Hồi tưởng Văn Khoa Sài Gòn

23 Tháng Mười 20194:17 CH(Xem: 8263)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - THỨ NĂM 24 OCT 2019


̀i tưởng Văn Khoa Sài Gòn


image012

Trần Anh Tuấn


̣t trời mực đậm son tươi


̣t trời Đại Học, một trời Văn Khoa.


(Đông Hồ LÂM TẤN PHÁC)


Sáng ngày 19.10.2019, khi nhận được tin vui về một cựu sinh viên ở trong nước, tôi bồi hồi nhớ lại quãng thời gian giảng dậy ngắn ngủi tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn (1972-1975) với thật nhiều kỷ niệm.


Trước hết, chuyện tôi từ trung học lên dạy đại học là hoàn toàn nhờ giáo sư Nguyễn Thế Anh. Nguyên khi tôi dạy tại trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho thì ghi danh Cao Học và hoàn tất tiểu luận dưới sự bảo trợ của giáo sư Trưởng Ban Sử Học Nguyễn Thế Anh. Tiểu luận được chấm đậu "Ưu hạng" năm 1972 là thứ hạng lần thứ hai được cấp phát tại ĐHVK Sài Gòn. Người đầu tiên đỗ hạng "Ưu" năm 1964 là giáo sư Phạm Cao Dương hiện hưu trí tại miền Nam California.


Vì thế, giáo sư họ Phạm muốn giúp tôi về dạy cùng trường với Ông tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Tôi rất cảm động về hảo ý của gs Dương. Tuy nhiên, khi giáo sư bảo trợ ngỏ ý nhận tôi vào dạy Ban Sử tại ĐHVK, tôi cám ơn ngay.


Lý do là vì tuy vào nghề Thầy, tôi lại là người phóng khoáng ghét hình thức, và làm việc tài tử: thích thì làm việc miệt mài không kể ngày đêm, nhưng có khi đang viết lại lăng ba vi bộ suốt ngày ở các sạp sách báo cũ trên vỉa hè Sài Gòn hay giang hồ vặt, có khi mất nhiều tháng trời. Đó là may không vướng vào "cái lăng nhăng" thứ ba của Tú Xương.


Kỷ niệm giang hồ là một ngày đầu tháng ngay sau khi lãnh lương, tôi ra bến xe Miền Tây ở Phú Lâm lên xe đò đi Long Xuyên thăm một người bạn thân là giáo sư Trần Đức Tường - hiện ở Nam California - đang dạy trung học Thoại Ngọc Hầu. Xuống đến Long Xuyên, việc đầu tiên là tôi ra chợ mua bàn chải, kem đáng răng, khăn mặt, quần áo... và trái cây làm quà cho gia đình bạn. Đó là lúc tôi biết một chục cam ở Long Xuyên có tới 14 quả.


Một kỷ niệm khác là tôi thường ăn mặc giản dị quần tây áo sơ-mi khi đi dạy. Vì thế một hôm tại giảng đường lớn nhất của ĐHVK là Giảng Đường I, sinh viên ngồi chật như nêm, một nam sinh chận không cho tôi đi vào. Tôi chỉ đứng cười tại chỗ rồi ai đó nói "Thầy Tuấn, thầy Tuấn..." thì tôi mới được mở lối đi lên bàn giáo sư. 


Đến bàn, tôi nhìn xuống thì, Trời ơi, ba nữ sinh viên mặc áo dài trắng bó gối thu lu mỗi người một góc dưới gầm bàn. Chuyện xảy ra ngày hôm ấy khiến tôi càng tin tưởng vào thiên chức của mình, và từ đó cũng không quên đeo cravate khi có giờ dạy.


Về Văn Khoa, tôi dạy ba buổi sáng môn Phương Pháp Sử cho Năm Thứ Nhất và hai buổi chiều môn Cổ Sử Nhật Bản và Bình Giảng Sử Liệu cho chứng chỉ Lịch Sử Thế Giới Thời Cổ. Soạn bài thì tôi bỏ rất nhiều thì giờ vì trọng nghề Thầy và vì khi soạn bài là khi tôi cũng học thêm.


Thành phần giáo sư Ban Sử khi ấy gồm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là giáo sư cơ hữu, tức chính thức của Ban, gồm có bốn vị là gs Nguyễn Thế Anh (Thạc sĩ Sử và Tiến sĩ Đệ Tam Cấp tại Paris, Pháp), gs Châu Long (Tiến sĩ đại học, Pháp), gs Đỗ Phan Hạnh (Cao Học Sử, ĐHVK Sài Gòn), và tôi.


Tuy đều là những giáo sư dạy lớp, nhưng ng̣ạch trật - cũng có nghĩa là lương bổng - hoàn toàn khác nhau. Giáo sư Nguyễn Thế Anh và Châu Long thuộc ngạch Giáo sư Diễn Giảng (chỉ số lương 1,000-1,100?) dù ông Châu Long chỉ là tiến sĩ đại học Pháp (docteur d'Université). Gs Đỗ Phan Hạnh thuộc ngạch Giảng Sư (chỉ số lương 700-800?) và tôi thuộc ngạch Giáo Sư Trung Học Đệ Nhị Cấp (chỉ số lương 470) tuy cả hai đều có Cao Học.


Cao Học mà được đặc cách vào ngạch Giảng Sư - là ngạch căn bản phải có văn bằng tiến sĩ - là một vết nhơ của giáo dục Đại Học thời VNCH.


Cao Học chỉ là ngạch Phụ Khảo. Nhưng bấy giờ một bộ trưởng Phủ Thủ Tướng có người em làm Phụ Khảo ở Đại Học Sư Phạm Sài Gòn nên ký một nghị định đặc cách cho các Phụ Khảo được cải ngạch thành Giảng Sư. Nghị định lại đặc biệt chỉ giới hạn những Phụ Khảo trong thời điểm phù hợp với tình trạng của em ông ta, sau thời điểm đó thì dù đang ở ngạch Phụ Khảo còn phải thi tuyển. Thế là Hội Đồng Khoa - tức là Ban Giám Đốc - của Trường Văn Khoa tổ chức một kỳ thi cho những Phụ Khảo hiện hữu không những không được cải ngạch Giảng Sư mà còn phải thi vào ngạch Phụ Khảo. Hôm thi, các đại giáo sư Văn Khoa đều lánh mặt, đùn cho một giáo sư ngoại quốc hiền lành là gs Philippe Langlet làm Giám Thị. Tội nghiệp, Ông chỉ biết ngồi trên bàn như phỗng đá! Nhưng tất cả các Phụ Khảo hiện hữu phản đối không ai làm bài thi. Và chuyện ngạch trật cũng qua đi như một cơn gió chướng, thời buổi nhiễu nhương vô đạo đức ai hưởng được cái gì cứ hưởng!  


Sự việc vô lý và bất công ấy khiến tôi thấm thía lời của Lê Duẩn, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, khi ông ta nhận định, nguyên văn: "Bọn tư bản chúng nó làm luật để bảo vệ quyền lợi của chúng nó. Nay ta phải làm luật để bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân chúng ta."


image014

Chứng Minh Thư của Đại Học Văn Khoa Sài Gòn thời VNCH.


Riêng tôi buổi ấy đâu thiết tha gì đến quyền lợi vật chất. Từ năm 1967 cho đến năm 1975, tôi vẫn hưởng lương GSTHĐ2C hạng Tư là hạng đầu tiên khi ra trường ĐHSP Sài Gòn năm 67 cũng chẳng sao! Chẳng có cấp trên nào làm giấy tờ cho tôi lên ngạch trật theo luật lệ tôi cũng chẳng để ý. Nhưng tranh nhau, gian dối đến độ phải đạo văn người khác hay giúp người khác đứng tên công trình của mình làm công trình nghiên cứu của họ để họ lên ngạch và thêm lương theo phe đảng chỉ làm tôi khinh bỉ.


Nhóm thứ hai là qúy vị giáo sư dạy giờ, gồm gs Philippe Langlet (Thạc sĩ Sử và Tiến sĩ Đệ Tam Cấp tại Paris, Pháp, thuộc Phái Bộ Văn Hoá Pháp), gs Nghiêm Thẩm (Tốt nghiệp Bảo Tàng Học, Louvre, Pháp, Giám Đốc Viện Bảo Tàng Sài Gòn), gs Thọ Xuân Lê Văn Phúc (Giáo viên hồi hưu), và gs Phạm Cao Dương (Giáo sư Đại Học Sư Phạm Sài Gòn).


Trong biến cố 30.4.1975 thì gs Nguyễn Thế Anh, gs Đỗ Phan Hạnh và gs Phạm Cao Dương  chạy được sang Pháp, Canada và Mỹ. Còn lại là gs Châu Long, gs Thọ Xuân Lê Văn Phúc, gs Nghiêm Thẩm và tôi.


Những người còn lại nổi trôi theo vận nước. Gs Châu Long được cấp phát một biệt thự 18 phòng ở Phú Nhuận vì ông "nằm vùng," tức là hoạt động nội thành cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Gs Thọ Xuân Lê Văn Phúc gặp lại nhóm bạn giáo viên xưa, nay đã là những cán bộ văn hóa cao cấp của chính quyền mới.


Gs Nghiêm Thẩm bị thảm sát không rõ lý do, hoặc là vì cán bộ văn hoá cao cấp nào đó thèm muốn kho sách qúy giá của Ông, hoặc là lụy vì tình. Còn tôi thì bị tù tập trung trong các Trại Trảng Lớn, Đồng Ban, và Xuân Lộc trong ba năm.


Thuở ấy tôi toàn tâm toàn ý với ngành nghiên cứu Sử -cho đến bây giờ vẫn thế-. Lý tưởng của người giáo sư trẻ từ thập niên 1960-70 không phải là tiền bạc hay quyền thế địa vị. Đơn thuần chỉ là đọc và viết Sử theo phương châm tất cạ̉ thật và không gì ngoài sự thật cùng nhận định chết là cùng!


Sau ngày 30.4.1975, cái nhận định ấy đã được tôi áp dụng tại Trại Tập Trung Trảng Lớn, Tây Ninh mà đội trưởng cùng bị cầm tù là bác sĩ Nguyễn Tường Vân. Một hôm sau khi đi họp với cán bộ về, lo lắng nói riêng với tôi là anh trung úy cán bộ quản giáo nói, nguyên văn, "Anh Tuấn khinh chúng tôi." Lúc ấy tôi chỉ thản nhiên cười mà không giải thích với anh Vân là tôi đang mừng trong lòng. Mừng vì mình thế nào họ mới nói là "khinh," chứ họ coi thường thì sẽ nói " hỗn," hay "láo" chứ! Anh Vân, bây giờ anh ở đâu? Nếu còn hiện diện trên Trái Đất này, hẳn tuổi anh cũng đã trên dưới 80 và mong anh được an khang trường thọ.


Tính cách đó đã từng biểu lộ qua các giảng đường Đại Học Văn Khoa đường Cường Để những năm 1972-75 chắc phần nào nhận được sự cảm thông của hơn 3,000 sinh viên Ban Sử. Trong số sinh viên hay tìm gặp tôi sau giờ học, tôi nhớ có một nhóm chủng sinh đại chủng viện đang học Năm Thứ Nhất và sáng nay, tôi tình cờ biết được tin mừng rất vui, về một người trong nhóm đó.


Niềm vui được trọn vẹn, không như niềm vui bàng hoàng khi một cựu sinh viên khác giữ vai trò quan trọng trong guồng máy nhà nước Cộng Sản.


TRẦN ANH TUẤN


10.2019