VĂN HÓA ONLINE - BIỂN ĐÔNG - THỨ BẨY 30 NOV 2019
Trung cộng đưa khí cầu do thám đến đá Vành Khăn
30/11/2019
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy một khí cầu xuất hiện trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Khí cầu xuất hiện trên đá Vành Khăn. Ảnh chụp màn hình South China Morning Post
Tờ South China Morning Post vừa đăng tải một ảnh chụp vệ tinh của công ty ImageSat International (ISI, Israel) cho thấy một vật thể có hình dáng giống khinh khí cầu trên đá Vành Khăn.
Bức ảnh được chụp vào ngày 18.11 và được cho là bằng chứng đầu tiên cho thấy Trung Quốc triển khai loại thiết bị bay này đến khu vực.
Theo chuyên san quân sự Kanwa Asian Defence, Trung Quốc bắt đầu xây dựng hệ thống cảnh báo sớm với thành phần là các khinh khí cầu từ năm 2017. Những khí cầu này được lắp với radar mảng pha để giúp phát hiện máy bay ở tầm thấp.
Loại khí cầu này được cho là có nhiều ưu điểm so với máy bay trinh sát vì có thể bay trong thời gian dài, chi phí thấp, hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết và phạm vi quan sát rộng lớn, có thể lên đến 300 km.
Chiến hạm tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords của Mỹ di chuyển tại Biển Đông ngày 18.11. Hải quân Mỹ
Theo South China Morning Post, loại khí cầu này khi kết hợp với radar mặt đất, vệ tinh và máy bay trinh sát có thể tạo thành một mạng lưới giám sát toàn diện.
Trung Quốc những năm gần đây không ngừng bồi đắp và xây dựng đường băng cùng nhiều công trình quân sự phi pháp trên đá Vành Khăn bất chấp sự phản đối của Việt Nam lẫn cộng đồng quốc tế.
Tòa trọng tài quốc tế hồi năm 2016 phán quyết Vành Khăn là bãi đá chìm và không có vùng lãnh hải hay đặc quyền kinh tế.
Hải quân Mỹ những năm qua nhiều lần cho tàu chiến áp sát bãi đá này nhằm mục đích thực thi quyền tự do hàng hải và bác bỏ luận điệu sai trái của Trung Quốc cho rằng đá Vành Khăn có lãnh hải 12 hải lý.
Hôm 20.11, tàu tác chiến cận bờ (LCS) USS Gabrielle Giffords lớp Independent của Mỹ đi qua khu vực 12 hải lý quanh đá Vành Khăn, “nhằm thể hiện cam kết ủng hộ các quyền, sự tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển và vùng trời, vốn được đảm bảo cho mọi quốc gia”, theo Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ thông báo.