Sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng ‘sẽ quyết định chính trị Việt Nam’

16 Tháng Năm 20196:27 CH(Xem: 6766)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN Ý KIẾN / THẢO LUẬN - THỨ SÁU 17 MAY 2019


Sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng ‘sẽ quyết định chính trị Việt Nam’


BBC 16/5/2019

image004

TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trở lại sau một tháng vắng bóng


Sức khỏe của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ còn là vấn đề quan trọng hàng đầu trong chính trị Việt Nam trước khi diễn ra Đại hội Đảng năm 2021, theo giới quan sát.


Ngày 16/5, ông Nguyễn Phú Trọng đã dự lễ khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Hà Nội.


Hình ảnh do truyền thông nhà nước công bố cho thấy ông Trọng ngồi dự, bên cạnh là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.


Trước đó, hôm 14/5, lần đầu tiên sau một tháng nghỉ ốm, ông Nguyễn Phú Trọng được báo chí nhà nước đăng hình chủ trì họp lãnh đạo chủ chốt.


Thông điệp về sự ổn định


Bình luận với BBC, cây bút người Mỹ David Brown nói về thông điệp của các bức hình và video về ông Trọng từ ngày 14/5.


"Thông điệp rõ ràng là Đảng sẽ không rơi vào vòng xoáy đấu đá nội bộ trong những tháng dẫn tới Đại hội Đảng 13 sắp đến."


"Con thuyền nhà nước sẽ đi vững vàng," ông Brown bình về tín hiệu mà Đảng muốn thể hiện.


Nhà bình luận chính trị kỳ cựu từ Úc, Carlyle Thayer, thì nói với BBC rằng hình ảnh sẽ chưa thể xóa bỏ đồn đoán về sức khỏe của Chủ tịch nước và vấn đề kế vị.


Ông Thayer nói nếu ông Trọng xuất hiện "mạnh khỏe" ở hội nghị trung ương 10, việc này sẽ có thể xóa bỏ các tin đồn.


Còn ông David Brown cũng đồng ý rằng các hình ảnh mà báo chí nhà nước công bố tới giờ chưa đủ làm những người quan sát như ông tin ông Trọng đã khỏe hẳn.


"Tôi chưa tin rằng ông Trọng đã hoàn toàn khỏe để quay lại, với năng lượng và sự tinh nhạy ông sẽ cần có để bảo đảm có chuyển đổi êm đềm cho các lãnh đạo mới chia sẻ viễn kiến của ông."


Tác giả David Brown nói ông muốn chờ thêm đến lúc ông Nguyễn Phú Trọng có thể tiếp khách nước ngoài, đi gặp cử tri và trả lời báo chí trực tiếp.


Tựu trung lại, các diễn biến từ ngày 14/5 cho thấy Đảng và Nhà nước Việt Nam muốn đưa ra thông điệp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn là lãnh đạo kiểm soát tình hình ở trong nước.


Giáo sư Carlyle Thayer nói các bản tin nhằm chứng tỏ "ông Nguyễn Phú Trọng đang kiểm soát, lãnh đạo đảng và nhà nước như bình thường".


image005

Bản quyền hình ảnh Thông tấn xã Việt Nam Image caption Hình ảnh cuộc họp ngày 14/5, ảnh của Thông tấn xã Việt Nam công bố


'Nêu cao tinh thần đoàn kết'


Tại cuộc họp ngày 14/5, ông Trọng được dẫn lời: "Tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần kiên quyết, kiên trì; nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất cao ở các cấp, các ngành, tạo sự đồng thuận trong nhân dân."


Giáo sư Carlyle Thayer bình luận đây là tóm gọn những chủ đề mà ông Trọng vẫn luôn đề cao.


"Các bình luận như thế nhằm nhấn mạnh ông Trọng đang lãnh đạo, đã quay lại như bình thường. Sẽ là con đường tiếp tục, chứ không phải thay đổi."


image006

Bản quyền hình ảnh Thông tấn xã Việt Nam Image caption Hình ông Nguyễn Phú Trọng ngày 14/5, ảnh của Thông tấn xã Việt Nam công bố


Ai là ứng viên 'tứ trụ' năm 2021?


BBC hiểu rằng cho đến giờ này, Đảng Cộng sản chưa có quyết định liệu việc một người giữ cả hai vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch nước sẽ là quy định được ghi vào điều lệ và hiến pháp hay không.


Ông Nguyễn Phú Trọng đã đảm nhận thêm vị trí chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang qua đời vì bệnh tật ngày 21/9/2018.


Như vậy, đến giờ này, vẫn có khả năng sẽ có bốn ứng viên cho bốn vị trí hàng đầu tại Đại hội Đảng đầu năm 2021.


Theo giáo sư Carlyle Thayer, chính sách về hưu cho ủy viên Bộ Chính trị là ở tuổi 65. Như thế, đến năm 2021, chỉ có sáu thành viên Bộ Chính trị hiện tại còn dưới 65 tuổi.


"Quy định của Đảng nói nếu qua 65 tuổi trong khi đã phục vụ một nửa của nhiệm kỳ 5 năm, thì vẫn có thể được đề cử ở lại."


"Dĩ nhiên, quy tắc thì vẫn có thể thay đổi, và lại còn có ngoại lệ," ông Thayer lưu ý.


Nếu dựa theo tuổi tác, ông Thayer dự đoán rằng ứng viên Tổng Bí thư sẽ không phải là Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng hiện nay, vì sẽ quá 65 vào năm 2021.


Nếu cũng dựa theo tuổi tác, thì có vẻ như phó thủ tướng, bộ trưởng công an, chủ tịch Quốc hội đang trong Bộ Chính trị hiện nay cũng không phải là ứng viên tổng bí thư.


Ông Thayer nói nếu dùng tuổi tác để đoán, thì Thường trực Ban Bí thư hiện nay sẽ 68 vào năm 2021, và vì thế chưa phải là ứng viên rõ rệt.


image007

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Ông Nguyễn Phú Trọng cùng phu nhân trong sự kiện tiếp đón Nhật hoàng Akihito tại Hà Nội hôm 3/3/2017


image008

Bản quyền hình ảnh Reuters Image caption Thủ tướng Việt Nam hiện nay Nguyễn Xuân Phúc (phải)


Có sáu thành viên Bộ Chính trị hiện tại còn dưới 65 tuổi vào năm 2021 là Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai, Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải và Võ Văn Thưởng.


Trong sáu thành viên Bộ Chính trị "còn trẻ" này, không phải ai cũng đã kinh qua nhiều năm lãnh đạo chính phủ.


Giáo sư Thayer chỉ ra rằng phần lớn trong sáu vị có kinh nghiệm lãnh đạo các ban của đảng.


"Ai có thể thay thế ông Trọng làm tổng bí thư, phần lớn sẽ phụ thuộc câu hỏi liệu chức này có kiêm luôn chủ tịch nước không," ông Thayer nhận xét.


Giáo sư Carlyle Thayer lưu ý đoán định này chỉ mới dựa vào tuổi tác, mà vấn đề tuổi vẫn có thể được thay đổi.


Nói với BBC, một nhà quan sát người Việt khác, muốn giấu tên, thì cho rằng mọi đồn đoán về ứng viên Bộ Chính trị khóa sau "hiện nay chỉ nói cho vui".


"Kinh nghiệm các Đại hội Đảng gần đây cho thấy các vị trí chủ chốt thường chỉ được quyết định vào một, hai hội nghị trung ương trước Đại hội."


"Vì thế, theo tôi, nói ai sẽ là 'tứ trụ' của 2021 vào lúc này cũng giống như chơi đồng tiền xấp ngửa. Điều chắc chắn là sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng sẽ vô cùng quan trọng," nhà quan sát người Việt nói với BBC.


image009

Bản quyền hình ảnh Reuters Image caption Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (phải)
15 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 6126)