Khám phá di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội)

15 Tháng Mười Một 20197:07 SA(Xem: 7383)

VĂN HÓA ONLINE - VIỆT NAM - THỨ SÁU 15 NOV 2019


Khám phá di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội)


Đây là nơi người Việt cổ từng sinh sống trước kia, trải dài suốt 3.500 năm với dấu ấn các nền văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun cho đến Đông Sơn. Những hiện vật tìm thấy được ở đây vô cùng phong phú, từ đồ đá, đồ đồng, đồ gốm cho đến đồ gỗ.


Giải pháp bảo tồn di chỉ Vườn Chuối


Thứ Ba, 12/11/2019, 21:26:34


NDĐT - Ngày 12-11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có văn bản số 4220/SVHTT-QLDT báo cáo UBND TP Hà Nội về giải pháp bảo vệ di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội).


image013


Theo báo cáo, từ năm 1969 đến nay , khu vực Vườn Chuối đã có chín cuộc khai quật khảo cổ. Hiện tại khu vực Vườn Chuối gồm ba gò: Vườn Chuối, Dền Rắn, Mỏ Phượng nằm trong Dự án khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch; một phần phía tây gò Vườn Chuối năm trong phạm vi mở đường vành đai 3,5. Việc xây dựng thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến di chỉ nên Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã cho phép khai quật một phần di chỉ từ tháng 4 đến tháng 10-2019.


Sau khi khai quật, các nhà khoa học đã đề xuất ba phương án bảo tồn. Trong đó, có giải pháp bảo tồn 6.000 m2 nửa phía đông di chỉ, khoanh vùng bảo vệ và xây dựng hồ sơ xếp hạng; khai quật nghiên cứu 6.000 m2 nửa phía tây và khu gò Dền Rắn, Mỏ Phượng, sau đó tiếp tục xây dựng. Tiếp đó, ngày 11-11-2019, Viện Khảo cổ học có văn bản số 370/TTr-KCH, kiến nghị Hà Nội bảo tồn di chỉ theo phương án kể trên.


Sở Văn hoá và Thể thao thống nhất với nội dung đề nghị của Viện Khảo cổ học tại văn bản số 370/TTr-KCH; Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phối hợp Viện Khảo cổ học có văn bản gửi UBND huyện Hoài Đức về việc đưa 6.000 m2 phía đông di chỉ vào khu vực bảo vệ, làm cơ sở triển khai các công việc tiếp theo; tiếp tục khai quật phần còn lại để nghiên cứu.


Sở Văn hoá và Thể thao cũng đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo chủ đầu tư các dự án tại khu vực Vườn Chuối có biện pháp bảo vệ di chỉ; chỉ đạo UBND huyện Hoài Đức phân công các đơn vị thường xuyên bảo vệ , ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi đào trộm cổ vật. Trường hợp thấy có khả năng có di tích hoặc di vật , cổ vật, chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho UBND huyện Hoài Đức, Ban Quản lý đi tích danh thắng Hà Nội để có biện pháp xử lý kịp thời.


Di chỉ 3.500 năm tuổi sắp biến mất vĩnh viễn


Thứ Sáu, 19/04/2019, 09:24:26


NDĐT - Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đang đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn chỉ trong thời gian rất ngắn nữa, bởi công trình thi công đường vành đai 3.5 đã ủi và san lấp sát phần Vườn Chuối, đồng thời, toàn bộ khu vực trung tâm di chỉ khảo cổ này đã bị chặt phá hết cây cối.


image014


Khu di chỉ Vườn Chuối đã được rải bạt để làm đường


Ông Nguyễn Văn Thắng, người dân thôn Lai Xá cho biết, tại công trình đường vành đai 3.5, hiện đơn vị thi công đang san lấp vào sát đến Vườn Chuối, còn ở khu vực trung tâm, toàn bộ cây cối đã bị chặt phá hết để chuẩn bị san ủi. “Vườn Chuối hiện tại đã bị san nền, trải bạt, đổ cát lót đường, chỉ vài ngày nữa là có nguy cơ vĩnh viễn bị chôn vùi dưới nền đường” - ông Nguyễn Văn Thắng xót xa cho biết.


image015

Cây cối bên trong Vườn Chuối đã bị chặt hạ.


Được biết, trước đó, ngày 8-4, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội đã có văn bản gửi UBND huyện Hoài Đức, nêu rõ, di chỉ khảo cổ Vườn Chuối là một trong những địa điểm khảo cổ thuộc giai đoạn văn hóa Đồng Đậu trên địa bàn Hà Nội. Hiện tại, chỉ giới dự án mở đường 3.5 do UBND huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư có đi qua một phần khu khảo cổ học Vườn Chuối. Để chủ động phối hợp giữa các bên liên quan, Sở VHTT Hà Nội đề nghị trong quá trình thực hiện dự án mở đường 3.5, UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với Sở VHTT, Viện Khảo cổ học và các đơn vị liên quan quản lý, bảo vệ hiện trạng mặt bằng di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, giải quyết những phát sinh theo các quy định của pháp luật về công tác thăm dò, khai quật khảo cổ học trên địa bàn Thành phố và tiến độ thực hiện dự án.


image016

Xe, máy đang san ủi mặt bằng tại Vườn Chuối.


Sở cũng đề nghị UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo chủ đầu tư cung cấp các mốc chỉ giới Dự án mở đường 3.5 trên hiện trường khu di chỉ Vườn Chuối để Sở có phương án ưu tiên khai quật những địa điểm mà dự án sẽ đi qua, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án đúng quy định. Đồng thời, Sở Văn hóa và Thể thao cung cấp bản đồ vị trí thăm dò, khai quật khảo cổ di chỉ Vườn Chuối để chủ đầu tư dự án đường 3.5 căn cứ xác định mốc giới trên hiện trường, thống nhất phương án và kế hoạch triển khai thực hiện.


image017


Ông Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, đầu tháng 4, đơn vị thi công khi di chuyển vị trí một số ngôi mộ đã tìm thấy một số hiện vật bằng sứ và đồng. Người quản trang đã chôn lấp tạm thời các hiện vật này tại nghĩa trang và liên hệ với Ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội xuống nghiên cứu, tiếp nhận.


Ông Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, đến nay chưa thấy cơ quan chức năng xuống khảo sát, tìm hiểu thực tế tại Vườn Chuối, còn công trình thi công thì vẫn đang ngày đêm xúc tiến, khiến di chỉ khảo cổ 3.500 năm này đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.


image018


Khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối thuộc địa phận làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, có tổng diện tích 19.000 m2, được khai quật lần đầu tiên vào năm 1969.


Đây là nơi người Việt cổ từng sinh sống trước kia, trải dài suốt 3.500 năm với dấu ấn các nền văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun cho đến Đông Sơn. Những hiện vật tìm thấy được ở đây vô cùng phong phú, từ đồ đá, đồ đồng, đồ gốm cho đến đồ gỗ.


Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành văn bản về việc bảo tồn di chỉ khảo cổ này. Theo đó, Hà Nội giao UBND huyện Hoài Đức chủ động phối hợp các đơn vị liên quan trong việc bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng di chỉ Vườn Chuối như hiện nay; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cải tạo, xây dựng công trình ở các khu vực liên quan đến di chỉ.


image019

Được biết, tối qua 18-4, khi đơn vị thi công đào múc mặt bằng, đã tiếp tục làm phát lộ một số hiện vật khảo cổ.


Chính thức khởi công dự án khai quật di chỉ khảo cổ Vườn Chuối


Thứ Bảy, 11/05/2019, 09:15:06


NDĐT – Sau một thời gian dài chờ đợi, cuối cùng dự án khai quật di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã chính thức xuống những nhát cuốc đầu tiên ngày 10-5. Dự án do PGS, TS Bùi Văn Liêm và GS, TS Lâm Thị Mỹ Dung đồng chủ trì, sẽ thăm dò và khai quật trên diện tích khoảng 500m2 trong khu vực Vườn Chuối.


image020


Đây là tin vui không chỉ với giới khảo cổ, những người yêu văn hóa, di sản…, mà còn cả với những người dân thôn Lai Xá, những người đã hàng chục năm nay sinh sống, bảo vệ và giữ gìn di sản quý giá của quê hương mình.


Có mặt tại buổi lễ khởi công dự án, có đại diện của các cơ quan liên quan, như Trưởng Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Nguyễn Doãn Văn – đơn vị được TP Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư, kết nối để các đơn vị nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ thăm dò, khai quật di chỉ; TS Nguyễn Gia Đối, Viện trưởng Viện Khảo cổ học; PGS, TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, chủ nhiệm dự án khai quật; TS Bùi Đức Tiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Nhân học, đại diện của UBND huyện, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, Ban quản lý dự án huyện Hoài Đức. PGS, TS Nguyễn Văn Huy…


PGS, TS Bùi Văn Liêm cho biết, mục đích cuộc khai quật lần này là nhằm tìm hiểu diện mạo, hiện trạng cũng như quy mô của di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, đồng thời tìm hiểu những giá trị tiêu biểu, đặc sắc của một trong những di chỉ có từ thời dựng nước ở Hà Nội. Chúng tôi cũng sẽ kiểm tra lại toàn bộ môi trường sinh thái, địa lý, nhân văn của vùng di chỉ này.


PGS, TS Bùi Văn Liêm cũng cho biết, nhóm khai quật cũng sẽ có những hội thảo đầu bờ, và từ những báo cáo kết quả khai quật sẽ có các kiến nghị cụ thể với Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, với TP Hà Nội để có những biện pháp bảo tồn phù hợp.


Cần một công viên khảo cổ tại Vườn Chuối


Chủ Nhật, 27/10/2019, 17:43:10


NDĐT – Cần thiết có một công viên chuyên đề khảo cổ tại khu di chỉ Vườn Chuối, vừa tạo thành điểm du lịch thú vị, vừa giúp lưu giữ những giá trị di sản của cha ông, lại tăng thêm giá trị cho các khu đô thị mới sau này. Đó là ý kiến của hầu hết các nhà khoa học tại Hội nghị tổng kết kết quả thăm dò, khai quật khu di chỉ Vườn Chuối (Hoài Đức, Hà Nội) vừa qua.


image022


Ba phương án cho Vườn Chuối


Vườn Chuối là di chỉ duy nhất đến nay còn lưu giữ cả ba giai đoạn phát triển văn hóa Tiền Đông Sơn – Đông Sơn. Dựa trên các kết quả khai quật nghiên cứu khảo cổ tại Vườn Chuối, các nhà khoa học của dự án thăm dò, khai quật Vườn Chuối đã đưa ra ba phương án khả thi đối với bảo tồn khu di chỉ độc đáo này.


Phương án thứ nhất, là bảo tồn nguyên trạng toàn bộ cụm di chỉ Vườn Chuối với tổng diện tích phân bố gần 12 nghìn m2, gồm ba gò Vườn Chuối, Dền Rắn và Mỏ Phượng), trong đó khoanh vùng khu vực bảo tồn bằng các mốc giới. Trong phạm vi bảo tồn, tiếp tục khai quật, nghiên cứu làm rõ những giá trị đặc trưng của của di tích và xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng theo Luật Di sản văn hóa. Bảo tồn nguyên trạng và nghiên cứu là phương pháp phù hợp nhất trong điều kiện ngành khảo cổ học hiện nay còn đang thiếu các phương tiện máy móc hỗ trợ nghiên cứu, giúp tránh được thất thoát thông tin khoa học còn lưu giữ trong lòng đất.


image023

Mộ táng Đông Sơn ở Vườn Chuối.


Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là mâu thuẫn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của khu vực và của thành phố, vì hiện nay phần lớn di tích nằm trong dự án đường vành đai 3.5 của Hà Nội đang thi công, đồng thời phần diện tích còn lại thuộc về dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung – Di Trạch…


Phương án thứ hai là dành một phần Vườn Chuối để dựng bia giới thiệu về cụm di chỉ khảo cổ này, đồng thời xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng khi đủ điều kiện. Khai quật và di dời di tích trước khi xây dựng. Phương án này không chú trọng vào bảo tồn di sản văn hóa mà chỉ tập trung cho phát triển kinh tế xã hội, và hoàn toàn phá hủy nguồn tài nguyên di sản văn hóa quý giá này của Hà Nội, và sẽ gây ra tác hại lâu dài.


Phương án thứ b là bảo tồn 6 nghìn m2 phía đông di chỉ, tiến hành khai quật nghiên cứu 6 nghìn m2 nửa phía Tây, song song với xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích này trước khi di dời. Đối với nửa diện tích phía đông, cần khoanh vùng bảo vệ và xây dựng thành công viên di tích hoặc bảo tàng cộng đồng trưng bày, giới thiệu về giá trị của di tích tới người dân, du khách và những ai quan tâm.


Phương án này kết hợp hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị của di sản với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng giao thông của thành phố.


Hiện nay chúng ta chưa có một dự án nào khai quật, nghiên cứu tổng thể vè làng Việt cổ thời đại Kim khí từ giai đoạn Phùng Nguyên đến Đông Sơn.


Việc nghiên cứu phần diện tích còn lại ở Vườn Chuối, Dền Rắn và Mỏ Phượng sẽ mang đến những tư liệu quý báu, góp phần đem đến nhận thức toàn diện về một làng Việt cổ ở châu thổ sông Hồng thời Kim khí cách đây hàng nghìn năm.


Chúng ta cũng còn một nửa diện tích di chỉ được bảo tồn nguyên vẹn để phục vụ những nghiên cứu bổ sung trong tương lai. Các di vật, tư liệu thu được trong quá trình thu được sẽ phục vụ trưng bày trong Bảo tàng Hà Nội và bảo tàng cộng đồng được xây ngay trong khuôn viện di tích.


Tuy nhiên, phương án này cũng có hạn chế là sẽ có một khối lượng công việc rất lớn gồm nhiều dự án thành phần như khai quật nghiên cứu khảo cổ học, chỉnh lý trưng bày di tích tại bảo tàng, xây dựng khảo cổ học cộng đồng ở Lai Xá… đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo cấp thành phố.


Nhiều nhà khoa học ủng hộ một công viên khảo cổ


Tại hội nghị, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã bày tỏ quan điểm tán thành phương án xây dựng một công viên khảo cổ tại Vườn Chuối. TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho rằng, Vườn Chuối nên chăng cần một công viên khảo cổ học, không chỉ giải quyết vấn đề bảo tồn mà còn phục vụ cho chính những khu đô thị hiện đại. Chúng ta cũng có thể học tập Hàn Quốc xây dựng những công viên khảo cổ, giữ nguyên các hố khai quật, có trưng bày di vật, giới thiệu thông tin, đồng thời biến nơi đây thành nơi phục vụ cho đào tạo các ngành khảo cổ. “Về lâu dài, chúng ta cần những nơi như thế này để phục vụ nghiên cứu, đào tạo” – ông nói.


TS địa chất Nguyễn Văn Toản cho rằng, di chỉ Vườn Chuối lưu giữ nhiều thông tin quý, liên quan đến nhiều giai đoạn lịch sử. “Nếu chúng ta không bảo tồn là có tội với tiên tổ. Ở nhiều dự án đường, có những cây cổ thụ trăm tuổi, đường cũng phải vòng tránh. Huống chi đây là một di chỉ hơn 2.500 năm, càng cần phải gìn giữ” – ông nói.


image024

PGS. TS Bùi Văn Liêm, người phụ trách dự án báo cáo tại Hội nghị.


TS Vũ Quốc Hiền, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng bày tỏ mong muốn giữ lại di tích, bởi những di tích như thế này không còn nhiều ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông Vũ Quốc Hiền cũng phân tích rằng cần phải chiểu theo điều kiện thực tế. Đối với những khu đô thị, chúng ta cần tính toán để có được sự hài hòa. Ông cũng ủng hộ việc xây dựng một công viên khảo cổ ở đây: “Cần biến nơi này thành công viên khảo cỏ, nơi học tập cho sinh viên chuyên ngành khảo cổ”.


TS Nguyễn Tiến Đông thì đưa ra một thí dụ về một khu khai quật khảo cổ ở phía bắc nước Anh, nơi mà những ai muốn vào khai quật đều phải nộp khoản tiền phí 100 bảng Anh để đào trong năm ngày. Ông cũng mong mỏi các cơ quan chức năng ngồi với các nhà khoa học, nghe các nhà khoa học đề xuất. Giải pháp xây dựng một công viên khảo cổ là hoàn toàn khả thi ở đây, với nhiều cách tạo nguồn thu như bán đồ lưu niệm, mở căng tin, mở dịch vụ…


TS Bùi Hữu Tiến, người theo sát dự án khảo cổ tại Vườn Chuối từ những ngày đầu chia sẻ, cần phải gìn giữ, bảo tồn di tích này cho con cháu chúng ta, không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có được một di chỉ khảo cổ chứa đựng lịch sử của nhiều giai đoạn như thế này. Lập một công viên khảo cổ không chỉ giúp bảo tồn di tích, mà còn là lời cảm ơn hữu hiệu nhất tới những người dân Lai Xá, những người đã góp phần rất lớn phát hiện và gìn giữ di tích này.


TUYẾT LOAN


Cần sớm lập hồ sơ xếp hạng di tích cho Vườn Chuối


Thứ Ba, 22/10/2019, 16:08:10


NDĐT – Ngày 22-10,tại hội nghị tổng kết dự án thăm dò, khai quật nghiên cứu khảo cổ học cụm di chỉ Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội), Cục phó Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Đình Thành đã đề xuất các bên liên quan sớm xây dựng hồ sơ để xếp hạng di tích cho cụm di chỉ khảo cổ này.


image011


Ông Trần Đình Thành cho biết, với các kết quả nghiên cứu đã đạt được, Cục sẽ kiến nghị để tiếp tục khai quật khảo cổ địa điểm này, và tiến tới phải làm hồ sơ xếp hạng để có cơ sở bảo vệ di tích. Ông đề nghị Ban quản lý di tích, danh thắng Hà Nội tập hợp toàn bộ tư liệu, tài liệu để có cơ sở hình thành, chứng minh giá trị độc đáo của di chỉ khảo cổ này, từ đó trình lên TP Hà Nội xem xét.


image025


Trước mắt, trong khi chờ làm hồ sơ, tài liệu để kiến nghị xếp hạng di tích này, Cục phó Cục Di sản văn hóa cũng đề nghị các cấp chính quyền địa phương vào cuộc hỗ trợ trong việc bảo vệ khu di tích trước nguy cơ bị xâm phạm, hạn chế các hoạt động xây dựng ở khu vực này, cũng như có những biện pháp ngăn chặn nạn đào trộm cổ vật đã diễn ra liên tục kể từ trước khi có dự án khai quật và cả sau khi dự án đã khép lại.


Ông Trần Đình Thành cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ cùng Ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sớm làm việc với chính quyền địa phương để có những điều chỉnh định hướng phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà thành phố đã có trong khu vực này.


Di sản vô giá ở Vườn Chuối


Thứ Sáu, 25/10/2019, 09:41:22


NDĐT – Sau hơn năm tháng khai quật, nghiên cứu, các nhà khoa học của Viện khảo cổ học Việt Nam đã có những kết quả sơ bộ ban đầu về giá trị lịch sử, văn hóa… của khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội).


image011

Hố khai quật ở Vườn Chuối.


Những lớp đất chứa ba giai đoạn văn hóa


Đây là cuộc khai quật nghiên cứu lần thứ 9 tính từ năm 1969 đến nay, theo quyết định hồi tháng 4 năm nay của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với diện tích khai quật là 500m2 tại các khu vực gò Mỏ Phượng (hay còn gọi là Mả Phượng), gò Dền Rắn và gò Vườn Chuối.


Báo cáo của đoàn công tác do TS Bùi Văn Liêm, Viện phó Viện Khảo cổ học công bố cho thấy, toàn bộ khu vực Vườn Chuối bao gồm sáu gò Chùa Gio, Đình Lỗ, Chiềng Vậy nay đã trở thành một phần của Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, cùng với ba gò còn lại chính là khu vực khai quật, nghiên cứu nói trên. Hiện tại ba gò Mỏ Phượng (hay còn gọi là Mả Phượng), gò Dền Rắn và gò Vườn Chuối đều thuộc phạm vi dự án xây dựng khu đô thị mới của Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng, cảnh quan đã hoàn toàn bị thay đổi do san lấp mặt bằng.


Các hố khai quật được mở ở Vườn Chuối với hai hố, mỗi hố 100m2, cùng 75 hố thăm dò ở cả ba gò.


image026

Vết tích của đồ đồng.


Kết quả khai quật cho thấy, ở hố khai quật thứ nhất, trong hai tầng văn hóa bên trên, các di vật hầu hết có dấu ấn của giai đoạn Gò Mun và Đồng Đậu. Ở hố khai quật thứ hai, tầng văn hóa trên cùng có lưu giữ nhiều gốm vụn thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn. Các di vật ở các địa tầng cho thấy có sự phát triển trực tiếp từ Gò Mun đến Đông Sơn ở Vườn Chuối.


Hơn nữa, theo báo cáo của các nhà khảo cổ, tầng văn hóa Đông Sơn ở vách đông hố đào diễn biến khá liên tục từ sớm đến muộn, góp phần bổ sung tư liệu thu được ở vách bắc rằng có giai đoạn Gò Mun phát triển sớm muộn nhưng lại chưa thấy các giai đoạn này của văn hóa Đông Sơn.


Về Gò Mun, tầng văn hóa này xuất hiện đều từ trên gò đến dưới đáy ao, hồ, và sự xuất hiện của lớp đất phù sa bồi tụ ghi nhật vị trí hố khai quật nằm giữa khu cư trú trên gò vào ao hồ trũng ở thời Gò Mun.


Dấu tích di vật của giai đoạn văn hóa Đồng Đậu có xuất hiện ở tầng văn hóa bên dưới Gò Mun nhưng không phân tách thành lớp riêng mà bị lẫn giữa cả Gò Mun và Đông Sơn, ghi nhận sự phát triển liên tục theo thời gian giữa hai giai đoạn văn hóa Đồng Đậu – Gò Mun. Không gian phân bố của của di tích giai đoạn văn hóa Đồng Đậu còn tiếp tục phát triển về phía bắc của gò Vườn Chuối cho tới khu vực gò Đình Lỗ. Tuy nhiên, hiện nay khu vực từ gò Đình Lỗ đến sát phía bắc gò Vườn Chuối đã trở thành nghĩa trang cho nên không có khả năng khai quật nghiên cứu.


Những di vật đặc biệt


Chính vì chứa đựng tới ba tầng văn hóa, cho nên Vườn Chuối cũng phát lộ những di vật hết sức đặc biệt. Đầu tiên phải kể đến 15 ngôi mộ táng Đông Sơn, trong đó có 13 mộ huyệt đất và hai mộ quan tài gốm. Đây là lần đầu tiên phát hiện một số lượng mộ táng nhiều và tập trung như vậy tại một địa điểm ở Hà Nội. Các nhà khoa học cũng dự đoán nếu mở rộng khai quật sẽ phát hiện thêm nhiều mộ táng Đôgn Sơn chôn ở khu vực này.


13 mộ huyệt đất đều là mộ chôn nằm thẳng, theo nhiều hướng khác nhau, và di cốt đều ở trong tình trạng rất mục nát. Đồ tùy táng gồm đồ đồng, gốm, ở năm mộ, các mộ còn lại không có. Mộ quan tài gốm gồm hai mộ nồi vò, nhưng các nhà khảo cổ cũng không loại trừ khả năng những nồi vò mộ này là đồ tùy táng của các mộ huyệt đất mà đến nay vẫn chưa tìm thấy biên mộ.


image027


Tại Vườn Chuối, cũng phát hiện nhiều di tích liên quan đến sinh hoạt hàng ngày của con người thời Tiền Đông Sơn – Đông Sơn, gồm các khu bếp đun nấu, vết tích lò nấu đồng, các hố đất đen, hố chân cột, vết tích nền sân hoặc nền kiến trúc…


Kết quả khai quật cũng phát hiên khoảng hơn 1.000 hiện vật đá với các nhóm công cụ lao động, đồ trang sức và các loại hình hiện vật khác, 40 hiện vật đồng gồm cả công cụ sản xuất, vũ khí cùng khaongr 300 viên xỉ đồng li ti lẫn trong các khu bếp lửa. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra nhiều mảnh tre, gỗ trong lớp bùn đáy ao, hồ ở hố 2, nhiều mảnh có vết chặt, đẽo, gọt, cùng với xương răng động vật, chủ yếu là trâu bò và một ít mảnh vỏ ốc. Số lượng đồ gốm thu được khá lớn, ước tính khoảng hơn 10 nghìn mảnh, tương đương với 1 tấn gốm.


Những phác thảo sơ bộ về đời sống, con người qua các giai đoạn lịch sử.


Những di tích, di vật thu được trong đợt khai quật này cùng tư liệu từ các đợt trước đã bước đầu cho chúng ta một phác thảo về đời sống, xã hội con người qua nhiều giai đoạn lịch sử ở Vườn Chuối.


Số lượng lớn các di vật đồ đá, đồ đồng.. cho thấy sự cư trú, triển khai các hoạt động sống thường nhật và các ngành nghề thủ công như đúc đồng, chế tác đồ đá, gốm, gỗ, đan lát, thậm chí là dệt vải của con người ở đây qua các thời kỳ.


image028

Một phần trong số các mảnh gốm đào được ở Vườn Chuối.


Dấu vết còn lại của rìu, bôn, đục, vòng tay, khuyên tai, hạt chuỗi… cho thấy kỹ thuật chế tác tinh xảo với nguyên liệu đều là từ đá ngọc. Đồ đồng gồm rìu, lưỡi câu, mũi giáo được phát hiện chủ yếu ở tầng văn hóa Đông Sơn nhưng cũng xuất hiện ở cả Gò Mun và Đồng Đậu.


Những hiện vật còn lại cho thấy các cư dân cổ Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn đã nắm vững và phát huy đến trình độ rất cao những nghề thủ công như chế tác đồ đá, đồ gốm, gỗ, nấu đúc kim loại đồng, xe sợi dệt vải… Những dấu tích vỏ trấu in trên một số mảnh gốm, mảnh đất nung cho thấy thông tin về nghề nông, trồng lúa nước. Vết tích của nghề chài lưới, bắt cá được tìm thấy qua các viên chì lưới bằng đất nung và lưỡi câu đồng.


Như vậy, trong điều kiện tự nhiên với môi trường hoang sơ, thuận lợi cho khai thác, các cư dân Vườn Chuối từ giai đoạn Đồng Đậu đã có đủ nghề từ trồng lúa nước, săn bắt/bắn, hái lượm, cho đến các nghề thủ công cơ bản.


Những dấu vết để lại ở Vườn Chuối cũng cho thấy không gian cư trú của cư dân giai đoạn Tiền Đông Sơn – Đông Sơn tại Hoài Đức và Hà Nội từ buổi bình minh của lịch sử. Hơn nữa, qua một số mảnh gốm Phùng Nguyên xuất hiện ở lớp dưới Vườn Chuối, Chùa Gio – Lai Xá, có thể thấy ở Hoài Đức đã bắt đầu có cư dân Phùng Nguyên muộn cư trú.


Như vậy có thể thấy, với những kết quả sơ bộ ban đầu, có thể khẳng định giá trị của Vườn Chuối trong việc lưu giữ những thông tin quý giá về sự phát triển liên tục hiếm có ở khu vực này qua nhiều giai đoạn văn hóa kể từ Tiền Đông Sơn – Đông Sơn, và cung cấp những dữ liệu ban đầu về cuộc sống của con người ở buổi bình minh của lịch sử ở ngay trên chính mảnh đất Thăng Long – Hà Nội này.


TUYẾT LOAN. Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH


Cho phép khai quật khảo cổ ở Di chỉ Vườn Chuối


Thứ Tư, 24/04/2019, 10:11:02


NDĐT – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định số 1470/QĐ-BVHTTDL về việc cho phép thăm dò, khai quật khảo cổ tại khu vực Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội).


image029


Khu Gót Vườn Chuối đã được trải bạt, rải cát để làm đường.


Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò, khai quật tại ba khu vực gò Vườn Chuối, gò Mỏ Phượng, gò Dền Rắn thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Thời gian thăm dò, khai quật từ ngày 25-4 đến 30-11 trên diện tích 500m2, trong đó, hoạt động thăm dò là 300m2, khai quật là 200m2.


Tại gò Vườn Chuối, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội được phép thăm dò 100m2, khai quật 200m2; tại gò Mả Phượng và gò Dền Rắn chỉ diễn ra hoạt động thăm dò trên diện tích 100m2.


image030

Đống đất đá của đơn vị thi công đào lên từ Vườn Chuối.


Quyết định nêu rõ, trong thời gian thăm dò, khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích, có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa. Những hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò, khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng Hà Nội để giữ gìn, bảo quản. Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.


Sau khi kết thúc đợt thăm dò, khai quật, chậm nhất ba tháng, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ và sau một năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa.


image031

Người dân đào bới tìm kiếm những mảnh hiện vật còn sót lại trong đống đất đá.


Ông Nguyễn Văn Thắng, người dân thôn Lai Xá, xã Kim Chung cho biết, người dân sống chung quanh khu vực khảo cổ rất vui mừng khi biết Bộ ra quyết định khai quật khu di chỉ. Hằng ngày, ông vận động người dân ra theo dõi, quan sát khu vực thi công, và một số người dân trong quá trình đào bới đống đất mà đơn vị thi công đổ ra, đã tìm thấy nhiều mảnh hiện vật gốm, sành, sứ…


Ông Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, hiện tại đơn vị làm đường vành đai 3.5 đã dừng đào bới, chặt cây ở khu vực trung tâm Vườn Chuối, còn tại khu Gót Vườn Chuối, họ đã san nền xong và trải bạt chuẩn bị đổ đá…


Khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối thuộc địa phận làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, có tổng diện tích 19.000 m2, được khai quật lần đầu tiên vào năm 1969.


Đây là nơi người Việt cổ từng sinh sống trước kia, trải dài suốt 3.500 năm với dấu ấn các nền văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun cho đến Đông Sơn.


Những hiện vật tìm thấy được ở đây vô cùng phong phú, từ đồ đá, đồ đồng, đồ gốm cho đến đồ gỗ.


Hiện tại, di chỉ đang đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn bởi công trình đường vành đai 3.5 chạy qua toàn bộ phần diện tích của di chỉ.


PGS,TS Nguyễn Văn Huy:


Từ vụ di chỉ Vườn Chuối: Cần phải có quy hoạch khảo cổ


Thứ Ba, 24/07/2018, 14:35:32


image032
PGS, TS Nguyễn Văn Huy.


NDĐT – Trao đổi chung quanh việc di chỉ khảo cổ Vườn Chuối có niên đại 3.500 năm vừa bị san lấp, PGS,TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, đây là di chỉ có giá trị vô cùng quý giá với cả nước và Hà Nội. Việc di chỉ này bị ngang nhiên san lấp là một mất mát lớn của lịch sử dân tộc, bởi không phải nước nào trên thế giới cũng tìm được một di tích khảo cổ niên đại sâu như vậy.


- PV: Thưa PGS, TS Nguyễn Văn Huy, xin ông cho biết những giá trị đặc biệt của di chỉ khảo cổ Vườn Chuối ở làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội)?


- PGS, TS Nguyễn Văn Huy: Vườn Chuối được phát hiện và khai quật từ năm 1969, sau này mãi đến những năm 2007, 2008 mới khai quật trở lại vì nhiều lý do. Từ đó đến nay, di chỉ này được khai quật liên tiếp bảy lần liền, do Bảo tàng Nhân học của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện. Hằng năm họ đưa sinh viên đến vừa thực tập vừa khai quật theo từng nhóm nhỏ.


image033

Hình ảnh đợt khai quật năm 2010. Ảnh do ông Nguyễn Văn Thắng, cư dân làng Lai Xá cung cấp.


Ngay từ đợt khai quật năm 2008, người ta đã nhận thấy giá trị rất lớn của Vườn Chuối, nhưng khi đó lại rơi đúng vào thời điểm sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội. Việc giải quyết sáp nhập này chiếm hết thời gian của những người quan tâm cho nên vào năm 2008 – 2010, GS Lâm Thị Mỹ Dung (Bảo tàng Nhân học) và báo chí đã đề nghị cần phải bảo tồn ngay nhưng lúc ấy, mọi việc lại trôi đi mất. Sau đó hằng năm họ vẫn tiếp tục khai quật nhưng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khi ấy cũng không quan tâm và không thấy hết được đó là một di chỉ rất quan trọng đối với Hà Nội và cả nước cho nên họ bỏ qua.


image034

Vườn Chuối thời điểm năm 2010. Ảnh do ông Nguyễn Văn Thắng, cư dân làng Lai Xá cung cấp.


Vậy giá trị của di chỉ Vườn Chuối ở đâu? Vườn Chuối chỉ là một gò tiêu biểu trong quần thể gồm nhiều gò khác nhau, đều có dấu tích của người xưa. Đặc điểm hay nhất của Vườn Chuối là về niên đại, kéo dài từ 3.500 năm kéo dài suốt cho đến tận đầu Công Nguyên. Chúng ta có thể thấy được các nền văn hóa khác nhau ở đây, từ hậu kỳ của Gò Mun, kéo dài đến Đồng Đậu và đến tận Đông Sơn. Niên đại 3.500 năm chính là thời kỳ bắt đầu chuyển tiếp để hình thành Nhà nước Hùng Vương, và Vườn Chuối nằm đúng vào thời kỳ của thời đại Hùng Vương. Các nhà quản lý phải quan tâm đến điều này. Hà Nội có rất ít các di chỉ khảo cổ học nói về lịch sử sâu và xa đến như vậy. Ngoài Vườn Chuối thì cũng có một số di chỉ như bãi Mèn ở Cổ Loa được khai quật nhưng cho đến nay vẫn không được giữ gìn.


Giá trị thứ hai, Vườn Chuối vừa là di chỉ nơi con người sống, nhưng cũng là một di chỉ về mộ táng. Ở đây, các nhà khoa học đồng thời phát hiện cả di vật của người sống và mộ táng, các nhà khoa học đã đào được một số bộ xương, hiện nay đang đi giám định để xem con người thời đó như thế nào.


image035

Những mảnh gốm Đồng Đậu được tìm thấy ở Vườn Chuối. Ảnh: Bảo tàng Nhân học.


Giá trị thứ ba của Vườn Chuối là có số lượng hiện vật rất phong phú, đủ thể loại, từ đồ đá, đồ đồng, gốm, cho đến đồ gỗ. Các dụng cụ đá như rìu đá được mài rất đẹp, từ nhiều loại đá khác nhau. Đồ đồng ngoài công cụ ra còn tìm được cả khuôn đúc đồng, để thấy rằng còn đây chính là nơi mà người ta đã tạo ra sản phẩm đồng. Có những hiện vật đồng như một tấm hộ tâm, người ta đeo để bảo vệ mình như áo giáp. Đồ gốm, tiền cổ cũng được tìm thấy rất nhiều. Ngoài ra, đồ gỗ cũng còn một số hiện vật, đang được Bảo tàng Nhân học đưa đi giám định niên đại.


- PV: Có những giá trị đặc biệt như vậy, nhưng phải đến khi người dân địa phương, những người quan tâm hoặc các nhà khoa học gióng lên hồi chuông báo động hoặc kêu cứu cho Vườn Chuối thì nhà quản lý mới có chút động thái. Vậy theo PGS,TS, đó là do nhà quản lý không hiểu hết giá trị của di sản hay họ không quan tâm?


- PGS, TS Nguyễn Văn Huy: Luật Di sản hiện nay yêu cầu tất cả các địa phương, các tỉnh thành phải lên một quy hoạch về khảo cổ học để đánh dấu những điểm khảo cổ học cần phải bảo vệ hoặc lưu ý khi xây dựng. Nhiều tỉnh thành đã làm rất tốt.


Thứ hai, Luật Di sản cũng xác định rất rõ, mỗi khi xây dựng mà làm phát lộ một di tích khảo cổ học thì phải có biện pháp lưu giữ. Vấn đề là ở Vườn Chuối đã phát lộ từ rất lâu và liên tục suốt 10 năm qua, báo chí cũng liên tục đề cập tới, vậy nguyên nhân ở đâu?


image036

Vườn chuối hiện nay bị bao phủ bằng lớp phế thải, rác thải. Ảnh: Tuyết Loan


Tôi cho rằng nguyên nhân chính là các cơ quan quản lý văn hóa không quan tâm thực sự. Không thể đổ lỗi cho các doanh nghiệp, mà trước hết các cơ quan quản lý văn hóa phải nhận thức được đây là những giá trị vô cùng quý của quốc gia và Hà Nội. Một di chỉ 3.500 năm là kho tàng, báu vật đối với những nước biết giữ gìn, khai thác, biến nó thành một điểm văn hóa để người dân có thể đến xem, chiêm ngưỡng và tự hào. Nhưng chúng ta có mà lại không quan tâm, chính vì thế hầu hết những di chỉ khảo cổ học từ thời Hùng Vương đã được khai quật đến nay đều không giữ được.


Hiện nay, hầu hết các di chỉ khảo cổ được khai quật lên, trừ Hoàng Thành và một vài chỗ, còn lại cơ bản là bị san lấp và coi như xong. Đó là mất mát rất lớn về mặt lịch sử quốc gia. Điều này không biết người ta có nhìn thấy hay không, hay nhìn mà không thấy.


image037

Vườn Chuối bị san lấp.


- PV: Vậy theo PGS,TS, chúng ta cần phải làm gì để cứu vãn một di chỉ khảo cổ quý như vậy?


- PGS, TS Nguyễn Văn Huy: Việc cần làm bây giờ là phải tôn vinh và phát huy giá trị khai quật của khảo cổ học tốt hơn. Không chỉ là di chỉ khảo cổ học. Chúng ta còn sờ sờ di tích Cổ Loa, một di tích vào đầu Công Nguyên, vẫn còn đủ thành quách nhưng hiện tại đang bế tắc, không hoạt động du lịch được, không có khách đến thăm. Vì những người làm văn hóa không biến nó thành nguồn lực và sức mạnh kinh tế. Vậy thì lỗi ở ai, ở những người làm công tác quản lý, từ cấp Bộ cho đến cơ sở. Tại sao lại không thể tác động được với cấp thành phố, đương nhiên là có khó khăn, nhưng sao không làm.


Chúng ta có nhiều di chỉ khảo cổ có niên đại sâu, nhưng không được giữ gìn. Đúng ra chúng ta có thể biến những di chỉ này thành công viên di sản, nơi người dân có thể đến tham quan, tìm hiểu. Có thể làm các bảng pano, hệ thống thông tin, triển lãm, để người ta đi dạo và đọc, xem hình ảnh của hiện vật, kể ý nghĩa của di chỉ này. Nếu nhà quản lý văn hóa quan tâm thì phải làm được điều đó. Như ở Phú Thọ, có rất nhiều di chỉ, nhưng mối quan tâm của ngành văn hóa chủ yếu tập trung ở Đền Hùng và hát xoan, còn những di chỉ khảo cổ gần như bị lãng quên, hoặc người ta không biết cách làm nổi bật những di chỉ này lên.


Một thí dụ điển hình là di chỉ khảo cổ lăng mộ Tần Thủy Hoàng, sau khi khai quật đã được biến thành điểm tham quan nổi tiếng, trung tâm du lịch, thu hút rất đông du khách. Chúng ta có cả những di chỉ mấy nghìn năm như thế, mà bây giờ để người ta san ủi, để nó chết đi, đó là điều vô cùng đáng tiếc.


Xin cảm ơn PGS,TS Nguyễn Văn Huy!