Trần Ah Tuấn: Những món quà tinh thần từ chuyên san Xưa&Nay

04 Tháng Mười 20197:01 SA(Xem: 6874)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - THỨ SÁU 04 OCT 2019


Những món quà tinh thần  từ chuyên san Xưa&Nay


image013


TRẦN ANH TUẤN


Tháng 9.2019 vừa qua, tôi nhận được hai tác phẩm từ Toà Soạn do anh Nguyễn Hạnh, Phó Tổng Biên Tập chuyển tặng. Đó là quyển Di Sản Sài Gòn Saigon Heritage (nxb Thời Đại, 2014, 146 tr.) và bộ Phan Thanh Giản Trăm Năm Nhìn Lại (nxb Thế Giới-Xưa&Nay, 2017, 646 tr.)


Phan Thanh Giản Trăm Năm Nhìn Lại là tác phẩm tổng hợp những tham luận và nghiên cứu của giới Sử Học cả nước, từ thời Pháp thuộc đến thời độc lập, từ thời đất nước chia đôi đến thời thống nhất, tính thời gian thì từ năm 1941 với bài báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng đến năm 2008 với văn thư đánh giá công lao sự nghiệp Phan Thanh Giản của Viện Trưởng Viện Sử Học.


Sách gồm ba phần. Phần thứ nhất là công cuộc nghiên cứu Phan Thanh Giản trong giai đoạn 1945-1975. Phần thứ hai là công cuộc nghiên cứu Phan Thanh Giản từ năm 1975 đến nay. Và thứ ba là Phần Phụ Lục. Phần quan trọng nhất và chiếm nhiều trang nhất của tác phẩm là phần in lại nội dung số đặc khảo Phan Thanh Giản của Tập San Sử Địa xuất bản tại Sài Gòn năm 1967, cùng nội dung cuộc hội thảo về Phan Thanh Giản tại Vĩnh Long năm 1994, và nội dung cuộc hội thảo lần thứ hai về Phan Thanh Giản tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2003.


 image015


Tác phẩm vì thế là tiếng nói của ba thế hệ sống qua nhiều chính thể khác nhau và tại nhiều quốc gia khác nhau. Tổng cộng có 47 tác giả với 53 bài viết.


Đề tài Phan Thanh Giản được đông đảo giới nghiên cứu lên tiếng triền miên từ giữa thế kỷ XX đến nay chỉ vì Cụ là người ký hoà ước Nhâm Tuất 1862 nhường cho Pháp ba tỉnh miền Đông là Gia Định, Định Tường, và Biên Hoà rồi năm 1867 lại để mất ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, và Hà Tiên khiến toàn bộ Nam Kỳ Lục Tỉnh lọt vào tay quân Pháp.


Nói chung, từ thời Pháp thuộc qua thời Việt Nam Cộng Hòa, Phan Thanh Giản được nhận định là một danh thần của triều Nguyễn và là niềm tự hào của miền Nam vì Cụ là vị Tiến Sĩ Nho học đầu tiên và khi không làm tròn được trách nhiệm thì lấy cái chết tự xử. Tên Cụ được đặt thành tên đường trong nhiều thành phố và thị trấn thời VNCH. Cần Thơ là "Tây Đô" của miền Nam thì trường trung học lớn nhất được đặt theo tên Cụ.


Ngược lại, tại Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà thì Cụ bị buộc tội "bán nước."


Nguyên tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử của Viện Sử Học năm 1963 mở ra mục bình luận Phan Thanh Giản dựa vào quan điểm chủ nghĩa Mác, đem yêu cầu của thời đại và nguyện vọng của nhân dân để soi vào hành động (của Phan Thanh Giản) sẽ thấy rõ có công hay có tội, đáng tán dương hay đáng chỉ trích. (nguyên văn nơi trang 50).


Sau đó là bài của tác giả Đặng Việt Thanh kết án Cụ Phan là vai trò nạn nhân (do Tự Đức làm tội) không thể xóa nổi vai trò tội nhân mà Phan cũng phải gánh trước lịch sử (trang 87). Tác giả tiếp theo là Nguyễn Anh thì gắn kết nhân dân miền Nam ruột thị của chúng ta đang anh dũng chống bè lũ Mỹ-Diệm để hoà bình thống nhất đất nước với ngày trước nhân dân Nam Kỳ đứng lên kháng chiến chống xâm lược bước đầu của giặc Pháp để tìm hiểu công tội của Phan Thanh Giản sao cho có tác dụng tích cực trong giai đoạn hiện nay. (trang 102). Nơi trang 115 thì tác giả Nguyễn Khắc Đạm kết luận chỉ có bọn thực dân và bồi bút mới đề cao Phan Thanh Giản, chứ Phan chẳng đáng được gọi là một người yêu nước, thương dân chân chính...(trang 112). Tác giả Chu Quang Trứ dứt khoát ngay từ đầu bài, là "Cần nghiêm khắc lên án Phan Thanh Giản" nơi trang 117...


Cuối cùng là Viện Trưởng Viện Sử Học đương thời Trần Huy Liệu tổng kết cuộc bình luận, xác định giới Sử Học nước VNDCCH đã nhất trí về việc nhận định Phan Thanh Giản, nhất trí ở chỗ kết án tội nhân của lịch sử (trang 166).


Kết luận nặng nề về Phan Thanh Giản của giới Sử học miền Bắc từ thập niên 1960 đến nay, theo tôi, vấp phải sự bất đồng của những ai xuất phát từ miền Nam, không chỉ trong dân chúng mà còn trong giới cán bộ. Do đó, sau khi đất nước thống nhất thì chính quyền đã phải tổ chức những cuộc hội thảo chuyên môn nhằm nhận định và đánh giá lại Phan Thanh Giản ở miền Nam. Theo cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, người Vĩnh Long, thì cuộc hội thảo đầu tiên ở Vĩnh Long năm 1994 đã giải tỏa cho họ Phan hai chữ "bán nước," rồi cuộc hội thảo thứ hai tại Sài Gòn năm 2003 đã khẳng định Phan Thanh Giản là người "yêu nước."


Sử học là một ngành khoa học xã hội. Sử học không chính xác như toán học hay khoa học thực nghiệm. Nhưng sử học vẫn có những luật tắc và phương pháp chặt chẽ để phân biệt giá trị của một sử phẩm nghiêm túc với những chuyện kể tầm phào. Cho nên, trong tư cách của một người trong nghề Sử hơn nửa thế kỷ qua, tôi không thể đồng ý với cố giáo sư Phan Huy Lê khi ông tuyên bố năm 2000, lời tuyên bố được in nơi bìa sau của sách, rằng "Sử học là một khoa học mà nhận thức về đối tượng của nó là một quá trình tiến dần tới chân lý..." Nhận định này không gì khác hơn là cách diễn đạt khôn khéo nhằm che dấu hay biện minh cho những thay đổi tùy thời tùy lúc và tùy tiện trong sử phẩm dưới áp lực -thường khi là chỉ đạo- của chính trị tức thông tin tuyên truyền.


Trường hợp Phan Thanh Giản trong tác phẩm này chẳng hạn. Từ "bán nước" trong thập niên 1960 đến "yêu nước" trong thập niên 2000 là diễn tiến đến chân lý sao được? Chân lý gì mà mâu thuẫn ngược ngạo đến thế? Trong hai kết luận trái ngược nhau, hẳn phải có một đúng (tức chân lý) và một không chứ?! Sử học rốt lại, nói như Cicero, "Nguyên tắc thứ nhất của Sử là không dám nói gì sai, và nguyên tắc thứ hai là dám nói tất cả những gì đúng." (Marcus T. Cicero là luật sư, triết gia, chính khách, và nhà hùng biện La Mã, sinh năm 106 BC mất năm 43 BC). Đó mới chính là chân lý!


Tác giả Trần Bạch Đằng đã thẳng thắn biết bao so với giáo sư Phan Huy Lê khi ông phát biểu trong hội thảo năm 2003, lời phát biểu cũng được in nơi bìa sau, nguyên văn: "Sự thật, chúng ta thảo luận về Phan Thanh Giản, nhưng chủ yếu chúng ta thảo luận về chúng ta..."


Mặt khác, tôi tin mình chỉ là một trong số nhiều người hiện nay hoan nghêng tầm nhìn và cách thể hiện chuyên môn của tạp chí Xưa&Nay mà sự xuất bản tác phẩm Phan Thanh Giản Trăm Năm Nhìn Lại chính là sự cung cấp nội dung của cả hai ngành Sử học và thông tin tuyên truyền về nhận định và đánh giá một nhân vật lịch sử̉.


Di Sản Sài Gòn Saigon Heritage là một bộ sách ảnh, do Trường Đại Học Sài Gòn và tạp chí Xưa&Nay phối hợp xuất bản. Chủ biên là Nguyễn Viết Ngoạn, hiệu trưởng Trường Đại Học Sài Gòn.


Sách có 104 đề tài về Sài Gòn bao gồm phong cảnh, kiến trúc, nhà thờ, chùa chiền, đường xá, cầu cống, bến cảng, phương tiện giao thông, chợ búa, xe cộ, dân chúng... Đại đa số mỗi đề tài chiếm một trang với các bưu ảnh thời Pháp thuộc. It́ nhất là một bưu ảnh  như ở trang 80 và 10 (Khám Lớn Sài Gòn và Thư Viện Khảo Cổ). Nhiều nhất là bẩy bưu ảnh ở các trang 22-23, 130-31, và 132-33 (Nhà Hát Thành Phố, Đời Sống Thị Thành, và Hàng Rong).


image017


Trong Thư Ngỏ mở đầu quyển sách, người chủ biên không xác định ai là chủ nhân của bộ sưu tập bưu ảnh 300 bức này -chắc nhằm tương ứng với 300 năm hình thành nên Hòn Ngọc Viễn Đông-. Tất cả các bưu ảnh in trong sách cũng không ghi xuất xứ từ đâu. Xem trong phần Tài Liệu Tham Khảo, độc giả sẽ thấy có sách Sài Gòn Qua Bưu Ảnh Xưa, rồi Hình Ảnh Sài Gòn từ bốn Liên Mạng Điện Tử thì rõ sách chỉ là một tập hợp hình ảnh đã được phổ biến trước rồi.


Giá trị của sách, vì thế là phần dẫn giải và chú thích về mỗi đề tài. Tuy ngắn gọn, phần dẫn giải chú thích này rất hữu ích, giúp độc giả biết được nhiều chi tiết cụ thể về một Sài Gòn của thế kỷ trước.


Nhưng ngoài lỗi typo khá nhiều là sự diễn giải không phải lúc nào cũng được chính xác.


Chẳng hạn như hình ảnh Phụ Nữ in nơi trang 98 và 100. Tôi có bưu ảnh của hai người phụ nữ phía trên nơi trang 98 và 100. Bưu ảnh của tôi ghi rõ "Une horizontale Annamite." Người Việt chúng ta mệnh danh "Nằm ngửa" thì người Pháp gọi là "Nằm ngang" chăng? Tại sao hình ảnh của họ được in trang trọng phía trên, trên hình ảnh của giới phụ nữ con nhà gia thế như ba ảnh nhỏ phía dưới trang 98 và ảnh dưới bên phải nơi trang 100? Loại người này lại có thể đại diện cho phụ nữ Sài Gòn được sao?


image018

            (Bộ sưu tập TAT)


Chẳng hạn như vụ Quách Thị Trang bị bắn ngày 25.8.1963 tại công viên Diên Hồng trước chợ Bến Thành. Thứ nhất, Quách Thị Trang chỉ là một Phật tử mới 15 tuổi trong đoàn biểu tình ủng hộ Phật Giáo chống chính phủ Ngô Đình Diệm mà thôi. Vì là phái nữ nên cô cùng các nữ sinh khác được xếp đứng hàng đầu đoàn biểu tình và chẳng may khi Cảnh Sát bắn thì cô bị trúng đạn. Thứ hai, đoàn biểu tình không thể đông đến "hơn 5,000 người" như đã in nơi trang 97. Lúc bấy giờ, tôi còn là sinh viên hai trường Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn về môn Sử nên tôi tham gia nhiều cuộc tụ họp và biểu tình của học sinh sinh viên cũng như thường xuyên túc trực tại Chùa Xá Lợi với máy ảnh trên tay, cốt là theo dõi và ghi nhận một biến cố lịch sử lớn đang diễn ra trước mắt hàng ngày. Trong những ngày tháng ấy, chính quyền Ngô Đình Diệm đã huy động các lực lượng quân sự (Lực Lượng Đặc Biệt của đại tá Lê Quang Tung và quân nhân Quân Đoàn III của tướng Tôn Thất Đính) và cảnh sát (Cảnh Sát Đặc Biệt, Cảnh Sát Dã Chiến, Cảnh Sát thường) hàng ngày túc trực sẵn sàng đàn áp, nên những cuộc biểu tình bí mật và chớp nhoáng không thể tập hợp đến số nghìn người được, nói gì đến năm nghìn?!


Quan trọng nhất là cách diễn giải những sự kiện lịch sử. Nói chung, Ban Chủ Biên của bộ sách khá tận tụy tham khảo sách báo để diễn giải ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa của từng bức bưu ảnh cũng như đã tôn trọng sự kiện quá khứ, khách quan trình bầy sự việc xảy ra tại thành phố Sài Gòn như khi diễn giải "Toà Hoà Giải" nhân đó trình bầy hệ thống các tòa án thời VNCH nơi trang 25. Hay chi li từng năm tháng thay đổi như "Đường Paul Blanchy" nơi trang 62, hay những chi tiết hào hứng trong phần "Khách sạn Continental" trang 90. 


Tuy vậy, nội dung quyển sách ảnh này vẫn tồn tại sự diễn giải nhầm lẫn quá khứ, thậm chí nhằm xóa bỏ quá khứ.


Điển hình nơi trang 14-15 với bưu ảnh "Toà Thị Chính..." sách giải thích, nguyên văn, "Từ ngày 23-8-1945 đến 23-9-1945, Tòa Thị Chính trở thành trụ sở chính quyền thành phố Sài Gòn, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngày 30-4-1975, Toà Đô Chính trở thành trụ sở Ủy ban Nhân dân TP. HCM."  Cung cách diễn giải như vậy đã hoàn toàn xóa bỏ khoảng thời gian 30 năm trong lịch sử thành phố Sài Gòn, từ tháng 9.1945 đến tháng 4.1975!


Sự diễn giải có khi lại lủng củng và mâu thuẫn, như tên gọi của Ngân hàng Đông Dương nơi trang 31, nguyên văn: "Ngày 6-5-1951, Ngân hàng Quốc Gia Việt Nam được thành lập, đến năm 1960 được đổi tên thành Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam." Thế là thế nào? "nhà nước" là danh xưng thuần Việt thời VNDCCH ngoài Bắc, cùng nghĩa với từ Hán Việt "quốc gia" thời VNCH trong Nam mà! Nhất là năm 1960 thì chính quyền VNDCCH làm gì đã vươn tới Sài Gòn?!


Có lúc nhầm lẫn quá khứ là khi sách xác định trường Chasseloup Laubat được Pháp xây và khánh thành vào năm 1847 nơi trang 35. Năm 1847 thì làm gì đã có người Pháp nào ở Sài Gòn vì mãi hơn 10 năm sau, năm 1858, quân xâm lăng Pháp từ Ău Châu mới đến đánh chiếm nước ta,  khởi đầu ở Đà Nẵng? Đây có lẽ là lỗi sao chép, từ con số 1877 thành con số 1847 chăng?


Rồi chi tiết nơi trang 89, nguyên văn: "... năm 1936 dưới triều Minh Mạng..." thì sự sao chép càng sai sót hơn nữa.


Phần giới thiệu Chùa Ngọc Hoàng ở Đa Kao đã bỏ qua những sự kiện quan trọng và rất đặc biệt của ngôi chùa này. Trước hết, ngay sau cổng vào là hồ thả rùa không được nói đến. Thứ hai, trước khi bước qua cửa vào chính điện thì bên tay trái sát tường có tượng Linga độc đáo cũng không có trong phần giải thích ảnh. Thứ ba, ai có dịp lên lầu hai của chùa sẽ thấy kiểu xây cất vô cùng tối tăm, lắt léo, và bí hiểm. Lý do đó là trụ sở của Thiên Địa Hội thời Pháp thuộc, của nhóm người Tầu chủ trương "phản Thanh phục Minh" tại Sài Gòn. Với tôi, ý nghĩa lịch sử này rất quan trọng mà sách ảnh không đề cập đến.


Ngoài ra, bộ sách ảnh mở đầu một cách trang trọng và ý nghĩa với trụ sở công ty Messagerie Impériales (1863, năm 1871 đổi thành Messageries Maritimes) tại Bến Nhà Rồng và nhắc đến con tầu Amiral Latouche-Tréville, nhưng tiếc là không có bưu ảnh con tàu lịch sử ấy. Dưới đây là bưu ảnh tàu Amiral Latouche-Tréville (1903-1929) của hãng Chargeurs Réunis trong bộ sưu tập TAT.


image020


Nhân đề cập đến sách ảnh, tôi muốn chia sẻ đôi điều về hai bộ sách ảnh khác mà tác giả là những nhà trí thức ở Việt Nam và Pháp. Đó là Việt Nam Xưa Vietnam in Ancient Time (2012, 108 tr.) và Hà Nội Hình Màu En Couleurs (2013, 188 tr).


Tác giả của Việt Nam Xưa Vietnam in Ancient Time là PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hùng được giới thiệu là "người sáng lập và là hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng" tại Tp. HCM. Sách gồm cả thảy 91 bưu ảnh trong bộ sưu tập riêng của tác giả. Vậy đây chỉ là một phần nhỏ, rất nhỏ, được chính chủ nhân chọn lựa trong tổng số mười ngàn (10,000) bưu ảnh của riêng mà tác giả hãnh diện nêu lên con số nơi trang 7.


Mười ngàn là một con số khổng lồ giúp độc giả biết sự phong phú với nội dung đầy đủ mọi khía cạnh của bộ sưu tập, nhất là một kho ảnh tuy mệnh danh là "Việt Nam Xưa" nhưng thực chất chỉ là một Việt Nam thời Pháp thuộc, tức đề tài hạn hẹp chưa tới 100 năm mà có tới 10,000 bức ảnh, chia đều 1 năm ít nhất cũng có 100 bức.


Vậy tại sao độc giả chỉ được biết đến đô thị, công sở, phố xá, nhà thờ, bưu điện, bệnh viện, trường học, khách sạn, ga xe lửa, bến tàu, bến xe, chợ búa... tóm lại là các hình ảnh giới thiệu những công trình khai hóa của thực dân Pháp tại Việt Nam?


image022


Trong kho bưu ảnh khổng lồ mười nghìn tấm của tác giả, tôi chắc chắn phải có ít nhất năm bẩy bưu ảnh về sự đàn áp dã man của chính quyền thuộc địa đối với các cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Điển hình là cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám và những anh hùng Yên Thế. Người Pháp - nói rõ ra là Pierre Dieulefils ở Hà Nội- sản xuất cả một bộ bưu thiếp hơn 70 tấm mệnh danh là "Opérations militaires contre le De Tham" nhằm ca tụng chiến công của họ cũng đồng thời đe dọa những ai dám nổi lên chống chính quyền thực dân. Trong bộ bưu ảnh ấy, hình ảnh nghĩa quân Đề Thám bị bêu đầu và dấu vết của sự tra tấn dã man có thể làm yếu bóng vía những kẻ thấp hèn, nhưng đó lại chính là các hình ảnh nung nấu tinh thần bất khuất của con dân đất Việt đứng lên kháng chiến chống Pháp dù phải hy sinh mạng sống để giành độc lập và thứ đến là để trả thù cho những anh hùng áo vải vị quốc vong thân.


Tác giả không hề giới thiệu hay đề cập đến loại bưu ảnh đó, mà chỉ giới thiệu những hình ảnh vô thưởng vô phạt, sau khi dài dòng về... bố cục thứ hai và bố cục thứ ba của bưu ảnh. Bố cục thứ hai và bố cục thứ ba là những từ ngữ do... tác giả phát minh để gọi những con tem chết dán trên bưu ảnh và phần viết tay của người gửi.


image024


Hình ảnh lột tả sự dã man của bọn Pháp: Một


thiếu niên cháu Đề Thám bị bắt, bị tra tấn, rồi


bị chặt đầu hồi tháng 9.1909. (Bộ sưu tập TAT)


Theo tác giả, bố cục thứ hai là, nguyên văn, "một loại giá trị phi vật thể mà những nhà sưu tập tem gìn giữ như một báu vật" (trang 7). Đây chính là nhận định của người ngoại đạo trong giới chơi tem. Chẳng hề có ai sưu tầm tem lại "gìn giữ như một báu vật" những con tem đã đóng dấu bao giờ, vì tem có dấu hủy của bưu điện -dân chơi tem gọi là tem chết- thường không có giá trị gì so với tem không có dấu hủy và còn nguyên keo -tức tem sống-. Đúng ra, bưu ảnh có dán tem với dấu bưu điện được gọi là "bưu ảnh thực gửi" thì có giá trị hơn bưu ảnh còn nguyên chưa gửi mà thôi. Ngoài ra, tem là những mảnh giấy tuy rất nhỏ nhưng có chữ in, có hình vẽ, có giá tiền, có keo dán... sao lại là "phi vật thể" được?


Còn bố cục thứ ba theo nghĩa lý của tác giả là chữ viết của người gửi. Thật là một tối kiến độc đáo thay vì sáng kiến, nhất là khi tác giả cho dịch sang Anh ngữ là "layout," nhân đó tác giả phân tích thư pháp và... đoán chữ ký. Đoán người có tính khí tàn bạo, có người mạnh mẽ, có người ích kỷ, có người sợ sệt, có người bị bệnh gan, có người bệnh phổi... nơi trang 13!


Sách ảnh này lại khác bộ Di Sản Sài Gòn Saigon Heritage ở chỗ mỗi trang là một bưu ảnh trơn, không chú thích hay dẫn giải gì, ngoài một công việc thừa là dịch tên của bưu ảnh vốn đã in sẵn trong bưu ảnh rồi.


Thật là một công trình nhàn hạ cho tác giả!


Hà Nội Hình Màu En Couleurs (2013, 188 tr) thì khác với sách ảnh nêu trên.


Đây là một công trình văn hóa do Ủy Ban Nhân Dân tp Hà Nội và Hội Đồng Vùng Ile-de-France phối hợp xuất bản để kỷ niệm 25 năm hai bên kết nghĩa.


Sách do hai tác giả Đinh Trọng Hiếu (chuyên viên dân-tộc-học) và Emmanuel Poisson (chuyên viên sử-học)  ở Pháp thực hiện. Nội dung sách ảnh này gồm 65 bức, chứ không phải chỉ có 60 bức như hai tác giả tự kiểm kê nơi trang 17. Đây là những bức  ảnh mầu đầu tiên chụp tại miền Bắc Việt Nam trong các năm 1914-1917 bởi nhiếp ảnh gia Léon Busy do Albert Kahn, một chủ ngân hàng ở Pháp, tài trợ.


image026


Giá trị bộ ảnh này, vì thế, rất hiếm và rất quý vì dân Việt cùng những sinh hoạt gia đình và làng xã đô thị trong xã hội cổ Việt tiền bán thế kỷ XX được lưu giữ bằng mầu sắc trung thực và cụ thể.


Hai tác giả đã bỏ rất nhiều thì giờ tìm đọc tài liệu chuyên môn, phân tích, và cập-nhật-hóa kiến thức, tổng hợp thành một vựng tập về kỹ thuật nhiếp ảnh mầu khi kỹ thuật này mới được khai sinh, áp dụng vào việc ghi ảnh Miền Bắc nước ta. Sau đó là phần giới thiệu và dẫn giải 65 tấm ảnh mầu.


Những giải thích kỹ thuật chụp ảnh mầu rất chi li và thậm chuyên môn của các nhiếp ảnh gia thời ấy, từ trang 8 đến trang 53, thực ra, không cần thiết lắm đối với những ai bây giờ muốn khai thác bộ ảnh. Nhưng phần dẫn giải, từ trang 56 đến trang 181, hiến nhiều chi tiết giá trị về nội dung từng bức ảnh mầu qua các khía cạnh lịch sử và văn hoá Việt cổ nay đã mai một mà thế hệ người Việt dưới 50 tuổi bây giờ không thể có cơ hội trải nghiệm.


Công lao của hai tác giả, vì thế, là vực dậy những nếp sống chỉ còn âm hưởng cho người lớn tuổi và mời gọi những người trẻ tuổi bước vào quá khứ của cha ông.


Tôi rất cám ơn anh Phó Tổng Biên Tập Nguyễn Hạnh đã trao tặng những món ăn tinh thần bổ ích. Kính chúc tạp chí Xưa&Nay ngày càng phát triển khi hòa mình vào biển cả mênh mông của ngành Sử trên thế giới.


TRẦN ANH TUẤN


California, tháng 10.2019

Vài hàng về Gs Trần Anh Tuấn


image013


CÙNG MỘT TÁC GIẢ:


Sử gia Trần Anh Tuấn "phê phán" Sử gia Tạ Chí Đại Trường


Trần Anh Tuấn: "Thêm một Ấm Rồng Chu Đậu"


Gs Trần Anh Tuấn: Về chuyện phê bình sách trên Amazon.com


Gs Trần Anh Tuấn: "Một trường hợp mất gốc"


Trần Anh Tuấn: Hồi ký Một Người Mất Ngày Tháng của nhà văn Nhã Ca


Trần Anh Tuấn đọc Chinh Chiến Điêu Linh của phóng viên Kiều Mỹ Duyên


Gs Trần Anh Tuấn: Về sự tồn tại của Việt Nam Cộng Hoà


Gs Trần Anh Tuấn: Nhân kho báu triều Nguyễn...


Gs Trần Anh Tuấn: Trở lại chuyện hỏng thi thời VNCH


Trần Anh Tuấn: "Mẫu vẽ của Phố Phái"


Trần Anh Tuấn: Một tác phẩm mới về trống đồng Đông Sơn


Trần Anh Tuấn: "Nỗi buồn cổ vật"


Trần Anh Tuấn: Vài hình ảnh tháng Tư 1975


Gs. Trần Anh Tuấn: Về bộ Lịch Sử Việt Nam 15 tập của Viện Sử Học Hà Nội


Gs. Trần Anh Tuấn: Thiệp Tết, một thế kỷ sau


Gs. Trần Anh Tuấn: Đĩa "Ngũ Hạc Tề Phi"


Gs. Trần Anh Tuấn: Chúng ta thấy gì, qua những lần Việt Nam Sử Lược được tái bản trong nước?


Gs Trần Anh Tuấn: Về bộ thông sử A Story of Viet Nam của Gs Trương Bửu Lâm


Trần Anh Tuấn: Bưu ảnh 13 thủ cấp có phải là các anh hùng VNQDĐ hay không?


Vài hình ảnh tháng Tư 1975


Tính cách chuyên nghiệp trong nghề Sử


Tác phẩm mới về trống đồng Đông Sơn


 


. . .