Lục hòa.
Nhân đây, tôi xin phép được nhắc lại một câu chuyện ngắn trong buổi họp báo của Đức Dalai Lama ở Long Beach vào tháng Chín năm 2009, hôm đó tôi có hỏi Ngài một câu: "Thưa Đức Dalai Lama, Ngài có ý định đến thăm Việt Nam không? Ngài trả lời rằng: "Không thấy thư mời".
Mới đây, chúng ta nghe tin Thiền Sư Thích Nhất Hạnh quyết định "trở về Việt Nam để được sống nơi đất Tổ”. Sống và Tịch nơi đất Tổ có khác nhau không? Sau bao nhiêu năm xây dựng Dòng tu Phật giáo Tiếp hiện ảnh hưởng rất lớn ở phương Tây, quyết định của Thiền sư làm chúng ta suy nghĩ về cội nguồn Việt Phật.
Thưa quí vị. Sám hối trước cửa Từ bi, tuổi nay đã thất thập, con chưa học được chữ nào của Phật, nhưng lòng tự nhắn nhủ "hãy cố leo lên đỉnh núi mà nhìn lại mình, hãy ráng bơi ra ngoài hải đảo mà "bản lai diện mục";
Trước cửa Bồ đề. chúng ta thường nghe câu: "Việt Phật, mái chùa che chở hồn dân tộc". Hôm nay, nhân buổi lễ tri ơn công đức của Đức Giác Hoàng Điều Ngự tại chùa Điều Ngự, chúng tôi mong rằng dưới sự điều hành của Phật tử Kiện Nguyễn, các bạn trẻ "Câu lạc bộ Trần Nhân Tôn" hải ngoại sẽ đóng góp vào đời sống tâm linh đạo đức, văn hóa, giáo dục, tự thắng bóng ma hèn nhát, dấn thân vào đại nghĩa.
Xin trân trọng cám ơn quí vị./
Lý Kiến Trúc