Cuộc đấu tranh đòi đất đầu tiên trong bang giao Việt-Trung (P4&5)

30 Tháng Mười Hai 201810:43 CH(Xem: 7131)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ HAI 31 DEC 2018


Cuộc đấu tranh đòi đất đầu tiên trong bang giao Việt-Trung (P4&5)


Posted on 29/12/2018 by The Observer


image036


Tác giả: Hồ Bạch Thảo


4. Ngoại giao đòi lại đất: các phái đoàn Lương Dụng Luật, Đào Tông Nguyên, Lê Văn Thịnh


Về việc nhà Tống trả đất cho nước Đại Việt vào năm Nguyên Phong thứ 2 [1079]; chính sử Trung Quốc như Tống Sử[1]  chép “ bèn đem tất cả 4 châu 1 huyện trả lại (乃悉以四州一縣還之), Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên[2] ghi “bỏ Thuận Châu, đưa đất này cho Giao Chỉ (廢順州,以其地畀交阯). Nhưng dân và triều đình Đại Việt không tin những lời tuyên bố huyênh hoang; “kẻ nằm trong chăn biết có rận”, cẩn thận xét thấy việc trả như vậy là chưa đủ, bèn tiếp tục đòi hỏi. Cuối cùng vua Tống đành phải chấp nhận cho xét lại; lệnh đặt nơi bàn bạc về biên giới, đích thân đặt tên là Kế nghị biện chính cương chí sở (計議辦正疆至所 – Nơi bàn bạc sửa lại đúng cương giới).


Mở đầu cho cuộc đòi hỏi này Vua Lý Nhân Tông cử một phái đoàn sang Trung Quốc, do Lễ tân phó sứ Lương Dụng Luật cầm đầu, mang nhiều vật cống. Không muốn đồ vật bị thất lạc, nhà Vua yêu cầu được chở đi kèm để phái đoàn có thể giám sát; Vua Tống không những chấp nhận lời yêu cầu, lại cho một viên quan làm bạn tống hướng dẫn:


Trường Biên, quyển 313. Năm Nguyên Phong thứ 4 [1081]


Ngày Nhâm Ngọ tháng 6 [4/8/1081], Giao Chỉ Quận vương Lý Càn Đức dâng biểu tâu:


“Mới đây sai Sứ thần Đào Tông Nguyên đến triều cống, bị Quảng Châu [Quảng Đông] ngăn cấm, không cho đồ vận tải cùng đi theo. Nay sai Lễ tân phó sứ Lương Dụng Luật, bọn Trước tác lang Nguyễn Văn Bồi vào cống, xin  triều đình ban chiếu chỉ cho tiến phụng giống như cũ.”


Chiếu ban cho Quảng Châu chuẩn theo lệ cũ, không được cản trở. Sai 1 viên Nội sứ thần bạn tống, lại giáng chiếu dụ cho biết trước.[3]


Qua 1 tháng sau phái đoàn đến quan ải, ty Chuyển vận sứ Quảng Nam Đông Lộ [Quảng Đông] tâu về triều, cẩn thận hỏi về đường đi của sứ bộ,Vua Tống trả lời rằng muốn đi đường thủy cũng chấp nhận:


Trường Biên, quyển 314. Năm Nguyên Phong thứ 4 [1081]


Ngày Canh Tuất tháng 7 [1/9/1081], ty Chuyển vận Quảng Nam Đông Lộ tâu:


“Cửa quan Tây Lộ báo người Giao vào cống, xin ra lệnh theo đường Kinh Hồ [Hồ Nam, Hồ Bắc]”


Chiếu ban:


“Người Giao như muốn theo đường thủy đến kinh khuyết, lệnh Quảng Tây kinh lộ chỉ huy; nên y theo đường cũ, không phải thay đổi.”[4]


Trái với thường lệ, lần này sứ bộ tăng thêm 56 người; quan địa phương tỉnh Quảng Tây lại phải gửi văn thư tâu lên; Vua Tống chấp nhận số lượng mới 156 người:


Trường Biên, quyển 315. Năm Nguyên Phong thứ 4 [1081]


Ngày Canh Ngọ tháng 8 [21/9/1081], ty Kinh lược Quảng Tây tâu:


“Giao Chỉ vào cống gồm 156 người, so theo qui chế cũ tăng 56 người; Thiên tử phê:


“Nên ra lệnh bây giờ cho số lượng đó đến kinh khuyết; từ nay trở về sau chấp thuận như vậy.”[5]


Phái bộ Lương Dụng Luật dâng vật cống rất hậu hỉ, trong đó có 50 sừng tê ngưu,[6] 50 ngà voi; kèm theo yêu cầu trả lại động Cổ Đán do Nùng Dũng trước đó giao nạp. Triều đình nhà Tống không chấp nhận, viện cớ rằng Nùng Dũng đã theo Tống trước khi cuộc chiến tranh Lý Tống xảy ra, động Cổ Đán coi như là đất nội địa:


Trường Biên, quyển 327. Năm Nguyên Phong thứ 5 [1082]


Ngày Nhâm Thân tháng 6 [20/7/1082], Giao Chỉ Quận vương Lý Càn Đức hiến sừng tê ngưu thuần ngà voi mỗi thứ số lượng 50; lại tâu:


“Nùng Dũng Thủ lính động Cổ Đản do châu Quảng Nguyên cai quản mang cả dân động phản, nhập vào Ung Châu; mấy lần gửi thông điệp cho Ung Châu, nhưng không thi hành.”


Chiếu ban:


“Nùng Dũng vốn không do Giao Chỉ quản lý, theo triều đình trước khi Giao Chỉ xin hàng, là đất thuộc tỉnh Trung Quốc, theo lý khó mà cấp hoàn lại.”[7]


Tuy nhiên Sứ bộ Lương Dụng Luật đã thành công trong việc đòi hỏi nhà Tống xét lại về biên giới, vua Tống chấp nhận lập Kế Nghị Biện Chính Cương Chí Sở [nơi bàn bạc sửa lại đúng cương giới] tại trại Vĩnh Bình [Bằng Tường thị, Quảng Tây; Pingxiang Guangxi]. Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ Hùng Bản được lệnh sai quan đến chờ sẵn tại biên giới để cùng Sứ thần Đại Việt thương nghị:


Trường Biên, quyển 335. Năm Nguyên Phong thứ 6 [1083]


Ngày Mậu Thân tháng 6 [21/6/1083], Kinh lược sứ Quảng Nam Tây Lộ Hùng Bản lại tâu:


“Đã sai Đề cử Tả Giang đô tuần kiểm Cung phụng quan Cáp môn chi hầu Thành Trác cùng Giám trấn nãi kim khanh Triều phụng lang Đặng Khuyết cùng đến trại Vĩnh Bình [Bằng Tường thị, Quảng Tây] hẹn với An Nam định biên giới, y theo chiếu đặt tên ‘Kế Nghị Biện Chính Cương Chí Sở’.”


Thiên tử đều chấp nhận.[8]


Rút kinh nghiệm những lần thương lượng trước, sách lược của Đại Việt nhu kèm theo cương; nhà Tống lo Đại Việt sẽ tìm cách gây hấn để thúc đẩy đàm phán, nên tránh đặt những viên quan như Tri Khâm Châu Ôn Cảo, từng gây ác cảm với Đại Việt tại biên giới:


Trường Biên, quyển 331. Năm Nguyên Phong thứ 5 [1082]


Ngày Đinh Vị mồng một tháng 12 [22/12/1082], Chuyển vận phó sứ Quảng Tây, Ngô Tiềm, tâu:


“Gần đây sai Ôn Cảo làm Tri Khâm Châu; trộm nghe rằng giặc Giao Chỉ giận nghiến răng muốn ăn thịt Cảo; Cảo đến đó vạn nhất sẽ sinh cướp phá.”


Thiên tử phê:


“Cảo tư chất tốt, nhưng có hiềm khích với người Giao, thực không nên ở nơi cực biên quan trọng; có thể sai viên Kiềm hạt Lưu Hy tại lộ này kiêm Tri Khâm Châu.”[9]


Theo văn bản ngày 21/6/1083 đã dẫn, nhà Tống sai “Đề cử Tả Giang đô tuần kiểm Cung phụng quan Cáp môn chi hầu Thành Trác cùng Giám trấn nãi kim khanh Triều phụng lang Đặng Khuyết cùng đến trại Vĩnh Bình [Bằng Tường thị] hẹn với An Nam định biên giới.” Phía Đại Việt, Sứ thần Đào Tông Nguyên giữ chức trưởng phái đoàn lần thứ hai. Sau khi thương lượng với đại biểu Tống không có kết quả, Tông Nguyên không tuân theo lời áp đặt của quan lại Tống; tự viết tấu chương về biên giới theo quan điểm của Đại Việt, trao cho Sứ thần đối phương rồi trở về nước. Vua Tống thấy tình hình găng, hạ lệnh điều nào có thể chấp nhận được thì chấp nhận, điều nào khó khăn thì đem ra thương lượng, nhằm kết thúc không để dây dưa:


Trường Biên, quyển 339. Năm Nguyên Phong thứ 6 [1083]


Ngày Ất Tỵ tháng 9 [16/10/1083], ty Kinh lược Quảng Tây tâu:


“Câu đang công sự Đàm Thiểm tâu: ‘Bọn Đào Tông Nguyên xưng rằng về thước tấc đất Quảng Nguyên khó mà bàn phân chia ra; muốn tự viết chương tấu dâng lên để triều đình giải quyết đúng hay sai.’ Tông Nguyên không tuân mệnh, hiện đã trở về An Nam.”


Chiếu ban:


“Hùng Bản chỉ huy các quan bàn nghị, khi cùng với Đào Tông Nguyên nghị bàn, đã tỏ tường những lời trong văn tự triều đình ban cho, hãy chấp nhận việc hợp đạo lý, đưa những điều khó khăn ra thương lượng, không để lưu liên xúc bách, khiến dân man tỏ ý kinh nhờn.”[10]


Sau khi sứ bộ Đào Tông Nguyên bỏ hội đàm trở về nước, tình hình trở nên căng thẳng, Đại Việt điều binh đánh Qui Hóa châu, đòi bắt Nùng Trí Hội; y nguyên là Tù trưởng Đại Việt, trước kia đem Qui Hóa nạp cho nhà Tống. Triều thần nhà Tống giải quyết bằng cách đem Nùng Trí Hội vào nội địa lánh mặt; cử một viên chức khác coi giữ Qui Hóa:


Trường Biên, quyển 341. Năm Nguyên Phong thứ 6 [1083]


Ngày Ất Vị tháng chạp [3/2/1084], ty Kinh lược Quảng Tây tâu:


“ Qui Hóa châu tâu Giao Chỉ tụ binh, muốn chiếm châu. Người Giao rêu rao truy bắt Nùng Trí Hội, xâm phạm Qui Hóa; nay tuy đã rút trở về sào huyệt, nhưng vẫn thường có ý dòm ngó. Nay Trí Hội bảo rằng: ‘Nếu như Giao Chỉ xâm phạm một lần nữa, bản châu khó mà chống cự; xin vào đất trong tỉnh.’ Trí Hội thiếu vững tâm chống cự Giao Chỉ, nếu còn ở tại Qui Hóa, không khỏi bị giặc cướp phá.”


Chiếu ban Hùng Bản dụ Trí Hội khúc chiết việc đi vào nội địa, cân nhắc giao phó người coi giữ các ải quan trọng tại Qui Hóa; nếu như Giao Chỉ đến, tức vô cớ vào đất nội địa, có thể gửi thông điệp hỏi tội.[11]


Ngoài việc đưa Nùng Trí Hội vào nội địa, Kinh lược Quảng Tây Hùng Bản sai Sứ đến biên giới thu xếp với Đai Việt ngừng gây hấn, cho người đến biên giới bàn lại về ranh giới; một mặt đề nghị với triều đình trả lại cho Đại Việt 8 động:


Trường Biên, quyển 346. Năm Nguyên Phong thứ 7 [1084]                   


Ngày 4 Nhâm Thân tháng 6 [9/7/1084]…Trước đây Quách Quì đánh dẹp An Nam, dùng quận Quảng Nguyên làm Thuận Châu; triều đình cho rằng không đáng để lấy, chiếu ban cho Lý Càn Đức. Nhưng hoạch định cương giới chưa rõ ràng, người Giao lại dòm ngó hấn khích tại Nghi Châu, muốn lấy đất Vật Dương của Nùng Trí Hội, bèn đánh Qui Hóa, đuổi Nùng Trí Hội. Trí Hội chạy đến Hữu Giang xin quân. Hùng Bản sai Sứ hỏi sự việc, người Giao bèn rút quân, Càn Đức tạ tội; Bản xin ban cho An Nam 8 động tại Túc Tang, chỗ này đất xấu cỏ không mọc; miền lãnh biểu[12] do đó được yên.[13]


Đáp lại yêu cầu của nhà Tống mở hội đàm tiếp, người cầm đầu Sứ bộ Đại Việt lần này là danh sĩ Lê Văn Thịnh, đậu thủ khoa đầu tiên dưới triều Lý vào năm Thái Ninh thứ 4 [1075],[14] phụ tá là Nguyễn Bồi. Phía Tống, Cung phụng quan Cáp môn chi hầu Thành Trác cầm đầu, Đặng Tích làm phụ tá; nơi hội đàm vẫn là Kế Nghị Biện Chính Cương Chí Sở  tại trại Vĩnh Bình [Bằng Tường thị, Quảng Tây]. Ngoài ra Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ Hùng Bản tại Quế Lâm, giữ nhiệm vụ trung gian giữa triều đình và phái đoàn Kế Nghị Biện Chính.


Lập trường của phía Tống nêu trong cuộc hội đàm như sau:


‘Những vùng đất mới đây Vương sư chiếm được đáng trả lại; còn những đất do quan lại [An Nam] mang đi qui minh,[15] thì khó mà trả lại. [16] (Trường Biên, quyển 349. Năm Nguyên Phong thứ 7 [1084])


Những vùng đất mới đây Vương sư chiếm được” chỉ những đất nhà Tống chiếm được trong cuộc chiến tranh Lý Tống; cụ thể là phần còn lại của châu Quảng Nguyên. Còn đất do “quan lại  mang đi qui minh” là đất do các Tù trưởng họ Nùng nạp cho nhà Tống. Kinh lược sứ Hùng Bản nêu lai lịch những vùng đất này như sau:


Vào thời Gia Hựu [1056-1059], bọn Nùng Tôn Đán đem động Vật Ác qui phụ, ban tên Thuận An châu; thời Trị Bình [1064-1067] Nùng Trí Hội đem động Vật Dương qui phụ, ban tên là Qui Hóa châu.[17] (Trường Biên, quyển 349. Năm Nguyên Phong thứ 7 [1084])[18]


Phía Đại Việt, Lê Văn Thịnh lập luận rằng những kẻ theo nhà Tống mang đất hiến, giống như tên trộm lấy vật của chủ mang đi; các động Vật Dương, Vật Ác đều coi như những tang vật ăn trộm, đáng phải hoàn lại chủ cũ:


Văn Thịnh lập luận rằng: “ Đất đai thuộc quyền sở hữu của chủ [Đại Việt], viên quan lại mang đất đi, là ăn trộm vật của chủ mang đi; chủ phải giữ tang vật của kẻ trộm, kẻ ăn trộm mang tang vật đi, pháp luật không cho phép, huống lại làm dơ đến đất đai tỉnh nội địa.”[19]


Lập luận của Sứ thần Lê Văn Thịnh rất sắc bén, nhưng không hiểu tại sao sau đó ông lại đổi sách lược, tỏ ra nhượng bộ; trong thư gửi cho Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ có đoạn như sau:


Trường Biên, quyển 349. Năm Nguyên Phong thứ 7 [1084]


Vào năm này, Thành Trác, Đặng Tịch cùng Sứ giả Nam Bình Lê Văn Thịnh, Nguyễn Bồi hội đàm, y như chiếu thư vào ngày Kỷ Tỵ tháng 10. Còn Lê Văn Thịnh gửi thư cho Hùng Bản rằng:


“Thành Trác nói: ‘Thượng Điện, Hạ Lôi, Ôn, Nhuận, Anh, Giao, Vật Dương, Vật Ác, Kế, Thành, Cống, Lục, Tần, Nhiệm Động, Cảnh Tư, Hà Kỷ huyện, gồm 18 xứ[20] thuộc đất tỉnh nội địa, biên giới tại phía nam. Tiểu tử Bồi thần nghe theo mệnh, không dám tranh chấp…[21]


Sử nước ta Cương Mục cho rằng Lê Văn Thịnh giữ thái dộ mềm dẻo, đã lấy được một số đất, Cương Mục chép như sau:


(Giáp Tí, năm thứ 9 (1084). (Tống, năm Nguyên Phong thứ 7).


Tháng 6, mùa hạ. Sai Lê Văn Thịnh sang bên Tống, bàn định việc cương giới. Bấy giờ, bờ cõi giữa nước ta và nhà Tống chưa được ngã ngũ. Nhà vua sai Binh Bộ thị lang Lê Văn Thịnh sang Tống để hội nghị, nhà Tống trả lại ta 6 huyện và 3 động.


Theo Danh tiết lục của Trần Ký Đằng, Lê Văn Thịnh sang Quảng Tây, hội nghị với tuần kiểm ti nhà Tống, là Thành Trác. Văn Thịnh thường giữ thái độ mềm dẻo, từ từ lấy lý lẽ mà giải thích, và nói “kẻ bồi thần này không dám tranh giành”. Vua Tống khen là biết cung kính, biết lẽ phải, bèn hạ chiếu trả lại cho ta 6 huyện Bảo Lạc và 6 động Túc Tang.


Hoặc giả Sứ thần Lê Văn Thịnh xét tình hình bấy giờ, thấy rằng phía nhà Tống không thể nhượng bộ thêm, nên thỏa hiệp chăng? Riêng câu nói “Tiểu tử Bồi thần nghe theo mệnh, không dám tranh chấp; người viết trộm nghĩ rằng dù khéo nói đến đâu cũng không nên nói như vậy; vì tranh chấp là sứ mệnh của Sứ thần tranh luận về biên giới!


Lời nói của Lê Văn Thịnh coi như phá vỡ bế tắc, Kinh lược Hùng Bản báo về triều, Vua Tống ban chiếu trả lại đất đã lấy trong cuộc chiến tranh Lý Tống cho Đại Việt, riêng phần đất do những người họ Nùng nạp cho Tống trước kia thì không trả:


Trường Biên, quyển 348. Năm Nguyên Phong thứ 7 [1084]


Ngày Mậu Tý 21 tháng 8 [23/9/1084], bàn về cải chính biên giới An Nam, Thành Trác tâu đã cùng bọn Lê Văn Thịnh cải chính, xin giảng chiếu ban cho An Nam. Chiếu ban Hùng Bản để hỏi Thành Trác:


“Qua thông điệp cùng đích thân Lê Văn Thịnh nói rằng không dám tranh chiếm những châu động do Nùng Trí Hội, Nùng Tôn Đán nạp; có thể dựa vào đó mà ban chiếu cho An Nam không? ”


Hùng Bản tâu:


“Thành Trác căn cứ vào lời Lê Văn Thịnh nói: ‘Như Thành Trác bàn, tại phía nam các động Vật Dương, Thuận An  hoạch định biên giới, Bồi thần không dám tranh chấp; như vậy việc cải chính biên giới đã có bằng cớ rõ.”


Chiếu ban cho Giao Chỉ 8 xứ huyện, động ngoài ải; lại ban cho Sứ thần và Phó đại y phục, Lê Văn Thịnh 500 bộ, Nguyễn Bồi 300 bộ.[22]


Với nội dung tương tự như văn bản nêu trên, Vua Tống Thần Tông chính thức gửi chiếu thư cho Vua Lý Nhân Tông nước Đại Việt như sau:


Trường Biên, quyển 349. Năm Nguyên Phong thứ 7 [1084]


Ngày Mậu Tý tháng 10 [22/11/1084], sắc Giao Chỉ Quận vương Càn Đức biết:


“Ty Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ tâu:


‘Mới đây được triều mệnh về việc An Nam tâu rằng các châu động thuộc khe động Vật Dương, Vật Ác, cương giới chưa rõ ràng. Lệnh bản ty hội bàn với bản đạo sai quan biện chính. Nay chuẩn cho An Nam sai bọn Lê Văn Thịnh đến, biên giới đã được biện chính; xin giảng chiếu chỉ để An Nam tuân theo.’


Xem các tờ tâu trước kia trình bày về biên giới, đặc mệnh các quan tại biên giới bàn bạc biện chính. Khanh vốn được ân sủng tước lộc, đời đời trung thuần; hãy khâm phụng chiếu chỉ, thân sức các quan dưới quyền, phân hoạch châu động, đầu đuôi đã rõ ràng: Hai động Vật Dương, Vật Ác đã đặt chỉ huy coi sóc; dùng  8 ải sau đây làm biên giới: Canh Kiệm, Khâu Cự, Khiếu Nhạc, Thông Khoáng, Canh Nghiễm, Đốn Lợi, Đa Nhân, Câu Nan. Ngoài biên giới có 6 huyện: Bảo, Lạc, Luyện, Miêu, Đinh, Phóng; 2 động Túc, Tang,  giao cho khanh lãnh làm chủ. Khanh hãy thể theo lòng quyến luyến, càng ôm lòng cung thuận, cẩn thận tuân theo giao ước, chớ dung túng xâm lấn.”[23]


Chiếu thư của vua Tống xác định “Hai động Vật Dương, Vật Ác đã đặt chỉ huy coi sóc”, tức do nhà Tống cho đóng quân cai trị.  Lịch sử ghi nhận 2 vùng đất, đều do người họ Nùng giao nạp; Nùng Trí Hội nạp động Vật Ác, được nhà Tống đổi tên là Thuận An châu; Nùng Tông Đán nạp châu Vật Dương, Tống đổi tên là Qui Hóa châu; theo bản đồ Quảng Nam Tây Lộ thời Bắc Tống; vị trí hai châu Thuận An và Qui Hóa hiện nay đều thuộc Tĩnh Tây thị [Jingxi Guangxi]  tỉnh Quảng Tây. Về phần đất dành cho Đại Việt, chiếu thư ghi như sau: “Ngoài biên giới có 6 huyện: Bảo, Lạc, Luyện, Miêu, Đinh, Phóng; 2 động Túc, Tang,  giao cho khanh lãnh làm chủ”; tra cứu về 6 huyện, 2 động hiện nay, chỉ biết chắc rằng Bảo, Lạc tức huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam. Các địa danh Tĩnh Tây thị [Jingxi Guangxi], Bảo Lạc; có thể tìm thấy trên bản đồ Google hiện nay.


(Còn nữa)


——————


[1] Tống Sử, quyển 488, Liệt Truyện thứ 247, Ngoại Quốc, quyển thứ 4, Giao Chỉ.


[2] Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên, Lý Đào, quyển 300.


[3] Nguyên văn: 交阯郡王李乾德上表言:「昨遣使臣陶宗元等朝貢,為廣州禁制,窒塞綱運,不同向時。今遣禮賓副使梁用律【一一】、著作郎阮文倍等水路入貢,乞降朝旨,依舊進奉。」詔廣州悉準舊例,毋得邀阻。差入內使臣一員押伴,仍先降詔諭之。


[4] Nguyên văn: 廣南東路轉運司言:「西路關報交人入貢,乞令自荊湖路。」詔:「交人如欲水路赴闕,令廣西經略司指揮,須依舊所行道路,毋得創改。


[5] Nguyên văn: 庚午,廣西經略司言:交阯入貢百五十六人,比舊制增五十六人。上批:「宜令據今已到人數赴闕,今後準此。(新紀書交阯入貢附年末,舊紀乃於五年年末書之。


[6] Tê ngưu [犀牛]: một số người quen gọi là tê giác, gọi như vậy không đúng. Tê giác là sừng con tê ngưu.


[7] Nguyên văn: 交趾郡王李乾德獻馴犀角、象齒各五十【二四】。又言:「廣源州管下古旦峒【二五】首領儂勇及本峒民戶叛入邕州,累牒邕州,不為施行。」詔:「儂勇元非交趾所管,歸明在交趾未納降以前,自是省戶,理難給還。」(儂勇事又見九月十五日,今削去。新紀書:「壬申,交趾獻馴犀二。」舊紀不書。


[8] Nguyên văn: ….又言:「已差提舉左江都巡檢、供奉官、閤門祗候成卓及監填乃金坑、朝奉郎鄧闕同至永平寨,約安南定地界,依詔以『計議辦正疆至所』為名。」並從之。


[9] Nguyên văn: 廣西轉運副使吴潛言:「近差溫杲知欽州,竊聞交賊切齒,欲食杲肉,萬一因以致寇。」上批:「杲資性綿〈忄耎〉,又與交人有隙,實不宜在極邊要地,可改差本路鈐轄劉熙兼知欽州。


[10] Nguyên văn: 廣西經略司言:「勾當公事譚掞言:『陶宗元等稱,廣源尺寸之地,難議分畫,欲自作章奏,以朝旨決可否。』宗元既不聽命,見已回安南。」詔:「熊本指揮計議官,如與陶宗元等計議,仰詳朝廷降去文字,執持理道,折難商量,毋得留連督迫,以啟蠻人輕侮之意。」(六月戊申,七月辛亥,八月乙亥。)


[11] Nguyên văn: 廣西經略司言:「歸化州言,交趾聚兵,欲復取本州。交人昨以追捕儂智會為詞,侵犯歸化,今雖退保巢穴,猶常有窺覦之意。今智會稱:如交趾再犯,本州難禦,即投省地。智會既不能堅拒交賊,若令在彼,不免致寇。」詔熊本委曲曉諭智會,徙置內地,仍相度把拓歸化州要害隘路,如交趾復來,即是無故入省地,自可移牒問罪.


[12] Lãnh biểu: miền ngoài Ngũ Lãnh, ý chỉ các tỉnh Quảng Đông Quảng Tây.


[13] Nguyên văn: 壬申,。初,郭逵宣撫安南劉九,以廣源郡建為順州。朝廷以為不足守,詔給賜李乾德。疆畫未明,而交人狃窺宜州之隙,欲并取儂智會勿陽地,搗虛掠歸化,逐智會。智會竄右江乞師,本遣使問狀,交人為斂兵,乾德謝罪,本請賜以宿桑八峒不毛之地,嶺表為安.


[14] Lê Văn Thịnh thủ khoa đầu tiên dưới triều Lý thời Lý Nhân Tông năm Thái Ninh thứ 4 [1075]: Theo Cương Mục, trước đó chưa có khoa cử, những người thông minh được đề bạt theo con đường Phật Giáo.


[15] Qui minh 歸明: theo con theo đường sáng; từ ngữ dùng theo lối tự phụ tự kiêu,  để chỉ dân các nước lân bang bỏ theo Trung Quốc.


[16] Nguyên văn: 昨王師所取者當還,其守吏挈而歸明者難復也。


[17] Qui Hóa châu, Thuận An châu: theo bản đồ Bắc Tống, vị trí các châu này hiện nay nằm trong phạm vi Tỉnh Tây thị [Jingxi], tỉnh Quảng Tây.


[18] Nguyên văn: 嘉祐中,儂宗旦以勿惡等峒歸明,賜名順安州。治平中,儂智會以勿陽峒歸明,賜名歸化州。


[19] Nguyên văn: 文盛以為土有主屬,守吏挈而逃去,盜主之物也。主守自盜不赦之贓,盜物寄贓,法亦不許,況可污於省籍乎?


[20] 18 xứ: nguyên tác, chú thích số 10 ghi “Trên trình bày địa danh 18 xứ, không đủ 18, nghi có sai lầm” [十八處上列地名不足十八處,疑有誤。]. Tra cứu Bản Đồ Quảng Nam Tây Lộ thời Bắc Tống, ngoài 2 động Vật Dương, Vật Ác đã xác định vị trí; Vật Dương tức Qui Hóa châu, Vật Ác tức Thuận An châu; vị trí 2 châu hiện nay đều nằm trong Tĩnh tây thị, Quảng Tây [Jingxi Guangxi]; còn tra thêm được 4 vùng đất sau đây: Kế động , vị trí thuộc Tĩnh Tây thị [Jingxi Guangxi], tại phía bắc thị xã; Tần Động  vị trí thuộc Tĩnh Tây thị, phía nam thị xã giáp với biên giới Việt Trung; Nhiệm Động  vị trí thuộc Tĩnh Tây thị, phía nam thị xã giáp biên giới Việt Nam; Lục động vị trí thuộc Tĩnh Tây thị, phía tây thị xã; Thượng tức Thượng Ánh châu. Tra thêm Đất Trung Quốc thấy 3 vùng đất sau đây:Anh, trang 180 ghi đời Tống là Long Anh Động thuộc trại Thái Bình, nay thuộc huyện Đại Tân [Daxin] Quảng Tây; Hạ Lôi, trang 132 ghi đời Tống thuộc châu Hạ Lôi, hiện nay thuộc huyện Đại Tân; Nhuận tức trại Hồ Nhuận, trang 317 ghi thuộc Tĩnh Tây thị.


[21] Nguyên văn: 是歲,成卓、鄧闢乃與南平使黎文盛、阮陪定議,如十月己巳詔書。而黎文盛寓書熊本曰:「成卓言:上電、下雷、溫、潤、英、遙、勿陽、勿惡、計、城、貢、淥、頻、任峒、景思、苛紀縣十八處【一○】,從南畫界,以為省地。陪臣小子惟命是聽,不敢爭執.


[22] Nguyên văn: 計議辨正安南疆至成卓言,已與黎文盛等辨正,乞降詔加恩賜。詔熊本問成卓:黎文盛公牒及面議并言不敢爭占儂知會、儂宗旦所納州峒,何因即乞降詔?熊本言:「成卓據黎文盛狀:『如成卓議,於勿陽、順安等峒從南畫斷地界,陪臣不敢爭執。』即是辨正明據。」詔以隘外八處縣峒賜交趾,仍賜使、副大衣著:黎文盛五百、阮陪三百。(八峒不毛之地,事具六月四日壬申,及十一月二十二日戊子。六年六月四日,始令成卓辨正。)


[23] Nguyên văn: 戊子,敕交趾郡王乾德省:「廣南西路經略司奏:『昨準朝命,安南奏以溪峒勿惡、勿陽等州峒疆至未明,令本司計會本道,差職官辨正。今準安南報差黎文盛等至,邊界已辨正,乞降詔旨付安南遵守。』向觀奏牘,陳敘封疆,特命邊臣計議辨正。卿保膺寵祿,世載忠純,欽奉詔旨,申飭官屬,分畫州峒,本末以明。勿惡、勿陽二峒已降指揮,以庚儉、邱矩、叫岳、通曠、庚巖、頓利、多仁、勾難八隘為界,其界外保、樂、練、苗、丁、放近六縣、(六縣下恐有脫字,時政記亦然。)宿、桑二峒,並賜卿主領。卿其體此眷私,益懷恭順,謹遵封約,勿縱交侵。


Cuộc đấu tranh đòi đất đầu tiên trong bang giao Việt-Trung (P5)


Posted on 31/12/2018 by The Observer



Tác giả: Hồ Bạch Thảo


5. Tiếp tục ngoại giao đòi đất cùng vụ án Lê Văn Thịnh


Theo Toàn Thư, Lê Văn Thịnh được thăng chức Thái sư vào năm Quảng Hựu thứ nhất [1085]; Thái sư là chức quan cao nhất dưới thời quân chủ; thăng sau lúc đi sứ về; chứng tỏ vua Lý Nhân Tông thưởng  cho Văn Thịnh vì có công trong việc giành lại đất. Tuy nhiên nhà Vua vẫn chưa hài lòng việc nhà Tống không chịu trả lại các động Vật Dương, Vật Ác;[1] nên vẫn tiếp tục liên lạc ngoại giao đòi hỏi. Vua Triết Tông lấy cớ mới lên ngôi, phải tuân theo mệnh của vua cha không thể sửa đổi, bèn từ chối:


Trường Biên, quyển 357. Năm Nguyên Phong thứ 8 [1085]


Ngày Bính Tuất tháng 6 [18/7/1085], ban cho Giao Chỉ Quận vương Lý Càn Đức chiếu rằng:


“Tỉnh dâng biểu trình bày về cương giới các động Vật Dương, Vật Ác; đã hiểu rõ. Khanh trước kia thời Tiên đế [Thần Tông] mấy lần tự thuật về biên cương; đã giảng chiếu dụ đầu đuôi rất rõ ràng, đặc cách xét theo lời yêu cầu, cắt đất ban cho. Nay chợt xem lời tâu, lại còn phân trần. Trẫm vừa thừa mệnh, cần tuân theo liệt thánh trước, mệnh đã định, về đạo nghĩa khó mà sửa đổi. Nên gắng lòng trung, tuân theo chiếu chỉ trước.”


Do Càn Đức dâng thư, xin sắc ban cho các động Vật Dương, Vật Ác; Khu mật viện tâu nên giảng chiếu thuật lại chiếu chỉ triều trước, lệnh Càn Đức tuân theo.[2]


Vua Lý Nhân Tông nước ta không bằng lòng lập luận vua Triết Tông nhà Tống cho rằng đã hoàn thành việc trao trả đất. Qua thư gửi cho Vua Tống, với lời lẽ thống thiết nhà Vua trình bày công lao của tổ tiên xông pha nơi gian lao nguy hiểm mới có được các động Vật Dương, Vật Ác, chẳng may kẻ dưới làm phản mang đất nạp, nên cương quyết đòi trả:


Trường Biên quyển 380. Tống Triết Tông năm Nguyên Hựu thứ nhất [1086]


Ngày Nhâm Tý tháng 6 [8/8/1086], Giao Chỉ Quận vương Lý Càn Đức tâu:


“Ấp của kẻ dưới có 2 động Vật Dương, Vật Ác, 8 huyện tiếp giáp với tỉnh nội địa; trước sau bị kẻ giữ đất làm phản, đem thân qui thuận. Vật Dương vào năm Bính Thìn [1076] bị thu vào đất tỉnh, Vật Ác vào năm Nhâm Tuất [1082] bị thu, lập ải Thông Khang. Tuy những đất này chỉ nhỏ như viên đạn, nhưng rất đau đớn trong lòng, thường không rời trong giấc mộng; thực do tổ tiên thần trước đây giết, bắt kẻ tiếm nghịch, xông pha nơi gian nan nguy hiểm, liều chết mới có được. Nay kẻ hậu sinh không thừa kế được tổ tiên, chưa tròn phận sự nơi cương vực, chỉ sống tạm trong khoảnh khắc mà thôi. Vào năm Giáp Tý [1084], ty Kinh lược Quảng Tây từng đem sự việc tâu lên triều trước [Thần Tông], bèn đem 2 động Túc, Tang , 6 huyện cho thần quản lãnh. Xét Túc, Tang hiện thuộc ấp của kẻ dưới; không phải là đất thỉnh cầu ngày nay, nên không dám bái mệnh. Nay gặp lúc Bệ hạ canh tân trong nước, cẩn thận dâng biểu tâu lên trình bày sự việc.”


Chiếu thư đáp:


“Trước đây quan tại biên giới tâu, viên Thủ lãnh [chỉ Lý Thường Kiệt] của khanh xâm lăng biên thùy nước ta; tiên Hoàng đế [Thần Tông] với lòng khoan nhân, đích thân ban chiếu dụ cho cải chính biên giới, cùng xét rõ đặc cách cắt khu Khang ải, để làm vật vua ban ơn. Dư âm như tồn tại, nét mực vẫn  còn tươi; đáng nên nghĩ đến sự bao dung, kính cẩn tuân theo phân hoạch; cớ sao mấy lần tâu cáo, vẫn cố chấp con đường mê. Lại đòi hỏi biên giới mới làm vật cũ của mỉnh; lòng tham không chán, còn đâu thấy được việc thờ người trên! Phải chăng ý của khanh như vậy, hoặc do người khác xui nên mê hoặc? Huống các châu động này từ xưa vốn là dân của vua, một lần lấy lại đất Quảng Nguyên, cho đến việc ban cấp châu Thuận, đất đai của khanh vốn không xâm phạm. Khanh hãy đem hết lòng chí thành, tuân theo chiếu chỉ trước, cẩn thận giữ đất phong, chớ mưu mô sinh sự; gắng sức đáp ứng với lòng quan hoài, để vĩnh viễn được ân sủng.”


Lại ra lệnh cho Kinh lược sứ Miêu Thời Trung gửi thông điệp giải đáp những điểm khó khăn.[3]


Bức thư của Vua nhà Lý làm lời mở đầu cho Sứ bộ với danh nghĩa triều cống, đến Trung Quốc nghị bàn về biên giới. Phía nhà Tống lo sợ Đại Việt dùng binh gây áp lực, bèn chuyển quân từ phương bắc đến biên giới Việt Hoa, chuẩn bị đối phó với tình hình:


Trường Biên, quyển 390. Năm Nguyên Hựu thứ nhất [1086]


Ngày Kỷ Dậu tháng 10 [3/12/1086], Khu mật viện tâu:


“Ty Kinh lược an phủ sứ Quảng Tây báo sau khi người Giao vào cống, lo rằng bọn chúng sẽ thêm chuyện làm điều trái; xin sai tăng quân phòng thủ.”


Chiếu ban ty Đô kiềm hạt Quảng Nam Tây Lộ nếu như do thám được người Giao thực sự lúc hoãn lúc gấp tiến hành điều sai trái, thì một mặt điều động Đệ bát tướng đang trú đóng tại đông nam Đàm Châu [Hồ Nam; Xiangtan Hunan] đến Quế Châu đóng [Quế Lâm, Quảng Tây; Guilin Guangxi]; lại ra lệnh ty Kiềm hạt Kinh Hồ [Hồ Bắc, Hồ Nam] chờ cho quân Quảng Tây [Guangxi] điều động thì sai quân đi, cùng trình lên để biết. Đang bàn tính từ kinh đô điều dộng quân xuống Hồ Nam [Hunan] bổ sung; cùng sai 3 Chỉ huy quân Hổ Dực đến ty Kiềm hạt Hồ Nam trú đóng, nhắm hoàn bị việc điều động binh tướng để thêm vào việc sai phái. Chờ khi người Giao vào cống, thì lập tức điều động.[4]


Sứ bộ Đại Việt do Lê Chung cầm đầu trước khi đến kinh đô, đi qua Ung châu [Nam Ninh] gặp viên Tả tàng khố phó sứ Thành Trác, viên quan này trước kia đã từng hội đàm với Lê Văn Thịnh. Tại đây Lê Chung báo cho Thành Trác biết nhiệm vụ Sứ bộ là tiếp tục đòi đất tại biên giới; ngoài ra còn yêu cầu Thành Trác cho sao lục những thư từ của cựu Sứ thần Lê Văn Thịnh trước đây gửi cho triều đình và quan lại nhà Tống. Điều này có thể rọi thêm ánh sáng về vụ án Lê Văn Thịnh thời Lý Nhân Tông năm Hội Phong thứ 5 [1096], Toàn Thư chép, bản dịch như sau:


“Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm [Hồ Tây, Hà Nội], ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: “Việc nguy rồi!”. Người đánh cá là Mạc Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Thưởng cho Mục Thận quan chức và tiền của, lại cho đất ở Tây Hồ làm thực ấp”.[5]


Xét về việc Lê Văn Thịnh biến thành hổ giết vua hiển nhiên đã vô lý; điều kế tiếp là Lê Văn Thịnh sau đó bị an trí tại Thao Giang cũng vô lý luôn; nếu quả Lê Văn Thịnh mưu giết vua, tức phạm tội đại hình, cớ sao chỉ an trí?


Qua sự kiện Sứ thần Lê Chung được giao việc sao lục các văn thư và lời nói của Lê Văn Thịnh gửi cho vua quan triều Tống, chứng tỏ Vua Lý Nhân Tông lúc này nhận được báo cáo rằng Lê Văn Thịnh đã gửi những văn thư cho nhà Tống mà không trình cho nhà Vua biết, nên cần phải điều tra. Ngược dòng thời gian, vào năm 1084 trong cuộc hội đàm cương giới, phái đoàn Lê Văn Thịnh giành lại được 6 huyện, 2 động. Với thành tích này, sau khi trở về nước Văn Thịnh được thăng chức Thái sư. Nhưng ông ta không tâu báo hết với Vua về những thư từ giao dịch với vua quan nhà Tống; bí mật này cũng như chiếc kim để trong bọc, lâu ngày sẽ lộ ra.


Đến khi Sứ thần Lê Chung trở về nước, Vua nhận được bản sao các văn thư, đại loại như thư gửi cho Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ Hùng Bản có đoạn như sau:


Lê Văn Thịnh gửi thư cho Hùng Bản rằng:


“Thành Trác nói: ‘Thượng Điện, Hạ Lôi [huyện Đại Tân, Quảng Tây], Ôn, Nhuận, Anh, Giao, Vật Dương, Vật Ác, Kế, Thành, Cống, Lục, Tần, Nhiệm Động, Cảnh Tư, huyện Hà Kỷ gồm 18 xứ thuộc đất tỉnh nội địa; biên giới tại phía nam. Tiểu tử Bồi thần nghe theo mệnh, không dám tranh chấp.[6] (Quyển 349. Năm Nguyên Phong thứ 7 [1084])


Rõ ràng nội dung thư gửi cho Hùng Bản hoàn toàn trái ngược với quan điểm của nhà vua quyết đòi các động Vật Dương, Vật Ác, được trình bày trong thư gửi cho Vua Triết Tông trích ở trên. Thư Văn Thịnh gửi cho người nước ngoài, trái với chính sách của nhà Vua, lại không cho Vua biết; dưới thời quân chủ việc làm như vậy phạm tội “khi quân”; vì là thầy học Vua, chắc nội vụ được xử kín trong cung đình; chỉ bắt đi an trí, tức quản thúc, chỉ định nơi cư trú mà thôi. Người ngoài không biết đầu đuôi, nên dư luận đồn thổi rằng Văn Thịnh có phép biến thành hổ mưu giết Vua, nên bị đày![7]


Cũng nên hiểu về thân thế của Lê Văn Thịnh, người đậu thủ khoa đầu tiên dưới triều nhà Lý, cũng tương tự như Trạng Nguyên, lại từng được mời vào kinh đô dạy Vua học. Những ông Trạng trong lịch sử Việt Nam, thường tự thị tài năng, làm theo ý riêng, nên triều đình thường rất kiêng kỵ; chính quyền chuyên chế nhà Nguyễn chủ trương, quan không đặt Tể tướng,  khoa cử không lấy Trạng nguyên. Ông Trạng Thịnh,  thầy học của vua, lại là người cực thông minh; có lẽ qua những lần giao tiếp hội đàm, nắm bắt tình thế, thấy được hiện tại chỉ có thể lấy được một số đất như vậy, chứ không thể hơn; nên tự động giải quyết bằng lời nói khéo chăng? Cương Mục  có nhận xét, cũng cần tham khảo:


 “Văn Thịnh thường giữ thái độ mềm dẻo, từ từ lấy lý lẽ mà giải thích, và nói “kẻ bồi thần này không dám tranh giành”. Vua Tống khen là biết cung kính, biết lẽ phải, bèn hạ chiếu trả lại cho ta 6 huyện Bảo Lạc và 6 động Túc Tang.”[8]


Văn bản liên quan đến việc Sứ thần nước Đại Việt Lê Chung yêu cầu Thành Trác cho sao lục thư từ của Lê Văn Thịnh gửi cho triều thần nhà Tống như sau:


Trường Biên, quyển 393. Năm Nguyên Hựu thứ nhất [1087]


Ngày Mậu Thân tháng chạp [31/1/1087], Khu mật viện báo:


“Ty Kinh lược Quảng Tây tâu rằng Tả tàng khố phó sứ Đô tuần kiểm Tả Giang Ung Châu Thành Trác trình bày: ‘Tiến phụng sứ Lê Chung mật cáo rằng Quận Vương [vua Lý Nhân Tông] xin đất tại biên giới; nhưng chưa được chiếu thư trả lời. Xin sao lục thư của Lê văn Thịnh trình lên, cùng những lời tuyên bố của ông ta, để lúc trở về bẩm lại với Quận vương.’ Nếu Lê Chung đến kinh khuyết trình bày để xin đất, nên đem các thư dài của Lê Văn Thịnh chi tiết ngọn ngành bảo cho Lê Chung biết để hiểu. Mới đây Thành Trác thân minh rằng người Giao bàn bạc biên giới không nên để phải nói đi nói lại; hãy theo tình trạng như vậy giải quyết ban chiếu ngay; đừng để tương lai người Giao đến kinh khuyết [phái đoàn Lê Chung] dám trình bày láo, thì triều đình khó mà phân xử.”


Chiếu ban Miêu Thời Trung:


“Nếu người Giao không ngừng gửi văn thư về biên giới đất đai, thì đem lời giải thích, khiến cho chúng chịu phục; riêng Thành Trác lệnh ty Kinh lược lấy lý do thương lượng việc công dẫn đến Quế Châu [Quế Lâm].”[9]


Vua Tống Thần Tông mệnh Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ [Quảng Tây] Miêu Thời Trung giải quyết trước việc đất đai với Sứ bộ Lê Chung, không một chút nhượng bộ; nên lúc Sứ bộ đến kinh đô chỉ còn thủ tục nghi lễ, được nhà Vua ban chức tước. Riêng Thành Trác bị tội giáng chức vì tự tiện trao thư từ, tờ trình của Sứ thần Lê Văn Thịnh cho Sứ Đại Việt; việc này cũng chứng tỏ những thư từ đó khá quan trọng:


Trường Biên, quyển 400. Năm Nguyên Hựu thứ 2 [1087]


Ngày Ất Mão tháng 5 [7/6/1087],cho Tiến phụng sứ Giao Chỉ Triều tán lang hộ bộ viên ngoại lang Lê Chung làm Lại bộ viên ngoại lang; Phó sứ tuyên tiết phó hiệu úy tây đầu cung phụng quan cáp môn chi hầu Đỗ Anh Bối làm Đông đầu cung phụng quan Tây kinh tả tàng khố phó sứ.


Ung Châu Tả, Hữu Giang Đô tuần kiểm sứ Thành Trác bị phạt giao chức Nội điện thừa chế thiêm sai giám sát thuế rượu Quân Châu [Hồ Bắc], sai người đưa đi rồi giao phó cho nơi nhận. Do Khu mật viện tâu y có tội gánh vác công việc về giao dịch với người Giao không đúng; lại tự tiện sao lục thư và tờ trình của Lê Văn Thịnh cho An Nam.[10]


Triều Tống muốn xoa dịu Vua Lý Nhân Tông, nên phá lệ cũ phong nhà Vua từ  Quận vương lên tước Vương:


Trường Biên, quyển 403. Năm Nguyên Hựu thứ 2 [1087]


Ngày Canh Thân tháng 7 [11/8/1087], Giao Chỉ quận vương Lý Càn Đức được tấn phong Nam bình vương.[11]


Bấy giờ tình hình tại phia bắc nước Bắc Tống tương đối ổn định, quân Tống bắt được Thủ lãnh nước Tây Hạ là Quỉ Chương. Khởi đầu triều đình Tống chủ trương giữ Quỉ Chương tại biên giới để dụ người con ra hàng. nhưng viên Tiến sĩ Phạm Thuần Nhân con danh thần Phạm Trọng Yêm dâng sớ lập mưu rằng con Quỉ Chương sẽ không hàng vì nó nghĩ rằng “Cha ta sống do ta không hàng, nếu ta hàng thì 2 cha con đều chết”; vậy cách hay nhất là giết Quỉ Chương, công bố ra khắp nơi, nhắm cảnh cáo Giao Chỉ [Đại Việt] thường gây sự tại phương nam; nội dung trích dẫn như sau:


Trường Biên, quyển 406. Năm Nguyên Hựu thứ 2 [1087]


Ngày Bính Ngọ tháng 10 [25/11/1087], Chiếu ban Quỉ Chương[12] được đưa sang xe chở tù, do Hộ tống đại lý tự thẩm vấn báo cho biết, sẽ dẫn gặp Chuẩn tịch tù áp giải đến điện. Lúc đầu định giữ Ngụy Chương tại biên giới, Phạm Thuần Nhân[13] tâu:


…Nếu lưu mạng sống cho Quỉ Chương nhắm chiêu dụ con; người con sẽ nghĩ rằng: “Cha ta sống do ta không hàng, nếu ta hàng thì hai cha con đều chết.”; như vậy, không có lý nó theo triều đình…..


…..Giao Chỉ mới đây gây sự vô lối, nếu Quỉ Chương bị giết tại kinh sư, tin tức truyền ra 4 phương, e người Giao sợ nên phải đình chỉ âm mưu; khiến cho uy danh triều đính chấn động nơi tuyệt vức, thế nước tôn nghiêm.[14]


Mặc cho những ý đồ đe dọa, với tinh thần bất khuất Vua Lý Nhân Tông vẫn tiếp tục đòi hỏi các động Vật Dương, Vật Ác, và cảnh cáo việc xây đồn lũy, tăng cường phòng thủ tại biên giới. Vua Tống lại một lần nữa dùng chiếu chỉ thuyết phục cùng trấn an:


Trường Biên, quyển 413. Năm Nguyên Hựu thứ 3 [1088]


Ngày Ất Vị tháng 8 [9/9/1088], chiếu ban Lý Càn Đức rằng:


“Trẫm thể theo Tiên đế [Tống Thần Tông] thánh đức kiêm ái, mềm dẽo vỗ về   người phương xa; nên chẳng mấy chốc sau khi rút quân từ sông Phú Lương [sông Cầu], xét lời xin khẩn khoản của khanh, lấy các đất như châu Quảng Nguyên ban cấp. Rồi nhân thủ lãnh An Nam nhận lầm vào đất tỉnh nội địa, bèn sai quan biện chính [cải chính sai lầm] phân hoạch; lại từ bên ngoài 8 cửa ải, lấy 6 huyện, 2 động, cho khanh lãnh làm chủ; ơn đức ban ra như vậy, có thể nói đến nơi rồi! Trẫm tuân theo lời dạy vua trước, chỉ muốn yên biên cương; huống mấy lần giảng chiếu dụ hết sức rõ ràng; rằng các động Vật Ác, Vật Dương, không thể bàn lại nữa. Việc xây sửa sơn trại, cắt đặt quân phòng thủ, là việc bình thường tại biên cương; huống đất trước đó đã qui minh,[15] rồi sau mới xây, về lý không thể không được làm; như vậy còn có gì nghi ngờ nữa mà phải trình bày?


Đạo nghĩa phiên bang giữ đất, lấy lòng tin làm đầu; sự việc không có gì dối trá, Trẫm không nói lời thứ hai. Việc Thành Trác nhân đi tuần kiểm soát các ải, tự tiện lấy đồ vật vải vóc đưa cho thủ lãnh biên giới, vi phạm qui chế; mới đây ty Kinh lược kiểm soát biết được, bèn đưa lời tâu đàn hạch lỗi sinh sự, đã cho thi hành biếm trích; khanh có thể truy đòi những vật đó  rồi giao cho quan.


Với tấm lòng quyến luyến kẻ xa, nên hướng vào sự nghiệp cao cả mà gắng sức; thể theo tấm lòng hoài nhu, giữ yên bờ cõi để được hưởng nhiều phúc.”[16]


Thời cuộc Việt – Trung lúc bấy giờ ở thế thăng bằng, hai bên không ai chiếm được thế thượng phong, Vua Lý Nhân Tông mấy lần đòi hỏi thêm về đất đai, nhưng phía Tống quyết không nhượng bộ, lại còn tăng cường phòng thủ biên giới nghiêm ngặt hơn. Tuy lúc này nước Chiêm Thành xích mích với Đại Việt, Sứ Chiêm xin nhà Tống đánh Đại Việt, sẽ mang quân hợp lực; nhưng phía Tống cũng từ chối:


Trường Biên, quyển 470. Năm Nguyên Hựu thứ 7 [1092]


Ngày Đinh Tỵ tháng 2 [14/3/1092], nước Chiêm Thành dâng biểu tâu:


“Cùng với đại triều đỉnh muốn dẹp sạch Giao Chỉ, xin mang quân hợp lực tập kích.”


Lúc bấy giờ Chiêm Thành và Giao Chỉ có mối thù lâu đời; nhưng Giao Chỉ hiện nay vào cống, không dứt lễ bề tôi, khó có thể bàn việc mang quân đánh. Lệnh Học sĩ viện hầu tướng giảng sắc thư cho Chiêm Thành, cứ y như vậy mà hồi đáp.[17]


Trầm trọng hơn, có 17 quan chức và gia nhân thuộc các châu Ung, Khâm, Liêm bị phía Đại Việt bắt trong cuộc chiến tranh Lý Tống trốn thoát trở về nước. Bằng cớ chứng tỏ rằng còn có rất nhiều tù nhân bị giữ lại tại nước Đại Việt, nhưng nhà Tống vẫn im lặng, ngậm bồ hòn làm ngọt, không ra mặt phản đối hoặc đòi hỏi:


Trường Biên, quyển 476. Năm Nguyên Hựu thứ 7 [1092]


Ngày Ất Hợi tháng 8 [28/9/1092], ty Kinh lược Quảng Tây tâu:


“Nguyên Đông đầu cung phụng quan, Giám áp trại Vĩnh Bình [Bằng Tường thị, Quảng Tây] Tô Tá, từ Giao Chỉ về. Cùng với những người như bà vợ họ Lý của cố Ung Châu Trú bạc đô giám Cung bị khố phó sứ Tào Xuân Khanh gồm 17 người; họ vượt biển trốn về.”


Chiếu ban, Tô Tá cùng người nhà 9 người, lệnh ty Kinh lược Quảng Tây thẩm vấn xong, cấp cho bằng khoán sử dụng phương tiện trạm dịch, ưu đãi tiền tiêu dùng, cử 1 viên Chỉ sử đem đi đến kinh đô. Số còn lại 8 người, cho cư trú tại chỗ, ưu đãi thêm trợ cấp. Việc sắp xếp, ban cấp ra sao phải tâu lên. [18]


***


Sự thành bại ở đời dựa 3 yếu tố: thời, thế, cơ; thời thế cơ hội chưa đến, nên tấm lòng yêu nước, quyết giành lại đất đai của tổ tiên, chưa hoàn thành một cách mỹ mãn. Chỉ tiếc rằng mấy chục năm sau đó, vào năm 1126 Bắc Tống gặp cái gọi là Mối Nhục Thời Tĩnh Khang [靖康之恥Tĩnh Khang Chi Sỉ]; quân nước Kim từ phương bắc, hai mặt tấn công, đánh tan Biện kinh [Khai Phong thị, Hà Nam] “bắt sống 2 vua Huy Tông và Khâm Tông, cùng Hoàng hậu, Phi Tần, Tôn thất..” (驅擄徽、欽二帝和宗室、后妃). Sự thế lúc bấy giờ nhà Lý muốn lấy lại đất đai cũ không mấy khó khăn; nhưng lúc này vua Lý Nhân Tông đã già sắp mất, nên đành bỏ lỡ cơ hội; đó là điều đáng tiếc./.


——————–


[1] Theo văn bản Trường Biên, quyển 349, năm Nguyên Phong thứ 7 [1084]:Vào thời Gia Hựu [1056-1059], bọn Nùng Tôn Đán đem động Vật Ác qui phụ, ban tên Thuận An châu; thời Trị Bình [1064-1067] Nùng Trí Hội đem động Vật Dương qui phụ, ban tên là Qui Hóa châu.


( 嘉祐中,儂宗旦以勿惡等峒歸明,賜名順安州。治平中,儂智會以勿陽峒歸明,賜名歸化州。)


[2] Nguyên văn: 賜交趾郡王李乾德詔曰:「省所上表,陳乞勿陽、勿惡等峒疆土事,具悉。卿向在先帝朝敘述疆事,屢降詔諭,本末甚明。特徇所求,已從割賜。忽覽奏牘,尚有指陳。朕初纘承,動循前烈,命既素定,義難改從。宜懋忠嘉,一遵先詔。」以乾德獻書,乞移敕內所賜勿陽、勿惡等峒,樞密院言,宜降詔申述先朝詔旨,令乾德遵依故也。


[3] Nguyên văn: 交趾郡王李乾德言:「下邑有勿陽、勿惡二峒八縣與省壤接連,前後被守土人叛去,委身歸明。其勿陽於丙辰年蒙收入省,勿惡於壬戌年蒙收設通康隘。雖此等彈丸之地,尤切痛懷、常不離夢寐者,誠以先祖臣平昔誅擒僭逆,衝艱冒險,畢命之所致也。今末造不能嗣承,豈敢備數於藩垣,偷生於頃刻也?甲子年,廣西經略司嘗為申奏先朝,以宿、桑二峒六縣賜臣主領。按宿、桑等見屬下邑,非今茲陳請之地,不敢拜命。伏遇陛下一新宇內,謹具表以聞。」詔答曰:「迺者邊臣言,卿首領侵我疆陲,先皇帝務在寬仁,申頒詔諭,俾從辨正,亦既驗明,特割康隘之區,用示君恩之賜。德音如在,詔墨猶新,固宜追體包荒,恪遵分畫,何期累奏,尚執前迷。仍指新界之疆,更為己物之舊,無厭至此,事上奚觀?諒卿意之豈然,殆人言之致惑!況茲州峒,久為王民,一昨克復廣源之時,以至給賜順州之日,與彼田土,本無交侵。卿其務盡至誠,祗循先詔,益謹撫封之守,勿從生事之謀,勉副眷懷,永綏寵祿。」仍令廣西經略使苗時中移牒折難。


[4] Nguyên văn: 樞密院言:「廣西經略安撫使司奏,交人入貢後時,深慮別致作過,乞添差軍兵防守。」詔令廣南西路都鈐轄司,如體探得交人緩急欲作過不虛,即一面勾押潭州駐劄東南第八將往桂州駐劄,及令荊湖南路鈐轄司【一一】,候見廣西勾抽將兵,立便發遣,並附急遞以聞,當議自京別遣兵往湖南補戍,仍從京先差虎翼三指揮赴荊湖南路鈐轄司駐劄,以備起發兵將,兌那差使,候交人入貢,即行勾抽。


[5] Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.


[6] Nguyên văn: 而黎文盛寓書熊本曰:「成卓言:上電、下雷、溫、潤、英、遙、勿陽、勿惡、計、城、貢、淥、頻、任峒、景思、苛紀縣十八處【一○】,從南畫界,以為省地。陪臣小子惟命是聽,不敢爭執。


[7] Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.


[8] Cương Mục, Chính biên, quyển 3.


[9] Nguyên văn: 樞密院言:「廣西經略司奏,左藏庫副使、邕州左江都巡檢使成卓申:『進奉人梨鍾密告郡王,陳乞地界。未蒙回詔。』告錄梨文盛元上書并狀,回日禀覆郡王。若梨鍾到闕再有陳乞,將梨文盛長書等委曲宣諭梨鍾知委審會。昨成卓保明交人計議疆界不致反覆,已依此降詔了當,將來交人到闕,果敢妄有陳乞,朝廷必難別行處分。」詔苗時中:「如交人不絕文移,尚以地界為辭,仰一面盡理回報折難,務令稟伏。其成卓,令經略司作商量公事,勾赴桂州


[10] Nguyên văn: 乙卯,以交趾進奉使朝散郎、戶部員外郎黎鐘為吏部員外郎,副使宣節副校尉、西頭供奉官、閤門祗候杜英輩為東頭供奉官、西京左藏庫副使。


邕州左、右江都巡檢使成卓責授內殿承制,添差監均州酒稅【三】,仍令差人伴押前去交割。以樞密院言其保任交人不當,及擅將黎文盛所上書狀錄與安南等罪故也。


[11] Nguyên văn: 庚申,交趾郡王李乾德進封南平王。


[12] Quỉ Chương: Thủ lãnh  nước Hạ tại miền tây Trung Quốc, bị quân Tống bắt.


[13] Phạm Thuần Nhân: Tiến sĩ, con thứ danh thần Phạm Trọng Yêm.


[14] Nguyên văn: 詔鬼章易檻車,護送大理寺劾治以聞,引見準辟囚例押入殿。初,議欲留鬼章在邊,范純仁言:


…….若存鬼章,以招其子,必曰:「我父之存由我輩在,我若往,則父子俱死。」如此,固無束身歸朝之理。


……交趾方欲妄起事端,若鬼章戮於京師,則四方易得傳聞,交人亦得寢謀,可使威振絕域,國勢尊嚴。


[15] Qui minh 歸明: theo đường sáng, dùng từ này để chỉ dân các nước lân bang bỏ theo Trung Quốc.


[16] Nguyên văn: 詔李乾德曰:「朕惟先帝聖德兼愛,懷柔遠方。頃自富良班師,覽卿懇請,即以廣源等州特行給賜。繼緣安南首領妄認省地,尋復遣官辨正分畫,又於八隘之外,以六縣、二峒賜卿主領,恩德之施,可謂至矣。朕祗述先訓,務寧邊圉,況累降詔諭,備極詳明,勿惡勿傷,無復可議。其修築山隘、割丁戌守,皆疆埸常事,況又歸明在前,築隘在後,亦理無不可。夫何所疑,尚有陳述?蓋守藩之義,以惇信為先,毋或譸張,朕言不再。所有成卓因巡邊檢隘,擅支物帛與外界首領,有違條制,昨據經略司覺察奏劾,為其生事,已行貶竄。卿能追斂其物,悉以送官,載閱封章,尤嘉恭順。睠惟遐服,方倚令猷,勉體至懷,益綏多福。


[17] Nguyên văn: 占城國首領表言:「應大朝討蕩交趾,乞率兵協力掩襲。」時以占城、交趾有舊怨,交趾見今入貢,不絕臣節,難議興師。令學士院候將來降占城國敕書依此回答。


[18] Nguyên văn: 廣西經略司言:「前東頭供奉官、邕州永平寨監押蘇佐,自交趾與故邕州駐泊都監、供備庫副使曹春卿妻李氏等一十七人,泛海逃歸。」詔蘇佐并家屬等九人,令廣西經略司候審問訖,給還遞馬驛券,優與盤費,差指使一名,伴押上京;餘八人令在彼安泊,優加存恤,仍具合如何安排以聞。(十二月二日,佐等授官,元陷沒時當檢。