Biển Đông bước vào năm 2020

26 Tháng Mười Hai 20198:42 SA(Xem: 10490)

VĂN HÓA ONLINE - BIỂN ĐÔNG - THỨ NĂM 26 DEC 2019


image014

Từ trên đỉnh tháp Hải đăng đảo Sơn Ca nhìn ra Biển Đông. Ảnh tư liệu của Lý Kiến Trúc


Biển Đông bước vào năm 2020 (*)


Yêu sách mới ở Biển Đông : Malaysia thách thức Bắc Kinh, mở cơ hội hợp tác với láng giềng


24/12/2019


image015

Malaysia tăng cường an ninh trên biển. Ảnh minh họa. MOHD RASFAN / AFP

Trọng Thành


Áp lực gia tăng của Trung Quốc với các nước láng giềng phía nam tại Biển Đông dường như tiếp tục gây phản tác dụng. Ngày 12/12/2019 Malaysia nạp hồ sơ yêu cầu công nhận vùng thềm lục địa mở rộng, bên ngoài khu vực 200 hải lý. Theo nhiều nhà quan sát, hành động bất ngờ của Kuala Lumpur vừa là một thách thức đối với Bắc Kinh, vừa mở ra cơ hội hợp tác với láng giềng ASEAN, nhằm lập một trận tuyến pháp lý chung đối phó với Trung Quốc.


Yêu cầu của Malaysia được ghi vào chương trình nghị sự kỳ họp thứ 53 của Ủy Ban về Ranh giới về Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc tại New York, dự kiến sẽ diễn ra vào mùa hè năm 2021. Quan hệ Bắc Kinh – Kuala Lumpur căng thẳng hẳn lên. Ngày 17/12/2019, Bắc Kinh khẳng định đòi hỏi của Kuala Lumpur "vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền, các quyền và quyền tài phán" của Trung Quốc. Trong một bài trả lời phỏng vấn hôm 20/12/2019, ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah đã không ngần ngại đáp trả : đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ Biển Đông là một yêu sách "lố bịch".


Giới quan sát đặt câu hỏi tại sao Malaysia lại chọn con đường thách thức trực diện Bắc Kinh về mặt pháp lý như vậy vào thời điểm này ?


Cho đến nay, Malaysia vốn được coi là nằm ở tuyến sau trong cuộc đối đầu về chủ quyền tại Biển Đông giữa một số quốc gia ASEAN với Trung Quốc. Căng thẳng giữa Kuala Lumpur và Bắc Kinh về Biển Đông ít hơn rất nhiều so với căng thẳng giữa Việt Nam và Philippines với Bắc Kinh. Tuy nhiên, các hành động lấn lướt của tuần duyên Trung Quốc tại khu vực đặc quyền kinh tế biển của Malaysia, trong thời gian gần đây, dường như đang đặt quốc gia này trước thách thức phải kiên quyết hơn. Hồi tháng 10/2019, ngoại trưởng Malaysia tuyên bố quân đội nước này phải sẵn sàng để đối phó với xung đột vũ trang, trong trường hợp nổ ra đụng độ lớn tại Biển Đông.


Lợi ích thương mại


Trong yêu sách mới tại Biển Đông, Malaysia mở rộng yêu sách thềm lục địa nhằm giành được gần như gấp đôi diện tích thềm lục địa so với yêu sách năm 1979. Khu vực thềm lục địa mới mà Malaysia yêu cầu vươn đến vĩ tuyến 13°, vượt quá khỏi quần đảo Trường Sa, là một thách thức trực tiếp đối với tham vọng của Trung Quốc.


Trong bài viết ''Tại sao Malaysia, người bạn lâu năm của Trung Quốc, lại bất ngờ thể hiện bất đồng về thềm lục địa'', đăng tải trên trang mạng của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, nhà báo Ralph Jennings, chuyên về Trung Quốc và Đông Nam Á, nhấn mạnh đến lý do chính là thương mại. Malaysia muốn gia tăng áp lực với Trung Quốc, để có thế mạnh trong các đàm phán về thương mại, nhằm có được nhiều nhân nhượng hơn từ phía Trung Quốc trong lĩnh vực đầu tư phát triển, trợ giúp. Đây là nhận định của giáo sư Stephen Nagy, chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học International Christian University ở Tokyo, và cũng là quan điểm của giáo sư Alan Chong, Trường S. Rajaratnam School of International Studies ở Singapore.


Bác bỏ ''đường 9 đoạn''


Tuy nhiên, vấn đề chủ quyền trên Biển Đông không chỉ liên quan đến các lợi ích thương mại trực tiếp với Trung Quốc. Một phân tích đáng chú ý khác mang tựa đề ''Ván Bài Mới của Malaysia ở Biển Đông'', đăng tải trên trang mạng The Diplomat, của học giả Việt Nam Nguyễn Hồng Thao, giải mã động cơ và dự đoán các hệ quả của việc Malaysia đệ trình lên Liên Hiệp Quốc hồ sơ về thềm lục địa mở rộng tại Biển Đông.


Bài viết đặc biệt nhấn mạnh đến việc yêu sách của Malaysia đã ''gián tiếp bác bỏ giá trị của yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc'', mặc dù Malaysia không phải là một bên trong vụ kiện của Philippines lên tòa án quốc tế. Với hồ sơ này, Malaysia cũng đã ''ngầm ủng hộ phán quyết'' của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016, cho rằng ''tất cả các thực thể đảo của quần đảo Trường Sa chỉ có vùng lãnh hải 12 hải lý và không thể yêu sách tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của riêng mình''.


Tác giả bài viết cũng chú ý đến việc ''đệ trình được thực hiện trước khi kết thúc đàm phán Bộ Quy Tắc Ứng Xử của Các Bên ở Biển Đông (COC)'' giữa ASEAN và Trung Quốc đang diễn ra, giúp Malaysia tìm kiếm lợi thế trong các cuộc đàm phán. Tác giả dự báo ''cuộc đua hoạch định ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài khu vực 200 hải lý cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc đàm phán COC đang diễn ra giữa Trung Quốc và ASEAN''.


Hồ sơ chung Malaysia - Việt Nam – Philippines


Sau khi Malaysia công bố hồ sơ thềm lục địa mở rộng, một số nhà quan sát - như Greg Poling của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) hay Phan Văn Song ở Úc - cho rằng phần thềm lục địa mở rộng mà Malaysia đề nghị công nhận không chỉ chồng lấn với Trung Quốc, mà còn cả với Việt Nam, và có thể với Philippines, căng thẳng trong nội bộ ASEAN có nguy cơ gia tăng.


Tuy nhiên, trong bài phân tích trên The Diplomat, học giả Việt Nam Nguyễn Hồng Thao nhận định, với việc ghi nhận ''có thể có những vùng có khả năng chồng lấn'' ngay trong bản đệ trình này, Malaysia vô hình chung để ngỏ cánh cửa thương lượng với Việt Nam và Philippines trong việc đệ trình hồ sơ về thềm lục địa ngoài phạm vi 200 hải lý chung của ba nước ASEAN trong tương lai. Và dù trước mắt xung đột quyền lợi với Việt Nam, hồ sơ mà Malaysia vừa đệ trình cũng thể hiện ‘‘một bước tiến tích cực’’ theo hướng tôn trọng Công Ước Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016 về Biển Đông.


Năm 2009, Việt Nam và Malaysia từng đệ nạp lên Ủy Ban về Ranh giới về Thềm lục địa một hồ sơ chung về thềm lục địa mở rộng ngoại phạm vi 200 hải lý. Điểm được học giả Nguyễn Hồng Thao đặc biệt lưu ý là chính bản đệ trình nói trên đã khuyến nghị Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa xem xét lại đệ trình chung của Việt Nam-Malaysia năm 2009, vì căn cứ mà Trung Quốc dựa vào để phản đối đệ trình đó đã bị Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye bác bỏ trong phán quyết năm 2016./


++++++++++++++++++++++++++++


Ngoại trưởng Malaysia: Đường 9 đoạn Trung Quốc là yêu sách “lố bịch”


21/12/2019


image016

Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah. Ảnh chụp ngày 03/08/2018. CC/U.S. Department of State


Trọng Nghĩa


Khẩu chiến giữa Kuala Lumpur và Bắc Kinh về chủ quyền Biển Đông vừa tăng thêm một mức. Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí ngày 20/12/2019, ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah đã không ngần ngại đánh giá rằng việc Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông là một yêu sách “lố bịch”.


Tuyên bố của ngoại trưởng Malaysia được cho là nhằm đáp trả lời tố cáo hôm 16/12 của Bắc Kinh, theo đó Kuala Lumpur đã vi phạm chủ quyền “lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông khi nộp đơn lên Liên Hiệp Quốc xin công nhận thềm lục địa mở rộng.


Theo đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera, ngoại trưởng Malaysia đã khẳng định rằng việc nước ông quyết định xin mở rộng vùng thềm lục địa ra ngoài phạm vi 200 hải lý ở Biển Đông nằm trong “quyền chủ quyền” của Malaysia.


Về yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, ông Saifuddin đã không ngần ngại đánh giá : “Về phần Trung Quốc, việc họ tuyên bố rằng toàn bộ Biển Đông thuộc về họ, theo tôi điều đó thật lố bịch”.


Vào ngày 12/12, Malaysia đã chính thức nộp đơn lên lên Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa (CLCS) của Liên Hiệp Quốc xin công nhận vùng thềm lục địa ở phía bắc Biển Đông nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước này. Đây là yêu cầu của Malaysia đối với phần còn lại của thềm lục địa nước này, vì trước đó, vào năm 2009, Malaysia và Việt Nam đã cùng đệ trình phần thềm lục địa của hai nước ở phía nam Biển Đông.


Động thái mới của Malaysia đã khiến Trung Quốc giận dữ. Phái bộ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã lập tức gởi thơ cho tổng thư ký Liên Hiệp Quốc yêu cầu không xem xét đề nghị của Malaysia, trong lúc bộ Ngoại Giao Trung Quốc gởi công hàm phản đối Malaysia là đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và “các tiêu chuẩn về quan hệ quốc tế”.


Trung Quốc đã viện ra luật lệ quốc tế để phản đối Malaysia, trong lúc chính Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đánh giá rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông nằm bên trong đường chín đoạn hoàn toàn không có cơ sở pháp lý./


+++++++++++++++++++++++++++


Biển Đông : Malaysia xin công nhận thềm lục địa mở rộng


14/12/2019


 

Ảnh minh họa: Ngư dân trên một vùng Biển Đông gần Malaysia. TED ALJIBE / AFP


Thụy My


Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS) hôm 13/12/2019 thông báo Malaysia đã nộp hồ sơ xin công nhận thềm lục địa mở rộng theo Điều 76 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), liên quan đến ranh giới thềm lục địa nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở.


Theo Malaysia, đây là bản đệ trình cho phần còn lại của thềm lục địa Malaysia nằm ngoài 200 hải lý ở phía bắc Biển Đông. Malaysia và Việt Nam hôm 06/05/2009 cũng đã cùng đệ trình về phần thềm lục địa của hai nước ở phía nam Biển Đông.


Ủy ban về giới hạn thềm lục địa nói thêm, theo Quy tắc về thủ tục của Ủy ban, sự kiện này sẽ được thông báo cho tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, cũng như các nước đã ký kết Công ước về Luật Biển. Yêu cầu của Malaysia sẽ được ghi vào chương trình nghị sự kỳ họp thứ 53 của Ủy ban tại New York từ ngày 06/07 đến 21/08/2021.


Theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song ở Úc, viết trên mạng Facebook, phần thềm lục địa mở rộng (ECS) mà Malaysia xin công nhận chồng lấn với Việt Nam, và có thể với Philippines, như vậy Việt Nam, Philippines và Trung Quốc có thể có phản ứng. Tương tự, theo chuyên gia Greg Poling của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), viết trên mạng Twitter, việc công nhận thềm lục địa mở rộng có thể gây ra sự chồng chéo.


Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS) có chức năng đưa ra các khuyến nghị cho các quốc gia ven biển về thềm lục địa mở rộng, và tư vấn nếu có yêu cầu. Các ranh giới được thiết lập trên cơ sở những khuyến nghị này được chính thức công nhận./


+++++++++++++++++++++++++++++++


Việt Nam cần tích cực phá vỡ âm mưu chia rẽ ASEAN của Trung Quốc


03/09/2012


image017

Lính Hải quân Việt Nam trên một hòn đảo thuộc Quần dảo Trường Sa. Ảnh chụp ngày 16/04/2010 REUTERS/Stringer


Trọng Nghĩa


Chưa bao giờ vấn đề đoàn kết của ASEAN trên hồ sơ Biển Đông lại được chú trọng như hiện nay. Vào lúc Hoa Kỳ tìm cách hỗ trợ nỗ lực của Indonesia trong việc gắn kết khối Đông Nam Á trở lại, Trung Quốc lại có dấu hiệu tiếp tục chiến lược chia rẽ, để ngăn chặn việc hình thành mặt trận thống nhất chống lại các hành vi lấn lướt của Bắc Kinh. Theo giới quan sát, Việt Nam - nạn nhân số một của Trung Quốc trên Biển Đông – cần phải năng nổ hơn trong việc tạo điều kiện cho khối ASEAN đoàn kết lại.


Biển Đông trong tuần này sẽ nổi lên thành một chủ đề lớn tại châu Á với chuyến ghé thăm Indonesia bắt đầu từ hôm nay 03/09/2012 của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, được tiếp nối bằng hai chặng ngừng sau đó là Trung Quốc và Brunei. Ngay từ trước lúc bà Clinton lên đường, Bộ Ngoại giao Mỹ đã loan báo rằng lãnh đạo của họ sẽ tranh thủ mọi cơ hội thích hợp nhân vòng công du lần này để đề cập đến tình hình căng thẳng tại Biển Đông.


Tại Jakarta, Ngoại trưởng Mỹ sẽ khẳng định lập trường ủng hộ mạnh mẽ bộ quy tắc ứng xử do khối ASEAN dự trù, nhằm giảm bớt căng thẳng đang gia tăng tại Biển Đông. Theo một quan chức Mỹ cao cấp trong phái đoàn của bà Clinton vào hôm qua, mong muốn của Mỹ là « củng cố sự đoàn kết của ASEAN để tiến về phía trước ». Bà Clinton cũng sẽ đề nghị khối Đông Nam Á yêu cầu Trung Quốc chấp thuận một cơ chế chính thức để giảm bớt rủi ro xung đột nhằm tiến tới một giải pháp dứt điểm cho các tranh chấp chủ quyền.


Sự kiện Hoa Kỳ thúc đẩy khối ASEAN tăng cường đoàn kết không phải là ngẫu nhiên, sau khi tình trạng chia rẽ của giữa các nước Đông Nam Á trên vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc đã bộc lộ công khai tại Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN ở Phnom Penh vào tháng 07/2012.


Theo đa số các nhà quan sát, Trung Quốc đã thành công trong việc mượn tay Cam Bốt để ngăn chặn mọi tuyên bố chính thức của ASEAN về các hành vi gây căng thẳng ở Biển Đông mà chính Bắc Kinh là tác giả. Và cho đến hôm qua, 02/09, Trung Quốc – qua lời Thủ tướng Ôn Gia Bảo, cũng vẫn ca ngợi Cam Bốt trong « vai trò quan trọng trong việc duy trì quan hệ hữu hảo giữa Trung Quốc và ASEAN ».


Đối với các nhà phân tích, khi ca ngợi vai trò của Phnom Penh, Bắc Kinh vẫn bộc lộ ý đồ muốn tiếp tục gây phân hóa trong nội bộ ASEAN.


Hành động « móc ngoặc » giữa Trung Quốc và Cam Bốt liên tiếp bị vạch trần


Trong bài “ASEAN khổ nhọc để duy trì sự đoàn kết” (ASEAN struggles for unity), đăng trên The Phnom Penh Post tại Cam Bốt ngày 23/07/2012, ký giả Roger Mitton đã tiết lộ : « Khi dự thảo đầu tiên của bản thông cáo chung được nộp lên cho Chủ tịch ASEAN (là Cam Bốt), trong một hành động vi phạm quy tắc của ASEAN, phía Cam Bốt đã cho Trung Quốc xem ngay. (Sau khi) Trung Quốc nói rằng dự thảo đó không thể chấp nhận được trừ phi vấn đề biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) ghi trong văn kiện được xóa bỏ, Cam Bốt đã gửi trả lại bản dự thảo để được sửa đổi ».


Được biết là ban soạn thảo bản dự thảo này bao gồm các Ngoại trưởng Marty Natalegawa (Indonesia), Anifah Aman (Malaysia), Albert del Rosario (Philippines) và Phạm Bình Minh (Việt Nam).


Cam Bốt luôn luôn bác bỏ các thông tin về việc họ chiều lòng Trung Quốc để nhận chìm hồ sơ Biển Đông. Tuy nhiên nhật báo Anh Financial Times ngày 15/08/2012 đã trích lời Trần Hướng Dương (Chen Xiang Yang), chuyên gia nghiên cứu thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc CICIR, xác định thẳng thừng : « Chúng tôi đã phối hợp rất tốt với Cam Bốt trong trường hợp đó… để ngăn chặn một vụ việc có thể gây bất lợi cho Trung Quốc ».


Việt Nam phải nỗ lực thuyết phục toàn khối ASEAN về các đe dọa từ Trung Quốc


Trong thời gian qua, là hai đối tượng bị Trung Quốc thúc ép dữ dội nhất tại Biển Đông, Việt Nam và Philippines đã cố gắng vận động khối ASEAN thống nhất lập trường để đối phó với Trung Quốc. Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục tìm cách phân hóa các nước ASEAN, Việt Nam có thể làm gì ? Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, một nhà nghiên cứu kỳ cựu về Biển Đông, Việt Nam phải nỗ lực đi đầu trong việc đoàn kết khối ASEAN, thuyết phục được toàn khối về các đe dọa của Trung Quốc.


Giáo sư Ngô Vĩnh Long - Đại học Maine (Hoa Kỳ)


Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Long cho rằng Việt Nam cần tích cực hơn nữa vì chính sách xuyên suốt của Trung Quốc là gây chia rẽ trong ASEAN không những là để dễ thống trị từng nước Đông Nam Á riêng lẻ, mà còn để phá vỡ chiến lược trở lại Châu Á và Đông Nam Á của Mỹ, vốn rất cần một khối ASEAN đoàn kết.


Trung Quốc gây chia rẽ trong ASEAN để đổ lỗi cho Mỹ


Trước hết là Trung Quốc biết chỗ yếu của Mỹ, biết Mỹ muốn làm gì trong khu vực. Vấn đề chính mà Mỹ đã nói từ lâu là họ muốn các nước ASEAN liên kết chặt chẽ hơn với nhau để bảo vệ an ninh của mình.


Phần nữa là trong tư cách một nước lớn trên thế giới, và một nước đã có chiến tranh trong khu vực, Mỹ không thể bây giờ trở lại và nói : « Đây ! Tôi đây ! Tôi sẽ làm cái này, cái kia ! ». Không được ! Mỹ cần phải có sự ủng hộ của những nước trong khu vực, nếu không là của cả một khối ASEAN, thì cũng là của những nước lớn trong khu vực. Qua đó thì chính quyền Mỹ mới được sự ủng hộ của dân chúng Mỹ và của nhiều nước khác trên thế giới. (Muốn thế thì Mỹ phải làm sao để có thể chứng minh được) là Mỹ trở lại để giúp đỡ bảo vệ an ninh khu vực, và do yêu cầu của các nước trong vùng chứ không phải là Mỹ đơn phương và đơn độc trở lại khu vực đó.


Hiện giờ, Trung Quốc ngược lại thì muốn làm sao chia rẽ, rồi dùng cái sự chia rẽ đó để quảng bá với các nước trên thế giới rằng : « Thấy không ? Mỹ nó trở lại, nó muốn gây sự, gây ra mất ổn định trong khu vực, gây chia rẽ giữa các nước ASEAN ! »


Nhưng nói cho cùng, tôi nghĩ rằng Trung Quốc chỉ tạm thời « mua » được một vài nước không có lợi ích trực tiếp đối với vấn đề Biển Đông mà thôi. Nhưng an ninh toàn khu vực lại là vấn đề của toàn khu vực, do đó trước sau gì, nếu sự đe doạ của Trung Quốc lớn, thì các nước xung quanh đó sẽ có những phương cách để tập hợp lại với nhau.


Việt Nam phải tranh thủ cả Cam Bốt, Thái Lan, Lào và Miến Điện


Những nước không có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông cũng bị những đe dọa do Trung Quốc gây nên bằng cách này, cách khác, trong đó có vấn đề sông Mêkông.


Trong vấn đề Mêkông, Việt Nam là nước phải chịu nhiều khó khăn nhất ; về Biển Đông, Việt Nam là nước chịu thiệt thòi nhất, nên đáng lẽ phải lên tiếng rất rõ ràng từ lâu về những vấn đề này. Việt Nam bấy lâu nay dùng dằng, nhưng bây giờ bắt đầu lên tiếng từ từ, đây là việc tốt.


Tuy nhiên, Việt Nam phải có những hành động tích cực và hợp thời, thì các nước khác mới có thể ủng hộ Việt Nam. Chứ nếu Việt Nam vẫn dùng dằng trên những vấn đề đe dọa quyền lợi Việt Nam như thế này, thì những nước không có quyền lợi trực tiếp sẽ nói : « Dại gì đưa đầu ra ! Tôi đưa đầu ra tôi sẽ bị khó khăn với Trung Quốc, Trung Quốc không buôn bán với tôi... »


Tôi nghĩ rằng chung quanh vấn đề này, Việt Nam phải có một chính sách toàn diện, rồi phải đi vận động. Chứ không thể chỉ nói khơi khơi, rồi không làm gì tích cực. Theo tôi, vai trò tích cực của Việt Nam sẽ giúp rất nhiều nước trong khu vực có thái độ tốt hơn, và càng ngày họ sẽ càng liên kết chặt chẽ hơn. Cho nên vai trò Việt Nam rất quan trọng, phải có những hoạt động thích ứng, và phải vận động tích cực hơn nữa.


Vai trò của Philippines cũng quan trọng, nhưng vấn đề biển đảo của Philippines (xẩy ra ở nơi) rất xa, ví dụ như bãi Scarborough rất xa những tuyến đường thông thương trên Biển Đông, thành ra nhiều người thấy : « A ! Tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines chưa đe dọa cái gì thì thôi, bây giờ mình làm lơ đi ! ».  


Vai trò của Indonesia rất quan trọng và cần được ủng hộ


Indonesia là một nước quan trọng... bây giờ muốn đóng vai trò trung gian, vì có thể nói chuyện được với cả bên này lẫn bên kia, bởi vì là một nước không tranh chấp chủ quyền các đảo, Trường Sa chẳng hạn. Nhưng họ có vai trò lớn trong vấn đề an ninh khu vực. Bây giờ Indonesia cố gắng đi dàn xếp giữa các bên, tôi thấy đây là một vấn đề rất tích cực và nên ủng hộ.


Nếu Indonesia thất bại trong vấn đề này, mọi người sẽ thấy ai là kẻ làm cho những cố gắng Indonesia thất bại, và điều đó theo tôi, sẽ giúp cho các nước trong khu vực liên kết với nhau để bảo vệ an ninh, qua đó giúp cho những nước ngoài khu vực - ví dụ như Mỹ - rất nhiều trên mọi phương diện...


Indonesia nước rất quan trọng đối với Mỹ, đối với Âu Châu, cũng như đối với Việt Nam. Thì tôi, nếu quan hệ giữa Việt Nam với Indonesia được thúc đẩy mạnh lên, điều đó rất tốt cho cả hai nước cũng như cho cả khu vực và cho thế giới.


Không chỉ về an ninh, ngay cả về vấn đề kinh tế, Indonesia và Việt Nam có dân số đông nhất trong khu vực, kinh tế hai nước lại có những điểm hỗ trợ nhau. Nếu lúc nào đó mà Mỹ hay Âu châu cần phải rút đầu tư hay những cơ sở chế biến của họ ở bên Trung Quốc hay chỗ khác chẳng hạn, thì Indonesia và Việt Nam là hai nước mà họ có thể dùng nhân công, và đầu tư tốt nhất - bởi vì không những đông dân mà cũng có lãnh hải rất dài.


Nếu hai nước hợp tác với nhau trên những khâu ví dụ như chế biến, thì đấy là vấn đề rất quan trọng cho các nước ngoài khu vực.


Hợp tác giữa Malaysia và Việt Nam trên vấn đề Biển Đông rất tốt


Malaysia cũng là một nước rất quan trọng trong hồ sơ Biển Đông mà tôi nghĩ là rất thông minh. Vì những vấn đề nội bộ của họ, họ không để lộ ra nhiều, nhưng phiá sau họ làm rất tốt, ví dụ như trong quan hệ đối với Mỹ, quan hệ đối với các nước khác ngoài khu vực và kể cả quan hệ đối với Việt Nam.


Vụ dàn xếp về vấn đề ranh giới biển với Việt Nam (chuẩn bị cho Liên Hiệp Quốc vào năm 2009), họ làm rất tốt, và làm cho cả Trung Quốc cũng phải bật ngửa, và khi bị bật ngửa, Trung Quốc đã phải vội đưa đường lưỡi bò, đường chín đoạn của họ ra trước Liên Hiệp Quốc.


Không nên bi quan như chuyên gia Mỹ Jim Holmes về "thời cơ" để Trung Quốc động binh ở Biển Đông


Tôi nghĩ là nhận định đó không những quá bi quan mà còn không xác thực. Trước hết, khi Mỹ nói là họ chuyển trục về Á châu trong nhiều năm nữa, nhưng hiện giờ đã có 50% của tàu chiến quân sự của Mỹ đi qua vùng đó. Nếu trong 10 năm tới, sẽ lên 60%, đó không phải là một vấn đề (chênh lệch) rất lớn.


Thứ hai nữa là Việt Nam bây giờ mà có 7, 8 chiếc tàu ngầm, cũng không làm được gì đối với ba mươi mấy, bốn chục chiếc tàu ngầm của Trung Quốc. Khi đi ra ngoài biển khơi, nếu bắn chìm được vài cái, điều đó cũng sẽ gây rất nhiều khó khăn cho cả khu vực. Vì thế, vấn đề Việt Nam mua tàu ngầm, chỉ là để cho khu vực biết là nếu Trung Quốc đe dọa Việt Nam quá, mà Việt Nam phải trả lời, thì sẽ xẩy ra tình trạng mất an ninh.


Còn vấn đề bảo vệ chủ quyền Việt Nam hay tự vệ trước khả năng Trung Quốc có thể dùng vũ lực đối với Việt Nam, thì tôi nghĩ rằng bờ biển Việt Nam rất dài, Trung Quốc tiến vào thì Việt Nam có nhiều cách đánh lại, chứ không phải là mua một vài chiếc tiềm thủy đỉnh mà có thể ngăn Trung Quốc được.


Về mặt quân sự mà nói, tôi thấy tác giả này phân tích không đúng. Vấn đề chính, theo tôi nghĩ, là chính trị : Trung Quốc muốn lợi dụng lúc Mỹ bận nhiều chuyện, kể cả vấn đề Trung Đông, để bắt Mỹ nhượng bộ phần nào đó về quân sự cũng như về kinh tế. Nếu Mỹ nhượng bộ, thì Trung Quốc có thể lấy cái đà đó mà càng tiến lên thêm, cũng như qua việc đối với Đài Loan (trước đây).


Khi Mỹ và Trung Quốc ký hiệp định Thượng Hải về Đài Loan, thì ngay lúc đó họ nói là người Trung Quốc hai bên nghĩ rằng chỉ có một Trung Quốc, chứ không nói là Đài Loan là của Trung Quốc... Thế mà Trung Quốc cứ theo hiệp định Thượng Hải đó để ép Mỹ lần lần…, không những có thêm nhiều đòi hỏi, mà còn lấn lướt đến nỗi bây giờ Đài Loan cũng phải sợ, mặc dầu Mỹ có luật và có chính sách bảo vệ Đài Loan...


Theo tôi, đây là một bài học mà lẽ ra Mỹ phải học từ lâu. Và ngoài Mỹ, thì những nước gần Trung Quốc như Việt Nam cũng phải học từ lâu. Tôi cho rằng một vài nước xung quanh Trung Quốc đã thấy bài học đó rồi, bây giờ họ tìm cách để tháo gỡ những cái khó khăn mà quan hệ với Trung Quốc đã gây ra cho họ.


Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc xuống thang tại Biển Đông để tránh sự cố


Nếu tôi không lầm, thì Mỹ không muốn Trung Quốc làm áp lực trên Biển Đông, bởi vì làm điều đó ngay trong những tháng trước bầu cử, sẽ bắt buộc Mỹ phải có phản ứng mạnh hơn.


Cho đến nay chính sách của Mỹ vẫn là sẽ chuyển một số hải quân về khu vực Thái Bình Dương. Vấn đề là để phòng hờ, nhưng chính sách của Mỹ là vẫn muốn Trung Quốc xuống thang ở Biển Đông và muốn Trung Quốc đàm phán với các nước trong khu vực.


Nhưng nếu Trung Quốc đẩy tới mạnh hơn nữa, trong trường hợp hiện nay, trước bầu cử và trước những chỉ trích của phe diều hâu và đảng phe Cộng hoà, điều đó có thể gây khó cho chính quyền Obama nếu không có những phản ứng mạnh hơn.


+++++++++++++++++++++++++++


Biển Đông : Không nên rơi vào bẫy tạm gác tranh chấp chủ quyền


27/08/2012


1

Khẩu hiệu cổ vũ cho chủ quyền biển đảo của Việt Nam treo tại cổng chợ Đakao, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Trọng Nghĩa/RFI


Trọng Nghĩa


Trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại vùng Hoàng Sa và Trường Sa, có ý kiến cho rằng nên tạm gác tranh chấp. Chuyên gia Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine (Hoa Kỳ) nêu bật tính chất nguy hiểm của điều này. Trả lời RFI, giáo sư Long nêu ba lý do : (1) Sẽ gây nguy hại lâu dài cho Việt Nam; (2) Sẽ làm « hỏng cẳng » các nước đang cố giữ gìn an ninh cho khu vực; (3) Có thể tạo ra tiền đề để Mỹ sau này thỏa hiệp với Trung Quốc.


Trong tình hình căng thẳng hiện nay ngoài Biển Đông sau hàng loạt hành động lấn lướt của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam, vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa càng lúc càng được báo chí trong nước và ngoài nước chú ý. Mới đây, trên báo chí Việt Nam xuất hiện hai ý kiến có phần trái ngược nhau về giải pháp « giảm nhiệt » tại Biển Đông liên quan đến hướng đi mà Việt Nam cần phải theo đuổi.


Một bài viết đăng trên báo mạng Vnexpress ngày 14/8/2012, tựa đề « 5 sáng kiến ngăn ngừa 'Biển Đông nổi sóng' », đã nêu lên một số đề nghị Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, chủ biên quyển « Dấn ấn Việt Nam trên Biển Đông » vừa được xuất bản. Trong bài viết có một ý kiến đã gây ra tranh luận. Đó là đề nghị tạm gác vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ để duy trì nguyên trạng như hiện nay :


« Trước hết, phương châm có thể áp dụng trong bối cảnh hiện nay là Dễ giải quyết trước, khó giải quyết sau. Vì vậy, trước mắt chúng ta hãy tạm gác vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; tạm thời giữ nguyên hiện trạng của các bên tranh chấp trên hai quần đảo này; mỗi đảo có người cho phép có phạm vi biển rộng 12 hải lý bao quanh, các bãi cạnh nửa nổi, nửa chìm nên có công trình nhân tạo trên đó thì chỉ có vùng an toàn 500 mét bao quanh để thực hiện quản lý, bảo vệ theo quy chế của nội thủy, lãnh hải của bên đang chiếm đóng ».


Trong phần phản hồi của độc giả, có rất nhiều ý kiến đã cho rằng « cần phải cảnh giác cao độ », « không để mắc bẫy »…


Những lập luận nói trên rất giống như lời cảnh báo trong bài « Trung Quốc không xứng một cường quốc có trách nhiệm ! », đăng trên chuyên mục Tuần Việt Nam của tờ báo mạng Vietnamnet ngày 02/08/2012.
Bài báo đã đặc biệt đả kích điều được tờ báo gọi là « chiêu bài "gác tranh chấp" kiểu Trung Quốc » được Bắc Kinh hô hào từ trước đến nay :


« Tạp chí "Liêu vọng" do Tân Hoa xã chủ quản, trong số ra mới đây đã hăng hái quảng bá cho mô hình "gác tranh chấp". Theo bài thuyết giáo trên "Liêu Vọng", nội dung "chủ quyền về ta, gác lại tranh chấp, cùng khai thác'' do Trung Quốc đề xuất trong thế kỷ trước không những đã phản ánh đầy đủ "trí tuệ Đông phương", mà còn phù hợp với quy định trong "Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển". Theo đó, "trước khi đạt được thỏa thuận, các nước tranh chấp cần căn cứ theo tinh thần thông cảm và hợp tác, đem hết mọi khả năng đưa ra giải pháp tạm thời mang tính thực tế" (!)


Đưa tàu quân sự trá hình hộ tống đội tàu cá đến vùng biển Trường Sa của Việt Nam, song trên lời nói, Trung Quốc đã đánh tráo các khái niệm. Tờ "Liêu Vọng" nói trên tiếp tục biện bạch: "Chủ trương về khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều nước ven bờ lại chồng lấn lên nhau, nên giải pháp tạm thời Trung Quốc đề xuất như vậy là có tính khả thi"(?). Và phớt lờ những căng thẳng Trung Quốc đang gây ra hiện nay trên Biển Đông, tờ báo lấp liếm: "Khi thúc đẩy giải pháp tạm thời giữa các nước tranh chấp, phải xây dựng lòng tin, đồng thời thực hiện cam kết chính trị, không làm phức tạp hóa và mở rộng tranh chấp" (?)' ».


Để hiểu rõ thêm về những gì mà Việt Nam có thể làm trong việc quảng bá và thúc đẩy chủ quyền của mình tại Biển Đông, tại vùng quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc thâu tóm, bằng võ lực, hay ở vùng Trường Sa đã bị Trung Quốc gặm nhắm, Ban Việt ngữ RFI đã đặt câu hỏi cho Giáo sư Ngô Vĩnh Long, thuộc Đại Học Maine (Hoa Kỳ).


Chủ quyền biển đảo của Việt Nam phải gắn với vấn đề an ninh khu vực


Đối với giáo sư Long, khi trình bày các vấn đề chủ quyền của mình, Việt Nam cần phải gắn liền hồ sơ này với vấn đề an ninh khu vực và thế giới. Riêng về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vấn đề là cần phải rõ ràng trong đòi hỏi, không nên làm như Trung Quốc là đòi hỏi toàn bộ cả biển lẫn đảo, mà phải phân biệt rõ những gì mình đòi chủ quyền, những gì mình không.


Về vấn đề tạm gác tranh chấp chủ quyền để đồng khai thác, giáo sư Ngô Vĩnh Long xem đấy là một việc rất có hại cho Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc không hề từ bỏ ý đồ dùng võ lực chiếm đoạt Biển Đông, điều họ đã từng làm đối với toàn bộ Hoàng Sa và một số đảo, đá của Việt Nam ở Trường Sa.


Giáo sư Ngô Vĩnh Long - Đại học Maine (Hoa Kỳ)


Ngô Vĩnh Long : "Tôi thấy có một vấn đề rất lớn mà chính quyền Việt Nam cần phải làm là không nên nói là Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam. Đây là cách nói như Trung Quốc, nên cần phải nói khác đi. Ngoài ra, vấn đề không phải chỉ là chủ quyền về đảo Trường Sa và Hoàng sa mà vấn đề này có dính đến an ninh toàn khu vực, hay là dính đến vấn đề Trung Quốc ngang ngược đưa ra đường lưỡi bò…, chiếm lãnh hải của Việt Nam và của nhiều nước khác, gây mất an ninh.


Không những Trung Quốc chỉ đưa ra đường lưỡi bò, mà bây giờ họ lại còn đưa các hãng dầu của họ vào thềm lục điạ của Việt Nam, rồi kêu gọi thế giới đến để khai thác. Như vậy, là Trung Quốc ngang ngược, không những đưa ra yêu sách không đúng, mà lại còn cố tình gây khó khăn thêm.


Thành ra, khi đề cập đến vấn đề biển đảo, Việt Nam, hay những người nghiên cứu về Việt Nam, theo tôi, không những là phải tách rời vấn đề chủ quyền của Trường Sa và Hoàng Sa ra khỏi vấn đề lãnh hải của Việt Nam, mà cũng phải gắn liền vấn đề tranh chấp này với vấn đề an ninh cho toàn khu vực và cho thế giới. Có như thế thì mới được sự ủng hộ, không chỉ của các nước khác trong khu vực, mà của cả thế giới.


RFI : Về vấn đề chủ quyền tại Trường Sa và Hoàng Sa, « nói khác đi » là như thế nào ?


Ngô Vĩnh Long : Ví dụ như hiện có nhiều nước khác cũng có những đòi hỏi (chủ quyền) riêng của họ về vấn đề Trường Sa, chứ không phải chỉ một Việt Nam, thành ra phải nói là vấn đề chủ quyền của toàn bộ Trường Sa là vấn đề nên bàn cãi giữa các nước liên hệ, và đem vấn đề này ra trước thế giới, trước những cơ quan có thể giúp đi đến thương lượng. Tôi nghĩ đây là vấn đề quan trọng.


Không nên nói tất cả đều là của mình


Còn nếu chỗ nào có thể giải quyết song phương thì mình cứ tiếp tục làm. Thí dụ như về Vịnh Bắc bộ thì Việt Nam đã giải quyết song phương với Trung Quốc một phần lớn, hay là về phía Nam thì có một số vấn đề đã đồng ý với Malaysia.Nhưng mà nhiều vấn đề khác vẫn còn tranh chấp thì không nên nói hết tất cả là của mình.


Kể cả trong vấn đề Hoàng Sa, mình phải nói cho thế giới biết là Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm hết toàn bộ Hoàng Sa, nhưng mình cũng không nên nói rằng tất cả Hoàng Sa là hoàn toàn của Việt Nam. Mình có thể nhượng bộ trên một vài cái đảo, vài vùng nào đó, nhưng mình không chấp nhận chuyện dùng vũ lực chiếm, xong rồi cho đó là việc đã rồi.


Trung Quốc không những cho đó là việc đã rồi, mà lại còn làm như đó là những hòn đảo nhỏ hay những hòn đá có thể giúp cho Trung Quốc, hoặc cho ai chiếm chỗ đó, có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế. Tôi nghĩ là ngay từ đầu, Việt Nam nên nói là tại những vùng đảo đó, Việt Nam không chấp nhận là có vùng đặc quyền kinh tế, để người ta biết là dẫu có tranh giành được hầu hết hai vùng đảo đó, thì Việt Nam cũng không ngang tàng như Trung Quốc, như là bây giờ Trung Quốc hiện đang làm.


RFI : Gần đây, có ý kiến cho rằng Việt Nam cần phải tạm gác tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc để duy trì nguyên trạng. Giáo sư nhận định sao về đề nghị đó ?


Ngô Vĩnh Long : Trước hết đề nghị này - nếu như anh mới vừa nói - rất mập mờ và rất lộn xộn, có thể gây rất nhiều hiểu lầm.Hoàng Sa và Trường Sa là hai vấn đề khác nhau, và tranh chấp chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa cũng khác nhau. Ngoài ra, vấn đề tranh chấp chủ quyền dính đến vấn đề an ninh Biển Đông và toàn khu vực.


Cho nên, nếu ai mà có nhận định như vậy, tôi nghĩ là nhận định này rất nguy hiểm, vì 3 lý do sau đây : Trước hết nó sẽ gây nguy hại lâu dài cho Việt Nam, thứ hai nó sẽ làm « hỏng cẳng » các nước đang giúp đỡ và đang cố gắng để làm sao giữ gìn an ninh cho khu vực và cho thế giới. Và thứ ba là nó có thể tạo ra một cái tiền đề để Mỹ sau này có thể thỏa hiệp với Trung Quốc, chia ảnh hưởng trong khu vực Biển Đông và Thái Bình Dương. đặc biệt là nếu đảng Cộng Hoà lên nắm quyền tại Mỹ.


Tạm gác tranh chấp sẽ gây nguy hại lâu dài cho Việt Nam vì dã tâm của Trung Quốc


Tôi xin nói trước về nguy hại lâu dài cho Việt Nam như thế nào. Lập luận này không khác lập luận của Đặng Tiểu Bình ngày xưa khi (đề nghị) tạm gác chuyện tranh chấp chủ quyền trên đảo Hoàng Sa hay các đảo khác, để có thể cùng nhau « khai thác » những vùng khác.


Nhưng cái này có nghĩa là : « Tao đã lấy Hoàng Sa của mày rồi thì đừng có nói gì nữa. Bây giờ im đi. Rồi như vậy sẽ cùng nhau khai thác các lãnh vực mới chỗ khác ». Thì chuyện đó xẩy ra như thế nào : Trung Quốc đã dựa vào việc lấn chiếm bằng vũ lực Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa, để thúc đẩy cái gọi là đường 9 đoạn hay là cái lưỡi bò, và Trung Quốc làm việc này có bài bản.


Ví dụ như năm 1992, Trung Quốc đã cấp giấy phép thăm dò dầu khí cho công ty Crestone của Mỹ tại khu vực Tư Chính ((Vanguard Bank) thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, để xem thử phản ứng của Việt Nam và của thế giới như thế nào.Việt Nam thì đã nói rất mập mờ, thế giới lúc đó thì thấy là Trung Quốc nói như vậy như đâu có chuyện gì.


Trung Quốc lại tiếp tục đẩy lần lần, đẩy mãi… cho đến năm 2007 chẳng hạn, họ đã cho lưu hành tấm bản đồ phân lô dầu trên toàn bộ đường lưỡi bò. Cùng năm thì tỉnh Hải Nam thành lập (đơn vị hành chánh) Tam Sa để mà có thể kiểm tra hết tất cả vùng Biển Đông, kể cả Hoàng Sa và Trường Sa.


Lúc đó Việt Nam cũng ẫm ờ, nhưng bây giờ điều đó đã trở thành hiện thực : Tam Sa đã trở thành một thành phố do chính phủ và quân đội Trung Quốc thành lập. Và họ đã đưa hai sư đoàn thủy quân lục chiến vào đó. Và ngay sau đó họ đã kêu các hãng dầu trên thế giới đến vùng thềm lục điạ của Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để tìm dầu, trong 9 lô dầu, cách Hải Nam từ 350 đến 700 hải lý, nhưng ngay trên thềm lục điạ của Việt Nam. Thì như vậy rõ ràng là Trung Quốc muốn chứng minh cho thế giới rằng là từ Hoàng Sa, từ Trường Sa, họ sẽ dùng cái đó để chiếm lĩnh vùng lãnh hải và lãnh thổ của các nước khác.


Bây giờ họ làm như vậy, thế giới đã thấy rõ bộ mặt của Trung Quốc, và đang muốn làm sao để cho có thể đẩy Trung Quốc vào một cái thế bị động, và phải giải quyết vấn đề, thì Việt Nam lại nói « Thôi tạm quên (tranh chấp chủ quyền) đi để cùng khai thác với nhau ! ». Khi cùng khai thác, Trung Quốc sẽ không cho khai thác gần Hoàng Sa, kể cả đối với những người đánh cá Việt Nam.


Ngư dân Việt Nam đi gần đó đã bị Trung Quốc bắt từ bao nhiêu năm nay rồi. Gần đây, họ đã đưa ra mấy chục ngàn chiếc thuyền, gọi là của ngư dân Trung Quốc, rồi tàu ngư chính…, nghĩa là một thứ "lấy thịt đè người", rồi xua đuổi (ngư dân Việt) ra khỏi Biển Đông.


Bây giờ (nếu) Việt Nam nói « A, ta tạm quên chuyện ta tranh chấp lãnh thổ Hoàng Sa, Trường Sa đi để cùng nhau bắt cá với Trung Quốc », thì tôi nghĩ rằng làm như thế rất nguy hiểm, bởi vì (như vậy không khác gì) là nói với thế giới : « Tôi là nước bị nguy cập nhất, tôi là nước bị ăn hiếp nhất, nhưng mà tôi đã nhường rồi, thì các anh nhường đi ! ».


Phải tranh thủ thời cơ Trung Quốc đang bị vạch mặt chỉ tên là kẻ gây rối


Làm như vậy là làm « hỏng cẳng » tất cả các nước khác, đang cố gắng để cho Trung Quốc khỏi tiếp tục xâm phạm chủ quyền của nước khác. Đó là điểm thứ hai của tôi.


RFI : Giáo sư cũng nói đến điều nguy hại thứ ba liên quan đến việc tạo tiền đề cho Mỹ thỏa hiệp với Trung Quốc để phân chia ảnh hưởng. Cụ thể là như thế nào ?


Ngô Vĩnh Long : Điểm thứ ba là Trung Quốc cố tình làm căng ở Biển Đông cũng như ở nhiều nơi khác để nắn gân Mỹ, để Mỹ có thể nhượng bộ Trung Quốc trên một số vấn đề, trong đó có vấn đề kinh tế, mà ngay ở nước Mỹ hiện nay, có rất nhiều người muốn thỏa hiệp với Trung Quốc, trong bộ máy chính quyền và đặc biệt là những nhà tài phiệt, những nhà kinh tế lớn của Mỹ.


Bây giờ nếu Việt Nam không nhân tình hình mới - khi mọi người thấy rõ bộ mặt của Trung Quốc - để thúc đẩy chính quyền Mỹ, thúc đẩy các chính trị gia Mỹ là phải làm sao để cho Trung Quốc đừng có tham vọng lớn quá, mà lại nói « Ô thôi không sao ! », thì nếu Việt Nam nói « thôi không sao », điều đó sẽ tạo ra một cái tiền đề để cho Mỹ sau này thỏa hiệp với Trung Quốc, đặc biệt là nếu đảng Cộng hoà lên nắm quyền lực tại Mỹ. Tôi nghĩ vấn đề này rất có thể xẩy ra.


Thành ra, cách phân tích mà anh mới vừa nói, nếu mà đúng, thì tôi thấy rất nguy hiểm !


RFI : Nhưng mà trong vấn đề tạm gác tranh chấp, dường như đã có một tiền lệ là hợp tác Việt Nam - Malaysia tại Trường Sa ? Khác biệt như thế nào ?


Ngô Vĩnh Long : Khác biệt là hai bên có cái ý hợp tác với nhau ngay từ đầu, và không có cái ý tranh chấp chiếm đất của người khác.


Khi hai bên có ý hợp tác ngay từ đầu và nói "À ! Thôi thì cái chuyện tranh chấp mình tạm gác để hợp tác với nhau, khi hợp tác, tin tưởng lẫn nhau, dàn xếp cũng dễ hơn, mà mấy cái đảo nhỏ như thế này thì đâu có ăn thua gì miễn là mình tôn trọng luật pháp". Tất nhiên là những cái đảo mà đã chiếm rồi đó, mặc dầu bây giờ chưa giải quyết được, thì phải tuyên bố ngay là theo luật ở biển nếu là một cái đảo lớn rồi cũng không được quyền có vùng 12 hải lý, còn phần lớn cái khác, hòn đá nọ kia... thì quên chuyện đó đi.


Nếu hai nước đàng hoàng với nhau ngay từ đầu thì vấn đề sẽ khác. Còn khi một nước cố tình chiếm - mà đã chiếm bằng võ lực, và từ đó cứ nới rộng mãi - mà bây giờ ta lại nói "A,  tôi sẽ ăn nói nhường nhịn để sau này chúng ta có thể làm việc với nhau", thì trường hợp đó hoàn toàn khác.


Đó là lý do tại sao tôi nói câu nói đó (tạm gác tranh chấp) rất mập mờ và gây rối, vì phải nói rõ từng tình huống một : Tình huống những nước thân thiện với nhau, không cố tình hay có tham vọng chiếm đất của nhau, và tình huống là nói chuyện với một thằng... trong không biết bao nhiêu năm qua càng ngày càng lấy thịt đè người, và càng ngày càng rõ bộ mặt... Không thể có cùng cách đối xử với một tên tướng cướp và một người hàng xóm thân thiện. Và khi làm như vậy mình lại gây khó cho những người khác muốn bênh vực mình...


Thành ra tôi nghĩ là ngay trong lúc này Việt Nam có một cơ hội kéo cả thế giới vào, nói rằng là cái chuyện biển đảo này, trước hết là vấn đề như chủ quyền Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa, Trung Quốc đã dùng võ lực chiếm thì phải đem ra toà án Công lý Quốc tế để xử, còn những vấn đề mà Trung Quốc đang đe dọa Việt Nam trên thềm lục điạ, trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì đem ra trước Liên Hiệp Quốc xử, mà phải làm ngay.


Và phải tiếp tục làm, phải kiên trì, chứ không nói "Thôi, thôi, tạm quên đi !". Tạm quên như vậy tất nhiên là chiụ thua...Người thường ở Mỹ có câu "Silent is consent" : Anh đã im lặng tất nhiên anh đã đồng ý rồi ! Nếu Việt Nam nói "tạm quên đi" tất nhiên là Việt Nam nói "thôi, tôi chiụ thua rồi, không nói chuyện này nữa". Tất nhiên Việt Nam sẽ mất hết.


Cho nên theo tôi, ai có cái lập luận như vậy thì nên suy nghĩ lại bởi vì rất nguy hiểm..., cho Việt Nam và cho cả thế giới nữa.


Mỹ hoàn toàn có lý khi đả kích Trung Quốc về vụ Tam Sa


RFI : Liên quan cụ thể tới vùng Hoàng Sa, vừa rồi, Bộ Ngoại giao Mỹ ra một bản tuyên bố về Biển Đông, đả kích chuyện Trung Quốc cử một đơn vị quân đội đồn trú ngay trên khu vực Hoàng Sa. Có dư luận cho là Mỹ nói quá. Giáo sư nhận định như thế nào ?


Ngô Vĩnh Long : Tôi nghĩ Mỹ nói vấn đề này không quá. Bởi vì đây là vấn đề Trung Quốc thách thức cả thế giới. Trước hết đây là đảo vẫn còn tranh chấp, mà Trung Quốc đã cướp của người ta bằng võ lực, rồi bây giờ lại nói đây là chuyện đã rồi, bây giờ lại quân sự hóa các đảo đó.


Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ có ý định đưa hơn 2000 thủy quân lục chiến đến Úc. Chỗ mà Mỹ sẽ đưa thủy quân lục chiến đến cách xa Biển Đông cả mấy nghìn cây số, trong lúc Trung Quốc lại đưa quân đội đến Hoàng Sa mà chỉ cách Biển Đông vài chục, vài trăm cây số, và ngay trên đường thông thương của thế giới đi ngang đó. Tôi cho đây là một sự thách thức ghê gớm. Thành ra Mỹ lên tiếng là đúng.


Vấn đề, theo như nhận định của tôi từ lâu rồi, từ 4, 5 năm nay - không muốn nói là từ cuối thập kỷ 80 - là Trung Quốc càng ngày càng muốn lấn Mỹ ở Biển Đông, mà lấn Mỹ được, thì họ có thể uy hiếp các nước khác được.
Trung Quốc chờ thời cơ cho đến cuối năm 2008, mới đòi Mỹ chia đôi Thái Bình Dương. Sau khi Mỹ không chịu, thì càng ngày Trung Quốc càng có những thái độ dẫn đến vấn đề quân sự hóa Hoàng Sa hay là uy hiếp các nước trong khu vực bằng đường lối quân sự trong mấy năm qua.


Tôi thấy đối với Trung Quốc, vấn đề chủ yếu là tranh giành ảnh hưởng đối với Mỹ. Thành ra, nếu giữa Mỹ và Trung Quốc có sự cộng sinh về kinh tế và những vấn đề khác, thì tôi nghĩ là Mỹ có bổn phận lên tiếng, bởi vì nếu Mỹ không lên tiếng, thì các nước khác xung quanh đó nghĩ rằng là giữa Mỹ và Trung Quốc có sự thỏa hiệp. Mà nếu người ta nghĩ rằng giữa Mỹ và Trung Quốc có sự thỏa hiệp thì tôi cho rằng sẽ có một sự nháo nhác, rồi nước này ủng hộ Trung Quốc, nước kia ủng hộ Mỹ, hay là không dám làm cái gì đó, và tôi nghĩ là sẽ gây ra tình trạng mất an ninh cho toàn khu vực.


RFI : Xin cảm ơn giáo sư Ngô Vính Long.
02 Tháng Bảy 2024(Xem: 1422)
Lần thứ hai, Manila đệ nạp lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) Liên Hiệp Quốc văn kiện mở rộng thềm lục địa ở Biển Tây Philippines