VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN Ý KIẾN / THẢO LUẬN - THỨ HAI 28 JAN 2019
“Quyền Bày Tỏ Chính Kiến Của Trẻ Em tại Úc”
Diễn hành Lễ Quốc Khánh Úc
Trẻ em có quyền xuống đường biểu tình hôm 26/1/2019 ở Sydney, phản đối ngày quốc khánh Úc. Nguồn: REUTERS/Stefica Nicol Bikes
(VOH) - Trưa ngày 22/1/2019, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội hữu nghị Việt Nam – Australia TPHCM tổ chức lễ kỷ niệm 231 năm Quốc khánh Australia (26/1/1788 – 26/1/2019)
Đối với người Úc quốc khánh, quốc kỳ và quốc ca chỉ là biểu tượng nên thường được mang ra tranh luận.
Bởi thế ngay từ khi còn rất nhỏ trẻ em Úc đã được khuyến khích công khai bày tỏ chính kiến về ba biểu tượng kể trên.
Nhân Quốc Khánh Úc 26/1/2019 xin được lấy vài dẫn chứng để thấy được việc giáo dục “chính trị” tại học đường Úc.
Kêu gọi đổi ngày Quốc khánh
Trước đây ít hôm, chương trình ABC Úc cho công bố một bức thư viết tay của 1 cô bé gởi cho chính giới Úc lời văn như sau:
“Chính giới kính mến,
“Tôi nghĩ rằng Quốc Khánh nên được tổ chức vào một ngày khác, vì ngày 26/1 là ngày chúng ta đánh cắp nước Úc từ tay những người thổ dân.
“Đó là một ngày người thổ dân cảm thấy rất buồn và tôi không nghĩ điều đó là đúng.
“Nó giống như chúng ta ăn mừng vì đã giết rất nhiều rất nhiều thổ dân."
Bên dưới bức thư là lời ghi chú của phụ huynh cô bé như sau: “Gởi Bộ Trưởng lá thư từ con gái tôi.”
Ngày 26/1/1788 là ngày mà Hạm đội Anh Quốc đầu tiên cập vịnh Sydney, Thuyền trưởng Arthur Phillip sau đó cho thành lập thuộc địa New South Wales và trở thành Thống đốc đầu tiên của thuộc địa này.
Ngày 26/1 được chính phủ New South Wales chọn làm Ngày Thành lập thuộc địa.
Đến năm 1946, Chính phủ Liên bang Úc chọn làm ngày Quốc khánh, nhưng mãi đến năm 1994, tất cả các Tiểu bang và Vùng Lãnh thổ Úc mới đồng ý xem ngày này là ngày Quốc khánh.
Lần kỷ niệm nào cũng diễn ra các cuộc biểu tình chống đối và thường xuyên xảy ra các cuộc tranh luận liên quan đến việc hòa giải với người thổ dân.
Cô bé 9 tuổi không chịu chào cờ
Giữa tháng 9/2018, Harper Nielsen, 9 tuổi, học sinh lớp 4 trường Kenmore South State School tại Queensland từ chối không đứng dậy làm lễ chào cờ và hát quốc ca.
Em phản đối vì bài quốc ca “Advance Australia Fair” chỉ đề cao người Úc da trắng, mà không nói gì đến người thổ dân.
Được báo chí phỏng vấn em cho biết: “Lời bài hát nói rằng ‘chúng ta còn trẻ’ có nghĩa là nó hoàn toàn làm ngơ văn hoá thổ dân đã tồn tại ở đây hơn 50,000 năm trước khi bị thực dân hoá…
“Tôi không phải là người chỉ biết chấp nhận các quy tắc của người lớn chỉ vì họ lớn tuổi hơn mình”.
Phụ huynh của em cho biết họ ủng hộ và tự hào về con gái mình. Trả lời phỏng vấn của ABC ngày 12/9/2018 cha em cho biết:
“Con tôi rất tuyệt vời và dũng cảm. Cháu luôn kiên định với những gì mình tin tưởng. Chúng tôi rất tự hào khi con bé là chính mình.”
Chính kiến của em Harper Nielsen và quan điểm của cha mẹ bị một số chính trị gia cực hữu chỉ trích nhưng lại được đa số báo chí Úc và dư luận đồng thuận.
Bộ Giáo Dục tiểu bang Queensland chính thức cho biết: “Nhà trường tôn trọng ước muốn của em và đã đưa ra những lựa chọn thay thế bao gồm việc em không phải tham dự chào cờ và không phải hát quốc ca”.
Đốt cờ “Union Jack”
Vào đúng ngày Quốc Khánh năm 2012, trước Quốc Hội Liên Bang Úc tại Thủ đô Canberra trong một cuộc biểu tình nhỏ, một cô gái Thổ dân 15 tuổi cầm lá cờ Úc và tỏ ra hãnh diện khi đốt lá cờ.
Cô cho biết đã được sự đồng ý của cha mẹ. Cô nói tổ tiên cô đã “bị giết và bị hiếp dâm” nên cô rất ghét lá cờ mang dấu hiệu “Union Jack”. Cô bé nói đốt bỏ lá cờ này là điều vô cùng quan trọng đối với cô.
Phát ngôn viên cuộc biểu tình ông Wayne Coco-Wharton cho biết ngày 26/1/1788 là ngày người Anh mang chiến hạm “xâm lăng” nước Úc, người Thổ dân nay biểu tình để đòi quyền tự chủ.
Nếu tôi nhớ không lầm lần ấy không ai lên tiếng phản đối hay ủng hộ việc làm của em.
Úc là 1 nước tự do nên luật Úc không cấm việc đốt cờ để bày tỏ chính kiến.
Người đốt cờ chỉ cần báo cho cảnh sát biết việc họ sẽ làm. Còn cảnh sát có bổn phận phải bảo vệ người đốt cờ để nếu bị kẻ cực đoan tấn công hay bảo đảm không xảy ra nguy hiểm khi lá cờ bị đốt.
Khác với Việt Nam, ngày 30/11/2018 vừa qua Tòa án Nhân dân Thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk khép án 2 năm 9 tháng tù Blogger Huỳnh Thục Vy với tội danh “xúc phạm quốc kỳ”.
Hong Kong trước đây đã cấm việc “xúc phạm quốc kỳ và quốc huy” Trung Quốc, nếu ai vi phạm bị kết án lên tới ba năm tù.
Mấy hôm trước ngày 22/1/2019, chính quyền Hong Kong đệ trình một dự luật lên các nhà lập pháp, theo đó ấn định án tù lên tới ba năm đối với bất kỳ ai “thiếu tôn trọng” quốc ca Trung Quốc.
Triết lý giáo dục tự do…
Ít nhiều các em kể trên cũng cần có sự đồng ý từ gia đình, nhưng phần chính là nhờ nền giáo dục tự do và môi trường xã hội tự do các em đang sống.
Triết lý tự do trong việc giáo dục của Úc lấy các em làm trọng tâm cho việc giảng dạy.
Các em được nhìn nhận như người đã trưởng thành, có năng lực, có óc sáng tạo và có quyền tự do phát triển.
Nhà trường, giáo viên, phụ huynh và cộng đồng phải tôn trọng và phải tạo cơ hội phát triển tiềm năng của các em.
Mục tiêu của giáo dục là khuyến khích và phát triển thế mạnh mỗi em một cách tự nhiên nhất.
Giáo dục Úc phi chính trị, nghĩa là cấm các sinh hoạt mang màu sắc đảng phái chính trị được đưa vào học đường.
Nhưng ngay từ nhỏ các em đã được tìm hiểu các vấn đề chính trị, văn hóa, cộng đồng, xã hội một cách hoàn toàn tự nhiên, hoàn toàn không bị chi phối hay uốn nắn theo nhân sinh quan hay ý thức hệ nào.
Nhà trường dạy các em cách tìm tài liệu, sử dụng thông tin, cách suy nghĩ, cách lập luận và hướng giải quyết vấn đề.
Nhà trường tập cho các em thói quen suy nghĩ độc lập, tránh mọi giáo điều mọi khuôn khổ.
Học sinh phải tự đặt những câu hỏi, tự tìm câu trả lời, xong thảo luận với bạn bè và thầy cô.
Nhà trường tổ chức các buổi tranh luận về lịch sử, về chính trị, về các vấn đề trong phạm vi học trình và thường xuyên tổ chức các cuộc tranh luận cho học sinh giữa các trường với nhau.
Nhà trường tổ chức cho học sinh đi thăm Quốc Hội, thăm Bảo Tàng Viện, thăm các Cộng Đồng Sắc Tộc, các cơ sở Tôn Giáo…
Tại Quốc Hội Liên Bang Úc các em còn được đóng vai Thủ Tướng, Đối Lập, các dân biểu và nghị sỹ tranh luận và giải quyết các vấn đề “Quốc Sự”.
Nhờ thế trẻ em Úc sớm trưởng thành về chính trị.
Cuối tháng 11/2018 vừa qua học sinh trung học thuộc 30 thành phố và thị trấn trên khắp nước Úc đã tổ chức biểu tình kêu gọi các chính trị gia phải có hành động cải thiện biến đổi khí hậu mội trường.
Ngay từ nhỏ trẻ em Úc đã có thể tích cực đóng góp xây dựng nền tảng chính trị dân chủ tại Úc, lớn lên các em sẽ là những lãnh đạo xây dựng một nước Úc đứng đầu thế giới.
Trở lại với Quốc khánh…
Quốc khánh mà ai vui thì vui, ai buồn thì tiếp tục buồn và các tranh luận vẫn tiếp tục diễn ra thì làm thế nào có thể xem là ngày vui chung cho cả nước.
Để có 1 ngày vui chung cho toàn nước Úc, nhiều người đề nghị lấy ngày 1 tháng 1 hằng năm làm ngày Quốc Khánh, vừa kỷ niệm ngày thành lập Liên Bang Úc, 1/1/1901, vừa chào mừng năm mới.
Cũng có người đề nghị công nhận ngày Quốc hội Liên bang họp lần đầu tiên ngày 9/5/1901 làm ngày quốc khánh.
Nhưng có lẽ phải đợi đến khi nào nước Úc trở thành một nước cộng hòa hoàn toàn độc lập với nước Anh thì mới mong ngày quốc khánh, quốc kỳ và quốc ca được thay đổi./
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
26/1/2019